Bà Bovary

Chương 10



Dần dần, những mối lo sợ của Rodolphe lan sang nàng. Thoạt tiên, tình yêu khiến nàng say sưa, nàng chẳng nghĩ tới gì ngoài đó cả. Nhưng, nay tình yêu ấy cần thiết cho đời nàng, thì nàng lại sợ mất đi một cái gì của nó, hay nàng sợ ngay cả nó cũng bị quấy rối. Khi nàng từ nhà y trở về, nàng đưa mắt lo lắng nhìn khắp xung quanh, dò xét từng hình thù đi qua phía chân trời và từng cửa sổ nhỏ trên mái nhà trong làng mà từ đó người ta có thể trông thấy nàng được. Nàng lắng nghe tiếng bước chân đi, tiếng kêu, tiếng động của cái chày; nàng đứng lại, tái xanh hơn và run rẩy hơn là những tàu lá bạch dương đang đu đưa trên đầu nàng.

Một buổi sáng, lúc trở về như thế, nàng đột nhiên nhận ra chiếc nòng của một khẩu súng ngắn hình như đang nhằm vào mặt nàng. Nòng súng ấy vượt chếch lên trên thành một cái thùng con chôn vùi đến nửa vào đám cỏ trên bờ một cái hố. Emma, sắp hết hồn vì kinh hãi, vẫn tiến bước, thì một người đàn ông ở cái thùng thò ra, như những con quỷ bật lò xo dựng đứng lên từ đáy hộp. Người ấy đi ghệt dài tới đầu gối, đội mũ lưỡi trai chụp xuống tận mắt, cặp môi run run và mũi đỏ ửng. Đó là viên đội trưởng Binet đang rình vịt trời.

– Đáng lẽ bà từ xa đã phải lên tiếng! – Ông ta kêu lên. – Khi thấy súng, bao giờ cũng phải báo cho biết.

Tay thu thuế, nói vậy là để cố che đậy mối sợ của ông ta vừa rồi; vì, một nghị định của quận đã cấm săn vịt trời bằng cách khác ngoài cách đi thuyền, mà ông Binet, mặc dầu tôn trọng pháp luật, đã thấy mình trái phép. Cho nên mỗi phút ông ta lại tưởng chừng nghe thấy tuần phiên đến. Nhưng mối lo ngại ấy kích thích cái thú của ông ta và, một mình trong cái thùng của mình, ông ta tự tán thành cái thú vui của mình và cái tính ranh mãnh của mình.

Trông thấy Emma, ông ta như trút được một gánh nặng và lập tức ông ta bắt chuyện:

– Trời không nóng mà vẫn làm cho người ta khó chịu!

Emma không đáp lại gì cả. Ông ta nói tiếp:

– Thế bà đi chơi sớm quá nhỉ?

– Vâng, – nàng ấp úng nói; – tôi ở nhà vú nuôi cháu về.

– À! Tốt lắm! Tốt lắm! Còn tôi, bà thấy đấy, vừa tinh mơ tôi có mặt ở kia; nhưng trời chiều nhiều sương quá, trừ phi chim trời đứng ngay đầu…

– Chào ông Binet, – nàng vừa ngắt lời vừa quay gót.

– Kính bà, – ông đáp, giọng khô khan. Và ông ta lại chui vào thùng.

Emma ân hận vì đã từ biệt tay thu thuế một cách đột ngột như thế. Hẳn là hắn ta sẽ có những phỏng đoán bất lợi. Câu chuyện vú nuôi là lời tạ sự tồi tệ nhất, mọi người ở Yonville đều biết rõ con bé Bovary, từ một năm nay, đã trở về nhà cha mẹ nó. Vả lại, có ai ở quanh đây đâu; con đường này chỉ dẫn đến la Huchette thôi! Vậy là Binet đã đoán được nàng từ đâu về, rồi ông ta chẳng lặng im đâu, ông ta sẽ nói lung tung, chắc thế rồi! Cho đến chiều tối, nàng cứ loay hoay vắt óc tìm mọi kế hoạch nói dối có thể tưởng tượng ra được, và không ngừng thấy trước mắt mình cái thằng đốn đời đeo túi săn kia.

