Bà Bovary

Chương 5



Một ngày chủ nhật tháng Hai, vào buổi chiều, trời đổ tuyết.

Ông bà Bovary, Homais và Léon tất cả cùng đi thăm một nhà máy sợi lanh đang xây dựng cách Yonville nửa dặm trong thung lũng. Tay dược sĩ mang theo hai con Napoléon và Athalie, để rèn luyện chúng, và Justin, ô vác trên vai, đi theo chúng.

Tuy nhiên, chẳng có cái gì kém lạ kỳ hơn cái kỳ lạ ấy. Một khoảng đất trống lớn, ở đó ngổn ngang, giữa những đống cát và sồi, vài bánh xe răng cưa đã gỉ, quanh một tòa nhà dài hình tứ giác, trổ nhiều cửa sổ nhỏ. Tòa nhà chưa xây xong và người ta nhìn thấy bầu trời qua những chiếc rầm trên mái. Trên cái xà nhỏ ở đầu hồi, người ta buộc một bó rơm lẫn nhiều bông lúa làm những dải bảng tam tài quấn nó phần phật trước gió.

Homais lên tiếng. Y giảng cho cả đoàn tầm quan trọng sau này của nhà mấy ấy, ước lượng sức chịu đựng của các ván rầm nhà, bề dày của tường và rất tiếc chẳng có gậy đo như ông Binet có một cái để dùng riêng.

Khoác tay y và hơi dựa vào vai y, Emma nhìn chiếc gương mặt trời tỏa chiếu ở xa, trong sương mù, cái ánh xanh nhạt chói lòa của nó; nhưng nàng quay dầu đi. Charles đứng đó. Chiếc mũ cát két của hắn chụp xuống tận lông mày, và đôi môi dày của hắn mấp máy, cái đó khiến cho bộ mặt hắn thêm vẻ đần độn; cả cái lưng hắn nữa, cái lưng bình thản trông mà bực mình, và nàng thấy ở đó phơi bày trên chiếc áo rơ-đanh-gôt tất cả cái tầm thường của con người.

Trong khi nàng nhìn chồng, thưởng thức một thứ lạc thú hư hỏng trong nỗi bực mình như thế, thì Léon tiến lên một bước. Khí lạnh, làm anh ta tái nhợt, dường như đặt lên trên mặt anh ta một vẻ ủy mị dịu dàng hơn; giữa chiếc ca vát và cái cổ của anh ta, cái cổ áo sơ mi hơi lỏng để lộ làn da; một mẩu tai thò ra dưới mớ tóc, và đôi mắt to xanh của anh ta ngước nhìn lên mây, đối với Emma, dường như trong hơn và đẹp hơn là những mặt hồ trên núi mà bầu trời soi vào.

– Thằng khốn kiếp! – Tay dược sĩ bất thần kêu lên. Rồi y chạy lại chỗ thằng con trai vừa xông vào một đống vôi để sơn giày cho trắng. Bị bố mắng, Napoléon gào lên, trong khi đó Justin thì lau giày cho nó bằng rơm trát vách. Nhưng cần phải có một con dao; Charles bèn đưa con dao của mình ra.

“À!” Nàng thầm nghĩ, “hắn ta mang dao trong túi như một người nhà quê!”

Sương giá đã xuống, mọi người liền quay trở về Yonville. Tối hôm đó, bà Bovary không sang nhà hàng xóm. Và khi Charles đi rồi, nàng cảm thấy cô đơn; việc so sánh lại trở lại đầu óc nàng rõ ràng trong một cảm giác hầu như trực tiếp với cách kéo dài viễn cảnh mà ký ức đem đến cho mọi vật. Nhìn từ giường mình ngọn lửa sáng đang cháy, nàng còn thấy, như ở nơi ấy, Léon đứng, một tay uốn cong chiếc can nhỏ của anh ta, một tay dắt bé Athalie đang bình thản mút một miếng nước đá. Nàng thấy anh ta xinh trai; nàng chẳng thể rời anh ta ra được, nàng nhớ lại các điệu bộ khác của anh ta ở những ngày khác, lời ăn và tiếng nói của anh ta, cả con người của anh ta; và nàng vừa nhắc đi nhắc lại vừa chìa môi ra như để hôn:

“Ừ, xinh! Xinh thật!… Anh ta không yêu sao?” Nàng thầm hỏi. “Yêu ai vậy?… Yêu ta chứ yêu ai!”

