Bà Bovary

Chương 7



Hôm sau, đối với Emma, là một ngày ảm đạm. Tất cả dường như bị bao phủ bởi một bầu không khí buồn thảm, chập chờn không rõ rệt bên ngoài mọi vật, và nỗi phiền muộn ùa vào tâm hồn nàng với những tiếng rít khe khẽ như gió mùa đông luồn vào các lâu đài bỏ vắng. Đó là sự mơ tưởng vẩn vơ về điều gì không trở lại nữa, cái chán nản mà người ta cảm thấy sau mỗi sự việc đã xảy ra rồi, nói tóm lại, đó là nỗi đau đớn đến với họ do sự đoạn tuyệt với mọi cử động đã quen, sự đình chỉ đột ngột của một sự rung động kéo dài.

Cũng như hồi ở lâu đài Vaubyessard về, khi những điệu nhạc khiêu vũ còn quay cuồng trong đầu óc, nàng cảm thấy nỗi buồn rười rượi, một niềm tuyệt vọng tái tê. Léon lại xuất hiện to lớn hơn, đẹp đẽ hơn, dễ thương hơn, mơ hồ hơn; dẫu rằng anh ta đã xa cách nàng, anh ta không rời bỏ nàng, anh ta còn đó, và những bức tường nhà dường như còn giữ lại hình bóng anh ta. Nàng không thể rời mắt khỏi bức thảm trên đó, anh ta đã bước đi, những chiếc ghế trông mà anh ta đã ngồi. Dòng sông con vẫn chảy và thong thả xô đẩy những làn sóng nhỏ của nó dọc đôi bờ dễ trượt. Họ đã dạo chơi trên đó nhiều lần, vẫn những tiếng nước róc rách ấy, trên những hòn sỏi phủ rêu. Họ đã qua những ngày nắng ấm xiết bao! Những buổi chiều hè dễ chịu biết chừng nào, chỉ có hai người, dưới bóng mát, cuối vườn! Anh ta cất cao giọng đọc sách, đầu trần, mình ngôi trên ghế mép bằng những đoạn gỗ khô! Gió mát từ đồng cỏ làm rung động những trang sách và những cành hoa kim liên trên giàn. Ôi! Anh ta đã đi mất, niềm vui thú duy nhất của đời nàng, mối hy vọng duy nhất về hạnh phúc có thể thực hiện được! Sao nàng chẳng nắm lấy cái hạnh phúc đó khi nó hiện ra! Sao chẳng lấy hai tay, hai đầu gối mà giữ nó lại, khi nó muốn chạy trốn? Rồi nàng tự nguyền rủa mình đã chẳng yêu Léon! Nàng khao khát cặp môi của anh ta. Nàng những muốn chạy đuổi kịp anh ta, lao mình vào cánh tay anh ta, bảo anh ta rằng: “Em đây, em thuộc về anh!”. Nhưng Emma lúng túng trước vì những nỗi khó khăn của việc làm, và những ham muốn của nàng, cộng thêm sự hối tiếc, chỉ càng làm cho nàng thêm háo hức.

Từ đó, nỗi nhớ Léon như là trung tâm mối buồn của nàng; nó sáng ngời ở đó hơn cả ngọn lửa của khách đi đường bỏ lại trên tuyết trong một thảo nguyên. Nàng lao mình vào nó, nàng nép mình vào nó, nàng thận trọng khêu lại cái lò sắp tàn đó, nàng đi tìm khắp mọi chỗ quanh nàng cái gì có thể làm nó chạy rực hơn; và những hồi tưởng xa xăm nhất cũng như những cơ hội gần gũi nhất, cái nàng cảm thấy với cái nàng tưởng tượng, những thèm muốn khoái lạc đã tản mạn, những dự tính về hạnh phúc đã kêu răng rắc trước gió như những cành khô, cái đức hạnh vô bổ của nàng, những hy vọng rơi rụng của nàng, cái rơm rác trong nhà, nàng nhặt tất, lấy tất và dùng tất để hâm nóng lại mối u buồn của nàng.

