Bà Bovary

Chương 9



Sau cái chết của một người, bao giờ cũng có một tình trạng sững sờ biểu lộ vì khó lòng mà hiểu được cái hư vô chợt đến và khó lòng mà chịu tin vào đó. Nhưng, dù sao khi nhìn thấy nàng đã bất động, Charles vừa nhào vào nàng vừa la lên:

– Vĩnh biệt! Vĩnh biệt!

Homais và Canivet vội lôi hắn ra khỏi gian buồng.

– Ông hãy nguôi đi!

– Vâng, – hắn vừa giãy giụa vừa nói, – tôi sẽ biết điều, tôi không làm gì trái. Nhưng để mặc tôi! Tôi muốn nhìn mặt nàng! Nàng là vợ tôi!

Và hắn khóc.

– Ông cứ khóc đi, – tay dược sĩ lại nói – ông cứ thuận theo lẽ tự nhiên, cái đó sẽ làm cho ông bớt đau khổ.

Trở thành mềm yếu hơn một đứa trẻ con, Charles để người ta dẫn mình xuống căn phòng dưới nhà, và Homais, ngay sau đó trở về nhà y.

Ra đến quảng trường, y bắt gặp người mù, gã ta cố lê đến tận Yonville với hy vọng được thứ thuốc mỡ trị viêm, thấy ai qua lại cũng hỏi thăm nhà tay dược sĩ.

– Nào! Được! Làm như tôi chẳng có công việc gì khác cần hơn! Chà! Thôi kệ, lúc khác anh hãy trở lại!

Và y bước vội vào trong cửa hiệu.

Y phải viết hai bức thư, phải pha chế một liều thuốc an thần cho Bovary, phải tìm mọi cách nói dối có thể che giấu được sự đầu độc và viết nó thành bài đăng báo Ngọn đèn, đó là chưa kể những người đang đợi y để được biết tin tức; và khi tất cả những người dân Yonville đã được nghe câu chuyện của y về chất thạch tín mà nàng lầm tưởng là đường khi làm kem vani, Homais, một lần nữa, lại sang nhà Bovary.

Y thấy Charles ngồi một mình trong chiếc ghế bành gần cửa sổ và ngắm nghía những viên gạch lát phòng bằng cặp mắt dại hẳn đi.

– Bây giờ, – tay dược sĩ nói, – ông cần phải tự mình ấn định giờ làm lễ.

– Sao? Lễ gì?

Rồi, bằng một giọng ấp úng và sợ hãi; hắn nói:

– Ồ! Không, có phải thế không? Không, tôi muốn giữ nàng.

Homais làm vẻ bình thản lấy một chiếc bình trên kệ để tưới những cây phong lữ thảo.

– À!… cảm ơn, – Charles nói, – ông tốt quá!

Nhưng hắn không nói được hết, hắn nghẹn ngào vì cái cử chỉ của tay dược sĩ đã gợi lại cho hắn rất nhiều kỷ niệm.

Thế là, để khuây khỏa hắn, Homais xét nên nói một chút về nghề làm vườn; cấy cối cần được ẩm ướt. Charles cúi đầu ra vẻ đồng tình.

– Vả chăng, những ngày đẹp trời bây giờ sắp trở lại.

– À! – Bovary thốt lên.

Tay dược sĩ cạn ý, quay ra vén nhẹ nhàng những chiếc rèm nhỏ che cửa kính.

– Này, ông Tuvache đi qua kia kìa.

Charles nhắc lại như một cái máy:

– Ông Tuvache đi qua.

Homais không dám tiếp tục nói với hắn việc tang ma; chính cha cố giải quyết được vấn đề đó.

Charles vào trong buồng làm việc, hắn đóng cửa lại rồi cầm một cái bút, và sau một thời gian khóc nức nở, hắn viết:

“Tôi muốn người ta chôn nàng trong chiếc áo cưới cùng với đôi giày trắng, một vòng hoa. Người ta sẽ trải mỏng tóc nàng trên vai nàng; ba lần áo quan, một bằng gỗ sồi, một bằng gỗ đào hoa tâm, một bằng chì. Đừng ai nói gì với tôi cả, tôi sẽ có nghị lực. Người ta sẽ phủ lên nàng cả một tấm nhung lớn màu xanh lá cây. Tôi muốn như vậy. Xin cứ làm như thế.”

