Bà Bovary
Chương 5
Hôm ấy là ngày thứ năm. Nàng ngủ dậy, và nàng mặc quần áo lặng lẽ để khỏi làm Charles thức giấc, hắn sẽ không khỏi trách nàng sửa soạn quá sớm. Sau đó nàng hết đi dọc lại đi ngang; nàng đứng trước cửa sổ và nhìn ra quảng trường. Ánh sáng sớm mai luồn giữa các cột chợ, và bên nhà tay dược sĩ, mà các cửa bản còn đóng kín, phô trong màu nhạt của mặt trời mới mọc những chữ hoa trên biển hàng.
Khi chiếc đồng hồ treo tường điểm bảy giờ mười lăm phút, nàng đi đến quán Sư Tử Vàng, ở đó Artémise, vừa ngáp vừa ra mở cửa cho nàng. Chị ta bới hầu bà than vùi dưới tro. Emma ở lại một mình trong bếp. Thỉnh thoảng, nàng bước ra ngoải. Hivert đang thong thả đóng ngựa vào xe và, vả lại, gã ta vừa làm vừa nghe mụ Lefrançois, thò cái đầu đội mũ trùm bằng sợi qua lô cửa bán hàng, nhờ gã ta làm hết việc này việc nọ và dặn dò gã ta đủ thứ, giá phải một người nào khác thì đến rối óc. Emma nện gót đôi giày cao cổ của mình lên gạch lát ngoài sân.
Cuối cùng, sau khi gã ta đã ăn xong xúp, khoác áo tơi châm tẩu thuốc và cầm roi quất ngựa, gã ta mới ngồi một cách bình thản vào ghế trên xe.
Chiếc xe Con én đi nước kiệu chậm, và suốt ba phần tư dặm đường, dừng hết chỗ này đến chỗ khác để lấy khách đứng rình bên đường, trước các hàng rào chắn sân. Những người đã báo xe hôm trước thì làm xe phải đợi; có vài người còn nằm trên giường nhà họ; Hivert gọi, kêu, rủa, rồi từ chỗ ngồi bước xuống đến từng cửa nhà đập ầm ầm. Gió lùa qua các cửa xép đã rạn nứt.
Trong khi ấy, khách đã lên ngồi đầy bên chiếc ghế dài nhỏ, chiếc xe lăn bánh, những cây táo nốì tiếp nhau thành hàng; và con đường, nằm giữa hai cái hào dài đầy nước vàng, cứ liên tục thu hẹp lại về phía chân trời.
Emma thuộc con đường ấy từ đầu đến cuối; nàng biết rằng sau một đồng cỏ có một cái cột, rồi đến một cây du thụ, một vựa lúa hay một túp lều của người sửa đường; thậm chí, đôi khi, để tự gây cho mình những điều ngạc nhiên, nàng nhắm mắt lại. Nhưng nàng không bao giờ mất cái cảm giác rõ rệt về khoảng cách phải qua.
Cuối cùng, những ngôi nhà gạch sát lại nhau, đất vang lên dưới bánh xe, Con én lướt khoảng giữa các vườn, ở đó người ta trông thấy, qua một hàng rào thưa, những bức tượng, một giàn nho, những cây thủy tùng được cắt xén và một cái đu. Rồi, thoáng một cái, thành phố đã hiện ra.
Xuống dần như có bực từ dưới lên và chìm trong sương mù, nó tỏa rộng ra phía ngoài các cầu một cách hỗn độn. Tiếp theo, đồng ruộng mênh mông ngược ngược lên dần theo một thế đơn điệu, cho đến lúc đụng tới cái chân trời mờ nhạt ở tít xa. Như thế, nhìn từ trên xuống toàn bộ phong cảnh có vẻ bất động như một bức họa; những con tàu thả neo dồn vào một góc; dòng sông uốn khúc ở chân các đồi xanh và những hòn đảo, dài và dẹt, trông tựa những cá đen lớn dừng lại trên mặt nước. Những ống khói nhả máy phun ra những chùm khói nâu rộng bay lên ở đằng đầu. Người ta nghe thấy tiếng ù ù của các lò đúc với tiếng chuông lanh lảnh của các nhà thờ đứng sừng sững trong sương mù. Cây cối ở các đại lộ, trụi cả lá làm thành những bụi màu tím giữa các nhà, và mái nhà bóng loáng nước mưa lấp lánh không đều, tùy theo khu phố cao hay thấp. Đôi khi, một làn gió cuốn mây về phía bờ biển Sainte-Catherine, như những làn sóng trên không trung lặng lẽ đập vào một bờ dốc.
Có một cái gì làm choáng váng, vì nàng đã thoát ra từ những sinh mệnh chất đống lại kia, và trái tim nàng căng ra quá mức tựa hồ như mười hai vạn linh hồn đang hồi hộp ở nơi đó đã đồng loạt gởi đến nàng làn hơi bốc lên của dục vọng mà nàng cho rằng họ đều có. Tình yêu của nàng lớn lên trước không gian và sôi động vì những tiếng rì rầm không rõ đang tăng lên. Nàng trút chúng ra ngoài, ra các quảng trường, ra các chỗ đi chơi, ra các đường phố, và cái đô thị cổ xứ Normandie phơi bày trước mắt nàng như một thủ đô đồ sộ, như một thành Babylone mà nàng bước vào. Nàng chống hai tay ngả người qua cửa sổ để hít làn gió nhẹ; ba con ngựa phóng nước đại. Những hòn đá lao xao trong bùn, chiếc xe lắc lư, và Hivert từ xa gọi những chiếc xe con trên đường, trong khi những tay tư sản đã nghỉ đêm ở Bois Guillaume ung dung xuống dốc trong chiếc xe nhà nhỏ của họ.
