Bà Bovary

Chương 8



Nàng vừa đi vừa tự hỏi: “Mình sẽ nói gì đây? Mình sẽ mở đầu như thế nào?” và, càng tiến lên nàng càng nhận ra những bụi rậm, những cây cối, những cây trên đồi, tòa lâu đài ở đầu kia. Nàng lại tìm thấy nàng trong những cảm giác của mối tình đầu, vả trái tim tội nghiệp của nàng bị o ép đã nở ra một cách tình tứ ở trong đó. Một làn gió ấm phả vào mặt nàng; tuyết, tan ra, rơi từng giọt từ những mầm non xuống cỏ.

Nàng vào, như xưa kia, bằng cái cửa nhỏ phía vườn, rồi đi tới sân chính, viền quanh bởi hai hàng bồ đề um tùm. Những cây ấy vừa rít lên vừa đu đưa những cành dài. Tất cả những con chó ở trong cũi đều sủa lên; tiếng chúng vang dậy mà chẳng có ai ra.

Nàng leo lên chiếc cầu thang rộng thẳng tắp, có lan can gỗ, dẫn tới hành lang lát đá đầy bụi, dọc theo đó mở ra nhiều căn buồng nối tiếp nhau thành dãy như trong các tu viện hay các hàng quán. Khi nàng vừa đặt những ngón tay lên ổ khóa, đột nhiên nàng kiệt sức. Nàng sợ y không có trong đó, nàng hầu như mong thế, và điều ấy tuy nhiên lại là niềm hy vọng độc nhất của nàng, cái cơ hội cuối cùng giúp nàng thoát hiểm. Nàng ngẫm nghĩ một phút, rồi, lấy lại can đảm vì nghĩ đến sự cần thiết trước mắt, nàng bước vào.

Y đang ngồi hút một tẩu thuốc trước lò sưởi, hai chân gác lên khung lò.

– Kìa! Bà đây à! – Y vừa nói vừa đứng phắt dậy.

– Vâng, tôi đây!… Anh Rodolphe, tôi xin anh mách bảo cho tôi một điều.

Và mặc dầu nàng cố gắng, nàng vẫn không sao nói được nên lời.

– Bà không thay đổi, bà vẫn xinh đẹp!

– Ờ! – Nàng đáp lại chua chát – Đó là cái sắc đẹp đáng khinh, anh bạn ạ, vì anh đã miệt thị nó.

Thế là y bắt đầu giải thích thái độ của y, tự bào chữa cho mình bằng những lời lẽ mơ hồ, vì y không thể bịa ra được gì hơn nữa.

Nàng đã buông thả mình trước những lời nói của y, hơn nữa trước giọng nói của y và trước vẻ người y đến nỗi nàng giả vờ tin, hay có lẽ tin thật, vào duyên cớ hai người đã đoạn tuyệt nhau; đó là một điều bí mật mà danh dự và thậm chí cả cuộc đời của một con người thứ ba phụ thuộc vào.

– Không can gì! – Nàng vừa buồn rầu nhìn y vừa nói – Tôi đã quá đau khổ!

Y đáp lại bằng một giọng triết lý:

– Cuộc sống là như thế!

– Ít ra, – Emma tiếp lời, – nó có tốt lành cho anh không kể từ khi đôi ta xa cách?

– Ồ! Không tốt… không xấu.

– Có lẽ chúng ta không bao giờ rời bỏ nhau thì hơn.

– Phải… có lẽ!

– Anh tin thế chứ? – Nàng vừa nói vừa bước lại gần y. Và nàng thở dài:

– Rodolphe ơi! Nếu anh biết!… Em đã quá yêu anh!

Thế là nàng nắm lấy tay y, và hai người đứng một lát trong cảnh từng ngón tay bện chặt lại với nhau – như cái ngày đầu tiên ở đại hội nông nghiệp! Bằng một cử chỉ tự kiêu, y giãy giụa chống lại cơn xúc động. Nhưng, gục vào ngực y, nàng nói:

– Vì lẽ gì anh muốn em sống không có anh? Người ta không thể từ bỏ được hạnh phúc! Em đã thất vọng! Em đã tưởng chết! Em sẽ kể cho anh nghe tất cả chuyện đó, anh sẽ thấy. Còn anh, anh đã trốn em…

Vì, từ ba năm nay, y đã đang tâm lẩn tránh nàng, do cái tính hèn nhát tự nhiên, nó là đặc tính của phái khỏe; và Emma tiếp tục, bằng những cái dũi đầu dễ thương âu yếm y hơn cả một cô gái đa tình:

– Anh yêu những kẻ khác, anh thú thực đi. Ồ! Em hiểu họ mà! Em tha thứ cho họ; anh đã quyến rũ họ, như anh đã quyến rũ em. Anh là một người đàn ông, anh! Anh có đủ mọi thứ để làm cho người ta thương yêu anh. Thôi chúng ta sẽ làm lại từ đầu nhé, phải không, anh? Chúng ta sẽ yêu nhau! Này, em cười, em sung sướng!… Anh nói đi nào?

Và trông nàng thật là tuyệt, với cặp mắt có lệ rung rinh như nước dâng trong một đài hoa xanh biếc.

Y kéo nàng vào lòng, và lấy lưng bàn tay vuốt ve mái tóc mượt của nàng, trên đó, trong ánh hoàng hôn, lóng lánh một tia nắng cuối cùng như mũi tên vàng. Nàng ngẩng mặt lên; cuối cùng y chúm môi hôn lên mí mắt nàng một cách thật dịu dàng.

Nàng òa lên nức nở. Rodolphe tưởng đó là tình yêu của nàng bột phát, rồi thấy nàng im lặng. Y coi đó là niềm e lệ cuối cùng và thế là y thốt lên:

– Ôi! Tha thứ cho anh! Em là người độc nhất anh ưa. Anh đã ngu dại và độc ác! Anh yêu em, anh yêu em mãi mãi! Em làm sao? Em nói đi nào!

