Bà Bovary
Chương 15
Đám đông đứng sát tường, túm tụm cân xứng giữa khoảng các chấn song. Ở góc các phố gần đấy, những bản áp phích lớn nhắc lại bằng những chữ kỳ quặc: “Lucie de Lamermoor… Lagardy… Ca kịch, v.v…”. Trời đẹp nhưng người ta vẫn thấy oi bức, mồ hôi chảy dưới những mớ tóc quăn, tất cả các mùi soa được rút ra để thấm những cái trán đỏ bừng; và đôi khi một làn gió ấm, thổi từ sông vào, rung nhẹ đường viền những lều vải chéo go căng trước cửa các quán rượu. Tuy nhiên, ở phía dưới một chút, người ta lại được giải nồng bởi một luồng gió lạnh sặc mùi mỡ bò, da thuộc và dầu mỡ. Đấy là làn hơi bốc lên từ phố Xe Bò, đầy những kho hàng lớn đen, trong đó người ta đang lăn những chiếc thùng.
Sợ mình có vẻ nực cười, Emma muốn, trước khi vào rạp, đi dạo một vòng trên cảng, và Bovary, vì cẩn thận giữ các vé trong tay, đút túi quần, để sát bụng.
Nàng hồi hộp ngay từ cửa vào. Nàng vô tình mỉm cười đắc ý thấy đám đông ùa vào phía tay phải qua hành lang bên kia, còn nàng lại leo cầu thang đưa lên dãy ghế hạng nhất. Nàng thích thú như một đứa trẻ lấy ngón tay đẩy các cánh cửa rộng bọc thảm; nàng hít căng ngực mùi bụi bặm của các hành lang, và khi nàng đã ngồi ở trong lô của nàng, nàng nhẹ nhàng ngả người về đằng sau với một thái độ ung dung của một bà quận công.
Rạp bắt đầu đông dần, người ta rút ống nhòm trong bao ra, và những khách thuê lô dài hạn, thấy nhau từ xa, chào nhau. Họ đến đây lấy nghệ thuật để khuây khỏa những lo lắng về buôn bán; nhưng chẳng quên được việc kinh doanh, họ còn chuyện trò về vải sợi, rượu mạnh hay thuốc nhuộm. Người ta thấy những người đầu già cả điềm tĩnh và bình thản với làn tóc và màu da trắng bệch giống như những chiếc huy chương bạc ám hơi chì. Những chàng trai trẻ đẹp, đứng vênh vang ở tầng dưới, phô ra ở khoang cổ áo gilê chiếc ca vát màu hồng hay xanh táo của họ; và bà Bovary, từ trên cao nhìn xuống, tán thưởng họ, họ tì trên những chiếc can nhỏ núm vàng, bàn tay của họ căng trong chiếc găng màu vàng.
Trong lúc ấy, những ngọn nến của dàn nhạc được thắp lên, chùm đèn, từ trên trần nhà giội ánh sáng qua những mặt kính nhỏ xuống nhà hát, tạo thành một niềm vui đột ngột; rồi các nhạc sĩ lần lượt bước vào; thoạt tiên là một bàn nhạc huyên náo dài với những tiếng ù ù của những cây đàn trầm, tiếng rin rít của những chiếc viôlông, tiếng oang oang của những nòng kèn, tiếng trầm bổng của những chiếc sáo, chiếc tiêu. Tiếp đó, người ta nghe thấy ba tiếng gõ trên sân khấu; tang trống đồng nổi lên các nhạc cụ bằng đồng hòa theo, và tấm màn kéo lên, một phong cảnh được bày ra.
Đây là ngã tư một khu rừng, với máng nước bên dưới bóng một cây sồi. Nông dân và chúa đất, áo tơi choàng trên vai, tất cả đồng ca một bài hát đi săn; đột nhiên xuất hiện một viên đại úy dang hai cánh tay lên trời cầu cứu một ác thần; sau đến một viên đại úy khác; cả hai cùng bỏ đi, và những người đi săn lại hát.