Song, những ngọn lửa đó dịu đi, hoặc vì chất đốt dự trữ đã cạn đi, hoặc vì nó được chồng chất quá nhiều. Tình yêu đã tắt đi và xa vắng, tiếc thương đã mất đi vì thói quen; và ánh lửa cháy đỏ bầu trời xanh nhạt của nàng đã bị bóng tối kéo đến xóa dần dần. Trong tình trạng trì trệ của ý thức, nàng thậm chí đã lẫn lộn lòng ghét bỏ chồng với những khát vọng về tình nhân, lẫn lộn những cái cháy bỏng của căm hờn với những cái nồng nhiệt của tình yêu; nhưng vì cơn giông cứ thổi mãi, dục vọng đã tiêu hủy đến tro tàn, vì chẳng có sự chạy chữa nào tới, chẳng có ánh sáng nào ló ra, nên khắp bốn bề đêm tối mịt mùng, và nàng bị hút vào một cơn gió lạnh khủng khiếp xuyên qua người nàng.

Thế là những ngày bi thảm ở Tostes lại bắt đầu trở lại. Lúc này, nàng thấy mình khổ sở hơn nhiều vì nàng đã kinh qua nỗi đau buồn mà nàng tin chắc nó chẳng bao giờ chấm dứt.

Một người đàn bà đã tự bắt mình phải chịu những hy sinh to lớn như thế rất có thể cho phép mình làm những chuyện ngông cuồng. Nàng sắm cho mình một cái ghế cầu kinh kiểu cũ, nàng bỏ ra mỗi tháng mười bốn quan tiền để mua chanh rửa móng tay; nàng viết thư đi Rouen để kiếm một chiếc áo dài bằng lông dê pha len xanh; nàng kén ở cửa hàng Lheureux một khăn quàng đẹp nhất; nàng thắt nó ra ngoài chiếc áo dài mặc trong nhà của nàng; và, cửa đóng lại, tay cầm một cuốn sách, nàng nằm dài trên ghế trường kỷ, với lối ăn mặc nhố nhăng như thế.

Lắm khi nàng thay đổi cách kết tóc: Khi thì theo kiểu Trung Quốc, khi thì uốn mềm, khi thì kết bím; nàng rẽ đường ngôi bên và cuộn tóc ở phía dưới lên như một người đàn ông.

Nàng muốn học tiếng ý; nàng mua nhiều từ điển, một cuốn ngữ pháp, một ít giấy trắng dự trữ. Nàng thử đọc những loại sách đúng đắn, sử ký và triết học. Ban đêm, đôi khi, Charles choàng tỉnh dậy, tưởng có người đến tìm mình đi thăm bệnh nhân:

– Tôi đi đây, – hắn lúng búng nói.

Và đó là tiếng diêm Emma đánh để thắp đèn. Nhưng sách đọc cũng như thảm dệt, cái nào cũng là cái nàng mới bắt đầu làm, chất đầy tủ áo; nàng mở chúng ra, rồi bỏ chúng đấy, chuyển sang những cái khác.

Nàng có những cái hăng quá đáng, dễ bị người ta xô đẩy đến những hành động ngông cuồng. Một hôm để đối chọi với chồng, nàng quả quyết nàng uống được nửa cốc to rượu mạnh và nàng, đã uống cạn khi Charles đã ngu xuẩn thách thức nàng.

Mặc dầu nàng hay đùa giỡn (đó là lời của các bà tử tế ở Yonville), Emma vẫn không tỏ ra vui vẻ, và thường lệ ở khóe miệng nàng đọng lại một vết co không thay đổi, nó làm nhăn nhúm mặt các cô gái có tuổi và mặt những kẻ tham lam bất mãn. Người nàng xanh xao, xanh như tàu lá; da mũi kéo về phía lỗ mũi, mắt nhìn người một cách mơ hồ. Mới thấy cái tóc bạc lộ ra ở hai bên thái dương, nàng đã nói đến chuyện nàng già.

