Bà Bovary

Chương 9



Thường thường, mỗi khi Charles đi vắng, nàng ra tủ lấy, giữa đống quần áo gấp nếp, cái túi đựng xì gà bằng lụa xanh mà nàng đã cất vào đó.

Nàng nhìn cái túi, mở túi ra, thậm chí còn hít cả mùi vải lót xen lẫn mùi mã tiền và mùi thuốc lá. Chiếc túi này của ai? … Của tay tử tước. Có lẽ đó là một tặng phẩm của tình nhân y. Cô ta đã thêu nó trên một khung gỗ tử đàn, một dụng cụ nhỏ xinh mà cô ta giấu mọi người và, trên đó, những làn tóc uốn mềm mại của cô gái cần cù tư lự đã từng cúi xuống cặm cụi hàng giờ. Một hơi thở yêu đương đã lùa vào từng ô vải thêu; mỗi mũi kim đã đính vào đó một niềm hy vọng hay một kỷ niệm, và tất cả những sợi tơ kết lại với nhau kia chỉ là sự tiếp diễn của cùng một mối tình thầm lặng. Thế rồi một buổi sáng, tay tử tước mang túi thuốc theo mình. Họ đã nói gì với nhau, khi cái túi còn nằm trên mặt lò sưởi rộng khung, giữa khoảng những hình hoa và những đồng hồ quả lắc kiểu Pompadour? Nàng ở Tostes. Còn y, giờ đây y ở Paris! Chốn Paris ấy thế nào? Cái tên đó mới khác thường làm sao! Nàng khẽ nhắc cho mình cái tên đó để tự mua vui; cái tên đó cứ vang vang bên tai nàng như tiếng chuông nhà thờ lớn! Cái tên đó sáng rực trước mặt nàng, sáng rực đến tận cả trên cái nhãn hiệu những lọ dầu xức tóc của nàng.

Ban đêm, khi những người buôn cá bể ngồi trong xe bò, vừa đi qua dưới cửa sổ buồng nàng vừa hát bài Marjolaine, nàng thức giấc. Và, lắng nghe tiếng bánh sắt ra khỏi vùng này mau chóng dịu bớt trên con đường đất, nàng tự nhủ: “Mai họ đã tới nơi đó!”

Thế là nàng theo dõi họ trong trí não, thấy họ leo dốc xuống dốc, họ đi qua các làng, họ rong ruổi trên đường cái dưới ánh sao. Hết một khoảng cách vô định, bao giờ cũng tới một chốn mơ hồ, ở đó mộng tưởng của nàng tiêu tan.

Nàng mua cho mình một tấm bản đồ Paris, rồi trên đó lần theo dấu ngón tay nàng rong ruổi trong đô thành. Nàng đi ngược các đại lộ, ngừng bước ở mỗi góc phố, mỗi ngả đường, trước những ô vuông trắng hình dung các nhà cửa. Cuối cùng mỏi mắt, nàng khép hàng mi lại, và nàng thấy trong bóng tối những ngọn lửa đèn khí vặn vẹo trước gió, những bậc lên xuống của những chiếc xe ngựa bốn bánh chuyển ầm ầm trước hàng cột trụ ở cửa các rạp hát.

Nàng mua dài hạn tờ báo Cái lẳng của phụ nữ và tờ báo Thiên tinh của những phòng khách. Nàng ngấu nghiến, đọc không sót tí gì, tất cả các bài tường thuật về những buổi diễn xuất đầu tiên, về những cuộc đua ngựa và những cuộc dạ hội, nàng chú ý đến bước đầu của một nữ ca sĩ, đến việc khai trương một hãng buôn. Nàng biết các thời trang mới, địa chỉ của những thợ may khéo, những ngày đi chơi rừng hay những ngày ca kịch. Nàng đọc kỹ, trong Eugène Sue, những đoạn miêu tả các cách bài trí; nàng đọc Balzac và George Sand, tìm kiếm trong đó những thỏa mãn tưởng tượng cho những khao khát riêng tây. Ngay cả bữa ăn, nàng cũng mang sách đến, nàng lật các trang, trong khi Charles vừa ăn vừa nói chuyện. Hình ảnh tay tử tước luôn luôn trở lại giữa những trang sách nàng đọc. Nàng thường liên hệ con người ấy với những nhân vật hư cấu. Nhưng cái phạm vi mà y là trung tâm dần dần mở rộng quanh y, và ánh hào quang của y rời khỏi mặt y, lan tỏa ra xa hơn, để soi sáng những ước mơ khác.