Mọi chứng cớ phơi bày ra một loạt, trái tim nàng như nhảy vọt lên. Ngọn lửa lò sưởi làm rung rinh trên trần nhà một ánh sáng hân hoan; nàng vừa quay người nằm ngửa vừa vươn cánh tay ra.

Thế là bắt đầu lời ta thán muôn thuở “Ôi! Nếu như trời đã định thế! Tại sao lại không nhỉ? Vậy ai ngăn trở?…”

Vừa nửa đêm, khi Charles về nhà, nàng làm ra vẻ mới tỉnh giấc, vì hắn cởi quần áo một cách ồn ào, nàng than phiền nhức đầu rồi uể oải hỏi tối nay đã có chuyện gì xảy ra.

– Ông Léon, – hắn nói, – đã lên gác sớm.

Nàng không nhịn được cười rồi nàng ngủ thiếp đi, tâm hồn tràn đầy một niềm hoan lạc mới.

Hôm sau, lúc trời sẩm tối, nàng tiếp Lheureux, một tay buôn bán công nghệ phẩm theo thời trang đến thăm. Gã thật là một con người khôn khéo.

Sinh ở xứ Gascon nhưng trở thành người xứ Normandie, gã không những đã có tài bẻm mép của người miền Nam lại còn thêm cái tính xảo quyệt của người xứ Caux. Mặt gã béo phị, mềm nhẽo và không râu, dường như nhuộm bằng nước cam thảo sắc nhạt; tóc gã bạc làm cho cái ánh cặp mắt đen ti hí đã dữ càng thêm sắc. Người ta chẳng biết xưa kia gã làm gì; kẻ này bảo gã bán hàng xén rong; người nọ bảo gã đứng đầu sòng bạc ở Routot. Có điều chắc chắn là gã tính nhẩm được trong trí những con tính phức tạp đến Binet cũng phát hoảng. Lễ phép đến mức thành khúm núm, gã luôn luôn đứng khom lưng, trong cái tư thế của người đang chào đón hay mời mọc.

Sau khi để ngoài cửa chiếc mũ quấn băng nhiễu, gã đặt lên bàn một hộp bìa xanh ve và bằng những nghi lễ xã giao đưa đẩy, gã bắt đầu phàn nàn với bà là tới nay gã vẫn chẳng được bà tin cẩn. Một cửa hàng tồi tàn như cửa hàng của gã không phải mở ra để thu hút một bà lịch sự, gã nhấn mạnh vào tiếng này. Tuy nhiên bà chỉ việc đặt hàng là gã sẽ nhận trách nhiệm kiếm cho bà thứ bà muốn, về tạp hóa cũng như về vải vóc tơ lụa, mũ trùm áo nịt, tất sợi hay các đồ trang sức vì gã hàng tháng lên tỉnh đều đặn bốn lần. Gã giao dịch với những hãng lớn nhất; người ta có thể nói chuyện về gã ở hãng Ba Anh Em, ở hãng Kim Tu hay ở hãng Đại Man; tất cả những ông chủ các hãng này đều biết gã tường tận! Vậy mà hôm nay nhân tiện đi qua đây gã đến trình bày bà, nhiều mặt hàng mà đột nhiên gã có trong tay là nhờ một dịp may hiếm có. Rồi gã rút ở hộp ra nửa tá cổ áo thêu.

Bà Bovary xem hàng.

– Tôi chẳng cần gì cả, – nàng nói.

Lheureux liền nhẹ nhàng bày ra ba chiếc khăn quàng Angiêri, nhiều gói kim Anh, một đôi păng-tup bằng rơm và, cuối cùng, bốn bát để ăn trứng bằng vỏ dừa do tù khổ sai chạm đục. Rồi, hai bàn tay để trên bàn vươn ra, người ngả xuống, miệng há hốc, gã theo dõi cái nhìn của Emma đang lưỡng lự lướt qua đám hàng ấy. Thỉnh thoảng, như để xua bụi đi, gã búng ngón tay lên làn tơ của những chiếc khăn quàng trải ra theo suốt cả chiều dài, thế là những chiếc khăn ấy rung rinh vừa tạo thành tiếng động sột soạt vừa làm cho những vẩy vàng đính vào lụa lấp lánh như những ngôi sao nhỏ trong ánh sáng xanh nhợt của buổi hoàng hôn.

