Sông Đông êm đềm

Chương 69 phần 1



Năm một nghìn chín trăm mười sáu. Tháng mười. Đêm tối. Trời mưa và gió to. Một vùng đất trũng có nhiều rừng. Những dãy chiến hào trên một bãi lầy mọc đầy liễu đỏ. Trước mặt là những hàng rào dây thép gai. Dưới đáy các chiến hào toàn một thứ bùn lạnh giá.

Chiếc lá chắn đẫm nước che cho người lính quan sát nhấp nhoáng một ánh ảm đạm. Vài ánh lửa thưa thớt le lói trong những căn hầm đào hàm ếch bên vách các chiến hào. Một viên sĩ quan béo lùn dừng chân trước cửa một căn hầm dành cho sĩ quan. Anh ta lần ngón tay ướt sũng theo đường khuyết, vội vã cởi những cái cúc trên áo ca-pốt, giũ nước trên cổ áo, chùi qua quít đôi ủng vào bó rơm đã bị dẫm lún xuống bùn, xong đâu đó mới đẩy cửa, khom lưng, bước vào trong hầm.
Cây đèn dầu nhỏ chiếu lướt trên mặt người mới đến một dé ánh sáng vàng vàng, nhớp nhúa như dầu. Viên sĩ quan nằm trên giường ván nhỏm dậy trong chiếc áo vét mở phanh. Hắn đưa tay lên vuốt mớ tóc hoa râm rối như bòng bong, ngáp dài:
– Đang mưa à?
Đang mưa đấy. – Người khách trả lời rồi cởi áo ca-pốt, treo lên cái đinh bên cạnh cửa cùng với chiếc mũ cát-két nát nhẽo vì sũng nước.
– Ở chỗ các ngài ấm quá. Nhiều người cũng hấp hơi nhỉ?
– Chúng tôi vừa đốt lửa. Tệ hại nhất là nước mạch dưới đất cứ rỉ lên. Quỷ quái nào biết được, mưa thế nầy chúng mình cũng đến phải bán xới… có phải không? Ngài nghĩ thế nào, ngài Buntruc?
Buntruc sát sát hai tay vào nhau, khom lưng, ngồi xổm bên cái bếp lò nhỏ:
– Các ngài nên lấy gỗ mà lát mặt đất. Trong hầm của chúng tôi tuỵệt lắm, đi chân không cũng chẳng sao. Litnhitki đâu thế nhỉ?
– Ngủ rồi!
– Đã lâu chưa?
– Đi tuần về là lăn ra giường.
– Đã đến lúc đánh thức dậy chưa?
– Ngài lay dậy đi. Đánh ván cờ chơi.
Buntruc đưa ngón tay trỏ miết cho hết nước mưa trên hai hàng lông mày vừa thô vừa rậm rồi khẽ gọi, đầu vẫn không ngửng lên:
– Ngài Evgeni Nicolaevich?
– Ngủ say rồi – Người sĩ quan tóc hoa râm thở dài.
– Ngài Evgeni Nicolaevich?
– Gì thế – Evgeni Nicolaevich chống khuỷu tay nhỏm dậy.
– Ta đánh cờ đi.
Evgeni Nicolaevich thõng chân, đưa bàn tay nhẽo nhợt hồng hồng lên xát rất lâu bộ ngực mũm mĩm.
Sắp chơi xong ván đầu thì có hai viên sĩ quan đại đội năm bước vào: đại uý Kalmykov và trung uý Trubov.
– Có tin mới đây! – Kalmykov vừa bước tới ngưỡng cửa đã kêu lên. – Rất có thể là trung đoàn chúng ta sẽ được điều khỏi nơi nầy.
– Tin từ đâu thế? – Viên thượng uý tóc hoa râm Merkulov mỉm cười vẻ không tin.
– Bác không tin à, bác Petia?
– Tôi thú thật chẳng tin chút nào.
– Đại đội trưởng đại đội pháo gọi dây nói báo cho chúng tôi biết đấy!
– Làm thế nào mà hắn biết được à?
– Hắn vừa ở ban tham mưu sư đoàn về hôm qua mà lại.
– Được tắm hơi nước một mẻ thì cũng thú đấy.
Trubốp mỉm cười khoái trá và làm ra vẻ như đang cầm cái chổi đập vào hai bên mông hắn(1). Merkulov bật cười:
– Trong hầm chúng tôi chỉ cần đặt cái nồi lên là xong. Nước thì ê hề, muốn bao nhiêu cũng có.
– Ẩm ướt quá, ẩm ướt quá, các ngài chủ nhà ạ – Kalmykov đưa mắt nhìn khắp bức tường ghép bằng gỗ tròn và mặt đất sũng nước rồi lầu bầu.
– Bãi lầy ở sát cạnh sườn mà lại.
