Bà Bovary

Chương 8



Cái Hội nghị nông nghiệp nổi tiếng ấy quả thật đã tới! Ngay từ sáng sớm của cái ngày long trọng, tất cả những người dân thị trấn, đứng ở cửa nhà, bàn chuyện chuẩn bị; người ta đã kết dây trường xuân trên cửa thị sảnh; một lều vải, trong đồng cỏ, đã được dựng lên để dọn tiệc; và giữa quảng trường, trước cửa nhà thờ, một phường kèn thông dụng phải báo tin ông quận trưởng đến và tên những nhà nông được giải thưởng. Đội vệ binh ở Buchy (không có vệ binh ở Yonville) đã đến phối hợp với đội lính cứu hỏa do Binet chỉ huy. Ông này, hôm ấy, vận một chiếc cổ cồn cao hơn thường lệ; và bó chặt mình trong bộ quân phục, nửa mình trên của ông ta cứng nhắc và bất động đến nỗi tất cả cái phần sống trong người ông ta dường như đã trút xuống đôi cẳng chân, nhắc lên dậm xuống, theo nhịp bước, trong cùng một động tác. Vì có sự kèn cựa giữa tay thu thuế và viên đại tá, ông này cũng như ông kia, để trổ tài, đã cho quân của mình diễn tập riêng rẽ. Người ta thấy lần lượt qua lại những gù vai đỏ và những tấm giáp đen che ngực. Cảnh này không dứt và cứ trở lại mãi! Chưa bao giờ lại có cuộc thao diễn long trọng như thế! Nhiều người dân thị trấn, từ hôm trước, đã quét dọn cửa nhà; cờ tam tài treo ở cửa sổ hé mở; tất cả các tiệm rượu đều chật ních những người; và do trời hôm đó đẹp, những chiếc mũ trùm hồ cứng, những huân chương vàng và những khăn choàng trông trắng hơn tuyết lấp lánh dưới ánh nắng sang trọng và làm nổi lên cái vẻ đơn điệu của những chiếc áo rơ– đanh-gôt đen và những chiếc áo lao động xanh lơ màu sặc sỡ tản mác của chúng. Những chị tá điền ở các vùng lân cận, khi xuống ngựa, tháo chiếc ghim trong cài chiếc áo dài quấn quanh người họ vì sợ vấy bẩn; và những ông chồng, trái lại, để giữ gìn mũ, đã phủ khăn mùi soa lên trên mũ lá, cắn một góc vào răng.

Đám đông vào phố lớn qua hai đầu làng. Họ ùa ra từ các ngõ, các lối đi, các nhà, và thỉnh thoảng người ta nghe thấy tiếng vồ gõ cửa hạ xuống phía sau các bà trưởng giả mang găng tay bằng phin đi ra xem hội. Cái mà người ta ngắm nghía hơn hết là hai giá đèn dài phủ đầy đèn cốc ở hai bên một cái bục, nơi các nhà chức trách sẽ ngồi; và hơn nữa, tựa vào bốn cột thị sảnh, còn có bốn kiểu cột cờ, mỗi cột mang một lá cờ hiệu bằng vải xanh nhạt thêu hàng chữ vàng, người ta đọc thấy trên lá cờ này: “Tặng thương nghiệp”, trên lá cờ khác: “Tặng nông nghiệp”, trên lá cờ thứ ba: “Tặng công nghiệp”, và trên lá cờ thứ tư: “Tặng mỹ nghệ”.

Nhưng niềm hân hoan làm nở nang mày mặt mọi người dường như lại làm cho mụ Lefrancois, chủ quán, buồn rầu. Đứng trên những bậc thang xuống nhà bếp, mụ lẩm bẩm:

– Ngu ngốc làm sao! Đần độn biết chừng nào với cái lều vải của họ! Họ tưởng ông quận trưởng sẽ thoải mái khi ăn trưa ở đó, dưới một cái lều vải, như một anh hề hay sao? Họ gọi những chuyện phiền phức đó là làm những điều hay cho địa phương à? Vậy thì tội vạ gì mà đi kiếm một đầu bếp tồi ở Neufchâtel! Mà để hầu ai? Hầu những kẻ chăn bò! Hầu bọn khố rách áo ôm à!

Tay dược sĩ đi qua. Y mặc một chiếc áo lễ đen, một cái quần vải Nam Kinh, đi đôi giày hải ly, và, đặc biệt, đội một cái mũ – một cái mũ thấp chỏm.

– Kính chào bà! – Y nói – Bà miễn thứ cho tôi, tôi đang vội. Bà lấy làm lạ phải không? Tôi xưa nay vẫn cấm cung trong phòng thí nghiệm của mình hơn cả chú chuột của nhà thơ ngụ ngôn trong miếng phó mát của nó mà.

– Miếng phó mát nào cơ? – Mụ chủ quán hỏi.

– Không, chẳng có gì! Chẳng có gì cả! – Homais đáp. – Tôi chỉ muốn bày tỏ với bà, bà Lefrancois ạ, tôi thường quen ẩn kín trong nhà tôi. Tuy nhiên hôm nào, do trường hợp đặc biệt, nên phải…

– À! Ra đằng kia chứ gì? – Mụ nói bằng một vẻ khinh khỉnh.

– Vâng, tôi đến đó, – tay dược sĩ ngạc nhiên đáp lại; – thì tôi chẳng có chân trong ủy ban tư vấn đó ư?

Mụ Lefrancois nhìn hắn vài phút, rồi cuối cùng tươi cười trả lời:

– Đó là chuyện khác! Nhưng nông nghiệp thì có liên quan gì đến ông? Thế ra ông cũng am hiểu vấn đề đó à?

– Hẳn thế, tôi am hiểu vấn đề đó chỉ vì tôi là dược sĩ, nghĩa là nhà hóa học! Và hóa học, thưa bà Lefrancois, có mục đích tìm hiểu tác dụng hỗ tương và tác dụng phân tử của mọi vật trong tự nhiên, nông nghiệp do đó nằm trong lĩnh vực của nó! Mà quả thực, cách cấu tạo phân bón, sự lên men của các chất lỏng, việc phân tích các chất khí và ảnh hưởng của chướng khí, tất cả những cái đó là gì, tôi xin hỏi bà, nếu không phải là hóa thuần túy?

Mụ chủ quán không trả lời gì cả. Homais nói tiếp:

– Bà tưởng rằng, muốn thành nhà nông học, phải đích thân cày ruộng hay vỗ béo gà vịt ư? Nhưng đúng hơn phải biết sự cấu thành các chất đang cần đến, những lớp địa chất, tác dụng của không khí, chất lượng đất đai, khoáng sản, nước, tỷ trọng các vật khác nhau và sự mao dẫn của chúng! Còn gì nữa? Và phải nắm chắc tất cả các nguyên tắc của vệ sinh học để điều khiển, phê phán cách xây dựng nhà cửa, phép chăn nuôi gia súc, chế độ ăn uống của người làm! Thưa bà Lefrancois, lại còn phải nắm vững thực vật học, có khả năng phân biệt cây cối. Bà hiểu không? Cây nào lành, cây nào độc, cây nào không sinh lợi, cây nào có chất dinh dưỡng; có nên nhổ cây ở chỗ này và gieo trồng nó ở chỗ kia, để phát triển loại này, tiêu diệt loại khác; tóm lại, phải theo dõi kịp thời khoa học bằng sách báo, lúc nào cũng chăm chú để chỉ dẫn các cách cải tiến.

