Yes! 36+14 Chước Thuyết Phục Bất Kỳ Ai

46 – Vật dụng nào có thể thuyết phục mọi người phản ánh giá trị của họ?



Chiếc gương, chiếc gương trên tường, cái gì là vật thuyết phục con người nhất? Thực ra, chiếc gương, chính là bạn đấy.

Không ai có thể nghi ngờ rằng mục đích ban đầu của chiếc gương là để soi xem bề ngoài chúng ta trông như thế nào, nhưng những chiếc gương lại có vai trò như những chiếc cửa sổ mà nhìn vào đó, chúng ta thấy mình trông ra sao – và, có thể quan trọng hơn, chúng ta muốn như thế nào – tính cách con người chúng ta. Kết quả là, tự nhìn vào gương sẽ khiến chúng ta hành xử theo các cách được xã hội mong đợi hơn.

Hãy lấy ví dụ, một cuộc nghiên cứu được tiến hành bởi nhà khoa học xã hội Arthur Beaman và các đồng nghiệp vào ngày hội Halloween. Thay vì tiến hành cuộc nghiên cứu tại thư viện trường đại học hay trên phố, Beaman đã tạm thời chuyển mười tám hộ dân tới những nơi có trang thiết bị nghiên cứu. Khi những chú nhóc mặc trang phục hóa trang bấm chuông cửa, một trợ lý nghiên cứu sẽ ra chào chúng, hỏi tên và sau đó chỉ chúng tới một đĩa kẹo đầy đặt ngay trên một chiếc bàn gần đó. Sau khi nói với lũ trẻ rằng chúng chỉ có thể lấy một chiếc kẹo, người trợ lý nói rằng mình có việc phải làm, và nhanh chóng rời khỏi căn phòng. Đó là một phần nguỵ trang của cuộc thí nghiệm. Và phần ngụy trang đó là: lũ trẻ không biết rằng, ngoài thực tế chúng được tham gia một cuộc thử nghiệm thông minh, có một người đang theo dõi chúng qua một ô bí mật. Đó chính là cô trợ lý nghiên cứu, người có nhiệm vụ ghi lại xem liệu mỗi đứa trẻ có xử sự dối trá khi lấy hơn một chiếc kẹo hay không.

Khi có kết quả, dữ liệu cho thấy, hơn một phần ba lũ trẻ đã lấy nhiều hơn số kẹo chúng được phép – chính xác là 33,7%. Nhưng các nhà nghiên cứu muốn xem liệu họ có thể giám tỷ lệ những tên nhóc trộm kẹo này xuống bằng cách sử dụng một chiếc gương hay không. Trong những trường hợp này, trước khi chuông cửa reo, người trợ lý nghiên cứu đã đặt một chiếc gương lớn cạnh đĩa kẹo, theo cách này, những đứa trẻ hoá trang kia sẽ nhìn thấy chính mình trong gương khi chúng ra lấy kẹo. Tỷ lệ những chú trộm khi xuất hiện chiếc gương thế nào? Chỉ còn 8,9%.

Trong một nỗ lực tương tự, một người trong nhóm chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu xem làm thế nào việc thu hút mọi người nhìn lại hình ảnh của mình có thể khiến họ hành xử thống nhất với giá trị bản thân. Nhờ sự hướng dẫn của nhà khoa học hành vi Carl Kallgren, trước tiên chúng tôi đánh giá thái độ của người tham gia về hành vi xả rác ngay khi bắt đầu một khoá học. Sau đó, khi mọi người đến thư viện, một nửa ngồi gần ống kính máy quay và họ có thể nhìn thấy hình ảnh của mình (như thế nó gần giống với việc họ soi mình vào một chiếc gương), trong khi nửa kia lại ngồi gần chiếc ống kính có các hình khối. Người tham gia được thông báo rằng mình sẽ hoàn thành một nhiệm vụ đời hỏi phải theo dõi nhịp tim của họ và cần bôi một ít chất gel lên tay. Khi những người tham gia tin rằng vai trò của mình trong cuộc nghiên cứu đã kết thúc, một trợ lý nghiên cứu đưa cho họ một chiếc khăn giấy để lau chất gel kia và đề nghị họ ra ngoài bằng lối cầu thang. Chúng tôi đã theo dõi xem liệu có người tham gia nào ném chiếc khăn giấy tại cầu thang trên đường ra ngoài hay không.