Người ta dừng lại trước rào chắn, Emma bỏ giày guốc ra, thay găng tay, sửa lại khăn quàng, và cách đó hai mươi bước, nàng xuống xe Con én.
Thành phố, lúc ấy, đã thức dậy. Những người làm công đội mũ trùm kiểu Hy Lạp lau chùi mặt trước cửa hàng, và những người đàn bà cắp rổ bên hông chốc chốc lại rao vang ở các đầu phố. Nàng đi, mắt nhìn xuống đất lướt qua các bức tường, và mỉm cười thích thú dưới chiếc mạng đen buông xuống.
Sợ người ta trông thấy, nàng thường thường không theo con đường gần nhất. Nàng đi sâu vào các ngõ hẻm tối tăm, và, khắp người đẫm mồ hôi, nàng đi tới phía dưới phố Quốc Gia gần máy nước. Đây là khu phố có rạp hát, tiệm rượu và gái điếm. Thường khi, một chiếc xe bò qua gần nàng mang một đồ trang trí sân khấu nào đó rung rinh. Những chàng trai đeo tạp dề đổ cát trên đá lát, khoảng giữa những cây xanh còn nhỏ. Người ta ngửi thấy mùi rượu ápxanh, mùi xì gà và mùi sò.
Nàng rẽ sang một phố khác; nàng nhận ra y ở bộ tóc quăn xõa ra cả ngoài mũ.
Léon tiếp tục đi trên vỉa hè. Nàng theo y đến tận khách sạn; y leo lên gác, y mở cửa, y vào… Họ ôm nhau chặt đến thế nào!
Rồi những lời nói, sau những cái hôn, cứ dồn đập. Họ kể cho nhau nghe những nỗi buồn trong tuần, những linh cảm, những lo ngại về các bức thư; nhưng giờ đây, họ đã quên hết, và họ nhìn nhau, mặt đối mặt, với những nụ cười khoái trá và những tiếng gọi âu yếm.
Cái giường thuộc loại to bằng gỗ đào hoa tâm, hình thuyền. Rèm che bằng thứ hàng tơ mỏng đỏ, từ trần nhà rủ xuống, thắt lại quá thấp gần đầu giường loe rộng; và không gì trên đời lại đẹp như cái mái tóc nâu và làn da trắng của nàng nổi bật trên cái màu đỏ sẫm đó, bằng một thứ cử chỉ e thẹn, nàng vừa khép hai cánh tay để trần vừa giấu mặt trong hai bàn tay.
Gian phòng ấm áp, với tấm thảm kín đáo, những đồ trang hoàng vui mắt và làn ánh sáng ôn hòa của nó dường như thuận tiện hoàn toàn cho dục tình thầm kín. Những cột màn nhọn như mũi tên, những móc màn bằng đồng và những cục tròn lớn ở giá để củi đột nhiên sáng loáng, nếu mặt trời chiếu vào. Trên lò sưởi, giữa những cây đèn nến, có hai chiếc vỏ ốc màu hồng mà người ta nghe thấy được tiếng động của biển khi áp chúng vào tai.
Họ ưa biết mấy gian buồng ấm cúng tràn trề niềm vui mặc dầu vẻ lộng lẫy của nó đã hơi kém đi! Họ bao giờ cũng vẫn thấy đồ đạc y nguyên tại chỗ, và đôi khi, lại còn thấy những chiếc trâm gài đầu nàng đã bỏ quên, thứ năm trước, dưới cái để đồng hồ. Họ ăn sáng ở bên cạnh lò sưởi, trên một chiếc bàn xoay nhỏ khảm bằng gỗ tử đàn. Emma thái thức ăn, vừa đặt từng miếng vào đĩa của y vừa nói đủ mọi chuyện đú đởn; và nàng cười bằng tiếng cười sang sảng và lẳng lơ khi bọt rượu sâm banh tràn qua cái cốc mỏng manh xuống những chiếc nhẫn ở ngón tay nàng.
Họ hoàn toàn đắm đuối trong cái sở hữu bản thân họ đến mức họ tưởng chừng đây là nhà riêng của họ; và họ chắc chắn sống ở đây cho tới khi chết, như đôi vợ chồng đời đời son trẻ. Họ gọi buồng của chúng ta, thảm của chúng ta, ghế tựa của chúng ta, thậm chí nàng còn gọi đôi giày vải mà Léon tặng theo sở thích của nàng là đôi giày vải của em. Đó là đôi giày bằng xa tanh hồng, viền lông thiên nga. Khi nàng ngồi vào lòng y, chân nàng chơi vơi trong không khí vì ngắn quá, và đôi giày xinh xắn, không có phần da bọc gót, chỉ bám vào ngón chân của bàn chân không bít tất.
Y tận hưởng lần đầu tiên cái dịu dàng khôn tả của những người đàn bà thanh lịch. Chưa bao giờ y gặp cách nói năng duyên dáng ấy, cách ăn mặc giữ gìn ấy, cái tư thế của một thiếu phụ trong trắng thơ ngây đang lim dim ngủ ấy[23]. Y tán dương cái tâm hồn nồng nhiệt của nàng và những đường viền đăng ten ở váy nàng, vả lại nàng chẳng phải là một phụ nữ thượng lưu, và một phụ nữ có chồng hay sao! Cuối cùng nàng chẳng phải là một tình nhân thực sự hay sao?
[23] Nguyên văn tiếng Pháp “ces poses de colombe assoupie” (tư thế của con bồ câu cái thiu thiu ngủ. Colombe (nghĩa bóng): jeune fille pure, candide (thiếu nữ trong trắng, ngây thơ).
