Sông Đông êm đềm

Chương 44 phần 1



Yagonoie, trang trại của nhà Litnhitki bám vào cái thung lũng khô rộng mênh mông, nom như một khối u. Gió cứ đổi chiều, hết nồm lại bấc, mặt trời cứ chập chờn trên bầu trời bềnh bệch, phơn phớt xanh; theo sát mùa hạ, mùa thu lạo xạo những trận lá rụng, rồi mùa đông ập tới với những đợt băng giá và tuyết lạnh, nhưng bao giờ Yagonoie cũng co quắp trong một không khí rầu rĩ tê dại. Và những ngày trang trại bị cắt rời thế giới bên ngoài cứ trôi qua, ngày nào cũng giống hệt ngày nào, y như những đứa con sinh đôi.
Trong sân, vẫn những con vịt đen hớt lẻo, mắt viền vải tây đỏ, lạch bạch hết ra lại vào, những con gà tây lấm tấm như trận mưa hạt cườm, con công trên mái tàu ngựa với bộ lông diêm dúa vẫn cất những tiếng kêu phát ra từ trong bụng như tiếng mèo. Viên tướng già thích mọi thứ chim, cả đến con sếu bị trúng đạn chưa chết lão cũng nuôi. Cứ đến tháng mười một, mỗi khi nghe thấy tiếng những con sếu tự do đang bay trư nhíu gọi đàn, nó lại cất tiếng kêu sầu não, lanh lảnh như tiếng đồng, giật đau nhói những sợi dây đàn trong trái tim con người. Nhưng nó còn bay sao được nữa, cái cánh bị bắn trúng khớp thõng xuống không còn sức sống. Viên tướng đứng trong cửa sổ nhìn con sếu vươn cổ nhảy nhảy, cố hết sức rời khỏi mặt đất.
Lão há cái miệng rộng hoác dưới hàng ria bạc sùm sụp như mái hiên, cười phá lên, tiếng cười ồm ồm chập chờn trong căn phòng khách quét vôi trắng trống huếch trống hoác.
Gã Venhiamin vẫn ngẩng cao cái đầu có bộ tóc đen bết như nhung, rung rung bộ đùi nhẽo nhợt, ngồi ngày nầy sang ngày khác trên cái hòm ở phòng ngoài, đánh bài một mình đến đần độn cả người. Gã Tikhol vẫn vì mụ nhân tình rỗ hoa mà ghen với cụ Xaska, với những người làm thuê, với Grigori, với lão địa chủ, với cả con sếu, vì nó cũng được mụ Lukeria chia sẻ niềm yêu thương quá dạt dào của một người đàn bà goá. Cụ Xaska vẫn thỉnh thoảng say một trận tuý luý để rồi đến trước cửa sổ phòng lão địa chủ đòi một đồng hai mươi kopek.
Suốt thời gian ấy chỉ xảy ra hai việc làm rung động cuộc sống lên mốc lên meo, đờ đẫn như mơ ngủ: chuyện Acxinhia sinh nở và chuyện trong trang trại mất một con ngỗng rất to. Nhưng chẳng bao lâu người ta đã quen với đứa con gái mà Acxinhia mới sinh ra, còn con ngỗng thì người ta có tìm thấy ít lông trong cái khe sau cánh rừng ngay sát trang trại (xem ra nó đã bị cáo bắt). Sau đó không khí lại lắng xuống như thường.
Sáng sáng, lão địa chủ vừa tỉnh dậy đã gọi Venhiamin:
– Mày ngủ có nằm mơ thấy gì không?
– Có ạ, một giấc mơ hết sức kỳ lạ.
– Mày kể đi, – lão vừa ra lệnh gọn lỏn, vừa cuốn điếu thuốc.
Thế là Venhiamin bắt đầu kể. Nếu giấc mơ chẳng có gì thú vị hay quá rùng rợn. Lão lại nổi giận:
– Chà đồ ngu xuẩn, đồ súc sinh? Quân ngu xuẩn thì chỉ nằm mơ thấy toàn những chuyện ngu xuẩn.
Venhiamin cũng láu cá bịa ra những giấc mơ vui tươi và hấp dẫn. Chỉ có một điều làm hắn đau đầu là nghĩ sao cho ra. Vì thế, trước khi kể mấy ngày, hắn đã phải ra ngồi trên cái hòm, đập đen đét xuống một tấm thảm nhỏ những con bài cũng sùi lên và đầy cáu ghét như cặp má của hắn, cố nặn óc ra những giấc mơ vui. Hắn cố suy nghĩ, mắt đăm đăm nhìn vào một điểm, đến nỗi cuối cùng, thực tế là ngay trong khi ngủ, hắn cũng hoàn toàn chẳng còn mộng mị gì nữa. Lúc tỉnh dậy, hắn cố nhớ xem mình đã mơ thấy gì, nhưng đầu óc hắn vẫn đen ngòm, nhẵn thín như đã bào kỹ. Đen ngòm thật, vì chẳng nói gì người trong giấc mơ, ngay đến người sống, hắn cũng chẳng nhìn thấy ma nào cả.
