Bà Bovary

Chương 13



Vừa về đến nhà, Rodolphe ngồi ngay vào bàn giấy, dưới cái đầu hươu trần thiết trên tường. Nhưng, khi cầm bút lên tay, y chẳng biết viết gì đến nỗi y tì hai khuỷu tay xuống, lao vào suy nghĩ. Y tưởng Emma đã bị đẩy lùi vào một quá khứ xa xăm như điều y đã quyết định đột nhiên đặt giữa hai người một khoảng cách mênh mông.

Để nắm lại cái gì về nàng, y đi tìm trong tủ ở đầu giường y, một cái hộp cũ đựng bích quy do tỉnh Reims sản xuất mà y quen đựng thư từ phụ nữ, và từ đó phát ra một mùi bụi ẩm và mùi hoa hồng héo. Thoạt tiên y thấy một chiếc mùi soa của nàng dùng một lần nàng bị đổ máu cam đang khi đi dạo, y không còn nhớ đến chuyện đó nữa. Gần đấy, là bức chân dung nhỏ do Emma tặng đã gẫy góc; y thấy cách ăn mặc của nàng ra vẻ cầu kỳ và đôi mắt liếc lên thật là thiểu não; rồi y càng ngắm mãi tấm ảnh và càng gợi mãi ký ức về người thực, thì những hình nét Emma dần dần nhòa đi trong đầu óc y, dường như hình sống và hình vẽ, cọ xát vào nhau, đã xóa mờ lẫn nhau. Sau cùng, y đọc một số thư của nàng đầy những lời giải thích liên quan đến cuộc hành hình của họ, thư ngắn, rõ ràng và bức thiết như những giấy tờ về công việc. Y muốn xem lại những bức thư dài, viết trong thời gian trước kia; để tìm chúng ở đáy hộp, Rodolphe phải xáo lộn tất cả các bức thư khác; và vô tình y lục lọi đống giấy và đồ vật ấy, y thấy, để lẫn trong đó, những bó hoa, một cái nút, một mặt nạ đen, những trâm tóc và những tóc – những tóc! Tóc hung đen, tóc vàng nâu; thậm chí có vài sợi vướng vào ô khóa đã bị đứt lúc hộp mở ra.

Thờ thẫn như thế giữa những kỷ niệm của mình, y xem xét các mặt chữ và lời thư khác biệt nhau cũng như chính tả của chúng. Những bức thư tha thiết hay nhí nhảnh, đùa cợt, sầu thảm, có những lá đòi hỏi tình yêu, có những lá khác đòi hỏi tiền bạc. Nhân một lời, y nhớ lại, những nét mặt, vài cử chỉ, một giọng nói; nhưng, cũng có khi, y chẳng nhớ gì cả.

Quả thực, những người đàn bà ấy, cùng một đợt, đổ xô vào tâm trí y, làm rầy rà lẫn nhau ở đấy rồi thu nhỏ lại như cùng xếp ở một mức độ yêu đương ngang bằng nhau. Thế là y cầm những bức thư lẫn lộn ấy vào một nắm tay, y tinh nghịch thả tung chúng từng loạt từ tay phải sang tay trái trong vài phút. Cuối cùng, chán nản, buồn ngủ, Rodolphe đem cái hộp cất vào trong tủ, lòng nhủ thầm:

“Toàn chuyện vớ vẩn…!”

Điều đó thâu tóm tất cả tư tưởng của y; vì những cuộc hành lạc, như đám học sinh trong sân trường, đã chà đạp lên trái tim y đến nỗi không còn có cái gì xinh tươi mọc lên ở đó, và cái gì qua đó, dại hơn cả trẻ con, cũng chẳng, như chúng, để lại ngay cả cái tên được khắc trên tường. Y thầm nói:

“Thôi, ta hãy bắt đầu!”

Y viết.

“Can đảm lên Emma, can đảm lên! Anh không muốn làm khổ cuộc đời em…”

Nói cho cùng, thực đấy, Rodolphe nghĩ; mình hành động vì lợi ích của nàng, mình lương thiện.

“Emma đã cân nhắc chắc chắn điều quyết định của em chưa? Tội nghiệp em yêu, em có biết cái vực thẳm mà anh lôi kéo em tới không? Không, phải chăng? Emma đã nhẹ dạ và dại dột tin vào hạnh phúc, vào tương lai… Ôi! Chúng ta thực là bất hạnh! Mất trí!”

Đến đây, Rodolphe ngừng bút để tìm một điều thoái thác trôi chảy đó.

