Bà Bovary

Chương 12



Họ lại yêu nhau. Thậm chí nhiều lúc, ngay giữa ban ngày, Emma đột nhiên viết thư cho y; rồi, qua tấm cửa kính, nàng ra hiệu cho Justin, chú này, tháo nhanh chiếc khăn vải lau, bay ngay đến la Huchette: Rodolphe đến; chả là nàng nhắn bảo y nàng buồn nản, chồng nàng đáng ghét và cuộc sống thực là ghê gớm.

– Thì anh làm gì được chuyện đó cơ chứ? – Y thốt lên một cách bực dọc.

– À! Nếu anh muốn!…

Nàng ngồi trên mặt đất, khoảng giữa hai đầu gối y, mái tóc tung ra, mắt nhìn thất lạc:

– Vậy là thế nào? – Rodolphe nói.

Nàng thở dài:

– Chúng ta sẽ đi sống ở nơi khác…, nơi nào đó…

– Em điên rồi, thực đấy! – Y vừa cười vừa nói. – Có thể thế được ư?

Nàng trở lại chuyện ấy, y ra vẻ không hiểu và lảng sang chuyện khác. Cái mà y không hiểu, đó là tất cả sự bối rối này trong một việc đơn giản như tình yêu. Nàng có một duyên cớ, một lý do, và cái gì như một trợ lực cho lòng quyến luyến của nàng.

Mà thực ra, tình yêu của nàng mỗi ngày mỗi tăng do nàng ghét bỏ chồng. Nàng càng buông thả mình cho kẻ nọ thì nàng càng ghét cay ghét đắng người kia. Khi hai vợ chồng sống bên nhau, không bao giờ nàng lại thấy Charles khả ố đến thế, kể từ sau những ngày gặp gỡ Rodolphe. Thế là nàng vừa đóng vai trò người vợ và người đức hạnh, nàng vừa hứng tình nghĩ tới mái đầu kia với bộ tóc đen uốn quăn, xõa xuống vầng trán rám nắng, tới cái thân hình vừa cường tráng vừa thanh nhã đến thế, nói tóm lại, nghĩ tới con người kia lịch duyệt biết mấy, ham muốn mãnh liệt đến mấy! Chính vì y mà nàng đã mài dũa móng tay một cách cẩn thận như người thợ chạm, mà chẳng bao giờ nàng cho là đủ chất kem trên da dẻ nàng, đủ chất nước hoa hắc hương trong khăn tay nàng. Nàng đeo vào người nào xuyến, nào nhẫn, nào vòng. Khi biết y sẽ đến, nàng cắm đầy hoa hồng trong hai chiếc bình lớn bằng thủy tinh màu xanh lơ và sắp đặt gian phòng nàng và con người nàng như một ả kỹ nữ đón chờ một hoàng tử. Người hầu gái phải luôn tay giặt giũ áo quần của nàng, và suốt ngày Félicité không rời nhà bếp, nơi đó là gã Justin, thường đánh bạn với chị ta, trông chị ta làm việc.

Tì tay trên tấm ván dài mà chị ta là quần áo, gã hau háu nhìn tất cả những bộ đồ phụ nữ đặt quanh gã ta: váy ngắn bằng vải chéo, khăn trùm đầu, khăn choàng cổ và những quần dải rút rộng hông và thon dưới.

– Cái này dùng làm gì? – Chàng trai vừa hỏi vừa sờ tay vào chiếc váy vải lông hay vào những móc gài.

– Thế chú chưa trông thấy bao giờ à? – Félicité vừa cười vừa đáp lại! – Làm như bà Homais, chủ chú, không mặc những đồ này ấy.

– À! Đúng quá! Bà Homais!

Rồi gã ta nói thêm bằng một giọng trầm ngâm:

– Có phải bà ta là một bà như bà nhà đây.

Nhưng Félicité sốt ruột thấy gã ta cứ sán chung quanh mình như thế. Chị ta hơn gã sáu tuổi, và Théodore, người ở của ông Guillaumin, đang bắt đầu tán tỉnh chị ta.

– Để tôi yên! – Chị ta vừa nói vừa cầm lọ hồ bột mang đi chỗ khác. – Chú đi giã hạnh nhân đi thì hơn; chú bao giờ cũng cứ quấy rầy đàn bà; ông tướng con ơi, hãy chờ cho có râu ở cằm rồi hẵng dính đến chuyện ấy.

– Nào, chị đừng giận, tôi đi đánh giày của bà ấy hộ chị đây. – Và gã ta liền với tay lên trên khung lò sưởi lấy đôi giày của Emma có bùn bám đầy – chất bùn của những cuộc hẹn hò – bong ra thành bụi dưới ngón tay gã ta và gã ta nhìn nó bay lên nhẹ nhàng trong tia nắng.

