Bà Bovary

Chương 11



Charles, ngày hôm sau, cho con về nhà. Nó hỏi mẹ nó. Người ta bảo mẹ nó đi vắng, mẹ nó sẽ mang đồ chơi về cho nó. Berthe nhắc đến chuyện đó nhiều lần; rồi, lâu dần, nó không nghĩ đến nữa. Cái vui của đứa bé làm Bovary chua xót, và hắn cứ phải chịu đựng những lời an ủi không thể chịu được của tay dược sĩ.

Chuyện tiền nong chẳng bao lâu trở lại. Lheureux lại kích tên bạn Vinçart của y, và Charles phải ký kết những món tiền quá quắt; vì không bao giờ Charles bằng lòng để bán đi một tí gì trong những đồ đạc của nàng. Mẹ bực mình hắn về vấn đề đó. Hắn bực mình mạnh mẽ hơn bà. Tâm tính hắn thay đổi hoàn toàn. Bà ta bỏ nhà ra đi.

Thế rồi ai nấy đều tìm cách lợi dụng. Cô Lempereur đòi sáu tháng tiền học, tuy Emma chẳng học bài nào bao giờ (mặc dầu nàng đã cho Bovary xem cái hóa đơn đã thanh toán này), đó là một quy ước giữa hai người; người cho thuê sách đòi ba năm tiền thuê; mụ Rolet đòi tiền công hai mươi lần đưa thư; và, vì Charles đòi giải thích mụ có nhã ý đáp lại:

– A! Tôi chẳng biết gì cả! Đó là công việc của bà nhà.

Cứ mỗi món nợ trả xong, Charles tưởng rằng thế là hết. Nhưng rồi những món nợ khác lại chợt đến liên miên.

Hắn đòi những món tiền khám bệnh người ta còn chịu lại. Người nào người nấy giơ cho hắn xem những bức thư mà vợ hắn đã gửi họ. Thế là hắn phải xin lỗi.

Félicité bây giờ mặc những chiếc áo dài của bà chủ; không phải là tất cả, vì hắn đã giữ lại vài chiếc, và hắn tự giam mình trong buồng rửa mặt của nàng để ngắm nhìn những chiếc áo đó; người hầu gái tầm vóc gần như người nàng; lắm khi Charles, nhìn phía sau chị ta đột ngột lầm tưởng nàng và hắn kêu ầm lên:

– Ôi! Em ở lại! Em ở lại!

Nhưng, đến kỳ lễ Thánh giáng, chị ta bị Théodore quyến rũ, đã trốn khỏi Yonville, đồng thời lấy trộm tất cả những gì còn lại ở tủ quần áo của nàng.

Chính vào thời kỳ này, bà góa Dupuis hân hạnh báo cho hắn “hôn lễ của Léon Dupuis, con trai bà, quản lý văn khế ở Yvetot, với cô Léocadie Leb uf, ở Bondeville”. Charles, trong lời chúc mừng gửi cho bà ta, đã viết câu này:

“Thương hại cho nhà tôi mà còn sống sẽ sung sướng biết bao!”

Một hôm đi vớ vẩn trong nhà, hắn leo lên đến tận tầng gác thượng, hắn cảm thấy dưới chiếc giày vải của hắn có một viên giấy mỏng. Hắn mở ra đọc: “Can đảm lên, Emma! Can đảm lên! Anh không muốn làm khổ đời em”. Đó là bức thư của Rodolphe, rơi xuống đất, giữa những chiếc hòm, nằm ở đây và vừa bị gió lọt qua cửa trổ trên mái nhà đẩy ra phía cửa ra vào. Thế là Charles đứng lặng hẳn đi, miệng há hốc ở chính cái chỗ mà xưa kia, còn tái xanh hơn hắn, Emma thất vọng, đã muốn chết. Sau đó, hắn phát hiện ra một chữ R nhỏ ở cuối trang hai. Thế là thế nào? Hắn nhớ lại việc Rodolphe năng đi lại, việc y đột nhiên biến mất và cái vẻ miễn cưỡng của y khi gặp hắn hai hay ba lần sau đó. Nhưng cái giọng kính cẩn của bức thư làm cho hắn bị lừa.

“Có lẽ họ đã yêu nhau một cách lý tưởng”, hắn tự nhủ.

