Bà Bovary
Chương 2
Một đêm, vào khoảng mười một giờ, cả nhà thức giấc bởi tiếng chân ngựa dừng đúng ngay trước cửa. Chị hầu gái mở cửa gác thượng ngó xuống, rồi trao đổi một lúc với người đàn ông đứng dưới phố. Người này đến mời ông thầy thuốc, có mang theo một phong thư. Nastasie, run lên cầm cập bước xuống cầu thang rồi mở khoá, kéo then. Người lạ để ngựa đấy, theo chị, đột ngột vào buồng Charles. Anh ta lấy từ trong cái mũ len có chòm lông xám ra một bức thư cuốn trong miếng vải, và lễ phép đưa cho Charles, Charles tì khuỷu tay xuống gối để đọc. Nastasie đứng cạnh giường, cầm đèn. Bà chủ, vì ngượng ngùng, nằm quay mặt về phía tường, còn để lộ tấm lưng. Bức thư có gắn dấu nhỏ bằng xi màu lơ, cầu mong ông Bovary đến ngay trang trại Bertaux để cứu một người bị gãy chân. Mà từ Tostes đến Bertaux, phải đi sáu dặm đường tắt, qua Longgueville và Saint-Victor. Đêm tối như bưng, bà Bovary còn lo chồng gặp tai nạn. Thế là người ta quyết định anh bồi ngựa cứ đi về trước; ba giờ sau, khi trăng lên, Charles sẽ lên đường. Phải cho một em bé đi đón để chỉ đường vào trang trại để mở cổng hàng rào.
Chừng bốn giờ sáng, Charles, choàng kín người bằng chiếc măng tô, lên đường đi Bertaux. Còn ngái ngủ vì giấc nồng, hắn để mình ru theo nước kiệu êm êm của con ngựa. Mãi đến lúc con ngựa đứng sững trước mấy cái hố đầy gai đào bên những luống cày, Charles mới chợt tỉnh, hắn nhớ ngay đến cái chân gãy của người bị nạn và cố ôn lại trong trí nhớ tất cả những trường hợp gãy xương mà hắn đã học. Mưa đã tạnh; trời hửng sáng; trên cành những cây táo trụi lá, chim chóc còn im lìm đậu, lông cánh xù lên trước gió lạnh ban mai. Đồng quê bằng phẳng trải ra mênh mông, và những bụi cây mọc quanh các trang trại, từng quãng xa, điểm những vết tím than trên cái diện tích rộng lớn ấy mất hút trong chân trời màu ảm đạm. Charles thỉnh thoảng mở mắt ra; rồi do đầu óc mệt mỏi, giấc ngủ tự nó trở lại, và hắn chẳng bao lâu lại rơi vào tình trạng nửa tỉnh nửa mê, trong đó, cảm giác hoà lẫn với ký ức xưa, hắn thấy mình một hoá hai, vừa là sinh viên đi qua một phòng bệnh nhân mổ như trước kia, vừa là trai có vợ nằm ngủ trên giường như lúc nãy. Trong đầu óc hắn, hơi ấm của thuốc chườm quyện lẫn với hơi lạnh của sương đêm; hắn nghe thấy tiếng những vòng sắt mắc màn lướt trên gióng giường và tiếng ngáy của vợ mình đang ngủ… Vừa lúc hắn qua Vassonville, hắn thấy ở bờ rào một thằng bé ngồi trên cỏ.
– Ông là y sĩ phải không? – Thằng bé hỏi.
Nghe Charles đáp lại, nó liền cầm guốc lên tay rồi chạy về phía trước.
Trên đường đi, qua câu chuyện của thằng bé dẫn đường, chàng y sĩ hiểu ông Rouault thuộc tầng lớp nhà nông phong lưu nhất. Đêm trước, khi đánh bài ở nhà một người láng giềng về, ông ta ngã gãy chân. Vợ ông ta đã mất từ hai năm nay. Ông ta chỉ sống với cô con gái, cô ta giúp bố trông coi việc nhà.