Những ông kia rất ngạc nhiên về những ý kiến viển vông của Bovary, và lập tức, tay dược sĩ đến bảo hắn:

– Tấm nhung ấy, đối với tôi, hình như là thừa. Vả lại, tổn phí…

– Việc đó có liên quan gì đến ông? – Charles kêu ầm lên. – Mặc tôi! Ông không thương nàng! Ông đi đi!

Cha cố nắm lấy cánh tay hắn dìu hắn đi dạo một vòng quanh vườn. Ông ta thuyết về tính hư ảo của mọi vật trên trần thế. Chúa Trời rất quảng đại, rất nhân đức, người ta phải hoàn toàn phục tòng mệnh lệnh của Người, thậm chí phải tạ ơn Người nữa.

Charles tung ra những lời báng bổ:

– Tôi ghét cay ghét đắng cái ông Chúa Trời của cha!

– Tinh thần chống đối còn có trong con người của ông, – cha cố thở dài.

Bovary đã xa hẳn. Hắn đi bước dài, theo dọc tường, gần giàn cây, và hắn nghiến răng, hắn nhìn thẳng lên trời ra vẻ nguyền rủa; nhưng không một tàu lá động vì thế.

Một cơn mưa nhỏ rơi xuống. Charles, ngực để trần rốt cuộc lạnh run; hắn trở vào ngồi trong nhà bếp.

Và lúc sáu giờ, người ta nghe thấy tiếng sắt loảng xoảng trên quảng trường: đó là một chiếc xe Con én đang từ nơi khác tới, và hắn ngồi áp trán vào cửa kính để nhìn hành khách lần lượt xuống xe. Félicité trải cho hắn một cái đệm trong phòng khách, hắn nằm vật lên trên và thiếp đi.

* * *

Tuy là nhà triết học, Homais vẫn kính trọng những người chết. Cho nên, chẳng giận anh chàng Charles đáng thương, y trở lại vào buổi tối để thức canh thi hài, y mang theo ba cuốn sách và một cái cặp để ghi chép.

Ông Boumisien cũng ở đây, và hai cây nến to thắp ở đầu chiếc giường mà người ta kéo ra khỏi gian buồng ngủ.

Tay dược sĩ không chịu được trạng thái yên lặng, chẳng mấy lúc bày tỏ vài lời than phiền về “người thiếu phụ xấu số” đó! Và cha cố đáp bây giờ chỉ còn nên cầu nguyện cho nàng mà thôi.

Tuy nhiên, Homais lại nói, chỉ một trong hai điều: hoặc bà ta chết trong trường hợp Chúa gia ân (như lời Giáo hội), thế thì bà ta chẳng cần gì đến chúng ta cầu nguyện; hoăc là bà ta mất đi mà vẫn không hề ăn năn tội lỗi (đó là ngôn ngữ nhà tu thì phải), thế thì…

Boumisien vừa ngắt lời y, vừa cục cằn đáp rằng không phải vì thế mà kém cầu nguyện.

– Nhưng, – tay dược sĩ cãi, – vì lẽ Chúa Trời biết hết mọi nhu cầu của chúng ta, thì cầu nguyện có lợi ích gì?

– Chết nỗi! – Cha cố la lên – Lời cầu nguyện! Ông không phải người theo đạo Gia tô à?

– Cha tha lỗi! – Homais nói. – Tôi ngưỡng mộ đạo Gia tô. Trước hết nó đã giải phóng những người nô lệ, đưa vào xã hội loài người một nền luân lý…

– Vấn đề không phải ở chỗ đó! Tất cả các sách kinh…

– Ồ! Ồ! Về các sách kinh, thì cha hãy mở lịch sử ra mà xem; ai cũng biết các sách kinh ấy đã bị bọn Jésuites xuyên tạc rồi.

Charles bước vào, và tiến về phía cái giường, hắn kéo chậm chạp các rèm che lên.

