Bà Bovary

Chương 2



Về tới khách sạn bà Bovary ngạc nhiên không thấy chiếc xe hàng đâu. Hivert, đợi nàng đã năm mươi ba phút, rút cục bỏ đi.

Tuy nhiên, không có gì buộc nàng phải đi cả; nhưng nàng hứa sẽ về ngay chiều tối hôm đó. Vả lại, Charles đang đợi nàng, và nàng cảm thấy trong lòng mình cái thói ngoan ngoãn hèn hạ nó đối với nhiều người đàn bà, vừa như là một hình phạt vừa như là một quả báo của tội ngoại tình.

Nàng đùng đùng thu xếp hành lý, trả tiền trọ, thuê ở ngoài sân một xe độc mã nhỏ, và giục giã người phu giữ ngựa, khuyến khích gã ta, chốc chốc lại hỏi thăm giờ giấc và những cây số đã đi cho đến khi trông thấy những ngôi nhà đầu tiên ở Quincampoix thì đuổi kịp chiếc xe Con én.

Vừa ngồi vào góc xe, nàng đã nhắm mắt lại, và mở mắt ra khi tới chân dốc, ở đây, từ xa nàng nhận ra Félicité đang đứng trước cửa nhà người thợ đóng móng ngựa. Hivert kìm ngựa lại, và người hầu gái kiễng chân lui tới cửa sổ xe, bí mật nói:

– Thưa bà, bà cần đi ngay tới đến nhà ông Homais. Có việc gì gấp đấy.

Làng mạc vắng lặng như thường lệ. Ở góc các phố, có những đống nhỏ màu hồng đang bốc khói lên không trung vì đang lúc làm mứt, và mọi người, ở Yonville, đều nấu thức ăn dự trữ của mình cùng một ngày. Nhưng người ta ngắm nghía trước cửa hàng được phẩm một đống to lớn hơn nhiều, nó vượt các đống khác như thể một phòng bào chế phải vượt các lò bếp dân thường, một nhu cầu chung phải vượt các sở thích cá nhân.

Nàng bước vào. Chiếc ghế bành lớn bị đổ, và thậm chí, tờ báo Ngọn đèn Rouen, nằm gí dưới đất, trải rộng ra giữa hai cái chày. Nàng đẩy cánh cửa hành lang; và, giữa căn nhà bếp, trong đống vải màu nâu đầy trái phúc bồn tử đã tuốt hột, đường vụn, đường miếng, những chiếc cân trên bàn, những cái chậu trên lửa, nàng thấy cả gia đình Homais, lớn và nhỏ, khoác tạp dề lên tận cằm và cầm đĩa ăn ở tay. Justin, đứng đó, cúi đầu và tay dược sĩ quát:

– Ai bảo mày đi kiếm nó trong phòng tạp liệu?

– Cái ấy là cái gì vậy? Có chuyện gì thế?

– Có chuyện gì à? – Tay dược sĩ trả lời. – Mọi người đang nấu mứt: mứt chín; nhưng nó sắp trào ra vì nước đường sôi mạnh quá, nên tôi bảo lấy một cái chậu khác. Thế là nó, vì uể oải, vì biếng nhác, đã đi lấy trong phòng thí nghiệm của tôi, cái chìa khóa của tủ thuốc treo vào một cái đinh riêng!

Tay dược sĩ gọi một gian buồng nhỏ dưới mái nhà như thế, diện tích gian buồng đầy dụng cụ và hàng hóa thuộc nghề nghiệp của y. Thường khi, y ở lại trong đó hằng giờ đằng đẵng để dán nhãn hiệu, san chai lọ, buộc lại dây; và y coi nó không phải như một cái kho chứa bình thường mà như một thánh đường hẳn hoi, từ đó rồi thoát ra, do tay y sửa soạn, mọi thứ thuốc viên, thuốc tễ, thuốc sắc, nước hoa và thuốc nước, chúng làm cho danh tiếng của y lan truyền khắp vùng chung quanh. Không một ai ở đời này đặt chân vào đó; và y tôn trọng nó đến mức y tự tay quét dọn nó. Sau hết, nếu hiệu thuốc mở rộng cửa đón khách bốn phương là nơi y phơi bày cái kiêu hãnh của y, thì phòng tạp liệu là nơi Homais ẩn náu trong đó, tập trung tư tưởng một cách ích kỷ. Homais say sưa, trong việc sử dụng những cái sở trường của y, cho nên tính dại dột của Justin đối với y là một sự bất chính ghê gớm: và, mặt đỏ gay hơn cả trái phúc bổn tử, y lắp đi lắp lại:

– Phải, về cái phòng tạp liệu ấy! Chiếc khóa để cất kín các chất axít với các chất kiềm ăn da ấy! Đã dám lấy một cái chậu dự trữ; một cái chậu có vung; thứ mà có lẽ chả bao giờ tôi dùng đến! Nhất nhất đều có tầm quan trọng của nó; trong những công việc khó khăn về kỹ thuật bào chế của chúng ta. Nhưng mà của quý! Phải biết phân biệt và không được sử dụng vào những việc gần như nội trợ, cái gì dành cho việc bào chế thuốc. Thế có khác nào chặt một con gà mái tơ béo bằng con dao mổ xẻ, khác nào một quan tòa lại…

– Thì mình hãy bình tĩnh lại! – Bà Homais nói.

Và Athalie kéo y qua chiếc áo rơ-đanh-gôt:

– Ba! Ba!

– Không, mặc tôi! – Tay dược sĩ lại nói – Mặc tôi, mẹ kiếp! Thế có khác gì làm nghề buôn bán đồ gia vị, tôi lấy danh dự mà nói thế! Thôi đấy cứ việc làm! Đừng tôn trọng cái gì cả! Đập vỡ đi! Nghiền vụn ra! Thả những con đỉa ra! Đốt cháy cây quy thục đi! Ngâm dưa chuột vào trong các bình ấy, xé tan những cuốn băng đi!

– Thế mà ông đã…, – Emma nói.

– A ha! Mày không biết! Này! Tao, tao biết! Mày đã trông thấy một cái chai thủy tinh màu lơ, niêm phong bằng xi vàng, trong đựng một thứ bột trắng, trên chai tao đã ghi: Nguy hiểm! Thế mày có biết cái gì ở trong đó không? Nhân ngôn! Và mày sắp mó vào cái đó! Lấy một cái chậu ở bên cạnh!

– Bên cạnh! – Bà Homais vừa chắp tay lại vừa thét lên. – Nhân ngôn ư? Ông có thể đầu độc tất cả nhà này đấy!

Thế là lũ trẻ kêu lên, như thể chúng đã cảm thấy trong ruột chúng quặn đau ghê gớm rồi.

– Hay là đầu độc một bệnh nhân! – Tay dược sĩ nói tiếp. – Thế mày muốn tao ra ngồi trên ghế tội nhân trong tòa đại hình ư? Muốn tao bị lôi lên máy chém ư? Mày còn lạ gì tao đã cẩn thận như thế nào trong việc pha chế thuốc, dẫu rằng tao đã quá quen cái đó ư? Luôn luôn tao tự nát tao khi tao nghĩ đến trách nhiệm của tao! Vì Chính phủ trừng trị chúng ta, và cái luật pháp phi lý chi phối chúng ta, như một lưỡi gươm thực sự của Damoclès treo trên đầu chúng ta!

Emma không còn nghĩ đến việc hỏi xem người ta muốn gì ở nàng, và tay được sĩ tiếp tục bằng những lời nói không ra hơi:

– Đây là mày báo đền công ơn của tao đối với mày! Đấy là mày thưởng tao về những sự chăm sóc hoàn toàn như cha con của tao đối với mày! Vì không có tao, mày sẽ ở đâu? Mày sẽ làm gì? Ai nuôi mày, may mặc cho mày, cấp cho mày mọi phương tiện để có ngày mày nên danh nên giá mở mặt với đời? Nhưng muốn được như thế, phải đổ mồ hôi nắm vững mái chèo, và như người ta nói, phải chai tay lên. Fabricando fil faber, age quod agis[22].

[22] Trong sự nghiệp làm nên bực thầy, mày làm gì cũng phải chú ý đến việc mày làm.

