Yes! 36+14 Chước Thuyết Phục Bất Kỳ Ai

23 – Nguy cơ tiềm ẩn của việc trở thành người nổi bật nhất trong khán phòng là gì?



Khi đã quá chén, khách quen của các quán rượu thường trở thành tác giả của những câu chuyện phiếm. “Tôi đã hẹn hò với siêu mẫu đó trước khi cô ta nổi tiếng”. Việc đó chắc rồi. “Tôi lẽ ra đã thắng gã, nhưng tôi không muốn gã bị thương”, ừ, ừ. Hoặc là “Lẽ ra tôi đã chơi cho đội tuyển Anh, nhưng một nốt sưng ở ngón chân cái buộc tôi phải giải nghệ”. Đúng thế!

Nhưng trong một đêm giá lạnh và khó chịu vào tháng 2 năm 1953, có hai quý ông đã tiến vào một quán rượu ở Cambridge, và sau khi gọi đồ uống, một trong số họ thông báo với những bạn rượu khác một điều được coi là chuyện phiếm nhất trong số tất cả các chuyện tào lao rằng: “Chúng tôi đã tìm ra được bí mật của sự sống”.

Tuy rằng tuyên bố của họ khoe khoang và ngạo mạn nhưng đó lại là sự thật. Vào buổi sáng hôm đó hai nhà khoa học là James Watson và Francis Crick đã thực sự phát hiện ra bí mật của sự sống: họ đã phát hiện ra cấu trúc xoắn đôi của DNA, một nguyên tố sinh học chứa thông tin về gen của sự sống.

Vào lễ kỷ niệm lần thứ 50 những sự kiện được miêu tả là những phát hiện khoa học quan trọng nhất của thời đại, Watson đã tham gia buổi phỏng vấn với đề tài thuộc thành tựu này. Buổi phỏng vấn được thiết kế nhằm khám phá các khía cạnh trong công việc của Watson và Crick, đã giúp họ tháo gỡ bí mật của cấu trúc DNA trước hàng loạt các nhà khoa học siêu đẳng khác như thế nào.

Trước tiên, Watson liệt kê hàng loạt các yếu tố phụ trợ không có gì đặc biệt nhưng điều quan trọng là ông và Crick đã xác định đây là vấn đề quan trọng nhất để nghiên cứu. Họ đều tha thiết với công việc và toàn tâm với nhiệm vụ đề ra. Họ sẵn sàng bao quát cả những phương thức tiếp cận nằm ngoài phạm vi chuyên môn của mình. Nhưng sau đó, ông đưa thêm một nguyên nhân gây sốc nữa cho thành công của mình, ông và Crick đã phá vỡ mật mã khó lý giải của chuỗi DNA vì họ không phải là các nhà khoa học thông minh nhất đi tìm câu trả lời.

Watson tiếp tục tuyên bố rằng tự cho mình là người ra quyết định thông minh nhất hay là người thông minh nhất thời đại thực tế lại là một tình huống nguy hiểm nhất. Vậy hiểm họa gì tiềm ẩn khi bạn là người thông minh nhất trong khán phòng?

Trong buổi phỏng vấn, Watson tiếp tục giải thích rằng vào thời điểm hiện nay người thông minh nhất nghiên cứu về đề tài này là Rosalind Franklin, nhà khoa học người Anh đang làm việc tại Paris. ông nói: “Rosalind thông minh đến nỗi, ít khi thấy bà tìm kiếm lời khuyên từ ai. Nếu anh là người nổi bật nhất khán phòng thì anh sẽ gặp rắc rối đấy”.

Nhận xét của Watson làm sáng tỏ một lỗi thường gặp phải của những nhà lãnh đạo thiện chí. Khi lãnh đạo của tổ chức đang giải quyết một công việc hay vấn đề cụ thể ví như làm thế nào thiết kế được một quy trình bán hàng hiệu quả nhất cho khách hàng tiềm năng hay một chiến dịch gây quỹ hiệu quả nhất cho hội giáo viên – phụ huynh, họ nên đảm bảo rằng mình hợp tác với các thành viên trong nhóm vì mục tiêu đó, ngay cả khi họ là người có kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng. Nhà khoa học nghiên cứu hành vi Patrick Laughlin và các cộng sự đã chỉ ra kết quả và phương pháp thu được từ làm việc theo nhóm không chỉ tốt hơn cho giải pháp của mỗi thành viên làm việc đơn lẻ mà thậm chí còn tốt hơn những gì thu được từ một chuyên gia xử lý vấn đề trong nhóm khi người này làm việc một mình. Nhờ vào kinh nghiệm, kỹ năng và sự thông thái, đa số các lãnh đạo đã tự cho mình là người có khả năng giải quyết vấn đề nhất mà không cần hỏi ý kiến những thành viên khác trong nhóm.

Nghiên cứu do Laughlin và các cộng sự tiến hành giúp chúng ta hiểu tại sao những người lãnh đạo giỏi nhất làm việc độc lập để tìm ra giải pháp sẽ bị đánh bại bởi những người không phải là chuyên gia nhưng là một đội hợp nhất trong công việc. Thứ nhất, những người ra quyết định đơn độc không thể sánh được với kiến thức phong phú và tầm nhìn của một nhóm. Ý kiến được đưa ra từ các thành viên sẽ kích thích quá trình suy nghĩ, điều không thể phát triển được khi làm việc đơn lẻ. Chúng tôi nhớ rằng mình đã được định hướng một nhận xét của một đồng nghiệp, người không chỉ đưa ra lời nhận xét sáng suốt mà còn nhen lên ngọn lửa cho nhóm chúng tôi. Thứ hai, người tìm kiếm giải pháp một mình nghĩa là họ để mất đi một lợi thế rất lớn đó là sức mạnh của quá trình xử lý song hành. Trong khi một nhóm làm việc có thể phân chia từng nhiệm vụ nhỏ cho mỗi thành viên của nhóm thì người làm việc đơn lẻ phải lần lượt hoàn thành từng phần việc.

Tuy nhiên có khi nào sự hợp tác toàn diện lại mạo hiểm không? Xét cho cùng, những quyết định được ban điều hành đưa ra tiếng xấu nếu biểu hiện dưới mức trung bình. Đối với vấn đề này, khuyến cáo của chúng tôi là không nên áp dụng chiến lược bỏ phiếu để đi đến kết luận cuối cùng. Thực ra lời khuyên của chúng tôi là không nên đưa ra những kết luận chung nào cả. Lựa chọn cuối cùng nên để cho ban lãnh đạo đảm nhận. Đây là quá trình tìm kiếm ý tưởng mà các lãnh đạo nên tham gia cùng với nhau. Những ai thường xuyên đưa ra nhiều ý tưởng nhóm sẽ gây dựng được những mối quan hệ gần gũi và hòa hợp với nhóm của họ, từ đó tăng cường sự hợp tác và ảnh hưởng trong tương lai. Nhưng nguy cơ cái tôi bị tổn thương hay mất động lực khi ý tưởng của một thành viên nhóm hoàn toàn bị bác bỏ liệu có xảy ra? Điều trên có lẽ sẽ không xảy ra khi một lãnh đạo khẳng định rằng mỗi quan điểm sẽ được cân nhắc trong suốt quá trình. Mặc dù xây dựng lên một đội ngũ gồm những nhân viên được khuyến khích hợp tác với nhau có thể không cho phép bạn tuyên bố như Watson và Crick rằng bạn đã “tìm ra bí mật của sự sống” nhưng nó sẽ giúp bạn tìm ra bí mật để mở khóa khả năng tiềm tàng của chính bạn và nhóm của bạn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.