Bà Bovary

Chương 4



Ngay khi trời trở rét, Emma rời buồng riêng để vào ở trong phòng lớn, một gian nhà dài trần thấp, có một tảng san hô dày đặt trên lò sưởi trước chiếc gương. Ngồi trong ghế bành, gần cửa sổ, nàng nhìn người làng qua lại trên hè.

Léon, ngày hai lần, đi từ phòng làm việc đến quán Sư Tử Vàng. Emma nghe bước anh ta đến từ xa; nàng ngả người xuống mà nghe; và chàng thanh niên, lướt sau bức màn cửa, bao giờ cũng ăn mặc như vậy và đi không quay đầu. Nhưng, vào lúc hoàng hôn, khi nàng buông chiếc khăn vừa thêu xuống đầu gối, tì cằm vào lòng bàn tay trái, nàng thường giật mình lúc cái bóng người ấy xuất hiện đột ngột. Nàng đứng dậy và bảo người nhà dọn bàn ăn.

Đang bữa ăn thì Homais đến. Tay cầm chiếc mũ trùm kiểu Hy Lạp, y bước nhẹ để khỏi làm phiền ai và bao giờ y cũng lặp lại cái câu: “Chào cả nhà!” Rồi, khi y đã ngồi vào chỗ mình ở cạnh bàn, khoảng giữa đôi vợ chồng nàng, y hỏi han người thầy thuốc tin tức về các bệnh nhân, và người thầy thuốc lại tham khảo y về khả năng tiền khám bệnh. Sau đó, hai người trò chuyện về những điều đăng trong tờ báo hàng ngày. Homais, lúc này, gần như thuộc lòng các bài vở; y thuật lại nguyên văn cùng với những bình luận của các ký giả, và mọi thảm họa cá nhân đã xảy ra ở nước Pháp hay trên thế giới. Nhưng vì các đề tài câu chuyện cạn đi, y vội đưa ra vài nhận xét về những món ăn trước mắt. Thậm chí đôi khi, y đứng dậy nửa chừng, chỉ cho bà một cách tế nhị miếng nào ngon nhất, hoặc y quay lại phía người hầu gái nhủ điều này điều khác về thủ thuật nấu các món thịt hầm, về phép gia giảm đồ gia vị: y thuyết về mùi thơm chất bổ, nước cốt và chất đông, để lòe đời. Vả lại, số môn thuốc chứa trong đầu y còn nhiều hơn là số bình thuốc chứa trong cửa hiệu của y; Homais có tài chế lắm thứ mứt, giấm và rượu ngọt, biết tất cả những phát minh mới về máy nấu ăn cho đỡ tốn cùng nghệ thuật giữ gìn pho mát và sửa chữa rượu vang hỏng.

Vào tám giờ, Justin đến tìm y về để đóng cửa hiệu. Homais liền nhìn nó bằng con mắt tinh quái, nhất là khi có Félicité ơ đó, vì y để ý thấy học trò của y quyến luyến ngôi nhà người thầy thuốc. Y nói:

– Thằng ranh nhà tôi bắt đầu có ý nghĩ này khác; quỷ tha ma bắt tôi đi, tôi cho rằng nó đã phải lòng người hầu gái của ông bà!

Nhưng một tính xấu nặng hơn, mà ông ta thường trách mắng nó, là luôn luôn nghe ngóng người lớn trò chuyện. Chủ nhật chẳng hạn, nó cứ ở lì trong phòng khách khi bà Homais gọi nó vào để mang lũ trẻ đi, chúng ngủ trong ghế bành, lưng làm xô cả những miếng vải diềm bâu bọc ghế quá rộng.

Những buổi tối tiếp khách đó của tay dược sĩ chẳng có mấy người tới dự vì thói gièm pha, và các chính kiến của y đã làm cho những nhân vật bề thế khác dần dần xa lánh y. Viên luật sư tập sự thì không thể thiếu mặt. Vừa nghe tiếng chuông kêu là anh ta đã chạy vội ra đón bà Bovary, đỡ chiếc khăn choàng của bà rồi cất biến ra một chỗ, dưới gầm bàn giấy của tay dược sĩ, đôi giày to mềm bằng vải thô mà bà đi lồng ra ngoài đôi giày khác khi trời đổ tuyết.

Thoạt đầu, họ đánh vài ván bài ba mươi mốt điểm; sau đó Homais đánh bài thay quân với Emma; Léon, đứng sau, mách nước. Hai tay tì trên lưng ghế của nàng anh ta nhìn những chiếc răng lược ngoạm vào búi tóc của nàng. Cứ mỗi lần nàng cử động để ném quân bài, tay phải áo dài của nàng lại xếch lên. Từ làn tóc quấn của nàng, một màu nâu sẫm tỏa xuống lưng nàng, dần dần nhợt đi cho tới lúc mất hút trong bóng tối. Tiếp đến chiếc áo nàng vừa phồng ra vừa rủ sang hai bên ghế, xếp thành nếp và trải trên mặt đất. Có những lúc Léon cảm thấy đế giày mình đặt lên trên áo ấy và anh ta vội lánh người ra tựa hồ như đã giẫm phải ai.

