Yes! 36+14 Chước Thuyết Phục Bất Kỳ Ai

47 – Tâm trạng u buồn sẽ khiến cuộc thương thuyết của bạn trở nên tồi tệ?



Trong một trích đoạn của loạt phim truyền hình thành công vang dội Sex and the City (Tình dục và thành phố), khi nhân vật chính Carrie Bradshaw đang đi dọc trên con phố của thành phố New York cùng người bạn thân, Samantha Jones, người đang nói cho Carrie biết tại sao gần đây cô cảm thấy buồn. Tại một đoạn của cuộc đối thoại, Jones, người đang đi khập khiễng kêu lên: “Oái!” Thấy vậy, Carrie hỏi, “Bạn yêu quý, nếu bạn buồn quá, tại sao chúng ta không đi mua sắm nhỉ?” Samantha vùng vằng: “Ngón chân cái của tớ bị đau, chứ không phải tớ đang buồn”.

Mỗi năm, hàng triệu người trong chúng ta khi có tâm trạng không vui lại tìm cách giảm nhẹ nỗi buồn qua việc mua sắm. Một cuộc nghiên cứu gần đây tiến hành bởi nhà khoa học xã hội Jennifer Lerner và các đồng nghiệp, khám phá xem làm thế nào những cảm xúc như buồn chán lại có thể tác động sâu sắc tới việc mua bán của mọi người. Qua đó, đưa ra cái nhìn sâu sắc thú vị về hiện tượng này.

Các nhà nghiên cứu giả định rằng trải nghiệm buồn chán tạo động lực cho con người thay đổi hoàn cảnh của mình, từ đó có thể giúp họ thay đổi tâm trạng. Họ cũng nghĩ rằng động lực này sẽ ảnh hưởng tới người mua và người bán theo những cách khác nhau: Người mua buồn chán sẽ sẵn sàng trả giá cho sản phẩm đưa ra cao hơn những người mua bình thường, trong khi những người bán không vui cũng với sản phẩm đó, lại đưa ra giá bán thấp hơn những người bán hàng có cảm xúc bình thường khác.

Trong một cuộc thí nghiệm được thiết kế nhằm kiểm tra những ý tưởng này, các nhà nghiên cứu đã tạo ra tâm trạng buồn chán hoặc không có cảm xúc nào ở những người tham gia bằng cách cho họ xem một trong hai đoạn phim. Những người được chỉ định cho tình huống có cảm xúc buồn chán đã xem một trích đoạn từ bộ phim The Champ (Sự nóng ruột), với cảnh nổi bật là cái chết của người thầy của một cậu bé; sau đó, họ được yêu cầu viết một đoạn văn ngắn về cảm xúc của mình nếu họ ở hoàn cảnh nhân vật này. Những ai được đặt trong tình huống không có cảm xúc thì xem một đoạn phim có tâm trạng bình thường, với đặc trưng là những loài cá và rồi sau đó viết về các hoạt động cá nhân hàng ngày của mình. Sau đó, tất cả được thông báo rằng họ sẽ tham gia phần thứ hai của cuộc nghiên cứu. Một nửa số người tham gia được đưa cho vài chiếc bút nhớ dòng và yêu cầu trả giá bán; nửa còn lại được yêu cầu trả giá sẽ mua bộ bút đó.

Kết quả thu được đã hỗ trợ cho khẳng định của Lerner. Những khách hàng buồn phiền sẵn sàng mua những chiếc bút này với giá đắt hơn 30 xu so với những người mua có tâm trạng bình thường. Và những người bán hàng không vui lại sẵn sàng bán chúng rẻ hơn khoảng 33 xu so với những người bán hàng bình thường. Hơn nữa, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy sự chuyển đổi cảm xúc từ phim ảnh sang những quyết định kinh tế của người tham gia xuất hiện hoàn toàn bên ngoài sự nhận thức của họ – họ không hề biết rằng mình bị ảnh hưởng sâu sắc bởi cảm xúc buồn phiền còn sót lại.

Vậy cuộc nghiên cứu này liên quan gì tới bạn? Trước khi đưa ra một quyết định quan trọng, bắt đầu một cuộc thương thuyết mang tính quyết định hay thậm chí là trả lời một email không mấy thiện cảm, quan trọng là bạn phải nhận thức được cảm xúc nào mình đang có. Ví dụ, giả sử bạn có nhiệm vụ thương lượng về các điều khoản tài chính trong hợp đồng với đối tác. Nếu bạn vừa trải qua một tình huống xúc động, ngay cả khi bạn có thể nghĩ khả năng đưa ra quyết định của mình sẽ không bị ảnh hưởng, bạn cũng nên cân nhắc việc hoãn lại quá trình thương lượng. Một sự trì hoãn ngắn ngủi sẽ tạo thời gian để cảm xúc lắng xuống và cho phép bạn có những lựa chọn hợp lý hơn.

Bất kể trạng thái cảm xúc của bạn là gì, sẽ là thói quen tốt trong bất kỳ tình huống đưa ra quyết định quan trọng nào nếu dành một chút thời gian để vượt qua cảm xúc của chính mình. Mọi người thường đặt lịch các cuộc họp sao cho thật thuận tiện. Tuy nhiên, bằng việc cho bản thân một thời gian giải lao ngắn giữa các cuộc họp, bạn sẽ làm giảm những cảm xúc được tạo ra trong cuộc họp tràn sang phần tiếp theo – đặc biệt nếu giai đoạn sau của cuộc họp liên quan đến những quyết định quan trọng.

Điều này cũng đúng với những quyết định bạn đưa ra tại gia đình. Bạn có thể đang cân nhắc mua một số đồ đạc mới, một số đồ gia dụng, một số mẫu mã để trang trí lại ngôi nhà mình, hay thậm chí mua đồ cho ngôi nhà mới của mình. Hoặc bạn cũng có thể đang đưa ra giá cho những vật dụng mình định bán trên mạng. Trong những tình huống đó, sẽ thật thông minh nếu bạn dừng lại, xem xét cảm xúc của mình và trì hoãn hành động cho đến khi bạn cảm thấy mình có tâm trạng bình thường.

Cuối cùng, những người tìm kiếm sự ảnh hưởng đến các quyết định của người khác nên nhận thức được vai trò của cảm xúc. Tất nhiên, sẽ thật ngu xuẩn và sai lầm khi cố gắng thuyết phục người nào đó vừa trải qua cảm xúc buồn phiền bằng một mẩu thông tin – hay thậm chí tệ hơn là cố tạo ra vài chủ đề khiến người khác rơi vào tình trạng u ám (ví dụ, ‘Này, tớ nghe tin xấu về con chó của cậu. Tiện thể, đây là giá tớ có thể đưa ra cho vụ làm ăn của chúng ta’). Những quyết định kiểu này thường dẫn tới điều đáng tiếc và ít khi xây dựng được những mối quan hệ lâu dài. Trong thực tế, bằng việc trì hoãn những cuộc thương lượng với người vừa trải qua cảm xúc tiêu cực, bạn sẽ củng cố mối quan hệ của mình khiến bản thân trở nên đáng khâm phục, chu đáo và thông thái, những phẩm chất quý báu mà bất cứ ai cũng mong muốn có được để trở nên thuyết phục hơn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.