– Chú sợ làm hỏng giày đến thế kia ư! – Người hầu gái nói vậy vì chị ta khi lau giày chẳng thận trọng giữ gìn đến thế, vì hễ giày cũ đi một tí là bà chủ cho chị ta liền.

Emma có lắm giày ở trong tủ, nàng hoang phí dần dần, mà Charles chẳng bao giờ có một nhận xét nhỏ.

Cũng vì thế hắn đã phải bỏ ra ba trăm quan để mua một cái chân gỗ mà chị ta nhận xét nên làm quà cho Hippolyte.

Cái chân bằng gỗ được gắn bằng li-e, và các khớp có lò xo, một bộ máy phức tạp phủ bên ngoài bởi chiếc quần đen, dưới cùng là một chiếc bốt láng bóng, nhưng Hippolyte, chẳng dám hằng ngày dùng cái chân đẹp đến thế, anh xin bà Bovary cấp cho anh ta một cái chân khác tiện dụng hơn. Tất nhiên, người thầy thuốc lại phải bỏ tiền ra mua thêm cái nữa.

Thế là anh coi chuồng ngựa dần dần trở lại nghề mình. Người ta thấy hắn, như xưa, chạy khắp làng, và khi Charles, từ xa nghe tiếng lốc cốc của cái gậy của anh ta, liền rẽ sang đường khác.

Chính Lheureux, tay nhà buôn, đã được giao đặt cái chân này, việc đó khiến y có dịp giao thiệp với Emma. Y nói chuyện với nàng về những hàng mới bày bán ở Paris, hàng ngàn thứ lạ chuyên dùng cho phụ nữ, y tỏ ra rất ân cần và không hề đòi tiền bao giờ. Emma mài miết trong sự dễ dàng được thỏa mãn mọi thị hiếu của mình. Do đó, muốn tặng Rodolphe, nàng muốn có một cái roi ngựa rất đẹp bán ở Rouen trong một cửa hàng bán ô. Lheureux, ngay tuần sau, đã đặt cái roi ấy bên chiếc bàn của nàng.

Nhưng, ngay hôm sau, y đã đến nhà nàng với một tờ hóa đơn hai trăm bảy mươi quan không kể tiền lẻ. Emma hết sức bối rối: mọi ngăn kéo bàn giấy đều rỗng cả; nàng còn nợ hơn mười lăm ngày công của Lestiboudois, hai quý lương của người hầu gái, lắm món khác nữa, và Bovary đang chờ sốt ruột số tiền mà ông Derozerays, hằng năm, quen trả nợ hắn vào ngày lễ thánh Pierre.

Thoạt đầu, Emma còn đuổi khéo được Lheureux; cuối cùng, y đã mất bình tĩnh: y đang bị truy tố, vốn liếng của y đã hết sạch, và, nếu y không thu thập lại được ít nhiều, buộc phải lấy lại tất cả các thứ nàng này nắm trong tay.

– Này! Ông cứ lấy lại! – Emma nói.

– Ồ! Nói chơi vậy thôi! – Y đáp, – Tôi chỉ tiếc có chiếc roi ngựa thôi. Tất nhiên, tôi sẽ hỏi xin lại ông nhà.

– Không nên! Không nên! – Nàng thốt lên.

“À! Ta nắm được thóp mi rồi!” Lheureux nghĩ thầm.

Và, tin chắc ở điều mình đã phát hiện, y vừa bước ra vừa lẩm bẩm nhắc lại với tiếng rít khe khẽ theo thói quen của ông ta: “Được! Ta sẽ liệu! Ta sẽ liệu!”

Nàng đang suy nghĩ miên man đến cách thoát khỏi chuyện đó thì người hầu gái bước vào đặt trên lò sưởi một cuộn giấy xanh nhỏ của ông Derozerays gửi đến. Emma nhảy chồm tới mở ra. Trong cuốn giấy có mười lăm đồng tiền vàng. Đó là khoản tiềng ông ta trả nợ. Nàng nghe thấy Charles bước trên thang; nàng ném vội số tiền vàng vào đáy ngăn kéo và giữ lấy chìa khóa.

Ba hôm sau, Lheureux lại đến.

– Tôi có một cách dàn xếp muốn thưa với bà; nếu, thay vào món tiền đã thỏa thuận, bà muốn lấy…

– Tiền đây!– Nàng vừa nói vừa đặt vào tay hắn mười bốn đồng tiền vàng.

