Sông Đông êm đềm

Chương 101 phần 1



Tên thượng uý Itvarin đã bỏ chạy khỏi trung đoàn trước khi ở Kamenskaia họp đại hội đại biểu các binh sĩ Cô-dắc ở mặt trận về.
Hôm trước khi chuồn khỏi đơn vị, hắn có đến gặp Grigori, đánh tiếng về việc mình sắp bỏ đi.
– Tình thế đã chuyển biến đến bước như thế nầy thì khó mà ở lại phục vụ trong trung đoàn được nữa. Anh em Cô-dắc cứ lúng túng ngả nghiêng giữa hai cực đoan: bọn Bolsevich và chế độ quân chủ trước kia. Còn Chính phủ Kaledin thì chẳng ai muốn ủng hộ, thậm chí một phần vì lão cứ khư khư bám lấy cái thái độ trung dung trước đội quân của lão như giữ mả tổ (1). Nhưng chúng ta lại đang cần có một nhân vật cứng rắn, có ý chí kiên cường, có biện pháp đặt bọn ngụ cư vào đúng cương vị của chúng nó… Tuy nhiên tôi vẫn cho rằng trong lúc nầy tốt nhất vẫn là ủng hộ Kaledin để khỏi hoàn toàn sôi hỏng bỏng không. – Hắn nín lặng một lát, châm thuốc hút rồi hỏi – Anh… có lẽ đã theo cái đạo của bọn Đỏ rồi phải không?
– Cũng gần như thế. – Grigori thú nhận.
– Anh thực tâm theo chúng nó hay lại muốn kiếm chác chút uy tín trong bọn Cô-dắc như thằng Golubov?
– Tôi thì chẳng cần uy tín uy tiếc làm gì. Chỉ muốn tìm một lối thoát cho mình thôi.
– Anh đã húc đầu vào tường, chứ không phải đã tìm ra lối thoát đâu – Chúng ta hãy chờ xem…
– Grigori ạ, tôi chỉ sợ lần sau chúng ta sẽ gặp nhau như hai kẻ thù.
– Anh Efilm Itvarin ạ, trên chiến trường người ta không nhận được ra bạn bè nữa đâu. – Grigori mỉm cười.
Itvarin ngồi lại một lát rồi ra về, và sáng hôm sau hắn mất hút như hòn đá dưới đáy sông.
Hôm họp đại hội, có một gã Cô-dắc trung đoàn Atamansky người thôn Lebirgi trấn Vesenskaia đến chỗ Grigori ở. Grigori đang lau và bôi mỡ khẩu Nagan. Gã ngồi chơi một lát rồi mãi đến khi sắp ra về mới nói như nhân lúc vui chuyện, nhưng thật ra gã đến tìm chàng chỉ vì việc nầy (gã vốn biết rằng tên Litnhitki trước kia là sĩ quan trung đoàn Atamansky đã cướp vợ của Grigori, vì thế sau khi ngẫu nhiên gặp Litnhitki ngoài ga, gã đã đến báo cho chàng biết).
– Anh Grigori Panteleevich ạ, hôm nay tôi có gặp thằng bạn quý của anh ở ga đấy.
– Thằng nàỏ thế?
– Thằng Evgeni Litnhitki ấy mà. Anh có biết nó không?
– Gặp lúc nào thế? – Grigori vội hỏi ngay.
– Trước đây một tiếng.
Grigori ngồi phịch xuống. Mối căm hờn âm ỉ từ ngày xửa ngày xưa bỗng cắn ngập răng vào tim chàng như con chó ngao chuyên dùng để săn sói. Chàng không còn cảm thấy mối hận thù đối với kẻ tình địch sục sôi như xưa nữa. Nhưng chàng biết rằng nếu mình trạm trán với hắn trong hoàn cảnh nội chiến vừa bùng nổ thì giữa hai người phải có đổ máu. Bất ngờ nghe nhắc tới Evgeni, Grigori bỗng nhận thấy rằng vết thương cũ của mình chưa được thời gian chữa lành hẳn: chỉ một lời sơ ý nhắc tới là nó lại rỉ máu ngay. Có lẽ Grigori sẽ khoái trá trả thù cho mình về chuyện xưa kia, trả thù vì chính do tội của cái thằng đáng nguyền rủa nầy mà cuộc đời chàng mất hết màu sắc và thay cho niềm hân hoan tràn trề, hừng hực sức sống xưa kia, chỉ còn lại một nỗi đau khổ lạnh giá, nhức nhối, một cái gì ảm đạm và bạc màu.