Do tính tình thay đổi, hết bí ẩn lại vui cười, nhí nhảnh, trầm lặng, nôn nóng, thờ ơ, nàng làm cho y hồi tưởng tới hàng nghìn ham muốn, khêu gợi lại những bản năng hay những ký ức mơ hồ. Nàng là người tình của mọi cuốn tiểu thuyết, nhân vật chính của mọi vở kịch, cái nàng mơ hồ của mọi tập thơ. Y lại tìm thấy trên vai nàng màu hổ phách của bức tranh Người cung phi đang tắm[24], nàng có một thân hình thon của những bà chúa lâu đài phong kiến; nàng cũng giống như Người phụ nữ xanh xao xứ Barcelone, nhưng nàng ở trên mọi thiên thần!
[24] Bức tranh của họa sĩ Pháp Ingres (1780-1867).
Thường khi, nhìn nàng, y tưởng như linh hồn mình thoát khỏi thể xác mình bay về phía nàng, tỏa ra như một làn sóng vòng quanh đầu nàng, rồi bị thu hút vào nước da trắng phau của bộ ngực nàng.
Y ngồi xuống đất, trước mặt nàng; và hai khuỷu tay tì lên đầu gối, y ngắm nàng với một nụ cười, đầu óc y căng ra.
Nàng ngả người về phía y và thì thầm như ngạt thở vì say sưa:
– Ồ! Anh đừng động đậy! Đừng nói! Hãy nhìn em đi! Từ đôi mắt anh tỏa ra cái gì êm dịu quá, làm cho em khoan khoái biết mấy!
Nàng gọi y là bé:
– Bé có yêu tôi không?
Và nàng chẳng nghe thấy y trả lời, vì cặp môi y đã gắn lên miệng nàng.
Trên chiếc đồng hồ treo tường, có tượng thần Cupidon[25] nhỏ bằng đồng đen, đang õng ẹo vòng hai cánh tay dưới một tràng hoa lá mạ vàng. Họ cười giễu nó nhiều phen; nhưng khi phải chia tay, mọi sư giả dối đối với họ dường như đều nghiêm trang.
[25] Cupidon: Thần ái tình trong thần thoại La Mã.
Đứng sừng sững trước mặt nhau, họ nhắc lại nhau:
– Đến thứ năm!… Đến thứ năm!
Đột nhiên nàng ôm đầu y vào hai tay, vừa hôn vội lên trán vừa thốt lên: “Vĩnh biệt!” rồi lao xuống thang gác.
Nàng đến phố rạp hát, vào một cửa hàng thợ cạo, sửa sang lại mái tóc. Trời bắt đầu tối; người ta đốt đèn hơi trong cửa hàng.
Nàng nghe thấy tiếng chuông rạp hát gọi đào kép ra biểu diễn; và nàng trông thấy đi qua, trước cửa, những người đàn ông mặt trắng và những người đàn bà vận quần áo tồi tàn đi vào cửa hậu trường.
Không khí nóng trong gian phòng quá thấp này, ở đó lò sưởi kêu vo vo giữa những bộ tóc giả và sáp bôi tóc. Mùi sáp uốn tóc, với những bàn tay vấy sáp đang loay hoay trên đầu nàng, chẳng mấy chốc làm nàng choáng váng, rồi nàng thiu thiu ngủ trong chiếc áo choàng. Nhiều lần anh thợ, trong khi sửa tóc cho nàng, mời nàng mua vé dự cuộc khiêu vũ hóa trang.
Rồi nàng lại ra đi! Nàng đi ngược các phố; nàng đến quán Chữ Thập Đỏ; lấy lại đôi giày guốc mà buổi sáng nàng đã giấu dưới một chiếc ghế dài nhỏ, và nàng ngồi thu lu giữa dám khách đang sốt ruột. Vài người bước xuống chân dốc. Nàng còn lại một mình trong xe.
Ở mỗi chỗ ngoặt, người ta dần dần nhìn thấy tất cả ánh đèn thành phố làm thành một làn hơi rộng lớn sáng chói trên các mái nhà lẫn lộn. Emma quỳ trên đệm ghế, và ngơ ngác nhìn vào đó. Nàng nức nở, gọi Léon, và gửi cho y những lời nồng thắm, và những cái hôn mất hút trong gió.
Ở bên dốc, có một người khốn khổ chống gậy đi lang thang, giữa đám xe cộ. Một mớ áo rách phủ vai gã; và một mũ lông hải ly cũ thủng, khum tròn như cái chậu, che khuất mặt gã, nhưng, khi gã bỏ mũ ra; gã để lộ, ở chỗ mi mắt, hai lỗ mắt sâu hoắm hoàn toàn đẫm máu. Thịt xơ ra thành từng mảng đỏ; và từ đó chảy ra những chất lỏng đóng lại thành đường ghẻ xanh đến tận mũi, mà hai lỗ mũi đen hít vào rần rật. Muốn nói với ai, gã ngả đầu về phía sau và ngốc nghếch cười; bấy giờ, đôi đồng tử của gã, màu lơ nhạt, đảo liên hồi, ngước lên phía thái dương, trên bờ vết thương đỏ loét.
Gã ta vừa hát một bài hát ngắn vừa nhìn theo những chiếc xe:
Thường khi ngày đẹp, trời nồng
Làm cho cô gái mơ mòng tình yêu
Và trong cả phần còn lại, có chim chóc, có mặt trời, có lá cây.
Đôi khi, gã đột nhiên hiện ra, đầu trần, phía sau Emma. Nàng thét lên, rồi rút lui vào trong xe. Hivert đến đùa với gã: Y khuyên gã dựng một túp lều trọ ở chợ phiên Saint-Romain, hay là vừa cười vừa hỏi người yêu của gã có mạnh khỏe không.
