Bà Bovary
PHẦN THỨ BA – Chương 1
Léon trong thời gian học luật, cũng đã khá hay đi lại tiệm Lều Tranh, ở nơi đó anh ta thu được nhiều thắng lợi mỹ mãn, những cô gái lẳng lơ thấy anh ta có vẻ phong nhã. Anh ta là một người sinh viên đứng đắn hơn cả. Anh ta để tóc không dài quá, không ngắn quá, ngày mồng một đầu tháng không ăn hết tiền cả quý, và có quan hệ tốt với các giáo sư. Còn những chuyện quá quắt, anh ta vẫn tránh do nhút nhát cũng có do thận trọng cũng có.
Thường thường, vào lúc đọc sách ở trong buồng hoặc buổi chiều, khi ngồi dưới những cây bồ đề ở vườn Luxembourg anh ta đánh rơi quyển sách luật xuống đất, và anh ta lại nhớ tới Emma. Nhưng dần dần, tình cảm ấy giảm xuống và những thèm muốn khác chồng chất lên tuy nó vẫn dai dẳng sống qua chúng; vì Léon chưa mất hết hy vọng, và đối với anh ta dường như còn có một hứa hẹn mơ hồ chập chờn trong tương lai tựa hồ một trái cây bằng vàng treo trên một khóm lá quái dị nào.
Rồi, anh ta gặp lại nàng sau ba năm xa vắng, tình yêu của anh ta lại thức dậy. Anh ta thầm nghĩ cuối cùng phải đi đến quyết định ý muốn chiếm được nàng. Vả lại, tính nhút nhát của anh ta đã mất dần đi khi tiếp xúc với những kẻ chơi bời, và anh ta trở về tỉnh nhỏ khinh bỉ tất cả những người không dận giày bóng loáng lên nhựa đường phố. Bên cạnh một phụ nữ Paris vận đồ đăng ten, trong phòng khách của một bác sĩ nổi tiếng nào đó, một nhân vật có huân chương và có xe ngựa, viên luật sư tập sự hèn mọn kia hẳn sẽ run sợ như một đứa trẻ; nhưng ở đây, tại Rouen, trên cảng, trước vợ người thầy thuốc quèn này, anh ta cảm thấy thoải mái, chắc mẩm trước rằng mình sẽ làm người ta lóa mắt. Cái thế vững vàng tùy thuộc vào môi trường ta đứng: người ta không nói năng ở tầng dưới nhà như ở tầng gác tư, và người đàn bà giàu có dường như có quanh mình tất cả các tờ giấy bạc của họ lót trong áo nịt tựa hồ một chiến hào để bảo vệ đức hạnh của họ.
Tối hôm trước, khi tạm biệt ông bà Bovary, Léon từ xa, vẫn theo dõi họ trên đường phố; đến khi thấy họ dừng chân ở khách sạn Chữ Thập Đỏ, anh ta mới quay gót về và suốt đêm trù tính một kế hoạch.
Thế là sáng hôm sau, vào khoảng năm giờ, anh ta vào nhà bếp khách sạn, cổ tắc, mặt tái, với các quyết tâm của những kẻ nhút nhát mà không gì ngăn lại được.
– Ông tôi chẳng có ở đây, – một người hầu trả lời.
Anh ta thấy đó là một điềm lành. Anh ta lên gác.
Nàng không bối rối khi anh ta tới gần; trái lại, nàng còn xin lỗi vì đã quên không nói cho anh ta biết vợ chồng nàng đã trọ ở đâu.
– Ờ! Tôi đã đoán được. – Léon nói.
– Đoán thế nào?
Anh ta bảo là cái bản năng của anh ta đã liều lĩnh dẫn đường chỉ lối đến nàng. Nàng mỉm cười, và Léon, để sữa chữa lại cái ngốc nghếch của mình, lập tức kể rằng anh ta đã bỏ cả buổi sáng đi tìm nàng lần lượt trong khắp các khách sạn của thành phố.
– Vậy bà đã quyết định ở lại chứ? – Anh ta nói thêm.
– Vâng, – nàng nói, – và tôi đã nhầm. Không nên làm quen với những thú vui không thực hiện được, khi quanh mình có hàng nghìn điều yêu sách.
– Ồ! Tôi tưởng…
– Ồ! Không, vì ông, ông không phải là phụ nữ.
Nhưng nam giới cũng có những nỗi buồn của họ, thế là câu chuyện được bắt đầu bằng vài suy nghĩ triết lý. Emma nói nhiều về nỗi đau khổ của những mối tình trên trần thế và nỗi cô đơn vĩnh cửu trong đó trái tim bị chôn vùi.