Grigori nín lặng một lát, và sau khi cảm thấy mặt mình vừa rực lên một chút đã trở lại bình thường, chàng mới hỏi:
– Nó đến đây à, cậu có biết rõ không?
– Chưa chắc chắn thế. Có lẽ nó đi Novocherkask.
– À à à…
Gã Cô-dắc trung đoàn Atamansky nói thêm vài câu về đại hội, về những tin trong trung đoàn rồi ra về. Sau đó mấy ngày liền, Grigori cố gắng thế nào cũng không dập tắt được nỗi đau khổ âm ỉ trong lòng. Chàng lang thang như một thằng say rượu, miệng đắng như ngậm bồ hòn, lòng tê tái và rắn lại như đá, những hồi ức về Acxinhia càng ám ảnh chàng nhiều hơn hẳn ngày thường. Chàng cũng nghĩ tới Natalia, tới hai đứa con, nhưng niềm vui đã quá xa xưa, đã bị thời gian gặm nhấm nham nhở mất rồi. Trái tim chàng vẫn hướng về Acxinhia, vẫn bị nàng hấp dẫn một cách ghê gớm, vẫn không sao cưỡng lại được.
Hôm Chernechev đánh tới, các lực lượng ở Kamenskaia đã phải cấp tốc rút đi. Các chi đội thiếu tập trung của Uỷ ban quân sự cách mạng sông Đông, các đại đội Cô-dắc đã tan nát đến một nửa, tất cả đều được đưa nháo nhào lên xe lửa, hoặc bỏ chạy bằng ngựa hay bằng chân trên đường, bao nhiêu đồ nặng không tiện mang theo đều vứt hết. Người ta cảm thấy ảnh hưởng của tình trạng thiếu tổ chức, và thiếu một bàn tay cứng rắn có khả năng thâu tóm và sắp xếp sử dụng toàn bộ số lực lượng thật ra khá lớn nầy.
Những ngày gần đây, trong số các cán bộ chỉ huy được bầu ra, không hiểu từ đâu ngoi lên trung tá Golubov, Golubov đã lên nắm quyền chỉ huy trung đoàn Cô-dắc 27 là đơn vị có sức chiến đấu mạnh nhất và lập tức sắp xếp mọi việc với bàn tay sắt. Binh sĩ Cô-dắc nhìn thấy ở Golubov điều mà trung đoàn đang thiếu là khả năng tổ chức lại một cách chặt chẽ các thành phần, phân phối nhiệm vụ, điều khiển công việc. Golubov là một sĩ quan phục phịch, má phính, mắt nhìn trâng tráo. Anh ta đứng trên sân ga, tay vung gươm, miệng quát những gã Cô-dắc chậm chất các đồ lên tàu:
– Chúng mày làm sao thế nầy? Chơi ú tim với nhau đấy à? Mẹ chúng mày ra! Khiêng lên ngay? Nhân danh cách mạng tao ra lệnh phải lập tức phục tùng! Cái gì hử? Thằng mị dân nầy là đứa nào thế hử? Tao sẽ bắn chết mày, đồ khốn kiếp! Câm ngay cái mồm! Tao không là đồng chí của những thằng phá hoại và ngấm ngầm phản cách mạng đâu!
Thế là anh em Cô-dắc đều cúi đầu phục tùng. Theo lề thói cũ thậm chí còn có nhiều người thích như thế người ta còn chưa kịp rũ bỏ các tập quán cũ. Xưa kia đối với binh sĩ Cô-dắc thì một chỉ huy càng “hắc” càng tốt. Đối với những con người như Golubov, họ thường nói: “Phạm tội thì lão lột da ra, nhưng lão lại biết lo cho anh em”.