Mụ chủ quán không rời mắt khỏi cửa tiệm Cà phê Pháp, còn tay dược sĩ nói tiếp:

– Lạy Chúa! Các nhà nông của ta là các nhà hóa học, hay ít ra họ biết lắng nghe nhiều hơn những lời chỉ bảo của khoa học! Do đó mới rồi, tôi có viết một cuốn sách nhỏ quan trọng, một bản báo cáo hơn bảy mươi hai trang, nhan đề: Về rượu táo, cách làm và hiệu quả của nó, kèm theo vài suy nghĩ mới về vấn đề này, tôi đã gửi cho Hội Nông học ở Rouen; cũng vì vậy tôi có cái hân hạnh được nhận làm hội viên, ban canh nông, ngành trồng lê táo. Này! Nếu sách của tôi được công bố thì…

Nhưng tay dược sĩ ngừng lại vì mụ Lefrancois ra vẻ quá bận tâm về chuyện khác.

– Ông trông họ kìa! – Mụ nói – Người ta chẳng hiểu ra sao cả! Một quán ăn tồi như thế à?

Rồi mụ vừa nhún vai làm cho những mắc áo đan ở ngực mụ căng ra, vừa chỉ bằng cả hai tay cái quán của kẻ cạnh tranh với mình, từ nơi đó những tiếng hát đang vọng tới.

– Vả lại, cũng chẳng còn được bao lâu nữa, – mụ nói thêm; – trước tám ngày là xong hết mọi sự.

Homais sững sờ lùi lại. Mụ bước xuống ba bậc và nói nhỏ vào tai hắn:

– Thế nào! Ông không biết việc ấy à? Người ta sắp tịch biên cái quán đó trong tuần này. Chính Lheureux bắt phải đem bán nó đi. Lão ta giết nó bằng các chứng khoán.

– Tai họa ghê sợ làm sao! – Tay dược sĩ la lên, y luôn luôn có những biểu hiện thích đáng trong bất kỳ trường hợp nào.

Mụ chủ quán kể lại cho Homais nghe câu chuyện mà mụ biết được qua Thédore, tên đầy tớ của ông Guillaumin, và mụ ghét cay ghét độc Tellier, mụ vẫn chê trách Lheureux. Lão này là một kẻ xảo ngôn, một thằng đê tiện.

– À! Này, – mụ nói, – nó kia kìa, dưới mái chợ; nó chào bà Bovary, bà ta đội mũ xanh ve. Bà ta thậm chí lại đang khoác tay Boulanger nữa.

– Bà Bovary! – Homais thốt lên – Tôi phải mau đến nơi bà ấy mới được. Có lẽ bà ta sẽ rất hài lòng được một chỗ trong hội trường dưới hàng cột vây quanh.

Và chẳng nghe mụ Lefrancois gọi hắn lại để kể câu chuyện có đầu đuôi hơn, tay dược sĩ, nụ cười trên môi và bắp chân dang ra, rảo bước bỏ đi, chào hết người này đến người khác, và những vạt lớn của chiếc áo lễ đen tỏa ra phất phơ trước gió ở phía sau hắn chiếm mất nhiều chỗ.

Rodolphe, trông thấy y từ đằng xa, đã đi rất nhanh, nhưng bà Bovary thở dốc; y phải chậm bước lại vừa mỉm cười vừa xẵng giọng với nàng:

– Đó là để tránh thằng cha to béo kia, bà biết đấy, tay dược sĩ.

Bà Bovary lấy khuỷu tay thúc vào người y một cái.

“Thế nghĩa là thế nào?” Y tự hỏi.

Và y vừa quan sát nàng qua khóe mắt vừa tiếp tục đi.

Nét mặt nàng quá bình thản đến mức chẳng đoán ra được điều gì ở đó. Nó nổi bật giữa ánh sáng chan hòa trong cái khuôn bầu dục của chiếc mũ phụ nữ có những dải băng lam giống lá lau. Mắt nàng với hàng mi dài và cong nhìn thẳng về phía trước, và, tuy mở to cũng dường như bị gò má làm hơi xếch lên do máu dồn nhẹ dưới làn da mịn. Một màu hồng chạy qua vách mũi nàng. Nàng nghiêng đầu trên vai, và người ta thấy giữa cặp môi nàng những đầu răng trắng lóng lánh như xà cừ.

“chị ta nhạo ta chăng?” Rodolphe thầm nghĩ.

Song cử chỉ đó của Emma chỉ là một sự răn đe, vì Lheureux đang cùng đi với họ, và thỉnh thoảng gã lại nói với họ, như để bắt chuyện.

– Hôm nay trời tuyệt đẹp! Mọi người đều ra khỏi nhà! Gió từ phương đông thổi tới.

Thế mà bà Bovary cũng như Rodolphe chẳng lên tiếng đáp lại, còn gã thì cứ mỗi động tĩnh của họ, gã lại sán gần lại hỏi: “Thưa ngài, ngài hỏi gì ạ?” và đưa tay lên mũ.

Khi họ đến trước cửa nhà người thợ đóng móng ngựa, Rodolphe, đáng lẽ đi theo con đường cái đến tận rào chắn, lại đột nhiên ngoặt vào một con đường nhỏ, kéo bà Bovary đi cùng. Y nói to:

– Chào ông Lheureux! Vui thích được gặp lại ông!

– Ông đã đuổi tay ấy đấy! – Nàng vừa nói vừa cười.

– Tại sao lại để người khác xâm lấn mình? – Y đáp – Và…, vì lẽ, hôm nay, tôi được cái hạnh phúc đi với bà.

Emma đỏ mặt. Y không nói hết câu. Y chuyển sang nói về trời đẹp và về cái thú đi trên cỏ. Vài bông cúc bị xô đi.

– Những bông bạch cúc xinh tươi như thế này, – y nói, – đủ để cung cấp cho tất cả các cô gái vùng này đang có người yêu bói duyên[9].

[9] Ở phương Tây, có một tục lệ là ngắt cánh hoa cúc để đoán duyên phận.

Y nói thêm:

– Tôi hái nhé. Bà nghĩ thế nào?

– Có phải ông đang yêu không? – Nàng vừa hỏi vừa húng hắng ho.

– Ô, ồ! Ai biết, – Rodolphe đáp.

Đồng cỏ bắt đầu đông người. Các bà nội trợ va chạm người này đến người khác bằng những chiếc ô tô, những chiếc thúng mủng và con nít mà họ mang theo. Thường phải tránh né dãy dài các cô gái quê, các người hầu gái đi tất xanh lơ, giày dẹt, đeo nhẫn bạc và người ta ngửi thấy mùi sữa khi đi gần họ. Họ cầm tay nhau mà đi, và cứ thế trải ra suốt dọc đồng cỏ, từ hàng hoàn diệp liễu đến tận lều bày tiệc. Nhưng đã tới lúc khảo thi, và dân cày, người này sau người khác, bước vào một kiểu chuồng đua ngựa dựng nên bởi một sợi dây thừng dài, căng trên đầu những cái cọc.

Các súc vật đều ở trong đó, mũi quay về phía sợi dây; chúng sắp hàng một cách lộn xộn vì mông của chúng to nhỏ không đều. Những con lợn, mõm rúc xuống đất, thiu thiu ngủ, lũ bê rống lên, đàn cừu be be, đám bò cái, một chân gặp lại, phơi bụng trên cỏ non, và vừa thong thả nhai lại vừa chớp cặp mí mắt nặng nề đuổi những con ruồi vo ve quanh chúng. Những người đánh xe, cánh tay để trần, ghì sợi dây tròng cổ những con ngựa đực giống lồng lên đang hướng về phía những con ngựa cái mà hí rầm trời. Những con ngựa cái vẫn bình thản vươn cái đầu và cái bờm lòng thòng, còn những con ngựa con thì nằm yên dưới bóng mẹ, hoặc đôi khi đến bú; và, trên tất cả những thân hình bị dồn vào một chỗ chật hẹp dập dờn thành những gợn dài như những làn sóng, người ta thấy nổi lên trước gió một vài cái bờm ngựa trắng, hay nhô lên những sừng nhọn và những đầu người đang chạy. Ở phía ngoài trường đua, cách đấy hơn trăm bước, có một con bò mộng đen to bị khóa mõm đeo một vòng sắt ở lỗ mũi và chẳng động đậy gì cả y như một con vật bằng đồng đen. Một đứa trẻ ăn mặc rách rưới giữ nó bằng một dây thừng.