Nhiều lần nàng thấy nàng suy nhược. Thậm chí một hôm, nàng khạc ra máu. Charles tất tả chạy lại, có vẻ lo lắng:

– Ồ hay! – Nàng nói – Cái đó có sao?

Charles lánh sang phòng làm việc rồi hắn ngồi vào chiếc ghế bành, hắn khóc, hai khuỷu tay tì trên mặt bàn, bên dưới cái sọ não tướng học.

Hắn liền viết thư mời mẹ hắn tới, và hai người cùng nhau bàn bạc rất lâu về Emma.

Giải quyết ra sao? Làm gì bây giờ vì nàng từ chối mọi sự điều trị.

– Anh có biết vợ anh cần gì không? – Bà Bovary mẹ nói. – Cần loại công việc cưỡng bức, cần thứ lao động chân tay! Nếu nó cũng như bao đứa khác, buộc phải kiếm lấy miếng ăn, nó đã chẳng có những ám ảnh hão huyền do hàng đống tư tưởng nhồi nhét vào đầu óc nó và do cảnh ăn không ngồi rồi của nó.

– Song nhà con cũng bận, – Charles nói.

– À! Nó bận! Bận gì nào? Bận xem tiểu thuyết, đọc những cuốn sách tệ hại; những cuốn sách chống tôn giáo trong đó họ nhạo báng các mục sư bằng những lời lẽ trích ra từ Voltaire. Tất cả những cái đó đưa đi xa đấy, con trai đáng thương của mẹ ạ, và kẻ nào vô tôn giáo cuối cùng bao giờ cũng đâm ra hư hỏng.

Thế là họ quyết định ngăn không cho Emma đọc tiểu thuyết. Công việc xem chừng chẳng dễ. Bà mẹ nhận phần: khi nào qua Rouen, bà phải thân hành đến nhà người cho thuê sách bảo với người ta rằng Emma thôi không thuê sách nữa. Phải đâu người ta không có quyền báo cảnh sát, nếu chủ hiệu cứ khăng khăng làm cái nghề đần độn đó?

Mẹ chồng và nàng dâu lạnh nhạt từ biệt nhau. Trong ba tuần sống chung, họ không trao đổi với nhau đến một lời, ngoài những câu thăm hỏi và chào mời khi gặp nhau ở bữa ăn và buổi tối trước khi đi ngủ.

Bà Bovary mẹ ra về vào một ngày thứ tư, ngày phiên chợ ở Yonville.

Nơi này, ngay từ sáng sớm đã ngổn ngang một dãy xe bò đặt ngược càng lên trời, rải dọc theo bên ngày đường từ nhà thờ đến quán hàng ăn. Bên kia đường là những lều vải bán hàng sợi bông, chăn đắp và tất len, với những dây buộc cổ ngựa và những kiện băng xanh lơ, đầu bay trước gió. Đồ đồng và đồ sắt được bày trên mặt đất, giữa những đống trứng chất có ngọn và những chiếc thùng nhỏ phó mát, ở đó thò ra những cọng rơm nhầy nhụa; gần những cái máy xay lúa, những con gà mái, cục cục trong những chiếc lồng dẹt, thò cổ qua các thanh nan. Đám đông, chen chúc tại một chỗ mà chẳng muốn nhích đi, có những lúc tưởng làm vỡ mặt trước cửa hàng dược phẩm. Vào những ngày thứ tư, cửa hàng này không có lúc nào ngớt người và người ta xô đẩy nhau trong đó, để mua thuốc ít hơn là để khám bệnh, vì Homais nổi tiếng ở các làng xung quanh. Tính quả quyết vững vàng của y đã mê hoặc dân quê. Họ coi y là một thầy thuốc tài giỏi hơn hết thảy các thầy thuốc.