Tuy chỉ là bịa ra những chuyện chắng có rắc rối, nhưng Venhiamin cũng bở hơi tai, còn lão địa chủ thì phát khùng khi lão bắt gặp những chỗ kể lại chuyện cũ:
– Đồ dơ dáy đê tiện, giấc mơ về con ngựa nầy, hôm thứ Năm mày đã kể cho tao nghe rồi cơ mà? Mày làm sao thế, quỷ tha ma bắt mày đi?
– Tôi lại nằm mơ thấy lần nữa, bẩm cụ lớn Nicolai Alekseevich! Chúa cứu thế chứng giám, thật thế đấy ạ, quả là tôi đã nằm mơ thấy lần thứ hai. – Venhiamin vẫn không bối rối, càng lao đầu nói dối thêm.
Đến cuối tháng Chạp, Grigori cùng một người gác bị gọi lên nhà hội đồng trấn Vosenskaia. Chàng được lĩnh một trăm rúp mua ngựa và nhận một tờ giấy báo cho biết đến ngày thứ hai lễ Nô-en phải có mặt tại trạm lấy lính ở thị trấn Malkovo.
Lên trấn về, Grigori bấn lên chẳng còn biết xoay xở như thế nào nữa: lễ Nô-en sồng sộc đến nơi rồi mà chàng vẫn chưa có gì sẵn sàng cả. Với số tiền ngân khố cấp, cộng thêm tiền dành dụm được, chàng tới thôn Obrypsky mua được một con ngựa một trăm bốn mươi rúp.
Chàng đi cùng với cụ Xaska, mặc cả mua được một con ngựa tạm dùng được: sáu tuổi, lông hạt dẻ, mông xuôi. Nó cũng có một tật, nhưng khó nhận ra. Cụ Xaska vuốt râu nói:
– Cậu không thể nào kiếm được một con rẻ hơn, các quan trên sẽ không biết đâu. Họ làm gì có đủ tinh khôn.
Trên đường về, Grigori cưỡi ngay con ngựa vừa mua được, thử xem bước một và nước kiệu ra sao.
Rồi trước lễ Nô-en một tuần, chính ông Panteley Prokofievich tự nhiên lù lù mò đến Yagonoie. Ông lão không cho con ngựa cái thắng vào chiếc xe trượt tuyết to chạy vào trong sân, mà buộc nó ngay ở hàng rào, rồi vừa khập khiễng bước vào nhà đầy tớ, vừa gỡ những miếng băng bám trong chòm râu tãi ra trên cổ áo như phiến đá đen. Grigori đứng trong cửa sổ nhìn thấy bố tới, cuống lên:
– Xem kìa? Cha đến đấy?
Acxinhia không hiểu sao bọc con lại, chạy đến bên nôi.
Ông Panteley Prokofievich bước vào phòng cùng với một làn hơi lạnh. Ông bỏ cái mũ ba tai xuống, làm dấu phép về phía bức hình thánh, rồi từ từ đưa mắt nhìn khắp bốn bức tường.
– Chào cả nhà.
– Bố lại chơi – Grigori đang ngồi trên chiếc ghế dài đứng dậy, chào lại rồi bước ra đứng giữa phòng.
Ông Panteley Prokofievich chìa cho Grigori một bàn tay lạnh giá, rồi khép tà áo choàng vừa ngồi xuống một đầu ghế vừa đưa mắt nhìn Acxinhia lúc nầy vẫn đứng yên như phỗng bên cái nôi.
– Mày sắp sửa đi lính phải không?
– Hẳn như thế rồi.
Ông Panteley Prokofievich nín lặng một lát và cứ nhìn mãi Grigori bằng cặp mắt dò hỏi.
– Cha cởi áo choàng ra chứ, có lẽ lạnh lắm phải không?
– Không sao. Tao chịu được.
– Con nhóm samova nhé.
– Cám ơn. – Ông lấy móng tay cậy cậy một vết bùn bám trên áo không biết từ bao giờ rồi nói – Tao mang đồ trang bị tới cho mày: hai cái áo ca-pốt, một bộ yên, mấy cái quần đi ngựa. Ra mà lấy… Tất cả đều ở ngoài kia.