“Hay là mình bảo nàng tài sản mình đã khánh kiệt?… Chà! Không được, và vả lại, cái đó chẳng cản trở gì. Mất rồi thì sau này sẽ xây dựng lại. Có thể làm cho ngữ đàn bà ấy nghe ra lẽ phải được ư?”

Y suy nghĩ rồi viết thêm:

“Anh sẽ không quên em, em hãy tin thế, và anh sẽ mãi mãi hết sức trung thành với em, nhưng một ngày kia, sớm hay muộn, nhiệt tình này (đó là số phận của mọi việc ở đời) chắc chắn sẽ giảm sút đi! Sẽ có lúc chúng ta thấy chán nản, và thậm chí, ai biết đâu, anh sẽ chẳng chua xót chứng kiến những nỗi hối hận của em mà chính bản thân anh dự phần vào đó vì lẽ anh đã gây nên. Chỉ nghĩ đến những nỗi buồn xảy đến với em cũng đủ xé lòng anh rồi, Emma ạ! Em hãy quên anh đi! Tại sao trời đã xui khiến anh quen biết em? Tại sao em xinh đẹp đến thế? Có phải là lỗi ở anh không? Ôi, trời! Không, không em chỉ nên trách ở định mệnh!”

“Đó là một lời nói bao giờ cũng gây được hiệu quả”, y thầm nói.

“Ôi, nếu như em là một trong những người đàn bà phù phiếm như người ta thấy kia thì, hẳn thế, anh đã có thể, vì lòng tri kỷ làm một cuộc thí nghiệm ngay lúc bấy giờ chẳng nguy hiểm cho em. Nhưng cái nhiệt tình tao nhã ấy, vừa là niềm hứng thú vừa là nỗi đau khổ của em, đã ngăn không cho những người phụ nữ đáng yêu như em hiểu được cái vị trí không trọn vẹn của chúng ta sau này. Anh cũng vậy, thoạt tiên anh chẳng nghĩ đến chuyện đó, rồi anh ru mình dưới cái bóng của niềm hạnh phúc lý tưởng kia như dưới cái bóng của cây lê độc mà chẳng dự tính đến hậu quả.”

“Có lẽ nàng sẽ cho là vì keo kiệt mà mình bỏ, không đi… À! Chẳng can gì! Mặc kệ, phải chấm dứt cho xong!”

“Người đời độc ác, Emma ạ. Chỗ nào mà ta đến, họ cũng theo đuổi ta. Em phải chịu đựng những câu hỏi thóc mách, lời vu khống, lòng khinh rẻ, cả sự xúc phạm cũng nên. Xúc phạm em! Ôi!… Thế mà anh lại muốn đặt em trên ngai vàng! Anh mang theo tâm tư của em như một lá bùa hộ mệnh! Vì, bằng cách đày ải của mình, anh tự trừng phạt anh về tất cả cái tai hại mà anh đã gây cho em. Anh đi. Đi đâu? Anh chẳng biết nữa, anh điên rồi! Vĩnh biệt! Em hãy cứ hiền hậu mãi mãi! Em hãy giữ lấy kỷ niệm về một kẻ khốn khổ đã làm hại đời em. Em hay bảo cho con em biết tên anh, mong nó nhắc đến trong các buổi cầu nguyện.”

Lửa hai ngọn nến rung rinh. Rodolphe đứng dậy đóng cửa sổ, và khi y lại ngồi xuống, y nghĩ:

“Mình cho thế là hết lẽ. À! Còn điều này nữa, mình sợ cô ta đến nằng nặc theo đuổi mình.”

“Khi em đọc những dòng chữ buồn thảm này, thì anh đã đi xa rồi, vì anh muốn trốn thật mau để tránh lòng ham muốn gặp lại em. Đừng yếu đuối! Anh sẽ trở lại; và có lẽ, sau này, chúng ta sẽ trò chuyện với nhau về mối tình cũ của chúng ta một cách rất lạnh nhạt. Vĩnh biệt!”

Và y đã viết tách rời hai tiếng trên[18] thành hai tiếng: “Nhờ trời!” mà y cho là thanh nhã nhất.

[18] Vĩnh biệt (Adieu): viết tách rời, thành “Nhờ trời” (A Dieu). Một lối chơi chữ trong ngôn ngữ Pháp dịch tạm theo mạch văn trong nguyên bản.

“Bây giờ mình ký thế nào đây?” Y thầm nói. “Một kẻ rất trung thành của em?… Không được. Người bạn thân của em?… Ừ, phải đấy.”

