Bà Bovary

Chương 6



Nàng đã đọc truyện Paul và Virginie. Nàng đã mơ ước túp lều tre, anh mọi Domingo, con chó Fidèle, nhất là cái tình bạn dịu dàng của người em hiền hậu nào đó đi kiếm cho anh những quả chín đỏ ở những cây to cao hơn cả tháp chuông, hoặc chạy chân không trên bãi cát mang lại cho anh một tổ chim.

Khi nàng mười ba tuổi, cha nàng thân hành đưa nàng ra tỉnh, học tại tu viện. Hai cha con tạt vào một hàng cơm trong khu phố Saint-Gervais để ăn tối, ở đó hai cha con đã được dùng những chiếc đĩa hoa trình bày sự tích Công nương de la Vallière. Những lời chú giải trên đĩa, sây sát từng chỗ bởi những vết dao ăn, đều ca ngợi tôn giáo, cái tế nhị của trái tim và những cảnh tráng lệ ở cung đình.

Trong tu viện, hồi đầu, nàng chẳng những không cảm thấy buồn chán lại còn thích gần gụi cái bà xơ hiền từ; họ dẫn nàng đến giáo đường cho nàng khuây khoả, từ nhà ăn đến đó phải qua một hàng hiên dài. Suốt giờ chơi, nàng nô đùa, nàng hiểu kỹ giáo lý đại cương, và, gặp những câu hỏi khó, chính nàng bao giờ cũng trả lời được ông trợ tá. Cứ sống mãi không rời cái không khí ấm áp của các buổi học, giữa những phụ nữ trắng trẻo đeo tràng hạt có thánh giá bằng đồng, nàng thấy lòng nàng khuây dịu trong cái uỷ mị thần bí toát ra từ hương thờ, từ bình nước thánh mát rượi và từ ánh sáng của những ngọn bạch lạp. Đáng lẽ theo dõi buổi lễ, nàng lại ngắm những ảnh nhỏ viền màu lam trong sách kinh, và nàng thấy yêu con chiên ốm, yêu Chúa Jésus tội nghiệp ngã xuống khi bước lên cây thánh giá. Tập khổ hạnh, nàng thử nhịn ăn một ngày ròng, nàng moi đầu óc tìm lấy một ước nguyện để thực hiện.

Khi nàng đi xưng tội, nàng bịa ra những tội nhỏ, để ở lại đó lâu hơn. Nàng quỳ gối chắp tay trong bóng tối, mặt úp vào chấn song cửa nghe cha cố thì thầm. Những sự so sánh về vị hôn phu, về người chồng và người yêu trên thượng giới, về cuộc hôn nhân vĩnh cửu được lắp đi lắp lại trong lời thuyết pháp khiến nàng thấy tự đáy lòng dâng lên những dịu cảm đột ngột.

Buổi tối, trước lúc cầu kinh, người ta đọc sách đạo trong phòng học. Sách đọc để giải trí trong tuần là ít trang tóm tắt thánh sử hoặc những bài giảng của cha Frayssinous, và ngày chủ nhật là những đoạn trong cuốn Tinh thần Thiên Chúa giáo. Dường như nàng, lần đầu, lắng nghe tiếng ai oán vang dội của những mối sầu tư lãng mạn lắp đi lắp lại trong những âm hưởng của nơi trái đất và của chốn vĩnh hằng! Nếu như tuổi thơ của nàng đã trôi đi trong thời gian sau cửa hàng của một khu phố buôn bán thì có lẽ lòng nàng đã rộng mở để đón những cảm xúc trữ tình tràn ngập thiên nhiên, những cảm xúc thường chỉ đến với ta qua cách diễn đạt của nhà văn. Nhưng nàng lại quá biết rõ nông thôn, biết rõ tiếng cừu be be, biết rõ việc vắt sữa, cách cày bừa. Nàng vốn quen cảnh yên tĩnh, thế nhưng nàng cũng hướng tới cảnh sóng gió. Nàng chỉ thích biển cả qua những cơn giông tố, chỉ thích cỏ cây khi rải rác giữa cảnh vật hoang tàn. Điều cần thiết là nàng có thể rút ra được ở mọi vật một thứ hưởng thụ riêng tây; và nàng hưởng thụ trực tiếp của tâm hồn nàng vì nàng vốn có tính đa sầu đa cảm hơn là có tính nghệ sĩ, nàng cốt tìm cảm xúc chứ không phải tìm phong cảnh.

