Bà Bovary
Chương 4
Khách mời đi xe đến từ sớm, xe độc mã mới có mui, xe hai bánh có ghế dài, xe độc mã cũ không mui, xe hàng chở khách có diềm da, còn thanh niên các làng lân cận đứng thành hàng trên xe bò, tay bíu vào thành cho khỏi ngã, người bị xóc mạnh khi xe đi mau. Khách từ Goderville, từ Normanville, và từ Cany đến. Họ đều ở cách trang trại mười dặm. Người ta mời bà con hai họ; người ta làm lành cả với những bạn thân đã giận nhau; người ta cũng gửi thư đến những nơi quen biết từ lâu không gặp mặt.
Thỉnh thoảng lại có tiếng roi ngựa quất sau hàng rào; tức khắc cửa trang trại mở, một chiếc xe ngựa tiến vào. Phi đến bậc thềm đầu, nó đứng lại. Và khách trên xe đổ xuống mọi phía, vừa xoa gối vừa vươn vai. Các bà đội mũ trùm, vận áo dài kiểu thành thị, đeo dây đồng hồ vàng, giắt chéo hai đầu chiếc áo choàng ngắn vào thắt lưng hoặc ghim tấm khăn màu nhỏ bé vào phía sau lưng ngay dưới cái cổ để hở. Các chú bé, ăn mặc giống bố, có vẻ lúng túng trong bộ quần áo mới tinh (thậm chí chú hôm ấy mới dùng đôi bốt đầu tiên trong đời), và bên cạnh các chú, người ta thấy một cô gái đã lớn, khoảng mười bốn hay mười sáu tuổi, chắc là chị họ hay chị ruột của các chú, cứ im thin thít trong chiếc áo dài trắng may từ buổi đầu làm lễ thánh thể, nhân dịp này, được xuống gấu. Cô ta mặt đỏ bừng, ngơ ngác, tóc bóng nhẫy sáp hoa hồng, chỉ sợ bẩn tất tay. Vì không có đủ người hầu ngựa để tháo hết các xe, khách xắn tay áo làm lấy. Tuỳ theo địa vị khác nhau, họ vận áo lễ dài, áo rơ-đanh-gốt, áo vét, áo lễ ngắn, áo lễ dài tươm tất, được các gia đình trọng vọng và chỉ được rời khỏi tủ vào những dịp trọng thể; áo rơ-đanh-gốt đuôi loè xoè trước gió, cổ ống, túi rộng như cái bao; áo vét bằng da thô, thường đi với chiếc mũ cát két có vành đồng ở lưỡi trai; áo lễ lai áo vét rất ngắn, trên lưng có hai chiếc khuy đính gần nhau như hai con mắt, các vạt dường như bị một nhát rìu thợ mộc chém phải. Còn vài người (chắc chắn là sẽ phải ngồi ăn ở cuối bàn) mặc những chiếc áo thụng dùng trong lễ tiết, tức là một loại áo cổ bẻ xuống vai, lưng xếp thành nếp nhỏ, thân bó lại bằng một chiếc nẹp khâu tay.
Và những chiếc sơ mi phồng đằng trước ngực như những chiếc áo giáp! Mọi người đều mới cắt tóc, vành tai cách xa đầu, mặt cạo nhẵn. Thậm chí, vài ông dậy từ sớm tinh mơ để cạo râu, do đó đã gây ra những rạch chéo dưới mũi hay làm xước đi từng mảng da to bằng đồng ba quan dọc theo quai hàm, và những vết thương đó đã tấy đỏ lên khi đi đường gặp gió khiến những bộ mặt to trắng hớn hở ấy điểm ít vẩn hồng.
Toà thị chính cách trang trại nửa dặm. Người ta đi bộ tới và đi bộ về sau khi đã làm lễ ở nhà thờ. Đoàn người, thoạt tiên hợp nhất như một dải lụa màu lượn khúc trên cánh đồng dọc theo con đường nhỏ hẹp ngoằn ngoèo giữa lúa mì xanh, chẳng mấy chốc vươn dài ra, phân thành những toán nhỏ khác nhau mà trò chuyện kề cà. Đi đầu là người kéo đàn rong với chiếc viôlông quấn băng, tết hoa; sau đó đến cô dâu chú rể rồi họ hàng và bè bạn; cuối cùng là trẻ con, chúng nghịch ngắt những bôn hoa lúa mạch hoặc nô giỡn với nhau mà chẳng ai thấy.