Charles, sau bữa cơm tối, thấy nàng lo âu, muốn dẫn nàng sang nhà tay dược sĩ để giải trí; mà người thứ nhất nàng thấy trong hiệu thuốc lại là hắn, tay thu thuế! Hắn đứng trước quầy hàng, soi sáng bởi ánh sáng của chiếc bình đỏ và hắn nói:

– Xin ông cho tôi mười lăm gam lưu toan.

– Justin, – tay dược sĩ gọi to, – mang ra đây cho tao chất axít xuynphuyarich.

Rồi hắn nói với Emma khi nàng định lên phòng bà Homais:

– Không, bà ở lại đây, chẳng cần lên, nhà tôi sắp xuống đây. Bà đến sưởi bên lò trong lúc chờ đợi… Bà miễn thứ cho tôi… Chào bác sĩ (chả là tay dược sĩ rất thích gọi tiếng bác sĩ tựa hồ như dùng tiếng ấy để gọi người khác, y đã làm thơm lây đến mình cái gì long trọng mà y thấy trong tiếng ấy)… Nhưng coi chừng đừng làm đổ cối đấy! Mày đi lấy những chiếc ghế trong căn phòng nhỏ thì hơn; mày biết rõ rằng không nên xê dịch các ghế bành ở phòng khách.

Và, để xem chiếc ghế bành của y về đúng chỗ cũ, Homais đâm bổ ra ngoài quầy hàng vừa lúc Binet hỏi mua nửa lạng axít đường.

– Axít đường? – Tay dược sĩ khinh khỉnh nói. – Tôi không biết, tôi mù tịt! Có lẽ mấy ông muốn lấy axít ôxalích? Ôxalích, có phải thế không ạ?

Binet giải thích là hắn cần một thứ thuốc trừ gỉ để tự mình chế lấy một thứ nước ăn dùng để đánh gỉ những bộ phận linh tinh của súng săn. Emma giật thót mình. Tay dược sĩ liền nói:

– Quả thực, thời tiết chẳng thuận lợi vì ẩm ướt.

– Nhưng – tay thu thuế đáp lại bằng một vẻ tinh quái – có những người lại tiện sắp đặt công việc của mình với thời tiết đó.

Nàng nghẹn thở.

– Ông lại cho tôi…

“Y không bao giờ ra khỏi nơi đây ư?” Nàng nghĩ.

– Xin ông nửa lạng tùng hương và nhựa thông, bốn lạng sáp vàng và lạng rưỡi than xương để đánh những đồ da láng bóng trong bộ đồ đi săn của tôi.

Tay dược sĩ bắt đầu cắt sáp thì bà Homais ra mắt với Irma trong tay, Napoléon bên cạnh và Athalie theo sau. Bà ta đến ngồi trên chiếc ghế dài bọc nhung giáp cửa sổ, và đứa con trai nhỏ ngồi xổm trên một chiếc ghế đẩy, con chị lớn lượn đi lượn lại quanh hộp táo gần người bố yêu quý của nó. Tay dược sĩ đang rót đầy các phễu và bịt nút các lọ, dán các nhãn hiệu và phong các gói hàng. Người ta im lặng quanh y; và người ta chỉ thỉnh thoảng nghe thấy tiếng những quả cân vang trên các bàn cân với vài lời nói khẽ của tay dược sĩ chỉ bảo học trò của hắn.

– Thế nào cô bé nhà bà có mạnh khỏe không? – Bà Homais bỗng hỏi.

– Im! – Chồng bà thốt lên, y đang kê những con số trên vở chép.

– Sao bà chẳng cho cháu sang? – Bà khẽ hỏi lại.

