Bà Bovary

Chương 8



Lâu đài, kiến trúc hiện đại, theo kiểu Ý, với hai chái nhô ra và ba hàng tam cấp, đứng sừng sững ở cuối một bãi cỏ bao la và vài con bò cái đang gặm cỏ giữa những rặng cây lớn trồng thưa, còn những cây cảnh, sơn lựu, mai hoa và tuyết cầu xoè ra thành những vòm lá to nhỏ không đều trên con đường vòng của lối đi rải cát. Một con sông nhỏ chảy dưới một cái cầu. Qua làn sương mù, người ta nhận ra những ngôi nhà mái tranh dựng rải rác trên đồng cỏ, bên rìa thoai thoải hai sườn đồi cây cối um tùm, và lui về phía sau, dưới những lùm cây, có song song hai dãy nhà xe và chuồng ngựa, di tích của một toà nhà thành quách cũ đã bị phá huỷ.

Chiếc xe ngựa của Charles đỗ lại trước tam cấp giữa; mấy người hầu chạy ra, ông hầu tước tiến đến, giơ cánh tay đỡ vợ người thầy thuốc và dẫn nàng vào tiền sảnh.

Lâu đài, lát đá hoa, rất cao; tiếng chân đi và tiếng nói chuyện vang lên ở đây như trong một nhà thờ. Trước mắt là một cầu thang chạy thẳng, bên trái là một hành lang nhìn ra vườn và dẫn đến phòng chơi bi-a, mà ngay từ ngưỡng cửa, người ta đã nghe thấy tiếng bi ngà va chạm nhau. Khi qua phòng này để tới phòng khách, Emma thấy quanh bàn bi-a những ông có vẻ mặt nghiêm trang, cằm đặt trên chiếc ca vát thắt cao. Ai nấy đều đeo huân chương. Họ vừa lặng lẽ mỉm cười vừa chọc gậy đánh bi-a. Trên nền gỗ lát tường màu sẫm, những khung lớn mạ vàng chữ đen ghi tên người ở phía vành khung dưới. Emma đọc thấy: “Jean-Antoine d’Andervilliers d’Yverbonville, bá tước hạt Vaubyessard và nam tước hạt Frexnay tử trận ở Cutrax ngày 20 tháng 10 năm 1587”. Và trên một cái khung khác, có mấy chữ “Jean-Antoine-Henry-Guy d’Andervillers ở hạt Vaubyessard, thuỷ sư đô đốc hải quân Pháp, được tặng thưởng huân chương Saint-Michel, bị thương trong trận Hougue-Saint-Vaast ngày 29 tháng 5 năm 1692, mất tại Vaubyessard ngày 23 tháng 1 năm 1963”. Nhưng người ta khó mà nhận rõ được các khung sau vì ánh sáng đèn được người ta lùa tấm thảm xanh xủa bàn bi-a chỉ để lại trong phòng một bóng tối mờ. Ánh đèn ấy làm cho các bức hoạ treo ngang tường thêm màu sẫm và gãy gập trên đó thành những đường cạnh mỏng manh tuỳ theo vết rạn nứt của nước sơn trên chụp đèn; và từ trên những khung vuông lớn màu đen viền vàng ấy, nổi lên đây đó vài khoảng màu tươi sáng của bức hoạ, một vầng trán nhợt nhạt, đôi mắt nhìn mình, những bộ tóc giả xoà trên vai những chiếc áo đỏ lấm tấm bụi phấn, hoặc cái khoá nịt bít tất phía trên một bắp chân mập mạp.

Hầu tước mở cửa phòng khách; một trong các bà đứng lên (chính là bà hầu tước) ra đón tiếp Emma và mời nàng ngồi cạnh bà, trên một cái ghế trường kỷ, rồi thân mật nói chuyện với nàng, dường như bà đã quen biết nàng từ lâu. Đó là một bà chừng bốn mươi tuổi, vai đẹp, mũi cong, giọng nói kéo dài; tối hôm ấy, bà choàng trên mớ tóc hung đỏ một chiếc khăn ren giản dị xoã tóc xuống phía sau đầu thành hình tam giác. Một cô gái tóc vàng hoe ngồi bên cạnh, trong một chiếc ghế có nệm dựa lưng dài; và mấy bông hoa tai nhỏ cài trên khuyết áo, đang nói chuyện với các bà xung quanh lò sưởi.

