Sông Đông êm đềm

Chương 218 phần 1



– Thôi chiến tranh chấm dứt rồi? Bọn Đỏ đang nện cho chúng ta một chuỳ nặng đến nỗi bây giờ chúng ta sẽ đi giật lùi ra đến biển, bao giờ nước mặn thấm đầy mông mới thôi. – Lúc chiếc xe bắt đầu lên dốc Prokho nói.

Bên dưới, thôn Tatarsky nằm lặng dưới một làn khói xanh lam. Mặt trời lặn dần sau dải tuyết hồng hồng viền trên đường chân trời.

Tuyết xốp kêu lạo xạo dưới đòn xe. Hai con ngựa đi lững thững bước một. Grigori dựa lưng vào mấy cái yên ngựa, nửa ngồi nửa nằm phía sau chiếc xe trượt tuyết thắng hai con ngựa. Acxinhia trùm chiếc áo choàng viền lông rái cá kiểu sông Đông, ngồi thu lu bên cạnh. Cặp mắt đen của nàng long lanh, toả ra những tia hân hoan dưới chiếc khăn len trắng lồm xồm. Grigori liếc nhìn nàng, thấy một làn má mịn màng phớt hồng vì băng giá, một đường lông mày đen rậm và khoảng lòng trắng xanh xanh của con mắt dưới hàng mi cong đầy sương muối. Acxinhia đưa cặp mắt hoạt bát và tò mò nhìn cánh đồng cỏ đầy tuyết với những đống tuyết bị gió quét dồn, còn đường mòn đến bóng nhoáng, những đường chân trời xa đã chìm trong bóng tối.

Đối với nàng, tất cả đều mới lạ, tất cả đều làm cho nàng chú ý vì nàng vốn chỉ quen ru rú xó nhà. Nhưng thỉnh thoảng nang lại hạ hai hàng mi, cảm thấy sương muối lạnh giá làm da mình dấm dứt rất là dễ chịu. Nàng mỉm cười vì thấy ước mơ của mình sao mà được thực hiện một cách bất ngờ và lạ lùng như thế. Từ lâu lắm rồi, nàng vốn chỉ mong được cùng với Grigori bỏ đi tới một nơi nào thật xa thôn Tatarsky, cái thôn vừa thân thương vừa đáng nguyền rủa vì ở đấy nàng đã phải chịu bao nhiêu điều khổ cực, ở đấy nàng đã bị đầy ải nửa cuộc đời bên cạnh người chồng mà nàng không yêu, ở đấy đối với nàng mọi vật đều gợi lên những hồi ức nặng nề không thể nào quên được. Nàng mỉm cười, từng đường gân thớ thịt đều cảm thấy có Grigori ở bên cạnh và không hề nghĩ rằng mình đã phải trả một giá như thế nào để có được hạnh phúc nầy, cũng không nghĩ tới cái lương lai mờ mịt bóng đêm không kém những đường chân trời trên đồng cỏ đang vẫy chào nàng ở phía xa.

Prokho bỗng nhiên quay lại, bắt gặp một nụ cười run run trên cặp môi thắm mọng vì băng buốt của Acxinhia. Hắn bèn hỏi giọng bực bội:

– Sao thế, có gì mà nhe răng nhe lợi ra như thế? Cứ y như một cô dâu ấy? Sung sướng vì đã bỏ nhà đi có phải không?

– Thế anh tưởng sao, không sung sướng à? – Acxinhia trả lời lanh lảnh.

– Kiếm được một sự sung sướng như thế nầy… Cô thật là một ả ngu xuẩn? Chưa thấy rõ cái cuộc du ngoạn nầy kết thúc như thế nào thì đúng đú đởn vội, thôi cất bớt răng đi.

– Tôi không thể nào gặp chuyện rủi ro hơn xưa kia được đâu.

– Tôi cứ nhìn cả hai mà buồn nôn… – Prokho điên tiết vung roi quất hai con ngựa.

– Thế thì anh hãy quay đi và đút ngón tay vào miệng ấy – Acxinhia bật cười khuyên hắn.