– Suỵt! Suỵt! – Emma vừa lấy ngón tay chỉ tay dược sĩ ra hiệu. Nhưng Binet, mải đọc giấy tính tiền, có lẽ không nghe thấy gì cả. Sau cùng ông ta đi ra. Lúc bấy giờ Emma thoát nợ, thở dài một tiếng.

– Bà mới thở mạnh chứ! – Bà Homais nói.

– À! Chả là trời nóng, – nàng đáp.

Thế là hôm sau, họ tính đến việc sắp đặt các nơi hẹn hò; Emma muốn mua chuộc người hầu gái của nàng bằng một món quà; nhưng có lẽ tốt hơn là kiếm ra một ngôi nhà nào kín đáo ở Yonville. Rodolphe hứa sẽ đi tìm.

Suốt cả mùa đông, mỗi tuần ba, bốn lần, lúc trời tối đen như mực, y tới khu vườn. Emma, cố ý hẳn hoi, đã rút bỏ chiếc chìa khóa hàng rào mà Charles tưởng là mất.

Để báo hiệu cho nàng, Rodolphe ném vào cửa chớp một nắm cát. Nàng đứng bật dậy. Nhưng đôi khi y phải chờ đợi vì Charles có tật nói chuyện huyên thuyên bên lò sưởi mãi không thôi.

Nàng nóng lòng sốt ruột; nếu đôi mắt nàng có thể làm được, chúng sẽ quẳn hắn qua cửa sổ. Cuối cùng, nàng bắt đầu vận quần áo ngủ; rồi nàng cầm lấy một quyển sách và cứ ngồi đọc thật bình thản, dường như đọc sách là niềm vui của nàng. Nhưng Charles, nằm trong giường, gọi nàng đi ngủ.

– Lại đây, Emma, – hắn nói, – đến giờ rồi.

– Ừ, em đến đây! Nàng đáp.

Nhưng, vì các ngọn nến làm chói mắt hắn, hắn quay mặt vào tường rồi ngủ đi mất. Nàng trốn đi, nín thở, mỉm cười, hồi hộp, cởi bỏ quần áo.

Rodolphe có một cái áo choàng lớn. Y trùm áo lên toàn thân nàng, và ôm ngang người nàng, y lặng lẽ dìu nàng đi đến tận cuối vườn.

Chính dưới vòm cây, trên chiếc ghế dài ghép bằng gỗ mục này, Léon trước kia đã từng đắm đuối nhìn nàng suốt những buổi chiều hè. Bây giờ nàng chẳng còn nghĩ đến Léon chút nào.

Sao lấp lánh qua những cành hoa nhài trụi lá. Họ nghe thấy sau họ con sông đang chảy, và chốc chốc, trên bờ sông, tiếng sậy khô lắc rắc. Từng đám bóng đen, rải rác đó đây, nổi lên trong đêm tối và, đôi khi, nhẹ nhàng run rẩy theo cùng một động tác, chúng đứng thẳng lên rồi lại ngã xuống như những làn sóng đen mênh mông tiến đến trùm lên họ. Hơi lạnh ban đầu khiến họ ôm ấp nhau chặt hơn; những tiếng thở dài qua môi họ dường như mạnh hơn; đôi mắt họ, mà họ vừa khám phá thấy, tưởng chừng to hơn, giữa cảnh nhà tĩnh mịch có những lời nói thì thầm rơi vào tâm hồn họ với âm thanh trong trẻo và dội lại trong đó thành những rung động tăng lên gấp bội.

Đêm nào mưa, họ vào trú trong phòng khám bệnh, giữa nhà để xe và chuồng ngựa. Nàng đốt một ngọn đèn nến nhà bếp mà nàng đã giấu sau những quyển sách. Rodolphe ẩn trong đó như ở nhà. Trông thấy tủ sách và bàn giấy, nghĩa là cả gian phòng, rốt cuộc y vui vẻ; và y không thể kìm lại nhiều câu bông đùa về Charles khiến Emma lúng túng. Nàng muốn thấy y nghiêm chỉnh hơn, và thậm chí có vẻ bi đát hơn nữa, khi cần thiết, như cái lần nàng tưởng nghe thấy ngoài lối đi có tiếng chân ai bước tới gần.