Để đề cao mình, hay bởi thơ ngây bắt chước nỗi buồn khi nó gợi nỗi buồn của mình, chàng trẻ tuổi tuyên bố anh ta đã chán nản lạ lùng suốt thời gian học tập. Khoa tố tụng khiến anh ta bực mình, nhiều khuynh hướng khác lôi cuốn anh ta và mẹ anh ta không ngừng, trong mọi bức thư, đều giày vò anh ta. Vì họ nói rõ dần dần nguyên nhân những nỗi đau khổ của họ, mỗi người càng nói càng phấn khởi hơn lên một chút trong câu chuyện tâm tình tăng tiến ấy. Nhưng đôi khi, họ ngừng lại vì bày tỏ không hết ý, và thế là họ tìm cho ra một câu nào đó có thể trong lúc đó diễn tả được ý ấy. Nàng chẳng thú thực tình yêu của nàng đối với một người khác; anh ta không nói rằng anh ta đang quên chị.
Có lẽ anh ta không còn nhớ những bữa ăn đêm của anh ta sau những cuộc khiêu vũ, với những cô gái giả trang làm phu dỡ hàng; và nàng chắc quên những cuộc hẹn hò trước kia, vào buổi sáng, nàng chạy trên cánh đồng cỏ đến lâu đài của tình nhân. Những tiếng động của thành phố chẳng vọng tới họ mấy; và cái buồng dường như nhỏ bé với dụng ý thắt chặt hơn nỗi cô đơn của họ. Emma mặc một chiếc áo choàng rộng bằng vải chéo, tì búi tóc vào lưng ghế bảnh cổ; giấy vàng dán trên tường làm thành một nền vàng sau lưng nàng; và cái đầu trần của nàng phản ánh trong gương với đường ngôi trắng ở giữa, và đầu tai thò ra dưới mái tóc.
– Nhưng xin lỗi, – nàng nói, – tôi thật không phải, tôi đã làm phiền ông vì những lời than thở liên miên của tôi!
– Không, chẳng bao giờ! Chẳng bao giờ!
– Ví bằng ông biết tất cả những gì tôi đã mơ ước! (Nàng vừa nói, vừa đưa lên trần nhà đôi mắt đẹp nhỏ lệ).
– Thế còn tôi! Ôi! Tôi thật đau khổ! Nhiều lần tôi ra ngoài đường, tôi đi, tôi lê bước dọc bờ sông, kiếm cách giải khuây trong tiếng ồn ào của đám đông mà chẳng rũ bỏ được mối ám ảnh bám riết lấy tôi. Trên đại lộ, tại cửa hàng bán tranh ảnh in, có một bức tranh khắc của Ý diễn tả một nàng thơ. Nàng vận một chiếc áo dài và nàng ngắm mặt trăng, hoa lưu ly cài trên mái tóc xõa. Có cái gì không ngớt thôi thúc tôi đến đó; tôi ở đó hàng giờ liền.
Rồi, bằng một một giọng run run, anh ta nói:
– Nàng hao hao giống bà.
Emma quay đầu đi để anh ta khỏi thấy trên môi nàng cái nụ cười không cưỡng lại được mà chỉ cảm thấy nở ra.
– Lắm phen, – anh ta lại nói, – tôi viết thư cho bà rồi ngay sau đó tôi lại xé đi.
Nàng không đáp. Anh ta nói tiếp:
– Đôi khi tôi tưởng tượng một sự tình cờ nào đó sẽ đưa bà tới. Tồi đã tưởng nhận thấy bà ở đầu phố; và tôi chạy theo sau tất cả những chiếc xe ngựa thuê có một chiếc khăn san phấp phới ở cửa, một chiếc khăn trùm giống như chiếc khăn của bà…
Nàng dường như đã có ý định để anh ta nói mà không ngắt. Khoanh tay lại và cúi mặt xuống, nàng ngắm bông hồng nhỏ đính trên đôi giày vải của nàng và nàng khẽ lấy đầu ngón chân, từng lúc, di đi di lại trên nền xa tanh của đôi giày đó.
Tuy nhiên, nàng thở dài:
– Cái điều thảm hại hơn cả, phải chăng, là cứ kéo lê như tôi một cuộc sống vô dụng. Giá như những nỗi đau đớn của chúng ta có thể giúp ích được cho ai, thì chúng ta tự mình an ủi mình trong cái tư tưởng hy sinh.
Anh ta liền ca tụng đức hạnh, bổn phận và những sự hy sinh thầm lặng, và chính bản thân anh ta cũng có một nhu cầu xả kỷ kỳ cục mà anh ta không thể thỏa mãn được.
– Tôi rất ưng, – nàng nói, – được làm một tu sĩ phục vụ ở bệnh viện.
– Than ôi! – Anh ta đáp – Đàn ông chẳng có được những sứ mệnh thần thánh đó, và tôi không thấy ở nơi nào có một nghề gì…, trừ phi nghề thầy thuốc…
Khẽ nhún vai, Emma ngắt lời anh ta để than phiền về cái bệnh làm nàng súyt; tiếc thay! Bây giờ nàng chẳng còn đau nữa… Léon lập tức thèm muốn cái lặng lẽ của ngôi mộ, và thậm chí, một tối, anh ta đã viết di chúc yêu cầu người ta sẽ liệm anh ta bằng cái khăn phủ chân đẹp có dải nhung mà anh ta được nàng tặng; vì chính là họ những muốn được như thế, anh ta và nàng đã tự tạo cho họ một lý tưởng trên đó, giờ đây họ chỉnh đốn cuộc dời đã qua của họ. Vả lại, lối nói là một cái máy hát bao giờ cũng kẻo dài tình cảm.