Grigori chẳng cần đội mũ, chạy ngay ra chiếc xe trượt tuyết, khiêng vào hai cái túi.
– Bao giờ đi? – Ông Panteley Prokofievich vừa hỏi vừa đứng dậy.
– Ngày thứ hai lễ Nô-en. Nhưng sao thế, cha về đấy à?
– Tao phải vội về ngay cho sớm.
Ông chia tay với Grigori, nhìn qua Acxinhia một cái, rồi bước ra sân. Đến lúc đã cầm lấy quả đấm cửa, ông liếc nhìn cái nôi và nói:
– Mẹ mày nhờ chuyền lời hỏi thăm mày đấy, bà lão đang đau chân. – Nói đến đây, ông nín lặng một lát, rồi nói thêm một cách miễn cưỡng, như phải khiêng một vật nặng. – Tao sẽ tới, đưa mày đến Malkovo. Sửa soạn trước đi.
Ông vừa đi ra vừa lồng tay vào đôi găng ấm đan tay. Acxinhia cảm thấy nhục quá, không nói gì cả. Mặt nàng tái mét. Grigori liếc nhìn nàng và cố ý dẫm lên một tấm ván sàn cọt kẹt.
 
***
 
Hôm thứ nhất lễ Nô-en, Grigori đánh xe đưa lão Litnhitki lên trấn Vosenskaia.
Lão địa chủ dự lễ mi-sa xong, ăn sáng ở nhà một mụ địa chủ, chị em con chú con bác với lão, rồi ra lệnh thắng ngựa.
Grigori chưa kịp ăn hết bát xúp béo nấu với thịt lợn đã phải đứng dậy để ra tàu ngựa.
Chiếc xe trượt tuyết nhẹ kiểu thành thị thắng một con ngựa xám đốm tròn giống Orlovsky, tên là Sibai. Grigori níu dây cương, lôi nó ra khỏi tàu ngựa, rồi vội vã thắng nó vào xe.
Gió thổi bay tứ tung những bông tuyết to, rơi vào người đau như có gai, tuyết dưới chân bị gió thốc lên trắng như bạc, vừa rít vừa bay là là mặt đất. Bên ngoài dãy hàng rào, sương muối dịu mượt như nhung bám đầy những cái cây. Bị gió rung, từng đám sương muối rơi xuống, tung lả tả, lóng lánh dưới nắng với những sắc cầu vồng phối hợp phong phú như trong thần thoại. Một làn khói bốc chếch chếch lên trời từ cái cột ống khói xám đen trên mái nhà. Cạnh đấy, vài con quạ quàng quạc đứng co ro. Nghe thấy những tiếng chân bước loạt soạt, chúng sợ hãi cất cánh bay lên, lượn vòng trên mái nhà như những đám bông xám rồi bay về hướng tây, về phía ngôi nhà thờ đang in rõ một hình xanh xanh trên nền trời tím ngát lúc sớm mai.
– Vào nói hộ cái, xe thắng xong rồi! – Grigori nói với cô hầu phòng đang chạy ra thềm nhà.
Lão địa chủ bước ra, bộ ria rúc hẳn xuống cổ chiếc áo lông gấu chuột. Grigori đắp lên hai chân lão cái cánh gà làm bằng lông sói có viền nhung rồi cài khuy lại.
– Cho nó vài roi! – Lão địa chủ đưa mắt về phía con ngựa.
Grigori ngửa người trên bục đánh xe, hai tay duỗi ra nắm mấy sợi dây cương căng thẳng rung rung. Chàng lo lắng liếc nhìn đoạn đường dốc đầy tuyết trơn và nhớ lại rằng hồi tuyết bắt đầu rơi, có lần chàng cho xe chạy trên một con đường mới, không khéo để xe va mạnh, lão địa chủ đã đấm chàng một cái vào gáy, nắm đấm khỏe chẳng có vẻ gì là của một lão già. Xe chạy tới cái cầu, rồi từ đấy cứ dọc theo sông Đông. Grigori nới lỏng dây cương, đưa găng tay lên sát hai bên má bị gió quật rát như lửa bỏng.
Hai giờ sau xe về tới Yagonoie. Suốt chặng đường lão địa chủ cứ câm như hến, lâu lâu mới cong ngón tay gõ vào lưng Grigori: “Đứng lại” để quay lưng về phía ngọn gió, cuộn điếu thuốc.
Mãi khi xuống cái dốc sắp về tới trang trại, lão mới hỏi:
– Sáng sớm mai à?