Y tuôn ra hàng tràng tiếng Latinh, vì y quá phẫn nộ. Y có thể nói tiếng Trung Quốc và tiếng Groenland, nếu y biết hai thứ tiếng ấy, vì y đang ở một trong những cơn khủng hoảng mà toàn bộ tâm hồn y bộc lộ lung tung cái gì nó chưa kín như đại dương trong cơn giông tố, tự phanh phui từ đám rong ở bờ biển cho đến cát nằm ở dưới đáy sâu. Và y lại nói:

– Tao bắt đầu hối hận ghê gớm vì đã cáng đáng con người của mày! Xưa kia tao cứ để mặc mày sống ngụp trong cảnh đói khổ và đê tiện đẻ ra mày thì hẳn còn tốt hơn! Mày chỉ làm nghề chăn súc vật có sừng được thôi! Mày chẳng có một chút khả năng nào về khoa học cả. Mày dán một cái nhãn hiệu cũng không xong! Vậy mà mày sống ở đó, trong nhà tao, như một đức cha, được nâng niu chăm sóc, ăn uống no say!

Vừa lúc đó, Emma, quay về phía bà Homais, nói:

– Người ta bảo tôi đến…

– À! Trời ơi, tôi biết thưa với bà thế nào đây?… Một tai họa! – Bà Homais buồn rầu ngắt lời.

Bà chưa nói hết lời thì tay dược sĩ gầm lên:

– Đổ sạch nó đi! Cọ rửa nó đi! Đem cất nó đi! Quàng lên nào! – Và, nắm lấy cổ áo Justin mà lay, y làm rơi một cuốn sách từ túi nó ra.

Thằng bé cúi xuống. Homais nhanh hơn, và, sau khi đã nhặt được cuốn sách, y ngắm nghía, mắt mở to, miệng há hốc.

– Tình yêu… vợ chồng! – Y tách bốn tiếng đó ra làm hai vế rồi chậm chạp đọc. – À! Hay lắm! Hay lắm! Đẹp lắm! Lại có cả tranh ảnh nữa!… Ôi! Thực quá quắt!

Bà Homais tiến đến.

– Không, mình đừng mó vào!

Lũ trẻ muốn xem các ảnh.

– Bước! – Y quát.

Thế là chúng ra ngoài chơi.

Thoạt tiên y dài bước từ dọc sang ngang, tay cầm cuốn sách để mở, đôi mắt đảo đi đảo lại; tức thở, sưng sỉa, choáng váng. Rồi, y tiến thẳng tới phía gã học trò của y, và y đứng sừng sững trước mặt nó, hai cánh tay khoanh lại:

– Vậy là mày có đủ mọi thói hư tật xấu ư? Thằng khốn kiếp kia?… Coi chừng đấy, mày đang ở trên một cái dốc!… Thế ra mày không nghĩ rằng cuốn sách khốn nạn này có thể rơi vào tay các con tao, nhóm tia lửa vào đầu óc chúng, làm u ám tâm hồn trong trắng của con Athalie, làm hư hỏng thằng Napoléon! Có thể nó đã hình thành như một người lớn rồi. Ít ra, mày có chắc chắn rằng chúng chưa đọc cuốn sách này không? Mày có thể chứng thực với tao…?

– Vậy thế, thưa ông, – Emma cất tiếng, – ông có điều gì muốn bảo tôi…?

– Quả thật, thưa bà… Ông bố chồng của bà đã chết!

Thực thế, ông Bovary bố vừa mất cách đây một hôm, mất đột ngột vì bị trúng phong sau khi ăn cơm; và do quá cẩn thận sợ Emma bị xúc động, Charles đã nhờ Homais báo cho nàng cái tin dữ dội này một cách thận trọng.

Y đã ngẫm nghĩ về câu sẽ nói, y đã sửa gọt, trau chuốt, làm cho nó nhịp nhàng; đó là một công trình tuyệt tác về đức tính khôn ngoan và về vai trò trung gian; về ngữ điệu tinh vi và về hành động tế nhị; nhưng cơn giận đã cuốn phăng cả tu từ học.

Emma, không hỏi thêm một chi tiết nào nữa, liền ra khỏi cửa hàng dược phẩm, vì Homais lại tiếp tục cái đà la mắng của y. Tuy nhiên, y cũng nguôi đi và, bây giờ, y vừa lẩm bẩm bằng một giọng nhân từ, vừa quạt cho mình bằng cái mũ trùm kiểu Hy Lạp.

– Không phải là tao bác bỏ hoàn toàn cuốn sách! Tác giả là một người thầy thuốc. Trong đó có ít nhiều khía cạnh khoa học cho một người lớn biết thì không phải là dở và tao còn dám nói rằng một người lớn phải biết mới được. Nhưng sau này, sau này cơ! Mày hãy đợi cho bản thân mày ít ra cũng thành người lớn đã và cho thể chất người mày hoàn thành đã.