Tay nhà buôn kinh ngạc. Thế là để che đậy nỗi thất vọng của mình, y luôn mồm xin lỗi và xin sẵn sàng phục vụ Emma nhưng nàng đều từ chối; rồi nàng ngồi thế vài phút, tay nắm trong túi tạp dề hai đồng trăm xu mà y vừa trả lại. Nàng thầm hẹn sẽ tiết kiệm để trả sau…

– Ôi chao! – Nàng thầm nghĩ, hắn chẳng nhớ đến nữa đâu.

Ngoài cái roi ngựa có núm bằng bạc mạ vàng, Rodolphe đã nhận được một con dấu ghi câu châm ngôn Amor nel Cor[16], hơn nữa, một khăn quàng cổ để làm khăn che mũi, và sau hết, một hộp đựng thuốc lá giống hoàn toàn như cái hộp của tay tử tước mà xưa kia Charles đã nhặt được trên đường và Emma vẫn giữ. Nhưng những quà tặng ấy làm y ngượng. Y từ chối nhiều món. Nàng nài ép, và thấy nàng độc đoán và quá lấn tới, Rodolphe cuối cùng đã phải nghe theo.

[16] Amor nel Cor: Tình yêu trong trái tim.

Rồi nàng còn có những ý lạ lùng:

– Khi đúng nửa đêm, – nàng nói, – anh nghĩ tới em!

Và, nếu y thú thực không nghĩ tới, thì nàng trách móc lắm điều, và, bao giờ cũng kết thúc bằng lời nói muôn thuở:

– Anh có yêu em không?

– Có chứ, anh yêu em! – Y đáp.

– Nhiều chứ?

– Hẳn thế!

– Anh không yêu người khác chứ?

– Em tưởng anh còn trai tân khi em chiếm được anh ư? – Y vừa nói vừa cười.

Emma khóc, và y cố dỗ dành nàng, tô điểm những nguyện thề của y bằng những lời bỡn cợt.

– Ôi! Đó là vì em yêu anh! – Nàng lại nói – Em yêu anh đến không thể không có anh được, anh biết rõ chứ? Đôi khi, vào lúc những nỗi hờn giận của tình yêu xé nát lòng em, em những muốn gặp lại anh. Em tự hỏi: “Anh ấy hiện đang ở đâu? Có lẽ anh ấy đang nói chuyện với những người đàn bà khác? Họ mỉm cười với anh ấy, anh ấy tiến gần họ…”. Ô! Không đâu, phải không anh, chẳng người nào được anh ưa? Có những người đẹp hơn em; nhưng em, em biết yêu hơn họ! Em là người, người tôi tớ của anh và là người vợ lẽ của anh! Anh là ông hoàng của em, vị thần của em! Anh tốt! Anh đẹp! Anh thông minh! Anh khỏe mạnh!

Y từng nghe những lời nói ấy nhiều lần đến nỗi chúng chẳng có gì là độc đáo đối với y cả. Emma giống như mọi tình nhân; và cái hứng thú của sự mới mẻ, dần dần rơi xuống quần áo, để lộ hiển nhiên cái tẻ nhạt muôn thưở của tình yêu vẫn mãi mãi qua những hình thái ấy và những ngôn ngữ ấy. Con người đầy thực tiễn như y, y không phân biệt sự khác nhau của những tình cảm biểu hiện giống nhau. Do đó, y chỉ tin gọi vào những lời nói chân thành kia vì y đã từng nghe thủ thỉ những lời nói tương tự từ những cặp môi của những con người dâm đãng hoặc của những cô gái làm tiền; người ta phải hạ thấp cái giá trị của những lời nói như thế xuống, y nghĩ vậy, vì những lời nói quá quắt che đậy những tình yêu tầm thường: dường như một tâm hồn trọn vẹn chẳng khi nào lại phải tiết ra ngoài bằng những ẩn dụ trống rỗng nhất bởi lẽ không ai, bao giờ, lại có thể bày tỏ được cái mức độ chính xác của những nhu cầu của mình, của những quan niệm của mình, của những đau đớn của mình, bởi lẽ lời nói của con người chẳng khác gì một cái chảo rạn mà ở đấy chúng ta khua lên những giai điệu khiến những con gấu phải nhảy múa, khi người ta chỉ muốn làm mủi lòng các vì sao.

Nhưng, với cái đầu óc phán đoán sành sỏi của con người, trong bất kỳ hẹn thế nào, cũng đứng đằng sau, Rodolphe nhận ra ở mối tình yêu này nhiều lạc thú khác để mà khai thác. Y xét mọi sự e ngại là bất lợi. Y đối xử với nàng chẳng kiểu cách gì. Y biến nàng thành cái gì mềm dẻo và đồi bại. Đây là một thứ ràng buộc ngu muội đầy thán phục đối với y, đầy khoái lạc đối với nàng, một thứ hạnh phúc hoàn toàn làm cho nàng ngây dại; và tâm hồn nàng chìm ngập trong tình trạng mê say ấy, đắm đuối trong đó, rồi teo đi như công tước Clarence[17] trong thùng rượu nho của ông ta.