– Những chiếc khăn quàng này giá bao nhiêu?

– Rẻ thôi, – gã đáp, – rẻ thôi; nhưng chẳng việc gì mà vội; bao giờ bà cho cũng được; chúng tôi chẳng phải là phường Do Thái.

Nàng suy nghĩ đôi lát, rồi cuối cùng còn cảm ơn Lheureux.

Gã thản nhiên đáp:

– Này! Chúng ta thỏa thuận với nhau sau; tuy nhiên đối với các bà, bao giờ tôi cũng thu xếp được ổn, trừ bà nhà tôi!

Emma mỉm cười.

Sau lời bông đùa, gã lại xuề xòa nói tiếp:

– Nói thế là để bà biết tôi chẳng phải lo ngại về vấn đề tiền nong… Nếu cần, tôi xin biếu bà.

Nàng tỏ vẻ ngạc nhiên. Gã vội nói khẽ:

– Ồ! Tôi chẳng cần đi xa mới tìm ra được những thứ này hầu bà, bà hãy tin vào điều đó!

Rồi gã xoay sang hỏi thăm tin tức lão Tellier chủ tiệm Cà phê Pháp mà ông Bovary đang chữa bệnh cho.

– Lão Tellier, lão làm sao thế… Lão ho đến rung chuyển cả nhà. Tôi rất sợ rằng nay mai lão cần đến một chiếc áo khoác ngoài bằng gỗ thông đúng hơn là chiếc áo chẽn bằng nỉ mỏng! Lão chơi bời quá độ thưở còn trẻ, những hạng ấy, thưa bà, chẳng có quy củ gì cả! Lão đã tự thiêu bằng rượu mạnh! Kể cũng đáng buồn khi thấy một người quen thuộc mất đi.

Và trong lúc gã cài chiếc hộp lại, gã cứ ba hoa như thế về các khách chữa bệnh của người thầy thuốc ra.

Gã vừa nhìn các ô cửa kính bằng một vẻ mặt cau có vừa nói:

– Hẳn là thời tiết làm cho phát sinh những bệnh tật đó thật! Tôi cũng vậy, tôi cảm thấy mình không được bình thường, phải có ngày tôi đến xin ông nhà khám bệnh cho nữa, vì tôi đau ở lưng. Nào, xin chào bà Bovary, tôi sẵn sàng chờ lệnh bà!

Rồi gã nhẹ nhàng khép cửa lại.

Emma sai dọn cơm trong buồng nàng, bên cạnh lò sưởi, trên một cái khay; nàng ăn thong thả; mọi thứ nàng đều thấy vừa ý. Nghĩ tới những chiếc khăn quàng, nàng tự nhủ:

– Mình đã khá khôn ngoan đấy chứ.

Nàng nghe thấy tiếng chân bước trên cầu thang; đó là Léon. Nàng đứng dậy lấy trên mặt tủ ngăn chiếc thứ nhất trong chồng khăn lau để viền. Nàng có vẻ rất bận rộn khi anh ta bước vào.

Câu chuyện giữa hai người thật uể oải; bà Bovary mỗi lúc lại bỏ lửng, còn chính anh ta dường như cũng rất lúng túng. Ngồi trên một chiếc ghế thấp gần lò sưởi, anh ta xoay cái ống bằng ngà giữa các ngón tay; nàng đẩy mũi kim hoặc chốc chốc lại lấy móng tay làm nhăn nếp vải. Nàng không nói. Bị quyến rũ bởi sự nín lặng của nàng cũng như bởi lời nói của nàng, anh ta ngồi im. 

“Anh chàng đáng thương!” Nàng nghĩ.

“Mình có điều gì làm bà ấy mếch lòng?” Anh ta tự hỏi.

Tuy nhiên, Léon rốt cuộc cũng nói một ngày gần đây, anh ta phải đi Rouen vì một công việc của phòng giấy anh ta.

– Hạn đặt mua các bản nhạc của bà đã hết, tôi có phải đăng ký lại không?

– Không, – nàng đáp.

– Sao vậy?