“Người bạn thân của em.”

Y đọc lại bức thư. Y thấy ý tứ trong thư dường như đầy đủ. 

“Người phụ nữ bé nhỏ đáng thương!” Y động lòng nghĩ. “Nàng sẽ tưởng mình vô tình hơn đá; có lẽ phải thêm vài giọt nước mắt vào bức thư; nhưng, mình, mình lại không khóc được; chẳng phải lỗi tại mình.” Thế là, nhân lúc rót nước vào cốc để uống, Rodolphe nhúng ngón tay vào đó và y làm rơi từ trên xuống một giọt to, nó thành một vết nhòe trên mực; rồi y tìm cách để niêm phong bức thư, y tình cờ thấy con dấu Amor nel Cor trước mắt.

“Cái ấy chẳng hợp trường hợp này mấy… À! Thôi! Không sao!” Sau đó y hút ba tẩu thuốc, rồi đi ngủ.

Hôm sau, khi y ngủ dậy (bấy giờ khoảng hai giờ, y đã ngủ muộn), y bảo người ta hái cho y một giỏ mơ. Y đặt bức thư vào đáy giỏ, dưới mấy chiếc lá nho, rồi sai ngay gã điền tốt Girard, thận trọng mang các thứ đó đến nhà bà Bovary. Y vẫn dùng cách này để thư từ với nàng, hoa quả hay thức săn được theo mùa.

– Nếu bà ta có hỏi mày tin tức về tao, – y nói, – mày trả lời là tao đã đi xa. Mày phải trao cái giỏ này tận tay bà ta… Thôi đi đi, và hãy cẩn thận.

Girard khoác một chiếc áo bludơ mới, buộc mùi soa bao quanh những quả mơ, rồi, dài bước một cách nặng nề trong đôi giày guốc to đế sắt, gã ta bình thản tiến trên con đường đi Yonville.

Gã ta tới vào lúc bà Bovary, đang cùng Félicité xếp ở trên bàn nhà bếp một bọc quần áo mặc trong.

– Đây là quà ông chủ chúng tôi gửi đến bà, – gã ta nói

Nàng đột nhiên chột dạ, và nàng vừa tìm tiền lẻ trong túi vừa trợn trừng nhìn người nông dân, còn bản thân gã ta, cũng sững sờ như nàng, không hiểu tại sao một món quà như thế kia lại có thể làm xúc động người ta đến thế. Rốt cuộc, gã ta đi ra. Félicité vẫn ở lại. Emma không nén mình được nữa; nàng chạy vào trong phòng như để đem mơ ước vào đó, đổ cái giỏ ra, vứt bỏ những chiếc lá, thấy bức thư, mở ra, và Emma tưởng như sau nàng có một đám cháy dữ dội, nàng trốn vào buồng mình, hết sức hốt hoảng.

Charles đang ở trong đó, nàng thấy hắn, hắn nói với nàng, nàng chẳng nghe thấy gì cả, và nàng cứ tiếp tục đùng đùng leo lên các bậc thang, hổn hển, luống cuống; choáng váng và vẫn cầm cái tờ giấy kinh khủng kia, nó kêu đôm đốp trong tay nàng như một mảnh tôn. Đến tầng hai, nàng dừng lại trước cửa buồng kho đóng kín.

Lúc bấy giờ, nàng muốn trấn tĩnh lại; nàng nhớ tới bức thư; phải đọc cho hết, nàng không dám. Vả lại, đọc ở đâu? Đọc thế nào? Người ta sẽ trông thấy nàng mất.

“À! Không”, nàng thầm nghĩ, “ở đây được đấy”. Emma đẩy cửa bước vào.

Đá đen trên mái nhà tỏa thẳng xuống một hơi nóng nặng nề, nó siết chặt lấy thái dương nàng và làm nàng ngạt thở; nàng lê mình đến tận cửa sổ rầm thượng đóng kín, nàng kéo cái chốt, và ánh sáng chói chang ập vào.

Trước mặt, nhìn qua các mái nhà, toàn bộ đồng ruộng trải ra xa tít. Phía dưới nàng, quảng trường làng vắng tanh, sỏi vỉa hè lóng lánh, chong chóng các mái nhà đứng im; phía đầu phố, từ một tầng gác dưới thoát ra một thứ tiếng vo vo chói tai. Đó là Binet đang quay máy tiện.