[17] Clarence: người nước Anh (1449-1478), vì mưu hại anh là nhà vua Edouart IV đã xin chết trong thùng rượu nho của mình khi bị trừng trị.

Chỉ do hậu quả của thói trăng hoa, bà Bovary đã đổi thay dáng điệu. Những cái nhìn của nàng hóa ra táo bạo hơn, cách nói năng của nàng trở nên tự do hơn, thậm chí miệng ngậm thuốc lá, nàng nhâng nháo dạo phố với Rodolphe, như để ngạo đời. Rút cục, những ai trước kia còn hoài nghi thì bây giờ chẳng còn ngờ vực gì nữa, khi thấy nàng, một hôm, từ chiếc xe Con én bước xuống, bó mình trong một chiếc áo gilê kiểu đàn ông. Và bà Bovary mẹ, sau một trận cãi nhau ghê gớm với chồng, đã lánh sang nhà con trai; bà chẳng phải là người dân thành thị ít va chạm nhất. Còn lắm chuyện chẳng vừa ý bà: Trước hết Charles đã không nghe lời bà cấm vợ đọc tiểu thuyết; rồi đến cái cung cách sống trong nhà làm bà không thích thú; bà tự tiện nhận xét điều này điều nọ, và mẹ con giận nhau, nhất là một lần, vì chuyện Félicité.

Bà Bovary mẹ, tối hôm trước, khi đi qua hành lang, đã bắt gặp Félicité đứng với một người đàn ông, một người đàn ông có bộ râu màu nâu, khoảng bốn mươi tuổi, nghe thấy tiếng chân bà, đã vội bỏ chạy ra khỏi nhà bếp. Đương lúc ấy, Emma phá lên cười; nhưng bà mẹ nổi nóng lên, tuyên bố rằng, trừ khi bất chấp luân thường đạo lý, người ta phải trông coi cách ăn ở của kẻ hầu người hạ trong nhà.

– Bà ở cái xã hội nào thế? – Cô nàng dâu nói, với một cái nhìn xấc xược, đến nỗi bà Bovary mẹ hỏi nàng phải chăng nàng đã bênh vực cho chính bản thân mình.

– Bà ra khỏi nhà tôi ngay! – Người thiếu phụ chồm lên nói.

– Emma!… Mẹ!… – Charles kêu lên để giải hòa họ.

Nhưng cả hai, trong cơn tức giận, đã bỏ chạy. Emma vừa dậm chân vừa láy đi láy lại:

– Ôi! Lịch sự thế! Đồ nhà quê!

Charles chạy lại phía mẹ. Nổi giận, bà mẹ lắp bắp:

– Đồ hỗn! Đồ điên! Có lẽ tệ hơn thế nữa!

Và bà mẹ muốn đi ngay, nếu kẻ kia không đến xin lỗi bà ta. Charles quay lại phía vợ và nài xin nàng nhượng bộ: hắn quỳ xuống; cuối cùng nàng đáp:

– Được! Tôi đi xin lỗi.

Quả nhiên, nàng vừa chìa tay ra trước mẹ chồng với cái vẻ nghiêm trang của một mệnh phụ vừa nói:

– Thưa bà, bà miễn thứ cho tôi.

Rồi, trở lên buồng mình, Emma gieo mình nằm sấp hẳn xuống giường, rồi đâm chúi vào gối, khóc như một đứa trẻ con.

Nàng và Rodolphe đã hẹn định với nhau là trong trường hợp có chuyện gì bất thường, nàng sẽ cài vào cửa sổ một mảnh giấy trắng, để ngẫu nhiên mà y có mặt ở Yonville, y sẽ chạy ngay vào trong cái ngõ sau nhà. Emma làm hiệu, nàng thoáng nhìn thấy Rodolphe ở góc chợ. Nàng toan mở cửa sổ để gọi; nhưng y đã biến mất. Tuy nhiên, chẳng bao lâu, nàng nghe thấy dường như có ai đi trên hè phố. Hẳn là y thôi, nàng xuống cầu thang vượt qua sân. Y đứng đó, ở phía ngoài. Nàng lao mình vào giữa hai cánh tay y.

– Em hãy coi chừng, – y nói.

– À! Anh biết chăng! – Nàng đáp.

Rồi nàng kể cho y nghe tất cả, hấp tấp, chẳng có mạch lạc, phóng đại sư việc, bịa đặt ra nhiều, và đang nói chuyện nọ lại xọ sang chuyện kia, đến nỗi y chẳng hiểu gì cả.