Bánh xe hằn vết xuống đường sâu hơn. Đã gần tới Bertaux. Thằng bé chui vào một lỗ rào, đi khuất rồi trở lại đầu sân, mở cổng. Ngựa nhẹ bước trên cỏ ướt, Charles cúi đầu xuống để qua dưới các cành cây. Nhưng con chó giữ nhà vừa kéo xích vừa sủa ở trong cũi. Con ngựa sợ, bước chệch khỏi đường vào.
Bề ngoài trang trại có vẻ tươm tất. Nhìn vào các chuồng ngựa, qua các cửa mở rộng, người ta thấy những con ngựa cày to béo đang bình thản ăn trong những máng mới tinh. Dọc các căn nhà, có rải một đống phân lớn, hơi đang bốc lên; giữa đám gà mái và gà tây, năm sáu con công đang mổ mồi, công là giống sang trọng ở các sân nuôi gà vịt xứ Cauz. Chuồng cừu thì dài, kho lúa thì cao, tường nhẵn thín. Trong một gian trống, có hai cái xe bò to và bốn cái cày, với roi quất, đai cổ, phụ tùng đầy đủ, những đệm len xanh hoen bụi từ các vựa thóc rơi xuống. Cái sân dốc ngược lên, có cây trồng cách quãng nhau một cách cân đối. Tiếng đàn ngỗng đang bơi vui vẻ gần ao.
Một người đàn bà trẻ, mặc áo dài len xanh có ba đường viền, bước ra thềm đón Bovary rồi đưa hắn vào nhà bếp, ở đó lửa đang rực cháy. Xung quanh là thức ăn sáng của gia nhân đang sôi sục trong những chiếc nồi to nhỏ khác nhau. Quần áo ẩm hong bên lò sưởi. Xẻng, kẹp chở lửa, ống thổi, tất cả đều to tướng, lóng lánh như thép bóng. Dọc tường lò, xếp một bộ đồ làm bếp phong phú, trên đó ánh lửa cùng ánh sáng đầu tiên của mặt trời rọi qua các ô xửa kính. Phản ánh không đồng đều.
Charles lên gác thăm bệnh nhân. Hắn thấy ông ta đắp chăn nằm trên giường, mình mẩy đổ mồ hôi, mũ vải trùm đầu bị quẳng ra xa. Đó là một con người béo lùn, tuổi năm mươi, da trắng, mắt xanh, trán hói, tai đeo khuyên. Cạnh ông ta, trên một chiếc ghế mây, có một chiếc bình lớn đựng rượu mạnh mà thỉnh thoảng ông ta lại rót ra uống để lấy dũng khí. Nhưng chợt nhìn thấy người thầy thuốc, ông ta mất hết phấn khởi, chẳng còn chửi rủa như suốt mười hai giờ qua, ông ta xoay ra rên rỉ một cách yếu đuối.
Chỗ xương gãy đơn giản, không có biến chứng gì. Charles chẳng dám mong gặp trường hợp dễ chịu hơn thế. Bấy giờ, nhớ lại những dáng dấp của các thầy học dạy mình ngay bên giường kẻ bị thương, hắn lấy lời lẽ ôn tồn khuyến khích bệnh nhân. Cái mơn trớn của nhà mổ xẻ khác nào chất nhờn bôi vào những con dao mổ. Để có những mảnh gỗ bó gãy xương, người ta phải xuống kho xe bò kiếm một bó. Charles chọn lấy một thanh, chẻ ra làm nhiều mảnh, lấy miếng kính vỡ cạo cho nhẵn, trong khi đó người hầu gái xé vải lót giường ra làm băng, còn Emma gắng khâu những miếng nệm nhỏ cho chỗ bó. Vì nàng tìm mãi mới thấy bao kim, cha nàng nổi nóng; nàng không cãi một lời, nhưng khi khâu, nàng phải đưa ngón tay lên miệng mút vì kim đâm chảy máu.
Charles ngạc nhiên thấy móng tay nàng trắng lạ thường, sáng bóng, thon thon, cọ sạch hơn đồ ngà Dieppe và cắt theo hình hạnh nhân. Tuy nhiên, bàn tay nàng không được đẹp, chẳng nõn nà lắm, có lẽ thế, các đốt có chiều hơi khô; bàn tay nàng lại quá dài nữa, thiếu những đường con nét uốn dịu dàng. Cái đẹp ở nàng là đôi mắt: tuy nâu sẫm lại dường như đen láy dười làn mi. Nàng nhìn thẳng vào người ta bằng một vẻ táo bạo ngây thơ.