Nàng lại thấy mình trong những cuốn sách đọc thuở thanh xuân hoàn toàn của Walter Scott. Nàng dường như nghe thấy, qua làn sương mù, tiếng kèn mục đồng xứ Êcốt láy đi láy lại trên đồng cỏ hoang. Vả chăng, hồi tưởng lại cuốn tiểu thuyết nàng dễ hiểu kịch bản hơn, nàng theo dõi tình tiết qua từng câu này đến từng câu khác, còn những ý tưởng khó nắm, vừa trở về đầu óc nàng, lại tan tác ngay dưới hàng loạt nhạc khúc. Nàng để lòng mình ru theo những giai điệu và nàng cảm thấy người mình đang rung lên tựa hồ có chiếc vĩ đàn viôlông đang đưa đi kéo lại trên các sợi dây thần kinh của nàng. Nàng không đủ mắt để ngắm những trang phục, những cảnh trí, những nhân vật, những cây vẽ bằng sơn rung chuyển trước mỗi bước đi, và những mũ nhung, những áo khoác, những thanh gươm, tất cả những vật tưởng tượng ra đó khuấy động trong hòa âm như trong không khí của một thế giới khác. Nhưng một thiếu nữ vừa tiến lên vừa ném một túi tiền cho một kỵ sĩ vận màu xanh ve. Thiếu nữ đứng lại một mình, rồi liền đó người ta nghe thấy tiếng sáo như tiếng nước róc rách hay tiếng chim líu lo. Lucie cất giọng trầm hát một bài ca ngắn bằng cung sol trưởng; cô ta than vãn về tình yêu, cô ta cần có đôi cánh. Emma cũng vậy, những muốn, xa lánh cuộc đời, bay trong một vòng tay. Bất thần, Edgar-Lagardy xuất hiện.
Y có nước da trắng xanh rất đẹp, nó đem lại cho giống người hăng hái miền Nam cái gì trang nghiêm của cẩm thạch. Thân hình cường tráng của y bó trong một chiếc áo ngắn màu nâu; một con dao găm nhỏ chạm trổ đập trên đùi bên trái, và y vừa thờ thẫn đưa cặp mắt nhìn vừa để lộ hàm răng trắng. Người ta đồn rằng một công chúa Ba Lan, một buổi tối nghe y hát trên bãi biển Biarritz, nơi y đang sửa sang chiếc tàu nhỏ, đã phải lòng y. Nàng công chúa đã khánh kiệt gia sản vì y. Y đã bỏ đứng nàng trong cảnh ấy để chạy theo các cô gái khác, và câu chuyện tình nổi tiếng ấy chẳng khỏi phục vụ cho cái tiếng tăm về nghệ thuật của y. Tay kép hát khôn khéo, thậm chí, còn luôn luôn chú ý luồn qua các bài cổ động một lời thi vị về sức quyến rũ của con người y và tính nhạy cảm của tâm hồn y. Y có một giọng hát tốt, một thế đứng vững vàng, nhiều thể chất hơn là thông minh và nhiều khoa trương hơn là trữ tình, tất cả chung đúc lại để nâng cao hắn lên cái bản tính tuyệt vời của người làm ảo thuật, trong đó có cả bản tính của anh thợ cạo và của tay đấu bò mộng.
Ngay từ cảnh đầu tiên, y đã kích động khán giả. Y siết chặt Lucie trong tay, y bỏ nàng ra đi, y trở lại, y dường như thất vọng; y có những cơn giận, rồi những hơi thở khò khè bi thảm rất mực dịu dàng, và những âm điệu thoát ra từ chiếc cổ để trần của y đầy tiếng nức nở và những cái hôn. Emma ngả người xuống để nhìn y, móng tay nàng cấu nát cả nhung cửa buồng lô. Nàng để những lời than vãn du dương ấy tràn ngập trái tim nàng, những lời than vãn kéo dài theo nhạc điệu của đàn công bát như những tiếng rên la của kẻ bị đắm tàu trong cảnh náo động của bão táp. Nàng nhận ra tất cả bao nhiêu ham mê và bao mối lo âu làm nàng hút chết trước kia. Tiếng hát của cô ca sĩ dường như chỉ là tiếng vang dậy của lương tâm nàng, và cái ảo ảnh kia đang mê hoặc nàng cũng là cái gì của cuộc đời nàng nữa. Nhưng đã không có ai trên trái đất yêu nàng bằng một mối tình như thế. Anh ấy chẳng khóc như Edgar, tối cuối cùng, dưới ánh trăng, khi hai người nói với nhau: “Đến mai, đến mai nhé!…”. Nhà hát rung chuyển vì những tiếng vỗ tay hoan hô; người ta diễn lại tiết cuối cùng của khúc nhạc; cặp tình nhân nói đến hoa trên mồ họ, đến lời thề nguyền, đến sự tha hương, đến định mệnh, đến hy vọng, và khi họ thốt lên lời vĩnh biệt, Emma thét lên một tiếng xé tai, nó chìm trong tiếng rung của những hòa âm cuối cùng.