– Nào, nàng tiên đáng thương của anh, can đảm lên, hãy yên tâm, đừng sốt ruột!

– Thì em đã kiên trì, và đau khổ bốn năm rồi!… Một mối tình như của đôi ta phải có trời đất chứng minh! Họ đang làm tình làm tội em. Em không chịu được nữa! Anh cứu em!

Nàng dán chặt người nàng vào người Rodolphe. Mắt nàng, đẫm lệ lóng lánh như những ngọn lửa dưới nước, ngực nàng dồn dập phập phồng. Chưa bao giờ yêu nàng đến thế, yêu đến nỗi đầu óc hoang mang và y nói:

– Phải làm gì bây giờ? Em muốn gì bây giờ?

– Hãy mang em đi! – Nàng thốt lên. – Bắt cóc em đi!… Ôi! Em van anh đấy!

Và nàng chồm lên miệng y như để chộp lấy lời ưng thuận bất ngờ thoát ra từ đó trong một cái hôn.

– Nhưng…, – Rodolphe lại nói.

– Gì vậy?

– Còn con gái em?

Nàng nghĩ ngợi vài phút rồi đáp:

– Chúng ta sẽ mang nó đi, mặc!

“Người đàn bà này mới lạ sao!” Y vừa nói thầm vừa nhìn nàng ra đi.

Nàng vừa chạy trốn vào trong vườn thì có người gọi nàng. Bà Bovary mẹ, những ngày sau, rất đỗi ngạc nhiên về sự thay đổi của con dâu. Thật thế, Emma tỏ ra dễ bảo hơn, và thậm chí nàng còn tỏ ra lễ độ đến mức hỏi cả bà cách muối dưa chuột.

Phải chăng là để dễ đánh lừa mẹ chồng và chồng hơn? Hay là nàng muốn qua một thứ nhẫn nhục êm ái, cảm thấy sâu sắc hơn nỗi cay đắng của cảnh vật mà nàng sắp rời bỏ? Nhưng, trái lại, nàng không chú ý đến chuyện đó: nàng sống như quên đi trong cái thứ thưởng thức trước niềm hạnh phúc nay mai của nàng. Đây là một đề tài trò chuyện không bao giờ cạn với Rodolphe. Nàng gục trên vai y, nàng tỉ tê:

– Này! Bao giờ chúng ta ngồi trên chiếc xe trạm anh nhỉ! Anh có nghĩ tới việc đó không? Việc đó có thể thế được không? Đối với em, vào cái lúc em cảm thấy chiếc xe lao đi, chúng ta dường như đi trên khinh khí cầu, dường như bay về phía các tầng mây. Anh có biết rằng em đếm từng ngày?… Còn anh?

Chưa bao giờ bà Bovary lại đẹp như thời kỳ này; nàng có cái đẹp khôn tả do vui sướng, do hăng hái, do thắng lợi, và do sự hài lòng giữa tính tình với hoàn cảnh. Những khát vọng, những đau buồn của nàng, những kinh nghiệm của mối hoan lạc và những ảo tưởng còn non trẻ của nàng, như hoa có phân bón, mưa gió và ánh nắng…, đã dần dần làm nàng phát triển và nàng, cuối cùng, đã tươi như hoa nở trong toàn vẹn bản chất của nàng. Mí mắt nàng dường như được sắp đặt sẵn cho những cái nhìn thiết tha tình tứ, trong đó tròng mắt lờ đờ còn đôi lỗ mũi hẹp, dãn ra về kẽ mép đầy đặn với ít lông tơ đen rợp bóng nhích lên theo từng nhịp thở mạnh. Người ta nói rằng một nghệ sĩ khéo bày những trò đồi bại đã đặt lên gáy nàng cái búi tóc: nó được quấn sơ sài thành một mớ nặng và ngày nào cũng xổ ra tùy theo từng trường hợp ngoại tình. Giọng nói nàng bây giờ uyển chuyển hơn, thân hình nàng cũng thế; thậm chí, có một cái gì tinh vi tỏa ra từ những nếp vải dạ của áo nàng và từ những đường nét uốn cong của đôi chân càng đi sâu vào người ta. Charles, như thời mới cưới, thấy nàng xinh đẹp quá và hắn hoàn toàn không cầm lòng được.