Các đơn vị thuộc Uỷ ban quân sự cách mạng sông Đông ào ào rút đi và kéo đến tràn ngập thị trấn Glubokaia. Trên thực tế, quyền chỉ huy tất cả các lực lượng đều do Golubov nắm hết. Trong không tới hai ngày. Golubov đã tập hợp lại được các đơn vị bị tan rã, áp dụng một số biện pháp thích hợp để củng cố việc phòng thủ Glubokaia.
Theo yêu cầu khẩn khoản của Golubov, Grigori được chỉ huy một tiểu đoàn gồm hai đại đội của Trung đoàn dự bị số 2 và một đại đội của trung đoàn Atamansky.
Ngày hai mươi tháng Giêng, lúc trời hoàng hôn, Grigori ra khỏi nơi anh ở để kiểm tra các vọng tiêu mà đại đội của trung đoàn Atamansky đặt bên kia đường sắt. Chàng vừa ra khỏi cửa thì gặp Pochenkov.
– Anh đấy à, Melekhov?
– Phải, tôi đây.
– Anh đi đâu thế?
– Đi kiểm tra các vọng gác. Anh ở Novocherkask về đã lâu chưa? Kết quả ra sao?
Pochenkov cau mày:
– Với những kẻ thù không đội trời chung của nhân dân thì không có chuyện chạm trán với chúng nó một cách hoà bình đâu. Anh đã thấy chúng nó diễn một tiết mục như thế nào chưa? Đang đàm phán thì chúng nó phái thằng Chernechev đến cắn mình. Kaledin là một thằng bẩn thỉu như thế đấy! Nhưng tôi không có thì giờ, còn vội tới bộ tư lệnh đây.
Pochenkov chia tay qua quít với Grigori rồi bước những bước rất dài về phía trung tâm thành phố.
Ngay trước khi được bầu làm chủ tịch Uỷ ban quân sự cách mạng, Pochenkov đã thay đổi khá nhiều trong thái độ đối với Grigori cũng như anh em Cô-dắc quen biết khác, giọng nói đã rõ ràng có vẻ kẻ cả và đôi phần kiêu ngạo. Như hơi men, quyền hành đã làm choáng váng đầu óc anh chàng Cô-dắc bản chất giản dị nầy.
Grigori bẻ cao cổ áo ca-pôt đi rảo bước hơn. Đêm nay hứa hẹn sẽ rét cóng. Một làn gió hiu hiu thổi tới từ xứ Kirgizia. Bầu trời đã trong sáng hơn. Nước đã đóng băng khá nhiều. Tuyết kêu, lạo xạo dưới chân. Mặt trăng từ từ nghiêng mình lên cao dần như một người tàn tật lên thang gác. Đằng sau những ngôi nhà, hơi khói xanh lơ tím ngắt của buổi chiều tà bốc lên ngùn ngụt trên đồng cỏ. Đang là lúc đêm sắp xuống, lúc mọi hình thù, đường nét, màu sắc, khoảng cách đều nhoà đi, lúc ánh sáng ban ngày còn đan quyện, còn bíu chặt lấy màn đêm, vì thế muôn vật đều có vẻ hư ảo, uyển chuyển, co dãn như trong thần thoại. Trong giờ phút nầy, ngay các mùi vị cũng mất tính chất rành rọt, cũng chỉ còn phảng phất một cách rất là đặc biệt.
Kiểm tra xong vọng gác, Grigori trở về chỗ chàng ở trọ. Chủ nhà là một nhân viên đường sắt, mặt rỗ nhằng nhịt, nom rất gian giảo. Hắn nhóm lửa trong samova rồi ngồi vào bàn.
– Các ông sẽ tấn công chứ?
– Còn chưa biết.
– Hay là các ông chờ chúng nó kéo đến.
– Có lẽ thế.
– Như thế mới thật là đúng. Xem ra các ông cũng chẳng có đâu lực lượng mà tấn công. Trong trường hợp nầy, dĩ nhiên tốt nhất là chờ họ đến. Phòng ngự thì lợi hơn. Trong chiến tranh với quân Đức chính tôi đã làm công binh nên được hiểu cặn kẽ về chiến lược chiến thuật… Binh lực có phần quá ít phải không?