Vả lại, Charles không thuộc hạng người đi sâu vào mọi vấn đề; hắn thoái lui trước những chứng cớ, và lòng ghen tuông mơ hồ của hắn tiêu tan trong nỗi buồn mênh mông.

Người ta phải, hắn thầm nghĩ, yêu quý nàng. Tất cả những người đàn ông chắc chắn đã ham muốn nàng. Vì thế hắn thấy nàng đẹp hơn; và hắn sinh ra thèm khát có nàng thường xuyên, cái thèm khát dữ dội làm hứng khởi mối tuyệt vọng của hắn, cái thèm khát không có giới hạn vì bây giờ nó không thể thực hiện được.

Để làm vừa lòng nàng, tựa hồ như nàng vẫn còn sống, hắn chấp nhận những sở thích của nàng, những ý kiến của nàng, hắn sắm cho mình những đôi bốt da bóng, hắn dùng ca vát trắng. Hắn bôi sáp vào râu mép. Hắn ký nhận những tờ giấy phiếu nợ như nàng. Nàng đã làm hư hỏng hắn ngay cả khi nàng đã nằm dưới mộ.

Hắn buộc phải bán dần đồ đạc từng cái một, sau đó hắn bán mọi thứ trong phòng khách. Tất cả các căn phòng xơ xác đi; nhưng gian buồng, gian buồng của nàng, thì vẫn y nguyên như xưa. Cứ ăn cơm tối xong là Charles lại lên đó? Hắn đẩy cái bàn tròn ra trước lò sưởi và hắn kéo chiếc ghế bành của nàng lại gần. Hắn ngồi phía trước. Một cây nên cắm trên một trong những giá đèn mạ vàng được thắp lên. Berthe, bên cạnh hắn, tô màu những bức ảnh.

Hắn, người đàn ông đáng thương ấy, đau khổ khi thấy con gái mình ăn mặc tiều tụy đến thế, đôi giày ống thì không dây và lỗ xỏ tay áo bludơ rách từ nách đến tận hông vì người đàn bà giúp việc chẳng chăm lo gì đến. Nhưng con bé rất dịu hiền, rất kháu khỉnh, và cái đầu nhỏ của nó nghiêng nghiêng rất duyên dáng để xòa xuống cặp má hồng bộ tóc hung vàng xum xuê đến mức một niềm khoan khoái vô tận tràn ngập lòng hắn, niềm thích thú hòa lẫn đắng cay như những thứ vang nấu hỏng có mùi nhựa. Hắn chắp lại các thứ đồ chơi cho nó, làm những con rối bằng bìa cứng hay khâu lại cái bụng búp bê bị rách cho nó. Rồi, nếu mắt hắn bắt gặp cái hộp đồ khâu, một mảnh băng rơi vãi hoặc thậm chí cả một chiếc ghim lọt vào kẽ bàn, hắn liền đâm ra mơ mộng, và hắn có vẻ rầu rĩ đến nỗi con bé cũng trở thành rầu rĩ như hắn.

Bây giờ chẳng ai đến thăm hai cha con; vì Justin đã trốn đi Rouen làm công cho một hàng bán thực phẩm, và những đứa con của tay dược sĩ càng ngày càng ít chơi với con bé, Homais, trước sự khác nhau về địa vị xã hội, chẳng muốn để tình thân thiện kéo dài.

Người mù, mà y đã chẳng thể chữa khỏi bằng thứ thuốc mỡ của y, đã trở lại dốc Bois-Guillaume, ở đó đã thuật lại cho hành khách cái mưu toan không đâu của tay dược sĩ, đến mức Homais, mỗi lần ra tỉnh, phải đứng nấp sau bức rèm che cửa chiếc xe Con én để tránh mặt gã ta. Y ghét cay ghét đắng gã ta; và, vì lợi ích tiếng tăm của chính bản thân y, y rất muốn trừ khử gã ta đi, y dựng lên một cuộc tấn công ngầm chống gã ta, nó bóc trần cái đầu óc thâm độc của y và cái lòng háo danh cực kỳ gian ác của y. Thế là suốt sáu tháng liền người ta có thể đọc trên tờ Ngọn đèn Rouen những bài tiểu phẩm viết kiểu như sau:

“Tất cả những người nào đi về các vùng phì nhiêu xứ Picardie chắc hẳn đều nhận thấy, trên dốc Bois-Guillaume, một kẻ khốn nạn mang một vết thương dữ dội ở mặt. Kẻ đó rầy rà họ, quấy nhiễu họ và thu một thứ thuế thực sự vào các hành khách. Chúng ta phải chăng còn ở trong những thời Trung cổ quái gở mà các kẻ du thủ du thực được phép phơi bày tại các nơi công cộng bệnh hủi và bệnh tràng nhạc mang từ những cuộc viễn chinh thập tự trở về?”

Hay là:

“Tuy đã có luật pháp chống tệ du thủ du thực, những vùng xung quanh các thành phố lớn của chúng ta vẫn tiếp tục bị bọn người khố rách áo ôm quấy nhiễu. Người ta thấy có những kẻ đi lại riêng lẻ, và, có lẽ, không phải là những kẻ ít nguy hiểm hơn cả. Các ngài nghị viên thành phố của chúng ta nghĩ gì?”

Rồi Homais bịa ra những mẩu chuyện:

“Hôm qua, trên dốc Bois-Guillaume, một con ngựa hay sợ bóng…”. Và tiếp theo là bài tường thuật một tai nạn sinh ra bởi sự có mặt của một người mù.

Y viết rất giỏi đến nỗi người ta bắt giam gã kia. Nhưng rồi người ta lại thả ra. Gã ta lại bắt đầu nói, và Homais cũng lại bắt đầu viết. Đó là một cuộc đấu tranh. Homais đắc thắng! Vì kẻ thù của y bị án cấm cố chung thân trong một viện cứu tế.

Kết quả ấy làm y mạnh bạo hơn; và từ đó, trong quận không có một con chó bị chẹt xe, một kho thóc bị cháy, một người đàn bà bị đánh đập nào mà y không báo cho công chúng biết ngay, lòng yêu tiến bộ và lòng căm ghét các cha cố thường bao giờ cũng hướng dẫn y. Y đem các trường tiểu học ra so sánh với các thầy tu Cơ đốc giáo để gây thiệt hại cho những người này, y nhắc tới vụ Saint-Barthélemy nhận một số tiền trợ cấp trăm quan phát cho nhà thờ, rồi tố cáo những sự lạm dụng và tung ra những lời giễu cợt. Đó là thứ ngôn ngữ của y. Homais đả phá; y trở thành nguy hiểm.

Nhưng y bị ngạt thở trong phạm vi chật hẹp của báo chí, và chẳng bao lâu, y thấy cần phải viết sách, viết tác phẩm! Thế là y soạn một cuốn Thống kê đại cương về tổng Yonville kèm theo những nhận xét về khí hậu, và môn thống kê đẩy y tới môn triết học. Y quan tâm đến những vấn đề lớn: vấn đề xã hội, vấn đề giáo hóa các tầng lớp nghèo, nghề nuôi cá, cao su, đường sắt v.v… Y đi tới chỗ hổ thẹn vì làm một anh tư sản. Y làm ra vẻ có tính chất nghệ sĩ. Y hút thuốc lá! Y sắm cho mình hai pho tượng nhỏ đẹp Pompadour để trang hoàng phòng khách của y.

Y chẳng bỏ nghề bào chế; trái lại, y tìm cách nắm được tình hình các cuộc phát minh. Y theo dõi cuộc biến động lớn của thị trường sôcôla. Y là người đầu tiên đã đưa đến vùng Seine hạ chất cho-ca và chất revalentia. Y nhiệt tình ngưỡng mộ những dây chuyền thủy điện Pulvermacher; bản thân y cũng đeo một cái; và buổi tối, khi y cởi chiếc áo gilê bằng nỉ ra, bà Homais bị lóa mắt hoàn toàn trước cái hình trôn ốc bằng vàng che lấp người y, và bà cảm thấy nhiệt tình tăng lên gấp bội đối với người đàn ông bị trói buộc hơn là một dàn Scythe và huy hoàng như một đạo sĩ.