– Có người đến! – Nàng bảo. Y thổi tắt đèn.

– Anh có súng lục đó không?

– Để làm gì?

– Thì… để anh tự vệ chứ, – Emma đáp.

– Để chống lại chồng em à? À! Anh chồng đáng thương!

Và Rodolphe kết thúc câu nói bằng một động tác có nghĩa là: “Tôi sẽ đè bẹp hắn bằng một cái búng tay”.

Nàng kinh ngạc về sự can đảm của y, tuy nàng cảm thấy trong đó có cái gì bất nhã và thô lỗ khờ dại khiến nàng tức giận.

Rodolphe suy nghĩ rất nhiều đến câu chuyện súng lục ấy. Nếu nàng đã nói nghiêm chỉnh, thì điều đó hết sức nực cười, thậm chí khả ố nữa, y nghĩ thế, vì bản thân y chẳng có lý do để thù ghét cái anh chàng Charles tốt bụng kia chẳng bị cái gọi là day dứt vì ghen tuông; và vì điều này, Emma đã từng nặng lời thề thốt với y mà y chẳng còn thấy thích thú nữa.

Vả lại, nàng trở nên rất là tình cảm. Đã phải cùng nhau trao đổi những kỷ niệm nhỏ; đôi bên đã cắt cho nhau những nắm tóc, và bây giờ nàng đòi một chiếc nhẫn, một chiếc nhẫn cưới thực sự, biểu hiện sự gắn bó đời đời. Thường thường nàng nói với y về những tiếng chuông chiều hay về tiếng nói của thiên nhiên; rồi nàng trò chuyện với y về mẹ nàng và về mẹ y. Rodolphe đã mất mẹ từ hai mươi năm rồi. Tuy vậy, Emma vẫn an ủi y với những lời lẽ hoa mỹ như người ta nói với một đứa trẻ bị bỏ rơi, và thậm chí có khi, nàng còn vừa nhìn trăng vừa nói với y:

– Em chắc rằng trên kia, các cụ đều tán thành tình yêu của đôi ta.

Nhưng nàng xinh đẹp xiết bao! Rodolphe tuy đã có nhiều người yêu nhưng rất ít người chân thật như thế! Cái tình yêu không dâm đãng, đối với y, là cái gì mới mẻ nó vừa làm cho y xa được những thói quen dễ dãi của mình, nó vừa mơn trớn lòng kiêu hãnh và tính dâm ô của y. Nhiệt tình của Emma, mà cái lương tri của trưởng giả của y coi rẻ, xem chừng lại thấy thú vị ở đáy lòng y vì nhiệt tình ấy hướng vào con người y. Như thế, chắc chắn là được yêu rồi, y chẳng gìn giữ nữa, và phong thái của y vô tình thay đổi.

Y không còn có, như xưa, những lời nói rất mực em dịu khiến nàng rơi lệ và những cái vuốt ve nồng thắm khiến nàng điên dại; đến nỗi mối tình lớn, trong đó nàng đang chìm đắm, ra chiều giảm sút đi dưới chân nàng như nước một con sông rút xuống dưới tận đáy sông, và nàng nhìn thấy bùn lầy. Nàng không muốn tin như thế; nàng âu yếm bội phần; và Rodolphe, dần dần bớt che đậy sự hờ hững của y.

Nàng không biết có phải là nàng tiếc vì đã phụ lòng y hay, trái lại, có phải là nàng chẳng ước mong yêu dấu y hơn. Lòng tự sỉ vì cảm thấy mình yếu đuối đã chuyển thành mối thù hận mà những khoái lạc làm dịu đi. Đó chẳng phải là sự quyến luyến mà như là một sự cám dỗ thường xuyên. Y đã khuất phục được nàng. Nàng hầu như sợ y.