Xong ván bài ấy, tay dược sĩ và người thầy thuốc đánh bài cẩu, còn Emma thì đổi chỗ, nàng tì khuỷu tay lên bàn xem tờ Họa báo, quyển báo ảnh về thời trang mà nàng đã mang theo. Léon đến ngồi sát bên nàng; hai người cùng xem các kiểu vẽ và đợi nhau ở cuối các trang. Nhiều khi nàng yêu cầu anh ta đọc thơ cho nghe; Léon bình thơ bằng một giọng kéo dài và anh ta hạ xuống một cách ý tứ những đoạn tả tình. Những tiếng bài cẩu làm nàng khó chịu; Homais là người chơi bài cao; y hạ Charles bằng cả hai quân lục. Ván bài kết thúc; cả hai người đều ngả lưng trước lò sưởi rồi chẳng bao lâu ngủ thiếp đi. Lửa tàn dần trong tro, ấm trà đã cạn; Léon vẫn đọc thơ, Emma vừa nghe vừa xoay như máy cái chụp đèn bằng the mỏng trên vẽ hình những thằng hề ngồi xe và những cồ gái leo dây cầm gậy lấy chừng. Léon ngừng lại, chỉ tay vào đám thính giả đã ngủ; họ liền nói khe khẽ với nhau và câu chuyện đối với họ dường như êm ái hơn vì không có ai nghe cả.

Thế là giữa họ tạo nên một kiểu kết hợp, một cuộc trao đổi liên tục bằng sách báo và tình ca, ông Bovary ít ghen tuông, chẳng ngạc nhiên về chuyện đó.

Vào ngày sinh nhật của hắn, hắn nhận được một chiếc sọ người đẹp thuộc loại não tướng học[7] có điểm chữ số đến tận xương ngực và sơn màu xanh lơ.

[7] Não tướng học (phrénologie): môn học chuyên nghiên cứu đặc điểm và trí năng của con người qua hình trạng xương sọ.

Đó là một sự quan tâm của viên luật sư tập sự. Anh ta còn nhiều sự quan tâm khác nữa, thậm chí đi cả tới Rouen làm giúp những công việc mà người thầy thuốc ủy thác và nhân dịp cuốn sách của một nhà viết tiểu thuyết gây nên cái mốt ham thích những cây nhỏ lá dày; Léon đi chiếc xe ngựa Con én đem về cho bà Bovary loại anh ta mua, cây đặt trên đầu gối, lông cứng của chúng đâm cả vào các ngón tay anh ta.

Nàng cho lắp vào cửa sổ một tấm lan can đặt các bình cây của mình. Viên luật sư tập sự cũng làm một vườn nhỏ treo lên; họ nhìn thấy nhau khi chăm sóc hoa ở cửa sổ.

Giữa đám cửa sổ trong làng, còn một cửa sổ nữa luôn luôn có bóng người hơn là vì cứ ngày chủ nhật, từ sáng đến tối, và mỗi buổi chiều, nếu trời quang, người ta lại thấy ở cửa sổ của một tầng sát mái nhà cái nét mặt gầy gò của ông Binet cúi xuống máy tiện, tiếng máy vo vo đơn điệu đến tận quán Sư Tử Vàng.

Một buổi chiều, đi đâu về, Léon thấy trong buồng của mình một bức thảm nhung và len có hình cành lá trên nền nhạt. Anh ta gọi bà Homais, ông Homais, Justin, lũ trẻ, chị nấu bếp; anh ta nói chuyện này với ông chủ – mọi người đều muốn biết rõ bức thảm ấy; tại sao vợ người thầy thuốc lại hậu đãi viên luật sư tập sự như vậy? Điều này kể cũng kỳ, và người ta nghĩ dứt khoát rằng nàng ắt phải là tình nhân của anh ta.

Anh ta làm cho người ta tin như vậy là vì anh ta luôn miệng nói đến nhan sắc và tài trí của nàng, đến nỗi Binet một lần đã sỗ sàng đáp lời anh ta:

– Điều đó can gì đến tôi, tôi không có quan hệ với bà ta!

Anh ta nát óc để tìm cách ngỏ lời với nàng; và cứ luôn luôn do dự giữa nỗi sợ làm nàng phật ý và điều hổ thẹn là mình quá nhút nhát, anh ta khóc vì nản lòng và vì ham muốn. Rồi anh ta đi đến những quyết định cương quyết; anh ta viết những bức thư để mà xé đi, hoãn đến những kỳ hạn mà anh ta hoãn mãi. Thường khi anh ta bước chân ra đi, anh ta dự định dám làm tất cả; nhưng trước mặt Emma, anh ta vứt bỏ điều ấy rất nhanh, và khi Charles chợt đến mời anh ta lên xe riêng của hắn để cùng nhau đi thăm một bệnh nhân nào quanh vùng, anh ta nhận lời ngay, chào bà rồi đi thẳng. Chồng nàng, phải chăng đó là cái gì thuộc nàng?

Về phần Emma, nàng cũng chẳng tự hỏi xem nàng có yêu anh ta không, nàng tin tình yêu phải tới đột ngột, với những tiếng nổ lớn và những chớp nguồn, giông tố của trời đất giáng xuống cuộc đời, làm đảo lộn cuộc đời, ngắt đi bao ý chí như ngắt những tàu lá và lôi cuốn cả trái tim tới vực thẳm. Nàng không biết rằng, khi các máng nước bị tắc, mưa đọng thành vũng trên sân thượng các nhà và nàng sống yên ổn như thế cho tới lúc nàng đột ngột phát hiện một kẽ nứt trên tường.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.