Trong khi ấy, giữa hai hàng, có những ông bước đi một cách nặng nề, xem xét từng con vật, rồi khẽ hỏi ý kiến nhau. Một ông, dáng chừng quan trọng hơn, vừa đi vừa ghi vào cuốn sổ. Đó là ông chủ tịch hội đồng: ông Derozerays ở Panville. Vừa nhận ra Rodolphe, ông hăm hở tiến lại và niềm nở cười nói với ý:

– Thế nào, ông Boulanger, ông bỏ chúng tôi à?

Rodolphe quả quyết rằng y sắp đến. Nhưng khi ông chủ tịch vừa đi khỏi, y lại nói:

– Thật ra, không, tôi không đến đâu. Đi với bà còn hơn đến với ông ta.

Và, tuy xem thường Hội đồng, Rodolphe, để đi lại được dễ dàng hơn, vẫn xuất trình cho cảnh sát tấm bìa xanh của mình, và nhiều lúc, y thậm chí còn đứng dừng lại trước một tiết mục hay mà bà Bovary chẳng tán thưởng. Y nhận thấy điều đó, thế là y xoay ra chế nhạo các bà ở Yonville về cách ăn mặc của họ; rồi chính y cũng xin lỗi về cách ăn mặc cẩu thả của mình, nó không có sự hòa hợp giữa lối ăn mặc thông thường và lối ăn mặc kiểu cách mà kẻ tầm thường, theo thói quen, tưởng nhận thấy ở đó sự biểu hiện của một lối sống kỳ dị, tình trạng lộn xộn của tình cảm, sức mạnh của nghệ thuật, và bao giờ cũng thấy ở đó một sự coi thường nào đó về quy ước xã hội khiến họ thích thú hoặc bực bội. Cũng vì thế, chiếc sơ mi của y bằng lanh mềm bóng có cổ tay xếp nếp căng phồng theo gió trong đường cổ hở của chiếc áo gilê chéo go xám, và chiếc quần của y kẻ sọc rộng để lộ ra mắt cá chân đôi giày cao cổ bằng vải vàng Nam Kinh có mũi và má bằng da đánh bóng. Đôi giày bóng đến mức cỏ soi hình trên đó. Y giẫm chúng lên phân ngựa, thọc một tay vào túi áo vét và đội nghiêng chiếc mũ rơm.

– Vả lại, – y nói nghiêm, – khi người ta ở nông thông thì…

– Mọi cái mất công toi, – Emma nói.

– Quả vậy! – Rodolphe đáp. – Cứ nghĩ rằng không một ai trong đám người lương thiện kia có thể hiểu nổi được ngay cả hình dáng của một chiếc áo thôi!

Thế là họ nói về tình trạng thấp kém ở tỉnh lỵ, về những cuộc sống mà nó bóp nghẹt, về những ảo mộng ở đó tiêu tan.

– Cho nên, Rodolphe nói, tôi chìm đắm trong một nỗi buồn…

– Ông ư! – Nàng ngạc nhiên nói. – Thế mà tôi cứ tưởng ông vui lắm?

– À! Đúng, bề ngoài, vì rằng giữa chốn thượng lưu xã hội, tôi biết đặt lên mình một chiếc mặt nạ nhạo đời; ấy thế mà đã bao phen, nhìn thấy một nghĩa địa, dưới ánh trăng, tôi thầm nhủ thấy thà mình đi theo những kẻ đang an nghỉ ở nơi kia…

– Ôi! Thế còn các bạn thân của ông? – Nàng hỏi. – Ông không nghĩ tới họ.

– Bạn thân của tôi ư? Những ai nhỉ? Tôi có bạn thân không? Ai bận tâm đến tôi?

Rồi, phụ thêm vào mấy lời nói đó, là một thứ tiếng rít qua môi.

Nhưng hai người buộc phải đi cách xa nhau vì một chồng ghế mà một người khiêng sau họ. Người này khuân lắm ghế quá đến nỗi người ta chỉ thấy mũi đôi giày guốc gã ta đi với hai đầu cánh tay gã ta dang thẳng. Đó là anh phu đào huyệt Lestiboudois đang khuân qua đám đông những chiếc ghế của nhà thờ. Đầy tài sáng tạo đối với tất cả những gì có lợi cho mình, gã ta đã tìm ra cái cách lợi dụng hội nghị như thế và gã ta đã thành công, vì gã ta không còn biết theo đâu mà chiều nữa. Quả nhiên dân làng đang lúc nóng bức đã tranh nhau những chiếc ghế đệm rơm ngào ngạt hương trầm ấy, và với một sự kính cẩn nào đó, họ tựa vào các lưng ghế to bè nhớp nháp bởi vết sáp đèn bạch lạp.

Bà Bovary lại khoác tay Rodolphe; y nói tiếp như nói riêng với mình:

– Vâng! Tôi đã thất vọng nhiều điều! Suốt đời cô độc! Ôi! Nếu tôi có một mục đích ở đời, nếu tôi gặp một tình yêu, nếu tôi tìm thấy được người nào… thì tôi mới sử dụng tất cả cái nghị lực mà tôi có thể có, tôi mới vượt qua tất cả, khắc phục tất cả chứ!

– Thế mà, – Emma nói, tôi thấy dường như ông ít có điều gì đáng phàn nàn.

– Ủa! Bà thấy thế? – Rodolphe hỏi.

– Vì, nói tóm lại…, – nàng đáp, – ông được tự do.

Nàng ngập ngừng nói tiếp:

– Giàu có.

– Bà đừng chế giễu tôi, – y đáp.

Thế là nàng thề nàng không chế giễu, vừa lúc đó một phát đại bác nổ vang; lập tức, người ta xô đẩy nhau lộn xộn về phía làng.

Đó là hoang báo. Ông quận trưởng không đến; các thành viên hội đồng đâm ra lúng túng chẳng biết nên khai hội ngay hay nên đợi nữa.

Sau cùng phía cuối bãi, xuất hiện một chiếc xe hai mui bốn bánh do hai con ngựa gầy kéo mà một xà ích đội mũ trắng quất luôn tay. Binet chỉ kịp hô: “Bồng súng!” và viên đại tá hô theo. Binh lính chạy đến các cụm súng. Họ nhảy xổ tới. Vài người quên cả cổ áo. Đoàn quan chức quận dường như đoán biết nỗi luống cuống ấy nên đôi ngựa xấu buộc cặp với nhau, lắc mình bên sợi dây xích nhỏ, đi nước kiệu tới trước hàng cột Tòa thị chính đúng lúc đoàn vệ binh và lính cứu hỏa triển khai ở đó thúc trống và dậm chân tại chỗ.

– Bước đều! – Binet hô.

– Đứng! – Viên đại tá hô. – Đi hàng một và rẽ sang trái!

Rồi, sau một hồi được bồng lên vai tạo thành tiếng loảng xoảng như tiếng xanh đồng lăn xuống cầu thang, mọi khẩu súng lại được hạ xuống.