Paris, rộng hơn đại dương, lấp lánh trước mắt nàng qua cảnh vàng son. Những cuộc sống đông đảo đang nhộn nhịp trong cái không khí ồn ào đó lại phân chia ra làm nhiều mảng, sắp xếp thành lắm cảnh khác biệt. Emma chỉ thấy hai, ba cảnh, cảnh này che lấp cảnh khác vả riêng chúng cũng đủ hình dung toàn thể nhân loại. Giới ngoại giao thì bước trên những sàn nhà bóng loáng trong những phòng khách có tường lát gương, quanh những chiếc bàn hình bầu dục phủ nhung viền vàng. Ở đó, có những chiếc áo dài có đuôi và những điều bí mật hệ trọng, những nỗi lo lắng ẩn dưới những nụ cười. Rồi đến xã hội những người đàn bà đài các; phụ nữ ở đó xanh xao, họ dậy vào lúc bốn giờ chiều; những nàng tiên đáng thương! Họ mang váy ngắn viền đăng ten của nước Anh. Và những người đàn ông, những anh tài chưa được người đời biết đến dưới cái vẻ ngoài phù phiếm làm chết ngựa mình trong những cuộc vui chơi, đi nghỉ mát suốt mùa hè ở Bade và, mãi đến khoảng tứ tuần, mới kết hôn với những cô gái có di sản lớn. Trong những căn phòng của hàng quán mà tận quá nửa đêm người ta mới đến bữa ăn tối, cái đám đông ô hợp gồm văn nghệ sĩ và nữ diễn viên vui cười dưới ánh nến. Lớp người này, họ hoang phí như các ông hoàng, họ đầy những tham vọng lý tưởng và những sự say mê kỳ quái. Đó là cuộc sống có cái gì gọi là cao siêu đứng trên các cuộc sống khác, giữa bầu trời và trái đất, trong những cơn giông tố. Thế giới còn lại thì lu mờ, không có một chỗ đứng chính xác, coi như chẳng tồn tại, vả lại, cảnh vật càng gần nàng tư tưởng của nàng càng xa lánh nó. Tất cả những gì trực tiếp bao quanh nàng, nông thôn buồn tẻ, dân phố ngốc nghếch, cuộc sống tầm thường, đối với nàng, dường như là ngoại lệ ở đời. Trừ một điều không may đặc biệt mà nàng gặp phải, nàng thấy xa kia là xứ sở bao la của hạnh phúc và tình yêu. Trong ước vọng của nàng, nàng lẫn lộn những khoái lạc của xác thịt trong trạng thái giàu sang với những niềm vui của tâm hồn, cái thanh lịch của nếp sống và những tế nhị của tình cảm. Phải chăng đối với ái tình, cũng như đối với những cây cối ở Ấn Độ, cần phải có những mảnh đất dọn sẵn, một thời tiết riêng biệt. Cho nên những tiếng thở dài dưới ánh trăng, những cái ôm ấp đắm đuối, những giọt lệ rỏ xuống bàn tay khi người ta buông nhau ra, tất cả những rạo rực của xác thịt và những thẫn thờ của tình yêu không tách rời hàng lan can của những tòa lâu đài to lớn nhàn nhã, cái phòng khuê quây rèm lụa rủ với tấm thảm thật dài, những bồn hoa đầy ắp, chiếc giường kê cao trên bục, cũng như màu sắc lóng lánh của châu ngọc và của những dây tua trên bộ chế phục.

Người hầu trạm, sáng nào cũng đến chải cho ngựa, lê đôi giày guốc to tướng qua hành lang; áo choàng của gã ta thủng nhiều lỗ; chân gã ta, không đi tất, lồng trong đôi giày vải. Đấy là chú tiểu đồng mặc quần cộc ở nhà sang trọng mà người ta đành phải dùng tạm! Chải xong, chú về thẳng, suốt ngày không trở lại nữa vì Charles, đi đâu về, cũng tự minh dắt ngựa vào chuồng, tháo yên ra và buộc dây, còn người hầu gái thì mang từng bó rơm ném vào tầu cỏ tùy theo sức lực của mình.