Grigori quay nghiêng người, cố mãi mới mở được cặp môi rét cóng.
– Slớm mai – Chàng định nói “sớm” mà lại thành “slớm”. Lưỡi bị lạnh quá cứng lại, hình như sưng lên, dính chặt vào chân răng, vì thế giọng nói thều thào.
– Tiền nhận đủ rồi chứ?
– Vâng.
– Không phải lo lắng về chuyện vợ mày, nó sẽ sống được thôi. Phải lo làm việc quan cho tận tâm. Ông mày xưa là một thằng Cô-dắc dũng cảm. Mày cũng phải như thế, – Giọng lão địa chủ bỗng trầm hẳn xuống (lão lấy cổ áo che mặt để tránh gió) – Mày cũng phải làm thế nào cho xứng đáng với ông mày và cha mày. Có phải cha mày đã đoạt giải nhất trong cuộc đua ngựa lần hoàng đế duyệt binh hay không?
– Vâng, đúng cha tôi.
– Thôi, làm cho đúng như thế – Lão địa chủ kết thúc câu chuyện bằng một giọng nghiêm khắc, gần như đe doạ, rồi giấu hẳn mặt vào trong áo lông.
Grigori dắt con ngựa chuyên chạy nước kiệu trao tận tay cho cụ Xaska rồi bước vào trong nhà đầy tớ.
– Ông cụ nhà cậu đến đấy! – Cụ Xaska đắp chiếc áo ngựa cho con ngựa nói to theo.
Ông Panteley Prokofievich đang ngồi ở bàn ăn ăn nốt món thịt đông.
“Lại có tí tửu rồi”, – Grigori đưa mắt nhìn bố, thấy nét mặt ông cụ đã dịu hơn lần trước nên nghĩ bụng.
– Về rồi à, thầy quyền?
– Chết cóng rồi đây, – Grigori đập hai tay vào nhau, trả lời bố rồi quay sang bảo Acxinhia – Cởi cho anh cái nút buộc mũ, không động được ngón tay nữa rồi.
– Mày phải đi một chuyến khổ quá đấy, đường lại ngược gió, – Người bố nói giọng bực bội, cả râu lẫn ria đều lên lên xuống xuống trong khi ông nhai.
Rồi ông ra lệnh gọn lỏn cho Acxinhia, giọng như chủ nhà, nhưng lần nầy khá dịu dàng:
– Cắt thêm bánh mì ra đây, đừng có hà tiện.
Ăn xong ông rời khỏi bàn và trong khi đi ra cửa hút thuốc, ông đưa đi đưa lại cái nôi hai ba lần như không chủ tâm. Ông đưa chòm râu vào trong cái màn nhỏ xíu và hỏi:
– Cô-dắc à?
– Cháu gái đấy ạ, – Acxinhia trả lời thay Grigori, nhưng nàng nhận thấy một vẻ không vừa ý thoáng hiện trên mặt và ngưng lại ở chòm râu không động đậy nữa của ông lão, bèn vội nói thêm – Cháu đẹp như vẽ ấy, giống anh Griska con như đúc.
Ông Panteley Prokofievich ngắm đi ngắm lại một cách thành thạo cái đầu nhỏ xíu, đen đen, nhô ra ngoài đám giẻ rách rồi xác nhận, giọng không thiếu vẻ tự hào:
– Dòng máu nhà ta đây… Hừm… Con bé nầy?
– Cha đến bằng gì thế? – Grigori hỏi.
– Đi xe trượt tuyết, thắng con ngựa cái nhỏ và con của thằng Petro.
– Hay là chỉ đem một con đi thôi, thử thắng con của con xem.
– Không cần, cho nó đi không cũng được. Nhưng con ngựa cũng khá đấy – Cha xem rồi à?
– Có xem qua.
Hai cha con chỉ nói với nhau những chuyện đâu đâu, tuy cùng xao xuyến với những ý nghĩ về cùng một vấn đề. Acxinhia không nói xen vào câu chuyện, nàng cứ ngồi yên trên giường như người bị dìm xuống nước. Cặp vú của nàng mọng sữa, rắn như đá, căng cả ngực áo. Sau khi sinh nở, nàng đẫy đà ra, dáng người thay đổi hẳn, nom đầy vẻ tự tin và tràn trề hạnh phúc.
Mãi khuya mọi người mới vào giường đi ngủ. Acxinhia ôm chặt lấy Grigori, nước mắt và sữa chảy ra từ cặp vú đứa con bú không hết làm ướt đẫm áo sơ mi của chàng.