Nhưng nghĩ đến cái chuyện bịa ra chiếc khăn phủ chân kia, nàng hỏi:
– Sao vậy?
– Sao ư?
Anh ta ngập ngừng.
– Vì tôi đã quá yêu bà!
Và, mừng vì đã vượt qua được điều khó khăn, Léon liếc mắt dò xem nét mặt nàng.
Điều đó như bầu trời khi một cơn gió xua tan các đám mây. Cái đống ưu tư làm mờ tối chúng dường như rút khỏi cặp mắt xanh lơ của nàng; cả bộ mặt nàng rạng rỡ hẳn lên.
Anh ta chờ đợi. Cuối cùng nàng đáp:
– Tôi vẫn ngờ có thế…
Bây giờ họ kể lại cho nhau nghe những sự kiện nhỏ của cuộc sống xa xăm kia, mà họ vừa tóm tắt lại, bằng mỗi một từ, những niềm vui và những nỗi buồn. Anh ta nhớ lại vòm cây bút thảo, những chiếc áo nàng đã mặc, từng đồ vật trong buồng nàng, toàn bộ ngôi nhà nàng ở.
– Thế còn những cây xương rồng đáng thương của chúng ta bây giờ ra sao?
– Cái giá lạnh mùa đông vừa qua đã giết chúng.
– A! Tôi đã nhớ chúng biết bao, bà biết không? Thường khi tôi lại thấy chúng như xưa, vào những buổi sáng mùa hè, lúc ánh mặt trời rơi vào những chiếc mành mành… và tôi thấy đôi cánh tay để trần của bà len lỏi giữa những bông hoa.
– Tội nghiệp cho anh bạn! – Nàng vừa nói vừa chìa tay ra.
Léon vội vàng đặt môi lên đó. Rồi, khi đã thở ra hít vào thoải mái, anh ta nói:
– Hồi ấy, đối với tôi, bà là cả một sức mạnh khó hiểu nào đó, mà tôi không thể nào tả ra được, đã bắt mất hồn tôi. Một lần chẳng hạn, tôi đã đến nhà bà; nhưng chắc chắn bà chẳng nhớ chuyện đó đâu!
– Có chứ, – nàng nói. – Ông cứ nói tiếp đi.
– Bấy giờ, bà sắp sửa ra đi, bà đứng trên bậc thang cuối cùng, thậm chí tôi còn nhớ bà còn đội chiếc mũ thêu hoa nhỏ màu xanh lơ; và dù chẳng có một lời nào của bà, tôi đã không chủ động được mình, tôi đã đi theo bà. Tuy nhiên, mỗi phút, tôi càng nhận ra cái cử chỉ bất lịch sự của tôi, thế mà tôi vẫn đi gần bà, chẳng dám theo hẳn bà và cùng không muốn xa rời bà. Khi bà vào một cửa hàng, tôi đứng ngoài phố, tôi trông bà qua ô cửa kính tháo găng tay và đếm tiền lẻ trên quầy. Sau đó, bà đến giật chuông ở nhà bà Tuvache, người ta ra mở cửa cho bà, còn tôi thì đứng như một thằng ngốc trước cánh cửa to nặng đã đóng sập lại sau bà.
Nghe anh ta nói, bà Bovary ngạc nhiên thấy mình đã quá cổ hủ; tất cả những điều đó nay lại tái hiện đối với nàng, dường như mở rộng cuộc đời của nàng; nó tác động như những tình cảm bao la trong đó nàng giờ đây lại đưa mình vào; và chốc chốc nàng vừa nói khe khẽ vừa lim dim đôi mắt:
– Vâng, thực đấy!… Thực đấy!… Thực đấy…
Họ nghe thấy chuông tám giờ vang lên ở tất cả loạt đồng hồ trong khu Beauvoisine, đầy những nhà lưu trú, nhà thờ và khách sạn lớn bỏ hoang. Họ không nói với nhau nữa; nhưng họ cảm thấy, lúc nhìn nhau, một tiếng xào xạc trong đầu họ dường như một cái gì âm vang đã thoát ra từ những cặp mắt đăm đăm của họ trao đi đổi lại với nhau. Họ vừa mới nắm tay nhau, và quá khứ, tương lai, hồi ức và ước mơ, tất cả đều hòa lẫn trong trạng thái hôn mê êm đềm ấy.
Bóng đêm sẫm lại trên các bức tường, ở đó còn lóng lánh, nửa chìm trong bóng tối, những màu thô kệch của bốn bức tranh diễn tả bốn cảnh của Tháp Nesle có ghi chú bên dưới bằng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp. Qua cửa sổ có cánh nâng lên hạ xuống, người ta thấy một góc trời đen, giữa những mái nhọn.
Nàng đứng lên thắp hai ngọn nến trên chiếc tủ ngăn, rồi lại ngồi xuống.
– Sao?… – Léon nói.
– Sao?… – Nàng đáp.