Đến bây giờ, người ta dọn tiệc. Các ông, đông hơn, ngồi bàn đầu trong phòng trước, còn các bà ngồi bàn sau, trong phòng ăn, cùng với bà hầu tước.

Emma, khi bước vào, cảm thấy một không khí ấm áp bao quanh, hỗn hợp của hương hoa với mùi quần áo lịch sự, hơi thịt ngon với mùi nấm nấu. Những cây nến trên những giá đèn bạch lạp lết dài ngọn lửa vào những chiếc chuông bạc; những bình thuỷ tinh nhiều mặt, phủ một làn hơi nước mờ đục, phản chiếu vào nhau những ánh sáng xanh xanh; những bó hoa cắm thẳng hàng suốt chiều dọc mặt bàn, và trong những đĩa rộng thành, mỗi khăn ăn, tết theo kiểu mũ tế giám mục để lộ ta một chiếc bánh mì nhỏ hình bầu dục giữa khoảng hai nếp vải gấp. Những càng tôm hùm đỏ thò ra ngoài mặt đĩa; những trái cây lớn xếp tầng trên nền rong trong chiếc giỏ thưa; chim cun cút còn nguyên lông cánh bốc khói; còn người đầu bếp đi tất lụa, mặc quần cộc, thắt ca vát trắng, đeo yếm sơ mi, vẻ nghiêm trang như một quan toà, chuyển qua vai khách những đĩa răng cưa đựng thức ăn, cầm lấy thìa đưa cho khách đúng miếng khách chọn. Trên cái lò sưởi lớn bằng sứ viền đồng, một bức tượng phụ nữ, choàng áo đến cằm, điềm tĩnh nhìn gian phòng đầy khách.

Bà Bovary nhận thấy nhiều bà chưa đụng đến cốc của họ.

Trong khi ấy, ở đầu bàn trên, có nguyên một ông già ngồi giữa đám phụ nữ; cụ đang ăn, mặt cúi gằm xuống đĩa thức ăn, chiếc khăn buộc ra phía sau lưng như một đứa trẻ, miệng nhỏ giọt nước sốt, mắt vằn tia đỏ, mớ tóc bỏ xoã sau đầu được quấn lại, bằng một dải băng đen. Đó là nhạc phụ ông hầu tước, lão quận công de Laverdière, người thân cận xưa của bá tước Artois, vào hồi đó những cuộc săn bắn ở Vaudreuil trên đất đai của hầu tước de Conflans, và theo như người ta kể, cụ là tình nhân của hoàng hậu Marie-Antoinette, trước ông de Coigny và sau ông de Lauzun. Cụ ta sống một cuộc đời chơi bời ầm ĩ, đầy những chuyện đấu kiếm, đánh cuộc, bắt cóc phụ nữ, ngốn hết gia sản và làm cả gia đình khiếp sợ. Một người hầu, đứng sau ghế cụ ta, xướng to vào tai cụ tên các món ăn mà cụ ta vừa chỉ trỏ vừa lắp bắp. Emma luôn luôn hướng cặp mắt mình về phía lão già môi xệ ấy, như một cái gì phi thường và uy nghiêm. Lão già ấy đã từng sống trong triều và đã từng nằm vào giường của các bà Hoàng hậu!

Người ta rót rượu sâm banh ướp đá. Emma rùng cả mình, khi cảm thấy lạnh miệng. Nàng chưa bao giờ trông thấy trái lựu và cũng chưa bao giờ được ăn quả dứa. Đối với nàng đường bột ở đây hình như cũng trắng hơn, mịn hơn ở nơi khác.

Sau đó, các bà lên buồng riêng để sửa soạn khiêu vũ.

