Yes! 36+14 Chước Thuyết Phục Bất Kỳ Ai

9 – Chơi cờ tướng có thể dạy chúng ta cách tạo ra những bước chuyển biến đầy tính thuyết phục như thế nào?



Tháng 4 năm 2005, mặc dù phải đối mặt với những chỉ trích mạnh mẽ từ chính phủ Hoa Kỳ, song quốc hội của một nước có chủ quyền đã bỏ phiếu tán thành việc trao quyền công dân cho Bobby Fischer – cựu vô địch cờ vua thế giới và là một kẻ chạy trốn luật pháp Mỹ. Quốc gia nào đã dám mạo hiểm gây căng thẳng quan hệ với một cường quốc mạnh nhất thế giới để bảo vệ một kẻ ngoài vòng pháp luật quái gở, người đã công khai ngợi ca những kẻ cướp máy bay gây nên vụ 11/9/2001? Quốc gia đó có thể là Iran, Syria hay Bắc Triều Tiên?

Thực tế thì không phải là các quốc gia trên. Quốc hội của quốc gia đã trao quyền công dân cho Bobby Fischer lại là một đồng minh trung thành của Mỹ – Iceland. Trong số tất cả các quốc gia trên thế giới, tại sao Iceland lại sẵn sàng dang rộng vòng tay chào đón Bobby, đặc biệt sau khi hắn đã vi phạm hình phạt của Liên Hiệp Quốc vì đã chơi một ván cờ đánh cược lên đến năm triệu đô-la trên đất Yugoslavia?

Câu trả lời đời hỏi chúng ta phải lật lại lịch sử hơn 30 năm về trước để xem chuyện gì đã xảy ra xung quanh trận thi đấu cờ vua đỉnh cao – ván đấu tranh giải vô địch cờ vua thế giới giữa Bobby Fischer – kẻ thách đấu và kiện tướng cờ vua nước Nga, Boris Spassky – người bảo vệ chức vô địch. Không có một ván đấu nào trong lịch sử môn cờ vua lại nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng toàn cầu như vậy, nó đã nhận được sự hối thúc từ khắp nơi. Nó được diễn ra vào thời kỳ đỉnh điểm của chiến tranh lạnh và đã được coi là ván cờ của thế kỷ.

Với sự lập dị đặc trưng, Fischer đã không đến được Iceland để tham dự lễ khai mạc. Những ngày sau đó, trận đấu cờ dường như không thể diễn ra vì các quan chức Iceland có lẽ không đáp ứng được hàng tá các đời hỏi của Fischer, trong đó có yêu sách không ghi băng truyền hình và 30% tổng thu nhập từ bán vé sẽ thuộc về Fischer. Những hành động của đấu thủ này đầy rẫy các mâu thuẫn, giống như những mâu thuẫn xảy ra trong suốt sự nghiệp thi đấu và đời sống cá nhân của ông. Cuối cùng, sau khi bất ngờ tăng gấp đôi phần thưởng cùng những nỗ lực thuyết phục trong đó có cả cuộc điện thoại nổi tiếng từ ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, Fischer đã bay tới Iceland và đánh bại Spassky một cách không mấy khó khăn. Cho đến trước khi ván đấu kết thúc, thông tin về nó đã có mặt trên khắp các tờ báo trong và ngoài nước. Trên thực tế, Iceland sẵn sàng bỏ qua cá tính kỳ cục của Fischer vì theo như một tờ báo của nước này, “Fischer đã đưa Iceland lên bản đồ thế giới”.

Đây quả thực là một món quà ý nghĩa mà Fischer dành tặng cho một quốc gia biệt lập như Iceland. Vì ý nghĩa của nó mà cho đến tận 30 năm sau, người dân Iceland cũng chưa thể quên. Đại diện của bộ ngoại giao nước này từng tuyên bố rằng Fischer đã “đóng góp rất lớn cho một sự kiện đặc biệt được tổ chức tại đây, mà đến 30 năm sau, quốc gia này vẫn nhớ đến rất rõ”. Theo các chuyên gia phân tích của đài BBC, người dân Iceland rất muốn đáp lại những gì Fischer đã làm bằng cách trao tặng Fischer một thánh địa trú ẩn mặc dù rất nhiều người không ưa gì ông.

Sự kiện này nhấn mạnh tầm quan trọng cũng như tính toàn cầu của nguyên lý sự đáp trả, buộc chúng ta có trách nhiệm hồi đáp người khác những gì chúng ta đã nhận từ họ. Cũng chính nguyên lý này lái chúng ta tới sự công bằng trong những quan hệ xã hội, giao thiệp kinh doanh hàng ngày cùng những mối quan hệ thân thiết khác; nó giúp chúng ta tin tưởng người khác.

Nhà nghiên cứu Dennis Reagan đã tiến hành một nghiên cứu kinh điển về chuẩn mực của sự đáp trả. Trong thí nghiệm, những người đã nhận được từ Joe – cậu bé bán vé số một món quà nhỏ, một lon Coca-Cola – đã mua gấp đôi lượng vé số cho cậu so với những người không nhận được lon Coca nào. Điều này xảy ra bất chấp thực tế rằng có một khoảng thời gian cách nhau giữa hành động tặng quà và lời yêu cầu mua vé và cậu bé cũng không hề đả động gì đến món quà khi mời những người này mua vé số.