Và anh ta đang tìm cách nối lại câu chuyện ngắt quãng khi nàng nói với anh:
– Do đâu mà cho tới nay chưa ai bày tỏ tình cảm tương tự?
Viên luật sư tập sự thốt lên: những con người lý tưởng thì lại khó hiểu. Bản thân anh ta, ngay từ buổi đầu thoáng nhìn thấy nàng, anh ta đã yêu nàng; và anh ta thất vọng khi nghĩ tới niềm hạnh phúc mà lẽ ra họ có được nếu như, do một sự may mắn tình cờ xui nên, sớm gặp nhau hơn, họ được ràng buộc với nhau một cách keo sơn.
– Đôi khi tôi cũng nghĩ đến chuyện đó, – nàng đáp lại.
– Một ước mơ đẹp xiết bao! – Léon thủ thỉ.
Và, nhẹ nhàng mân mê cái đường viền xanh lơ của chiếc thắt lưng trắng dài của anh ta, anh ta nói thêm:
– Vậy thì ai ngăn chúng ta bắt đầu trở lại?…
– Không đâu anh bạn ạ, – nàng đáp. – Tôi già quá rồi… Ông lại trẻ quá… Ông hãy quên tôi đi! Có nhiều người khác sẽ yêu ông…, ông sẽ yêu họ.
– Chả được như bà! – Anh ta thốt lên.
– Ông thật là trẻ thơ! Thôi, chúng ta hãy thận trọng! Tôi muốn thế!
Nàng trình bày cho anh ta thấy những việc không thể thực hiện được về tình yêu của họ, và họ phải như xưa kia, giữ mình trong những quan hệ đơn giản của tình bạn thâm giao.
Phải chăng vì nghiêm chính mà nàng nói như thế? Chắc chắn là chính bản thân Emma cũng chẳng biết gì về điều đó vì nàng đang hoàn toàn bị bận tâm bởi sức mê hoặc của sự cám dỗ và tính cần miết phải tự giữ lấy; và ái ngại ngắm nhìn chàng trai, nàng cự tuyệt nhẹ nhàng những cái vuốt ve rụt rè mà đôi bàn tay anh ta run run ướm thử.
– A! Xin lỗi, – anh ta vừa nói vừa lùi lại.
Và Emma đột nhiên thấy một sự sợ hãi mơ hồ, trước tính rụt rè đó, nguy hiểm cho nàng hơn là tính táo bạo của Rodolphe, khi Léon dang hai cánh tay mà tiến lại. Chưa bao giờ nàng thấy người đàn ông nào đẹp thế! Từ thái độ của anh ta, toát ra một vẻ ngây thơ thích thú. Anh ta hạ hàng mi cong dài và thanh tú xuống. Má anh ta có nước da mịn màng bừng đỏ lên – nàng thầm nghĩ – vì lòng thèm khát con người nàng, và Emma cảm thấy một dục vọng không thể nào cưỡng lại được là áp môi nàng vào đó. Thế là ngả người về phía chiếc đồng hồ treo tường như để xem giờ giấc, nàng nói:
– Trời ơi, khuya quá rồi! Chúng ta đã chuyên trò thật dông dài!
Anh ta hiểu lời nói ý và tìm chiếc mũ của anh
– Tôi quên cả đi xem hát! Ông Bovary tội nghiêp đã cố ý để mình tôi ở lại! Ông Lormeaux, ở phố Cầu Lớn, sẽ phải cùng vợ dẫn tôi đi.
Thế là đã lỡ dịp, vì nàng đã đi ngay ngày hôm sau.
– Thật ư? – Léon hỏi.
– Vâng.
– Tuy nhiên tôi cần phải được gặp bà nữa, – anh ta nói, – tôi có điều muốn nói với bà…
– Nói gì thế?
– Một điều… hệ trọng, đúng đắn. À! Không, vả lại, bà sẽ không đi đâu, không thể đi được! Nếu bà biết… bà hãy nghe tôi… vậy bà không hiểu tôi à? Bà không đoán được à?…
– Thì ông đã nói rõ rồi, – Emma nói.
– Ôi! Những lời bông đùa! Thôi, thôi! Vì lòng thương, bà hãy cho tôi được gặp bà…, một lần! Chỉ một lần thôi.
– Này!…
Nàng ngừng lại; rồi như thay đổi ý.
– Ôi! Không gặp ở đây!
– Ở đâu tùy bà.
– Ông có muốn…
Nàng ra vẻ suy nghĩ, và bằng một giọng ngắn gọn:
– Mai, mười một giờ, trong nhà thờ lớn.
– Tôi sẽ có mặt ở đó! – Anh ta vừa thốt lên vừa nắm tay nàng, nhưng nàng gỡ ra.
Và, vì cả hai đều đứng, anh ta ở phía sau nàng, và Emma cúi đầu, anh ta ghé vào cổ nàng và hôn gáy nàng hàng thôi hàng hồi.
– Kìa ông điên rồi! Ôi! Ông điên rồi, – nàng vừa nói vừa cười khúc khích, trong khi anh ta đang hôn lấy hôn để.