Emma trang điểm với sự chăm chút tỉ mỉ của một nữ diễn viên ra mắt buổi đầu. Nàng sửa tóc theo lời dặn của người thợ húi, và nàng mặc chiếc áo dài bằng len mỏng để sẵn trên giường. Cái quần của Charles thắt chặt bụng.

– Đế giày tôi thế này sẽ làm tôi vướng khi nhảy, – hắn nói.

– Nhảy à? – Emma đáp.

– Ừ!

– Thế thì anh điên rồi! Họ cười cho đấy, anh cứ ngồi yên tại chỗ. Như thế mới hợp với một người thầy thuốc hơn, – nàng nói tiếp.

Charles lặng thinh. Hắn đi đi lại lại, chờ Emma mặc áo.

Đứng sau, hắn nhìn thấy nàng trong gương, giữa hai ngọn nến. Cặp mắt đen của nàng dường như đen láy hơn. Mái tóc nàng hơi bồng lên và phía tai anh ánh biếc; một bông hoa hồng gài búi tóc rung rinh trên cuống cùng với mấy giọt nước giả tạo trên đầu lá. Nàng vận một chiếc áo dài vàng nhạt nổi lên nhờ ba cụm hoa hồng nhỏ xen lẫn lá xanh.

Charles đi tới hôn nàng vào vai.

– Yên nào! – Nàng nói – Anh lảm nát cả mọi thứ bây giờ.

Người ta bỗng nghe tiếng nhạc dạo của đàn viôlông và làn âm thanh của kèn co. Nàng xuống thang, cố ghìm mình khỏi chạy.

Điệu nhạc nhảy đã nổi lên. Khách kéo đến. Người ta xô chen nhau. Nàng ngồi gần cửa ra vào, trên một cái ghế dài.

Khi cuộc đối vũ đã dứt, sàn nhà bỏ trống cho nhóm các ông đứng nói chuyện và các người hầu y phục chỉnh tề qua lại mang khay. Ở dãy các bà ngồi, những chiếc quạt sơn phe phẩy, những bó hoa che khuất nửa chừng nụ cười trên mặt, và những lọ nhỏ nút vàng xoay tròn trong các bàn tay hé mở mà những chiếc gãng trắng làm nổi hình các móng tay và siết chặt lấy cổ tay. Đồ trang sức bằng đăng ten, trâm cài tóc bằng kim cương, xuyến có khung ảnh nhỏ xíu hình trái tim treo ở đầu khóa rung rinh trước áo lót, óng ánh trên ngực, xào xạc trên cánh tay trần. Những mái tóc được chải dán chặt xuống trán hoặc dược búi ra sau gáy đều cài hoa lưu ly, hoa nhài, hoa lựu, hoa tuệ trang, hoặc hoa mua kết thành vòng thành chùm hay thành nhánh. Các bà mẹ vấn khăn đỏ, mặt nhăn nhó, ngồi yên tại chỗ.

Lòng Emma hơi hồi hộp lúc người bạn nhảy đàn ông cầm đầu ngón tay nàng, đưa nàng ra sàn nhảy, đợi tiếng nhạc để nhảy. Nhưng chẳng mấy chốc, cơn xúc động qua đi; rồi, đu mình theo điệu nhạc, nàng lướt người về phía trước, cổ nhẹ nhàng lay động. Một nụ cười hiện lên môi nàng khi chiếc đàn viôlông thỉnh thoảng độc tấu những âm thanh kỳ diệu vào lúc các nhạc cụ khác im bặt; người ta nghe thấy tiếng đồng tiền vàng trong trẻo dội lên ở bên cạnh, trên tấm thảm phủ bàn; rồi tất cả nhạc cụ lại cùng nổi lên một loạt, chiếc kèn coócnê oang oang như lệnh vỡ. Bước chân lại uyển chuyển theo nhịp đàn, những chiếc váy căng phồng nhẹ chạm nhau, những bàn tay khi nắm khi rơi; vẫn những cặp mắt ấy hạ xuống trước mặt nhau rồi lại đăm đăm nhìn nhau.