– Cô lại tỏ ra ngu xuẩn một lần nữa rồi? Thế là tôi sẽ phải ra tới biển với ngón tay đút trong miệng hay sao? Lại nghĩ ra cái trò!

– Nhưng tại sao chuyện nầy lại làm anh buồn nôn như thế?

– Cô hãy im đi thì hơn! Chồng cô nó ở đâu rồi? Cô lại bám lấy một anh chàng khác rồi bỏ đi không biết đến nơi quỉ quái nào? Nếu bây giờ thằng Stepan nó lù lù về thôn thì sẽ như thế nào?

– Anh Prokho ạ, anh phải biết rằng anh đừng dính dáng vào công việc của chúng tôi thì hơn. – Acxinhia van hắn. Nếu không cả anh cũng không được hưởng hạnh phúc đâu.

– Tôi không dính dáng vào công việc của hai cô cậu đâu, chuyện của hai cô cậu thì can gì đến tôi? Nhưng chẳng nhẽ tôi không được nói ý nghĩ của tôi hay sao? Hay là tôi đi làm xà ích cho hai cô cậu và chỉ được nói chuyện với hai con ngựa thôi? Cũng nghĩ ra được một trò lạ! Không, Acxinhia ạ, cô giận cũng mặc, không giận cũng mặc, nhưng cái ngữ như cô thì tôi phải lấy cái roi thật dẻo mà quất cho một trận, quất mà không cho kêu nữa là khác! Còn về cái hạnh phúc của tôi thì cô đừng có doạ, tôi vẫn mang nó đi theo đây. Cái hạnh phúc của tôi nó thuộc về một loại đặc biệt, hát nó cũng không cho hát, mà ngủ nó cũng không cho ngủ… Nào, hai con khốn kiếp nầy! Chúng mày cứ dẫn rượu bước một mãi như thế à, hai thằng xa tăng tai to nầy?

Grigori mỉm cười lắng nghe rồi nói để dàn hoà:

– Đừng có mới lên đường mà đã cãi nhau như thế! Con đường của chúng ta còn dài, còn có chán dịp để cãi nhau. Nhưng cậu gây chuyện với cô ấy làm gì thế, Prokho?

– Tôi gây chuyện với cô ấy, – Prokho nói bằng một giọng hung dữ, – để lúc nầy tốt nhất là cô ấy đừng nói ngang với tôi. Trong lúc nầy tôi thấy rằng trên đời nầy chẳng có gì tồi tệ hơn đàn bà! Đàn bà thì cũng hệt như thứ hạt ngứa ấy. Thứ tồi tệ nhất mà Thượng đế đã nghĩ ra chính là đàn bà! Cái loài ác quỉ hại người ấy, tôi thì muốn khử cho hết, không để sót một mống nào, để cho chúng nó hết loăng quăng trên trái đất nầy? Bây giờ thì tôi căm gan bầm ruột vì chúng nó. Nhưng làm gì mà anh nhăn nhăn nhở nhở như thế hử. Cười trước cái khổ của người khác là một việc ngu xuẩn đấy! Nhưng anh hãy cầm lấy dây cương, để tôi nhảy xuống một lát đã.

Prokho đi bộ giờ lâu rồi lại leo lên ngồi trên chiếc xe trượt tuyết và không chuyện trò gì nữa.

Ba người nghỉ đêm tại thị trấn Karginskaia. Sáng hôm sau, ăn xong bữa sáng họ lại lên đường và đến đêm đã để lại sau lưng chừng sáu mươi vec-xta.

Những đoàn xe lớn của dân chạy nạn tuôn dài về phía nam. Càng rời xa khu du mục của trấn Vosenskaia, Grigori càng khó kiếm được một chỗ nghỉ đêm. Khi đến gần thị trấn Morodovskaia thì bắt đầu gặp những đơn vị đầu tiên của quân Cô-dắc. Các đơn vị kỵ binh hành tiến, với vẻn vẹn ba bốn chục tay gươm. Những đoàn xe vận tải kéo dài không lúc nào ngớt. Hễ sẩm tối là tất cả nhà cửa trong các thôn đều có người đến ở. Không những chẳng kiếm đâu ra chỗ cho người nghỉ đêm mà còn không có cả chỗ buộc ngựa. Trong một khu vực của người Tavria, sau khi cố đi kiếm một căn nhà nghỉ đêm mà không được, Grigori đành phải qua một đêm trong một gian nhà kho. Đến sáng, quần áo bị ướt trong trận bão tuyết đông cứng lại, cộm lên, hơi cử động là kêu loạt soạt. Grigori, Acxinhia và Prokho gần như suốt đêm không chợp mặt được lúc nào, mãi khi trời sắp hửng mới đốt được một đống rơm ngoài sân để sưởi.