Nửa đêm, khi hắn về nhà, hắn không dám đánh thức nàng dậy, chiếc đèn đêm bằng sứ rọi lên trần một vòng ánh sáng rung rinh, và chiếc màn trùm chiếc nôi con trông chẳng khác một túp lều trắng khum phồng trong bóng tối bên cạnh giường. Charles nhìn hai mẹ con nàng. Hắn tưởng nghe thấy hơi thở nhẹ nhàng của con hắn. Bây giờ, nó đang độ lớn; mỗi mùa qua sẽ mau chóng mang đến một sự tiến bộ; hắn đã thấy con chiều tối đi học về, tươi cười với chiếc tay áo giả lốm đốm mực và cái lẵng khoác ở cánh tay; rồi sẽ phải cho nó đi trọ học, như thế sẽ tốn lắm; làm thế nào? Thế là hắn suy nghĩ. Hắn tính đến thuê một cái trại nhỏ ở quanh vùng mà hắn sẽ trông nom lấy, mỗi buổi sáng, khi đi thăm bệnh nhân, sẽ để dành lợi tức thu được gửi vào quỹ tiết kiệm; rồi hắn sẽ mua cổ phần, ở nơi nào đấy, bất kỳ đâu; vả chăng khách chữa bệnh sẽ tăng lên, hắn trông cậy vào đấy, vì hắn muốn Berthe được dạy bảo cẩn thận, nó sẽ có tài, nó sẽ học đánh pianô. Chà! Sau này, vào tuổi mười lăm, trong mùa hè, nó cũng đội chiếc mũ rơm to như mẹ nó. Từ xa người ta cứ tưởng mẹ con nó là hai chị em. Hắn hình dung con bé, buổi tối, làm việc gần hai vợ chồng hắn, dưới ánh sáng ngọn đèn; nó sẽ thêu cho hắn những đôi giày vải; nó sẽ đảm đang việc nội trợ: lời nói dễ thương và tính tình vui vẻ của nó sẽ chan hòa khắp cửa nhà. Cuối cùng, hai vợ chồng hắn sẽ tính chuyện xây dựng cho nó, tìm cho nó một chàng trai hiền lành, có một địa vị chắc chắn; cậu ta sẽ làm cho nó sung sướng cứ như thế mãi mãi.

Emma không ngủ, nàng giả tảng ngủ; và, trong khi hắn thiu thiu bên cạnh nàng, nàng vẫn thức, mơ màng những chuyện khác.

Theo nước đại của bốn con ngựa, nàng được đưa đi đã tám ngày nay, tới một xứ sở mới, từ nơi đó đôi tình nhân chẳng trở về nữa. Họ đi, họ đi tay khoác tay, không nói. Thường thường, từ trên một đỉnh núi bỗng một đô thị nào đó rực rỡ với những chỏm nhà, cầu cống, thuyền bè, những rừng tranh và những nhà thờ lớn bằng đá hoa lát to và vì trên mặt đất, rải rác những bó hoa của những người đàn bà vận áo nịt đỏ dâng biếu. Họ nghe thấy tiếng chuông rung, tiếng vòi nước phun, hơi nước bay lên làm tươi mát những đống quả xếp có ngọn ở chân các bức tường xanh mởn mỉm cười dưới tia nước. Thế rồi, một buổi chiều, họ đến một làng đánh cá, ở đó những tấm lưới nâu sẫm đang phơi trước gió, dọc dốc biển và các túp lều. Tại đây, họ sẽ dừng chân để sống: họ sẽ ở trong một ngôi nhà thấp, mái dẹt, dưới bóng một cây gồi, cuối một cái vịnh, trên bờ biển. Họ sẽ đi chơi bằng thuyền nhỏ, họ sẽ nằm đu đưa trên võng; và cuộc sống của họ sẽ dễ dàng và thoải mái như áo quần bằng tơ lụa của họ, sẽ ấm áp và đầy sao như những đêm êm ái mà họ sẽ thưởng ngoạn. Tuy nhiên, trên cái viễn ảnh tương lai mênh mông tưởng tượng ra ấy, không có gì đặc biệt xuất hiện: ngày nối ngày, tươi đẹp cả, giống nhau như những đợt sóng, và cái đó đu đưa ở phía chân trời vô tận, hài hòa, biêng biếc và phủ đầy ánh nắng. Nhưng đứa bé ho trong nôi hoặc Bovary ngáy to hơn, nên Emma tận sáng mới ngủ, khi ánh bình minh nhuộm trắng các ô cửa kính và chú Justin, ở phía quảng trường, mở các mái hiên cửa hàng dược phẩm. Nàng đã cho mời Lheureux đến và đã bảo y:

– Tôi cần một áo khoác, một áo khoác to, cổ dài có lót.

– Bà đi xa? – Y hỏi.

– Không! Nhưng mà… cần gì, phải chăng tôi đã trông cậy vào ông? Và ông làm nhanh cho!

Y nhận lời.

– Tôi còn cần, – nàng nói tiếp, – một cái hòm…, đừng nặng quá… thuận tiện.