– Thôi các ngài hãy cảm tạ Đấng chí tôn đã cho các ngài được ngồi trong bãi lầy, chẳng khác gì được nằm trong lòng Chúa cứu thế, – Buntruc nói xen vào. – Ở các chỗ khô ráo sạch sẽ, người ta đang phải tấn công đấy, còn chúng ta ở đây, thì cả một tuần mới bắn hết một băng đạn.
– Tấn công còn hơn là nằm ở đây để thối rữa dần ngay khi còn sống sờ sờ.
– Thôi đi bác Petia ơi, người ta nuôi bọn Cô-dắc chúng mình đâu phải để đem nướng trong những trận tấn công. Bác làm vẻ ngây thơ cụ như thế chỉ là giả dối thôi.
– Thế theo ý cậu thì để làm gì?
– Theo một thói quen đã có từ xưa, mỗi khi cần chính phủ tìm cách dựa vào dân Cô-dắc để chống đỡ.
– Cậu chỉ nói chuyện nhảm nhí, – Kalmykov xua tay.
Tại sao như thế lại là nhảm nhí?
Như thế đấy thôi, Thôi đi, ngài Kalmykov ơi, sự thật thì không thể nào bác bỏ được đâu – Trong chuyện ấy làm gì có sự thật sự thiếc gì…
– Nhưng đó là một điều ai cũng biết. Bác vờ vẫn làm gì nữa?
– Chú ý, xin các ngài sĩ quan chú ý. – Trubov hô to rồi cúi chào như trên sân khấu, chỉ Buntruc. – Bây giờ thiếu uý Buntruc sẽ ra nói tiên tri theo sách sấm của Đảng xã hội dân chủ(2)
– Ngài làm trò múa rối đấy à? – Hai con mắt của Buntruc làm Trubov phải nhìn ra chỗ khác, anh cười gằn.
– Nhưng không sao, ngài cứ tiếp tục đi, mỗi người đều có năng khiếu và sứ mạng của mình. Tôi nói rằng từ giữa năm ngoái, chúng ta đã không còn chính mắt nhìn thấy chiến tranh nữa rồi. Vừa bắt đầu chuyển sang chiến tranh trận địa(3) là các trung đoàn Cô-dắc được phân ngay đến những nơi thâm sơn cùng cốc và xếp xó để chờ đúng lúc cần thiết.
– Rồi sau đó thì sao? – Evgeni xếp những quân cờ hỏi.
– Rồi sau đó, khi nào trên mặt trận bắt đầu có những phong trào phản đối (mà điều đó thì không thể tránh được: binh lính đã bắt đầu chán ghét chiến tranh, chứng cớ rành rành là số lính đào ngũ đang ngày càng tăng), lúc ấy lính Cô-dắc sẽ được tung đi dẹp các cuộc bạo động. Chính phủ giữ bộ đội Cô-dắc cũng như người ta mắc sẵn một hòn đá lên đầu cái gậy. Khi cần sẽ lăng hòn đá ấy để đập vỡ sọ cách mạng…
– Anh bạn hết sức thân mến của tôi ơi, anh mải mê đi quá xa rồi đấy! Những điều anh giả thiết không đứng vững được đâu. Trước hết là con người không thể nào biết bước phát triển của sự việc. Anh dựa vào đâu mà biết rằng trong tương lai sẽ có những phong trào phản đối và gì gì nữa? Nếu chúng ta giả thiết như thế nầy chẳng hạn: quân đội đồng minh đánh tan quân Đức, chiến tranh kết thúc một cách vẻ vang thì lúc đó anh sẽ trao cho dân Cô-dắc vai trò thế nào? Evgeni vặn lại.
Buntruc cười nửa miệng:
– Kết cục đâu có được như thế, hơn nữa lại còn đòi một kết cục vẻ vang.
– Chiến sự còn đang kéo đài…
– Còn kéo dài lê thê nữa là khác – Buntruc nói trước.
– Cậu nghỉ phép về từ bao giờ thế – Kalmykov hỏi.
– Từ hôm kia. – Buntruc chúm môi, đá lưỡi, đẩy ra một đám khói nhỏ, rồi nhổ mẩu thuốc còn lại.
– Cậu nghỉ phép ở đâu thế?
– Ở Petrograd.
– Thế ở trên ấy ra sao? Kinh đô náo nhiệt lắm đấy nhỉ? Chà, mẹ khỉ, nếu được về đấy một tuần thì mất gì mình cũng chẳng tiếc.
– Chẳng có gì thú vị lắm đâu, – Buntruc nói, anh cân nhắc từng tiếng, – Không có đủ bánh mì mà ăn. Trong các khu thợ thuyền chỉ thấy đói kém, bất mãn và phản đối ngấm ngầm.
– Chúng ta sẽ không thể bình an vô sự rút chân ra khỏi cuộc chiến tranh nầy đâu. Các ngài thấy thế nào, thưa các ngài? – Merkulov nhìn tất cả mọi người, mắt có vẻ dò hỏi.