Sáng hôm ấy, Acxinhia rụt rè đề nghị:

– Anh Griska ạ, hay chúng ta nghỉ lại một ngày ở đây có được không? Suốt đêm khổ vì rét cóng, gần như chẳng ngủ được lúc nào, có lẽ chúng ta cũng nên nghỉ ngơi chút ít chứ?

Grigori đồng ý. Tìm kiếm rất vất vả mới thấy một chỗ có thể ở được. Từ tảng sáng các đoàn xe vận tải đã lên đường đi tiếp, nhưng trạm quân y dã chiến chuyển hơn một trăm thương binh và binh lính mắc bệnh thương hàn, cũng ở lại nghỉ một ngày.

Trong một căn phòng nhỏ xíu, chừng mười gã Cô-dắc nằm ngủ ngay trên sàn đất bẩn thỉu, Prokho khiêng cái đệm và cái túi đựng đồ ăn thức uống vào. Hắn trải rơm ngay bên cạnh cửa, nắm hai chân một lão già đang ngủ nhưng không sao đánh thức dậy được, lôi lão sang bên và nói bằng một giọng âu yếm có phần thô bạo:

– Cô nằm xuống đây đi, Acxinhia, nếu không cô đã kiệt sức đến tiều tụy không còn nhận ra được nữa rồi.

Đến gần tối, cái xóm lại đông nghịt những người. Cho đến lúc trời rạng, các ngõ đều sáng rực vì những đống củi, vang lên những tiếng người nói, tiếng ngựa hí, tiếng đòn xe rít. Trời vừa hửng một chút, Grigori đã đánh thức Prokho, khẽ rỉ tai hắn:

– Cậu thắng ngựa đi. Phải lên đường thôi.

– Làm gì mà sớm thế? – Prokho vừa ngáp vừa hỏi.

– Cậu thử nghe mà xem.

Prokho ngẩng đầu lên khỏi tấm đệm yên, nghe thấy tiếng rền trầm trầm đằng xa của hoả lực pháo binh.

Ba người lau rửa, ăn ít mỡ chài rồi lên xe ra khỏi cái xóm đã trở nên nhộn nhịp. Những chiếc xe trượt tuyết xếp từng hàng trong các ngõ; người đi lại lăng xăng, trong bóng tối trước lúc trời rạng có tiếng kêu khàn khàn:

– Không được đâu, các bác đi mà chôn lấy! Chờ đến lúc chúng tôi đào xong huyệt cho sáu người thì đã giữa trưa rồi còn gì!

– Việc gì đến chúng tôi phải đem chúng nó đi chôn? – Một người khác hỏi, giọng bình thản.

– Thôi bắt đầu đào đi! – Cái giọng khàn khàn quát lên.

– Nếu các bác không muốn thì cứ để cho nằm thối ra ở nhà các bác, tôi sẽ mặc thây!

– Ngài nói gì vậy, ngài bác sĩ? Nếu bất cứ ai qua đây mà chết chúng tôi cũng phải đem chôn hết thì còn có thể làm được việc gì nữa? Hay các ngài tự mang đi có được không?

– Thôi cút mẹ anh đi, người gì mà ngu thảm ngu hại. Anh định bảo tôi vì anh mà trao cái y viện dã chiến nầy cho bọn Đỏ đấy phải không?

Trong khi xe đi vòng tránh những chiếc xe đứng lộn xộn trong cái ngõ, Grigori nói:

– Chết rồi thì chẳng có ai cần đến nữa…

– Ở đây người sống cũng chẳng được ngó tới, nữa là người chết. – Prokho trả lời.