Thường thường, xe khởi hành khi cái mũ của gã, do một động tác bất thần, thò vào trong xe qua khung cửa nhỏ, còn gã bám bằng cánh tay kia vào bực lên xuống ở khoảng giữa các bánh xe vấy bùn. Tiếng gã, thoạt tiên yếu ớt và oe oe, rồi thành the thé. Nó kéo dài trong đêm, như tiếng rên la ú ớ của một nỗi thống khổ mơ hồ; và qua tiếng nhạc ngựa, tiếng rì rầm của cây cối và tiếng ầm ầm của hòm xe rỗng, nó có cái gì xa xăm làm Emma kinh hãi. Tiếng ấy lùa vào tận đáy lòng nàng như một cơn lốc trong vực thẳm, và lôi cuốn nàng giữa những khoảng không đượm mối sầu vô hạn. Nhưng Hivert, nhận ra cái gì nặng trĩu một bên xe, vươn roi quất mạnh vào người mù. Đầu roi đập trúng các vết thương của gã, và gã vừa ngã xuống bùn vừa kêu rú lên.
Rồi khách đi chiếc xe Con én cuối cùng đều ngủ cả, người này há hốc miệng, người kia tì cằm lên vai người ngồi bên, hay là luồn cánh tay qua chiếc dây da, người lắc lư đều đều theo xe; và ánh ngọn đèn đu đưa ở bên ngoài, trên mông ngựa, lọt vào trong xe qua nhưng chiếc rèm cửa bằng vải trúc bâu màu sôcôla, đặt giữa bóng đỏ như máu lên trên tất cả những con người bất động ấy. Emma ngao ngán, run lập cập trong bộ quần áo và cảm thấy chân nàng mỗi lúc mỗi lạnh, với cái chết trong tâm hồn.
Charles ở nhà, đang đợi nàng; chiếc xe Con én luôn luôn về muộn vào ngày thứ năm. Cuối cùng, bà cũng đến nơi! Bà có ôm hôn em bé cũng chỉ là hôn gọi là. Bữa ăn chiều chưa làm xong, chẳng can gì! Bà miễn thứ cho người hầu gái. Dường như bây giờ chị ta làm cái gì cũng được hết.
Thường khi chồng nàng, nhận thấy nàng xanh xao, hỏi xem nàng có ốm chút nào không.
– Không, – Emma nói.
– Nhưng, – hắn đáp lại, – tối nay trông em thế nào ấy?
– Ồ! Không sao! Không sao!
Thậm chí, có những ngày vừa về tới nhà, nàng đã lên ngay buồng nàng; và Justin, đang ở đó, khe khẽ bước lại khéo hầu nàng hơn cả một người hầu gái giỏi. Gã đặt bao diêm, cây đèn nến, một quyển sách, sắp chiếc áo chẽn của nàng, mở khăn trải giường ra.
– Thôi, – nàng nói, – tốt lắm, em đi đi!
Vì gã cứ đứng đấy, hai tay buông thõng, và cặp mắt mở to, như bị ràng buộc bởi vô vàn sợi dây của một giấc chiêm bao đột ngột.
Ngày hôm sau thật ghê gớm, những ngày tiếp theo lại càng không chịu nổi, vì nỗi Emma sốt ruột muốn nắm lại cái hạnh phúc của mình, – cái dục vọng thô bạo đang bốc lên rất mạnh bởi những hình ảnh quen thuộc, và đến ngày thứ bảy, nó bùng nổ hết sức khoái trá trong những cái hôn hít của Léon. Còn y, y dã che giấu nhiệt tình của mình qua những bộc lộ của sự kinh ngạc và lòng biết ơn Emma hưởng tình yêu ấy một cách kín đáo và đắm đuối, nàng dùng mọi thủ đoạn giáo hoạt khi âu yếm để giữ gìn nó, và nàng phần nào run sợ một ngày kia nó tiêu tan.
Nhiều lúc nàng nói với y bằng một giọng dịu dàng nhưng não nuột:
– Ôi! Anh sẽ bỏ em, anh!… Anh sẽ lấy vợ!… Anh sẽ như những người khác.
Y hỏi:
– Những người khác là ai?
– Là những người đàn ông, chứ gì nữa, – nàng đáp.
Rồi nàng vừa nói thêm vừa uể oải đẩy y ra:
– Tất cả các anh đều là những người đê tiện.
Một hôm, hai người đang triết lý với nhau về những cảnh vỡ mộng trên đời, nàng đã đi tới chỗ nói (để thực nghiệm lòng ghen tuông của y hay có lẽ chiều theo một nhu cầu thổ lộ tâm sự quá trớn) rằng xưa kia, trước y, nàng đã từng yêu một người. “Không như anh đâu!”, nàng vội nói lại như thế, lấy đời sống đứa con gái của nàng ra để mà thề rằng chẳng có chuyện gì đã xảy ra cả.
Chàng thanh niên tin nàng nhưng vẫn hỏi nàng để biết người ấy làm gì.
– Người ấy là đại tá hải quân, bạn ạ.
Phải chăng nói thế là để ngăn chặn mọi sự tìm tòi, và đồng thời, là để tự đặt mình thật cao vì cái quyến rũ bịa đặt đó sử dụng ảnh hưởng của một người đàn ông bản chất ngổ ngáo và quen được trọng vọng?
Viên luật sư tập sự ngay lúc bấy giờ cảm thấy địa vị thấp kém của mình; y thèm muốn những ngù vai, những huân chương, những danh vị. Tất cả cái đó hẳn được nàng ưa thích: y ngờ ngợ thế qua những thói quen tốn kém của nàng.