Băng bó xong, ông Rouault thân mời y sĩ ăn tí chút rồi hãy về.
Charles xuống căn phòng tần dưới. Hai bộ đồ ăn cùng với chén bạc đã được đặt trên chiếc bàn nhỏ, dưới chân một cái giường lớn có màn treo phủ diềm hoa in hình những người Thổ Nhĩ Kỳ. Hương thơm của hoa iris4 cùng với mùi đệm ẩm bốc ra từ chiêc tủ áo lớn bằng gỗ sồi kê đối diện với cửa sổ. Dưới đất, ở các góc tường, là những bao lúa mì xếp đứng vì kho thóc gần nhà có ba bực đá bước lên kia đã đầy ứ. Để trang hoàng căn phòng, giữa bức tường sơn màu xanh ve đã tróc từng mảng vì chất diêm tiêu treo một bức tranh đầu nữ thần Minerve5 bằng chì đen, lồng khung vàng, dưới có hàng chữ ngả: “Tặng cha thân yêu”.
Thoạt tiên, chủ khách trao đổi về bệnh tật, rồi đến thời tiết, chuyện cữ đại hàn, chuyện chó sói chạy rông ngoài đồng ban đêm. Nàng Rouault chẳng được thoải mái ở thôn quê, nhất là bây giờ mình nàng hầu như phải cáng đáng mọi việc trong trang trại. Vì căn phòng hơi lạnh, nàng vừa ăn vừa run làm hé cặp môi dày mà nàng hay cắn nhấm lúc trầm lặng.
Nàng mặc một chiếc áo cổ cồn trắng bẻ gập. Hai mái tóc nàng đen mượt ngăn giữa bằng một đường ngôi nhỏ dịu dàng uốn theo vòng sọ não phủ gần khuất cả hai, lượn như làn sóng trên hai thái dương, rồi trùm lại phía sau đầu thành một cái búi to tướng mà lần đầu tiên trong đời mình, người thầy lang thôn quê nhận thấy. Gò má nàng hồng. Nàng giắt chiếc kính gọng đồi mồi giữa hai cái khuy trước ngực như một người đàn ông.
Charles, sau khi lên gác từ biệt ông Rouault, trở lại căn phòng đó trước lúc ra về, hắn thấy nàng đứng áp trán vào cửa sổ, nhìn ra khu vường, chỗ những cọc cắm cho đậu đỗ leo đã bị lật đổ vì trận gió. Nàng quay mặt lại hỏi hắn:
– Ông tìm gì chăng?
Hắn đáp:
-Thưa cô, tôi tìm cái roi ngựa.
Rồi hắn lục lọi trên giường, sau cửa, dưới ghế; cái roi rơi dưới đất, giữa những bao lúa mì và bức tường. Emma chợt thấy, bèn cúi xuống nhặt, Charles, vì nhã ý, vội xô lại, cũng dang tay ra để với như nàng, hắn cảm thấy ngực mình đụng nhẹ vào lưng cô gái khom người trước hắn. Nàng đứng thẳng lên, mặt đỏ ửng, vừa ngước nhìn hắn qua vai, vừa đưa cho hắn cái roi gân bò.
Đáng lẽ ba ngày nữa hắn mới trở lại Bertaux như hắn hẹn, nhưng ngay ngày hôm sau hắn đã đến, rồi cứ đều đều mỗi tuần hai lần, không kể những cuộc thăm viếng bất ngờ mà thỉnh thoảng hắn rẽ vào như vô tình.
Vả chăng, mọi sự đều yên đẹp; vết thương khỏi dần đúng phép; và bốn mươi sáu ngày sau, khi thấy ông Rouault tập đi một mình trong căn phòng của mình, người ta bắt đầu coi ông Bovary như một bậc tài cao. Ông Rouault nói rằng những tay y sĩ giỏi nhất ở Yvetot, hay cả ở Rouen nữa, cũng chẳng chữa được cho ông ta tốt hơn.