Người tất cả các trấn phía Bắc vùng sông Đông đều kéo về miền Nam. Cơ man nào đoàn xe của dân chạy nạn vượt qua đoạn đường sắt Sarisyn – Likhaya, tiến tới gần sông Manyt. Trong một tuần dong ruổi trên đường, Grigori cố hỏi dò về bà con thôn Tatarsky, nhưng họ không hề tới các thôn mà chàng phải đi qua. Rất có thể là họ đã rẽ sang trái, tránh các làng của dân Ukraina, để đi qua các thôn Cô-dắc tới trấn Oblipskaia. Mãi đến ngày thứ mười ba Grigori mới tìm thấy một người cùng thôn. Sau khi vượt qua đường sắt, tới một thôn nào đó, chàng ngẫu nhiên được biết rằng ở nhà bên có một người Cô-dắc trấn Vosenskaia đang mắc bệnh thương hàn. Grigori bèn qua bên đó để xem người ốm ấy từ đâu đến. Chàng vừa bước vào túp lều thấp lè tè thì thấy lão già Obnhizov đang nằm đưới đất.

Qua lời lão nói, chàng được biết rằng hôm kia một số bà con thôn Tatarsky đã rời khỏi thôn nầy và trong số đó có nhiều người mắc bệnh thương hàn, hai người đã chết trong khi đi đường và lão Obnhizov đã được người ta để lại theo mong muốn của lão.

– Nếu tôi khỏi bệnh và nếu các đồng chí Đỏ rủ lòng thương không giết thì bằng cách nầy hay cách khác tôi sẽ lần về đến nhà, bằng không tôi sẽ chết ở đây. Chết ở đâu chẳng là chết, mà có nơi nào được chết sung sướng đâu… Lúc chia tay với Grigori, lão già đã nói như thế.

Grigori hỏi về sức khỏe của bố, nhưng lão Obnhizov trả lởi rằng lão không thể nói được gì cả vì lão đi một trong những chiếc xe cuối cùng của đoàn và từ thôn Malakhovsky, lão đã không gặp ông Panteley Prokofievich.

Đến chặng nghỉ tiếp theo, Grigori đã gặp may: vừa bước vào ngôi nhà đầu tiên để xin nghỉ đêm, chàng đã gặp ngay những người Cô-dắc quen biết ở thôn Thượng Trirsky. Họ ở chật lại một chút nhường cho Grigori một chỗ bên cạnh bếp lò. Chừng mười lăm người dân chạy loạn nằm chen chúc trong căn phòng, trong số đó có ba người mắc bệnh thương hàn và một người bị đông giá đến hỏng một chỗ trong người. Bọn Cô-dắc nấu cháo kê với mỡ chài ăn bữa tối họ ân cần mời Grigori và người bạn đường của chàng cùng ăn, Prokho và Grigori ăn rất ngon lành, nhưng Acxinhia không ăn.

– Chẳng nhẽ cô không đói hay sao? – Prokho hỏi. Mấy ngày gần đây không hiểu sao hắn đã thay đổi thái độ đối với Acxinhia. Tuy vẫn có phần thô bạo, nhưng hắn rất thương nàng.

– Tôi cứ buồn lợm thế nào đấy… – Acxinhia quấn chiếc khăn lên đầu và ra sân.

– Hay cô ấy ốm? – Prokho hỏi Grigori.

– Ai mà biết được. – Grigori gạt đĩa cháo sang bên và cũng bước ra sân.

Acxinhia đứng bên cạnh thềm nhà, một tay áp trên ngực. Grigori ôm lấy nàng, lo lắng hỏi:

– Em làm sao thế, Acxinhia?

– Em buồn lợm và nhức đầu.

– Ta vào trong nhà đi, em hãy nằm xuống một lát.

– Anh vào trước đi, em sẽ vào ngay.

