Yes! 36+14 Chước Thuyết Phục Bất Kỳ Ai
16 – Một câu hỏi đơn giản có thể đặc biệt tăng cường sự hỗ trợ cho bạn và những ý tưởng của bạn như thế nào?
Bất kỳ chính trị gia nào cũng có thể cho bạn biết rằng, trong những giai đoạn khác nhau của cuộc bầu cử, các ứng cử viên phải chịu một áp lực lớn để tìm ra cách không chỉ thuyết phục cử tri về giá trị con người họ, mà còn phải lôi kéo những người ủng hộ mình đến nơi bỏ phiếu vào ngày bầu cử. Trong khi, chí ít là ở Mỹ, một vài ứng cử viên lại ném tiền vào những hoạt động quảng cáo trên truyền hình, thư từ và xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, thì một ứng cử viên khôn ngoan – cũng có thể là người sẽ được bầu – sẽ tìm cách nắm chắc không chỉ nghệ thuật thuyết phục mà cả khoa học thuyết phục nữa.
Một ví dụ điển hình là kỳ bầu cử tổng thống Mỹ năm 2000 đã khẳng định rằng chúng ta nhận thức rõ hơn bao giờ hết giá trị của mỗi lá phiếu khi mà chỉ có 537 phiếu bầu đã tạo nên sự khác biệt. Trong suốt quá trình tranh cử đáng hổ thẹn năm đó, cùng với sự tập trung của các phương tiện thông tin đại chúng cũng như của cả nước Mỹ vào hàng loạt các vấn đề gây tranh cãi, chỉ một thắng lợi rất nhỏ theo hướng này hay hướng khác cũng có thể có ảnh hưởng lớn đến kết quả cuối cùng. Chiến lược giản đơn nào đã được sử dụng để lôi kéo những người ủng hộ đến nơi bầu cử?
Câu trả lời chỉ đơn giản là yêu cầu cử tri tiềm năng nói trước xem liệu họ có đi bầu vào ngày bầu cử hay không và dò hỏi nguyên nhân vì sao. Khi nhà khoa học xã hội Anthony Greenwald cùng các đồng nghiệp thử sử dụng kỹ thuật này với các cử tri tiềm năng vào đêm trước ngày bầu cử, những người được hỏi về dự định của họ đã tiết lộ tỷ lệ sẽ đi cao hơn 25% so với những người không được hỏi (86,7% so với 61,5%).
Có hai quá trình tâm lý quan trọng ẩn chứa trong kỹ thuật này. Thứ nhất là khi mọi người được hỏi liệu có tham gia những sự kiện được cả xã hội mong đợi trong tương lai hay không, họ cảm thấy buộc phải trả lời là có vì điều đó sẽ giúp giành được sự đồng thuận của xã hội. Cân nhắc mức độ quan trọng mà người dân đánh giá về việc bầu cử, người được hỏi sẽ rất khó để từ chối và nói rằng họ định ở nhà xem ti vi về chương trình trách nhiệm công dân. Sẽ không có gì ngạc nhiên khi sau đó, trong nghiên cứu này, 100% những người được yêu cầu dự đoán về hành động bầu cử của họ đã tuyên bố rằng họ thực sự sẽ đi bầu cử.
Thứ hai, đại đa số (nếu không phải là tất cả) mọi người, một khi đã tuyên bố sẽ thực hiện hành vi được cả xã hội mong đợi, sẽ có động lực thực hiện hành động đúng với những gì đã cam kết. Một ví dụ khác, một nhà hàng đã giảm được rất lớn tỷ lệ khách không đến dù đã đặt chỗ trước (khách đã đặt bàn nhưng không đến và cũng không gọi điện đến hủy chỗ đã đặt) bằng cách yêu cầu nhân viên lễ tân thay đổi một chút trong lời nói khi nhận thông tin đặt chỗ trước từ khách hàng từ “Vui lòng gọi trước nếu quý khách buộc phải hủy chỗ” sang câu, “Quý khách sẽ gọi lại nếu buộc phải hủy chỗ chứ?”. Tất nhiên, hầu hết các thực khách cam kết sẽ gọi lại bằng câu trả lời “được”. Quan trọng hơn, sau đó họ cảm thấy có trách nhiệm phải thực hiện cam kết của mình: tỷ lệ thực khách không đến nhà hàng khi đã đặt chỗ trước giảm từ 30% xuống còn 10%.
Do đó, phương pháp đơn giản cho các ứng cử viên có được nhiều cử tri đến nơi bầu cử là nhờ tình nguyện viên kêu gọi cử tri và hỏi xem liệu họ có đi bầu trong kỳ bầu cử tới không và đợi họ trả lời “có”. Nếu những người kêu gọi sau đó nói thêm: “Chúng tôi sẽ đánh dấu là anh ‘có’ tham gia và sẽ thông báo cho mọi người khác biết nữa”, cam kết này hàm chứa ba yếu tố giúp thắt chặt lời cam kết của cử tri: mang tính tình nguyện, chủ động và được công bố rộng rãi trong công chúng.
Những bài học nào rút ra để có thể sử dụng hiệu quả tại nơi làm việc và rộng hơn là trong cộng đồng dân cư? Lấy ví dụ, bạn đang định quyên góp tiền cho một tổ chức nhân đạo phi lợi nhuận mình yêu thích nhưng vẫn chần chừ không muốn đăng ký cho đến khi khá chắc rằng mình sẽ nhận được sự ủng hộ từ người khác. Việc hỏi ý kiến gia đình, bạn bè, đồng nghiệp xem liệu họ có tham gia quyên góp hay không sẽ không chỉ cho bạn một ý tưởng về những đóng góp ban đầu cho điều bạn đang làm mà còn tăng khả năng họ sẽ quyên góp cho bạn khi họ đã đồng ý tham gia.
Một ví dụ khác của chiến lược này, hãy tưởng tượng bạn là trưởng nhóm và bạn nhận ra sự thành công của ý tưởng mới không chỉ phụ thuộc vào sự đồng thuận bằng lời từ các thành viên trong nhóm, mà còn là việc biến sự ủng hộ đó thành những hành động có ý nghĩa. Thay vì chỉ giải thích cho các thành viên nhóm những lợi ích sẽ thu được từ việc áp dụng ý tưởng mới, bạn nên hỏi xem liệu họ có sẵn sàng ủng hộ ý tưởng như vậy không và chờ đợi một câu trả lời “có”. Bước tiếp theo, bạn nên yêu cầu họ nói ra những nguyên nhân khiến họ ủng hộ.
Dù vai trò của bạn là gì, một giám đốc, một giáo viên, một nhân viên bán hàng, một chính trị gia hay một người gây quỹ, chúng tôi cho rằng bạn sẽ nhận ra rằng nếu sử dụng chiến lược này, bạn có thể tạo nên một phiếu bầu quan trọng nữa – một phiếu bầu đầy sức mạnh cho sự tự tin trong công việc.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.