Để thay Nastasie (chị này rút cục đã phải rời Tostes, nước mắt như mưa), Emma mướn một con bé mười bốn tuổi mồ côi cha mẹ, vẻ mặt dịu dàng. Nàng cấm nó đội mũ sợi, dạy nó cách thưa gửi có lễ độ, cách đặt cốc nước vào đĩa mà bưng tới, cách gõ cửa trước khi vào, và cách là áo, hồ áo, mặc áo cho bà chủ, nàng muốn biến nó thành một người hầu phòng của mình. Cô hầu gái mới lẳng lặng phục tòng để khỏi bị đuổi, và Félicité, cứ tối đến, lại lấy vụng một dúm đường, chờ lúc một mình nằm giường, sau khi đã cầu kinh, mới ăn, vì bà chủ thường để lại chìa khóa ở tủ ăn. Đôi khi, buổi chiều, Félicité còn ra trước cửa trò chuyện với những người xà ích vào thời gian bà chủ ở trên gác, trong phòng riêng của mình.

Emma vận một chiếc áo dài mặc trong nhà mở phanh ngực, để lộ, giữa khoảng hai ve áo lót mình, một chiếc sơ mi cụt tay chiết li đính ba khuy vàng. Chiếc thắt lưng của nàng là một chiếc dây tơ có quả tua lớn và đôi hài nhỏ của nàng màu hoa lựu có một túm băng rộng xòa trên cổ chân. Emma đã sắm cho mình một bàn thẩm, một hộp đựng giấy, một quản bút và một ít phong bì, tuy rằng nàng chẳng có ai để mà viết thư; nàng phủi bụi cái giá sách, ngắm mình trong gương, lấy một cuốn sách, rồi giữa chừng, nàng mơ màng để rơi sách xuống đầu gối. Nàng thèm muốn được đi du lịch hoặc trở lại sống trong tu viện. Nàng vừa mong chết đi, vừa mong lên ở Paris.

Còn Charles dãi tuyết dầm mưa, quần ngựa trên những đường ngang lối tắt. Hắn ăn trứng tráng tại các thôn trang, thò tay vào những chiếc giường ẩm thấp hứng những tia máu nóng chích từ bệnh nhân vọt vào mặt, lắng nghe những hơi thở khò khè, xem xét những chậu uế vật, tay vén áo quần bẩn thỉu, nhưng, tối đến, hắn lại thấy lửa lò cháy rực, cơm dọn sẵn sàng, đồ đạc tiện dùng, một người vợ trang phục toàn quần áo mỏng, có một thân hình xinh đẹp ngát hương, thứ hương thơm mát mà hắn chẳng biết từ đâu tỏa ra, từ da dẻ nàng hay từ chiếc áo lót của nàng.

Nàng mê hoặc hắn lắm cách tinh vi; khi là một kiểu cắt giấy mới làm đài hứng nến chảy, lúc là một đường viền bằng đăng ten tô điểm thêm chiếc áo dài, hoặc cái tên kỳ lạ đặt cho một món ăn rất đơn giản mà người hầu gái nấu hỏng, nhưng Charles lại khoái chí ngốn đến cùng. Nàng thấy ở Rouen có những bà đeo vào dây đồng hồ một mớ trang sức tầm thường, nàng bèn mua những thứ ấy. Nàng muốn bày trên mặt lò sưởi hai chiếc bình lớn bằng thủy tinh màu xanh lơ, và ít lâu sau nữa, một cái hộp bằng ngà với một cái nhẫn khâu bằng bạc. Càng hiểu những thứ lịch sự ấy ít, Charles càng bị chúng quyến rũ nhiều. Những thứ ấy đã tăng thêm một cái gì vào khoái cảm của hắn và vào hoàn cảnh êm đềm của gia đình hắn. Đó dường như một thứ bụi hoàng kim rắc suốt trên con đường đời nhỏ bé của hắn.