Emma nằm ngả đầu về phía vai phải. Kẽ miệng nàng, hé ra, làm thành một hố đen ở phần dưới mặt nàng, hai ngón tay cái bẻ quặp vào lòng bàn tay; một thứ bụi trắng rải rác trên lông mi nàng, và mắt nàng bắt đầu biến đi trong một màu xanh lơ nhầy nhụa tựa hồ một làn vải mỏng, như thể nhện đã chăng tơ trên đó. Tấm vải liệm lõm xuống từ vú đến đầu gối rồi lại nhô lên ở đầu ngón chân; và Charles thấy như có những khối lượng vô biên, một sức nặng khổng lồ đè lên người nàng.

Đồng hồ nhà thờ điểm hai giờ. Người ta nghe thấy tiếng ì ầm của dòng sông chảy trong đêm tối, dưới chân nền đất cao. Ông Boumisien, thỉnh thoảng sổ mũi ầm ĩ; và Homais đưa ngòi bút sột soạt trên giấy.

– Thôi nào, ông bạn thân mến! – Y nói – Ông hãy lui đi chỗ khác, cảnh tượng này làm cho ông đau buồn!

Charles vừa đi khỏi, tay dược sĩ, và cha cố lại bắt đầu tranh luận.

Người này nói:

– Ông hãy đọc Voltaire! Ông hãy đọc d’Holbach[33], ông hãy đọc Bách khoa toàn thư!

[33] D’Holbach: nhà triết học duy vật và vô thần Pháp ở thế kỷ XVIII.

Người kia tiếp lời:

– Ông hãy đọc những Bức thư của một số người Do Thái, Bồ Đào Nha! Ông hãy đọc Đạo lý của Thiên chúa giáo do Nicolas, nguyên thẩm phán, viết!

Họ nổi nóng lên, họ đỏ mặt tía tai, họ cùng nói một lúc, không ai nghe ai; Boumisien tức giận về sự táo gan như vậy; Homais lạ lùng về sự ngu ngốc đến thế; và họ sắp sửa đi đến chỗ chửi nhau thì Charles, bất thần, lại bước vào. Một ma lực đã lôi kéo hắn. Hắn liên tiếp lao lên cầu thang.

Hắn đứng trước mặt nàng để nhìn nàng dễ hơn, và hắn đắm mình trong sự chiêm ngưỡng đó, nó không còn đau đớn nữa vì nó đã lắng sâu.

Hắn nhớ lại những câu chuyện về bệnh bại liệt toàn thân, những phép màu của khoa thôi miên; và hắn nghĩ thầm cứ tập trung cao độ, hắn có lẽ sẽ làm được việc cải tử hồi sinh nàng. Thậm chí một lần, hắn cúi xuống nàng, và hắn khe khẽ kêu lên: “Emma! Emma!”. Hơi thở của hắn, quá mạnh, làm ngọn nến rung lên và tạt vào tường.

Mờ sáng, bà Bovary mẹ tới; Charles, khi hôn bà, lại giàn giụa nước mắt. Bà thử, như tay dược sĩ đã làm, đưa ra với hắn vài lời nhận xét về những chi phí cho đám tang. Hắn nổi giận quá mạnh đến nỗi bà phải làm thinh, và thậm chí hắn còn nhờ bà lên ngay tỉnh để mua sắm các thứ cần thiết.

Suốt buổi chiều, còn lại có một mình Charles; người ta đã dẫn con bé Berthe sang nhà bà Homais; Félicité ở trên gác, trong buồng, với mụ Lefrançois.

Buổi tối, hắn tiếp khách, hắn đứng dậy bắt tay họ mà không nói được nên lời, rồi khách ngồi xuống bên nhau quây thành nửa vòng tròn lớn trước cửa lò sưởi. Cúi thấp mặt và bắt chân chữ ngũ, họ vừa nhúc nhích đôi chân vừa thỉnh thoảng thở dài một cách não nề và mỗi người bị thương một cách quá đáng; tuy nhiên họ đua nhau ngồi lại.

Homais trở lại vào lúc chín giờ (người ta chỉ trông thấy có y trên quảng trường từ hai hôm nay), mang theo một lô băng phiến, cánh kiến trắng và lá thơm. Y mang cả một bình đầy clo để khử uế khí. Lúc đó, người hầu gái, mụ Lefrançois và bà Bovary mẹ đi đi lại lại quanh Emma khi đã mặc xong quần áo cho nàng; và họ hạ tấm trướng dài cứng phủ lên mình nàng cho đến tận đôi giày bằng xa tanh của nàng.