Thế rồi, thò đầu qua vai nàng, anh ta dường như tìm sự ưng thuận của đôi mắt nàng. Nhưng đôi mắt ấy, đầy vẻ lạnh nhạt trang nghiêm, rọi xuống người anh ta.
Léon lùi lại bước về phía sau để ra. Anh ta đứng dừng lại trên ngưỡng cửa. Rồi giọng run run, anh ta thì thào:
– Đến mai.
Nàng đáp lại bằng một cái gật đầu, rồi chạy như bay như biến tựa hồ một con chim vào phòng bên cạnh.
Emma ngay buổi tối hôm đó, viết cho viên luật sư tập sự một bức thư rất dài trong đó nàng thoái thác cuộc hẹn hò; bây giờ mọi sự chấm dứt, vì họ phải, vì hạnh phúc của nhau, không được gặp nhau nữa. Nhưng, bức thư đã dán kín, nàng thực bối rối vì chẳng biết địa chỉ Léon.
“Mình sẽ tự tay trao cho anh ta bức thư này”, nàng thầm nhủ, “anh ta sẽ đến”.
Léon, ngày hôm sau, mở toang cửa sổ và hát khe khẽ trên bao lơn, tự mình đánh bóng đôi giày bẩn của mình, đánh nhiều đợt. Anh ta vận quần trắng, bít tất phin, áo ve xanh, vảy vào mùi soa tất cả mọi thứ nước hoa sẵn có, rồi uốn tóc lại, tãi tóc ra để làm cho nó có vẻ thanh lịch tự nhiên hơn.
“Còn sớm quá!” Anh ta thầm nghĩ khi nhìn vào chiếc đồng hồ báo thức của thợ cạo điểm chín giờ.
Anh ta đọc một tờ báo cũ về thời trang, đi ra, hút một điêu xì gà, ngược ba phố, nghĩ rằng đã đến giờ và từ từ tiến về phía sân trước nhà thờ Đức Bà.
Lúc đó vào một buổi sáng hè trời đẹp. Đồ bạc chói lọi ở các cửa hàng kim hoàn, và ánh sáng xiên chéo xuống nhà thờ, lấp lánh trên đường nứt của những tảng đá xám; một đàn chim bay lượn trên bầu trời xanh lơ, xung quanh những gác chuông nhỏ hình tam diệp; quảng trường vang tiếng kêu, ngát mùi hoa mọc bên đường, hoa hồng, hoa nhài, hoa cẩm chướng, hoa thủy tiên và hoa nguyệt hạ hương, cách khoảng không đều bởi những đám cỏ xanh ẩm ướt, cây miêu bạc hà và cây phiền lộ dành cho chim; vòi nước, ở giữa, phun rào rào, và dưới những chiếc dù, sau những quả bí ngô xếp thành đống cao, những bà bán hàng, đầu trần, quấn những bó hoa tím vào giấy.
Chàng trai lấy một bó. Đây là lần đầu tiên anh ta mua hoa tặng phụ nữ; và ngực anh ta, khi ngửi những hoa ấy căng phổng vì kiêu hãnh, dường như lòng tôn trọng mà anh ta dành cho một phụ nữ lại quay trở về anh ta.
Lúc ấy anh ta sợ người ta trông thấy mình; anh ta quả quyết bước vào nhà thờ.
Viên giám sát giáo đường bấy giờ, đứng trên ngưỡng cửa, giữa cửa lớn bên trái, dưới hình Marianne nhảy múa, mũ gài lông trên đầu, trường kiếm phía bắp chân, can nắm trong tay, oai nghiêm hơn một hồng y giáo chủ và bóng lộn như một bình bạc đựng thánh thể.
Ông ta tiến về phía Léon, và với nụ cười hòa nhã; mềm mỏng của cha cố lúc hỏi trẻ con, ông ta cất tiếng nói:
– Ông chắc không phải người ở đây? Ông muốn xem những kỷ vật của nhà thờ?
– Không, – Léon đáp.
Và, thoạt tiên, Léon đi vòng quanh những gian nhà bên của giáo đường. Rồi anh ta ra quảng trường nhìn. Emma không tới. Anh ta lại quay lên tận chỗ hát kinh.
Gian giữa giáo đường soi bóng trong những bình nước thánh đầy cùng với phần đầu các cửa vòm nhọn và vài cửa sổ yểm kính vẽ. Nhưng ánh hồi quang của những bức tranh sơn, gãy góc ở mép đá hoa, tiếp tục đi xa hơn, rọi lên đá lát tựa như một bức thảm sặc sỡ. Ánh nắng mặt trời bên ngoài chạy dài trong nhà thờ thành ba tia sáng khổng lồ qua ba cửa lớn để ngỏ. Thỉnh thoảng, ở cuối gian, một người giữ đồ thánh đi qua nghiêng mình quỳ gối trước bàn thờ làm lễ của những người sùng đạo vội vã. Những chùm đèn treo bằng pha lê rủ xuống im lìm. Trong chỗ hát kinh, một ngọn đèn bằng bạc đang được thắp sáng, và từ những ban thờ bên cạnh, từ những khoảng tối của nhà thờ, đôi khi thoát ra những tiếng thở dài, với tiếng động của một rào sắt hạ xuống, vang lên dưới những vòm cao.