Hắn khỏe mạnh, hồng hào; Hắn đã tạo cho hắn được một tiếng tăm hoàn toàn ổn định. Dân quê quý mến hắn vì hắn không kiêu kỳ. Hắn vuốt ve trẻ em, hắn không bao giờ vào quán rượu và hơn nữa, hắn gây được tín nhiệm qua phẩm hạnh của hắn. Hắn đặc biệt mát tay trong những bệnh viêm mũi và bệnh viêm phổi. Rất sợ làm thiệt mạng con bệnh. Charles quả tình chỉ kê vào đơn thuốc những liều thuốc giảm đau, họa hoằn hắn mới cho uống thuốc nôn mửa, cho ngâm chân hoặc cho đỉa hút máu. Chẳng phải hắn sợ mổ xẻ đâu; hắn chích máu người ta nhiều như chích máu ngựa, và hắn có bản tay quỷ sứ trong khoa nhổ răng.

Sau cùng, để theo sát cái mới, hắn mua dài hạn tờ Tổ ong Y học, một tờ báo mới mà hắn đã nhận được giấy cổ động. Cơm tối xong, hắn mới xem một chút nhưng vì căn phòng ấm áp, cộng thêm cái bụng no cần phải tiêu hóa, hắn chỉ năm phút sau đã ngủ rồi; thế là hắn ngồi đó, cằm tì vảo hai bàn tay, tóc xõa ra như cái bờm ngựa xuống tận chân đèn. Emma nhún vai nhìn hắn. Chẳng thà chồng nàng ít ra cũng là một trong những người đàn ông đầy nhiệt tình lặng lẽ, đêm đêm cặm cụi giữa đống sách vở rồi cuối cùng, đến tuổi sáu mươi, cái tuổi tê thấp, được đeo tấm huân chương trên chiếc áo đen cắt vụng. Nàng những muốn cái tên Bovary là tên nàng đây phải được vẻ vang, được trưng bày trong các hiệu sách, được nhắc đi nhắc lại trong báo chí, được cả nước Pháp biết đến. Thế mà ở Charles chẳng có chút tham vọng nào! Một thầy thuốc ở Yvetot, mà gần đây hắn cùng hội chẩn, đã làm nhục hắn phần nào, ngay bên giường bệnh nhân, trước mặt đông đủ họ hàng người đó. Vào một buổi tối, khi Charles kể lại cho nàng câu chuyện ấy, Emma đùng đùng nổi giận đối với gã đồng nghiệp của hắn. Charles cảm động. Hắn hôn nàng vào trán với một giọt lệ. Nhưng nàng điên người vì xấu hổ, nàng muốn đánh đập hắn, nàng ra hiên mở cửa sổ, hít lấy khí trời mát mẻ để nguôi đi.

“Người đâu mà hèn đến thế! Người đâu mà hèn đến thế!” Nàng cắn môi tự nhủ thầm.

Vả lại, nàng cảm thấy rất bực mình với hắn. Theo tuổi tác tăng lên, hắn đã có những cử chỉ thô lỗ: lúc ăn tráng miệng, hắn tẩn mẩn ngồi cắt nút những chai không; khi ăn xong, hắn đưa lưỡi liếm răng. Hắn húp xúp xùm xụp, và, vì người hắn bắt đầu phát phì, đôi mắt hắn, vốn đã nhỏ, cứ như hướng ngược lên phía thái dương bởi gò má phị.

Đôi khi, Emma phải nhét cái nẹp đỏ của áo nịt vào trong áo gilê, phải sửa lại ca vát của hắn cho ngay ngắn, hoặc phải vứt bỏ những đôi găng tay đã bạc màu mà hắn toan lồng vào. Nàng làm như thế chẳng phải là vì hắn, như hắn tưởng, mà chính là vì nàng, vì lòng vị kỷ lan tràn, vì cảm giác khó chịu kích thích. Thỉnh thoảng, nàng cũng kể với hắn về những cái nàng đã đọc, như về một đoạn tiểu thuyết, một vở kịch mới hay một mẩu chuyện thuộc giới thượng lưu mà người ta thuật lại trong mục tiểu phẩm báo chí hàng ngày vì, dù sao, Charles cũng là con người, một cái tai luôn luôn mở rộng, một lời tán thưởng sẵn sàng. Nàng thường tâm sự với con chó săn cái của nàng còn được nữa là! Nàng thường tâm sự cả với những thanh củi trong lò sưởi và với chiếc quả lắc đồng hồ.