Félicité khóc nức nở:

– Ôi! Bà chủ đáng thương của tôi! Bà chủ đáng thương của tôi!

– Trông bà ta, – mụ chủ quán vừa thở dài vừa nói, – bà ta vẫn còn xinh đẹp biết bao! Người ta cứ tưởng như là chốc nữa bà ta sẽ dậy.

Rồi họ cúi xuống để đội cho nàng vòng hoa. Họ nâng đầu nàng lên một chút, và thế là một dòng nước đen trào ra từ miệng nàng như một cơn nôn.

– Ôi! Trời! Cái áo dài, cẩn thận đấy! – Mụ Lefrançois kêu ầm lên. – Giúp chúng tôi một tay đi ông! – Mụ nói với tay dược sĩ. – Phải chăng ngẫu nhiên ông sợ?

– Tôi mà sợ! – Tay dược sĩ nhún vai đáp. – À phải! Tôi thấy lắm cảnh như thế ở Bệnh viện Trung ương khi tôi học dược! Chúng tôi uống rượu ngay trong gian nhà mồ! Cái hư vô không làm khiếp đảm được một triết gia; và hơn nữa, tôi thường nói thế, tôi có ý định tặng cái xác của tôi cho bệnh viện để giúp ích sau này cho khoa học.

Khi đến, cha cố hỏi luôn ông nhà ra sao; và khi nghe tay được sĩ đáp lời, cha cố nói tiếp:

– Tai nạn, ông hiểu chứ, vừa mới xảy ra!

Thế là, Homais mừng cha cố không bị như mọi người mất một người bạn đường yêu quý; từ đó nổ ra cuộc tranh luận về sự độc thân của các cha cố.

– Vì, – tay dược sĩ nói, – người đàn ông không cần đến đàn bà là một sự không tự nhiên! Người ta đã thấy những tội ác…

– Thôi đi, đồ lếu! – Cha cố la lên – Vì lẽ gì ông muốn một kẻ vướng vào chuyện hôn nhân lại có thể, chẳng hạn, giữ được cái bí mật của việc xưng tội?

Homais đả kích việc xưng tội. Còn Boumisien thì bảo vệ; cha cố nói dài dòng về những sự hối cải mà nó dẫn tới, ông ta kể nhiều chuyện kẻ trộm đột ngột trở thành lương thiện. Nhiều binh sĩ, bước tới gần phòng giải tội, gã cảm thấy sáng mắt ra. Ông Fribourg, có một thượng thư…

Người bạn của ông ta đã ngủ. Rồi, vì ông ta thấy có phần ngột ngạt trong cái không khí quá nặng nề của gian buồng, ông ta mở cửa sổ, việc đó làm tay dược sĩ tỉnh dậy.

– Nào, hãy hút một điếu thuốc lá! – Cha cố bảo y. Bằng lòng đi, cái đó khuây khỏa.

Có tiếng sủa không ngớt ở đằng xa.

– Ông có nghe thấy tiếng chó tru không? – Tay dược sĩ hỏi.

– Người ta bảo chúng ngửi thấy hơi người chết, – cha cố trả lời. – Đó như những con ong; nó bay khỏi tổ khi có người chết.

Homais không có nhận xét gì về những thành kiến đó, vì y lại thiếp đi.

Ông Boumisien, cường tráng hơn, tiếp tục mấp máy rất khẽ đôi môi thêm một lát, rồi bất giác, ông ta hạ chiếc cằm xuống, buông cuốn sách to đen ra và bắt đầu ngáy.

Họ ngồi đối diện nhau, bụng ưỡn ra phía trước, mặt húp híp, vẻ quàu quạu, sau bao mối bất hòa, rút cục lại gặp nhau, trong một cái nhược điểm chung của con người; và họ không nhúc nhích hơn cái xác chết bên cạnh họ có vẻ đang ngủ.

Charles, khi vào, hắn đánh thức họ dậy. Đây là lần cuối cùng, hắn đến để vĩnh biệt nàng.

Cỏ thơm vẫn còn bốc khói, và những làn hơi màu lam nhạt cuốn ra tới bờ cửa sổ hòa lẫn với sương mù từ ngoài bay vào. Bầu trời có vài ngôi sao, và đêm khuya êm dịu.