– Bởi vì…

Rồi, mím môi lại, nàng chậm chạp xỏ vào kim một sợi chỉ xám dài.

Công việc ấy làm Léon khó chịu. Đầu ngón tay Emma dường như bị sướt da; một câu tình tứ thoáng qua đầu anh ta nhưng anh ta chẳng dám nói ra.

– Thế bà bỏ à? – Anh ta hỏi tiếp.

– Gì cơ? – Nàng nói nhanh – Nhạc ấy à? Trời ơi, vâng! Tôi chẳng còn có việc cửa nhà, việc chăm sóc chồng tôi, nghĩa là trăm công nghìn việc, vô vàn bổn phận phải làm trước hết ư!

Nàng nhìn chiếc đồng hồ treo trên tường. Muộn rồi mà Charles chưa về. Nàng liền làm ra vẻ lo lắng. Hai ba lần nàng nhắc đi nhắc lại:

– Nhà tôi hiền quá!

Viên luật sư tập sự mến ông Bovary. Những lời âu yếm của nàng đối với chồng nàng làm cho anh ta ngạc nhiên một cách khó chịu; song anh ta cứ tiếp tục khen ngợi ông chồng mà, theo lời anh ta, anh ta thấy ai cũng khen, nhất là tay dược sĩ.

– À! Đó là một con người trung hậu. – Emma đáp.

– Hẳn thế rồi. – Viên luật sư tập sự nói.

Và anh ta chuyển sang chuyện bà Homais ăn mặc quá cẩu thả thường làm cho họ tức cười.

– Thế thì cái đó đã làm sao nào? – Emma ngắt lời. Một bà mẹ hiền trong gia đình chẳng băn khoăn gì về cách ăn mặc của mình.

Rồi nàng lại nín lặng.

Những ngày sau cũng thế; lời lẽ, cử chỉ của nàng, tất cả đều đổi khác, người ta thấy nàng toàn tâm toàn ý chăm lo việc nhà, lui tới nhà thờ đều đặn và sai bảo người hầu gái một cách nghiêm khắc hơn.

Nàng đem Berthe về nhà nuôi. Félicité mang đứa bé tới mỗi khi có khách đến chơi và bà Borary cởi quần áo con ra để phô cho khách thấy tay chân con. Nàng tuyên bố rất quý trẻ con; đó là niềm an ủi, niềm vui sướng, niềm say mê của nàng, nàng đã minh họa thêm điều đó bằng những cái vuốt ve êm dịu và những lời nói ngọt ngào bộc lộ tâm tình làm cho người không phải dân địa phương Yonviile nhớ đến nàng Sachette trong tác phẩm Nhà thờ Đức Bà Paris.

Charles, khi trở về, đã thấy gần đống tro đôi giày vải của mình được hơ ấm. Áo gilê của hắn không còn thiếu lót, sơ mi của hắn chẳng còn mất khuy, và thậm chí hắn còn thích thú thấy trong tủ áo tất cả các mũ trùm vải bông được xếp thành từng chồng đều đặn. Nàng không cau có như trước kia lúc đi dạo cùng chồng quanh vườn; hắn đề nghị điều gì cũng được nàng ưng thuận mặc dù nàng chẳng đoán trước được những ý muốn mà nàng phục tùng không một lời kêu ca; – và khi Léon thấy hắn ngồi trước lò sưởi sau bữa ăn tối, hai bàn tay đặt lên bụng, hai chân gác lên giá sắt để củi, má đỏ lên do tiêu hóa, mắt ướt vì sung sướng, bên đứa con đang bò lê trên thảm và người phụ nữ thân hình mảnh dẻ ấy đến hôn vào trán hắn qua phía trên lưng ghế, thì Léon tự nhủ: “Mình thật là điên! Thế kia thì làm sao mà đụng tới nàng được?”

Vậy là anh ta tưởng nàng quá đoan chính và quá vững vàng đến nỗi mọi hy vọng, cả thứ hy vọng mơ hồ nhất, cũng rời bỏ anh ta.