Y có những ý kiến hay về cái mộ của Emma. Thoạt tiên, y đề nghị dựng một đoạn cột có trường phủ, sau đến một cái tháp, rồi đến một ngôi đền Vesta, một kiểu nhà tròn… hoặc là “một đống di tích đổ nát”. Và, trong mọi đề án, Homais không chịu bỏ cây thúy liễu mà y coi như cái tượng trưng nhất thiết của nỗi buồn.

Charles và y cùng đến Rouen để xem những ngôi mộ tại nhà một người thầu mồ mả. Đi theo họ, có một họa sĩ tên là Vaufrylard, bạn của Bridoux, luôn mồm nói cợt. Cuối cùng, sau khi đã xem hàng trăm bức vẽ, đã đòi một bản kê khai giá cả và đã đến Rouen lần thứ hai, Charles quyết định xây một cái lăng, mà hai mặt chính có hình “một ông thần cầm một bó đuốc tắt”.

Còn về lời ghi chú, Homais không thấy gì hay bằng Sta viator, rồi y dừng lại đó; y đào sâu trí tưởng tượng; y nhắc đi nhắc lại liên tục: Sta viator… Cuối cùng, y tìm ra: Amabilem conjugem calcas![34] Lời ghi chú này được chấp nhận.

[34] Sta viator… amabilem conjugem calcas (tiếng Latinh): khách qua đường hãy dừng lại… anh đạp dưới chân một người vợ mến yêu!

Một điều lạ lùng là Bovary luôn luôn nghĩ đến Emma mà lại quên mất nàng; và hắn thất vọng khi cảm thấy cái hình ảnh ấy thoát khỏi ký ức giữa những cố gắng của hắn để giữ nó lại. Tuy nhiên, đêm đêm hắn vẫn mơ thấy nàng. Bao giờ cũng một giấc mơ ấy: hắn bước lại gần nàng; nhưng khi hắn vừa ôm được, nàng rữa nát ra trong đôi cánh tay hắn.

Người ta thấy hắn, trong một tuần lễ, cứ tối đến là bước vào nhà thờ. Ông Boumisien cũng tới thăm hắn đến hai, ba lần, rồi bỏ rơi hắn. Vả lại, người già đâm ra cố chấp, cuồng tín, Homais nói thế; ông ta thóa mạ tinh thần thời đại và cứ mười lăm ngày một lần, khi thuyết giáo, không quên kể đến chuyện hấp hối của Voltaire, ông này khi chết đã ăn phân của mình, như mọi người đều biết.

Mặc dầu sống tiết kiệm, Bovary còn lâu mới trang trải hết nợ cũ. Lheureux không chịu tái hạn một phiếu nợ nào cả. Việc tịch biên trở nên cấp thiết. Bấy giờ hắn mới cầu cứu đến mẹ. Bà cụ bằng lòng cho hắn lấy tài sản của bà để cầm đi mà thế nợ, nhưng đồng thời viết tới hắn đủ lời trách móc Emma; và để đền bù sự hy sinh của mình bà cụ đòi một chiếc khăn trùm đầu không bị Félicité lấy trộm. Charles từ chối, hai mẹ con lại giận nhau.

Để làm lành, bà cụ đã bước trước bằng việc đề nghị hắn cho con bé về ở với mình để giúp đỡ mình trong việc cửa việc nhà. Charles thỏa thuận. Nhưng, đến lúc đưa con bé đi, hắn mất hết cả can đảm. Thế là mọi mối liên hệ giữa hai mẹ con rốt cuộc bị cắt đứt hoàn toàn.

Lòng nhớ thương vợ của hắn càng phai nhạt đi, thì lòng yêu con của hắn lại càng da diết. Tuy nhiên, con bé làm hắn lo lắng và đôi khi nó ho và có những vầng đỏ trên gò má.

Trước mặt hắn, bày ra cái cảnh sung túc và hể hả của gia đình tay dược sĩ mà mọi sự trên đời đều góp phần làm thỏa mãn. Napoléon giúp việc y ở phòng thí nghiệm. Athalie đan cho y một cái mũ trùm kiểu Hy Lạp. Irma cắt những khoanh giấy tròn để đậy mứt, và Franklin dọc một mạch toàn bộ bản cửu chương. Y là người cha sung sướng nhất, con người may mắn nhất.