Dựa vào khung cửa rầm thượng, nàng đọc bức thư với những tiếng cười gằn giận dữ. Nhưng càng chăm chú vào bức thư, nàng càng suy nghĩ lộn xộn. Nàng lại thấy y, nàng nghe y nói, nàng ôm y trong hai cánh tay; và trái tim nàng đập trong lồng ngực nàng thành những tiếng thình thịch như những tiếng máy phá thành, dồn dập với những khoảng cách không đồng đều. Nàng đưa nhanh mắt nhìn quanh nàng, nàng những muốn trái đất sụp đổ. Sao không chết đi cho xong? Ai ngăn nàng nào? Nàng tự do kia mà. Và nàng tiến ra, vừa nhìn xuống mặt đường vừa tự nhủ: “Nào! Nào!”

Tia nắng rực rỡ từ bên dưới chiếu thẳng lên kéo về phía vực thẳm sức nặng của tấm thân nàng. Nàng thấy dường như đất quảng trường lung lay nhô lên cao theo dọc các bức tường và dường như sàn gác nghiêng một đầu, kiểu con tàu tròng trành. Nàng đứng ngay bên bờ, gần như treo lơ lửng, giữa một khoảng không rộng lớn. Màu xanh da trời tràn ngập thân hình nàng. Gió lùa qua cái đầu trống rỗng của nàng, nàng chỉ việc thoái bộ, chỉ việc buông thả thân mình là xong; và tiếng máy tiện vo vo không dứt như một giọng điên khùng thốt lên gọi nàng.

– Mình ơi! Mình ơi! – Charles kêu.

Nàng dừng lại.

– Mình ở đâu vậy? Lại đây!

Cái ý nghĩ mình vừa thoát chết làm cho nàng suýt ngất đi vì sợ hãi, nàng nhắm mắt lại; rồi nàng giật mình thấy một bàn tay đụng vào tay áo nàng: đó là Félicité.

– Ông đang chờ bà, thưa bà, cơm chiều đã dọn.

Thế là phải đi xuống! Phải ngồi bàn!

Nàng cố ăn. Những miếng đồ ăn làm nàng nghẹn. Nàng liền mở chiếc khăn ăn ra như để xem xét những đường mạng và nàng thật sự muốn chăm chú vào việc đếm từng sợi vải. Bỗng nàng nhớ đến bức thư. Nàng đã đánh mất nó rồi chăng? Nàng tìm ra nó ở đâu? Nhưng nàng cảm thấy đầu óc quá mệt mỏi đến nỗi nàng chẳng thế nào bịa ra được một cái cớ để ra khỏi bàn ăn. Rồi nàng đâm ra nhát, nàng sợ Charles, hắn biết cả rồi chắc thế! Thực thế hắn nói mấy lời này một cách khác thường:

– Chúng ta chẳng sớm được thấy ông Rodolphe đâu, dáng chừng thế.

– Ai bảo anh thế? – Nàng giật mình hỏi.

– Ai bảo anh à? – Hơi ngạc nhiên về cái giọng xẵng ấy, hắn đáp. – Girard chứ ai. Lúc nãy anh gặp gã ta ở cửa tiệm Cà phê Pháp. Ông Rodolphe đã đi đâu xa, hoặc là ông ấy sắp đi.

Nàng nức nở.

– Thế có điều gì mà em phải ngạc nhiên? Ông ta thỉnh thoảng vẫn vắng nhà như thế để tiêu khiển, và, nói thực! anh tán thành ông ta. Khi người ta có tài sản mà lại còn trai tơ! Vả lại cái ông bạn của chúng ta ấy, ông ta chơi bời ra trò! Đó là một người vui nhộn. Ông Langlois đã kể với anh.

Hắn im bặt để giữ ý vì chị hầu gái vào. Chị ta đã xếp lại vào giỏ những quả mơ tung tóe trên giá. Charles, không nhận thấy vợ đỏ mặt, bảo đem mơ đến cho mình lấy một quả và cắn ăn.

– Ồ! Ngon quá, – hắn nói. – Này, em nếm đi.

Và hắn đưa cái giỏ lại phía nàng, nàng đẩy lại nhẹ nhàng.

– Em ngửi này: mùi thơm thật! – Hắn vừa nói vừa đưa đi đưa lại quả mơ dưới mũi nàng.

– Em ngạt! – Nàng chồm lên và hét.

Nhưng, do nàng cố gắng, chứng động kinh qua đi, rồi nàng nói:

– Không sao! Không sao! Em nóng nảy thế đấv! Anh ngồi xuống ăn đi!