Trong tu viện có một cô gái lỡ thì tháng tháng đến làm việc tám ngày ở nơi may vá quần áo. Được toà Tổng Giám mục che chở, vì cô ta thuộc dòng dõi quý tộc phá sản dưới thời cách mạng, cô ta được ngồi ăn cùng bàn với các bà phước, và sau bữa, cô ta còn kề cà trò chuyện một lúc rồi mới đi lên chỗ làm việc. Thường các nữ sinh ký túc cũng trống khỏi buồng học để đến thăm cô ta. Cô ta thuộc lòng lắm bài tình ca của thế kỷ trước, cô ta vừa khe khẽ hát vừa đẩy mũi kim. Cô ta kể chuyện, thông báo tin tức cho mọi người, làm giúp người này người khác những việc vặt trên tỉnh, vụng trộm cho các nữ sinh lớn mượn một cuốn tiểu thuyết nào đó mà bao giờ cô ta cũng có sẵn trong túi tạp dề, và bản thân cô ta, cũng nghiến ngấu từng chương dài, những lúc nghỉ tay. Toàn là chuyện tình ái, nào chàng, nào nàng, các bà bị ngược đãi chết ngất trong những toà lầu biệt tịch, xà ích bị giết ở các trạm xe ngựa bị đâm thủng bụng trên mỗi trang sách, rừng sâu thẳm, lòng rối bời, lời thề nguyền, tiếng nức nở, những giọt lệ với những cái hôn, con thuyền dưới ánh trăng, chim hoạ mi trong khóm cây; những trang nam nhi dũng cảm như sư tử, hiền dịu như con chiên, đức hạnh hơn ai hết, bao giờ cũng quần áo chỉnh tề và khóc như mưa như gió. Năm mười lăm tuổi, suốt sáu tháng trời, Emma đã vấy tay trong bụi bám của những phòng đọc sách cổ lỗ đó. Với Walter Scott6 sau này, nàng ham mê những chuyện lịch sử, mơ màng rương sập, phòng cảnh vệ và những người hát rong. Nàng ước ao được sống trong một trang viện cổ kính nào đó như các nữ chúa lâu đài, tấm thân cao mảnh, cứ suốt tháng ngày, dưới hình tam điệp của vòm cửa nhọn, tì khuỷu tay trên phiến đá, tựa cằm vào lòng bàn tay, đăm đăm trong mong chờ một chàng kỵ sĩ áo lông trắng, cưỡi ngựa đen, phi từ cánh đồng xa thẳm tới. Hồi ấy nàng sùng ái Marie Stuart và nhiệt liệt tôn kính những phụ nữ nổi danh hoặc bạc mệnh.

Jeanne d’Arc, Héloise, Agnès Sorel, nàng Ferronnière và Clémence Isaure xinh đẹp, đối với nàng, nổi bật lên như những ngôi sao chổi trên bầu trời mênh mông đen tối của lịch sử, ở đó còn lác đác nổi lên một số nhân vật khác nhưng lu mờ hơn và chẳng có liên can gì với nhau cả, như thánh Louis với cây sồi, anh hùng Bayard đang tắt thở, vài hành động tàn bạo của vua Lousis XI, một ít hành động khác của Saint-Barthélemy, cái mũ lông của Henry người xứ Béarn, và bao giờ nàng cũng nhớ tới mấy cái đĩa hoa vẽ cảnh ca ngợi vua Lousis XIV.

Trong giờ học nhạc, những bài tình ca nàng hát chỉ toàn là chuyện thiên thần nhỏ có cánh vàng, chuyện Thánh Mẫu, chuyện đầm hồ, chuyện người chèo đò, những tác phẩm êm dịu mà qua phong cách chất phác và qua âm điệu vụng về của nó, nàng thoáng thấy những ảo ảnh hấp dẫn của những tình cảm thực tế. Vài cô bạn đã mang vào tu viện những cuốn sách lưu niệm uỷ mị. Phải giấu chúng đi, đó là một việc hệ trọng; chỉ xem chúng ở phòng ngủ thôi. Nâng niu những bìa sách đẹp bọc xa tanh, Emma, hoa mắt, chăm chăm nhìn tên các tác giả chưa từng quen biết, hầu tước hoặc tử tước, thường hay ký ngay bên dưới.

Nàng hồi hộp; hơi thở của nàng làm lật tung mảnh giấy lụa phủ các tranh ảnh, mảnh giấy gập lại nửa chừng rồi nhẹ nhàng rơi xuống trang sách. Đó là ảnh một chàng mặc áo choàng ngắn, đứng sau lan can một hiên gác, đang ôm chặt một cô gái vận áo dài trắng, đeo một túi tiền làm phúc ở dây lưng; hoặc đó là những chân dung vô danh của mấy phu nhân nước Anh, tóc xoăn vàng hoe dưới cái mũ rơm tròn, cứ nhìn người bằng cặp mắt to sáng. Người ta còn thấy có những bà ngồi trưng trong những xe lướt giữa công viên, một con chó săn chạy trước cỗ ngựa, hai xà ích thấp bé vận quần lửng trắng hướng ngựa đi nước kiệu. Lại có những bà khác, vừa mơ màng trên ghế bành dài bên một bức thư đã bóc niêm, vừa ngắm trăng qua cửa sổ hé mở có diềm che một nửa. Những cô gái ngây thơ, lệ nhỏ trên má, đang bón hạt cho một con chim gáy qua nan gỗ của một chiếc lồng cổ kính, hoặc miệng cười nụ, đầu ngả trên vai, các cô ngắt cánh hoa cúc bằng những ngón tay búp măng uốn cong như những chiếc hài mũi nhọn. Và các ngài nữa, các ngài cũng có mặt ở đâu, các ngài Hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ ngậm tẩu thuốc dài, đắm say dưới giàn cây trong các cô vũ nữ, giữa đám gươm Thổ, mũ Hy Lạp, và nhất là các phong cảnh nhợt nhạt của những miền kỳ ảo, thường phô bày trước ta một loạt cây gồi, cây tùng, những con hùm bên phải, một con sư tử bên trái, những tháp chùa Hồi giáo ở chân trời, những thành quách La Mã huỷ hoại ở cận cảnh, rồi những con lạc đà phủ phục – tất cả đóng khung trong một cánh rừng hoang sạch như chùi với một tia nắng lớn thẳng đứng rung rinh dưới nước, ở đó nổi bật lên những con thiên nga đang bời riêng rẽ thành những vệt sây sát trắng xoá trên nền thép xám.