– Cũng đủ. – Grigori đánh lảng không muốn nói tiếp câu chuyện đang làm chàng khó chịu.
Nhưng người chủ quán cứ lượn đi lượn lại quanh cái bàn, vừa luồn tay vào trong cái áo gi-lê bằng nỉ để gãi cái bụng lép như bụng con cá dầy, vừa lải nhải dò hỏi một cách rất đáng ghét.
– Pháo binh có nhiều không? Có pháo không, có pháo không?
– Anh đi lính rồi mà không biết luật nhà binh hay sao? – Grigori đã điên tiết lắm rồi nhưng giọng chàng nói vẫn lạnh như tiền. Chàng trợn tròn hai con mắt làm tên chủ nhà ngật người sang bên như sằp bất tỉnh – Anh đã đi lính mà không biết hay sao? Anh có quyền gì mà dò hỏi tôi về quân số bộ đội của chúng tôi và kế hoạch của chúng tôi? Tôi sẽ lôi cổ anh đi hỏi cung…
– Ngài… ngài sĩ quan… quý… quý mến! – Tên chủ nhà tái mặt, tắc họng nói lắp bắp, những nốt rỗ trên mặt hắn xạm lại, miệng hắn há không ra há, mím không ra mím. – Tôi ngu… ngu dại quá! Ngài tha tội cho?
Trong lúc uống trà, Grigori ngẫu nhiên ngước mắt nhìn tên chủ nhà, thấy mắt hắn chớp chớp rất nhanh như ánh điện, nhưng dến khi hắn hạ hai hàng mi xuống thì vẻ mặt hắn biến đổi hẳn, trở nên âu yếm thân thiết, thậm chí gần như cung kính tôn sùng. Gia đình hắn có một mụ vợ và hai đứa con gái đã lớn tuổi, cả ba cứ thì thầm rỉ tai nhau. Grigori chưa uống hết tách trà thứ hai đã bỏ về phòng của chàng.
Chẳng mấy chốc có sáu gã Cô-dắc không biết ở đâu mò về. Tất cả đều thuộc đại đội bốn trung đoàn dự bị số hai và ở cùng nhà với Grigori. Họ sì sụp uống nước trà, chuyện trò cười nói ầm ĩ. Grigori đã thiu thiu, nên chỉ nghe được những đoạn rời rạc trong câu chuyện họ nói với nhau. Một gã kể chuyện (Grigori nghe giọng nói nhận ra trung đội trưởng Barmachev, một anh chàng người trấn Luganskaia), mấy gã kia chốc chốc cũng chõ vào góp một ý kiến nhận xét.
– Mình đã chính mắt chứng kiến chuyện nầy đấy. Có ba anh chàng thợ mỏ khu Gorlovsky, mỏ số mười một, đến đây nói rằng ở chỗ chúng tôi đã tổ chức một đội vũ trang, nhưng đang thiếu vũ khí ghê lắm, xin các đồng chí chia được bao nhiêu thì cho chúng tôi bấy nhiêu. Còn ông uỷ viên Uỷ ban quân sự cách mạng nhà ta thì chính tai mình nghe thấy ông ấy giật giọng trả lời một ý kiến của một anh chàng nào đó mà mình nghe không rõ lắm. Ông ấy bảo: “Các đồng chí ạ, các đồng chí đến chỗ Sablin mà xin, ở chỗ chúng tôi chẳng có gì đâu”. Sao lại chẳng có gì đâu? Mình thì biết rõ là súng ống hiện nay có thừa. Vấn dề không phải ở chỗ đó… Họ thấy bọn mu-gích nhúng tay vào nên đâm ra đố kỵ đấy thôi.
– Nhưng làm như thế là đúng đấy! – Một gã khác nói. – Trang bị cho chúng nó rồi cũng chẳng biết chúng nó có chiến đấu hay không. Nhưng hễ động đến chuyện ruộng đất là thế nào chúng nó cũng chìa tay ra.
– Cái hạng người ấy chúng ta đã biết chán rồi? Một gã thứ ba nói ồm ồm.