Vì nàng sợ người ta lại hỏi nàng, lại chăm sóc nàng, người ta không rời nàng ra nữa.

Charles, nghe theo nàng, lại ngồi xuống, và hắn nhả ra tay những hột mơ để vào đĩa của mình.

Bất thần, một chiếc xe độc mã xanh lam phóng nước đại qua quảng trường. Emma thét lên một tiếng rồi ngã xuống đất và ngất đi.

Số là Rodolphe, sau khi suy nghĩ chán, quyết định đi Rouen. Nhưng từ la Huchette đến Buchy, không có đường nào khác đường Yonville, nên y đành phải đi qua làng, và Emma đã nhận ra y qua ánh đèn lồng cắt bóng chiều hôm như tia chớp.

Tay dược sĩ, nghe thấy tiếng ồn ào, ù té chạy sang. Chiếc bàn, với mọi thứ đĩa, đã đổ xuống; nước chấm, thịt, dao, bình muối và bình dầu tung tóe trong gian phòng; Charles kêu cứu; Berthe, sợ hãi, thét lên, và Félicité, tay run run, cởi áo cho bà chủ, suốt người bà đang co giật.

– Để tôi chạy về phòng thí nghiệm của tôi tìm chút giấy thơm, – tay dược sĩ nói.

Rồi, nàng mở mắt ra khi ngửi lọ giấm:

– Tôi tin chắc mà, – tay dược sĩ nói; – cái này thì đến người chết cũng tỉnh lại.

– Em nói với chúng tôi đi! – Charles nóỉ, em nói với chúng tôi đi! Em bình tâm lại! Anh đây, Charles của em yêu em! Em có nhận ra anh không? Này, đứa con gái bé của em: em ôm hôn con đi nào.

Đứa bé dang hai cánh tay về phía mẹ để bám lấy cổ mẹ. Nhưng quay đầu đi, Emma nói bằng giọng không đều.

– Không, không… không ai cả!

Nàng lại ngất đi. Người ta khênh nàng vào giường.

Nàng nằm thẳng đuỗn, miệng há ra, mí mắt khép, bàn tay mở rộng, không nhúc nhích, và trắng như một bức tượng bằng sáp. Từ cặp mắt nàng, hai dòng nước mắt tuôn ra, chảy từ từ xuống gối.

Charles đứng ở phía cuối giường, và tay dược sĩ, đứng bên cạnh hắn, giữ vẻ im lặng trầm ngâm thích đáng cần có trong những trưòng hợp nghiêm trọng ở đời.

– Ông hãy yên tâm, – hắn vừa nói vừa hích khuỷu tay Charles, – tôi tin rằng cơn nguy kịch đã qua.

– Vâng, nhà tôi bây giờ đã nằm yên một chút! – Charles, nhìn vợ ngủ và đáp. – Tội nghiệp!… Tội nghiệp! Thế là nhà tôi lại đau lại!

Bấy giờ Homais mới hỏi tai biến ấy xảy ra như thế nào. Charles cho biết nàng bị đau đột ngột trong lúc nàng ăn mơ.

– Kỳ thật!… – Tay dược sĩ lại nói. – Nhưng cũng có thể là quả mơ gây ra chứng ngất! Có những thể chất rất dễ nhạy cảm khi gặp một vài mùi vị nào đó! Và thậm chí đó cũng là một vấn đề cần phải nghiên cứu, về phương diện bệnh lý, cũng như về phương diện sinh lý. Các giáo sĩ biết rõ tầm quan trọng của những mùi vị đó, chính họ vẫn dùng hương liệu xen vào việc lễ bái của họ. Chả là để làm u mê trí óc chúng ta và để gây ra những cảm khoái, điều này vả lại dễ gây được ở phái nữ, những con người yếu ớt hơn những con người khác. Người ta kể những bà ngửi mùi sừng cháy, bánh mới là ngất đi…

– Coi chừng, ông làm nhà tôi thức đậy! – Bovary nói khẽ.

– Vả chăng những con người mắc phải những dị thường đó, mà lại còn cả súc vật nữa, – tay dược sĩ nói tiếp. – Như thế, ông không phải là không biết cái tác dụng kích thích tình dục đặc biệt sinh ra bởi cây Nepeta Cataria, gọi nôm na là cỏ mèo, đối với giống mèo; và, mặt khác, để kể một thí dụ mà tôi bảo đảm là có thực, Bridoux (một trong những bạn học cũ của tôi, hiện đặt cơ nghiệp ở phố Malpalu) có một con chó, cứ khi người ta đưa ra cho nó một hộp thuốc lá là nó co giật liền. Thường thường anh ta làm thí nghiệm cái đó trước mặt các bạn thân tại tầng lầu của anh ở rừng Guillaume. Người ta có thể tin rằng một thứ thuốc làm hắt hơi đơn giản lại có thể gây tai hại như thế đến cơ thể của một con vật bốn chân? Cái đó rất kỳ lạ lắm phải không?