Tuy nhiên, bề ngoài lại yên tĩnh hơn bao giờ hết vì Rodolphe đã thành công trong việc dẫn dắt cuộc ngoại tình theo ý muốn của y; và, sau sáu tháng, khi mùa xuân tới, họ thấy, người nọ đối với người kia, như đôi vợ chồng đang yên ổn gìn giữ một ngọn lửa gia đình.

Đây là thời kỳ lão Rouault gửi biếu chàng rể một con gà mái tây để kỷ niệm việc hắn chữa lành cái chân của lão. Quà biếu bao giờ cũng kèm theo một bức thư. Emma vứt sợi dây buộc thú vào cái sọt và đọc những dòng sau đây:

“Các con thân mến,

Bố mong rằng thu này đến vào lúc các con đang khỏe mạnh và quà này cũng giá trị bằng các quà trước vì bố thấy nó có chút mềm mại hơn và có phần to hơn, bố dám nói thế. Nhưng, lần sau, để thay đổi, bố sẽ biếu các con một con gà trống, trừ phi các con cứ thích giống gà ấp hơn, và các con gửi lại cho bố cái sọt mây nhé cùng với hai cái cũ. Bố đã gặp rủi là nóc gian nhà chứa xe bò, một đêm gió to, đã bay lên cây mất. Mùa màng cũng chẳng tốt gì lắm. Sau hết, bố không biết bao giờ bố đến thăm các con được. Bây giờ bố thấy khó mà bỏ nhà đi được, từ khi bố sống một mình, Emma đáng thương của bố ạ!”

Và ở đây có một khoảng cách giữa các dòng, tựa hồ ông lão đã bỏ rơi bút xuống để nghĩ vơ vẩn một thời gian.

“Về phần bố, bố vẫn khỏe, trừ một trận cảm mà bố bị hôm nọ ở phiên chợ Yvetot lúc bố đến đó để mượn một thằng chăn cừu, thằng cũ bố đã tống đi bởi nó ăn uống quá khó tính. Với những thẳng kẻ cướp này, thực lắm thứ khó chịu! Vả lại, nó là đứa bất lương.

Một người bán hàng xách, mùa đông vừa rồi, khi qua địa hạt các con, đã phải nhổ một cái răng, có cho bố biết Bovary vẫn làm việc vất vả. Điều đó chẳng làm bố ngạc nhiên, và hắn đã cho bố xem răng; bố đã cùng gã ta uống cà phê. Bố hỏi gã ta có thấy con không, gã ta bảo là không, nhưng gã ta có thấy hai con ngựa trong chuồng ngựa, do đó bố đoán rằng nghề của chồng con phát tài đấy. Thế là hay, các con thân yêu, bố cầu Chúa lòng lành ban cho các con mọi hạnh phúc.

Buồn cho bố là chưa được biết mặt cháu gái Berthe Bovary yêu quý của bố. Bố đã trồng cho nó, trong vườn dưới buồng của con, một cây mận ngon, và bố không cho ai đụng tới, trừ phi phải làm mứt cho nó sau này; bố sẽ cất trong tủ lạnh để phần nó, khi nào nó tới.

Chào các con thân mến. Bố hôn con, con gái của bố, cả anh nữa, con rể của bố, và hôn cháu bé vào hai má.

Chúc mừng các con,

Bố yêu của các con

Theodore Rouault”