Tuy nhiên, Emma thôi không nói đến nhiều cuồng vọng của nàng, như lòng thèm muốn một chiếc xe độc mã màu lam thắng ngựa Anh, do một tiểu đồng đi ủng có viền lật điều khiển, để đưa nàng tới Rouen. Chính Justin đã gợi cho nàng cái ý muốn ấy khi gã ta van nài mượn gã ta về nhà làm bồi buồng; và ở mỗi cuộc hẹn hò, nếu sự thiếu thốn đó không làm giảm bớt cái thú khi đến, thì chắc chắn nó làm tăng nỗi chua cay lúc về.
Lắm phen, khi họ cùng nói với nhau về Paris nàng rốt cuộc lẩm bẩm:
– Ô! Chúng ta được sống ở đó thì hay biết mấy!
– Chúng ta hiện nay chẳng đang sung sướng hay sao? – Chàng trai vừa dịu dàng nói, vừa đưa tay lên vuốt mái tóc nàng.
– Ừ, đúng đấy, – nàng nói, – em điên. Anh ôm hôn em đi!
Đối với chồng, nàng thật dễ thương hơn bao giờ hết, nàng làm kem với trái hồ trăn tử và đánh những điệu nhạc valse sau bữa ăn chiều. Vì vậy, hắn tự thấy mình là kẻ may mắn nhất đời, và Emma sống không lo lắng. Một buổi tối, bất thần hắn hỏi nàng:
– Đúng cô Lempereur đã dạy em học có phải không?
– Vâng.
Charles nói tiếp:
– Này, anh mới gặp cô ta ở nhà bà Liégeard. Anh nói với cô ta về em: cô ta không biết em.
Thật như một tiếng sét. Thế nhưng nàng vẫn đáp bằng một vẻ tự nhiên:
– À chắc hẳn là cô ta quên mất tên em.
– Hay có lẽ ở Rouen, – viên thầy thuốc nói, – có nhiều cô Lempereur là cô giáo dạy đàn pianô?
– Có thể!
Rồi nàng hăm hở nói thêm:
– Thế mà em có biên lai của cô ta đây này! Anh xem đi.
Và nàng ra bàn giấy, lục lọi tất cả các ngăn kéo, làm lẫn giấy này vào giấy nọ, và cuối cùng ra vẻ mất tinh thần đến nỗi Charles khuyên mãi nàng chẳng nên làm khổ mình đến thế vì những tờ biên lai khốn kiếp kia.
– Ờ! Rồi em sẽ tìm thấy các biên lai ấy, – nàng nói.
Quả nhiên, ngay ngày thứ sáu sau, Charles khi xỏ chân vào một chiếc bốt để trong buồng tối là nơi cất các áo của hắn, cảm thấy có một tờ giấy vướng giữa lần da ủng và bít tất, hắn cầm lấy đọc:
“Nhận số tiền sáu mươi quan về ba tháng học và những thứ cung cấp lặt vặt, FELICIE LEMPEREUR, giáo sư âm nhạc”.
– Quái sao lại ở trong bốt của anh?
– Chắc hẳn là, – nàng đáp, – nó rơi từ trên cái bìa cũ đựng hóa đơn bên rìa tấm ván.
Từ lúc ấy, cuộc sống của nàng chỉ còn là một mớ dối trá, trong đó, như trong chiếc khăn trùm, nàng che giấu thật kín tình yêu của nàng.
Đó là một nhu cầu, một chứng nghiện, một thú vui, đến mức, nếu nàng muốn nói hôm qua nàng đã qua dãy bên phải một phố, thì phải tin rằng nàng đã đi dãy bên trái của phố ấy.
Một buổi sáng, nàng vừa đi khỏi, theo thường lệ, ăn mặc khá nhẹ nhàng, thì trời bỗng đổ tuyết; và vì Charles nhìn thời tiết qua cửa sổ, hắn thấy ông Bournisien ngồi trong chiếc xe ngựa của ông Tuvache đưa ông ta đi Rouen. Hắn liền xuống giao cho ông thầy tu một chiếc khăn san lớn để ông ta chuyển cho bà ngay khi ông ta tới khách sạn Chữ Thập Đỏ. Vừa đến nơi, ông Bournisien đã hỏi vợ viên thầy thuốc hạt Yonville ở đâu. Mụ chủ khách sạn đáp bà ta rất ít qua lại cửa hàng mụ. Cho nên chiều hôm đó, khi nhận ra bà Bovary trong chiếc xe Con én, ông linh mục liền kể cho bà ta biết sự bối rối của ông ta nhưng chẳng tỏ ra quan tâm đến việc đó; vì ông ta chuyển sang việc ca ngợi một nhà truyền đạo khi ấy đang đạt được những kết quả đáng chú ý ở nhà thờ lớn và tất cả các bà đổ xô đến để nghe.
Không hề gì, nếu ông ta đã chẳng hỏi cho ra nhẽ, thì sau này, những người khác có thể tỏ ra ít kín đáo hơn. Cho nên nàng xét thấy mỗi lần xuống xe nên vào khách sạn Chữ Thập Đỏ để cho những người dân lương thiện và tốt bụng ở trong làng, thấy nàng trên cầu thang, sẽ không nghi ngờ gì hết.
Thế nhưng một hôm, Lheureux gặp nàng ở khách sạn Boulogne ra, có Léon khoác tay; và nàng đâm sợ, tưởng chừng y sẽ bép xép. Y chẳng ngốc thế đâu.
Nhưng, ba hôm sau, y vào buồng nàng, đóng cửa lại và nói:
-Tôi cần đến tiền.
Nàng tuyên bố không thể đưa cho y được. Y liền than vãn om sòm, và nhắc lại mọi chuyện mà y đã đối xử với nàng một cách niềm nở và chu đáo.