Nhưng do sự thoái lui ấy, anh ta đặt nàng vào những điều kiện dị thường. Đối với anh ta, nàng vượt khỏi những cái đẹp về thể xác mà anh ta chẳng được hưởng gì; và trong lòng anh ta, nàng vươn lên cao mãi và thoát ly chúng một cách rực rỡ như một vị thần linh bay đi. Đó là một trong những tình cảm thanh khiết không ngăn cản cái sinh hoạt bình thường người ta nuôi dưỡng vì chúng hiếm có và, mất chúng, còn đau khổ hơn là hân hoan khi có chúng.

Emma gầy đi, đôi má xanh xao, bộ mặt dài ra. Với mái tóc đen, cặp mắt to, cái mũi dọc dừa, dáng đi như chim, và bây giờ luôn luôn thầm lặng, nàng há chẳng như đi qua cuộc sống mà không dính dáng mấy đến cuộc sống và nàng như mang trên trán cái dấu vết mơ hồ của một định mệnh cao siêu nào? Nàng vừa quá buồn rầu, vừa quá bình tĩnh, vừa quá dịu dàng và vừa quá dè đặt, đến nỗi ở gần nàng người ta cảm thấy bị cám dỗ bởi một vẻ đẹp lạnh lùng, như người ta rùng mình trong nhà thờ bởi hương hoa lẫn hơi lạnh của cẩm thạch. Cả những người khác cũng không thoát khỏi được sức quyến rũ đó. Tay dược sĩ nói:

– Đây là một phụ nữ có nhiều tài năng, một phụ nữ xứng đáng có địa vị trong một huyện lỵ.

Các bà ở thị trấn hâm mộ đức tính cần kiệm của nàng, bệnh nhân khâm phục cái lễ độ của nàng, người nghèo khổ ca ngợi lòng nhân đức của nàng.

Nhưng lòng nàng đầy ham muốn, đầy phẫn nộ, đầy căm hờn. Cái áo dài thẳng nếp kia che giấu một trái tim hỗn loạn, và cặp môi rất mực trinh bạch kia chẳng để lộ ra cơn giông tố của nó. Nàng phải lòng Léon rồi nàng tìm cảnh cô đơn để có thể vui thú với hình ảnh của anh ta một cách thoải mái hơn. Nếu nàng nhìn thấy con người anh ta, cái khoái lạc của sự trầm tư mặc tưởng đó sẽ bị quấy rối. Emma hồi hộp khi nghe tiếng chân anh ta đi; rồi trước mặt anh ta, niềm xúc động của nàng tiêu tan, và sau đó, ở nàng, chỉ còn lại một nỗi ngỡ ngàng mênh mông kết thúc bằng một nỗi u buồn.

Léon không biết, khi anh ta ở nhà nàng bước ra thất vọng, nàng đứng dậy ở phía sau anh ta để được thấy anh ta ngoài phố. Nàng băn khoăn về dáng đi đứng của anh ta; nàng dò xét vẻ mặt của anh ta; nàng bịa ra cả một chuyện để lấy cớ vào thăm buồng anh ta. Vợ tay dược sĩ, theo nàng, thực là may mắn được ngủ dưới một mái nhà với anh ta, và mọi ý nghĩ của nàng không ngớt dồn dập vào căn nhà ấy, như những con chim bồ câu của quán Sư Tử Vàng đến đó nhúng những cặp chân hồng và đôi cánh trắng vào các máng nước. Nhưng Emma càng nhận ra mối tình của mình, nàng càng dồn nén nó xuống để nó khỏi lộ ra và để giảm bớt nó đi. Nàng những muốn Léon nhận ra mối tình đó; và nàng tưởng tượng đến những chuyện tình cờ, những biến cố có thể đem đến cho Léon nhiều điều thuận tiện. Cái gì ngăn giữ nàng lại, hẳn là thói lười biếng hay nỗi hoảng sợ và cả tính e thẹn nữa. Nàng nghĩ rằng nàng đã đẩy anh ta đi quá xa, bây giờ đã muộn rồi, mọi sự thế là hết. Rồi lòng tự trọng, niềm vui sướng được tự nhủ là “mình có đức hạnh”, và được tự ngắm mình trong gương với những vẻ chịu đựng an ủi nàng đôi chút về sự hy sinh mà nàng tưởng nàng đã làm.