Nhầm! Một tham vọng ngấm ngầm đang cắn rứt y. Homais thèm muốn chiếc huân chương. Y chẳng thiếu gì danh nghĩa:

1 – Đã tỏ ra tận tụy vô hạn trong thời gian bệnh tả phát sinh. 

2 – Đã tự bỏ tiền túi ra xuất bản nhiều tác phẩm có công ích, như là… (và y nhắc lại bản báo cáo của y nhan đề: về rượu táo, cách chế tạo nó và hiệu lực của nó; cộng thêm những nhận xét về con bọ len đã gửi Viện hàn lâm; cuốn sách của y về khoa thống kê, và cho đến cả luận án dược sĩ của y); không kể là hội viên của nhiều hội khoa học. (Y chỉ là hội viên của một hội thôi).

Cuối cùng, y vừa la lên vừa xoay mình một vòng, mà chỉ tính đến việc được tiếng trong các vụ hỏa hoạn cũng đủ!

Bấy giờ, Homais đã ngả về phía chính quyền. Y giúp ngầm ông quận trưởng nhiều việc lớn trong các cuộc bầu cử. Rốt cuộc y tự bán mình, tự bán rẻ danh dự. Thậm chí y còn đệ lên nhà vua đơn xin đền bù công trạng cho y, y gọi nhà vua là Đức minh quân của chúng tôi và so sánh nhà vua với Henri IV[35].

[35] Henri IV: một nhà vua Pháp được tiếng là nhân từ.

Và, mỗi buổi sáng, tay dược sĩ lại lao mình vào tờ báo để tìm ở đó có tin tặng thưởng y không: tin đó vẫn biệt tăm.

Cuối cùng, không chịu được nữa, y cho dựng trong vườn của mình một tấm thảm có hình ngôi sao huân chương với hai nhánh nhỏ xoắn từ trên đỉnh xuống để bắt chước dải băng. Y vừa khoanh tay dạo bước chung quanh, vừa ngẫm nghĩ về sự u mê của chính quyền và sự bội bạc của người đời.

* * *

Do lòng tôn trọng, hay do một thứ nhục cảm khiến hắn lần chần trong việc tìm tòi của mình. Charles chưa mở cái ngăn bí mật của một bàn giấy bằng gỗ tử đàn mà Emma thường dùng. Cuối cùng, một hôm, hắn ngồi trước nó, vặn chìa khóa và ấn lò xo. Tất cả thư từ của Léon đều ở đó. Lần này thì không còn nghi ngờ gì nữa! Nức nở, la thét, hoang mang, điên dại. Hắn ngấu nghiến đến tận bức thư cuối cùng, lục lọi khắp xó xỉnh, đồ đạc, ô kéo, sau các bức tường, hắn tìm thấy một cái hộp, lấy chân dậm vỡ nó. Chân dung Rodolphe hiển nhiên lộ ra trước mặt hắn; giữa những bức thư tình bị xáo trộn.

Người ta ngạc nhiên về sự nản lòng của hắn. Hắn không ra ngoài nữa, không tiếp ai nữa, khước từ cả việc đi thăm bệnh nhân. Thế là người ta cho là hắn ở kín trong nhà để uống rượu.

Tuy nhiên, đôi lần, một kẻ tò mò nào đó nghển cổ nhìn qua bức rào của khu vườn thì kinh ngạc thấy người đàn ông này, râu dài, áo quần bẩn thỉu, vẻ hung tợn, đang vừa đi vừa khóc rống lên.

Vào một buổi chiều hè, hắn mang con bé đi theo hắn, và hắn dẫn nó ra nghĩa địa. Hai bố con trở về lúc trời đã tối mịt, trên quảng trường chỉ còn chiếc cửa trổ trên mái nhà của Binet là sáng.

Nhưng cái ý vị của nỗi đau khổ của hắn không được trọn vẹn, vì xung quanh hắn không có ai để mà chia sẻ. Và hắn đến thăm mụ Lefrançois để có thể nói chuyện về nàng, nhưng mụ chủ quán chỉ nghe hắn có nửa bên tai, mụ cũng có như hắn những nỗi buồn, vì Lheuieux vừa mở quán Những người được yêu chuộng của nền Thương nghiệp, và Hivert, có nhiều tiếng tăm về những công việc ủy thác, đòi hỏi tăng lương và dọa sẽ ký hợp đồng với “nơi nào trả lương cao hơn”.