Người ta liền thấy từ trên xe bước xuống một ông mặc áo choàng ngắn thêu ngân tuyến, trán hói, gáy mang chùm tóc, nước da trắng bệch, vẻ rất hiền từ. Ông ta khép lại nửa vời đôi mắt rất to với cặp mí dày để coi đám đông, đồng thời ông hếch chiếc mũi nhọn lên và nở một nụ cười trên cái miệng thụt vào. Ông ta nhận ra viên thị trưởng ở cái băng đeo chéo trước ngực. Ông ta trình bày với viên thị trưởng rằng ông quận trưởng không tới được. Bản thân ông ta là nghị viên hàng quận; rồi ông ta ngỏ thêm vài lời xin lỗi. Tuvache xã giao đáp lại, ông kia đâm lúng túng; và hai ông cứ đứng như thế, mặt đối mặt, trán gần chạm trán, cùng với các thành viên hội đồng giám khảo vây quanh, trước hội đồng thị xã, các thân hào, đội vệ binh và quần chúng. Ông nghị đặt chiếc mũ nhỏ đen ba múi của ông sát vào ngực, nhắc đi nhắc lại lời chào hỏi, còn Tuvache, người khom như cánh cung, cũng cười nụ, lắp bắp, tìm câu nói, cam kết trung thành với chính thể quân chủ, khẳng định cái vinh dự mà người ta ban cho địa phương Yonville.

Hippôlyt, anh bồi bàn trong quán cơm, đến nắm cương mấy con ngựa kéo xe rồi, khập khiễng trên chiếc chân thọt, dắt ngựa đến cổng quán Sư Tử Vàng, ở đó dân quê xúm đông lại nhìn chiếc xe. Trống đánh, đại bác gầm và các ông lần lượt bước lên bục ngồi những chiếc ghế bành bọc nhung đỏ mà bà Tuvache đã cho mượn.

Tất cả đám người ấy giống nhau. Cái mặt nhão nhoẹt của họ hoe vàng, hơi rám nắng, mang màu rượu táo ngọt, và hàng râu quai nón của họ xòe ra ngoài những chiếc cổ áo cứng to thắt ca vát trắng tết nơ hình hoa lộ ra rõ rệt. Tất cả các chiếc áo gilê đều bằng nhung, cổ áo có ve tròn; mọi đồng hồ bỏ túi đều mang ở đầu dải băng một dấu ấn hình bầu dục bằng hồng mã não. Các ông đều vừa đặt hai bàn tay lên đùi vừa dang cẩn thận hai ống quần ra, dạ quần nguyên hồ bóng lộn hơn cả da đôi bốt cứng.

Các bà thượng lưu đứng phía sau, ở tiền sảnh, giữa những cột, còn đám quần chúng thường dân thì đứng hoặc ngồi trên ghế ở phía trước. Quả thật Lestiboudois đã khuân từ đồng cỏ vào đó tất cả mọi loại ghế và thậm chí, mỗi phút, gã lại còn chạy đi kiếm ra những chiếc khác ở trong nhà thờ, gây ra bao tình trạng bừa bộn do cách làm ăn của gã đến nỗi người ta phải vất vả lắm mới đi tới được chiếc thang nhỏ để leo lên bục.

– Tôi, – Lheureux nói (với tay dược sĩ đi qua đó để tới chỗ của hắn), – tôi thấy rằng đáng lẽ người ta phải trồng ở đây hai cột cờ: với cái gì hơi nghiêm trang và tráng lệ cho mới lạ, như thế thì rất là đẹp mắt.

– Hẳn thế, – Homais đáp. – Nhưng ông muốn sao! Chính ông thị trưởng bày đặt ra cho cái ông Tuvache khốn khổ ấy, ông ta chẳng có nhãn quang rộng lớn, thậm chí ông ta lại còn thiếu hẳn cái gọi là tính nghệ thuật.

Trong khi ấy, Rodolphe cùng bà Bovary đã lên tầng gác thứ nhất của Tòa thị chính, vào trong Phòng họp và vì thấy không có ai, y tuyên bố hai người sẽ ở lại đấy mà xem hội cho thoải mái hơn. Y lấy ba chiếc ghế đẩu bày quanh chiếc bàn bầu dục, dưới tượng bán thân của nhà vua, rồi, đặt lại gần một cửa sổ, hai người ngồi xuống bên nhau.

Trên bục đang nổ ra cuộc tranh luận, những tiếng thì thầm kéo dài, những cuộc thương thuyết. Rốt cuộc, ông nghị đứng dậy. Bây giờ người ta mới biết tên ông là Lieuvain và người ta nhắc đi nhắc lại tên ông ta trong đám đông từ kẻ này đến kẻ khác. Thế rồi, khi ông ta đã đối chiếu lại vài tờ giấy với nhau và dán mắt lên trên để nhìn cho rõ, ông ta mở đầu:

“Thưa các ông.

Trước hết cho phép tôi (trước khi thưa chuyện với các ông về mục đích cuộc họp hôm nay, và ý kiến này, tôi chắc thế, sẽ được tất cả các ông đồng tình), cho phép tôi, tôi nói được thừa nhận công trạng của nhà nước tối cao, của Chính phủ, cuả đức vua, thưa các ông, của Hoàng thượng chúng ta, của nhà vua yêu quý đó, không một ngành nào của nền thịnh vượng chung hay riêng mà Ngài không chú ý tới, và Ngài, không những hướng dẫn một cách vừa rất vững vàng vừa rất khôn khéo con tàu Quốc gia qua những cảnh hiểm nghèo liên tục vì biển động, lại còn biết làm cho người ta tôn trọng, hòa bình cũng như chiến tranh công nghệ, thương mại, canh nông và mỹ thuật.”

– Có lẽ tôi phải ngồi lui lại một chút, – Rodolphe nói.

– Sao thế? – Emma hỏi.

Nhưng, vừa lúc đó, ông nghị cất cao giọng lên một cách khác thường. Ông ta dõng dạc đọc:

“Không còn nữa cái thời gian, thưa các ông, mà sự chia rẽ trong nước làm đổ máu các nơi công cộng của chúng ta, ở đấy, nghiệp chủ, nhà buôn, cả thợ thuyền nữa, buổi tối đang ngủ một giấc yên lành, run sợ thấy mình bị đột ngột đánh thức dậy bởi tiếng chuông kích động nhân tâm, mà những khẩu hiệu lật đổ nhất táo gan phá hoại các nền móng…”

– Là vì, – Rodolphe đáp, – người ta có thể từ dưới thấy tôi, rồi tôi sẽ mất đến mười lăm ngày để xin lỗi, và với tiếng tăm xấu xa của tôi thì…

– Ồ! Ông lại tự vu cáo ông rồi, – Emma nói.

– Không, không đâu, tiếng tăm ấy đáng ghét, tôi thề với bà.

“Nhưng thưa các ông, – ông nghị nói tiếp, – nếu gạt bỏ ngoài ký ức tôi những bức tranh đen tối ấy, tôi đã nhìn lại tình hình hiện tại của Tổ quốc tươi đẹp chúng ta; tôi thấy gì? Khắp nơi thương mại và kỹ nghệ phồn vinh; khắp nơi những đường giao thông mới như những mạch máu mới trong cơ thể Quốc gia đặt ra trong đó những mối tương quan mới; những trung tâm công nghiệp lớn của ta đã trở lại hoạt động; tôn giáo, vững vàng hơn, làm mọi tấm lòng hoan hỉ; các hải cảng của ta được sầm uất, niềm tin lại nảy nở và cuối cùng nước Pháp hồi sinh!…”

– Vả lại, – Rodolphe nói thêm, – có lẽ, về phương diện xã hội, người ta có lý chăng?

– Sao thế? – Nàng hỏi.

– Thế nào, – y nói, – bà há chẳng biết rằng có những tâm hồn không ngừng bứt rứt ư? Chúng ta cần phải lần lượt ước mơ và hành động, có những khát vọng thuần khiết nhất, những lạc thú nồng nhiệt nhất, và như thế con người lao vào mọi thứ ngông cuồng rồ dại.

Lúc đó, nàng nhìn y như người ta ngắm một du khách đã qua nhiều xứ sở kỳ lạ, và nàng nói:

– Tội nghiệp cho bọn đàn bà chúng tôi, chúng tôi lại chẳng có được ngay cả cái thú tiêu dao ấy!

– Thú tiêu dao đáng buồn, vì người ta có tìm thấy hạnh phúc đâu trong đó.