Thế là những thèm muốn về xác thịt, những khát vọng về tiền tài và những sầu muộn vì yêu đương tất cả hỗn hợp lại trong cùng một nỗi khổ đau – và đáng lẽ không nghĩ gì đến nó nữa, nàng lại cứ bám lấy nó hơn nữa, cứ thúc đẩy mình lao vào buồn thảm, và cứ tìm kiếm mọi cơ hội để mà xót thương. Nàng bực dọc vì một món ăn nấu kém hay vì một cánh cửa hé mở, nàng rên rỉ vì chẳng có áo nhung, vì thiếu hạnh phúc, vì những mơ ước quá cao, vì nhà cửa quá chật hẹp.

Điều làm cho nàng tức bực là Charles chẳng tỏ ra hiểu biết tí gì về nỗi đau khổ của nàng. Cái điều hắn vững tin rằng hắn đã đem lại cho nàng hạnh phúc, đối với nàng, đường như là một điều lăng nhục ngu xuẩn, và sự yên trí của hắn về mặt đó dường như là một sự bội bạc. Vậy thì vì ai mà nàng phải giữ tiết trinh. Phải chăng chính hắn là trở ngại của mọi hạnh phúc, nguyên nhân của mọi tai họa, và phải chăng hắn giống như miếng sắt nhọn của chiếc đai phức tạp ấy siết chặt nàng từ mọi phía?

Do đó, nàng trút cả lên mình hắn bao nhiêu là căm hờn do từ những nỗi ưu phiền của nàng mà ra, và mỗi cố gắng để làm giảm nó đi lại chỉ làm tăng nó lên là vì cái công sức vô ích đó lại liên kết với những nguyên nhân thất vọng khác và góp phần hơn nữa vào sự xa rời nhau. Ngay tính điềm đạm của riêng nàng cũng làm nàng giở bướng. Cảnh tầm thường trong nhà xô đẩy nàng đến chỗ xa hoa quá trớn, những cái vỗ về âu yếm của người chồng dẫn nàng đến những ý muốn ngoại tình. Nàng những muốn Charles đánh đập nàng để nàng có thể ghét anh, trả thù anh một cách chính đáng hơn. Cùng những lúc nàng ngạc nhiên về những trường hợp ghê gớm mà nàng giả định trong đầu óc; vậy mà nàng vẫn phải tiếp tục mỉm cười, nghe người ta nói đi nói lại với nàng là nàng sung sướng, làm ra vẻ như thế, làm cho người ta tin là thế!

Tuy nhiên, nàng cũng không ưa sự giả dối ấy. Nàng đôi lúc mưu toan trốn đi với Léon ở một nơi nào đó, thật xa, để thử một cuộc sống mới, nhưng lập tức, trong tâm hồn nàng, mở ra một vực thẳm mơ hồ, tối mò.

“Vả lại, anh ta có yêu ta nữa đâu”, nàng nghĩ thế; “thế thì sẽ ra sao? Đợi ai cứu vớt mình, an ủi mình, giải khuây mình?”

Nàng xúc động, nghẹn thở, ngây dại, nức nở khóc thầm và nước mắt ròng ròng chảy.

– Sao bà chẳng nói cho ông biết? – Con bé đầy tớ hỏi nàng khi nó bước vào buồng giữa lúc nàng đang ở trong tình trạng ấy.

– Bệnh thần kinh đấy, – Emma đáp; – mày đừng nói với ông mà làm khổ ông.

– À! Vâng ạ, – Félicité thưa lại, – bà đúng như chị Guérine, con gái lão Guérine, dân chài ở Pollet mà con biết hồi con ở Dieppe, trước khi đến với bà. Chị ta buồn ơi là buồn, buồn đến nỗi thấy chị ta đứng ở ngưỡng cửa nhà cứ như thấy màn đám ma căng trước cửa. Bệnh của chị ta, qua triệu chứng bên ngoài, là một thứ sương mù mà chị ta mang trong đầu nên các thầy thuốc chẳng làm gì được cả, và ông linh mục cũng vậy. Khi cơn đau mạnh quá, chị ta đi một mình ra bãi biển, thành ra ông quan hai thương chính, khi đi tuần qua, thường thấy chị ta nằm sấp thẳng cẳng trên đám sỏi mà khóc. Rồi, sau lấy chồng, thế là khỏi, người ta bảo thế.

– Nhưng, tao thì lấy chồng rồi, tao mới bị thế này – Emma đáp.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.