Barmachev trầm ngâm gõ chiếc cùi dìa uống trà lên cái cốc rồi nói rành rọt từng tiếng theo nhịp gõ.
– Không, giải quyết công việc như thế không được đâu. Người Bolsevich đang vì lợi ích của toàn thể nhân dân mà có những nhượng bộ, còn chúng ta thì chỉ là những thằng Bolsevich hạng bét. Lăm lăm chờ lật đổ được Kaledin là đi lấn ép người khác…
– Nhưng ông anh thân mến ơi! – Một giọng vỡ tiếng của một gã nào không biết, nghe như cái giọng trầm của một thằng thiếu niên, kêu lên cố thuyết phục – Anh phải nhớ rằng chúng mình cũng chẳng có gì mà cho! Phần đất tốt thì mỗi nhân khẩu chỉ được một đê-xi-a-chin rưỡi. Ngoài ra toàn một loại đất sét, đất khe núi, đất chăn nuôi chung. Thế thì lấy gì mà cho đi bây giờ?
– Người ta có lấy của cậu đâu mà sợ, còn có những kẻ thừa mứa ruộng đất ra đấy.
– Thế còn đất của Quân khu?
– Thôi tôi van các cậu! Mình có gì đem cho đi cả rồi chính mình lại ngửa tay xin à? Đầu óc cậu suy với nghĩ gì mà lạ?
– Đất Quân khu thì chính chúng mình cũng phải dùng đến chứ.
– Nói thế là đúng đấy.
– Cậu đã bị lú lấp vì cái thói tham lam rồi!
– Chuyện nầy thì có gì mà tham lam?
– Có lẽ cũng phải cho bà con Cô-dắc chúng ta ở các vùng trên xuống đây ở mới được. Chúng mình cũng biết rằng đất của họ toàn một thứ cát vàng.
– Đúng như thế đấy?
– Đâu đến phần chúng ta phải lo việc triều đình.
– Câu chuyện nầy không có vodka thì không lần được ra ngành ngọn đâu.
– Nầy các cậu ạ! Hôm nọ chúng nó phi vỡ một kho rượu. Có thằng cha bị sặc rồi chết đuối trong thùng rượu đấy.
– Bây giờ mà có cho mình tuý luý một mẻ nhỉ. Phải uống cho đến thấm qua sườn mới được.
Grigori nửa tỉnh nửa mê còn nghe thấy mấy gã Cô-dắc dọn chỗ ngủ trên sân, ngáp vắn ngáp dài, gãy sồn sột rồi lại bàn ra tán vào về chuyện chia lại ruộng đất.
Trời sắp rạng thì bên ngoài cửa sổ có tiếng súng nổ đánh “pằng”.
Mấy anh chàng Cô-dắc nhảy chồm cả dậy. Grigori chui đầu vào cái áo quân phục, lồng mãi chẳng thấy tay áo đâu. Chàng vơ nhanh chiếc áo ca-pôt, vừa chảy vừa đi giầy. Bên ngoài cửa sổ, súng đã nổ loạn như pháo ran. Một chiếc xe tải chạy long xồng xộc. Ngay gần cửa ra vào có người hốt hoảng kêu như cháy đồi.
– Cầm lấy súng! Cầm lấy súng!
Những đội hình tản khai của quân Chernechev đang đẩy lui các vọng tiêu, đột nhập vào Glubokaia. Trững tên cưỡi ngựa loáng thoáng qua bóng tối xám xịt mung lung sương khói. Bọn lính bộ binh chạy, ủng dẫm rầm rập. Một khẩu súng máy nặng đã được đặt ở chỗ ngã tư. Chừng ba chục binh sĩ Cô-dắc nối đuôi nhau chạy qua phố. Một tốp khác vượt qua một cái ngõ. Vang lên những tiếng quy-lát lách cách lên đạn. Trong căn phố cạnh đấy, một giọng ra lệnh vẳng tới, oang oang, rành rọt:
– Đại đội ba, nhanh lên! Ai làm rối hàng ngũ thế kia? Nghiêm!
Các xạ thủ súng máy, sang cánh bên phải! Sẵn sàng chưa? Đại đội.

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.