Tuy nhiên, trong thâm tâm, nàng chờ đợi biến cố. Cũng như những thủy thủ lâm nguy, nàng đưa cặp mắt tuyệt vọng nhìn quanh cuộc đời cô đơn của mình, tìm kiếm ở phương xa một cánh buồm trắng nào đó tận chân trời mù mịt. Nàng chẳng biết may rủi ra sao, cơn gió nào sẽ đẩy cánh buồm tới nàng, nó dẫn nàng đến bến nào nếu đó là con tàu nhỏ hay chiếc tàu lớn ba boong, chất đầy lo âu hay chứa chan hạnh phúc đến tận cửa sổ mạn tầu. Nhưng mỗi buổi sáng, khi thức giấc, nàng hy vọng cái may rủi tới ngay ngày hôm đó vả nàng lắng tai nghe mọi tiếng động, nàng giật mình chồm dậy, ngạc nhiên là nó chẳng tới; rồi, lúc hoàng hôn, nàng thấy buồn hơn, nàng mong đến ngày mai.

Tiết xuân trở lại. Gặp nắng mới, khi hoa lê nở, nàng thấy tức thở.

Vừa vào tháng Bảy, nàng đã đếm trên đầu ngón tay xem còn bao nhiêu tuần nữa thì đến tháng Mười, với ý nghĩ có lẽ hầu tước d’Anđervilliers sẽ mở cuộc vũ hội tại Vaubyessard. Nhưng cả tháng Chín trôi qua mà thư từ cũng như khách khứa chẳng có.

Sau nỗi chán nản vì thất vọng ấy, lòng nàng lại trở nên trống rỗng và, từ đó, chuỗi ngày vô vị lại bắt đầu.

Những ngày ấy, giờ đây, cứ nối đuôi nhau trôi qua, hôm nào cũng vậy, nhiều vô kể, và chẳng đem lại cái gì cả! Những cuộc sống khác, dù tẻ nhạt đến đâu, ít ra cũng còn có cơ hội cho một biến cố. Một chuyện bất kỳ xảy tới có khi dẫn không biết bao nhiêu diễn biến, và cảnh trí đổi thay. Nhưng đối với nàng chẳng có gì xảy tới cả, trời đã muốn vậy! Tương lai là một hành lang đen ngòm mà cuối cùng là chiếc cửa bưng kín.

Nàng bỏ âm nhạc. Đàn địch làm gì? Ai nghe? Vì chưa bao giờ, trong một cuộc hòa nhạc, nàng được vận áo dài nhung tay ngắn, lấy ngón tay nhẹ nhàng gõ các phím ngà trên chiếc đàn pianô kiểu érard, chưa bao giờ nàng được nghe những tiếng rì rầm khoan khoái nổi lên quanh nàng tựa làn gió thoảng, như thế thì tội gì nàng phải khổ công học tập. Nàng vất vào tủ tất cả các tấm bìa vẽ và các bức thảm thêu. Để làm gì? Để làm gì? Việc vá may làm cho nàng sinh bực.

“Sách nào mình cũng đọc cả rồi”, nàng tự nhủ.

Thế là nàng ngồi nung đỏ chiếc kẹp trở than hoặc nhìn hạt mưa rơi.

Ngày chủ nhật nàng buồn biết mấy khi giờ kinh chiều gióng giở! Nàng trở thành ngây dại, nàng lắng tai nghe chăm chú tiếng chuông rè vang dội. Mèo nhà ai đi đủng đỉnh trên mái nhà, uốn cong lưng dưới tia nắng nhạt. Gió thổi thành từng đợt bụi dài trên đường cái quan. Xa xa, đôi lúc có tiếng chó sủa. Và tiếng chuông đều đặn, tiếp tục ngân nga buồn tẻ và mất hút trên đường ruộng.

Bấy giờ người ta ở nhà thờ ra. Những bà phụ nữ đi guốc sơn bóng, những người nông dân vận áo bludơ mới tinh, lũ trẻ con đầu trần nhảy nhót trước họ, ai nấy trở về nhà. Và đến tận tối, năm, sáu người đàn ông, vẫn những người ấy thôi, còn ở lại chơi ném nút chai trước cửa lớn quán cơm.

Mùa đông buốt lạnh. Các cửa kính, sáng nào, cũng đầy sương giá và ánh sáng trắng nhợt lọt qua, như những tấm kính mờ, đôi khi cả ngày không thay đổi. Mới bốn giờ chiều đã phải thắp đèn.