Chiếc áo phủ ngoài của Emma, quá dài, thành hơi quét đất; chốc chốc nàng phải ngừng bước để kéo lên và, ngay lúc ấy, bằng những ngón tay đeo găng, nàng nhẹ nhàng nhặt những sợi cỏ may đầy gai nhỏ, còn Charles thì tay không đứng chờ nàng nhặt cho xong. Lão Rouault, đầu đội chiếc mũ hoa mới tinh, đôi tay được trùm kín bằng những đồ trang sức trên chiếc áo lễ đen, khoác tay bà Bovary mẹ. Còn ông Bovary bố, trong thâm tâm đã coi kinh cả đám người này, nên đến dự lễ mà chỉ mặc một chiếc áo rơ-đanh-gốt có hàng cúc kiểu nhà binh; ông tán tỉnh cô thôn nữ tóc vàng hoe với lời lẽ trai lơ nơi quán rượu làm cho cô này thẹn đỏ cả mặt, cất tiếng chào nhưng chẳng biết đáp lại thế nào. Những người khách khác thì nói chuyện làm ăn hoặc nghịch ngợm phía sau lưng nhau, chọc tức nhau trước cho vui. Lắng tai nghe, người ta vẫn thấy tiếng ò ử của chiếc viôlông do người chơi đàn rong tiếp tục kéo trên quãng đồng. Khi thấy đoàn người còn cách sau mình xa, anh ta dừng chân lại thở, lấy nhựa thông vuốt kỹ vĩ đàn để cho dây đàn kêu hơn, rồi anh ta lại tiếp bước, nâng lên hạ xuống cần đàn để tự mình bắt nhịp cho tốt. Tiếng đàn khiến những con chim nhỏ từ xa bay đi.
Trong gian nhà chứa xe, tiệc đã bày. Trên bàn có bốn khoanh thịt lưng bò, sáu đĩa thịt gà trộn, thịt bê áp chảo, ba chiếc đùi cừu. Chính giữa bàn bày một con lợn sữa quay trông thật là đẹp mắt, kèm bốn khúc dồi lợn độn rau chua. Ở các góc bàn, rượu mạnh được đựng trong những chiếc bình. Rượu táo loại nhẹ đóng trong chai, đùn bọt quánh lên quanh nút, và các cốc cũng đầy ắp rượu vang rót sẵn. Người ta đã trình bày trên mặt kem vàng đựng trong những đĩa lớn, thứ kem dễ nổi lên khi bàn ăn hơi bị lay động. Hai chữ đầu của tên đôi vợ chồng mới xoắn vào nhau theo kiểu chữ in xếp hình hoa lá. Người ta đã thuê hẳn một tay thợ làm bánh ở Yvetot để làm bánh bao có nhân và kẹo hạnh nhân. Vì mới đến làm ăn lần đầu trong vùng này, người thợ làm bánh đã chăm lo công việc một cách chu đáo; anh ta tự tay bưng lên, vào lúc ăn tráng miệng, một món bánh ngọt do mình dụng công trình bày khiến nhiều tiếng trầm trồ khen ngợi vang lên. Thoạt tiên, tầng dưới là một hình vuông bằng giấy bồi màu lam tượng trưng một ngôi đền có hành lang, hàng cột tượng nhỏ bằng hồ giả cẩm thạch được lắp khắp xung quanh, trong những khám thờ lóng lánh các vì sao cắt bằng giấy trang kim; rồi tầng thứ hai là một vọng lâu bằng bánh ngọt vùng Savoie có thành luỹ nhỏ bằng bạch chỉ, hạnh nhân, nho khô và cam múi, sau cùng nóc mái bằng là một đồng cỏ xanh có núi đá, hồ ao bằng mứt và những con thuyền bằng bỏ hạt dẻ cứng, một thần ái tình nho nhỏ đang vắt vẻo trên cây đu sôcôla mà hai cột gài trên hai nụ hồng thật như hai quả cầu nhỏ.
Người ta ăn đến tận chiều tối. Khi nào ngồi lâu quá đâm mỏi mệt, người ta ra sân chơi hoặc đi ném nút chai ở nhà kho, rồi lại trở về bàn tiệc. Có vài người, cuối cùng, ngủ ngay trên bàn, ngáy khò khò. Nhưng đến lúc uống cà phê, tất cả lại tỉnh táo; thế là, người ta bắt đầu ca hát, người ta thi nhau trổ sức khoẻ, cử tạ, đọ sức qua ngón tay cái, thử đội xe bò lên vai, người ta bông đùa hơi thô bạo, người ta ôm hôn các bà. Đến khuya, ngựa, nặng bụng vì lúa mạch, không chịu cho thắng vào xe để chở khách về nhà; chúng đá hậu, lồng lộn làm cho yên cương gẫy đứt, chủ xe phát bẳn hoặc cười rộ; rồi suốt đêm, dưới ánh trăng, trên khắp các nẻo đường vùng này, đã có những chiếc xe cuốn theo nước đại, đâm chồm vào các rãnh, nhảy qua những đống sỏi gạch, mắc vào các bờ dốc, với những người đàn bà hốt hoảng thò đầu ra cửa xe để nắm lấy dây cương.
Còn ai ở lại Bertaux thì uống rượu ở trong bếp đến tận sáng. Trẻ con ngủ vật dưới gầm ghế.