Một góc cạnh khác trong nghiên cứu của Reagan đã làm rõ vấn đề tại sao chính phủ Iceland lại cảm thấy có trách nhiệm đáp lại những gì mà Fischer đã làm cho quốc gia này mặc dù ông là một nhân vật gây nhiều tranh cãi. Tuy có rất nhiều ghi chép về mối liên kết đặc biệt lớn giữa cảm giác thích và sự hài lòng, song Reagan phát hiện ra rằng những ai đã nhận Coca từ Joe có quyết định mua vé số hoàn toàn không liên quan gì đến việc họ thích cậu hay không. Nói cách khác, những người đã nhận Coca dù không thích Joe cũng mua nhiều vé số của Joe như những người thích cậu. Điều này chứng tỏ rằng, cảm giác nợ nần do sức mạnh của sự đáp trả tạo nên có thể là nguyên nhân cốt yếu của cảm giác yêu thích. Sự thật là, chuẩn mực sự đáp trả với sức mạnh tiềm tàng thực sự còn vượt trội hơn cả cảm giác thích là một kho tàng nội tâm cho bất cứ ai mong muốn trở nên thuyết phục hơn. Đây cũng có thể coi là tin vui đối với ai được yêu cầu thực hiện một việc lớn và có chi phí cao cho người khác, mặc dù không đạt được những lợi ích nhỏ trước mắt. Với tư cách là những người mong muốn gây ảnh hưởng có đạo đức và được nhận thức tốt, chúng ta được nhắc nhở là phải giúp đỡ người khác hay nhượng bộ họ trước. Nếu chúng ta tìm ra và giúp đỡ một thành viên trong nhóm, một đồng nghiệp hay một người quen, chúng ta đã ngầm thông báo với họ một trách nhiệm xã hội rằng trong tương lai họ sẽ phải giúp lại mình. Giúp đỡ ông chủ sẽ đưa chúng ta vào một lợi thế hợp tác trong mắt họ và do đó sẽ giúp chúng ta khi chúng ta cần giúp đỡ. Một giám đốc khi cho phép một nhân viên nghỉ làm sớm hơn bình thường để đi gặp bác sĩ răng miệng là người đã đầu tư rất thông minh vào người nhân viên đó, tạo ra nhu cầu phải đáp lại hành động của sếp bởi vào một lúc nào đó, họ sẽ ở lại làm việc muộn hơn để hoàn thành một dự án quan trọng.

Chúng ta thường mắc lỗi khi muốn thuyết phục hay yêu cầu ai đó giúp đỡ rằng “Ai có thể giúp tôi bây giờ?”. Đây có thể là một phương pháp thiển cận trong việc gây ảnh hưởng tới người khác. Chúng tôi cho rằng sẽ tốt hơn nếu bạn tự hỏi mình, “Chúng ta có thể giúp đỡ ai bây giờ?” Biết được chuẩn mực của sự đáp trả và trách nghiệm xã hội đối với người khác sẽ khiến đề nghị được giúp đỡ của bạn trong tương lai hiệu quả hơn. Xét một cách tổng thể, nếu ban quản lý muốn hoàn thành công việc thông qua những người khác, một mạng lưới hùng hậu gồm các đồng nghiệp mắc nợ vô hình, những người trước đây được hưởng lợi từ những thông tin hữu dụng, từ sự nhượng bộ, và có thể từ một người biết lắng nghe, sẽ có thể thay mặt giám đốc giải quyết vấn đề. Tương tự đối với bạn bè, hàng xóm hay con em chúng ta, họ cũng sẽ đáp lại yêu cầu của chúng ta. Cũng cần lưu ý rằng có một kiểu người đặc biệt mà với họ một đặc ân nhỏ có thể là rất lớn – các trung tâm dịch vụ hàng không. Nếu bạn từng bị thanh toán nhầm từ thẻ tín dụng hoặc cố gắng thay đổi chuyến bay vào phút chót hay muốn trả lại một thứ đã mua, hẳn bạn đã gặp phải những trung tâm dịch vụ khách hàng không thể giúp đỡ mình. Để giảm thiểu khả năng thất bại trong các tình huống đó, hãy thử các bước sau: nếu ngay từ đầu khi tiếp chuyện bạn thấy trung tâm này rất thân thiện, có trách nhiệm – trước khi đưa ra yêu cầu hóc búa của mình – hãy nói với trung tâm rằng bạn rất hài lòng với những dịch vụ của trung tâm và sẽ viết một lá thư khen ngợi gửi lên cấp trên của họ về cuộc nói chuyện này ngay sau khi bạn cúp điện thoại. Sau khi có được tên của người đối thoại và các thông tin về sếp của anh ta, bạn có thể đi từng bước đến yêu cầu hóc búa đó của mình. (Một cách khác là, bạn hãy nói với người đối thoại rằng bạn rất hài lòng với các dịch vụ của trung tâm và sẽ gửi lên sếp của anh ta những lời khen ngợi khi bạn xong việc, qua đó bạn có thể trực tiếp khen ngợi anh nhân viên đó). Mặc dù còn có những nguyên nhân tâm lý khác giải thích tại sao đây là một chiến lược khá hiệu quả, song chuẩn mực của sự đáp trả là một yếu tố quan trọng: bạn đã từng giúp đỡ người khác và giờ người ta cảm thấy có trách nhiệm giúp đỡ lại bạn. Và, không mất mát gì khi bạn viết một lá thư hay email, gửi đến giám đốc của trung tâm đó, bạn có thể sẽ tránh không lạc vào một ván cờ chiến thuật (và có thể là một cuộc đấu khẩu) với trung tâm hàng không đó vì điều này có thể khiến bạn thất vọng hay tức tối đấy. Khi bạn còn giữ đúng lời hứa, chiến lược này còn hữu hiệu và mang tính đạo đức cao.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.