Emma ngồi tì tay bên cửa sổ (nàng thường ngồi ở đấy; cửa sổ, ở tỉnh, thay thế các rạp hát và đi dạo) và nàng đang vui nhìn đám người nhà quê ồn ào thì nàng chợt trông thấy một ông vận chiếc áo rơ-đanh-gôt bằng nhung màu xanh lá cây. Ông ta đi găng tay màu vàng, tuy chân đi đôi ghệt cứng; và ông ta tiến về phía nhà người thầy thuốc, theo sau ông ta là một người nông dân đi cúi mặt, vẻ đăm chiêu.

– Tôi có thể gặp ông chủ được chứ? – Ông ta hỏi Justin đang trò chuyện với Félicité ở thềm nhà.

Và tưởng anh ta là người hầu ở trong nhà, ông ta nói:

– Anh thưa với ông là có ông Rodolphe Boulanger ở la Huchette đến.

Không phải vì muốn khoe khoang địa phương mình nên người vừa đến đã thêm vào tên mình mà chẳng qua là để muốn người ta biết rõ mình hơn, la Huchette, quả vậy, là một ấp gần Yonville mà ông ta vừa tậu một tòa lâu đài với hai trang trại ở đấy, tự mình trồng trọt lấy, không chút câu nệ. Ông ta sống độc thân và được coi là người có ít ra là một vạn rưởi tiền lợi tức hàng năm!

Charles bước vào phòng. Ông Boulanger giới thiệu người hầu của mình muốn chích máu vì hắn cảm thấy như kiến bò khắp người.

– Như thế sẽ tẩy máu cho tôi, – hắn khăng khăng bác lại mọi điều giảng giải.

Thế là Bovary bắt đầu mang một cuộn băng và một cái chậu ra đồng thời thời nhờ Justin đỡ cái chậu. Rồi hắn nói với người dân làng đã tái mặt:

– Đừng sợ, ông bạn dũng cảm ạ!

– Không, không, – gã kia đáp, – ông cứ làm đi!

Và, bằng một vẻ phách lối, gã giơ cánh tay to của gã. Lưỡi dao chích vào, máu vọt ra và bắn tung tóe lên mặt gương.

– Để gần cái chậu lại! – Charles gắt.

– Kinh chưa! – Người nhà quê nói, – cứ như cái vòi nước nhỏ đang chảy! Máu tôi đỏ thật! Hẳn là dấu hiệu tốt phải không?

– Cũng có khi, – người thầy thuốc đáp lại, – lúc đầu người ta không cảm thấy gì, thế rồi chứng ngất sinh ra, nhất là ở những người có cơ thể khỏe mạnh như bác đây.

Nghe thấy thế, người nông dân thả cái ống đang xoay trong tay. Vai anh ta giật thót lên, làm cho cái lưng ghế anh ta ngồi kêu răng rắc. Mũ anh ta rơi xuống.

– Tôi đã biết mà, – Bovary vừa nói vừa ấn ngón tay vào tĩnh mạch. Cái chậu bắt đầu rung trong tay Justin, đầu gối anh ta lảo đảo, mặt anh ta tái mét.

– Mình ơi! Mình ơi! – Charles gọi.

Nàng ù té xuống thang.

– Lấy giấm! – Hắn kêu. – Chà! Trời ơi, cả hai người cùng bị. – Và, trong cơn xúc động, hắn đặt cái gạc một cách khó khăn.

– Không sao, – Rodolphe hoàn toàn bình tĩnh nói trong lúc lấy hai cánh tay giữ người Justin.

Và ông ta đặt Justin ngồi lên bàn, lưng dựa vào tường.

Bà Bovary tháo ca vát gã ra. Dây buộc sơ mi của gã bị thắt nút; nàng nhẹ nhàng nghí ngoáy những ngón tay mấy phút ở cổ gã; rồi nàng đổ giấm vào chiếc mùi soa vải phin của nàng; nàng đập khẽ cái khăn ướt vào hai thái dương gã và nàng dịu dàng thổi lên trên.