– Nhưng người ta có tìm thấy hạnh phúc bao giờ không? – Nàng hỏi.

– Có, có ngày cũng gặp, – y đáp.

“Và chỗ đó là điều các ông đã hiểu, – ông nghị nói. – Các ông nhà nông và thợ thuyền thôn quê các nơi. Các ông, những người tiên phong ồn ào của một sự nghiệp hết sức văn minh! Các ông, những người tiến bộ và có đạo đức! Các ông đã hiểu rằng, tôi nói vậy, bão táp chính trị thực sự còn ghê gớm hơn cả những hỗn loạn của khí quyển…”

– Hạnh phúc đó có ngày cũng gặp, – Rodolphe nhắc lại, – một ngày nào đó, đột ngột, khi người ta đang tuyệt vọng vì nó. Lúc bấy giờ, chân trời hé mở tưởng như có một tiếng nói thốt lên: “Hạnh phúc kia rồi!” người ta cảm thấy cần phải giãi bày tâm sự về cuộc đời mình với người đó, cần phải hiến dâng tất, cần phải hy sinh tất cả cho người đó! Người ta không giải thích cho nhau, người ta thầm hiểu nhau thôi. Người ta đã thoáng thấy nhau trọng mộng. (Và y nhìn nàng). Sau cùng nó ở ngay kia, cái bảo vật mà người ta đã dày công tìm kiếm, ngay kia, trước mắt người ta; nó lấp lánh, nó sáng chói. Tuy nhiên người ta còn ngờ nó, người ta không dám tin nó, người ta còn bị lóa mắt vì nó, như thể người ta, vừa từ bóng tối ra ánh sáng.

Và Rodolphe vừa kết thúc những lời đó vừa làm điệu bộ kèm theo. Y đặt bàn tay lên mặt như một người bị choáng váng rồi y để nó rơi xuống bàn tay Emma. Nàng rụt tay lại. Nhưng ông nghị vẫn đọc:

“mà kẻ nào ngạc nhiên về chuyện đó, thưa các ông? Chỉ có kẻ ấy là kẻ khá đui mù, khá vùi sâu (tôi không sợ nói lên điều đó), khá vùi sâu vào những thành kiến của thời đại đã qua, nên chưa nhận ra được cái tinh thần của nhân dân nông nghiệp. Quả thật tìm đâu ra nhiều tình yêu nước hơn là ở nông thôn, nhiều lòng tận tụy vì công ích hơn, nói tóm lại, nhiều nhận thức hơn? Mà, thưa các ông, tôi không nói đến những nhận thức nông cạn, cái trang sức không đâu của những đầu óc nhàn rỗi, mà là nói đến những nhận thức sâu sắc và đúng mức chuyên theo đuổi trên mọi sự, những mục tiêu có lợi, góp phần vào cái hay của mỗi người, vào sự tiến bộ chung và vào sự gìn giữ Quốc gia, kết quả của sự tôn trọng luật pháp và của sự thi hành nhiệm vụ…”

– A ha! Lại nhiệm vụ, – Rodolphe nói. – Lúc nào cũng nhiệm vụ, tôi đã quá ngán về những tiếng ấy. Họ là một lũ người giàu u mệ mặc áo gilê nỉ mỏng, một bọn sùng đọa ngu muội mang lồng ấp và tràng hạt không ngớt hát vào tai ta: “Nhiệm vụ! Nhiệm vụ!”. Ôi! Lạy Chúa! Nhiệm vụ là cảm thấy cái gì lớn lao, thiết tha đến cái gì đẹp, chứ đâu phải là thừa nhận mọi tục lệ xã hội với những điều nhục nhã mà xã hội buộc ta phải chịu.

– Thế nhưng…, thế nhưng…, – bà Bovary cãi lại.

– Không mà! Tại sao lại phản đối những khát vọng? Chúng chẳng phải là cái đẹp duy nhất trên trái đất, là nguồn gốc của chủ nghĩa anh hùng, của cảm hứng, của thi ca, của âm nhạc, của mỹ thuật, tóm lại, là nguồn gốc của tất cả mọi thứ hay sao?

– Nhưng, – Emma nói, – cũng phải chú ý phần nào đến dư luận của xã hội và tuân theo đạo lý của xã hội chứ.

– À! Là vì có hai thứ đạo lý, – y đáp. – Thứ hèn mọn, thứ được ước định; thứ của mọi người, thứ thay đổi không ngừng và la lối om sòm, nó giãy giụa ở bên dưới một cách tầm thường, như sự tụ tập của đám ngu ngốc mà bà trông thấy kia kìa. Còn thứ khác, thứ vĩnh cửu, nó ở khắp xung quanh và ở bên trên, như phong cảnh bao bọc ta và trời xanh soi sáng ta.

Ông Lieuvain vừa lấy mùi soa ra lau miệng. Ông ta tiếp tục đọc:

“Và thưa các ông, tôi cần phải làm gì để chứng minh ở đây cái lợi ích của nông nghiệp? Ai vậy cung ứng cho ta các nhu cầu hằng ngày? Ai vậy cung cấp cho ta cơm áo để sinh sống? Há chẳng phải là nhà nông? Nhà nông, thưa các ông, bằng bàn tay cần cù gieo hạt giống trên các luống cày phì nhiêu ở đồng quê, làm nảy nở ra hạt lúa, “hạt lúa đưuọc nghiền nát bằng những máy tinh xảo, trở thành cái gọi là bột, và từ đó, được vận chuyển đến các đô thị, đưa ngay đến nhà thợ làm bánh, bằng thứ bột ấy chế ra một món ăn cho người nghèo cũng như người giàu”. Phải chăng cũng lại nhà nông, để cho ta có áo mặc, đã nuôi béo những đàn súc vật đông đảo trên các đồng cỏ? Vì không có nhà nông thì ta che thân làm sao, ta nuôi thân thế nào? Và thậm chí, thưa các ông, có cần phải đi thật xa để tìm thí dụ hay không? Ai chẳng thường nghĩ tới tất cả cái tầm quan trọng mà người ta rút ra được từ con vật tầm thường kia, vật trang điểm các sân nuôi gà vịt của ta, nó cung cấp cho ta vừa gối mềm để ta ngủ, vừa thịt ngon bổ để ta ăn, và cả trứng nữa? Nhưng tôi chẳng làm sao nói cho xong được nếu phải hết thứ này đến thứ khác các sản phẩm khác nhau mà đất trồng trọt được làm kỹ, như người mẹ rộng lượng cho các con một cách dồi dào. Đây là cây nho; chỗ khác là cây táo làm rượu; kia là cây cải dầu; xa hơn là phó mát và vải gai; thưa các ông, ta chớ quên cây gai, cây gai trong những năm gần đây đã phát triển mạnh mẽ, và tôi đặc biết kêu gọi sự chú ý của các ông hơn nữa về cây gai.”

Ông ta chẳng cần phải kêu gọi vì tất cả đám đông đều há hốc miệng ra, như để nuốt từng lời của ông ta. Tuvache, ngồi bên ông ta, mở to mắt mà nghe ông nói; ông Derozerays, thỉnh thoảng lại nhẹ nhàng khép khi mắt lại, và xa hơn, tay dược sĩ, với thằng con trai Napoléon đứng xen giữa hai chân ông, khum bàn tay vào tai để nghe khỏi bỏ tiếng nào. Các thành viên khác của hội đồng từ từ đu đưa cái cầm của mình trong chiếc áo gilê tỏ ý tán thành. Lính cứu hỏa, ở dưới chân bục, đứng theo tư thế nghỉ bên lưỡi lê; và Binet đứng im, khuỷu tay thò ra ngoài với mũi kiếm đâm không khí. Có lẽ ông ta đang nghe, nhưng ông ta chẳng có thể trông thấy gì được vì vành mũ cát của ông sụp xuống tận mũi. Viên phụ tá, đứa con trai út của ông Tuvache, lại quá đáng hơn với chiếc mũ của gã ta vì nó rất to cứ lúc lắc trên đầu gã ta và để thò một đầu khăn quàng vải hoa ra ngoài. Dưới chiếc mũ đó, gã ta nở một nụ cười hiền hậu rất ngây thơ, và trên bộ mặt choắt xanh xao của gã ta lã chã mồ hôi biểu hiện một niềm vui thích, một vẻ mệt nhọc và một sự buồn ngủ.