– Sao thế? – Bovary hỏi – Tay lãnh chúa kia làm khổ cô ta?
– Đâu phải, – nàng đáp; – đó là người yêu của cô ta đấy chứ.
– Thế mà y lại trả thù gia đình cô ta, còn anh kia, cái anh đến lúc nãy nói: “Tôi yêu Lucie và tôi tin rằng được nàng yêu”. Thế mà, anh ta lại bỏ cô ta để đi với bố anh ta, tay khoác tay. Vì đấy chính là bố anh ta, có phải không, cái người bé nhỏ xấu xí mang một cái lông gà sống trên mũ ấy?
Mặc dù Emma đã giải thích ngay từ cuộc đối xướng tay đôi, trong đó Gilbert thuật lại với chủ mình là Ashton những mưu mô ghê tởm của gã, Charles, khi thấy chiếc nhẫn đính hôn giả nhằm đánh lừa Lucie, lại tưởng đó là vật kỷ niệm tình yêu của Edgar gửi đến. Vả lại, hắn thú thực chẳng hiểu câu chuyện ra sao – vì âm nhạc làm hại rất nhiều đến lời nói.
– Không sao! – Emma nói – Anh im đi!
Hắn vừa ngả mình vào vai nàng vừa nói:
– Là vì anh thích được hiểu cho rõ, em biết đấy.
– Im đi! Im đi! – Nàng sốt ruột đáp.
Được các người hầu gái đỡ, Lucie tiến ra với một vòng hoa cam gài trên tóc. Mặt cô ta tái nhợt hơn cả màu áo xa tanh trắng của cô ta. Emma mường tượng lại ngày cưới của nàng; nàng thấy lại mình ở xa kia, giữa cánh đồng lúa, trên con đường nhỏ, lúc đám cưới đi về phía nhà thờ. Sao nàng đã chăng như cô kia, cưỡng lại, van xin? Trái lại, nàng đã vui sướng, chẳng thấy cái vực thẳm mà nàng lao mình xuống… Ôi! Nếu như trong thời sắc đẹp còn tươi thắm, trước những vết nhơ của hôn nhân và trước sự vỡ mộng của ngoại tình, nàng đã có thể đặt đời nàng vào một trái tim cao cả vững vàng nào, và trong lúc đức hạnh tình yêu, lạc thú và nhiệm vụ lẫn lộn, nàng sẽ chẳng bao giờ lại ngã từ trên hạnh phúc cao cả đó. Những niềm hạnh phúc ấy, không nghi ngờ gì nữa, là một điều hão huyền được tưởng tượng ra vì nỗi thất vọng của mọi ước muốn. Nay nàng đã biết rõ cái ti tiện của những dục vọng mà nghệ thuật tâng bốc lên. Thế là, cố gắng đưa tư tưởng của mình đi hướng khác, Emma muốn chỉ thấy trong sự diễn tả những nỗi đau đớn của mình ấy một trò tạo hình bay bướm cốt mua vui con mắt mà thôi, và thậm chí nàng còn đang cười thầm với một lòng thương xót khinh người, thì ở cuối rạp, dưới cái nền cửa bằng nhung, xuất hiện một người đàn ông mặc một chiếc áo choàng đen.