Một số ông (chừng độ mười lăm người), tuổi từ hai mươi lăm đến bốn mươi, rải rác giữa những người nhảy hoặc đứng nói chuyện ở lối cửa ra vào, mang một vẻ dòng dõi khác biệt với đám đông, mặc dầu họ khác nhau về tuổi đời, về trang phục hay về nét mặt.

Quần áo họ, cắt khéo hơn, dường như bằng một thứ dạ mềm hơn, và tóc họ, uốn vòng xuống phía thái dương, được xức bóng bằng một thứ sáp mịn màng hơn. Họ có cái nước da của sự giàu có, cái nước da trắng trẻo được tôn lên bằng ánh sáng lờ mờ, của đồ sứ, bằng vân xa tanh, bằng nước dầu sơn bàn ghế đẹp và cái nước da được nuôi dưỡng bằng một chế độ ăn uống cao lương mỹ vị một cách thận trọng, cổ họ cử động thoải mái trên những chiếc ca vát thấp; râu quai nón họ dài rủ xuống cổ áo bẻ, họ lau miệng bằng mùi soa thơm phức thêu mấy chữ đầu tên của họ. Những người đứng tuổi có vẻ trẻ trung, thế mà những người trẻ lại để một cái gì chín chắn hiện trên nét mặt. Trong con mắt hờ hững của họ, phảng phất trạng thái bình tĩnh của những cơn dục vọng hằng ngày đã được thỏa mãn và, qua những cử chỉ dịu dàng của họ, bộc lộ cái tàn bạo riêng biệt của họ, thứ tàn bạo của những con người vốn quen biết khống chế những chuyện nửa khó nửa dễ mà trong đó họ đã sử dụng sức mạnh của họ, lấy tính tự phụ của họ làm trò đùa, như chuyện điều khiển ngựa nòi và chuyện ăn chơi với những người đàn bà hư hỏng.

Cách Emma ba bước, một khách nhảy đàn ông vận áo màu xanh lơ nói chuyện nước Ý với một thiếu phụ xanh xao đeo chuỗi ngọc. Họ ca tụng những cột trụ to lớn của nhà thờ Saint-Pierre, Tivoli, ngọn Vésuve, Castellamare và Cassines, hoa hồng ở Gênes, Colisée dưới ánh trăng. Bên tai kia, Emma lắng nghe một câu chuyện đầy những tiếng mà nàng không hiểu. Người ta vây quanh một chàng tuổi trẻ, tuần trước, đã thắng các tuấn mã Arabelle và Romulus đã giật giải hai nghìn đồng tiền vàng khi thi nhảy qua một đường hào bên nước Anh. Có người phàn nàn về con ngựa đua của mình cứ béo phì ra; có người bực bội về những lỗi in đã làm sai hẳn tên con ngựa của họ.

Không khí nơi khiêu vũ đã nặng nề; ánh đèn mờ đi. Người ta dồn sang phòng bi-a. Một người hầu trèo lên một chiếc ghế đánh vỡ hai tấm kính. Nghe thấy kính vỡ, bà Bovary quay đầu lại và trông thấy ở ngoài vườn có những người nông dân áp mặt vào cửa kính nhìn vào. Thế là nàng nhớ đến Bertaux. Nàng thấy lại trang trại, đầm nước đục bùn, cha mẹ mặc áo choàng đi dưới những cây táo, và nàng thấy cả chính nàng, như xưa kia, đang lấy tay gạn kem trong những chiếc chậu sành đầy sữa ở nhà làm sữa. Nhưng trước cảnh xán lạn của giờ phút hiện tại, cuộc đời quá khứ của nàng, cho tới lúc ấy rõ nét là thế, bỗng tan biến đi cả, và nàng hầu như chẳng còn tin nàng đã sống cuộc đời ấy. Nàng đang ở đây kia mà; rồi, xung quanh cuộc khiêu vũ, chỉ là bóng tối trùm lên mọi vật. Nàng liền ăn loại kem pha rượu anh đào, đựng trong một chiếc cốc hình vỏ chai mạ vàng mà nàng cầm trên tay trái và nàng lim dim đôi mắt lại đưa thìa qua hai hàm răng.