Y quỳ xuống.

– Này!… Em bị phá sản rồi, Rodolphe ạ! Anh cho em vay ba ngàn quan!

– Nhưng… nhưng… – Y vừa nói vừa từ từ đứng lên còn nét mặt y nghiêm hẳn lại.

– Anh biết – nàng nhanh chóng tiếp lời, – chồng em đã đặt tất cả gia sản vào tay một viên quản lý văn khế; ông ta đã trốn đi mất, vợ chồng em đã vay mượn; khách hàng lại không trả tiền, vả lại, sự thanh toán chưa xong; mai kia vợ chồng em mới có tiền. Nhưng, hôm nay, thiếu ba ngàn quan, người ta sẽ tịch biên tài sản của vợ chồng em; ngay bây giờ, thậm chí ngay lúc này; và tin ở tình bạn của anh, em đến đây.

– A! – Rodolphe đột nhiên tái hẳn mặt, y thầm nghĩ thế ra vì đó mà nàng đến.

Cuối cùng, bằng một vẻ rất bình tĩnh, y nói:

– Tôi không có, thưa quý bà.

Y không nói đối. Y mà có, chắc chắn y cho liền, dẫu rằng làm những việc tốt đẹp như thế thường chẳng thú vị gì: hỏi tiền là điều vô vị nhất và thất sách nhất trong lúc mọi cơn lốc đang thổi xoáy vào tình yêu.

Thoạt tiên, nàng lặng đi mấy phút nhìn y.

– Anh không có!

Rồi nàng nhắc đi nhắc lại nhiều lần:

– Anh không có!… Đáng lẽ em phải tránh cho em cái nhục cuối cùng này. Anh chưa bao giờ yêu em cả! Anh chẳng hơn gì những kẻ khác!

Nàng tự phản mình, nàng tự hại mình.

Rodolphe ngắt lời nàng, quả quyết rằng chính bản thân y cũng đang “túng”.

– À! Em ái ngại cho anh! – Emma nói. – Phải rất đỗi ái ngại!…

Và nàng ngừng cặp mắt trên một khẩu súng ngắn khảm bạc đang lấp lánh trên giá vũ khí:

– Nhưng, khi người ta nghèo đến thế, người ta không để bạc vào báng súng! Người ta không mua một cái đồng hồ khảm xà cừ! – Nàng vừa tiếp tục nói vừa chỉ vào chiếc đồng hồ treo tường Boulle – Chẳng mua còi mạ vàng cùng roi quất ngựa! – Nàng sờ vào đó – Chẳng mua những đồ trang sức cho đồng hồ bỏ túi. Ồ! Anh chẳng thiếu cái gì! Đến cả một cái khay đặt rượu mùi để trong buồng anh; vì anh yêu quý cái thân anh, anh sống thoải mái, anh có một tòa lâu đài, những trạng trại, những rừng cây; anh săn đuổi thú, anh du ngoạn Paris… Ồ! Chỉ cần những cái này thôi, – nàng vừa thét lên vừa cầm những chiếc khuy tay áo sơ mi của y để trên lò sưởi, chỉ cần một chút vật nhỏ nhất trong những cái vớ vẩn này thôi! Người ta cũng có thể lấy nó làm ra tiền được!… Ồ! Em không thèm những cái ấy đâu! Anh giữ lấy.

Và nàng ném ra thật xa hai chiếc khuy áo khiến sợi dây vàng đứt ra khi va vào tường.

– Nhưng em, em có thể cho anh tất cả, em có thể bán tất cả, em có thể tự tay làm lụng, em có thể đi ăn xin trên các nẻo đường, để được một nụ cười, một cái nhìn, để được nghe anh nói: “Cảm ơn!”. Thế mà anh ngồi đó bình thản trong cái ghế bành của anh; dường như anh chưa từng làm em đau khổ? Không có anh, anh biết rõ không, em có thể sống sung sướng! Ai xui anh làm việc đó? Phải chăng đó là một sự ước hẹn nếu thua cuộc thì trả tiền vạ? Tuy nhiên, anh đã yêu em, anh bảo thế… Và ngay vừa rồi nữa… Ôi! Chẳng thà anh đuổi em đi còn hơn! Bàn tay em hãy còn nóng vì những chiếc hôn của anh, và kia là cái chỗ, trên thảm, anh thề dưới đầu gối em một tình yêu đến ngàn đời. Anh đã làm em tin vào đó: trong hai năm trời, anh đã lôi cuốn em vào giấc mơ huy hoàng nhất. Và êm ái nhất!… Hừ! Những dự định đi xa của đôi ta anh còn nhớ chứ? Ôi! Bức thư của anh, bức thư của anh! Nó đã xé lòng em! Thế rồi khi em trở lại với anh, với anh, anh đang giàu có, sung sướng, tự do để khẩn cầu một sư cứu giúp mà vô luận người nào cũng sẵn lòng làm em, van xin và mang tới anh cả mối tình thắm thiết của em thì anh xua đuổi em, vì rằng điều đó làm cho anh sẽ mất ba ngàn quan!

– Tôi không có số tiền ấy! – Rodolphe đáp lại với vẻ bình thản hoàn toàn, như một chiếc khiên, để giấu giếm những cơn giận dữ, mà y cam chịu.

Nàng đi ra. Tường nhà rung chuyển, trần nhà tựa hồ muốn đè bẹp nàng; và nàng lại qua lối đi dài, vấp vào đống lá khô mà gió đã làm cho tan tác. Sau cùng, nàng bước đến cái hồ cắm chông ngay trước bức rào sắt; nàng bị ổ khóa làm gãy móng tay, vì nàng quá hấp tấp mở nó. Rồi, mới xa đó được trăm bước, nàng phải đứng dừng lại vì hết hơi, muốn ngã. Và vào lúc đó, nàng quay đầu lại thoáng nhìn một lần nữa tòa lâu đài trơ trơ, với những vườn tược, ba cái sân, và tất cả các cửa sổ mặt trước.

