Bà Bovary
Chương 4
Léon, chẳng bao lâu tỏ vẻ trịch thượng với bạn bè; không nhập bọn với họ, và hoàn toàn lơ là các hồ sơ.
Y chờ đợi thư của nàng; y đọc đi đọc lại các bức thư ấy. Y viết thư cho nàng. Y gợi lại hình nàng bằng tất cả sức mạnh của lòng ham muốn và của những kỷ niệm. Nỗi thèm khát gặp lại nàng, đáng lẽ giảm đi vì nàng vắng mặt, lại tăng lên đến mức một buổi sáng thứ bảy y chuồn khỏi phòng luật sư.
Khi, từ đỉnh dốc, y thấy trong thung lũng cái tháp chuông nhà thờ với ngọn cờ bằng sắt tây quay trước gió, y cảm thấy cái khoái trá xen lẫn lòng kiêu hãnh đắc thắng và lòng thương xót vị kỷ của các nhà triệu phú thường có khi họ trở về thăm xóm làng.
Y lảng vảng quanh nhà nàng. Trong bếp có ánh sáng. Y rình bóng nàng sau rèm cửa. Chẳng có gì hiện ra cả.
Mụ Lefrançois, trông thấy y, la tướng lên, mụ thấy y “cao lên và mảnh đi”, còn Artémise, trái lại, thấy anh “khỏe ra và sạm lại”.
Y ăn trong phòng nhỏ như xưa, nhưng ngồi một mình, không có tay thu thuế; và Binet mệt mỏi do đợi xe Con én, đã dứt khoát ăn sớm hơn lên một tiếng đồng hồ, và, bây giờ ông ta được ăn bữa chiều vào lúc năm giờ đúng, ông ta vẫn luôn kêu là chiếc xe bà già về muộn.
Song Léon quyết định; y đến gõ cửa nhà viên thầy thuốc. Bà ở trên buồng, mười lăm phút sau bà mới xuống. Ông tỏ ra hoan hỉ được gặp lại y; nhưng suốt buổi tối hôm ấy và cả ngày hôm sau, y không nhúc nhích.
Y gặp nàng, lúc nàng có một mình, vào buổi tối, rất khuya; ở phía sau vườn, trong ngõ; – trong ngõ, như với người tình trước kia! Trời có cơn giông và họ trò chuyện dưới một cái ô, qua ánh chớp.
Cuộc chia tay trở nên khó lòng chịu đựng.
– Thà chết đi còn hơn! – Emma nói.
Nàng vừa quằn quại trong cánh tay y vừa khóc.
– Vĩnh biệt!… Vĩnh biệt!… Bao giờ em lại được gặp anh?
Họ đi rồi lại quay trở lại để ôm hôn nhau nữa; và chính lúc này nàng hứa với y chẳng bao lâu nữa sẽ, bằng bất cứ cách nào, nàng kiếm cơ hội thường xuyên gặp nhau tự do, ít ra mỗi tuần một lần, Emma dám chắc như thế. Vả lại, nàng chứa chan hy vọng. Tiền bạc sắp đến với nàng.
Cho nên, nàng sắm cho buồng nàng một đôi rèm vàng sọc lớn, mà Lheureux đã khoe là để giá rẻ cho nàng; nàng ước ao một tấm thảm, Lheureux quả quyết rằng “cái đó phải đâu là việc quá khó khăn”, y nhã nhặn hứa sẽ cung cấp cho nàng một tấm. Nàng không thể không cần đến những sự giúp đỡ của y. Hai mươi lần trong ngày, nàng cử người đi tìm y, và lập tức y đình công việc riêng của y lại, chẳng dám lẩm bẩm một lời. Người ta càng không hiểu tại sao mụ Rolet ngày nào cũng ăn sáng tại nhà nàng, và thậm chí lại còn có nhiều cuộc gặp gỡ riêng với nàng nữa.
Chính vào thời kỳ này, tức là khoảng đầu mùa đông, nàng dường như mắc chứng mê sảng mãnh liệt âm nhạc.