Cái mũ to kiểu Tây Ban Nha của y rơi xuống một động tác anh ta làm; lập tức nhạc cụ và ca sĩ tấu bản nhạc sáu bè. Edgar hứng khởi hát át những người khác bằng giọng ca trong trẻo hơn; Ashton tung ra những lời thách thức giết người bằng những cung trầm, Lucie thốt lên những lời than vãn thánh thót; Arthur, từ xa, uyển chuyển những âm thanh vừa phải; giọng trầm của người trợ thủ vang rền như đàn oóc, còn những giọng phụ nữ, lắp lại lời anh ta, hợp xướng một cách dịu dàng. Tất cả mọi người đứng cùng hàng mà làm động tác; nỗi giận dữ, lòng căm thù, sự ghen tuông, mối kinh hãi, tình thương hại và trạng thái sững sờ đồng thời thoát ra từ những cái miệng hé mở của họ. Một người đóng vai tình lang bị xúc phạm vung lưỡi kiếm trần; cổ áo ren của anh ta nâng lên từng chập theo chuyển động của lồng ngực, và anh ta hết đi sang phải lại đi sang trái, bằng những bước dài, gò xuống sàn sân khấu những chiếc đinh thúc ngựa mạ vàng trên đôi ủng mềm loe ra ở mắt cá. Anh ta phải có, nàng thầm nghĩ, một tình yêu vô biên mới giội được xuống đám đông những nguồn cảm xúc dạt dào đến thế. Tất cả những manh tâm định chê bai của nàng tiêu tan bởi tài năng của vai kịch xâm chiếm lòng nàng, và nàng bị lôi cuốn tới người đàn ông bởi cái ảo ảnh của nhân vật, nàng cố hình dung cuộc đời của người đó, cái cuộc đời lừng lẫy, lạ lùng, rực rỡ, mà nàng có thể sống được nếu vận mệnh xui nên. Họ sẽ quen biết nhau, họ sẽ yêu nhau! Với người đó, qua tất cả các vương quốc ở châu Âu, nàng sẽ du hành từ thủ đô này đến thủ đô khác, san sẻ những nỗi gian lao và niềm kiêu hãnh của người đó, thu nhặt những bông hoa người ta ném tặng người đó, tự tay thêu quần áo cho người đó, rồi mỗi tối, ở cuối một buồng lô, sau cái hàng rào có lưới vàng, nàng thẫn thờ đón lấy những lời thổ lộ chân tình của tâm hồn đó, chỉ hát lên cho riêng mình nàng; từ trên sân khấu người đó vừa biểu diễn, vừa nhìn nàng. Nhưng nàng bỗng phát điên lên: người đó nhìn nàng, đúng thế rồi! Nàng những muốn chạy sổ vào cánh tay người đó để náu mình dưới sức mạnh của người đó như vào chính sự hiện hình của ái tình và nói với người đó, kêu lên với người đó: “Anh bắt cóc em đi, anh mang em đi, chúng ta đi đi! Của anh, của anh! Tất cả những nhiệt tình và tất cả những ước mơ của em!”
Màn hạ xuống.
Mùi khói thắp đèn hòa lẫn với hơi người thở; gió các quạt khiến cho bầu không khí càng thêm ngột ngạt. Emma muốn ra ngoài; đám đông đứng chật các hành lang và nàng lại ngồi phịch xuống ghế, trái tim nàng hồi hộp đến nghẹn thở. Charles, sợ nàng ngất đi, chạy ra phòng giải khát kiếm cho nàng một cốc đại mạch.
Khó khăn lắm hắn mới trở về được chỗ ngồi; vì mỗi bước hắn đi, hắn lại va khuỷu tay vào người ta, do cái cốc hắn cầm ở tay, và thậm chí, hắn còn đánh đổ ba phần tư cốc trên vai một chị người Rouen mặc áo cụt tay, chị này cảm thấy nước lạnh chảy xuống dưới lưng, the thé kêu lên dường như bị ai ám sát. Chồng chị ta, chủ một nhà máy sợi liền nổi nóng với con người vụng về; và trong khi chị ta lấy mùi soa thấm những vết bẩn trên cái áo dài đẹp bằng vải mỏng màu anh đào, thì anh ta lẩm bẩm, bằng một giọng cục, những tiếng bồi thường, phí tổn, đền tiền. Mãi sau, Charles mới đến được gần chỗ vợ, hắn nói hết hơi:
– Anh đã tưởng phải ở lại ngoài ấy, thật đấy! Đông quá!… Đông ơi là đông!