– Chiến tranh Nga – Nhật đã làm nổ ra cuộc Cách mạng một ngàn chín trăm linh năm. Chiến tranh lần nầy sẽ lại chấm dứt bằng một cuộc cách mạng nữa. Mà không phải chỉ cách mạng thôi đâu, còn nội chiến nữa là khác.
Trong khi nghe Buntruc nói, Evgeni có một cử chỉ không dứt khoát định nói lên ý gì, có lẽ hắn muốn ngắt lời thiếu uý giữa lúc anh ta chưa nói hết câu. Rồi hắn đứng dậy, đi đi lại lại trong hầm, mặt cau có. Hắn cố ghìm vẻ phẫn nộ, bắt đầu nói:
– Tôi rất ngạc nhiên thấy trong giới sĩ quan chúng ta lại có những phần tử như thế nầy, – Evgeni vung tay về phía Buntruc đang ngồi với cái lưng gù gù. Tôi ngạc nhiên vì cho đến nay, tôi vẫn chưa nhìn thấy rõ thái độ của anh ta đối với Tổ quốc, đối với chiến tranh… Một hôm trong lúc nói chuyện, anh ta đã phát biểu ý kiến một cách rất mập mờ, nhưng dù sao cũng đủ cho thấy rõ rằng anh ta muốn chúng ta thua trong cuộc chiến tranh nầy. Buntruc, tôi hiểu ý anh như thế có đúng không?
– Tôi tán thành thua trận.
– Nhưng sao lại thế được? Theo tôi thì dù anh là một người có những quan điểm chính trị như thế nào, nhưng mong muốn Tổ quốc mình thua trận thì đó là… phản quốc. Đó là điều nhục nhã đối với bất cứ một người đúng đắn nào!
– Các ngài còn nhớ không, cánh những người Bolsevich trong Duma(4) đã vận động chống chính phủ, và chính như thế chẳng phải là góp phần đẩy chúng ta tới thua trận hay sao? – Merkulov nói xen vào.
– Buntruc, anh tán thành quan điểm của họ phải không? Evgeni hỏi.
– Nếu tôi tuyên bố tán thành thua trận thì như vậy là tôi cũng tán thành quan điểm của họ. Nếu tôi, một đảng viên Đảng công nhân xã hội dân chủ Nga mà không tán thành quan điểm của đảng đoàn đảng mình thật là buồn cười. Evgeni Nicolaevich ạ, tôi ngạc nhiên hơn anh nhiều vì anh là một người có học mà lại dốt nát về chính trị như thế…
– Tôi trước hết là một người lính trung với vua. Chỉ bóng dáng một “đồng chí Đàng viên đảng xã hội” cũng đủ làm tôi nghịch mắt rồi.
“Mày trước hết là một thằng ngu xuẩn, ngoài ra chỉ là một thằng anh hùng rơm tự cao tự đại”, Buntruc nghĩ thầm và dập tắt nụ cười trên môi.
– Không có thượng đế nào khác, ngoài Ala(5)…
Trong giới quân nhân đã có một tình trạng thật là đặc biệt, Merkulov nói xen vào giọng như tự nhận lỗi:
– Không hiểu vì sao tất cả chúng ta đều đứng ngoài chính trị, anh nào cũng đèn nhà ai người ấy rạng.
Viên đại uý Kalmykov ngồi vê vê hai hàng ria quặp, cặp mắt xếch như mắt người Mông cổ sáng bừng bừng, nom rất sắc sảo. Trubov nằm trên giường, vừa lắng nghe giọng nói của mấy người điều qua tiếng lại, vừa ngắm bức tranh Merkulov vẽ ghim trên tường, đã vàng khè vì ám khói thuốc lá: một người đàn bà áo xống hở hang, mặt như bà thánh Madelen(6), mỉm nụ cười mệt mỏi và dâm đãng, mắt cúi xuống nhìn bộ ngực thỗn thện của mình. Hai ngón bàn tay trái khẽ kéo một đầu vú nâu nâu, ngón tay út tách ra, giơ lên, cố giữ chiếc áo lót đang tụt xuống, một vệt sáng mịn màng nổi lên trong chỗ hõm xương đòn gánh. Dáng nằm của người đàn bà thật quá yểu điệu, tự nhiên quá, các màu sắc kín đáo đẹp không tả được, vì thế Trubov bất giác mỉm cười, đắm đuối ngắm bức tranh vẽ với tài nghệ bậc thầy, và những lời trao đổi tuy có đưa đến tai hắn, nhưng không lọt được vào óc hắn.
– Tuyệt quá! – Trubov rời mắt khỏi bức tranh, kêu lớn những lời khen trầm trồ ấy thật không đúng lúc, vì nó rứt vào ngay khi Buntruc vừa nói xong câu:
– Chế độ Nga hoàng sẽ bị tiêu diệt, các ngài có thể tin là như thế?

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.