Nghe tiếng Emma gõ cửa, Charles đang đợi nàng, dang hai cánh tay tiến ra và nói với nàng, giọng đẫm lệ:

– Ôi! Người vợ quý mến của anh…

Và hắn nhẹ nhàng cúi xuống hôn nàng. Nhưng, khi môi nàng vừa đụng tới môi hắn, nàng đột nhớ đến Léon; và nàng rùng mình lấy tay xoa mặt.

Tuy vậy, nàng cũng đáp:

– Có, em biết…, em biết…

Hắn đưa nàng xem bức thư trong đó mẹ hắn thuật lại biến cố xảy ra, không một chút tình cảm giả dối nào. Bà chỉ tiếc chồng bà không được tôn giáọ giúp đỡ, vì chết ở Doudeville, ngay ngoài phố, trên ngưỡng cửa một tiệm cà phê, sau một bữa ăn mừng đất nước cùng với một số sĩ quan cũ.

Emma trả lại bức thư; rồi đến bữa ăn chiều, vì phép xã giao, nàng làm ra chút vẻ không thiết ăn. Nhưng vì hắn cứ ép nàng, nàng mới quyết tâm ăn, còn Charles trước mặt nàng, ngồi trơ trơ trong một trạng thái quá đau khổ.

Thỉnh thoảng, ngửng đầu lên, hắn đưa cặp mắt buồn rười rượi nhìn nàng đăm đăm. Có một lần hắn thở dài:

– Anh những muốn được gặp lại ông cụ!

Nàng im lặng. Cuối cùng, hiểu rằng cần phải nói, nàng hỏi:

– Ông cụ thân sinh ra anh bao nhiêu tuổi?

– Năm mười tám tuổi!

-À!

Và thế là hết.

Mười lăm phút sau, hắn thêm:

– Tội nghiệp mẹ anh!… Bà cụ bây giờ sẽ ra sao?

Nàng phác một cử chỉ tỏ ý không biết.

Thấy nàng ít nói, Charles cho rằng nàng đau đớn và hắn kiềm chế mình không nói gì để khỏi làm tăng nỗi đau đớn khiến hắn xúc động ấy. Tuy nhiên, để thoát khỏi mối sầu thảm của riêng mình, hắn hỏi:

– Hôm qua, em có vui không?

– Có.

Khi khăn trải bàn đã được lấy đi, Bovary vẫn không đứng dậy. Emma cũng thế; và nàng càng nhìn thấy mặt hắn thì cái quang cảnh vô vị ấy càng xua đuổi dần dần khỏi lòng nàng mọi tình thương hại. Nàng thấy hắn dường như yếu đuối, nhu nhược, bất tài, rút cục lại, là một con người kém cỏi về mọi mặt. Làm thế nào rủ được hắn? Một buổi tối dài dằng dặc! Một cái gì tê mê như hơi thuốc phiện khiến nàng bàng hoàng.

Họ nghe thấy trong phòng đằng trước có tiếng lộc cộc của một cái gậy trên sàn. Đây là Hippolyte mang hành lý của bà về.

Để đặt các thứ xuống, gã phải xoay một cách khó nhọc một phần tư vòng bằng cái chân gỗ của hắn.

“Hắn chẳng nghĩ đến chuyện cũ nữa!” Nàng thầm nói khi nhìn thấy con người khốn khổ đó có món tóc chổi xể màu đỏ lã chã mồ hôi.

Bovary tìm tiền ở đáy túi; và, không có vẻ hiểu tất cả cái gì là nhục cho mình chỉ nguyên ở sự có mặt của con người đứng đó, như lời trách mắng tiêu biểu về cái thói ngu xuẩn không sửa chữa được của mình, hắn nói, khi hắn nhận thấy trên lò sưởi những bông hoa tím của Léon:

– Này! Em có một đóa hoa đẹp!

– Vâng, – nàng thản nhiên đáp; – đó là bó hoa em vừa mua… của một người đàn bà ăn xin.

Charles cầm hoa, và áp cặp mắt đỏ ngầu nước mắt vào hoa, hắn nhẹ nhàng ngửi hoa. Nàng vội giật những bông hoa ở tay hắn rồi đem cắm vào trong một cốc nước.

Ngày hôm sau, bà Bovary mẹ đến. Bà và con trai bà khóc nhiều. Emma, mượn cớ sai bảo người ở, tránh mặt.