Hắn nói thêm:
– Em thử đoán một chút xem anh đã gặp ai trên kia? Ông Léon.
– Léon?
– Chính ông ta! Ông ta sắp đến chào em.
Và, hắn vừa nói xong thì viên luật sự tập sự cũ ở Yonville bước vào lô.
Anh ta chìa tay ra theo lối không khách khí của người quý phái; còn bà Bovary, thì như cái máy, cũng giơ tay, hẳn là tuân theo sức hấp dẫn của một ý muốn mạnh hơn. Nàng đã không cảm thấy cái ý muốn đó từ buổi chiều xuân ấy, lúc trời đang mưa trên những tàu lá xanh, khi họ từ biệt nhau, đứng bên cửa sổ. Nhưng, nhớ đến việc phải giữ lễ cho hợp tình thế, nàng gắng xua vội cái trạng thái đê mê vì hồi tưởng và nàng lắp bắp thật nhanh mấy câu:
– À! Xin chào… Thế nào! Ông đấy ư?
– Im đi! – Một giọng nói từ giữa rạp thốt lên vì hồi thứ ba bắt đầu.
– Vậy ra ông ở Rouen à?
– Vâng.
– Thế từ bao giờ?
– Ra ngoài kia! Ra ngoài kia!
Người ta quay về phía họ; họ im bặt.
Nhưng, từ lúc đó, nàng không còn nghe kịch nữa; và bài đồng ca của những người khách mời, cảnh Ashton cùng đầy tớ, bản đại song ca cung Rê trưởng, tất cả, đối với nàng đều ở tận đâu xa, dường như nhạc cụ trở nên kém kêu đi và những nhân vật trên sân khấu đã quá trần trụi; nàng nhớ lại những ván bài ở nhà tay dược sĩ và cuộc đi chơi tới chỗ vú em, những ngày đọc sách dưới vòm cây, những buổi mặt đối mặt chuyện trò bên cạnh lò sưởi, tất cả mối tình đáng thương kia lặng lẽ đến thế và lâu dài đến thế, kín đáo đến thế, đằm thắm đến thế, mà nàng tuy nhiên, nàng đã quên đi. Tại sao anh ta trở lại vậy? Những cuộc sắp xếp có lẽ nào đã lại đặt anh ta vào trong cuộc đời nàng? Anh ta đứng phía sau nàng, vai tựa vào bức vách; và, thỉnh thoảng, nàng cảm thấy mình run run dưới cái hơi thở âm ấm từ mũi chàng toát xuống mái tóc nàng.
– Kịch có làm bà vui không? – Anh ta vừa nói vừa nghiêng đầu về gần phía nàng, gần đến nỗi đầu các sợi râu của anh ta lướt trên má nàng.
Nàng hờ hững đáp:
– Ờ! Trời ơi, không! Không vui lắm.
Thế là anh ta đề nghị nàng ra khỏi rạp để đi ăn kem ở chỗ nào đấy.
– À! Chưa vội! Chúng ta hãy ở lại đã! – Bovary nói. – Tóc cô diễn viên xổ ra: cái đó chắc là bi thảm.
Nhưng cảnh điên dại chẳng làm cho Emma thích thú, nàng thấy cách biểu diễn của nữ ca sĩ dường như là quá đáng.
– Cô ta thét to quá, – nàng vừa nói vừa quay lại phía Charles đang nghe.
– Ừ… có lẽ thế… một chút, – hắn đáp lại, ngập ngừng giữa sự thật thà nói lên cái thích thú của mình và sự tôn trọng của hắn đối với ý kiến của vợ.
Rồi Léon vừa nói vừa thở dài
– Thực là nóng bức…
– Không chịu được! Thực đấy.
– Em có khó chịu không? – Bovary hỏi.
– Có, em ngạt thở: chúng ta đi đi.