Còn Charles, hắn chẳng hơi đâu tự hỏi vì sao hắn thích đến trang trại Bertaux. Nếu hắn có nghĩ đến chăng nữa thì hắn sẽ đổ là hắn sốt sắng vì trường hợp bệnh nặng, hoặc có lẽ là hắn hy vọng được lợi. Nhưng có phải vì thế mà những cuộc viếng thăm trang trại kia lại thành một cái gì khác thường mà thú vị, giữa những công việc khô khan của đời hắn? Những buổi ấy hắn dậy sớm, thúc ngựa phi nước đại, rồi xuống chùi chân vào cỏ, lồng tất tay đen trước khi vào. Hắn thích thú thấy mình bước vào sân, khi thấy vai mình đụng chiếc rào chắn đang quay, thấy con gà trống đứng gáy trên tường, thấy người hầu kẻ hạ ra đón. Hắn thích thú cái kho lúa và những chuồng ngựa, thích thú ông Rouault vừa đập nhẹ vào tay hắn vừa gọi hắn là cứu tinh, thích thú tiếng giày guốc nhỏ nhắn của Emma trên nền gạch nhà bếp rửa sạch; đôi gót giày cao làm nàng to lớn lên một chút; và, khi nàng đi trước hắn, đế gỗ, nâng nhanh, miết vào da giày thành tiếng kêu ken két.
Bao giờ nàng cũng tiễn chân hắn ra đến tận bực đầu thềm. Khi người ta chưa kịp dẫn ngựa lại thì nàng còn đứng đấy. Hai người từ biệt nhau, không ai nói gì nữa. Không khí lồng lộng bao quanh nàng, lật tung những sợi tóc tơ ở gáy, hoặc lay động những dải buộc tạp dề như những dải cờ. Một lần vào lúc trời tan giá, vỏ cây rỉ nước ngoài sân, tuyết trên mái nhà chảy xuống. Nàng đứng ở thềm; nàng đi tìm cái dù, nàng mở ra. Cái dù bằng lụa xanh biếc, lóng lánh như cổ chim câu khi ánh nắng xuyên qua, đã toả ánh sáng muôn màu vào da mặt trắng trẻo của nàng. Nàng mỉm cười dưới dù, đón chào tiết trời ấm áp; và người ta nghe thấy tiếng nước nhỏ giọt trên nền lụa vẫn được căng thẳng.
Thời gian đầu, lúc Charles lui tới Bertaux, vợ hắn không quên hỏi tin tức về người bị nạn; hơn nữa, trong cuốn sổ kế toán kép mà mụ giữ, mụ còn dành riêng cho ông Rouault một trang giấy trắng toát. Nhưng đến khi mụ biết lão có một cô con gái, thì mụ liền đi thăm dò. Mụ được tin cô con gái ông Rouault khôn lớn ở nhà tu Ursulines, đã được dạy dỗ tử tế, theo tin đồn, đến nỗi biết cả khiêu vũ, lẫn địa lý, hội hoạ, dệt thảm và chơi đàn piano. Thực là tuyệt đỉnh! Mụ tự nhủ:
– Ra thế mà hắn mặt mày hớn hở khi đến thăm nó, là lại diện gilê mới, chẳng sợ mưa làm hư hại? À! Con đàn bà ấy! Con đàn bà ấy!
Thế rồi mụ tự nhiên ghét nàng. Thoạt tiên, mụ còn nói bóng gió cho đỡ bực. Charles không hiểu; sau mụ có những phản ứng bất thần khiến hắn phải làm lơ để khỏi sinh to chuyện; cuối cùng, mụ đột nhiên chất vấn hắn làm cho hắn chẳng biết đáp lại ra sao:
– Sao ông Rouault đã khỏi rồi mà anh còn đến trang trại Bertaux? Sao bọn họ chưa trả tiền? À! Là vì ở đó có một tiểu thư, một con người biết chuyện trò, biết thêu thùa, một con người có học thức. Anh chỉ ham cái đó thôi, anh cần những cô gái thành thị cơ.