Và cái chao đèn dầu treo ở bức tường trên đầu Emma đã chiếu sáng tất cả những bức tranh thế gian đó lần lượt diễu qua trước mắt nàng trong cái yên tĩnh của phòng ngủ cùng tiếng động xa xa của chiếc xe ngựa nào chậm trễ còn lăn bánh trên đại lộ.

Những ngày đầu khi mẹ mất, ngàng khóc nhiều, nàng thuê làm một bức trướng với món tóc của người quá cố, và, trong một bức thư nàng gửi về Bertaux đầy những ý nghĩ buồn thảm về cuộc sống, nàng yêu cầu sau này người ta chôn nàng vào cùng một huyệt với mẹ nàng. Ông bố tưởng con ốm, bèn lên thăm. Emma, thầm đắc ý, thấy ngay từ bước đầu nàng đã đạt tới cái lý tưởng hãn hữu ấy của những con người yểu mệnh mà chẳng bao giờ những tâm hồn phàm tục có thể vươn tới được. Thế là nàng bước tuột vào con đường khúc khuỷu của nàng thơ Lamartine, lắng nghe tiếng đàn hát trên mặt hồ tiếng thiên nga hấp hối, tiếng lá rụng từng hồi, tiếng trinh nữ thanh tao bay lên trời, và tiếng đấng Vĩnh hằng phán truyền trong thung lũng. Nàng thấy chán, không muốn thừa nhận điều đó, cứ tiếp tục làm thế vì thói quen, sau vì sĩ diện, cuối cùng nàng cũng chẳng ngạc nhiên thấy mình đã bình tâm lại, lòng chẳng buồn nữa mà trán cũng chẳng răn thêm.

Các bà phước, trước quá tin ở thiên hướng của nàng nay rất ngạc nhiên mà nhận thấy rằng cô Rauoult dường như thoát vòng chăm sóc của các bà. Mà thực, các bà đã ban cho nàng bao ân huệ, bao thời gian nghỉ ngơi, bao cửu nhật lễ tuần, bao lời thuyết giáo; các bà đã dạy cô rất kỹ lòng tôn kính các đấng thánh thần, các bậc tử vì đạo, đã khuyên răn cô quá nhiều về đức tính giản dị của phần xác và hạnh phúc vĩnh viễn của phần hồn đến nỗi nàng như con ngựa bị kéo ghì bởi dây cương phải đứng sững lại và nhả hàm thiếc ra. Đầu óc ấy, thực tế giữa những cảm hứng của nàng, đã yêu nhà thơ vì hoa, đã yêu âm nhạc là vì những lời tình ca, và đã yêu văn chương là vì những kích thích tình dục, nổi loạn trước những bí ẩn của tín ngưỡng, cũng như nàng càng bất bình hơn đối với kỷ luật, nó là cái trái ngược với thể chất của nàng. Khi cha nàng xin cho nàng ra khỏi tu viện, người ta không lấy làm phiền về việc nàng đi. Thậm chí bà Nhất lại còn thấy thời gian gần đó, nàng đã tỏ ra kém phần tôn kính giáo hội.

Emma về nhà, thoạt tiên, còn thích cai quản kẻ hầu người hạ, sau đó phát chán thôn quê và đâm ra nhớ tiếc tu viện. Khi Charles đến ấp Bertuax lần đầu, nàng tự coi như mình đã tỉnh mộng lắm rồi, nàng chả còn gì để học hỏi nữa, chả còn gì để cảm xúc nữa.

Nhưng mối băn khoăn về trạng thái mới, hoặc có lẽ nỗi xao xuyến sinh ra bởi sự có mặt của người đàn ông ấy, đủ khiến nàng tin rằng nàng rút cục đã có trong mình ngọn lửa lòng kỳ ảo đó mà tới nay nó vẫn cứ đứng xa như một con chim lớn cánh hồng liệng bay trên bầu trời thơ mộng rực sáng; và bây giờ nàng không thể tưởng tượng được rằng cái bình thản mà nàng đang sống đây lại là niềm hạnh phúc mà nàng đã hằng mơ ước.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.