– Em nhớ anh đến chết mất… Em sống một thân một mình rồi sẽ ra sao bây giờ?
– Em đừng lo, – Grigori trả lời, giọng cũng thầm thì.
– Đêm thì dài… con lại không chịu ngủ cho… Em sẽ héo mòn vì nhớ anh thôi. Anh ngẫm mà xem, anh Griska, bốn năm trời?
– Nghe nói xưa kia người ta còn đi lính hai mươi nhăm năm cơ.
– Việc xưa kia có liên quan gì đến em.
– Thôi, đừng nói nữa!
– Cái việc đi lính của anh thật đáng nguyền rủa nó làm chia lìa đôi ngả!
– Nghỉ phép anh sẽ về.
– Nghỉ phép, – Acxinhia rầu rĩ nói theo, rồi nàng nức nở và xỉ mũi vào áo lót – Chờ anh về được thì sông Đông đã chảy hết bao nhiêu nước…
– Thôi đừng rền rĩ nỉ non nữa… Nước mắt em sao cứ rả rích như mưa thu ấy?
– Anh cứ ở vào tình cảnh của em mà xem?
Trời sắp hửng thì Grigori thiếp đi, Acxinhia cho con bú xong, chống khuỷu tay, mắt đăm đăm không chớp, nhìn khuôn mặt ngăm ngăm của Grigori lờ mờ trong bóng tối, thầm từ biệt chồng. Nàng nhớ lại cái đêm còn ở trong phòng mình, nàng cố khuyên Grigori đi Kuban. Đêm ấy cũng như thế nầy, chỉ có khác là lần trước thì sáng trăng và cái sân bên ngoài cửa sổ thì trắng xoá, tràn ngập ánh trăng.
Cảnh tượng cũng như thế, nhưng Grigori thì có phần vẫn như xưa mà cũng có phần đổi khác. Sau lưng hai người đã là cả một chặng đường dài, đan bằng những ngày đã trôi qua.
Grigori trở mình nằm nghiêng, nói rành rọt:
– Ở thôn Olsansky… – Rồi lại nín thinh.
Acxinhia cố chợp mắt, song những ý nghĩ rối bời trong óc đã xua hết cái ngủ đi đâu mất, y như gió thổi tung một đụn rơm. Cho đến khi trời sáng, nàng cứ suy nghĩ quẩn quanh về câu nói không đầu không đũa của Grigori, cố đoán xem ý nghĩa ra sao… Khuôn cửa sổ đầy sương muối vừa hửng một chút, ông Panteley Prokofievich đã thức giấc.
– Grigori, dậy đi, trời sáng rồi!
Acxinhia quỳ dậy, mặc váy. Nàng thở dài tìm mãi mới thấy diêm. Mọi người ăn sáng, thu xếp mọi thứ xong xuôi thì trời sáng bạch.
Ánh ban mai lấp loáng xanh biếc. Dãy hàng rào nhấp nhô hiện lên rành rọt như khảm trong tuyết. Nóc tàu ngựa đen đen che một phần bầu trời tím nhạt rất dịu, mung lung như khói.
Ông Panteley Prokofievich ra thắng ngựa. Acxinhia ôm lấy Grigori hôn lấy hôn để như người mất trí. Grigori cố gỡ ra để đi chào từ biệt cụ Xaska và những người khác.
Acxinhia bọc con cẩn thận rồi ra tiễn chân chồng.
Grigori thơm cái trán nhỏ xíu ươn ướt của con gái rồi bước tới bên con ngựa.
– Mày lên xe mà ngồi! – Ông bố vừa giật cương hai con ngựa vừa kêu lên.
– Không, con cưỡi ngựa.
Grigori cố ý dềnh dàng buộc đai ngựa rồi lên yên, dóng cương.
Acxinhia sờ sờ vào chân chàng, luôn miệng nhắc đi nhắc lại:
– Griska, hượm cái đã… em còn chuyện nầy muốn nói với anh…
Nàng run lên, luống cuống cau mày cố nghĩ.
– Thôi em ở lại! Chăm con cho cẩn thận… Anh phải đi đây, cha đã đi xa rồi kia kìa…
– Hượm đã nào, anh yêu của em! – Acxinhia đưa tay trái ra nắm lấy bàn đạp lạnh buốt, tay phải ôm chặt lấy đứa con bọc trong tà áo.
Nàng nhìn Grigori chằm chằm không chán mắt, chẳng còn tay nào mà chùi những giọt nước mắt chảy giàn giụa trên hai con mắt mở to không chớp.
Venhiamin bước ra thềm.
– Grigori, cụ chủ cho gọi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.