Nàng vô cùng sững sờ và nàng chỉ còn có ý thức về bản thân mình qua tiếng đập của các mạch máu, nàng tưởng chừng nghe thấy nó phát ra như một bản nhạc ầm ĩ đang tràn ngập đồng quê. Đất dưới chân nàng, như nhuyễn hơn nước; và những luống cày, đối với nàng, dường như những làn sóng mênh mông màu nâu đang rập rờn. Tất cả cái gì đã có trong đầu óc nàng đều đồng loạt thoát ra rất nhanh từ những hồi tưởng, những ý nghĩ như hàng ngàn mảnh pháo hoa. Nàng thấy cha nàng, phòng giấy của Lheureux, buồng của họ ở xa kia, một phong cảnh khác. Nàng phát điên; nàng hoảng sợ, và cố nhiên, nàng đi tới trấn tĩnh lại được, một cách hỗn độn; vì nàng chẳng nhớ ra cái nguyên nhân của tình trạng ghê gớm của nàng, nghĩa là vấn đề tiền. Nàng chỉ đau khổ về tình yêu của nàng; và nhớ đến đó, nàng cảm thấy linh hồn nàng rời bỏ nàng, như những kẻ bị thương, lúc hấp hối, cảm thấy cuộc sống mất đi do vết thương đổ máu.

Đêm xuống, quạ bay ra. Nàng đột ngột tưởng chừng những quả bóng nhỏ màu lửa nổ trong không khí như những viên đạn vừa nổ tung ra vừa bẹp gí xuống, rồi quay, quay tít, để tản đi trong tuyết, giữa những cành cây. Giữa mỗi quả bóng ấy, mắt Rodolphe hiện ra. Chúng tăng lên, và lại gần, rồi thâm nhập nàng; tất cả biến mất. Nàng nhận ra những ánh sáng của các nhà đang từ xa rọi chiếu trong sương mù.

Bây giờ, hoàn cảnh của nàng, như một vực thẳm, lại hiện ra. Nàng hổn hển thở đến vỡ ngực. Rồi, trong một cơn bốc của cái hào khí làm cho nàng hầu như vui sướng, nàng chạy xuống bờ dốc, vượt qua tấm ván ngăn bờ, con đường nhỏ, lối đi, khu chợ; rồi đến trước cửa hàng dược phẩm.

Không có ai. Nàng sắp bước vào; nhưng, nghe thấy tiếng chuông, người ta có thể ra; và luồn qua hàng rào, nín hơi thở sờ mó các bức tường, nàng tiến lên tận ngưỡng cửa nhà bếp, trong đó, một ngọn đèn nến đặt trên lò đang cháy. Justin, mặc áo sơ mi không, đang bưng một đĩa đồ ăn.

“À! Họ đang ăn. Ta hãy đợi.”

Justin trở lại. Nàng gõ vào một ô cửa kính. Gã ta đi ra

– Chìa khóa! Chìa khóa ở buồng trên, trong có những…

– Thế nào?

Và gã nhìn nàng hoàn toàn ngạc nhiên vì sắc mặt nhợt nhạt của nàng trở thành màu trắng nổi lên nền đen của đêm tối. Gã ta thấy đẹp lạ lùng, và đường bệ như một bóng ma; không hiểu nàng muốn gì, gã linh cảm thấy việc gì ghê gớm.

Nhưng nàng lại hăng hái nói khe khẽ, bằng một giọng dịu dàng, khiến người ta phải nghe theo:

– Tôi muốn cái chìa khóa đó! Hãy đưa nó cho tôi.

Vì bức vách mỏng người ta nghe thấy tiếng đĩa lách cách trên những chiếc đĩa trong phòng ăn.

Nàng bảo nàng cần phải giết những con chuột làm nàng mất ngủ.

– Tôi cần phải báo cho ông biết.

– Đừng! Hãy ở lại đây!

Rồi, bằng một vẻ thờ ơ, nàng nói tiếp:

– À! Chẳng đáng phiền, tôi sẽ nói với ông chiều nay. Nào, soi đèn lên cho tôi!

Nàng bước vào hành lang dẫn tới phòng thí nghiệm. Trên bức tường đó treo một cái chìa khóa dán chữ Buồng tạp liệu.

– Justin! – Tay dược sĩ sốt ruột quát gọi.

– Chúng ta lên đi!

Thế là gã ta theo nàng.

Cái chìa khóa quay trong ô, và nàng đi thẳng tới cái giá thứ ba để đồ vật vì trí nhớ của nàng hướng dẫn đúng, nàng cầm cái bình màu lam, mở nút ra, thọc tay vào và, lấy ra một thứ bột trắng, nàng ăn liền.

– Dừng lại! – Gã ta vừa kêu lên vừa sấn lại nàng.

– Im đi! Người ta đến…

Gã ta thất vọng, muốn gọi.

– Đừng nói gì cả, không mọi sự rơi lên đầu chủ mày!

Rồi nàng quay ra về, đột nhiên lòng nàng dịu lại, và hầu như bình tĩnh vì đã làm xong một nhiệm vụ.

* * *

Khi Charles, bàng hoàng trước cái tin bị tịch biên tài sản, về tới nhà, thì Emma vừa đi khỏi. Hắn kêu la, khóc lóc, ngất đi, nhưng nàng không trở lại. Nàng ở đâu mới được chứ? Hắn cho Félicité đến nhà Homais, nhà Tuvache, nhà Lheureux, đến quán Sư Tử Vàng, đến khắp nơi, và trong từng lúc lo âu, hắn thấy uy tín của hắn bị tiêu ma, tài sản khánh kiệt, tương lai của Berthe tan vỡ! Do nguyên nhân nào?… Không một lời đáp lại! Hắn đợi đến tận sáu giờ chiều. Cuối cùng, không chịu được nữa, và tưởng nàng đã đi Rouen, hắn men theo đường cái, đi được nửa dặm, không gặp ai, đợi mãi rồi quay trở về.