Một buổi tối, có Charles ngồi nghe, nàng đánh đi đánh lại bốn lần liền một bài, và luôn bực bội, còn Charles, không để ý tới tình trạng ở trong đó, lại kêu:
– Hoan hô!… Hay lắm!… Em lầm rồi! Cứ đánh đi mà!
– Ờ! Không! Dở quá! Ngón tay em bị yếu đi rồi.
Hôm sau, hắn lại đề nghị nàng đánh một bài gì cho hắn nghe.
– Được, để làm vui lòng anh!
Và Charles thú thực là nàng đã đánh sút đi chút ít. Nàng nhầm biểu nhạc, lúng túng, rồi, ngừng bặt:
– Ôi! Hỏng rồi! Em đến phải đi học; nhưng…
Nàng cắn môi và nói thêm:
– Hai mươi quan một bài, đắt quá.
– Ừ, quả thật… hơi đắt.., – Charles vừa nói vừa cười một cách ngốc nghếch. Nhưng anh thấy có lẽ người ta có thể mất ít hơn; vì có những nhạc sĩ không nổi tiếng mà thường khi lại giỏi hơn những bậc tài danh.
– Anh tìm họ đi, – Emma nói.
Hôm sau, khi về nhà, hắn ngắm nàng bằng con mắt láu lỉnh, và cuối cùng, không thể nhịn được, hắn nói câu này:
– Em đôi khi bướng bỉnh làm sao! Anh đã ở Barfeuchères hôm nay. Này nhé! Bà Liégeard đã chứng thực với anh ràng hôm cô con gái của bà ta, ở Hội Từ thiện, học nhạc có năm hào một buổi, mà lại là của một bà giáo cừ khôi!
Nàng nhún vai, và chẳng mở đàn ra nữa. Nhưng khi nàng đi qua gần đó (nếu có Bovary ở đó), nàng thở dài:
– Ôi! Chiếc đàn pianô tội nghiệp.
Và khi có người đến thăm nàng, nàng không quên nói với họ là nàng đã bỏ âm nhạc và bây giờ nàng không thể tiếp tục được vì những lý do bất đắc đĩ. Thế là khách ái ngại cho nàng. Đáng tiếc! Bà ta có tài đến thế! Họ nói chuyện ấy cả với Bovary. Họ làm hắn hổ thẹn, và nhất là tay dược sĩ:
– Ông có lỗi! Không bao giờ nên bỏ mặc những năng lực thiên nhiên, vả lại, ông bạn quý của tôi ơi, ông nên nghĩ rằng, để bà đi học, ông sẽ tiết kiệm được sau này khoản học âm nhạc của con gái ông! Tôi, tôi thấy rằng các bà mẹ phải tự mình dạy lấy con cái mình. Đó là một ý kiến của Rousseau, có lẽ còn hơi mới đấy; nhưng rồi sẽ đắc thắng, tôi chắc thế, như việc cho con bú và việc tiêm thuốc.
Thế là Charles, một lần nữa, trở lại vấn đề pianô kia. Emma chua xót đáp rằng tốt hơn là bán nó đi. Chiếc pianô tội nghiệp ấy, nó đã làm cho nàng thỏa mãn bao lần lòng kiêu hãnh của nàng, bây giờ mà trông thấy nó ra đi, thì đối với Bovary, khác nào như sự tự diệt khôn tả một phần bản thân nàng.
– Nếu em muốn…, – hắn nói, – thỉnh thoảng học một bài, thì cái đó, nói cho cùng, cũng chẳng phải là cực kỳ tốn kém.
– Nhưng đi học, – nàng đáp, – có liên tục mới có kết quả.
Thế đấy, nàng đã làm ra như thế để được chồng cho phép lên tỉnh, mỗi tuần một lần, gặp tình nhân của nàng. Sau một tháng, người ta cũng lại thấy nàng đã có nhiều tiến bộ đáng kể.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.