Quảng trường cho tới nhà ở đều đầy ắp người. Người ta thấy kẻ thì tì khuỷu tay lên cửa sổ, kẻ thì đứng ở cửa ra vào, và Justin, đứng trước cửa hàng dược phẩm, có vẻ hết sức chăm chú ngắm nghía cái mà gã đang nhìn. Mặc dầu xung quanh im lặng, tiếng nói của ông Lieuvain cứ tan đi trong không trung. Nó tới tai người nghe từng mảnh câu bị ngắt quãng đó đây bởi tiếng ghế động trong đám đông; rồi người ta lại nghe thấy đột ngột ở phía sau mình có tiếng bò rống kéo dài hoặc tiếng cừu con be be đáp nhau ở góc phố. Quả thật những anh chăn bò và những anh chăn cừu đã dồn đàn súc vật của mình tới tận đó, và những con vật chốc chốc lại vừa kêu lên vừa lấy lưỡi ngắt chút cành lá rủ trước mõm.

Rodolphe ngồi sát gần vào Emma, và y hạ giọng nói nhanh:

– Cái âm mưu của người đời không làm cho bà phẫn uất sao? Có một thứ tình cảm nào mà họ không lên án? Những bản năng cao quý nhất, những cảm tình trong sạch nhất đều bị ngược đãi, vu cáo, nếu như có hai tâm hồn đáng thương cuối cùng gặp được nhau, thì người ta bố trí mọi thứ để họ chẳng thể gắn bó với nhau. Nhưng họ cũng sẽ cố gắng, họ sẽ vỗ cánh, họ kêu gọi nhau. Ô! Cần gì, sớm hay muộn, trong sáu tháng, mười năm, họ sẽ sum họp, được yêu nhau, vì rằng định mệnh là thế và họ sinh ra là vì nhau.

Y ngồi, cánh tay khoanh trên đầu gối, và, cứ thế ngẩng mặt về phía Emma, y chòng chọc nhìn nàng sát gần. Nàng nhìn rõ trong mắt y những tia vàng nhỏ tỏa ra xung quanh con ngươi đen, và nàng thấy cả mùi thơm của sáp làm bộ tóc y bóng loáng. Thế là nàng thấy lòng mình yêu mến, nàng nhớ đến tay tử tước đã dìu nàng nhảy valse ở lâu đài Vaubyessard, bộ râu hắn, cũng như những mớ tóc kia tỏa ra cái mùi vani và mùi chanh ấy, và tự nhiên, nàng khép nửa vời mí mắt lại để ngửi kỹ hơn cái hương thơm ấy. Nhưng, trong cái động tác nàng làm khi chồm người trên chiếc ghế, nàng chợt thấy ở xa, tận cuối chân trời, chiếc xe Con én cũ kỹ từ từ xuống đốc Leux cuốn theo đằng sau nó một làn bụi dài. Chính bằng chiếc xe màu vàng đỏ Léon trước kia đã rất nhiều lần trở về với nàng; và chính trên cong đường cái kia anh ta đã ra đi mãi mãi! Nàng tưởng như nhìn thấy anh ta trước mặt, ở cửa sổ buồng nàng, rồi thì mọi thứ hòa lẫn, những đám mây trôi qua; nàng thấy như nàng còn đang quay tròn trong cuộc nhảy valse dưới ánh đèn treo, trong tay tử tước, và như Léon không ở xa, anh ta sắp đến… thế nhưng nàng vẫn cảm thấy đầu Rodolphe bên mình. Cái dịu dàng của cảm giác ấy cứ thế thấm vào các ham muốn xưa kia của nàng, và như những hạt cát trước một cơn gió, những ham muốn ấy quay cuồng trong làn hương len lỏi nhanh chóng vào tâm hồn nàng. Nàng phồng mạnh lỗ mũi nhiều lần để hít cái mát mẻ của dây trường xuân leo quanh các đầu cột. Nàng tháo găng ra, nàng lau hai bàn tay; rồi, lấy mùi soa, nàng phe phẩy vào mặt, trong khi đó qua mạch đập trên thái dương, nàng nghe tiếng ồn ào của đám đông và tiếng đọc đơn điệu của ông nghị. Ông nghị nói:

“Các ông hãy tiếp tục! Hãy kiên trì! Chớ nghe những lời dỗ dành của thói cổ hủ cũng như những lời khuyên bảo vội vàng của thứ chủ nghĩa kinh nghiệm liều lĩnh! Các ông hãy chuyên tâm trước hết đến việc cải thiện chất đất, đến phân bón tốt, đến sự phát triển các giống ngựa, bò, cừu và lợn! Mong rằng hội nghị này đối với các ông như một vũ đài hòa bình, ở đó người thắng cuộc, khi ra bắt tay người thua cuộc và tỏ tình anh em với họ trong hy vọng một thắng lợi tốt đẹp hơn! Còn các bạn, những người giúp việc đáng tôn trọng, những người đầy tớ khiêm tốn, mà tới nay chưa một Chính phủ nào quan tâm đến công lao khó nhọc, các bạn hãy đến đây nhận phần thưởng về đức tin thầm lặng của các bạn, và các bạn hãy tin chắc rằng từ nay Nhà nước sẽ chú ý tới các bạn, Nhà nước khích lệ các bạn, bảo hộ các bạn. Nhà nước sẽ xét đến các đòi hỏi chính đáng của các bạn và sẽ, với hết quyền lực của mình, làm giảm bớt các gánh nặng những hy sinh đáng tiếc của các bạn!”

Đến đó, ông Lieuvain ngồi xuống; ông Derozerays đứng lên bắt đầu một bài diễn văn khác. Bài của ông, có lẽ chẳng văn hoa bằng bài của ông nghị, nhưng nó được chú ý bởi một phong cách có tính xác thực hơn, tức là bởi những kiến thức chuyên môn hơn và bởi những khảo sát cao hơn. Chẳng hạn, lời ca tụng Chính phủ ít chỗ hơn; tôn giáo và canh nông chiếm nhiều chỗ hơn. Người ta thấy trong đó mối tương quan giữa cái này với cái kia, và hai cái đó thường thường hỗ trợ cho nền văn minh như thế nào. Rodolphe cùng với bà Bovary, nói chuyện về chiêm bao, linh cảm, từ tính. Trở lại nguồn gốc các xã hội, diễn giả miêu tả cho ta những thời man dại mà con người sống bằng trái cây dẻ dại trong rừng thẳm. Rồi họ trút bỏ da thú, khoác dạ, đào luống, trồng nho. Đó phải chăng là một điều hay và trong sự phát minh ấy phải chăng có hại hơn là có lợi? Ông Derozerays tự đặt ra vấn đề ấy. Từ từ tính, dần dà Rodolphe nói đến mối quan hệ của hai vật thể đồng điệu và, trong khi ông chủ tịch kể chuyện Cincinnatus[10] đi cày, Dioclétien[11] trồng cải bắp và các hoàng đế Trung Hoa mở đầu năm bằng lễ gieo hạt giống, thì y giải thích cho người thiếu phụ rằng các sức hấp dẫn không cưỡng lại được kia có nguyên nhân từ kiếp trước nào đấy.

[10] Cincinnatus: một người La Mã, trước Công nguyên, nổi tiếng vì tính giản dị và tính khắc khổ.