Những ngày đẹp trời, nàng xuống vườn chơi. Sương đêm đọng trên bắp cải thành những dải đăng ten bạc với những sợi dài trong suốt giăng từ bắp này sang bắp khác. Người ta không nghe thấy tiếng chim kêu, tất cả đều như yên ngủ, từ giàn cây ăn quả phủ rơm bên tường đến dây nho như con rắn to ốm khặc khừ dưới mái tường, ở đó, nhìn gần, người ta thấy những con mọt đất nhiều chân đang chầm chậm bò. Giữa khóm tùng, gần bờ giậu, tượng vị linh mục, đội mũ ba múi đọc kinh, đã gẫy mất chân phải, và thậm chí thạch cao đã bị sương muối tróc từng mảng gây nên những nốt trắng trên mặt ngài.

Rồi nàng lại lên gác, đóng cửa, cời than, và thẫn thờ trước hơi nóng của bếp lò, nàng cảm thấy nỗi buồn càng nặng trĩu đè xuống thân mình. Nàng cũng muốn trò chuyện với người hầu gái nhưng nàng mắc cỡ nên lại thôi.

Ngày nào cũng vậy, cứ đúng giờ này, ông giáo đội mũ lụa thâm mở liếp cửa nhà ông, và gã tuần phiên đi qua, gươm đeo áp áo ngoài. Sáng và chiều, ngựa trạm, ba con một, chạy xuyên qua đường phố để ra đầm uống nước. Thỉnh thoảng, ở cánh cửa quán rượu lại vang lên tiếng chuông gọi, và khi có gió thổi, người ta nghe thấy cả mấy chiếc chậu thau nhỏ của bác thợ cạo đùng làm biển hàng kêu ken két trên hai thanh sắt. Trang trí cửa hiệu là một bức ảnh cũ về các kiểu may mặc dán vào mặt kính và, một bức tượng bán thân phụ nữ tóc vàng bằng sáp. Ngay bác thợ cạo cũng than phiền về chí hướng của bác không đạt, tương lai bác mù mịt. Bác vừa mơ ước một cửa hiệu nào đó tại một thành phố lớn như ở Rouen chẳng hạn, bên bến cảng, gần rạp hát, vừa suốt ngày đi rong phố để kiếm khách, từ thị sảnh đến nhà thờ, với một vẻ mặt rầu rầu. Khi ngước mắt lên, bà Bovary bao giờ cũng thấy bác ta ở đó, như một người lính gác đang phiên, với chiếc mũ trùm đầu kiểu Hy Lạp trên tai và chiếc áo vét bằng vải len bóng.

Buổi chiều, đôi khi có một người đàn ông thò đầu sau tấm kính căn phòng, mặt rám nắng, râu quai nón đen, khoan thai cười nụ, một nụ cười rộng rãi hiền lành, để lộ hàm răng trắng. Liền ngay sau đó, một điệu valse bắt đầu, và trên chiếc đàn oóc trong một phòng khách nhỏ hiện ra những hình người nhảy cao bằng ngón tay, đàn bà vấn khăn hồng, dân miền Tyrol mặc áo dài đến đầu gối, khi vận áo choàng đen, những ông mặc quần đùi, tất cả đều quay, quay giữa khoảng những chiếc ghế bành, chiếc ghế trường kỷ, chiếc bàn chân quỳ. Hình ảnh họ lặp lại trong những mảnh gương và các góc chắp nối với nhau bằng một mảnh giấy trang kim. Người đó vừa quay cái tay quay, vừa nhìn sang phải, sang trái hướng về phía các cửa sổ. Thỉnh thoảng anh ta lại nhổ một tia dài nước bọt nâu vào cái cột trên đường, đồng thời anh ta lấy đầu gối xốc đàn lên vì quai đeo cứng làm anh ta mỏi vai; và âm thanh từ trong chiếc hòm, khi ảo não lê thê, lúc vui vẻ đổ hồi, vo vo thoát ra qua một lượt vải mỏng màu hồng, dưới một hàng chấn song đồng trang trí bằng những chữ, những đường nét, những hoa lá lồng vào nhau theo kiểu Ả Rập. Đấy là những điệu nhạc được người ta hòa ở nơi khác, trên các sân khấu, người ta ca hát trong các phòng khách, người ta nhảy đêm đêm dưới những ngọn đèn treo thắp sáng. Đây là những tiếng vọng của cái xã hội thượng lưu vọng tới Emma. Những cuộc khiêu vũ dài vô tận diễn ra trong đầu óc nàng, và như một vũ nữ trên tấm thảm hoa, ý nghĩ của nàng nhảy theo các cung đàn, đu đưa từ mộng này sang mộng khác, từ buồng nọ đến buồng kia. Khi đã nhận được tiền bố thí vào cái mũ lưỡi trai của mình, người chơi đàn oóc bèn gấp chiếc chăn len xanh cũ lại vác đàn lên lưng, rồi nặng nề cất chân bước. Nàng nhìn anh ta đi.