Cô dâu đã xin bố đề nghị khách tha cho nàng những trò đùa thường lệ. Thế mà vẫn có một người trong họ làm nghê buôn cá biển tươi (chính anh ta đã mang một đôi cá thờn bơn đến mừng đám cưới) bắt đầu ngậm nước, phun vào lỗ khoá. Lão Rouault kịp thời đi tới ngăn anh ta và giải thích cho anh ta rằng địa vị quan trọng của con rể lão không cho phép có những trò chơi bất lịch sự ấy. Anh ta nhượng bộ trước những lý lẽ ấy nhưng lòng hậm hực. Trong thâm tâm, anh ta cho lão Rouault là kênh kiệu. Anh ta liền đến nhập bọn với bốn, năm người khách mời ăn ở góc nhà; vì chẳng may vớ phải mấy lần toàn những miếng xương xẩu, họ cũng cho là mình bị tiếp đãi tồi, họ đang xì xào về cách đối xử của chủ nhân và bóng gió cầu mong chủ nhân khuynh gia bại sản.
Bà Bovary mẹ suốt ngày không hề hé răng. Người ta chẳng hỏi gì bà về cách ăn mặc của nàng dâu cũng như về cách xếp đặt tiệc cưới; bà rút lui sớm. Chồng bà, đáng lẽ theo bà đi nghỉ, lại sai người đi mua xì gà Saint-Victor rồi ngồi đến sáng, vừa hút vừa uống nước chanh pha rượu anh đào, một thứ rượu pha mà đám khách chưa từng biết bao giờ và dường như nó đã làm người ta càng tôn kính ông hơn.
Charles bản chất không phải là người quen bông đùa, nên bị lu mờ trong bữa tiệc. Hắn đối đáp không lấy gì làm đặc sắc trước những lời châm chọc, bỡn cợt, bóng gió, những lời tán tụng và cợt nhả mà người ta coi như là một nhiệm vụ phải nhắm vào hắn ngay từ lúc món canh bưng ra.
Hôm sau, ngược lại, hắn dường như là một con người khác. Người ta coi chính hắn là cô gái đồng trinh hôm trước. Trong khi đó thì cô dâu không để lộ mảy may cho người ta đóan ra được một điều gì. Những tay ranh mãnh nhất cũng chẳng biết đằng nào mà lần, và họ đã nhìn kỹ nàng, khi nàng đi qua, bằng những cái nhìn chăm chú quá mức. Nhưng Charles chẳng giấu giếm gì cả. Hắn gọi nàng là nhà tôi, mình mình tôi tôi với nàng, gặp ai cũng hỏi xem nàng đâu, đi tìm nàng khắp nơi, và thường kéo nàng ra sân mà ở đó, từ xa, qua các khe cây, người ta thấy hắn ôm ngang lưng nàng, vừa đi vừa nghiêng nửa thân mình về phía nàng, đầu hắn làm nhàu cả chiếc cổ áp chẽn của nàng.
Cưới được hai ngày, đôi vợ chồng đưa nhau đi. Charles, vì có bệnh nhân phải chữa, không thể vắng mặt lâu hơn. Lão Rouault cho xe ngựa đưa các con về và thân hành tiễn các con đến tận Vassonville. Tới đó, lão hôn con gái lần cuối rồi xuống xe. Đi được chừng trăm bước, lão đứng lại và thở dài vì lão thấy những chiếc bánh xe quay trong đám bụi mù xa dần. Rồi lão hồi tưởng đến ngày cưới của lão, thời xa xưa, lúc vợ lão có thai lần đầu; chính lão, lão cũng đã vui sướng trong cái buổi lão đưa vợ lão từ nhà bố vợ về nhà mình, khi lão đặt vợ ngồi sau mình trên lưng con ngựa chạy nước kiệu trên tuyết và đồng quê trắng xoá vì bấy giờ vào khoảng lễ Noel; vợ lão một tay nắm lấy lão, một tay đeo chiếc giỏ; giỏ làm những tua ren ở chiếc mũ xứ Caux của bà ấy, đôi khi, đập ngay cả vào mồm lão, và khi lão quay đầu lại, lão thấy bên mình, kề ngay vai lão, cái khuôn mặt nho nhỏ hồng hồng của vợ cứ lặng lẽ tươi cười chiếc lắc vàng cài trên mũ trùm đầu. Thỉnh thoảng bà ta lại lồng ngón tay vào ngực lão để sưởi ấm. Ôi, những chuyện ấy đã cũ kỹ quá rồi! Thế mà lão quay nhìn lại phía sau lưng, lão chẳng thấy gì trên đường cái cả. Lão cảm thấy buồn như một ngôi nhà trống; và trong đầu óc còn ám hơi men tiệc cưới những kỷ niệm đằm thắm xen lẫn với những tư tưởng đen tối, lão chợt có ý muốn dạo quanh phía nhà thờ. Song lão lại sợ nhìn thấy nhà thờ, lão lại càng buồn hơn nữa, lão bèn đi thẳng về nhà.
Vợ chồng Charles tới Tostes vào khoảng sáu giờ. Hàng xóm láng giềng đều đổ xô ra cửa sổ để xem mặt bà vợ mới của người thầy thuốc của họ.
Chị hầu gái ra mắt, chào hỏi bà chủ, xin lỗi về việc cơm nước chưa xong và, mời bà chủ trong lúc chờ đợi, hãy đi xem cho biết nhà biết cửa.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.