Nàng đã về.

– Có chuyện gì thế…? Tại sao!… Nói cho anh biết chứ?…

Nàng ngồi vào bàn giấy và viết một bức thư rồi thong thả dán lại ghi thêm ngày giờ. Rồi, bằng một giọng nghiêm chỉnh, nàng nói:

– Mai anh sẽ đọc bức thư ấy; từ đây đến dó, đừng hỏi em một lời nào!… Không, không một lời nào!

– Nhưng…

– Ồ! Để em yên!

Và nàng nằm dài xuống giường.

Một vị chát mà nàng cảm thấy trong miệng nàng đánh thức nàng dậy. Nàng thoáng thấy Charles, nàng lại nhắm mắt lại.

Nàng tự theo dõi nàng một cách tẩn mẩn để xem mình có đau không. Nhưng không! Chưa có gì cả. Nàng nghe thấy tiếng đồng hồ đập, tiếng lửa cháy, và Charles đứng gần chỗ nàng nằm, đang chờ.

“À! Cái chết, thực ra chẳng có gì!” Nàng thầm nghĩ “Mình sẽ ngủ đi và thế là hết!”

Nàng uống một ngụm nước và quay mặt vào tường.

Cái vị mực chát ghê gớm tiếp tục.

– Em khát!… Ôi! Em khát lắm! – Nàng thở dài.

– Em làm sao thế? – Charles vừa hỏi vừa đưa cho nàng cốc nước.

– Không sao cả!… Mở cửa sổ ra… em ngạt!

Và nàng bị một cơn nôn đột ngột đến nỗi nàng suýt nữa chẳng kịp rút mùi soa dưới gối. Nàng gay gắt nói:

– Mang nó đi! Vứt nó đi!

Hắn hỏi nàng; nàng không đáp. Nàng nằm im, sợ rằng chỉ một chút xúc động là làm nàng nôn. Trong lúc ấy, nàng cảm thấy khí lạnh vô tình leo từ chân nàng lên tới tim nàng.

– A! Thế là bắt đầu rồi đây! – Nàng lẩm bẩm.

– Em nói gì vậy?

Nàng xoay đầu nàng bằng một cử chỉ dịu dàng, đầy lo lắng, và hai hàm răng nàng há ra liên tục dường như lưỡi nàng mang một cái gì nặng lắm. Đến tám giờ, nhưng cơn nôn lại tiếp diễn.

Charles quan sát thấy ở đáy chậu có một thứ sạn sỏi trắng bám vào thành sứ.

– Lạ thật! Kỳ thật! – Hắn nhắc đi nhắc lại.

Nhưng nàng nói thật to:

– Không, anh nhầm đấy!

Bấy giờ, nhẹ nhàng và gần như vuốt ve nàng, hắn đưa tay lên chỗ dạ dày nàng. Nàng rú lên. Hắn hoảng sợ lùi lại.

Rồi nàng bắt đầu rên rỉ, thoạt tiên còn khẽ. Nàng rùng mình mạnh, đôi vai nàng rung lên, và mặt nàng nhợt nhạt hơn cả vải trải giường mà các ngón tay co quắp của nàng thọc sâu vào. Mạch nàng, không đều, bây giờ hầu như không còn cảm giác.

Những giọt nước rỉ ra trên khuôn mặt xanh nhạt của nàng tựa hồ đọng lại trong một thứ hơi kim loại bốc lên. Răng nàng lập cập, mắt giương to nhìn quanh nàng một cách mơ hồ, và hỏi gì nàng cũng chỉ đáp lại bằng cách lắc đầu, thậm chí nàng còn mỉm cười hai hay ba lần.

Dần dần, nàng rên to hơn. Một tiếng ú ớ phát ra; nàng bảo nàng đã dễ chịu hơn và chốc nữa nàng sẽ ngồi dậy. Nhưng người nàng bỗng co giật, nàng la lên:

– Ối trời ơi, đau quá!

Hắn quỳ xuống bên giường nàng.

– Em nói đi! Em đã ăn gì? Trả lời anh đi, nhân danh Chúa!

Và hắn nhìn nàng bằng đôi mắt yêu thương mà nàng chưa bao giờ từng thấy.

– Này, kia…; kia!… – Nàng nói bằng một giọng lả đi.

Hắn nhảy chồm tới bàn giấy, xé bì thư và đọc rất to! Đừng buộc tội ai… Hắn ngừng lại, đưa tay lên mắt, rồi lại đọc lại.

– Sao thế này! Cứu tôi với! Cứu tôi!

Và hắn chỉ có thể lắp đi lắp lại được mấy tiếng: “Bị đầu độc! Bị đầu độc!” Félicité chạy sang nhà Homais, ông này ra quảng trường kêu lên; mụ Lefrançois, ở quán Sư Tử Vàng nghe thấy; vài người đứng dậy báo tin cho hàng xóm, và suốt đêm cả thôn xóm thức giấc.

Hốt hoảng, ấp úng, suýt ngã, Charles loanh quanh trong buồng. Hắn hết va vào đồ đạc, lại rứt tóc, và tay dược sĩ chưa bao giờ ngờ tới cái cảnh tượng đáng sợ đến thế có thể có.

Ông ta trở về nhà viết thư cho ông Canivet và cho bác sĩ Larivière. Ông ta rối trí, ông ta thảo bản nháp hơn mười lăm lần. Hippolyte đi Neufchâtel, và Justin thúc con ngựa của Bovary mạnh đến mức phải quăng nó ở dốc Bois Guillaume vì chân nó bị bầm máu gần quỵ.