Nhưng nhất là vào những giờ ăn, người nàng mệt lử trong cái buồng nhỏ ở tầng dưới nhà, với cái lò sưởi bốc khói, cái cửa kèn kẹt, những bức tường rỉ nước, những viên đá lát nền ẩm ướt. Nàng tưởng bao nỗi cay đắng của một kiếp người là được phơi bày trên đĩa ăn của nàng qua làn khói thịt hầm, những làn khói vô vị khác dường như bốc lên từ đáy tâm hồn nàng. Charles ăn uống rất chậm; nàng nhấm một vài hạt dẻ hoặc, tì khuỷu tay xuống bàn, nàng tinh nghịch lấy mũi dao rạch tấm vải sơn.

Bây giờ, nàng bỏ mặc việc cửa việc nhà. Bà Bovary mẹ, khi sang Tostes chơi ít bữa trong tuần chay, rất đỗi ngạc nhiên về sự thay đổi ấy. Mà thực vậy, trước kia nàng chu đáo và tế nhị đến thế, thì hiện nay cả ngày nàng chẳng buồn sửa sang quần áo, nàng đi tất sợi màu xám suốt đêm chong nến thay đèn. Nàng luôn miệng nói phải tằn tiện vì vợ chồng nàng chẳng giàu có gì, nàng rất thỏa mãn, rất sung sướng, rất thích vùng Tostes và nàng tung ra nhiều điều lạ tai khác nhằm bịt miệng mẹ chồng lại. Vả chăng, Emma ra chiều không muốn nghe theo những lời khuyên giải của bà ta nữa; thậm chí một lần bà Bovary mẹ cả gan đòi hỏi hai vị chủ nhà phải chú ý đến tín ngưỡng của kẻ hầu người hạ mới được, thì nàng đã đáp lại bà ta bằng con mắt giận dữ và nụ cười lạnh nhạt đến nỗi bà già cạch không dám động đến việc đó nữa.

Emma sinh khó tính, bất thường. Nàng bảo làm những món ăn riêng cho mình mà chẳng đụng gì đến cả, có ngày chỉ uống sữa suông, và hôm sau, lại uống liền trên chục chén trà. Thường thường, nàng khăng khăng một mực chẳng chịu đi đâu và nàng cảm thấy ngột ngạt, nàng mở cửa sổ, nàng mặc áo dài mỏng manh. Nàng gắt gỏng người hầu gái chán rồi nàng lại cho nó quà hoặc cho nó sang nhà hàng xóm chơi, cũng như khi nàng ném cho người nghèo khó tất cả nhừng đồng hào trắng trong túi tuy nàng chẳng có chút tình thương người, chẳng dễ dàng hiểu được tình cảm của người khác, nàng giống như đa số trẻ gốc gác thôn quê giữ mãi trong tâm hồn chút gì chai cứng của bàn tay cha mẹ.

Khoảng cuối tháng Hai, lão Rouault, nhớ tới chân mình đã được chữa khỏi, tự tay mang đến cho con rể một con gà mái tây tuyệt đẹp, và lão ở lại Tostes ba ngày; Charles đi chữa bệnh vắng, Emma tiếp bố. Lão hút thuốc trong buồng, khạc nhổ lên giá để củi ở lò sưởi, nói chuyện trồng trọt, chuyện bê, bò, gà, vịt và hội đồng hàng xã đến nỗi khi lão vừa đi khỏi là nàng đóng chặt cửa lại với một cảm giác thoải mái mà chính nàng cũng phải ngạc nhiên. Vả lại, nàng cũng chẳng che giấu lòng khinh rẻ của nàng đối với bất cứ cái gì, đối với bất cứ ai; đôi khi nàng phát biểu lắm ý kiến lạ lùng, chê bai cái người ta tán thành, và tán thành những chuyện đồi bại vô luân, làm cho chồng nàng vô cùng sửng sốt.