Giọng nàng khàn khàn, nghe như không có sức sống, mọi cử động đều thẫn thờ uể oải. Khi nàng bước vào căn phòng đốt lửa rất nóng, Grigori nhìn nàng cớ vẻ dò hỏi, thấy má nàng đỏ rực, hai con mắt long lanh một cách rất đáng ngại. Tim chàng se lại, đầy lo lắng; đúng là Acxinhia ốm rồi. Chàng nhớ lại rằng hôm qua nàng có kêu ớn rét, váng đầu, đến lúc trời sắp sáng thì nàng đổ mồ hôi đầm đìa, đến nỗi những món tóc loăn xoăn trên gáy ướt đẫm như vừa gội. Lúc trời vừa hửng, chàng thức giấc nhận thấy thế và cứ đăm đăm nhìn Acxinhia ngủ li bì rất lâu. Chàng không muốn rời khỏi giường để khỏi làm nàng thức giấc.

Acxinhia đã can đảm chịu đựng mọi thiếu thốn trong khi đi đường Thậm chí nàng còn khuyến khích Prokho vì hắn đã nói nhiều lần: “Thế nầy thì còn ra quỉ quái gì nữa, cái kiểu chiến tranh gì mà lạ thế nầy, không hiểu đứa nào đã nghĩ ra nó nhỉ? Ruổi dong suốl một ngày đường đến nơi lại chẳng có chỗ nào mà nghỉ đêm. Không biết chúng ta còn đi công tác như thế nầy đến đâu?” Nhưng đến hôm ấy, ngay Acxinhia cũng không chịu được nữa. Đến đêm, khi đã nằm xuống ngủ, Grigori có cảm tưởng như nàng khóc.

– Em làm sao thế? – Grigori hỏi rủ rỉ – Em đau chỗ nào thế?

– Em ốm mất rồi… Chúng mình sẽ như thế nào bây giờ? Không biết anh có bỏ em không?

– Chà, em thật là ngớ ngẩn! Sao anh lại bỏ em được? Thôi đừng khóc nữa, có lẽ em đi đường bị lạnh đấy. Có thế mà em đã hoảng lên rồi.

– Anh Griska ạ, thương hàn đấy!

– Đừng nói lung tung! Chẳng có triệu chứng gì rõ rệt cả. Trán em vẫn mát có lẽ không phải thương hàn đâu. – Grigori an ủi, nhưng trong thâm tâm chàng đã tin chắc rằng Acxinhia mắc chứng thương hàn phát ban. Chàng đau khổ suy nghĩ không biết sẽ làm được gì cho nàng nếu nàng bị bệnh tật đánh gục.

– Chao ôi, cứ đi như thế nầy thì cực quá! – Acxinhia vừa rủ rỉ vừa nép sát vào Grigori. – Anh xem, có cơ man nào người chen chúc ở các chỗ nghỉ chân! Chấy rận sẽ ăn sống nuốt tươi chúng ta thôi, anh Grisca ạ! Mà em cũng chẳng kiếm được chỗ nào để ngó xem trong mình ra sao nữa, đâu cũng toàn đàn ông… Hôm qua em vào chỗ nhà kho, cởi áo ra, thấy có chúng nó trong áo lót… Lạy Chúa tôi, từ bé có thấy cái chuyện khủng khiếp ấy bao giờ đâu! Hễ nghĩ tới những con rận ấy là em bắt đầu buồn mửa, chẳng còn muốn ăn gì nữa… Mà hôm qua anh có thấy lão già nằm ngủ trên cái ghế dài có bao nhiêu rận không? Đúng là bò lúc nhúc khắp trên cái áo trermen.

Thôi em đừng nghĩ tới rận chấy gì nữa. Việc quái gì phải nói đến nó! Hừ, chấy rận, thì con nhà lính đừng có mà đếm. Grigori khẽ nói có vẻ bực bội.

– Khắp người em ngứa ngáy.

– Mọi người đều ngứa cả thôi, bây giờ thì còn làm thế nào, được nữa? Em hãy cố chịu đựng. Đến Ekaterinoda chúng ta sẽ tắm một cái.

– Quần áo sạch cũng đừng hòng được mặc. – Acxinhia thở dài. – Chúng ta sẽ chết vì chấy rận mất thôi, anh Griska ạ.

– Thôi em ngủ đi, ngày mai chúng ta sẽ phải đi sớm đấy.