Một bà ngồi cạnh nàng, đánh rơi chiếc quạt. Một ông khách nhảy đi qua. Bà ta nói:

– Ông làm ơn nhặt giùm tôi chiếc quạt ở đằng sau ghế trường kỷ này.

Ông ta cúi xuống, và trong lúc ông ta với tay ra lấy quạt, Emma thấy tay người thiếu phụ ném vào mũ ông ta một cái gì trăng trắng hình tam giác. Ông ta nhặt chiếc quạt rồi kính cẩn đưa quạt cho bà ta; bà gật đầu tỏ ý cám ơn và quay ra ngửi bó hoa của mình.

Bữa ăn tối có nhiều rượu vang Tây Ban Nha và rượu vang hạt Rhin, tôm nấu với sữa hạnh nhân, nho trộn trứng kiểu Trafalgar và moi thứ thịt nguội bọc nước đông xung quanh rung rinh trên đĩa. Đoàn xe ngựa, hết cái nọ đến cái kia, bắt đầu ra về sau bữa ăn. Vén góc rèm the che cửa, người ta thấy ánh đèn lồng của các xe lướt trong bóng tối. Trên dãy ghế dài, khách đã thưa dần; vài tay đánh bài ở lại; các nhạc công lấy lưỡi liếm đầu ngón tay cho dịu. Charles ngủ chập chờn, lưng dựa vào một cánh cửa.

Đến ba giờ sáng, cuộc khiêu vũ lại bắt đầu. Emma không biết nhảy valse. Mọi người đều nhảy valse, cô tiểu thư d’Anđervilliers và bà hầu tước. Khách nghỉ lại lâu đài chỉ còn khoảng mười hai người.

Bấy giờ, một bạn nhảy trai, mà người ta gọi thân là Tử tước vận chiếc gilê cổ mở rất rộng như bó sát ngực, lại một lần nữa đến mời bà Bovary, y đảm bảo là y mà hướng dẫn nàng thì chắc chắn thế nào nàng cũng nhảy được.

Thoạt đầu họ đi từ từ, rồi bước nhanh hơn. Họ quay; mọi vật đều quay quanh họ, nào bàn ghế, nào gỗ lát tường và sàn nhà, như một chiếc đĩa quay trên trục. Lúc nhảy gần tới cửa ra vào, áo Emma, ở phía dưới, mắc vào quần chàng kia: cặp giò của họ lồng vào nhau; chàng đưa mắt xuống nhìn nàng, nàng ngước mắt lên nhìn chàng; một trạng thái tê mê xâm chiếm lòng nàng, nàng ngừng bước. Họ lại nhảy, và, bằng động tác nhanh hơn, tay tử tước cuốn nàng đi, hai người biến ra tận đầu hanh lang, ở đó nàng thở hổn hển, suýt ngã, và, trong giây lát, gục đầu vào ngực y. Rồi hai người vẫn quay, nhưng thong thả hơn, y dẫn nàng trở về chỗ; nàng ngã người vào tường và lấy tay bịt mắt.

Khi nàng mở mắt, nàng thấy giữa phòng khách một bà, ngồi trên chiếc ghế đẩu, có đến ba bạn trai quỳ mời trước mặt. Bà ta kén tay tử tước, thế là tiếng đàn viôlông lại nổi lên.

Người ta nhìn đôi này. Họ lượn qua lượn lại, thân hình người đàn bà bất động, cằm hạ xuống, còn y thì vẫn ở một tư thế, mình cong, tay khuỳnh, miệng đưa về phía trước. Bà này biết quay valse mà! Họ nhảy mãi và nhảy rất lâu khiến mọi người khác thấm mệt.

Người ta trò chuyện thêm vài phút, và, sau khi từ biệt, hay nói cho đúng hơn sau khi chào nhau buổi sáng, khách bèn đi ngủ.