– Vâng, – Charles không nghe mà đáp.

– Cái đó chứng tỏ vô vàn những trạng thái bất thường của hệ thần kinh. – Tay dược sĩ vừa nói vừa mỉm cười với một vẻ tự mãn ngây thơ. – Còn về bà nhà, tôi vẫn thấy, xin thú thật, bà là một người đa cảm thực sự. Cho nên, ông bạn tốt của tôi ạ, tôi sẽ chẳng khuyên ông cho bà dùng một thứ thuốc nào gọi là thuốc mà lấy cớ đánh vào các triệu chứng, lại đánh vào thể trạng. Không, không dùng thuốc lăng nhăng! Theo đúng chế độ, tất cả là thế. Dùng những loại thuốc làm dịu. Rồi, ông không nghĩ rằng có lẽ phải đánh vào trí tưởng tượng ư?

– Đánh bằng cái gì? Đánh thế nào? – Bovary nói.

– À! Vấn đề là ở đó! Vấn đề thực sự là thế: that is the question[19] như tôi mới đọc trong báo.

[19] That is the question: Đó là vấn đề.

Nhưng Emma, tỉnh lại, kêu lên:

– Còn bức thư? Còn bức thư?

Người ta tưởng nàng đang mê sảng: nàng mê từ nửa đêm: bệnh viêm não đã khởi phát.

Trong bốn mươi ba ngày, Charles không rời nàng. Hắn bỏ tất cả các bệnh nhân của hắn, hắn không ngủ nữa, hắn liên tục bắt mạch nàng, bó cao hột cải, chườm mát cho nàng. Hắn cho Justin đến tận Neufchâtel để kiếm nước đá; đá đi đường tan ra, hắn đuổi nó về. Hắn mời ông Canivet đến khám; hắn triệu từ Rouen bác sĩ Larivière, thầy giáo cũ của hắn; hắn thất vọng. Cái khiến hắn sợ hãi hơn cả là tình trạng suy sụp của Emma; vì nàng không nói không nghe gì hết và thậm chí dường như chàng còn đau đớn nữa; – dường như thể xác và linh hồn đều trấn tĩnh lại sau cơn kích động.

Đến khoảng giữa tháng Mười, nàng có thể ngồi dậy trong giường, lưng tựa vào chiếc gối đặt ở đằng sau nàng. Charles khóc khi hắn thấy nàng ăn bánh mì phết mứt đầu tiên. Sức khỏe của nàng hồi phục, nàng đứng dậy vài giờ vào buổi chiều, và một hôm nàng thấy dễ chịu hơn, hắn thử để nàng bám vào cánh tay hắn đi chơi một vòng trong vườn. Cát trên lối đi như đầy lá khô; nàng đi bước một, lê đôi giày vải, và dựa vào vai Charles, nàng luôn luôn tủm tỉm cười.

Họ đi như thế đến tận cuối vườn, gần cái nền đất. Nàng chậm chạp đứng thẳng người lên, đặt bàn tay trước mặt để nhìn: nàng nhìn ra xa, thực xa, nhưng ở chân trời chỉ có những ngọn lửa cỏ khô bốc khói trên các đồi.

– Em sắp làm em mệt đấy, em yêu quý ạ, – Bovary lên tiếng.

Rồi, khẽ đẩy nàng đi vào dưới vòm cây, hắn tiếp tục nói:

– Nào, em ngồi trên cái ghế dài này: em sẽ dễ chịu.

– Ồ! Không, không ngồi đây, không ngồi đây! – Nàng thốt lên bằng một giọng yếu đuối.

Nàng choáng váng, và ngay từ chiều hôm ấy, bệnh nàng trở lại chiều hướng thật sự khó lường với những tính chất phức tạp hơn. Khi nàng đau ở tim, lúc thì nàng đau ở ngực, ở óc, ở chân, ở tay; đột nhiên nàng nôn ọe. Charles tưởng thấy qua đấy những triệu chứng đầu tiên của bệnh ung thư.

Thêm vào đó anh chàng tội nghiệp còn có những mối lo lắng về tiền nong!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.