Grigori mãi không chợp được mắt. Cả Acxinhia cũng không ngủ được. Nàng trùm kín đầu trong vạt áo lông, nức nở vài tiếng rồi thở dài trằn trọc rất lâu và chỉ thiếp đi khi Grigori quay lại ôm lấy nàng.

Đến nửa đêm Grigori bỗng thức giấc vì những tiếng đập cửa rất mạnh. Có người làm như phá cửa và quát oang oang:

– Nầy, mở cửa ra! Nếu không phá tan cửa bây giờ! Cái lũ khốn kiếp, ngủ gì mà như chết?

Chủ nhà, một người Cô-dắc có tuổi tính tình hoà nhã bước ra phòng ngoài và hỏi:

– Ai đấy? Các bác cần gì thế? Nếu muốn nghỉ đêm thì nhà tôi không còn chỗ nữa đâu, chật như nêm rồi, không có chỗ cựa mình nữa.

– Mở ra, đã bảo kìa! – Ngoài sân có tiếng quát.

Chừng năm gã Cô-dắc mang vũ khí mở toang cửa, nhảy xô vào phòng ngoài.

– Những ai ngủ đêm ở nhà bác? – Một gã trong đám hỏi. Mặt gã đen sạm như gang vì đại hàn, hai cái môi giá cứng động đậy rất khó khăn.

– Bà con chạy nạn, Còn các bác là ai?

Một gã trong bọn kia không trả lời, bước thẳng vào phòng trong, quát to:

– Nầy, những ai kia! Ngủ thoải mái nhỉ! Lập tức cút khỏi chỗ nầy ngay! Quân đội đến trú ở đây rồi. Đứng dậy, đứng dậy! Quàng quàng lên, nếu không chúng tôi cho ngay một trận bây giờ.

– Anh là ai mà quát lác như thế hử? – Grigori hỏi bằng một giọng khàn khàn ngái ngủ và từ từ nhỏm dậy.

– Đây tao cho mày xem tao là ai! – Gã Cô-dắc kia bước về phía Grigori và dưới ánh sáng tù mù của ngọn đèn dầu nhỏ, trong tay gã thấy loáng lên cái nòng bệch bệch của một khẩu Nagan.

– Xem ra mày cũng tháo vát đấy… – Grigori nói ngọt như mía lùi. – Nhưng thôi, cho xem cái trò chơi của mày đi – Rồi chỉ thoắt một cái chàng đã chộp được bàn tay gã Cô-dắc, bóp mạnh đến nỗi gã phải kêu lên, những ngón tay không nắm lại được nữa. Khẩu súng ngắn rơi rất êm xuống cái đệm. Grigori xô gã Cô-dắc, cúi xuống nhặt khẩu Nagan bỏ vào túi rồi nói giọng thản nhiên – Bây giờ chúng ta hãy nói chuyện với nhau. Đơn vị nào hả? Trong đám chúng mày có được mấy thằng tháo vát như mày?

Gã Cô-dắc kia đã lấy lại được tinh thần sau đòn bất ngờ. Nó kêu lên:

– Anh em ơi! Lại đây mau!

Grigori bước ra đứng ở ngưỡng cửa, dựa tưng vào thành cửa và nói:

– Tôi là trung uý thuộc trung đoàn sông Đông Mười chín, khẽ chứ! Không được gào lên? Ai mà oăng oẳng ở chỗ kia thế hử? Anh em đồng hương thân mến, tại sao anh em lại làm ầm ĩ như thế? Anh em định tống cổ ai thế? Ai đã trao cho anh em cái quyền làm như thế hử? Thôi, xéo khỏi chỗ nầy ngay!

– Anh làm gì mà quát lác như thế? – Một gã Cô-dắc nói to. – – Chúng tôi đã được thấy đủ mọi kiểu trung uý rồi! Để chúng tôi phải ngủ đêm ở ngoài sân gia súc hay sao? Tất cả ra khỏi nhà ngay!

– Chúng tôi đã nhận được lệnh đuổi tất cả dân chạy nạn ra khỏi các nhà, các người đã hiểu chưa? Còn anh thì liệu liệu đấy, đừng làm rầm lên! Chúng tôi đã gặp chán những thằng như anh rồi!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.