Phải chăng nỗi khốn khổ này còn kéo dài mãi? Phải chăng nàng không thoát ra khỏi được cảnh ấy? Mà nàng có kém gì tất cả những người phụ nữ đang sống sung sướng! Nàng đã từng thấy ở Vaubyessard những bà công tước thân hình nặng nề hơn và cung cách tầm thường hơn, thế là nàng cảm thấy ông trời bất công; nàng gục đầu vào tường khóc; nàng thèm muốn những cuộc sống sôi nổi, những đêm khiêu vũ hóa trang, những lạc thú thô bạo với mọi cuồng loạn phải có mà nàng không biết.

Người nàng trở nên xanh xao và tim nàng đập mạnh. Charles cho nàng uống biệt thảo và tắm bằng dầu long não. Tất cả những thứ dùng để cố chữa cho nàng thì hình như càng làm cho nàng khó chịu hơn. Có những ngày, nàng lảm nhảm nhiều quá đến sốt ruột, rồi tiếp theo đó nàng sống trong tình trạng thẫn thờ, ngơ ngẩn, chẳng nói chẳng rằng, chẳng buồn cử động. Lúc bây giờ, muốn cho nàng tỉnh lại, phải vẩy chan hòa một lọ nước hoa vào cánh tay nàng.

Thấy nàng luôn luôn phàn nàn về Tostes, Charles tưởng nàng ốm đau chắc là do một ảnh hưởng nào đó của địa phương, hắn bám vào ý nghĩ ấy, hắn thực sự tính đến việc sinh cơ lập nghiệp ở nơi khác.

Từ đó, nàng uống giấm thanh cho gầy người đi, nàng bị ho khan và ăn uống chẳng còn ngon miệng.

Phải rời bỏ Tostes là nỗi khổ tâm của Charles, sau bốn năm trời hắn sống yên ổn tại chốn này và vào lúc hắn bắt đầu có vai vế ở đây. Song, nếu cần thì cùng phải đi! Hắn đưa nàng lên Rouen tìm ông thầy cũ. Thì ra bệnh nàng là bệnh thần kinh; phải cho nàng thay đổi khí hậu.

Sau khi đã chạy ngược chạy xuôi, Charles biết rằng trong quận Neufchâtel, có một thị trấn lớn tên là Yonville-l’Abbaye, ở đấy có một người thầy thuốc Ba Lan lánh nạn vừa mới tháo lui tuần trước. Hắn bèn viết thư cho một dược sĩ địa phương để biết dân số nơi này là bao nhiêu, chỗ ở của bạn đồng nghiệp cách đấy bao xa, hàng năm người thầy thuốc cũ kiếm được chừng nào,…; rồi nhận được tin trả lời đúng ý nguyện, hắn quyết định sẽ dọn nhà vào mùa xuân, nếu sức khỏe của Emma không khá lên.

Vào một bữa chuẩn bị ngày đi, nàng dọn dẹp ngăn kéo, nàng đã bị một vật gì đâm vào ngón tay. Đó là sợi dây thép ở bó hoa cưới của nàng. Những nụ hoa cam đã vàng ố vì bụi, và các dải xa tanh viền bạc đã xơ xác đường viền. Nàng quẳng bó hoa vào đống lửa. Hoa bốc cháy nhanh hơn rơm khô. Rồi nó như một búi lửa đỏ tàn dần trên đống tro. Nàng nhìn nó cháy. Những quả nhỏ bằng bìa vỡ tung ra, những sợi đồng chuốt quăn queo lại, cái dải vàng tiêu tan đi; và những cánh hoa giấy, khô xác lại, đu đưa trên tấm sắt nhỏ, như những con bướm đen, rồi cuối cùng bay trong lò sưởi.

Tháng Ba, khi hai vợ chồng từ Tostes ra đi, bà Bovary có mang.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.