Một hôm, Charles đi chợ Argueil để bán ngựa, – tài sản cuối cùng, – thì gặp Rodolphe. 

Họ tái mặt khi trông thấy nhau. Rodolphe, trước đây chỉ gửi thiếp đến chia buồn thôi, thoạt tiên líu ríu vài lời xin lỗi rồi bạo lên và thậm chí cả gan mời hắn ra quán uống một chai bia (bấy giờ vào tháng Tám).

Tì khuỷu tay trước mặt hắn, y vừa nhai điếu xì gà vừa nói chuyện, còn Charles đắm đuối trong mơ mộng trước cái bộ mặt kia mà nàng đã yêu. Hắn dường như được thấy lại một cái gì của nàng. Đó là một sự kỳ lạ. Hắn những muốn được là con người kia.

Y tiếp tục nói chuyện về trồng trọt, súc vật, phân bón, dùng những lời lẽ tẻ nhạt để bịt tất cả các kẽ hở qua đó có thể luồn một điều ám chỉ vào. Charles không nghe y; Rodolphe nhận thấy thế, và hắn theo, trên sắc mặt đổi thay của y, những hồi tưởng đang diễn qua. Bộ mặt ấy đỏ lên dần dần, cái mũi phập phồng, cặp môi rung động, thậm chí có một lúc Charles, lòng đầy mối giận âm thầm, đăm đăm nhìn Rodolphe. Y, trong cơn kinh hãi ngừng lời. Nhưng chẳng bao lâu, vẫn cái vẻ mệt mỏi bi thảm ấy lại hiện lên mặt Charles.

– Tôi không thù ghét ông, – hắn nói.

Rodolphe ngồi câm lặng. Còn Charles, hai tay ôm đầu tiếp tục nói như hết hơi với một giọng cam chịu những niềm đau khổ khôn cùng:

– Không, tôi không thù ghét ông nữa!

Hắn lại còn nói thêm một lời to tát, lời nói độc nhất mà hắn chưa từng nói đến bao giờ:

– Đó là lỗi ở định mệnh!

Rodolphe, kẻ đã dẫn dắt cái định mệnh ấy, nhận thấy hắn, người trong hoàn cảnh này, rất nhu nhược, thậm chí khôi hài nữa, và hơi thèm.

Hôm sau, Charles ra ngồi trên chiếc ghế dài dưới vòm cây. Ánh sáng lọt qua chiếc rèm mắt cáo; những tàu lá nho in bóng trên cát, hoa nhài tỏa hương, bầu trời xanh lam, những con bọ ban miêu vo ve quanh những cây huệ nở hoa, và Charles tức thở như một chàng trai dưới những làn sóng yêu đương mơ hồ làm căng trái tim đau buồn của hắn.

Đến bảy giờ, con bé Berthe, suốt buổi chiều không thấy bố, ra tìm hắn vào ăn cơm.

Đầu hắn ngả vào tường, mắt nhắm nghiền, miệng há hốc, và hai tay cầm một mớ tóc đen dài.

– Ba ơi, vào đi! – Con bé gọi.

Và, tưởng bố muốn nô đùa, con bé đẩy nhẹ hắn. Hắn ngã xuống đất. Hắn đã chết.

Ba mươi sáu giờ sau, theo yêu cầu của tay dược sĩ, ông Canivet chạy đến. Ông này mổ hắn ra nhưng không thấy gì cả.

Khi mọi thứ đã bán hết, còn lại mười hai quan bảy mươi lăm dùng làm tiền lộ phí cho cô Bovary để về nhà bà nội. Bà cụ cũng mất ngay năm ấy; lão Rouault bị tê liệt, thành ra phải nhờ một bà cô trông nom đứa bé. Bà này nghèo nên đã gửi nó đến một nhà máy sợi để kiếm sống.

Từ khi Bovary mất, ba ông thầy thuốc kế tiếp nhau ở Yonville mà không làm ăn được, vì Homais đã tức khắc đánh bại họ.

Khách của y dồn dập, nhà chức trách kiêng nể y và dư luận công chúng bảo vệ y. Y vừa được tặng huân chương Danh dự.

Hết


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.