Ngày hôm sau nữa, phải cùng nhau tính toán đến việc để tang. Họ mang hộp đồ khâu ra ngồi bên bờ nước dưới vòm cây.

Charles nghĩ tới bố, và hắn ngạc nhiên cảm thấy rất thương mến con người đó mà từ trước đến nay hắn vẫn tưởng chỉ yêu đại khái. Bà Bovary mẹ nhớ tới chồng. Bà đâm ra tiếc những ngày tồi tệ nhất xưa kia đang hiện ra trước mắt bà. Tất cả đều xóa mờ dưới lòng thương tiếc tự nhiên một thói quen quá lâu dài; và, chốc chốc một giọt lệ lớn lại chảy xuống dọc mũi bà và đọng lại ở đó một lát, khi bà đẩy mũi kim khâu. Emma thầm nghĩ mới chưa đầy bốn mươi tám giờ, họ đã sống bên nhau, xa cách thiên hạ, hoàn toàn trong một trạng thái mê mẩn, không đủ mắt mà ngắm nhìn nhau. Nàng cố nắm lại những chi tiết nhỏ nhặt nhất của cái ngày đã trôi biến đi đó. Nhưng sự có mặt của mẹ chồng và của chồng khiến nàng mất tự nhiên. Nàng muốn không nghe thấy gì, không trông thấy gì để khỏi trở ngại đến sư trầm tĩnh tưởng nhớ tới mối tình của nàng, dù nàng làm gì, nó cứ tiêu tan vì những cảm giác bên ngoài.

Nàng tháo lần lót của chiếc áo dài, từng mảnh vài nhỏ vung vãi xung quanh nàng; bà Bovary mẹ không nhìn lên, lách tách chiếc kéo và Charles, đi giày vải thô, mặc chiếc áo rơ-đanh-gôt cũ màu nâu dùng làm áo mặc trong nhà, ngồi đó, hai tay đút trong túi, miệng chẳng nói chẳng rằng; gần họ, con Berthe, đeo tạp dề trắng, lấy chiếc xẻng của nó san cát trên các lối đi.

Đột nhiên họ thấy Lheureux, tay buôn vải, vào nhà qua phía cửa rào.

Y đến xin giúp việc vì thấy gia đình có việc buồn. Emma biết, theo cảm nghĩ của nàng, có thể không cần phiền đến y. Tay lái buôn không chịu thua, y nói:

– Xin lỗi; tôi muốn được nói chuyện riêng.

Rối y khe khẽ tiếp lời:

– Về việc ấy…, ông biết?

Charles đỏ mặt tía tai:

– A! Vâng…, quả vậy.

Và, trong cơn bối rối, hắn quay về phía vợ:

– Em có thể… được không, em yêu?

Nàng tỏ vẻ hiểu ý, vì nàng đứng dậy, còn Charles nói với mẹ:

– Chẳng có gì đâu! Chắc hẳn là việc vặt nào đó trong nhà đấy thôi.

Hắn chẳng muốn cho mẹ biết chuyện cái giấy vay nợ sợ mẹ mắng.

Ngay lúc hai người vừa đứng riêng, Lheureux liền bằng những lời nói khá rõ ràng mừng Emma về sự kế thừa, rồi trò chuyện đến những cái không đâu, đến những giàn cây ăn quả áp tường, đến mùa màng và đến sức khỏe của bản thân y, thường thường cứ cù nhầy, khi ôm khi không. Quả thật y chịu khó đầu tắt mặt tối, tuy chẳng phải chỉ cần có tí bơ phết bánh, bất chấp miệng tiếng người đời.

Emma cứ để y nói… Nàng cực kỳ buồn thảm từ hai hôm nay!

– Thế là bà hoàn toàn hồi phục rồi! – Y nói tiếp. Nói thực, tôi đã thấy ông chồng đáng thương của bà trong tình trạng tội nghiệp! Thật là con người trung thực, dẫu rằng chúng tôi đã cùng có những mắc míu với nhau.

Nàng hỏi những mắc míu ấy là những mắc míu gì, vì Charles đã giấu nàng việc tranh luận về nhưng mặt hàng cung cấp.

– Thì bà biết rõ đấy thôi! – Lheureux nói. – Đó la những chiếc hòm du lịch theo sở thích của bà.