Léon, bước đi nghiêm chỉnh, men theo các bức tường. Chưa bao giờ anh ta thấy cuộc sống có vẻ êm đẹp đến thế. Lát nữa nàng sẽ đến, kiều diễm, xao xuyến, nàng dò thấy sau nàng có những con mắt đang nhìn theo nàng – nàng vận chiếc áo đài viên đăng ten, đeo cặp kính vàng, đi đôi giày cao cổ mỏng manh, với đủ mọi thứ thanh lịch mà anh ta chưa từng được hưởng và với cái sức quyến rũ khôn tả của cái đức hạnh đang suy sụp. Nhà thờ như một khuê phòng đồ sộ, đã được bố trí quanh nàng; những vòm cao ngả xuống để thu lấy trong bóng tối lời thổ lộ tình yêu của nàng; những cửa kính ngời sáng lên để soi tỏ mặt nàng, và những lư trầm sắp bốc lửa để nàng hiện ra như một thiên thần trong làn khói hương thơm.
Nhưng nàng không đến. Anh ta đặt mình trên một cái ghế và mắt anh ta bắt gặp một tấm kính xanh lơ mang hình những người lái đò đang xách giỏ. Anh ta nhìn tấm kính đó rất lâu, chăm chú, và anh ta đếm từng mảng vẩy cá, từng lỗ khuyết áo chẽn, khi tư tưởng anh ta lang thang tìm kiếm Emma.
Viên giám sát giáo đường, cách đấy, thầm bực với con người đã tự tiện ngắm cảnh nhà thờ một mình. Đối với ông ta, kẻ ấy dường như xử sự một cách quái gở, có thể nói là bắt cóc ông ta, và gần như mắc tội phạm thượng.
Nhưng có tiếng lụa sột soạt trên đá lát, cái vành mũ, một chiếc áo choàng đen… Đúng nàng rồi! Léon đứng dậy chạy ra đón.
Emma hơi tái. Nàng đi nhanh.
– Ông đọc đi! – Nàng vừa nói vừa chìa ra một mảng giấy… – Ô! Không.
Và đột ngột nàng rút tay lại, để bước vào gian thờ Đức Bà Đồng Trinh, trong đó, nàng quỳ xuống giáp một cái ghế, nàng bắt đầu cầu nguyện.
Chàng trai bực mình về cái trò ngoan đạo lạ lùng ấy; nhưng rồi anh ta lại cảm thấy một hứng thú nhìn nàng giữa chốn hẹn hò, đắm mình như thế trong kinh kệ, tựa một bà hầu tước xứ Andalousie; song chẳng bao lâu anh ta đâm chán vì nàng cầu nguyện mãi không dứt.
Emma cầu nguyện, hay nói cho đúng hơn, cố gắng cầu nguyện, hy vọng từ trên trời sẽ rơi xuống cho nàng một giải pháp đột ngột và muốn Chúa phù hộ nàng để cặp mắt nàng tràn ngập ánh sáng rực rỡ của bàn thờ, nàng hít hương thơm của hoa thập tử trắng nở trong các chậu lớn, và lắng tai nghe cái tĩnh mịch của nhà thờ đang đơn thuần làm tăng nỗi xao xuyến trong lòng nàng.
Nàng đứng dậy, và họ sắp ra đi, thì viên giám sát giáo đường đùng đùng bước lại gần hỏi:
– Bà chắc không phải người ở đây? Bà muốn xem những kỷ vật của nhà thờ?
– Không! – Viên luật sư tập sự thốt lên.
– Sao lại không? – Nàng đáp lại.
Vì, trong lúc các đức hạnh của nàng đang lung lay, nàng víu lấy Đức Bà Đồng Trinh, víu lấy những công trình điêu khắc, các ngôi mộ, vào mọi dịp.
Thế là, để làm việc theo trật tự, viên giám sát giáo đường dẫn họ ra tận cửa vào, gần quảng trường, ở đó, ông ta lấy can chỉ cho họ một vòng tròn gồm những đá lát đen, không ghi chữ không chạm trổ. Ông ta dõng dạc nói:
– Kia là đường vòng của quả chuông đẹp Amboise tuyệt mỹ. Nó nặng bốn vạn livrơ[20]. Chẳng có qủa chuông nào như nó ở khắp châu Âu. Người thợ đúc nó đã chết vì vui sướng quá.
[20] Livrơ (livre): đơn vị trọng lượng cũ, tương đương 380-550g.
– Chúng ta đi thôi, – Léon nói.
Ông già lại đi; rồi, trở lại gian nhà thờ Đức Bà Đồng Trinh, dang hai cánh tay trong một động tác tổng hợp chứng minh, và kiêu hãnh hơn là một điền chủ nông thôn, chỉ cho anh ta các giàn cây ăn quả của mình:
– Tảng đá lát sơ sài này đậy thi hài Pierre de Brézé; lãnh chúa đất la Varenne và Brissac, thống chế xứ Poitou và thống đốc hạt Normandie, mất trong trận Montlhéry; ngày 6 tháng 7 năm 1465.