– Vâng, vâng, tôi hiểu, độ chín mươi hai centimét trên năm mươi, như hiện nay người ta vẫn làm.

– Với một túi đựng hành lý nữa.

“Hẳn là, – Lheureux thầm nghĩ, – có chuyện gì bên trong đây.”

– Và đây, – bà Bovary vừa rút chiếc đồng hồ từ thắt lưng ra vừa nói – ông cầm lấy cái này: ông dùng nó mà trang trải mọi thứ.

Nhưng tay lái buôn kêu lên là nàng nhầm; hai bên đã quen biết nhau; có phải y không tin nàng đâu! Thực là chuyện trẻ con! Tuy nhiên, nàng nói gặng để ít ra y lấy cái dây đồng hồ; Lheureux đã bỏ dây vào túi và cất bước ra đi thì nàng gọi lại.

– Ông cứ để tất cả những thứ đó ở nhà ông. Còn cái áo khoác – nàng có vẻ nghĩ ngợi – Ông cũng đừng mang đến đây nữa; song ông chỉ cần cho tôi biết địa chỉ của người thợ và bảo gã ta để sẵn áo cho tôi.

Họ định tháng sau họ sẽ trốn đi. Nàng sẽ xuất phát từ Yonville như để ra Rouen mua bán. Rodolphe đã lấy trước vé xe và giấy thông hành, đồng thời viết cả thư đi Paris, để có vé xe trạm đi suốt đến tận Marseille, ở đấy họ sẽ mua một chiếc xe ngựa bốn bánh rồi tiếp tục đi không dừng lại bằng con đường cái Gênes. Nàng sẽ chú trọng đến việc gửi hành lý tới nhà Lheureux để đưa thẳng ra xe Con én, sao cho không ai nghi ngờ gì cả; và, trong tất cả công việc ấy, không ai động đến vấn đề đứa bé. Rodolphe tránh không nói tới; có lẽ nàng cũng không nghĩ tới.

Y muốn có hai tuần lễ nữa trước mặt để thu xếp vài việc cho xong; rồi sau tám ngày y đề nghị thêm mười lăm ngày nữa, rồi y kêu ốm; sau đó, y đi đâu một chuyến; tháng tám trôi qua, và sau tất cả những cuộc trì hoãn ấy, họ ấn định dứt khoát lên đường vào mồng 4 tháng Chín, một ngày thứ hai.

Cuối cùng, vào buổi tối thứ bảy, trước hôm đi hai ngày, Rodolphe đến, sớm hơn thường lệ.

– Sẵn sàng cả rồi chứ? – Nàng hỏi y.

– Rồi.

Họ liền đi vòng qua luống đất ở mép vườn hoa, đến ngồi gần chỗ đất đắp cao, trên thành tường.

– Anh buồn nhỉ, – Emma nói.

– Không, có điều gì đâu mà buồn?

Và ngay lúc đó, y nhìn nàng một cách kỳ dị, một cách âu yếm.

– Phải chăng anh buồn vì anh sẽ đi khỏi nơi đây? – Nàng lại nói, phải chăng anh sẽ rời bỏ bao tình cảm tha thiết ràng buộc anh, cuộc sống thường lệ của anh? à! Em hiểu… Nhưng em, em chẳng có gì ở đời này hết! Anh là tất cả của em. Cho nên em sẽ là tất cả của anh, em sẽ là một gia đình của anh, một quê hương của anh: em sẽ chăm sóc anh, yêu anh.

– Em đẹp đẽ biết bao! – Y vừa ôm nàng vừa nói,

– Thật không? – Nàng vừa cười khoái trá vừa hỏi. Anh có yêu em không? Anh thề đi nào!

– Anh yêu em chứ! Anh yêu em chứ! Anh yêu quý em mà, em yêu của anh!