Nàng ngồi yên vài phút cầm trong tay tờ giấy thô kệch ấy, những lỗi chính tả tiếp nối nhau đầy trong đó, và Emma dõi theo cái ý nghĩa mộc mạc giãi bày bộc tuệch bộc toạc qua suốt bức thư như con gà mái ẩn mình nửa kín nửa hở trong một hàng rào gai, chữ viết đã được thấm khô bằng tro bếp, vì một chút bụi xám còn rơi từ lá thư xuống áo dài nàng, và nàng tưởng chừng thấy cha nàng khom lưng xuống lò để cầm cái kẹp trở lửa. Đã lâu lắm rồi nàng chẳng còn ở bên cạnh bố, ngồi trên cái ghế đẩu sát lò sưởi, khi nàng làm cháy đầu một thanh củi trong ngọn lửa to của những dây cói biển nổ lép bép!… Nàng nhớ lại những chiều hè chan hòa ánh nắng. Những con ngựa đực hí lên khi có người đi qua, và phi, phi… Dưới cửa sổ buồng nàng, có một tổ mật ong, và đôi khi ong, quay tít trong ánh nắng, đập vào các ô cửa kính như những quả cầu vàng nảy lên nảy xuống. Hồi ấy hạnh phúc xiết bao! Tự do xiết bao! Hy vọng xiết bao! Ảo tưởng phong phú xiết bao! Bây giờ chẳng còn gì nữa! Nàng đã tiêu phí chúng vào tất cả các bước phiêu lưu của tâm hồn nàng, qua tất cả các cảnh ngộ liên tiếp trong thuở còn trinh nữ, trong hôn nhân và trong tình ái, – đánh mất chúng liên tục như thế suốt cuộc đời nàng, như một người du hành bỏ lại phần nào tiền của anh ta ở các quán trọ trên đường.

Nhưng ai vậy đã làm cho nàng khốn khổ đến thế? Đâu là cái tai họa phi thường đã khuấy động nàng dữ dội? Và nàng ngửng đầu lên, nhìn quanh nàng như để tìm nguyên nhân cái đã làm nàng đau đớn.

Một tia nắng tháng Tư lóng lánh trên các đồ sứ để trên chiếc lá: lửa đang cháy; nàng cảm thấy dưới đôi giày vải của mình cái mềm mại của bức thảm; sáng, không khí ấm áp, và nàng nghe thấy con nàng đang thốt lên những tiếng cười giòn giã.

Quả thật, lúc đó con bé đang lăn trên thảm cỏ, giữa đám ngọn cỏ bị xén đi mà người ta đang đảo cho khô. Nó nằm sấp trên ngọn một đống. Người vú nắm váy giữ nó.

Lestiboudois cắt cỏ bên cạnh, và mỗi lần gã ta lại gần, nó lại cúi mình xuống, vẫy hai cánh tay.

– Đem nó lại đây cho tôi! – Mẹ nó vừa nói vừa lao tới ôm hôn nó. – Mẹ yêu con quá, con thương con quý của mẹ! Mẹ yêu con quá!

Rồi, thấy dái tai nó hơi bẩn, nàng vội vàng bấm chuông gọi lấy nước nóng, nàng lau cho nó, thay quần áo, bít tất và giày cho nó, hỏi tíu tít về sức khỏe của nó như thể nàng mới đi xa về, rồi cuối cùng, nàng còn hôn nó nữa và, rơm rớm nước mắt, nàng trao nó vào tận tay người vú, chị này rất ngạc nhiên trước tình âu yếm quá đáng ấy.

Rodolphe, buổi tối, thấy nàng nghiêm hơn thường lệ.

“Cái đó rồi sẽ đi qua thôi, – y phán đoán; – đây là một tính bất thường.”

Thế là y vắng mặt liền trong ba cuộc hẹn hò. Khi y trở lại nàng ra chiều lạnh nhạt và gần như khinh khỉnh.

– À! Em làm mất thời giờ của em thôi, em yêu ạ…

Và y ra vẻ không nhận thấy tiếng nàng thở dài ảo não và chiếc khăn tay nàng rút ra.

Đó là lúc Emma đang hối hận! Thậm chí nàng đang thầm hỏi tại sao nàng lại ghét bỏ Charles, và nếu có thể yêu được hắn có hơn không. Nhưng hắn chẳng nhạy bén lắm trước những tình cảm thay đổi đó, đến nỗi hy sinh chớm nở của nàng, thì tay dược sĩ đến đúng lúc tạo cho nàng một cơ hội.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.