Điều chúng tôi nhận thấy là khi họ không nhìn thấy hình ảnh của chính mình trước khi có cơ hội xả rác, khoảng 46% người tham gia đã ném chiếc khăn giấy kia đi. Nhưng khi họ được nhìn thấy hình ảnh mình, chỉ có khoảng 24% đã làm như vậy. Điều cuộc nghiên cứu này đã làm là trả lời cho câu hỏi, “Làm thế nào những người xả rác kia nhìn thấy chính mình trong gương hàng ngày?” Câu trả lời dường như là họ không thể làm được.

Trong đời sống hàng ngày, chúng ta có thể sử dụng những chiếc gương để thuyết phục người khác ứng xử khéo léo tối đa có thể theo các cách mà xã hội mong đợi. Ngoài việc nói cho chúng ta biết cách tổ chức thiết đãi lễ hội Halloween, cuộc nghiên cứu này còn chỉ ra rằng việc đặt những chiếc gương phù hợp có thể khuyến khích lũ trẻ ứng xử tốt hơn với những người bạn của chúng. Tương tự, một trưởng phòng có kinh nghiệm với nhân viên trộm đồ – ví dụ như trong kho hàng của công ty bạn – có thể nhận ra những chiếc gương này thực sự kỳ diệu trong việc làm giảm hiện tượng trộm cắp. Trong trường hợp đó, những chiếc gương là một lựa chọn tốt nhằm theo dõi, giám sát, không tốn kém mà còn gửi đến một dấu hiệu để các nhân viên nhận ra rằng là họ không được tin tưởng – một khía cạnh có thể thực sự khiến các nhân viên sau đó trở thành những tên trộm nhiều hơn, chứ không ít đi.

Nếu đặt chiếc gương vào một vị trí cụ thể mà không thực tiễn, có hai khả năng có thể tạo ra hiệu ứng của những chiếc gương. Trước tiên, nhà tâm lý xã hội Ed Diener và các đồng nghiệp của ông đã nhận thấy rằng việc yêu cầu lũ trẻ hay các nhân viên đeo thẻ mang tên mình sẽ tạo nền tảng cho những hành vi được mong đợi hơn. Thứ hai, cuộc nghiên cứu gần đây do nhà khoa học Melissa Bateson và đồng nghiệp thực hiện đề xuất rằng việc treo một bức tranh đơn giản hình đôi mắt trên tường cũng có ảnh hưởng trong việc khiến người khác hành xử theo chuẩn xã hội hơn. Ví dụ, trong một cuộc nghiên cứu, họ đã đặt thêm một bức tranh vào vị trí quen thuộc nơi nhân viên có nhiệm vụ để một số tiền nhất định vào một chiếc bình cho mỗi cốc cà phê hay trà họ mua. Nhưng những dấu hiệu này được thay đổi mỗi tuần: tuần đầu, bức tranh là những bông hoa, tuần tiếp theo là đôi mắt, sau đó là một số những bó hoa khác nhau, sau đó là một số đôi mắt mới, và cứ như vậy. Kết quả cho thấy, những người uống cà phê và trà đã trả nhiều hơn 2,5 lần cho đồ uống của mình khi dấu hiệu đi kèm là bức tranh một đôi mắt so với những người nhìn thấy bức tranh là những bông hoa. Tóm lại, bất kể là đôi mắt của bạn hay của người khác, sẽ chẳng gây hại gì khi có một đôi mắt bao quát mọi thứ như vậy cả.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.