Rồi mụ nói tiếp:
– Con cái lão Rouault mà là một cô gái thành thị à! Thôi đi! Ông nó làm nghề chăn cừu, một thằng anh họ nó tí nữa phải ra toà đại hình vì dùng đòn hiểm trong một cuộc đánh nhau. Làm gì mà nó phải nổi trống khua chiêng như thế, nó phải vận áo lụa đi lễ nhà thờ ngày chủ nhật như thể một bà bá tước! Mà tội nghiệp lão già, nếu chẳng vớ được món cây cải đầu năm ngoái, thì cũng chẳng còn biết xoay xở đâu để trả nợ!
Vợ Charles khóc lóc nức nở, bồng bột bộc lộ tình yêu, bắt hắn tay cầm kinh, miệng thề thốt không đến Bertaux nữa. Hắn đành tuân theo; song ở hắn lòng ham muốn mạnh mẽ phản kháng lại hành vi phục tòng. Rồi, bằng một ý nghĩ quay quắt tự nhiên, hắn tưởng rằng việc cấm đoán hắn đến thăm người ấy là hắn có quyền được yêu người ấy, vả chăng mụ goá lại gầy còm, răng nhe cả ra, tứ thời trùm khăn san đen, đuôi khăn rủ xuống tận giữa bả vai, thân hình cứng nhắc bó chặt trong chiếc áo dài như gươm lồng trong vỏ, váy ngắn cũn cỡn để lộ cả mắt cá chân với đôi giày rộng bản bắt chéo trên đôi bít tất xám.
Bà mẹ Charles thỉnh thoảng cũng lên chơi, nhưng chỉ sau vài ngày, con dâu đã kéo mẹ chồng hùa vào, và khi ấy hai người cứ nói ra nói vào, đay nghiến hắn như hai con dao rạch vào thân hắn. Hắn có cái tội ăn quá nhiều! Tại sao bạ ai đến nhà, hắn cũng mời rượu? Hắn có cái thói ương lạ đời là không chịu mặc hàng nỉ.
Sang đầu xuân, một chuyện xảy ra là một viên quản lý văn khế ở Ingouville, giữ vốn cho mụ goá Dubuc, đáp tàu biển cuốn gói, mang theo tất cả tiền bạc trong văn phòng của y. Héloïse thật ra, ngoài món cổ phần dành cho việc chạy tàu thuỷ tính đến sáu ngàn quan vẫn còn có một toà nhà ở phố Saint-Francois; thế nhưng trong nhà, chẳng thấy chút tăm hơi nào về cái tài sản mà người ta làm rùm beng, trừ một tí đồ đạc và vài bộ quần áo cũ. Phải tính lại cho đích xác mới được. Cái nhà Dieppe thì đã bị thế nợ vào đấy nhiều phen như mọt đục đến tận cột sàn; còn tiền bạc gửi ở phòng quản lý văn khế thì có trời mà biết; cổ phần vào cái tàu biển không quá nghìn êquy. Vậy ra mụ goá này dối trá! Điên tiết lên, ông Bovary bố đập gãy tan một chiếc ghế xuống nền gạch, đổ tội cho vợ đã làm khổ con trai bằng cách buộc nó vào một con ngựa già ốm yếu mà yên cương lại không đáng bộ da. Hai ông bà kéo nhau đến Tostes. Người ta đôi co. Thế là những cơn thịnh nộ nổ ra. Vợ Charles khóc sướt mướt, chạy lại nép vào cánh tay chồng, van chồng che chở, kẻo bị cha mẹ chồng làm nhục. Charles ra ý bênh vợ. Hai ông bà giận dữ, bỏ về quê.
Nhưng đòn đánh đã trúng. Tám ngày sau, vợ Charles đang phơi quần áo ở sân bỗng khạc ra máu, rồi hôm sau, đương lúc chồng đứng quay lưng kéo tấm màn che cửa sổ. Mụ thốt lên: “Ôi trời ơi!”, thở dài một cái và ngất đi. Mụ ta đã chết! Thực là lạ lùng!
Chôn cất xong xuôi, Charles trở về nhà. Buồng dưới không một bóng người! Chàng lên gác, vào phòng ngủ, thấy áo vợ còn treo ở chân giường; thế là tự mình vào bàn giấy, hắn ngồi đến tận tối, lòng chìm đắm trong niềm đau đớn bâng khuâng. Dù sao, vợ hắn cũng đã yêu hắn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.