[11] Dioclétien: Hoàng đế La Mã (245-313)

– Như chúng ta đây, – y nói, – tại sao chúng ta lại quen biết nhau? Do sự tình cờ nào run rủi tới? Đó là vì qua xa cách, đúng thế, như hai dòng sông lớn chảy tới để gặp nhau, những khuynh hướng riêng của chúng ta đã xô đẩy chúng ta lại gần nhau.

Thế rồi y cầm tay nàng; nàng không rút lại.

“Chúc toàn thể mọi người trồng trọt tốt!”, ông chủ tịch hô.

– Mới rồi, chẳng hạn, khi tôi đến nhà bà…

“Tặng ông Bizet, ở Quincampoix”.

– Tôi có biết đâu rằng tôi sẽ cùng đi với bà.

“Bảy mươi quan!”

– Có đến hàng trăm lần tôi muốn bỏ đi, nhưng tôi đã theo bà, tôi ở lại.

“Phân bón.”

– Cũng như tôi muốn ở lại chiều nay, ngày mai, những hôm khác, suốt đời tôi!

“Tặng ông Caron ở Argueil một huy chương vàng!”

– Là vì chưa bao giờ tôi đã thấy, đang lúc được gần ai, một mê say đầy đủ như thế.

“Tặng ông Bain ở Givry – Saint-Martin!”

– Cho nên, tôi, tôi sẽ mang theo kỷ niệm về bà.

“Về một con cừu đực, lông tốt đặc biệt…”

– Nhưng rồi ông sẽ quên tôi, tôi sẽ đi qua như một cái bóng.

“Tặng ông Belot ở Notre-Dame…”

– Ô! Không đâu, phải chăng, tôi sẽ là một cái gì trong tư tưởng bà, trong cuộc đời bà?

“Giống lợn, phần thưởng đồng hạng tặng các ông Lehérissé và Cullembourg sáu mươi quan!”

Rodolphe nắm tay nàng; và y cảm thấy tay nàng nóng hổi và run run như con chim gáy bị giam cầm muốn cất cánh bay đi; nhưng hoặc toan rút tay ra, hoặc hưởng ứng cái nắm chặt ấy, nàng động đậy các ngón tay; y thốt lên:

– Ồ! Cảm ơn! Bà chẳng cự tuyệt tôi! Bà có lòng tốt! Bà hiểu rằng tôi thuộc về bà! Bà cứ để tôi được nhìn bà, tôi được ngắm bà!

Một luồng gió thổi qua cửa sổ răn cái thảm phủ bàn lại, và, trên quảng trường, dưới kia cả loạt mũ trùm lớn của các bà nông dân được nâng lên như những con bướm trắng vẫy cánh.

“Sử dụng khô dầu”, chủ tịch tiếp tục.

Ông ta vội vã:

“Phân bón xứ Flandre, – trồng gai, – tháo nước, phát canh dài hạn, – lao dịch của người giúp việc.”

Rodolphe thôi không nói nữa. Hai người nhìn nhau. Một sự thèm muốn cực độ làm run rẩy cặp môi khô của họ! Và các ngón tay họ tự nhiên xoắn chặt lấy nhau một cách nhẹ nhàng.

“Bà Catherine-Nicaise-élisabeth Leroux, ở Sassetot-la-Guerrière, vì đã lao dịch năm mươi tư năm liền trong một trang trại, được thưởng một huy chương bạc giá hai mươi lăm quan!”

“Bà ấy đâu, bà Catherine Leroux?” ông nghị nhắc lại.

Bà ấy không ra, và người ta nghe thấy những tiếng xì xào:

– Đi lên đi!

– Không.

– Sang bên trái!

– Đừng sợ gì!

– Ồ, bà ấy ngốc thế!

– Nào bà ấy lên chưa? – Tuvache kêu lên.

– Có!… Bà ấy kia!

– Vậy bà ấy hãy lại gần đây!

Bây giờ người ta thấy tiến lên bục bà già nhỏ bé, dáng sợ sệt, ra vẻ co rúm lại trong bộ quần áo tồi tàn. Chân bà ta xỏ đôi giày guốc bằng gỗ và hai bên hông bà được phủ bằng một chiếc tạp dề xanh lớn. Mặt bà gầy, bao quanh bởi một chiếc khăn trùm không viền, nhăn nheo hơn một quả táo héo, và đôi bàn tay dài của bà đầy mấu khớp xương không vượt qua được ống tay áo chẽn đỏ. Bụi các vựa lúa, bồ tạt trong thuốc giặt quần áo và chất mỡ của len đã làm cáu, làm bợt, làm cứng đôi ống tay ấy đến nỗi trông vẫn bẩn tuy đã được cọ rửa bằng nước trong; và, vì đã dùng quá lâu, chúng đã rách toạc ở nhiều chỗ như để tự mình phô ra cái bằng chứng hèn mọn về bao đau khổ chịu đựng. Có cái gì nghiêm cách của nhà tu tôn vẻ mặt của bà lên. Chẳng có cái gì buồn rầu hoặc xúc động làm dịu được ánh mắt xanh nhạt kia. Luôn sống gần các súc vật, bà ta đã nhiễm thói câm lặng và tính thản nhiên của chúng. Đây là lần đầu tiên, bà thấy mình ở giữa một đám đông người đến thế; và, kinh hoảng bởi cờ quạt trống phách, bởi những ông vận y phục đen và bởi cái bội tinh của ông nghị, bà đứng sững lại, chẳng biết nên tiến hay nên thoái, chẳng biết tại sao đám đông cứ đẩy mình lên và tại sao các ông giám khảo lại tủm tỉm cười với mình. Thế đó, đứng trước bọn tư sản phở phơ kia là cả một nửa thế kỷ tôi đòi ấy.

– Bà lại gần đây, bà Catherine-Nicaise-Élisabeth Leroux đáng kính! – Ông nghị vừa nói, vừa đón từ hai tay của ông chủ tịch bản danh sách những người được khen thưởng.

Rồi hét xem giấy tờ lại nhìn bà già, ông nhắc lại bằng giọng nhân từ:

– Bà lại đây, lại đây!

– Bà có điếc không? – Tuvache vừa nói vừa chồm lên từ chiếc ghế bành.

Và ông ta thét vào tai bà già:

– Năm mươi tư năm lao động! Một huy chương bạc! Hai mươi lăm quan! Tặng bà đấy.

Rồi, khi bà đã cầm chiếc huy chương, bà ta ngắm nghía nó. Một nụ cười hoan hỉ liền nở trên khuôn mặt bà và người ta nghe thấy bà lẩm bẩm khi đi xuống:

– Mình sẽ đưa cái này cho cha xứ để cha làm lễ cho mình.

– Thật là cuồng tín! – Tay dược sĩ ngả người về phía viên chưởng khế mà thốt lên.

Hội nghị kết thúc; đám đông giải tán; và bây giờ các diễn văn đã đọc rồi, ai nấy lại trở về địa vị của mình và mọi sự lại trở về lề lối cũ: chủ nhân ngược đãi đầy tớ, đánh đập súc vật, những kẻ thắng cuộc thản nhiên lại trở về chuồng với một vòng lá xanh giữa cặp sừng.

Trong lúc ấy đám vệ binh đã leo lên tầng nhất tòa thị sảnh với những chiếc bánh sữa được xiên bằng lưỡi lê, và người lính đánh trống của đại đội khuân một thùng chai. Bà Bovary khoác tay Rodolphe; y đưa bà về tận nhà; hai người chia tay ở trước cửa; rồi y đi chơi một mình trong đống cỏ chờ đến giờ dự tiệc.