Y đã kéo mũ sụp xuống mắt, vắt hai bàn tay ra sau lưng, nhoẻn miệng cười và huýt sáo nhẹ, y nhìn thẳng vào mặt nàng một cách khó chịu. Hay y nghi ngờ điều gì? Nàng chìm đắm trong mọi thứ lo sợ. Cuối cùng, tuy nhiên, y lại nói:

– Chúng tôi đã làm lành với nhau và tôi đến đề nghị với ông một cách thu xếp.

Đó là gia hạn tấm ngân phiếu mà Bovary đã ký. Ông nhà, vả lại, tùy ý hành động; ông nhà chẳng nên băn khoăn, nhất là bây giờ ông lại sắp gặp hàng loạt khó khăn.

– Và thậm chí tốt hơn là ông nhà nên để người nào gánh vác những việc ấy, bà chẳng hạn; với một giấy ủy quyền thì tiện, và bây giờ chúng ta sẽ cùng nhau có những việc nhỏ…

Nàng không hiểu. Y lặng im. Sau đó, chuyển sang chuyện buôn bán, Lheureux tuyên bố nàng khổng thể từ chối không mua của y cái gì. Y sẽ gửi đến nàng thứ hàng len mỏng màu đen, mười hai mét, đủ may một chiếc áo dài.

Chiếc áo dài đó bà đang mặc kia kìa chỉ mặc trong nhà là tốt. Bà cần phải có một chiếc áo khoác để dùng trong những cuộc thăm viếng. Tôi đã thấy thế, ngay từ lúc bước chân vào đây. Tôi có con mắt của người dân Mỹ.

Y không gửi vải lại mà lại tự tay mang tới. Rồi y đo vải, y kiếm nhiều cớ khác để tới, cố gắng mỗi lần tới tỏ ra hòa nhã, ân cần, phục tùng, như cách nói của Homais và luôn luôn xui khéo Emma vài lời về việc ủy quyền. Y chẳng nói đến phiếu nợ. Nàng không nghĩ tới tờ giấy đó. Vào đầu thời kỳ nàng dưỡng bệnh, Charles kể qua cho nàng về nó; nhưng biết bao chuyện rối bời đã qua đầu óc nàng, nên nàng chẳng nhớ gì đến nó nữa. Vả lại, nàng tránh mở ra bất kỳ cuộc bàn cãi nào về quyền lợi. Bà Bovary mẹ ngạc nhiên và cho nàng thay đổi tính tình là do những ý thức về tôn giáo mà nàng đã tiêm nhiễm phải khi ốm đau.

Nhưng bà vừa đi khỏi, Emma đã làm cho Charles Bovary phải lạ lùng trước đầu óc thực tế của nàng. Đã đến lúc cần phải đi thăm dò tin tức, kiểm tra lại các món cầm đồ, xem xét nên làm một cuộc bán đấu giá hay một cuộc bán hạ giá.

Nàng liều lĩnh viện ra những thuật ngữ chuyên môn thốt lên những lời lẽ đao to búa lớn về trật tự, về tương lai, về dự kiến, và liên tục phóng đại những nỗi khó khăn của sự kế thừa đến mức một hôm nàng đưa cho hắn xem tờ mẫu của một bản giấy cho phép chung để “quản lý và kinh doanh các nghề nghiệp, tiến hành mọi sự vay mượn, ký nhận và chịu trách nhiệm mọi giấy tờ, trang trải mọi khoản tiền, v.v…”; Nàng đã lợi dụng được những bài học của Lheureux.

Charles ngây thơ hỏi nàng giấy ấy ở đâu ra?

– Do ông Guillaumin.

Và, với vẻ bình tĩnh nhất đời, nàng nói thêm:

– Em không tin cái đó lắm đâu. Các ông quản lý văn khế vẫn có tiếng tăm xấu thế! Có lẽ phải hỏi ý kiến… Chúng ta chỉ quen có… Ờ! Chẳng quen ai hết.

– Trừ phi Léon… – Charles, đang suy nghĩ, đáp.

Nhưng khó mà bàn tính với nhau bằng thư từ được. Thế là nàng tình nguyện đi làm việc ấy. Hắn thoái từ. Nàng cố nài. Một cuộc đột kích chăm lo cho nhau. Cuối cùng, nàng kêu lên bằng một giọng bướng bỉnh giả tạo:

– Không, cứ để em đi.

– Em tốt quá! – Hắn vừa nói vừa hôn trán nàng.

Ngay ngày hôm sau, nàng đáp chiếc xe Con én đi Rouen hỏi ý kiến Léon và nàng ở đó ba ngày.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.