Charles giở cuốn tự điển Y học ra xem; hắn chẳng trông thấy gì, các dòng chữ cứ nhảy múa lên.

– Hãy bình tĩnh! – Tay dược sĩ nói. – Chỉ cần dùng một thứ thuốc giải độc mạnh nào đó. Thuốc độc gì thế?

Charles đưa cái thư ra. Đó là chất thạch tín.

– Này! – Homais tiếp lời – cần phải đem phân tích.

Vì ông ta biết rằng, trong mọi trường hợp đầu độc, phải phân tích; còn Charles, không hiểu, đáp;

– À! Ông làm đi! Ông làm đi! Ông cứu nhà tôi…

Rồi, trở lại gần nàng, hắn ngồi thụp xuống đất, trên tấm thảm và gục đầu vào thành giường khóc nức nở.

– Anh đừng khóc! – Nàng bảo anh. – Chẳng bao lâu nữa, em sẽ không còn làm khổ anh!

– Tại sao? Ai buộc em?

Nàng đáp:

– Cần phải thế, anh yêu dấu của em.

– Em không sung sướng à? Có phải là lỗi tại anh không? Tuy nhiên, anh đã làm tất cả mọi điều anh có thể!

– Ừ…, thực đấy… anh tốt, anh!

Và nàng, thong thả, lùa tay vào mái tóc hắn. Cái cảm giác êm dịu ấy càng làm tăng thêm nỗi buồn của hắn; hắn cảm thấy cả con người hắn sụp đổ và thất vọng trước ý nghĩ nhất thiết phải mất nàng, khi nàng, trái lại, bộc lộ với hắn tình yêu hơn bao giờ hết; và hắn không tìm thấy gì; hắn không biết; hắn không dám; tính khẩn cấp của một quyết định tức khắc hoàn toàn làm hắn mất tinh thần.

Nàng thầm nghĩ nàng đã rũ sạch mọi sự phản bội, mọi cái ti tiện và vô vàn thèm muốn dằn vặt nàng. Bây giờ, nàng chẳng căm ghét ai; một buổi hoàng hôn hỗn độn sập xuống tư duy nàng, và trong mọi tiếng động của trái đất, Emma chỉ còn nghe thấy tiếng trái tim đáng thương từng hồi rên rỉ dịu dàng và mơ hồ như dư âm của một khúc nhạc hòa tấu xa dần.

– Dẫn con bé vào đây cho tôi, – nàng vừa chống người lên khuỷu tay vừa nói.

– Em không thấy đau nữa phải không? – Charles hỏi.

– Không! Không!

Đứa trẻ được người hầu gái bồng đến, nó mặc một chiếc áo ngủ dài để thò ra ngoài hai bàn chân không bít tất, vẻ mặt nghiêm chỉnh và hầu như còn ngái ngủ. Nó ngơ ngác nhìn gian buồng bừa bộn, và nó chớp mắt vì bị chói bởi ánh những ngọn đèn nến đang cháy trên đồ đạc. Những ngọn đèn ấy chắc hẳn làm nó nhớ lại những buổi sáng đầu năm, hay ngày hội giữa tuần chay, khi nó được người ta đánh thức dậy sớm như thế, dưới ánh đèn nến, để đến bên giường mẹ nhận quà mở hàng, vì nó hỏi:

– Thế mẹ đâu?

Và, vì mọi người lặng im, nó hỏi:

– Mà em không thấy đôi giày nhỏ của em!

Félicité bế nghiêng con bé xuống giường; trong khi con bé vẫn nhìn về phía lò sưởi.

– Có phải bà vú đã lấy giày đi rồi à? – Nó hỏi.

Thế là, nghe nói đến cái tên ấy, cái tên làm bà nhớ lai những cuộc ngoại tình và những mối tai họa của mình, bà Bovary quay đầu như bị lợm vì một thứ thuốc độc khác mạnh hơn trào lên miệng. Berthe, trong lúc ấy, đã được đặt ngồi trên giường.

– Ồ! Mẹ, mắt mẹ to quá! Mẹ xanh thế! Mẹ đổ mồ hôi nhiều thế!…

Mẹ nó nhìn nó.

– Em sợ! – Con bé vừa nói vừa lùi lại.

Emma cầm bàn tay nó để hôn: nó giãy giụa.

– Thôi! Mang nó đi! – Charles, đang nức nở phía trong buồng, la lên.

Rồi những triệu chứng ngừng lại một lát; nàng có vẻ ít bị vật vã hơn; và cứ mỗi lời nói không đâu, mỗi hơi thở trên lồng ngực nàng êm hơn một chút, hắn lại hy vọng. Cuối cùng, khi Canivet bước vào, hắn vừa lao vào giữa hai cánh tay ông ta vừa khóc.

– Ôi! Ông đấy ư! Cảm ơn! Ông tốt lắm! Nhưng mọi sự đã khá hơn. Kìa ông trông xem nhà tôi…

Người bạn đồng nghiệp không đồng ý chút nào, về ý kiến của hắn, và như chính ông ta nói, phải quả quyết làm, ông truyền cho uống thuốc mửa để tẩy sạch hẳn dạ dày.

Chẳng bao lâu nàng nôn ra máu. Đôi môi nàng càng mím chặt lại. Chân tay nàng co quắp lại, thân thể nàng đầy chấm nâu, vì mạch nàng chuội đi dưới những ngón tay như sợi chỉ căng, như một dây đàn sắp đứt.

Rồi nàng thét lên kinh khủng. Nàng nguyền rủa thuốc độc, chửi bới nó, van nó mau lên, và bằng hai cánh tay cứng nhắc nàng gạt tất cả những gì mà Charles, hấp hối hơn cả nàng, cố gắng đưa nàng uống. Hắn đứng, mùi soa trên môi, thở khò khè, khóc lóc, nghẹn ngào bởi những cơn nức nở rung động toàn thân hắn; Félicité chạy lăng xăng trong buồng; Homais đứng sững, thở dài; và ông Canivet, vốn vẫn bình tĩnh, bắt đầu cảm thấy bôi rối.