Sáp nến nhỏ từng giọt lớn xuống khăn trải giường. Charles nhìn nến cháy, làm mỏi đôi mắt trước tia sáng của ngọn lửa vàng.

Những đường vân rung rinh trên chiếc áo dài bằng xa tanh trắng như ánh trăng sáng. Emma biến đi ở bên dưới; và hắn tưởng như nàng lan tỏa ra ngoài bản thân nàng, đang mơ hồ hòa vào trong mọi vật xung quanh, trong im lặng, trong đêm tối, trong làn gió thổi qua, trong hương thơm ẩm ướt bốc lên.

Rồi đột nhiên, hắn thấy nàng trong vườn ở Tostes, trên chiếc ghế dài, giáp hàng rào gai, hay là ở Rouen, ngoài phố, trên cái ngưỡng cửa nhà, trong sân trại Bertaux. Hắn còn nghe thấy tiếng cười của bọn con trai đang vui vẻ nhảy múa dưới những cây táo; gian buồng tràn đầy hương thơm của mái tóc nàng, và chiếc áo dài của nàng rung rinh trong cánh tay với tiếng nổ của tia lửa. Chiếc áo dài ấy chính là cái này!

Cứ thế, hắn nhớ lại liên miên những niềm hạnh phúc đã qua, dáng diệu của nàng, cử chỉ của nàng, giọng nói của nàng. Sau mối thất vọng này lại đến mối thất vọng khác và luôn luôn không dứt như sóng triều tràn dâng.

Hắn có một sự tò mò ghê gớm: thong thả, bằng đầu ngón tay, hắn vừa hồi hộp vừa nâng tấm vải liệm nàng lên. Nhưng hắn kinh khủng thét lên một tiếng khiến hai người kia thức dậy. Họ lôi hắn xuống căn phòng nhà dưới.

Rồi Fẻlicité đến nói rằng hắn đòi lấy tóc.

– Cắt lấy! – Tay dược sĩ đáp.

Và, vì người hầu gái không dám, y tự mình tiến đến, chiếc kéo trên tay. Y run quá mạnh đến nỗi y chọc vào da thái dương nhiều chỗ. Cuối cùng, kiên quyết chống mọi cảm xúc, Homais cắt hú họa hai hay ba nhát làm thành những vệt trắng trong bộ tóc đen đẹp ấy.

Tay dược sĩ và cha cố lại tiếp tục vùi đầu vào công việc của mình, chốc chốc họ lại ngủ, họ tố cáo lẫn nhau mỗi lần thức giấc. Bây giờ Boumisien vẩy nước thánh vào gian buồng và Homais rắc một ít clo trên mặt đất.

Télicité chú ý đặt cho họ, trên chiếc tủ ngăn, một chai rượu mạnh, một miếng phó mát và một chiếc bánh sữa to. Cho nên, vào khoảng bốn giờ sáng, tay dược sĩ không chịu được nữa, thở dài:

– Nói thực, tôi sẵn lòng tự bồi dưỡng!

Cha cố không phải để mời; ông ta ra ngoài đọc kinh rồi trở lại; sau đó hai người vừa ăn uống vừa cười một chút, chẳng biết tại sao, kích động bởi niềm vui mơ hồ chợt đến sau những cơn buồn; và tới ly cuối cùng, cha cố vừa vỗ vai tay được sĩ vừa nói:

– Chúng ta rốt cuộc cũng hiểu nhau thôi!

Ở tầng dưới, trong phòng đợi, họ gặp những người thợ đến. Thế là, trong hai tiếng đồng hồ, phải chịu cái khổ hạnh nghe tiếng búa vang trên các tấm ván. Rồi người ta đặt nàng vào chiếc quan tài bằng gỗ sồi lồng trong hai chiếc quan tài khác; nhưng vì cỗ áo rộng quá, phải lấy len của một cái đệm nhét vào các khe hở. Cuối cùng, khi ba cái nắp đã được bào nhẵn, đóng đinh, gắn chốt, người ta đặt chiếc quan tài ra cửa trước; người ta mở toang cửa nhà, và những người dân ở Yonville bắt đầu ùa đến.

Lão Rouault tới. Lão chết ngất trên quảng trường khi thấy tấm màn đen.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.