Charles lê bước lên thang gác, đầu gối chùn lại. Hắn đã đứng năm giờ liền trước các bàn, xem đánh bài câm mà chẳng hiểu gì cả. Cho nên hắn khoan khoái thở phào sau khi đã tháo bốt ra.

Emma choàng chiếc khăn san lên vai, mở cửa sổ và tì khuỷu tay xuống.

Đêm tối mịt mù. Vài giọt mưa rơi. Nàng hít hơi gió lạnh làm cho mi mắt nàng dịu mát. Nhạc khiêu vũ vẫn còn văng vẳng bên tai, và nàng cố giữ cho mình tỉnh táo để kéo dài cái ảo tưởng về cuộc sống xa hoa mà nàng vừa phải rời bỏ.

Trời hơi rạng. Nàng nhìn các cửa sổ lâu đài, nhìn lâu, cố đoán xem đâu là phòng ngủ của những người mà nàng để ý đêm trước. Nàng ước muốn biết rõ cuộc sống của họ, muốn nhập vào đó hòa mình vào đó.

Nhưng nàng rét run lên. Nàng cởi áo ra rồi chúi mình trong chăn nằm sát vào Charles đang ngủ.

Bữa điểm tâm chẳng có mấy người chỉ mất mười phút. Người ta không dọn một thứ rượu mùi nào; điều đó, khiến người thầy thuốc ngạc nhiên. Tiếp đó cô d’Andervilliers nhặt những mẩu bánh sữa vào một cái giỏ nhỏ rồi đem cho đàn thiên nga trên bể nước, còn mọi người đi dạo trong nhà kính trồng cây ở đấy có những cây cảnh dị kỳ, lông tua tủa xếp thành hình chóp dưới những chậu treo tựa hồ các ổ rắn quá đầy để rơi qua thành chậu những dây xanh dài xoắn tít vào nhau. Vườn cam ở phía cuối, có lối đi râm mát đến tận dãy nhà ngang của biệt thự. Ông hầu tước, muốn mua vui cho người dàn bà trẻ, dẫn nàng đi xem các chuồng ngựa. Trên những máng ăn hình giỏ, có những biển bằng sứ ghi tên ngựa bằng chữ đen. Khi có người đến gần, mỗi con vật lại tắc lưỡi, lồng lộn trong khoang. Sàn nhà chứa yên cương trông bóng loáng như sàn phòng khách. Những bộ đồ đóng xe ngựa bày giữa, trên hai cái cột quay, còn hàm thiếc, roi quất, bàn đạp, dây buộc thì xếp thành hàng dọc theo bức tường.

Charles trong lúc ấy, nhờ một người hầu đóng ngựa vào chiếc xe của hắn. Người ta đưa xe ra chiếc thềm và khi hành lý đã được bỏ vào đó, vợ chồng Bovary từ tạ ông bà hầu tước và trở về Tostes.

Emma lặng lẽ, nhìn các bánh xe quay. Charles, ngồi tận phía kia đầu ghế, dang hai cánh tay đánh xe đi, và con ngựa nhỏ chạy nước kiệu giữa hai càng xe quá rộng đối với nó. Dây cương mềm đập vào mông ngựa đẫm môf hôi. Cái hòm buộc sau xe va vào thùng xe thành những tiếng bồm bộp đều đều.

Đôi vợ chồng đang đi trên dốc Thibourville thì bỗng có mấy người cưỡi ngựa cười cười nói nói vượt qua trước mặt, xì gà ngậm miệng. Emma chừng nhận ra tay tử tước. Nàng ngoảnh mặt đi, nàng chỉ còn thấy ở chân trời mấy cái đầu nhấp nhô theo nhịp ngựa không đều khi chạy nước kiệu, lúc phóng nước đại.

Đi được phần tư dặm đường, xe phải ngừng vì dây thắng ngựa đã đứt, cần phải được nối lại bằng thừng.