– Quái!… thế mà… bà ta đã được tẩy rồi, và chính khi nguyên nhân hết…

– Kết quả phải hết, – Homais nói; – hiển nhiên là thế.

– Nhưng hãy cứu lấy nhà tôi! – Bovary kêu lên.

Cho nên, Canivet chẳng nghe tay dược sĩ liền đưa ra các giả thiết: “Có lẽ là một thời kỳ kịch phát tốt lành của căn bệnh”, Canivet sắp dùng thuốc giải độc khác thì nghe thấy tiếng roi quất ngựa; tất cả các cửa kính rung lên, và một xe ngựa hòm nhà trạm do ba con ngựa dính bùn đến tận tai ra sức kéo đi, lao vọt tới góc chợ. Đó là bác sĩ Larivière.

Một ông khách hiện ra cũng không gây được nhiều xúc động đến thế. Bovary giơ tay lên, Canivet ngừng bặt và Homais trật chiếc mũ trùm kiểu Hy Lạp ra ngay trước khi bác sĩ bước vào.

Ông ta thuộc trường phái phẫu thuật lớn được Bichat đào tạo, thuộc vào cái thế hệ, nay đã mất, của những nhà thực tiễn triết gia yêu nghề mình bằng một mối cuồng nhiệt; hành nghề một cách phấn khởi và minh mẫn! Trong bệnh viện của ông ta, tất cả đều run lên khi ông ta nổi giận và các học trò ông ta tôn kính ông ta đến mức, vừa bắt đầu lập nghiệp đã cố gắng bắt chước ông ta hết sức; cho nên ở những thành phố xung quanh, người ta lại thấy ở họ chiếc áo choàng dài lót len của ông ta và chiếc áo đen rộng của ông ta mà các cửa tay không cài khuy trùm một chút lên những bàn tay mũm mĩm của ông ta; những bàn tay rất đẹp không bao giờ đeo găng như để được mau chóng hơn thọc vào các nỗi khổ đau. Coi khinh các huân chương, các chức tước và các học vị, niềm nở, rộng rãi, hiền hậu, thân thương với người nghèo và thực hành đạo đức mà chẳng tin vào đó, ông ta hầu như được coi là một vị thánh nếu không vì trí tuệ sắc sảo của ông ta khiến người ta sợ ông ta như sợ một con quỷ. Con mắt của ông ta, sắc hơn dao mổ, rọi thẳng vào tâm hồn người ta và phanh phui mọi dối trá qua những biện bác và e lệ. Và ông ta cứ sống như thế, đầy vẻ oai nghiêm hiền hậu phát sinh từ ý thức về tài cao, của lắm và bốn mươi năm làm ăn cần cù, trong sạch.

Vừa bước vào cửa, ông ta đã cau mày khi nhìn thấy bộ mặt nhợt nhạt như xác chết của Emma nằm ngửa, miệng há. Rồi ông ta vừa ra vẻ lắng nghe Canivet nói vừa đặt ngón tay trỏ dưới lỗ mũi vừa nhắc đi nhắc lại:

– Được, được.

Nhưng ông ta cử động chậm chạp đôi vai. Bovary ngắm ông ta: họ nhìn nhau; và con người ấy, tuy đã từng quen với đau khổ là thế, cũng không thể ngăn một giọt nước mắt rơi xuống ngực áo mình.

Ông ta muốn kéo Canivet sang phòng bên. Charles đi theo.

– Nhà tôi đau lắm phải không? Giá chườm hạt cải được? Tôi chẳng biết có phải thế không! Vậy ông hãy kiếm thứ gì cho nhà tôi đi, ông đã từng cứu nhiều người!

Charles dang hai cánh tay ôm lấy người ông ta, và hắn ngắm ông ta một cách hốt hoảng, van xin, gần như ngất đi trên ngực ông ta.

– Này, anh chàng đáng thương ơi, can đảm lên! Chả còn làm gì được nữa.

Và bác sĩ Larivière quay đi.

– Ông đi à?

– Tôi sẽ trở lại.

Ông ta đi ra như để căn dặn người đánh xe trạm một điều gì. Cùng ra với ông ta có ông Canivet, ông này cũng không muốn trông thấy Emma chết trong tay mình.

Tay dược sĩ theo kịp hai ông vào lúc tới quảng trường. Bản chất của y là không thể xa rời những người nổi tiếng được. Do đó y khẩn khoản ông Larivière ban cho y cái hân hạnh đặc biệt là nhận lời ăn cơm với y.

Chim bồ câu ở quán Sư Tử Vàng, tất cả sườn ở hàng thịt, kem ở nhà Tuvache, trứng ở nhà Lestiboudois đều được lấy nhanh về, và chính tay dược sĩ đích thân giúp việc sửa soạn, còn bà Homais thì vừa thắt đai áo chẽn của mình vừa nói:

– Xin ông tha lỗi cho, thưa ông; vì ở cái vùng khốn khổ của chúng tôi khi mà không được báo trước từ hôm trước thì…

– Lấy cốc có chân!!! – Homais khẽ nhắc.

– Ít ra, nếu chúng tôi ở tỉnh, chúng tôi còn cái may mắn kiếm được chân giò nhồi thịt.

– Thôi mình!… Xin mời bác sĩ vào bàn!

Sau những miếng đầu tiên, ông Homais xét thấy cần cung cấp vài chi tiết về cái tai họa:

– Chúng tôi thoạt tiên cảm thấy trạng thái khô ráo ở yết hầu, rồi những cơn đau quặn ở bụng trên, xổ mạnh, hôn mê.

– Vậy bà ta đã tự đầu độc mình như thế nào?

– Thưa bác sĩ tôi không biết và thậm chí tôi cũng chẳng rõ bà ấy đã có thể kiếm được ở đâu cái chất thạch tín ấy.