Người đẩy xe bò đã tỉnh lại, nhưng Justin vẫn còn ngất và con ngươi gã khuất đi trong lòng trắng nhợt nhạt như những bông hoa xanh lơ trong sữa.

– Đáng lẽ không nên để cho anh ta nhìn thấy cái kia, – Charles nói.

Bà Bovary cầm cái chậu để vào gầm bàn; khi nàng nghiêng mình xuống, chiếc áo dài của nàng (đó là chiếc áo dài mùa hè có bốn dải, màu vàng, thân dài, xiêm rộng), chiếc áo dài của nàng xòe ra xung quanh nàng trên những viên gạch lát; và, nhân Emma cúi xuống, hơi lảo đảo lúc dang tay, vải áo phồng lên lại hõm xuống từ chỗ này đến chỗ khác, tùy theo những nét uống của mình nàng. Rồi nàng đi lấy một bình nước, và khi nàng đang ngoáy cho tan mấy miếng đường thì tay dược sĩ tới, người hầu gái đã đi tìm y trong lúc y đang mắng chửi ầm ĩ. Nhìn thấy người học trò mình mắt đã mở, y lấy lại hơi. Rồi đi quanh người gã, y nhìn gã từ đầu đến chân.

– Ngốc! – Y nói; – đúng là đồ ngốc, ngốc thực sự, ngốc hoàn toàn! Chích máu chảy ra là chuyện to tát gì, một thằng khỏe mạnh không sợ gì cả! Một loài sóc, như các ông bà thấy đấy, leo cao đến chóng mặt để rung hạt dẻ! à phải, mày nói đi, khoe mình đi! Đấy mới là những tư cách tốt đẹp để sau này làm nghề dược phẩm; vì mày có thể, trong những trường hợp hệ trọng, được gọi ra trước tòa án để soi sáng ý thức của các quan tòa; vậy mà vẫn phải bình tĩnh, lý luận, tỏ ra mình là con người, nếu không bị coi là thằng ngu độn!

Justin không trả lời. Tay dược sĩ nói tiếp:

– Ai khiến mày đến đây? Mày cứ luôn luôn làm phiền ông bà đây! Vả lại, thứ tư nào tao cũng cần đến mày. Hiện giờ có hai mươi người đang chờ ở nhà. Tao đã phải bỏ cả đấy, vì quan tâm đến mày. Thôi cút đi! Xéo đi! Đợi tao ở nhà và trông coi những bình thuốc đấy!

Khi Justin, mặc áo vào, đi khỏi, người ta nói chuyện đôi chút về những cơn ngất. Bà Bovary chẳng bị bao giờ.

– Thế thì khác thường đối với một phụ nữ đấy, – ông Boulanger nói. – Vả lại, có những người rất yếu đuối. Như tôi đã thấy, trong một cuộc đọ súng, một nhân chứng mới chỉ nghe tiếng lắp đạn vào súng lục đã chết ngất.

– Tôi, – tay dược sĩ nói, – trông thấy máu người khác, tôi chẳng làm sao cả, nhưng chỉ nói đến máu mình chảy là tôi đã thất thần, nếu tôi nghĩ ngợi về nó nhiều quá.

Vào lúc ấy ông Boulanger vừa đuổi người hầu của mình về, vừa khuyên nó phải yên tâm vì cái sở thích vớ vẩn của nó đã qua rồi.

– Cái sở thích đó đã cho tôi được cái lợi quen biết ông bà, – y nói thêm.

Và y nhìn Emma suốt lúc y nói ra câu ấy.

Rồi y đặt ba quan trên góc bàn, chào qua loa và ra đi.

Chẳng mấy lúc y đã ở phía bên kia sông (đó là con đường về la Huchette); và Emma thấy y trong cánh đồng cỏ, đi dưới những cây bạch dương, chốc chốc lại bước chậm lại như một người đang suy nghĩ.