Bữa tiệc kéo dài, ồn ào, phục vụ kém; người ta ngồi chật đến mức khó lòng nhấc được cánh tay, và những tấm ván hẹp dùng làm ghế dài suýt gẫy dưới sức nặng của khách ngồi. Họ ăn uống ê hề. Ai nấy đều tận lực trong cái phần của mình. Mồ hôi đầm đìa trên trán; và một làn hơi trắng nhờ như hơi nước trên mặt sông vào một buổi sáng thu chờn vờn trên bàn ăn, giữa những chiếc đèn dầu treo. Rodolphe, lưng dựa vào vách lều căng bằng vải trúc bâu, tơ tưởng đến Emma nhiều quá đến mức y không còn nghe thấy gì hết. Đằng sau y trên bãi cỏ, đám người hầu đang xếp những đĩa bẩn; khách bên cạnh y hỏi, y chẳng trả lời; người ta rót rượu đầy cốc y, thế mà một tình trạng vắng lặng vẫn bao trùm lên tâm tư của y, mặc dầu tiếng ồn ào ở ngoài mỗi lúc mỗi tăng. Y nghĩ vơ vẩn đến cái mà nàng đã nói và đến hình cặp môi nàng, khuôn mặt nàng, như trong chiếc gương thần, óng ánh trên vành mũ nhà binh, nếp áo dài của nàng rủ xuống dọc theo các bức tường, và những ngày yêu đương kéo dài vô tận trong viễn cảnh của tương lai.

Buổi tối, y lại gặp nàng trong lúc đốt pháo hoa; nhưng nàng đi cùng với chồng, bà Homais và tay dược sĩ, tuy nàng rất lo lắng về tai nạn sinh ra bởi pháo hoa bay lạc; và chốc chốc, y lại rời nhóm để đi dặn dò Binet.

Pháo hoa gửi đến địa chỉ của ông Tuvache, vì quá cẩn thận, đã cất kỹ vào hầm nhà ông ta cho nên thuốc pháo ẩm không bén lửa và cái tiết mục chính, phải mô tả một con rồng đang cắn đuôi, bị thất bại hoàn toàn. Thỉnh thoảng, vọt lên một chiếc pháo hình đèn La Mã, tức thì đám đông miệng há hốc thốt ra một tiếng reo hò trong đó có lẫn cả tiếng kêu của phụ nữ bị người ta sờ mó trong bóng tối. Emma, lặng im, nhẹ nhàng nép mình vào vai Charles; rồi hếch cằm lên, nàng theo dõi tia sáng của pháo hoa trên bầu trời đen. Rodolphe ngắm nàng dưới ánh đèn cốc đang cháy.

Đèn ấy tắt dần. Những ngôi sao sáng lên. Vài giọt mưa rơi xuống. Nàng thắt chiếc khăn ren choàng trên đầu trần.

Lúc ấy, chiếc xe ngựa của ông nghị từ trong quán ra. Gã xà ích, say rượu, bỗng thiu thiu ngủ, và từ xa người ta thấy phía trên mui xe, giữa hai ngọn đèn lồng, thân hình gã ta đu đưa hết sang phải lại sang trái, tùy theo sự tròng trành của hòm xe.

– Thực ra, – tay dược sĩ nói, – cần phải nghiêm trị tệ say rượu! Tôi muốn người ta ghi, hàng tuần, ở cổng thị sảnh, trên một chiếc bảng trực tiếp, tên tất cả những người, suốt trong thời gian đó đã tự đầu độc mình bằng rượu. Vả lại, về phương diện thống kê, người ta sẽ có ở đó như những biên niên sử đích xác mà khi cần người ta có thể… Nhưng xin lỗi…

Thế rồi hắn lại chạy về phía viên chỉ huy vệ binh.

Ông này trở về nhà. Ông ta đi xem lại cái máy tiện của ông ta.

Homais nói với ông ta:

– Có lẽ ông nên cử một người của ông đi hoặc tự ông đi là hay…

– Xin ông để tôi yên, – viên thu thuế đáp, – vì chẳng có chuyện gì cả!

– Các bác hãy bình tâm, – tay dược sĩ nói, khi hắn trở lại chỗ bạn bè. – Ông Binet đã quả quyết với tôi rằng mọi biện pháp đã được trù liệu. Không có mồi lửa nào rơi xuống đầu. Các vòi bơm đều đầy nước cả. Ta về ngủ đi thôi.

– Nói thật! Tôi cũng buồn ngủ rồi, – bà Homais vừa nói vừa ngáp dài; – nhưng khong sao, chúng ta đã được một ngày hội rất đẹp.

Rodolphe khẽ nhắc lại, với một cái nhìn thắm thiết:

– Ồ! Vâng, rất đẹp!

Và, chào nhau xong, họ đi mỗi người một ngả.

Hai ngày sau, trên tờ Ngọn đèn Rouen có một bài báo lớn về hội nghị. Homais đã cao hứng viết bài đó:

“Tại sao những dây hoa, những đóa hoa, những tràng hoa này, đám đông này chạy đi đâu, như những làn sóng của biển dữ dưới những luồng ánh sáng mặt trời nhiệt đới đang gieo cái nóng trên ruộng đồng của chúng ta?”

Sau đó, ông nói về hoàn cảnh của những người nông dân. Quả thật, Chính phủ đã làm nhiều, nhưng chưa đủ. “Hãy can đảm lên! – Hắn kêu lên; – hàng nghìn cuộc cải cách là cần thiết, chúng ta thực hiện những cải cách ấy đi”. Rồi, nói đến sự ra mắt của ông nghị, hắn chẳng quên “cái vẻ hùng tráng của đội vệ binh chúng ta”, cả “các cô thôn nữ linh lợi nhất của chúng ta” cũng như các cụ già đầu hói, “các cụ già đáng kính tới đó, vài người trong họ, di tích của những đội quân bất tử của chúng ta, còn cảm thấy lòng mình sôi nổi trước tiếng trông oai hùng”. Hắn tự nêu tên mình trong những người đầu tiên trong những thành viên hội đồng, và thậm chí hắn còn nhắc đến, trong một chú thích, rằng ông Homais, dược sĩ, đã gửi một bản báo cáo về rượu táo đến hội Canh nông. Khi nói đến cuộc phát thưởng, hắn miêu tả nỗi vui sướng của những người trúng giải bằng những nét khuyếch đại! “Cha hôn con trai, anh hôn em, chồng hôn vợ. Nhiều người kiêu hãnh phô tấm huân chương tầm thường của mình, và khi trở về nhà, bên người vợ đảm đang, họ đã vừa khóc vừa treo nó lên bức tường kín đáo của túp lều tranh.

Vào lúc sáu giờ, một bữa tiệc bày trên đồng cỏ của ông Liégeard đã tập hợp những nhân vật chính của ngày hội. Tình thân mật nhất đã không ngừng ngự trị ở đó. Đã nhiều lần người ta nâng cốc: Ông Lieuvain, chúc hoàng thượng! Ông Tuvache, chúc ông quận trưởng! Ông Derozerays, chúc nền nông nghiệp! Ông Homais, chúc nền công nghiệp và mỹ nghệ, hai ngành chị em đấy! Ông Leplichey, chúc mọi sự cải tiến! Buổi tối lửa pháo hoa rực rỡ đã bất thần làm sáng ngời không trung. Người ta có thể nói đó là một kính vạn hoa thực sự, một cảnh trí kịch viện thực sự và, trong khoảnh khắc, cái địa phương nhỏ bé của chúng ta có thể tưởng như được chuyến đến giữa một giấc mơ của Một nghìn một đêm lẻ.

Chúng tôi nhận xét rằng không có một biến cố đáng tiếc nào đã xảy ra làm rối loạn cuộc hội họp gia đình này”.

Và hắn nói thêm:

“Người ta chỉ thấy ở đấy sự vắng mặt của giới tu sĩ. Chắc hẳn các vị giữ đồ thánh hiểu sự tiến bộ một cách khác. Tùy các ông đấy, các ông xuất xứ từ Loyola[12] ạ!”

[12] Các ông xuất xứ từ Loyola (messieurs de Loayola): Các giáo sĩ dòng đạo Giatô.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.