Justin, bấy giờ đang bưng một chồng đĩa, bỗng run lên bần bật.

– Mày làm sao thế? – Tay dược sĩ hỏi.

Chàng trẻ tuổi, nghe thấy câu ấy, đánh rơi tất cả xuống đất đánh xoảng một tiếng.

– Đồ ngu! – Homais la lên. – Đồ hậu đậu! Đồ bị thịt! Đồ lừa bỏ đi!

Nhưng đột nhiên tự kiềm chế được mình, y nói:

– Tôi muốn, thưa bác sĩ, định làm thử một cuộc phân tích, và thứ nhất, tôi đã nhẹ nhàng đút vào một cái ống…

– Tốt hơn là ông đút ngón tay ông vào cổ họng bà ấy, – nhà giải phẫu nói.

Người bạn đồng nghiệp của bác sĩ vẫn im lặng, vì ban nãy riêng ông ta đã nhận được một lời chỉ trích mạnh mẽ về liều thuốc giải độc đến nỗi ông ta, cái ông Canivet khôn khéo, vênh váo và nhiều lời là thế trong dịp chữa cái chân khoèo, hôm nay lại rất khiêm tốn; ông ta mỉm cười không ngớt, bằng một vẻ tán thành.

Homais hoan hỉ trong niềm kiêu hãnh được làm chủ tiệc, và cái ý nghĩ làm cho Bovary đau đớn góp phần một cách mơ hồ vào cái thích thú của y, do một vài sự liên hệ ích kỷ tới cho bản thân y. Rồi sự có mặt của bác sĩ làm cho y phấn khởi. Y phô bày mớ kiến thức của y, y kể lộn xộn những bọ ban miêu, cây xuy, cây lê độc, rắn lục…

– Và, thậm chí tôi còn đọc thấy nhiều người bị trúng độc, thưa bác sĩ, y như bị sét đánh chết tươi vì ăn những khúc dồi lợn hun khói quá nhiều! Ít ra thì chuyện đó đã được kể trong một bản báo cáo rất hay soạn ra bởi một trong những nhà dược học cự phách, một ông thầy của chúng ta, ông Cadet de Gassicourt trứ danh!

Bà Homais lại ra, mang theo một trong những bộ máy xộc xệch đốt nóng lên bằng tinh rượu vang vì Homais quyết pha ngay trên bàn ăn thứ cà phê tự tay y đã rang lấy, đã nghiền lấy, pha chế lấy.

– Saccharum[31] bác sĩ, – y vừa nói vừa đưa đường ra.

[31] Saccharum (tiếng Latinh): có nghĩa là đường.

Rồi y cho gọi tất cả các con y xuống, tò mò muốn biết ý kiến của nhà phẫu thuật về thể tạng của chúng.

Cuối cùng ông Larivière sắp đi thì bà Homais xin ông khám sức khỏe cho chồng. Chồng bà bị trệ máu, vì cứ buổi tối, ăn xong là đi ngủ liền.

– Ồ! Chẳng phải vấn đề tình dục[32] làm trở ngại ông ta đâu.

[32] Bà Homais dùng chữ sang để nói về máu của chồng bà, còn bác sĩ Larivière dùng chữ sens để nói về vấn đề tình dục của chồng bà.

Và, mỉm cười một chút về lối chơi chữ không ai nhận thấy đó, bác sĩ mở cửa bước ra. Nhưng cửa hàng dược phẩm đầy người, và ông khó nhọc lắm mới có thể thoát được tay Tuvache đang lo vợ bị chứng viêm phổi vì bà ta quen thói khạc vào đống tro; rồi ông Binet đôi khi thấy cồn cào ruột gan và bà Caron thấy da lấm tấm ngứa; Lheureux chóng mặt; Lestiboudois bị phong thấp; bà Lefrançois hay ợ chua. Cuối cùng ba con ngựa phóng đi, và nói chung người ta thấy ông ta đã chẳng tỏ ra khoan nhã.

Sự chú ý của công chúng bị giãn đi khi ông Boumisien xuất hiện, ông ta mang dầu thánh đi qua khu chợ.

Homais, dường như phải làm theo phương châm hành động của y, so sánh cha cố với bầy quạ kéo đến do hơi người chết; cứ trông thấy một giáo sĩ là riêng y đã thấy khó chịu vì áo thụng làm y nghĩ tới vải liệm, và y ghét cay ghét đắng cái kia một phần cũng vì sợ cái này.

Tuy nhiên, không lùi bước cái mà y gọi là sứ mệnh của y, y trở lại nhà Bovary cùng với Canivet, mà ông Larivière, trước khi đi đã hết lời dặn là phải làm việc ấy; và thậm chí, nếu vợ y không khuyên bảo y thì có lẽ y còn mang theo cả hai đứa con trai sang nữa để làm cho chúng làm quen với những trường hợp nghiêm trọng, để cho chuyện đó là một bài học, một cái gương, một bức tranh trang nghiêm sau này ghi khắc mãi vào trong tiềm thức của chúng.

Gian buồng, khi họ bước vào, đầy một vẻ trang nghiêm bi thảm. Trên bàn khâu vá phủ khăn trắng, năm hay sáu viên bông nhỏ bày trong một cái khay bạc, bên cạnh một cây thánh giá to, giữa khoảng hai ngọn đèn nến dang cháy. Emma gục cằm xuống ngực, mở rất to đôi mắt, và lết hai bàn tay tội nghiệp trên vải giường, với cái cử chỉ ghê gớm và dịu dàng của những người hấp hối có vẻ đã muốn phủ lên mình chiếc khăn liệm. Thân hình nhợt nhạt tựa hồ một bức tượng và cặp mắt đỏ như than, Charles không khóc, đứng ở chân giường trước mặt nàng, còn cha cô, quỳ một gối, lầm rầm trong miệng.