Quả thật trong hai giấy nợ mà Charles ký nhận; Emma, cho tới nay, chỉ mới thanh toán được một. Còn cái giây thứ nhì, tay lái buôn theo lời yêu cầu của nàng, đã thỏa thuận thay nó bằng hai cái khác, thậm chí y còn gia hạn hai cái này được trao đổi trả trong một thời gian rất dài. Rồi y rút từ túi ra một bản kê những hàng giao chưa trả tiền như rèm che cửa, thảm trải đất, vải bọc ghế tựa, nhiều áo dài và các đổ trang điểm lặt vặt, mà giá trị lên tới số tiền khoảng hai ngàn quan.
Nàng cúi đầu, y lại nói:
– Nhưng, nếu bà không có tiền mặt, thì bà đã có tài sản. Và y dẫn ra một túp lều tồi tàn ở Bácnơvin, gần Ôman, chẳng sinh lợi được là bao. Cái ấy xưa phụ thuộc vào một trang trại nhỏ, ông Bovary bố đã bán đi vì Lheureux biết hết mọi thứ, cả tới diện tích bằng hécta, với tên những người hàng xóm.
– Tôi, vào địa vị bà, – y nói, – tôi bán quách nó đi để trà nợ cho rảnh, mà tôi vẫn còn thừa tiền.
Nàng cãi là khó có người mua; y tỏ hy vọng sẽ tìm được người mua; nhưng nàng hỏi làm thế nào để nàng có thể bán được.
– Bà chẳng có giấy ủy quyền đấy ư? – Y đáp.
– Ông để lại cho tôi bản ghi nợ! – Emma nói.
– Ô, chẳng cần! – Lheureux trả lời.
Tuần sau, y lại đến và khoe rằng sau khi ra sức chạy vạy đã tìm ra được một ông Langlois nào dó, từ lâu vẫn dòm ngó ngôi nhà ấy mà không biết định trả bao nhiêu.
– Giá cả chẳng quản, – nàng thốt lên.
Trái lại, phải đợi thăm dò người có hứng mua nhà kia. Việc đó đòi hỏi một chuyến đi, và vì nàng không thể đi được, y sẵn lòng đến tận nơi để hội đàm với Langlois. Khi trở về, y cho biết người mua đặt giá bốn ngàn quan.
Nghe tin ấy, Emma tươi hẳn lên.
– Nói thực, – y nói thêm, – thế là được giá.
Emma lĩnh ngay nửa số tiền ấy, và khi nàng tính chuyện thanh toán món nợ đã ghi, tay lái buôn liền bảo nàng:
– Lấy danh dự mà nói, tôi thật khổ tâm trông thấy bà ngay một lúc bỏ ra một số tiền quan trọng như thế.
Bây giờ nàng mới nhìn các tờ giấy bạc; và mơ màng không biết bao nhiêu cuộc hẹn hò hình dung trong hai ngàn quan kia, nàng líu ríu:
– Thế nào! Thế nào!
– Ô! – Y vừa hóm hỉnh cười vừa nói – Người ta muốn ghi lên hóa đơn tất cả những gì mà chẳng được. Tôi không biết các công việc nội trợ hay sao?
Và y nhìn nàng chòng chọc, tay vẫn cầm hai tờ giấy dài mà y dúi qua các móng tay. Cuối cùng y mở ví, y đặt trên bàn bốn tờ phiếu hạn kỳ, mỗi tờ một ngàn quan.
– Bà ký cho tôi những cái này, – y nói, – rồi bà giữ lấy tất.
Nàng tức giận kêu lên.
– Nhưng, nếu tôi đưa cho bà chỗ tiền thừa, – Lheureux tráo trở đáp lại, – thì chẳng phải tôi đã giúp bà hay sao?
Và y cầm bút viết ở cuối bản hóa đơn thanh toán: “Đã nhận của bà Bovary bốn ngàn quan”.
– Có gì mà bà la, vì sáu tháng nữa bà sẽ lĩnh số tiền nhà người ta còn thiếu của bà, và tôi đã ghi hạn cuối cùng để thanh toán phiếu nợ của tôi là sau khi người ta trả bà số tiền ấy?
Emma có phần lúng túng về những con tính của y và lỗ tai nàng cứ vù vù như thể những đồng tiền vàng từ đáy túi lọt ra ngoài vang lên, trên sàn nhà, quanh nàng.
Sau cùng Lheureux giải thích rằng y có một người ban thân tên là Vinçart, chủ ngân hàng ở Rouen, anh ta sẽ chiết khấu bốn cái phiếu đó, rồi y tự tay mình sẽ trao ba món tiền thừa so với số nợ thực sự.
Nhưng, đáng lẽ y phải đem lại hai ngàn quan thì y lại chỉ mang một ngàn tám trăm, vì anh bạn Vinçart (theo lẽ công bằng) đã lấy trước hai trăm làm tiền trả hoa hồng và lãi chiết khâu.
Rồi hắn hững hờ đòi một giấy biên nhận.
– Bà hiểu cho…, trong nghề buôn bán…, có khi… Và xin bà ghi thêm ngày tháng vào cho.
Một chân trời đầy những thú vui theo sở thích có thể thực hiện được liền mở ra trước Emma. Nàng cũng đủ khôn ngoan để dành một ngàn đồng tiền vàng để trả ba phiếu nợ đầu khi hết hạn; nhưng phiếu nợ thứ tư, tình cờ rơi vào trong nhà, một ngày thứ năm, và Charles choáng váng, đành dằn lòng đợi vợ về để được giải thích.