“Chị ta xinh lắm!” Y thầm nói; “vợ người thầy thuốc ấy, chị ta xinh lắm! Răng đẹp, mắt đen, chân thon và dáng điệu như một phụ nữ Paris. Chị ta ở quái đâu ra nhỉ? Cái anh chàng cục mịch ấy kiếm được chị ta ở chỗ nào thế?”

Ông Rodolphe Boulanger ba mươi tư tuổi; tính tình thô bạo nhưng đầu óc mình mẫn, y đã giao thiệp với đàn bà nhiều và rất sành sỏi về mặt đó. Y thấy người phụ nữ này đẹp; thế là y mơ tưởng đến nàng và chồng nàng.

“Mình tin là anh chồng ngốc lắm. Chị ta hẳn chán hắn. Hắn để móng tay bẩn và ba ngày không cạo râu. Trong khi hắn lon ton đến với bệnh nhân, chị ta ở nhà vá víu bít tất. Thế rồi chị ta đâm buồn nản! Chị ta những muốn ở ngoài tỉnh để tối nào cũng nhảy điệu polka. Tội nghiệp cho người thiếu phụ ấy! Chị ta khao khát yêu đương như cá chép trên bàn nhà bếp khao khát dòng nước. Chỉ vài lời tán tỉnh, mình chắc chắn là chị ta yêu quý mình! Điều đó sẽ là thắm thiết, thú vị!… Ừ, phải, nhưng rồi gỡ ra bằng cách nào?”

Thế là những trở ngại của lạc thú mường tượng trong viễn ảnh làm cho y, qua sự đối chiếu, nghĩ đến tình nhân của y. Đó là một ả đào hát ở Rouen mà y đang bao; và, khi dừng lại ở cái hình ảnh mà chỉ nhớ lại thôi, y đã chán ngấy. Y nghĩ:

“Chà! Bà Bovary đẹp hơn ả nhiều, nhất là tươi trẻ hơn. Virginie quả thật, đã bắt đầu béo ra một cách quá đáng. Ả làm cho người ta chán ngấy với những mối hoan hỉ của ả. Và hơn thế nữa, ả còn có cái thói õng ẹo làm sao!

Đồng quê vắng ngắt, và Rodolphe chỉ nghe thấy quanh mình tiếng cỏ đập đều vào giày y, cùng với tiếng dế mèn nấp ở xa dưới lúa mạch. Y hình dung lại Emma trong căn phòng, ăn mặc như y đã trông thấy, và y tưởng tượng y cởi áo nàng ra.

– “ờ! Ta sẽ chiếm được chị ta”, y vừa kêu vừa lấy gậy đập tan một cục đất trước mặt.

Và lập tức, y xem xét mặt chính trị của mưu đồ, y tự hỏi:

“Gặp nhau ở đâu? Bằng cách nào? Người ta lúc nào cũng có đứa bé trên vai và người hầu gái, hàng xóm, anh chồng, mọi thứ mắc míu đáng kể. “Chà!” Y nói, “mình mất vào đấy nhiều thời giờ quá!”

Rồi y trở lại ý nghĩ lúc đầu.

“Là vì nàng có cặp mắt xoáy vào lòng người như những mũi khoan. Và cái nước da xanh xao ấy nữa!… Mình là người yêu quý những phụ nữ xanh xao mà!”

Lên tới đỉnh dốc Argueil, y quyết định:

“Bây giờ chỉ còn tìm cơ hội. Ừ! Mình thỉnh thoảng sẽ ghé qua đó, mình sẽ gửi biếu họ thú săn, gà vịt; mình sẽ xin chích máu nếu cần. Họ với mình sẽ trở thành bè bạn, mình sẽ mời họ đến nhà mình… À! Mẹ kiếp!” Y nói tiếp, “Hội nghị nông nghiệp sắp tới rồi; chị ta sẽ có mặt ở đó, ta sẽ gặp chị ta. Ta sẽ bắt tay vào việc, và mạnh bạo lên, vì đó là phương pháp chắc ăn nhất.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.