Léon thận trọng đặt lên đôi vai nàng chiếc khăn san dài bằng đăng ten, và cả ba người ra ngồi ngoài bến cảng dưới trời, trước cửa kính một tiệm cà phê. Thoạt tiên, Charles nói về bệnh tật của Emma, mặc dầu Emma chốc chốc lại ngắt lời hắn, vì theo nàng, nói thế e làm nhàm tai Léon; còn Léon kể cho hai vợ chồng họ biết anh ta đến ở Rouen được hai năm trong một phòng luật sư quan trọng, để tập cho lành nghề vì công việc ở Normandie được giải quyết khác với công việc ở Paris. Rồi anh ta hỏi tin tức về Berthe, về gia đình Homais, về mụ Lefrancois, và vì trước mặt người chồng, hai người chẳng còn gì hơn để mà nói với nhau nữa, câu chuyện chẳng bao lâu ngừng lại.
Những người ở rạp hát ra, vừa đi trên vỉa hè, vừa khe khẽ hát hoặc hát rống lên: “Ôi, thiên thần tuyệt đẹp, Lucie của tôi ơi!” Léon liền làm ra vẻ tài tử, bắt đầu nói về âm nhạc. Anh ta đã xem Tamburini, Rubini, Persiani, Grisi; và so với họ, Lagardy, tuy có nổi danh, cũng chẳng có giá trị gì.
– Thế nhưng, – Charles đang cắn ra từng miếng nhỏ chiếc kem pha rum, ngắt lời, – người ta nói ở hồi cuối y hoàn toàn được tán thưởng; tôi tiếc rằng đã bỏ đi trước khi diễn xong, vì tôi đã bắt đầu thấy hứng thú.
– Vả chăng, – viên luật sư tập sự nói tiếp, – y lại sắp diễn một buổi nữa.
Nhưng Charles đáp: ngày mai vợ chồng họ sẽ đi khỏi nơi đây rồi.
– Trừ khi, – hắn quay về phía vợ nói thêm, – em muốn ở lại một mình, em yêu!
Và, thay đổi kế hoạch, trước cơ hội bất ngờ thuận lợi cho hy vọng của anh ta, chàng trẻ tuổi lên tiếng ca ngợi Lagardy diễn trong khúc cuối. Đó là cái gì kỳ diệu, tuyệt vời! Thế là Charles nằn nì:
– Chủ nhật em hãy về. Nào, em quyết định đi! Em không ở lại là em sai lầm đấy, nếu em cảm thấy chút nào cái đó đem lại lợi ích cho em.
Khi ấy các bàn xung quanh đã vãn người; một người hầu bàn kín đáo tới gần họ; Charles biết thế, rút ví ra; viên luật sư tập sự cầm tay hắn giữ lại; và thậm chí, không quên để lại hai đồng hào trắng mà anh ta ném xuống mặt đá hoa cho kêu.
– Tôi giận thực đây, – Bovary lẩm bẩm, – về số tiền mà ông…
Anh ta phác một cử chỉ coi thường đầy thân thiện và vừa cầm lấy mũ vừa nói:
– Đồng ý thế nhé, mai sáu giờ chứ?
Charles một lần nữa lại kêu lên hắn không thể vắng nhà lâu hơn được; nhưng chẳng có gì ngăn trở Emma…
– Cái đó… – nàng ấp úng nói với một nụ cười lạ lùng, – tôi cũng chẳng rõ…
– Này! Em sẽ nghĩ sau, chúng ta sẽ xem xem, đêm hôm mách bảo điều hay…
Rồi hắn nói với Léon đang đi theo họ:
– Bây giờ thì ông đã về địa phương chúng tôi, tôi mong rằng thỉnh thoảng ông sẽ đến xơi cơm với vợ chồng chúng tôi?
Viên luật sư tập sự khẳng định anh ta sẽ chẳng bỏ qua, vả lại anh ta cũng cần đi Yonville để làm một số công việc của phòng luật sư của anh. Và họ chia tay nhau trước ngõ Samt-Herbland, giữa lúc chuông nhà thờ điểm mười một giờ rưỡi.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.