Nàng chậm chạp quay mặt đi và bừng lên một niềm vui sướng khi đột ngột thấy chiếc khăn choàng màu tím của cha cố, chắc hẳn nàng đã tìm thấy giữa tình trạng khuây nguôi bất thường với cái khoái trá đã mất của những hứng khởi thần bí đầu tiên của nàng cùng với những ảo ảnh về niềm hạnh phúc vĩnh cửu vừa nhóm lên.

Cha cố đứng dậy lấy cây thánh giá; thế là nàng vươn cổ ra như một người nào đó đang khát, và nàng áp môi mình vào người Chúa, nàng đặt vào đó bằng tất cả chút lực tàn cái hôn yêu đương nồng nàn nhất mà nàng chưa từng tặng ai, sau đó cha cố đọc kinh Giải thoát và kinh Sám hối, nhúng ngón tay cái bên phải vào dầu và bắt đầu làm lễ xức dầu thánh: thoạt tiên vào cặp mắt đã từng quá thèm khát mọi thứ xa hoa trên trần thế, và sau đó vào đôi lỗ mũi đã từng ham thích những hơi nồng ấm và những hương vị ái ân, vào cái miệng đã từng mở ra để nói những lời dối trá, đã từng than vãn vì kiêu hãnh và đã từng rầu rĩ trong cuộc sống dâm ô, vào hai bàn tay đã từng khoái chí với những cuộc tiếp xúc êm ái, và cuối cùng, vào hai bàn chân xưa kia đã từng quá nhanh nhẹn chạy theo sự thỏa mãn dục vọng và bây giờ không còn đi được nữa.

Cha cố lau ngón tay, ném vào lửa những viên bông tẩm dầu, rồi trở lại ngồi bên cạnh người hấp hối để bảo nàng bây giờ phải gắn những nỗi đau thương của mình với những nỗi đau thương của Chúa Jésus và phải thả mình vào lòng từ bi của Chúa.

Khuyến khích xong, cha cố thử đặt vào tay nàng một cây nến thánh, biểu tượng của những ánh hào quang của thiên thần mà nàng chốc nữa sẽ được đắm mình trong dó. Emma, yếu quá, không thể khép được ngón tay, và cây nến, nếu không có ông Boumisien, sẽ rơi xuống đất.

Tuy nhiên, nàng cũng không nhợt nhạt lắm, và nàng có một vẻ mặt bình thản tựa hồ lễ thánh đã chữa cho nàng khỏi bệnh.

Cha cố không quên nhận xét điều đó, thậm chí ông ta còn giải thích cho Bovary rằng Chúa đôi khi kéo dài cuộc sống của con người nếu Chúa thấy điều đó thích hợp; và Charles nhớ lại cái ngày mà, cũng sắp chết như thế, nàng đã thụ lễ Ban thánh thể.

“Có lẽ không đến nỗi phải thất vọng”, hắn thầm nghĩ.

Quả thật, nàng nhìn khắp xung quanh nàng, chậm chạp, như một người nào đó vừa tỉnh mộng, rồi, bằng một giọng nói rõ ràng, nàng đòi chiếc gương của nàng, và nàng nghiêng mặt trên đó ít lâu, cho đến lúc giọt lệ to lớn từ đôi mắt nàng chảy xuống. Thế là nàng vừa ngả đầu ra vừa thở dài và lại rơi xuống gối.

Ngực nàng lập tức phập phồng thở gấp. Lưỡi thè hoàn toàn ra ngoài miệng; mắt nàng vừa đảo đi đảo lại vừa nhợt đi như hai bóng đèn tàn lụi, tưởng nàng đã chết rồi, nếu không thấy xương sườn chuyển động một cách đáng sợ vì một hơi thở dữ dội, tựa hồ như linh hồn đang chồm lên để siêu thoát. Félicité quỳ xuống trước cây thánh giá, và chính tay dược sĩ cũng khuỵu chân xuống một chút, còn ông Canivet thì mơ hồ nhìn xuống quảng trường. Boumisien lại ngồi cầu kinh, mặt nghiêng xuống thành giường, với cái áo thụng đen dài lê thê phía sau ông ta trong gian phòng. Charles quỳ ở phía bên kia, hai tay duỗi thẳng về phía Emma. Hắn đã cầm lấy bàn tay nàng và siết chặt, giật mình theo nhịp đập của trái tim nàng đập theo tiếng dội của một vật hư hỏng đang sụp đổ. Tiếng khò khè càng mạnh, cha cố càng gấp tụng kinh; tiếng tụng kinh hòa lẫn với tiếng nức nở nghẹn ngào của Bovary, và đôi khi tất cả dường như biến mất trong tiếng lầm rầm không rõ của những vần Latinh vang lên như tiếng chuông báo tử.

Đột nhiên, người ta nghe thấy trên vỉa hè tiếng guốc thô nện với tiếng gậy khua; và một âm thanh rung lên, một giọng khàn khàn hát rằng:

Thường thường cái nóng nực của một ngày đẹp trời

Làm cho một cô gái nhỏ mơ tới tình yêu.

Emma ngồi nhỏm dậy như một xác chết mà người ta cho điện giật, tóc xổ ra, mắt bất động, miệng há hốc.

Để thu nhặt mau lẹ

Những bông lúa mà lưỡi liềm đã hái,

Nanette của tôi khom mình xuống

Cái luống cày cho những bông lúa ấy

– Người mù! – Nàng thét lên.

Và Emma cười, một cái cười hung dữ điên dại, tuyệt vọng, tưởng chừng như nàng nhìn thấy bộ mặt cực xấu của con người khốn khổ, dựng lên trong bóng tối ngàn đời dường như nạt nộ.

Gió thổi mạnh hôm ấy

Thế là cái váy ngắn tung bay!

Một cơn co giật lật nàng nằm xuống đệm.

Mọi người xô lại. Nàng không còn sống nữa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.