Léon, căn môi, dậm chân.
– Và, ở bên phải kia, nhà quý tộc đầy mình bọc sắt, cưỡi trên con ngựa đang lồng lên, là Louis de Brézé; cháu nội Pierre de Brézé lãnh chúa đất Breval và Montchauve, bá tước de Maulevrier, nam tước de Mauny, cận thần của nhà vua, kỵ sĩ Hội Thánh và cũng là thống đốc hạt Normandie, mất ngày 23 tháng 7 năm 1531, vào một chủ nhật, như đã ghi chú; và ở dưới, người sẵn sàng xuống mộ kia cũng đúng là ông ấy. Chẳng thể tìm đâu ra một biểu hiện hoàn hảo hơn về cái hư vô, có phải không?
Bà Bovary lấy ống nhòm. Léon đờ người, nhìn nàng; chẳng buồn nói một tiếng, làm một cử chỉ, vì anh ta cảm thấy nản lòng biết bao trước hai sự cố ý vừa chuyện phiếm vừa vô tình ấy.
Người hướng dẫn muôn thuở lại nói tiếp:
– Gần ông ta, người phụ nữ quỳ mà khóc là vợ ông ta, Diane de Poitiers, nữ bá tước de Brézé, nữ công tước de Valentinois, sinh năm 1499, mất năm 1566; và ở bên trái, người phụ nữ ẵm con kia, là Đức Bà Đồng Trinh.
Bây giờ ông bà quay về phía này: đây là những ngôi mộ nhà Amboise. Cả hai ông đều là hồng y giáo chủ và đức tổng giám mục ở Rouen. Ông kia là thượng thư triều vua Louis thứ XII. Ông ta đã có nhiều công đức với nhà thờ. Người ta đã thấy trong chúc thư của ông ta ba vạn đồng tiền vàng cấp cho người nghèo.
Và, không ngừng, ông ta vừa nói, vừa đẩy họ vào một cái điện thờ ngổn ngang những chấn song, ông ta di chuyển vài cái, và bới ra một khối chừng là một bức tượng tạc dở.
– Tượng này xưa kia trang trí, – ông ta nói với một tiếng rên dài, – ngôi mộ của Richard có trái tim sư tử, vua nước Anh kiêm quận công xứ Normandie. Chính bọn giáo đồ phái Calvin thuở ông đã gây nên nông nỗi này. Vì tàn ác, chúng đã chôn vùi nó xuống đất, dưới tòa tư giáo của Đức ông. Này, đây là cái cửa mà Đức ông dùng để về nhà. Chúng ta hãy chuyển sang xem những tấm cửa kính vẽ ở miệng ống xối nước.
Nhưng Léon đùng đùng rút ở túi ra một đồng hào trắng và anh ta nắm lấy tay Emma. Viên giám sát giáo đường hết sức ngạc nhiên, chẳng hiểu nổi sự hào phóng không đúng lúc ấy, khi mà người khách lạ còn bao nhiêu cái cần xem. Cho nên, gọi anh ta lại, ông ta nói:
– Ô! Thưa ông, gác chuông! Gác chuông!…
– Cám ơn, – Léon nói.
– Ấy thế là không phải! Gác chuông cao bốn trăm bốn mươi piê[21] chỉ kém Kim tự tháp ở Ai Cập chín piê. Nó toàn bằng gang, nó…
[21] Piê (pied): đơn vị đo lường cũ, tương đương 0,324m.
Léon lảng đi là vì anh ta thấy dường như mối tình của anh ta, từ gần hai tiếng đồng hồ đã nằm chết gí một chỗ chẳng khác đá trong nhà thờ, bây giờ lại sắp tiêu tan như khói, qua một loạt ống cụt tròn dài của lò sưởi có lỗ thủng lần mò một cách thô bạo trên nhà thờ; như sự tính toán viển vông của một người thợ đúc xoong chảo ngông cuồng nào đó.
– Thế chúng ta đi đâu bây giờ? – Nàng hỏi.
Không đáp, anh ta tiếp tục bước mau và bà Bovary đã nhúng ngón tay vào nước thánh khi họ nghe thấy sau họ một hơi thở hổn hà hổn hển mạnh mẽ, ngắt quăng đều đều bởi tiếng lộc cộc của một cái gậy. Léon ngoảnh lại.
– Thưa ông!
– Cái gì?
Và anh ta nhận thấy viên giám sát giáo đường, cánh tay tì vào bụng, ôm chừng hai chục cuốn sách to đóng gáy. Đây là những tác phẩm nghiên cứu về ngôi nhà thờ.
– Đồ ngốc! – Léon làu bàu, lao mình ra khỏi nhà thờ.
Một đứa trẻ đang nghịch trên sân trước giáo đường.
– Gọi cho tao một chiếc xe ngựa!
Đứa trẻ vọt đi như viên đạn, qua phố Bốn Gió; lúc bấy giờ chỉ còn lại có họ, vài phút, đối diện và hơi lúng túng.
– Chà! Léon!… Thực… tôi chẳng biết… tôi có nên…
Nàng làm bộ làm tịch. Rồi bằng một vẻ nghiêm trang, nàng nói:
– Cái đó rất bất tiện, ông có biết không?