Nếu nàng đã không cho hắn biết gì về phiếu nợ ấy, là để tránh cho hắn những mối lo nghĩ về việc nhà; nàng ngồi vào lòng hắn, vuốt ve hắn, thủ thỉ với hắn, kể ra một thôi dài tất cả những gì cần thiết phải mua chịu.
Rút cục, hắn cũng thừa nhận rằng nhiều món như thế cũng chẳng phải là quá đắt.
Charles hết lẽ, chẳng bao lâu lại phải nhờ đến Lheureux muôn thủa. Y cam đoan sẽ thu xếp ổn thỏa mọi chuyện, nếu ông ký cho hắn hai phiếu nợ, mỗi phiếu bảy trăm quan, hạn trả trong vòng ba tháng. Để đối phó với tình hình, hắn viết cho mẹ một bức thư rất bi ai. Không gửi thư trả lời, bà cụ đích thân đến, và khi Emma muốn biết hắn có rút được ở bà cụ ra cái gì không, thì hắn đáp:
– Có. Nhưng bà cụ hỏi xem hóa đơn.
Ngày hôm sau, mới mờ sáng, Emma đã chạy đến nhà Lheureux yêu cầu y làm lại một bản ghi hàng khác không quá một ngàn quan; vì muốn đưa ra bản ghi bốn ngàn quan, phải nói rằng nàng đã trả được hai phần ba rồi, như thế là phải thú thực việc bán ngôi nhà kia, việc này đã được tay lái buôn điều khiển khéo léo và chỉ mãi sau này mới được biết thực sự.
Mặc dầu giá mỗi mặt hàng rất hạ, bà Bovary mẹ vẫn chẳng quên nhận thấy sự chi tiêu quá đáng.
– Không thể bỏ qua được tấm thảm đi hay sao? Tại sao phải thay vải lót ghế bành? Thời tôi, trong nhà chỉ có độc một chiếc ghế dành cho những người già cả – ít ra thì cũng là như thế ở nhà mẹ tôi, mà bà cụ là một người đàn bà lịch sự, tôi cam đoan với anh chị như vậy – Thiên hạ không phải ai cũng có thể giàu có được! Chẳng có gia sản nào đứng vững được trước sự phí phạm! Lười chảy thây như anh chị thì tôi lấy làm xấu hổ! Vậy mà tôi, tôi đã già rồi, tôi cần được chăm chút… Hãy nhìn kia kìa! Thực là lắm đồ trang sức cầu kỳ, những thứ khoe mẽ lòe loẹt! Thế nào! Lấy lụa giá hai quan để lót áo!… Trong khi chỉ vải mỏng mười xu, thậm chí tám xu, cũng hoàn toàn được việc!
Emma, ngả người trên ghế trường kỷ, đáp lại hết sức bình tĩnh:
– Kìa! Thưa bà, đủ rồi! Đủ rồi!
Bà cụ cứ tiếp tục mắng nàng, tiên đoán hai vợ chồng nàng rút cục sẽ kết liễu đời họ ở nhà thương, vả chăng đó là lỗi của Bovary. Cũng may mà nó đã hứa hủy bỏ cái giấy ủy quyền kia…
– Thế nào?
– À! Nó đã thề với tôi như thế, – bà cụ nói tiếp.
Emna mở cửa sổ gọi Charles, và tội nghiệp cho hắn, hắn buộc phải thú nhận cái lời mẹ hắn bắt hắn nói ra.
Emma chạy vội ra ngoài, rồi nhanh chóng trở vào chìa ra đàng hoàng một tờ giấy to.
– Cảm ơn chị, – bà cụ nói.
Và bà cụ ném vào lửa tờ giấy ủy quyền. Emma phá lên cười, một tiếng cười chói tai, the thé, liên tục; nàng bị động kinh.
– Ôi! Trời! – Charles kêu thét lên. – Thế này thì mẹ cũng trái rồi, mẹ! Mẹ đến để gây chuyện với cô ấy!…
Bà cụ, nhún vai, nói “tất cả những cái ấy đều là điệu bộ”.
Nhưng Charles, lần đầu tiên phát tức, bênh vợ, đến nỗi bà Bovary mẹ muốn bỏ đi. Bà cụ đi ngay ngày hôm sau, và khi ra đến ngưỡng cửa, vì hắn cố giữ bà cụ lại, bà cụ đáp:
– Không, không! Anh yêu cô ấy hơn tôi, mà như thế là phải, là đúng, vả lại, mặc anh! Rồi anh sẽ biết!… Chúc anh khỏe!… Vì tôi chẳng ở gần, như anh nói, để gây chuyện với cô ấy đâu.
Charles không vì đó mà kém thẹn thùng đối với Emma, vì nàng chẳng giấu nổi tức bực của nàng về chuyện hắn đã thiếu tin cậy nàng; hắn phải khẩn cầu mãi nàng mới bằng lòng nhận lại tờ giấy ủy quyền của hắn, thậm chí hắn còn đi cùng với nàng đến ông Guillaumin để làm cho nàng một tờ thứ hai, hoàn toàn y như tờ trước.
– Tôi hiểu điều đó, – viên quản lý văn khế nói, – một nhà khoa học không thể lúng túng trước một chi tiết thực tiễn của cuộc sống.
Và Charles cảm thấy nhẹ lòng vì lời nói xiểm nịnh ấy, nó khoác cho cái tính nhu nhược của hắn những đẹp dối trá bên ngoài của một mối bận tâm cao cả.
Nàng sống phóng đãng biết bao, lúc ở trong buồng cùng với Léon, vào ngày thứ năm sau, tại khách sạn! Nàng cười, khóc, hát, nhảy, gọi mang kem nước pha rượu lên, muốn hút thuốc lá, y thấy nàng dường như điên cuồng, nhưng đáng yêu và đẹp quá.