Charles, trong lúc đưa mắt kiểm soát yên cương lần cuối, chợt thấy một vật gì trên mặt đất, giữa khoảng chân ngựa, và hắn nhặt được lên một túi đựng xì gà, viền xung quanh toàn bằng lụa xanh có hình huy chương ở giữa như ở cánh cửa một cỗ xe song mã.

– Có cả hai điếu xì gà ở trong, – hắn nói; – thôi để tối nay ăn cơm xong hút.

– Anh cũng hút à? – Nàng hỏi.

– Thỉnh thoảng, khi có dịp.

Hắn bỏ cái của bắt được ấy vào túi rồi quất ngựa cho xe chạy.

Khi vợ chồng về đến nhà thì cơm chiều chưa dọn. Bà chủ nổi nóng. Nastasie hỗn hào cãi lại.

– Cút! – Emma nói. – Mày không coi ai ra gì cả, tao tống cổ mày đi.

Bữa cơm có món xúp hành với một miếng thịt bê trộn rau chua. Charles, ngồi trước Emma, vừa xoa tay vừa nói với một vẻ mặt khoan khoái:

– Đi đâu thì đi mà về đến nhà mình là một điều thú vị!

Hắn nghe thấy tiếng Nastasie khóc. Hắn có phần nào mến cô gái tội nghiệp ấy. Trước kia, cô ta từng làm bạn với hắn biết bao nhiêu buổi tối lúc hắn sống cô đơn trong cảnh góa bụa. Cô ta là người khách đầu tiên của hắn, người quen biết lâu nhất của hắn ở vùng này.

– Thế em đuổi cô ta đi thật đấy à? – Cuối cùng, hắn hỏi.

– Thật chứ. Ai cấm tôi nào? – Nàng đáp.

Rồi vợ chồng kéo nhau vào bếp sưởi, chờ người hầu dọn buồng ngủ. Charles đem xì gà ra hút. Hắn trề môi ra để hút, chốc chốc lại khạc nhổ và so cả người lại mỗi lần nhả khói.

– Anh sắp làm tình làm tội anh đấy, – nàng khinh khỉnh nói.

Hắn bỏ điếu xì gà xuống, chạy ra nốc một cốc nước ở vòi nước. Emma cầm luôn cái túi đựng xì gà quăng vào đáy tủ áo.

Hôm sau, ngày thực là dài. Nàng lững thững dạo bước trong vườn, đi đi lại lại trên những lối ấy, ngừng bước trước những mảnh đất trồng hoa, trước giàn cây ăn quả sát tường, trước tượng viên linh mục bằng thạch cao, ngỡ ngàng quan sát tất cả những vật xưa kia nàng hằng biết rõ. Cuộc khiêu vũ đối với nàng như đã cách xa lắm rồi! Thế thì ai ngăn cách xa nhau đến thế cái buổi sáng hôm kia với cái buổi chiều hôm nay? Cuộc đi thăm Vaubyessarđ đã để lại một chỗ trống trong đời nàng, như thể những đường nứt lớn mà giông tố, chỉ trong một đêm, xoi núi. Song nàng đành chịu dựng: nàng thành kính cất vào tủ bộ trang phục đẹp đẽ của nàng, cất đến cả đôi giày xa tanh mà đế đã vàng đi vì xi trơn trên sàn nhảy. Song nàng đã như chúng: đụng chạm với cảnh giàu sang, nó đã để lại trong đó một cái gì không phai mờ.

Cho nên, đối với Emma, việc hồi tưởng lại cuộc khiêu vũ là một mối bận tâm. Cứ mỗi lần ngày thứ tư trở lại, nàng đã tự nhủ thầm khi thức giấc: “Ôi! Cách đây tám ngày… Cách đây mười lăm ngày… cách đây ba tuần, mình có mặt ở đó!” Rồi dần dần, những nét mặt lộn xộn trong trí nhớ của nàng; nàng quên mất điệu nhảy đôi; nàng không còn thấy rõ những bộ chế phục và những căn phòng; vài chi tiết đã mất hẳn đi, song nỗi luyến tiếc vẫn còn đọng lại.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.