– Cái gì kia chứ? – Viên luật sư tập sự đáp – Paris, thế này là thường! – Và lời nói ấy, như một lý lẽ không chống lại được, làm nàng có quyết tâm.
Lúc ấy chưa có xe. Léon sợ nàng lại trở vào nhà thờ. Cuối cùng xe tới.
– Ít ra ông bà cũng nên ra phía cửa bắc! – Viên giám sát giáo đường đứng trên ngưỡng cửa thét lên bảo họ xem cảnh Phục sinh, Lời xét cuối cùng, cảnh Thiên đường Vua David và Những người bị đày vào hỏa ngục.
– Ông đi đâu ạ? – Người xà ích hỏi.
– Anh muốn đi đâu thì đi! – Léon vừa đẩy Emma vào xe vừa nói vậy.
Thế là chiếc xe lên đường.
Nó xuống phố Cầu Lớn, qua quảng trường Nghệ Thuật, bờ sông Napoléon, Cầu Mới và ngừng phắt lại trước bức tượng Pierre Comeille.
– Cứ đi đi! – Một tiếng người từ trong xe nói ra.
Cái xe lại đi, và ngay từ ngã tư La Fayette, tự để trôi xuống dốc, nó phóng nước đại vào trong ga xe hỏa.
– Không, cứ đi thẳng! – Tiếng nói lúc nãy lại vang lên.
Chiếc xe ra khỏi hàng rào sắt, và chẳng bao lâu tới con sông, nó chạy thong thả giữa những cây du thụ to. Người xà ích lau trán, kẹp chiếc mũ da giữa khoảng hai ống chân và thúc xe vượt bờ các lối đi song song bên đường chính, ven bờ nước, gần thảm cỏ.
Nó đi dọc sông, trên con đường kéo thuyền lát đá sỏi, và đi mãi, về phía Oyssel, bên kia các đảo.
Nhưng đột ngột, nó lao vọt một cái qua Quatremares, Sotteville, Grande-Chaussée, phố Elbeuf, và nó dừng lại lần thứ ba trước vườn Bách Thảo.
– Đi đi nào! – Tiếng nói vang lên hùng hổ hơn.
Và lập tức lại chạy, nó qua Saint-Sever, qua phố bờ sông Curandiers, Meules, một lần nữa lại qua cầu, qua bãi Champ-de-Mars và chạy sau các vườn bệnh viện, ở đó những cụ già mặc áo vét đen đi chơi dưới nắng, dọc theo một nền đất cao xanh om những dây leo trường xuân. Nó ngược đại lộ Bouvreuil, chạy suốt đại lộ Cauchoise, rồi qua cả Mont-Riboudet đến tận dốc Deville.
Chiếc xe đi trở lại; và bây giờ, không chủ định chẳng phương hướng, nó đi lang thang. Người ta thấy nó ở Saint-Pol, ở Lescure, ở Mont Gargan, ở Rouge-Mare và ở quảng trường Gaillard-bois, phố Maladrerie, phố Dinanderie, trước Saint-Romain, Saint-Vivien, Saint-Maclou, Saint-Nicaise, trước Sở thương chính, ở Vieille-Tour, ở Trois-Pipes và ở nghĩa trang Cimetière Monumental. Chốc chốc, người xà ích, trên chỗ ngồi của mình, đưa cặp mắt thất vọng vào các tiệm rượu. Bác ta không hiểu tính di động cuồng nhiệt nào sai khiến những con người này chẳng muốn dừng lại. Đôi lần bác ta thử ngăn họ, thế là lập tức bác ta nghe thấy phía sau mình phát ra những tiếng kêu la giận dữ. Thế là bác ta lại phải ra tay quất già hai con ngựa đẫm mồ hôi mà chẳng phòng ngừa những chỗ đường xóc vướng vào chỗ này đụng phải chỗ khác, chẳng buồn để ý đến điều đó, mất tinh thần, và gần phát khóc lên vì khát, vì mệt và vì buồn.
Và ở bên cảng, giữa các xe tải và các thùng, và trong các phố, bên các bục đường, dân chúng mở to mắt ngạc nhiên trước sự việc quá lạ lùng ấy xảy ra tại một tỉnh nhỏ, một chiếc xe ngựa buông mành cứ như thế xuất hiện liên tục, kín mít hơn một ngôi mộ và rập rình như một cái tàu thủy.
Một lần, ban trưa, giữa đồng quê vào lúc mặt trời rọi mạnh nhất vào những chiếc đèn cũ mạ bạc, một bàn tay để trần thò qua những chiếc diềm nhỏ bằng vài vàng và ném ra những mấu giấy vụn tan tác trước gió va đổ xuống phía xa như những con bướm trắng, trên một cánh đồng xa, trúc thảo đỏ rộ hoa.
Rồi, vào hồi sáu giờ, chiếc xe đừng lại trong một ngõ hẻm khu Beauvoisine, và một người đàn bà, trùm mặt trong một chiếc khăn voan, bước xuống và đi thẳng.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.