Y không biết được sự phản ứng nào ở cả con người nàng ngày càng thúc đẩy nàng lao vào những lạc thú của cuộc đời. Nàng trở nên cáu kỉnh, tham lam và dâm dật; và nàng đi chơi với y ngoài phố ngang nhiên, chẳng sợ hại đến thanh danh của mình như nàng nói. Tuy nhiên lắm khi Emma giật mình khi đột ngột nghĩ đến gặp Rodolphe; vì nàng thấy rằng dẫu cả hai người đã xa cách nhau hẳn, nàng vẫn chưa thoát khỏi sự lệ thuộc vào chàng trai ấy.
Một buổi tối, nàng không về Yonville, Charles luống cuống, và con bé Berthe, không muốn ngủ xa mẹ, khóc nức nở đến vỡ ngực. Justin đi tìm hú họa trên đường cái. Ông Homais cũng đã vì nó rời bỏ hiệu thuốc của mình.
Cuối cùng, đến mười một giờ, không chịu được nữa, Charles đóng ngựa vào chiếc xe con của mình, nhảy lên quất ngựa; hắn tới quán Chữ Thập Đỏ vào khoảng hai giờ sáng. Không thấy ai. Hắn nghĩ rằng viên luật sư tập sự có lẽ đã gặp nàng; nhưng y ở đâu? Charles, may mắn, nhớ ra địa chỉ của ông chủ y. Hắn chạy lại đấy.
Trời bắt đầu sáng. Hắn nhận ra tấm biển ghi ngạch bậc ở trên một cái cửa; hắn gõ cửa. Có ai đấy, không mở cửa, vừa thét bảo hắn cái địa chỉ hắn hỏi, vừa chửi lấy chửi để những kẻ quấy rầy thiên hạ vào ban đêm.
Nhà ở của viên luật sư tập sự không có chuông, không có vồ gõ cửa, không có người gác cửa. Charles đấm mạnh vào mái hiên. Một viên cảnh sát chợt đi qua; thế là hắn sợ và bỏ đi thẳng.
“Mình điên thật, hắn thầm nghĩ; chắc ông Lormeaux giữ nàng lại ăn bữa cơm chiều.”
Gia đình Lormeaux không còn ở Rouen nữa.
– Có lẽ nàng ở lại để chăm nom bà Dubreuil. À! Bà Dubreuil mất từ mười tháng nay!… Vậy ở đâu?
Hắn nảy ra một ý kiến. Hắn vào một tiệm cà phê hỏi mượn quyển danh bạ điện thoại và tìm nhanh tên cô Lempereur ở nhà số 74 phố Renelle-des-Maroquiniers.
Hắn vừa bước vào phố ấy thì bản thân Emma hiện ra ở đầu bên kia; hắn vừa nhảy xô vào nàng, chứ không phải là ôm hôn nàng, vừa kêu lên:
– Ai giữ em, hôm qua?
– Em ốm.
– Ốm về bệnh gì?… Ở đâu?… Thế nào…
Nàng đưa tay lên trán và đáp:
– Ở nhà cô Lempereur.
– Anh chắc thế mà! Anh đi đến đó.
– Ờ! Chẳng phải vạ, – Emma nói. – Cô ta vừa đi khỏi nhà, nhưng từ nay về sau, anh cần bình tĩnh. Em không được tự do, anh hiểu chứ, nếu em biết chỉ về muộn một chút là anh đã hoảng lên như thế này.
Đó là một cách nàng tự cho phép mình để khỏi bận tâm trong những cuộc sổng nhà đi chơi của nàng. Cho nên nàng đã tùy tiện lợi dụng nó một cách rộng rãi. Khi nàng muốn gặp Léon, nàng đi với bất kỳ cớ gì, và vì y không đợi nàng hôm ấy, nàng đến tận phòng làm việc của y tìm y.
Những lần đầu tiên thật là một niềm hạnh phúc lớn. Nhưng chẳng bao lâu, y không giấu giếm sự thật nữa, đó là: ông chủ y phàn nàn rất nhiều về những sự quấy nhiễu ấy.
– Quái lạ! Vậy thì anh đi đi, – nàng nói.
Thế là y chuồn.
Nàng muốn y mặc toàn đồ đen và để một nhúm râu ở cằm giống như chân dung của vua Louis XIII. Nàng muốn biết nơi y ở, nàng thấy nó tầm thường; y thẹn đỏ mặt, nàng không chú ý, rồi khuyên y mua những rèm che cửa như của nàng, và vì thấy y kêu tốn, nàng vừa nói vừa cười:
– À! À! Anh trọng mấy đồng tiền vàng nhỏ của anh à!
Mỗi lần Léon phải kể cho nàng nghe y đã làm những gì từ cuộc hẹn hò trước. Nàng đòi làm thơ, thơ tặng nàng, một bài thơ tình ca tụng nàng; chẳng bao giờ y có thể tìm được vần cho câu thứ hai, thế là y đành phải chép một bài xon-nê[26] trong một quyển sách ảnh.
[26] Xon-ne (sonnet): một thể thơ ngắn có bốn đoạn, gồm mười bốn câu.
Việc làm đó chẳng phải vì khoe khoang mà vì mục đích chiều lòng nàng. Y không bàn luận về các ý kiến của nàng; y chấp nhận tất cả mọi sở thích của nàng; y trở nên người tình của nàng thì đúng hơn nàng là người tình của y. Nàng có những lời nói dịu dàng với những cái hôn lôi cuốn tâm hồn y. Nàng đã học được ở đâu cái thói đồi bại ấy, nó hầu như vô hình vì nó sâu xa và lẩn kín?
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.