Mặt trăng, tròn vành vạnh và đỏ ối, mọc là là mặt đất, cuối cánh đồng cỏ. Trăng lên nhanh giữa khoảng các cành bạch dương che khuất nó từng chỗ như một tấm màn đen thủng. Rồi trăng hiện ra, trắng đẹp, trong bầu trời quang mà trăng soi sáng; và bây giờ, từ từ, trăng rọi xuống con sông con một vệt lớn biến hóa thành hằng hà những ngôi sao, và cái ánh bạc ấy dường như vặn vẹo xuống tận đáy nước kiểu một con rắn không đầu phủ đầy vảy sáng. Nó cũng giống như một cây đèn thờ khổng lồ nào đó mà suốt dọc thân chảy xuống ròng ròng những giọt kim cương đang hóa lỏng. Đêm dịu dàng lan tỏa quanh họ, từng lớp bóng tối tràn ngập lá cây. Emma, đôi mắt lim dim, bằng những hơi dài, hít làn gió mát đang thổi. Cả hai đều chìm đắm trong mơ, không nói gì với nhau. Tình yêu thắm thiết của những ngày qua trở lại lòng họ, lai láng và thầm lặng như dòng sông đang chảy với bao nhiêu êm dịu mà hương thơm của hoa sơn mai mang lại, và ném vào những hồi ức của họ những bóng đen rộng lớn hơn và buồn hơn bóng những cây liễu im lìm đang chạy dài trên cỏ. Thỉnh thoảng một con vật ăn đêm nào đó, dím hay cầy, đi săn mồi, làm sột soạt những tàu lá, hoặc từng lúc người ta nghe thấy tiếng trái đào chín từ rặng cây áp tường rụng xuống.

– Ôi! Đêm đẹp quá! – Rodolphe nói.

– Chúng ta sẽ còn có nhiều đêm đẹp khác! – Emma đáp. Và như tự nói với mình:

– Ừ, đi xa thì thú… Tuy nhiên, tại sao lòng em lại buồn? Phải chăng vì lo ngại cái xa lạ…, vì rời bỏ hậu quả của những nếp sống quen thuộc…, hay vì?… Không, đó là vì quá vui sướng! Em nhu nhược quá, phải không? Anh tha thứ cho em!

– Hãy còn thời gian! – Y thốt lên. – Em suy nghĩ đi, có lẽ em sẽ hối đấy.

– Không bao giờ! – Nàng hăng hái đáp. Và, nhích lại gần y, nàng nói tiếp:

– Vậy thì điều bất hạnh nào có thể xảy ra bất thần với em? Không có sa mạc nào, không có vực thẳm nào, không có đại dương nào mà em không vượt nổi cùng anh. Chúng ta càng sống với nhau, chúng ta mỗi ngày càng ôm ấp nhau chặt chẽ hơn, trọn vẹn hơn. Chúng ta sẽ chẳng còn bị một điều gì quấy rối, chẳng còn lo lắng, chẳng còn trở ngại! Chúng ta sẽ chỉ có riêng mình chúng ta bên nhau, mọi thứ thuộc về chúng ta, mãi mãi… Anh nói đi nào, anh hãy trả lời em đi.

Y đáp lại từng chặp đều đều: “Ừ… Ừ!…”. Nàng đưa cả hai tay lên vuốt tóc y và láy đi láy lại bằng một giọng thơ ngây, mặc dầu hàng lệ tuôn trào:

– Rodolphe! Rodolphe!… Ôi! Rodolphe, Rodolphe bé bỏng thân yêu!

Đêm xuống.

– Đã nửa đêm rồi! – Nàng nói. – Thôi, mai! Còn một ngày!

Y đứng dậy ra về, và dường như cái động tác y làm là dấu hiệu cuộc trốn đi của hai người. Emma đột nhiên làm điệu vui vẻ:

– Anh đã có giấy thông hành chưa?

– Rồi.

– Anh không quên gì cả chứ?

– Không.

– Anh có chắc không?

– Chắc.

– Anh sẽ đợi em ở khách sạn de Provence, có phải không?… Vào mười hai giờ trưa?

Y gật đầu một cái.

– Đến mai nhé! – Emma nói trong cái hôn cuối cùng. Và nàng trông y xa dần.

Y không quay đầu lại. Nàng chạy theo y, và, nghiêng mình trên bờ sông, giữa những bụi rậm:

– Mai nhé! – Nàng thốt lên.

Y đã ở bên kia sông rồi và đi nhanh trong đồng cỏ.

Vài phút sau, Rodolphe dừng lại; và, khi y trông thấy nàng qua bộ quần áo trắng mờ dần trong bóng tối như một bóng ma, trái tim y đập mạnh đến nỗi y phải tựa vào một cái cây cho khỏi ngã.

“Mình thật là khờ dại!” Y vừa nói vừa rủa ầm ĩ… “Dù sao, nàng cũng là một tình nhân xinh đẹp!”

Và lập tức, cái nhan sắc của Emma, với mọi khoái lạc của cuộc yêu đương, lại hiện ra trước y. Thoạt tiên, y mủi lòng, sau y bực với nàng.

“Ừ, rút cục lại”, y vừa múa tay múa chân vừa thốt lên, “ta không thể rời bỏ quê hương, cáng đáng một con bé được.”

Y tự nhủ những điều ấy để làm vững lòng mình hơn.

“Và ngoài ra, còn bao trắc ẩn, bao phí tổn… À! Không, không, nghìn lần không! Thế thì ngu xuẩn quá!…”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.