Bà Bovary

PHẦN THỨ HAI – Chương 1



Yonville-l’Abbaye (tên đặt thế vì ở đó có một tu viện cũ dòng Capucins mà ngày nay di tích cũng chẳng còn nữa) là một thị trấn nhỏ cách tỉnh Rouen tám dặm, giữa con đường đi Abbeville và Beauvais, nằm dưới đáy một thung lũng có sông Rieule chảy qua, một con sông nhỏ chảy vào sông Andelle sau khi làm quay ba chiếc cối xay phía cửa sông có ít cá hương mà, ngày chủ nhật, bọn trai thường đến câu chơi.

Tới Boissière, người ta rời con đường cái lớn rồi đi tiếp tục theo đường bằng đến tận đỉnh dốc Leux. Từ đấy, cảnh thung lũng mới lộ ra. Con sông chảy qua chia nó ra thành hai vùng có hai bộ mặt khác biệt: tất cả vùng bên trái là vùng cỏ, tất cả vùng bên phải là đất cày. Đồng cỏ chạy dài dưới một vành đồi thấp, giao tiếp về phía sau với đồng cỏ của xứ Bray, còn đất cày vươn lên nhè nhẹ, mở rộng dần dần rồi trải ra bát ngát những thửa ruộng lúa mì vàng hoe. Nước chảy lên bờ cỏ thành một đường vạch trắng ngăn màu đồng cỏ với màu luống cày, do đó đồng quê giống như một chiếc áo choàng lớn mở rộng có cổ nhung xanh lá cây viền vải bạc.

Khi người ta đi tới cuối chân trời thì thấy trước mặt là những cây sồi thuộc vùng Argueil với những bờ dốc dựng đứng của đèo Saint-Jean có những vệt cỏ dài, to nhỏ không đều, rạch đường từ cao xuống thấp; đó là những vệt nước mưa để lại và những đường lát màu gạch nổi bật lên trên màu xám của núi do những nguồn nước có chất sắt chảy qua đó ra vùng xung quanh.

Đây là chỗ giáp giới của xứ Normandie, xứ Picardie và xứ Ile-de-France, một vùng pha tạp mà ở đó ngôn ngữ không có trọng âm cũng như cảnh vật không có đặc tính. Chính ở đó người ta sản xuất thứ phó mát Neufchâtel tồi nhất của toàn quận và trồng trọt rất phí tổn vì phải mất nhiều phân để bón những đất xốp đầy cát sỏi.

Mãi đến năm 1835, vẫn chẳng có đường cái khả dĩ đi được tới Yonville; nhưng vào thời đó người ta đã đắp con đường liên xã nốỉ con đường đi Abbeville với con đường đi Amiens, đôi khi phục vụ xe cộ chở hàng từ Rouen tới Flandres. Tuy nhiên, thị trấn Yonville-1’ Abbaye vẫn không thịnh vượng lên được mặc dầu có thêm những con đường mới tiêu thụ hàng hóa. Đáng lẽ phải cải tiến trồng trọt, dân cư lại cứ khư khư bám vào đồng cỏ dù đồng cỏ đã mất giá, và cái thị trấn lười biếng ấy cứ xa rời đồng ruộng, tự phát mở rộng về phía con sông con. Từ xa, người ta đã thấy nó nằm dọc theo bờ sông như người chăn bò đánh giấc ngủ trưa bên dòng nước.

Dưới chân dốc, sau cái cầu là bắt đầu một con đường cao trồng liễu hoàn diệp non dẫn khách thẳng tới những ngôi nhà đầu tiên của địa phương. Những ngôi nhà này có rào vây quanh, ở giữa sân là những căn nhà phụ, xưởng ép nho, chỗ để xe bò, nơi nấu rượu mạnh, rải rác dưới những lùm cây um tùm với thang, sào, liềm treo trên cành. Những mái tranh, như những mũ trùm bằng lông thú chụp xuống tận măt, chúc xuống gần một phần ba các cửa sổ thấp lắp kính to lồi có mắt ở giữa theo kiểu trôn chai. Trên bức tường thạch cao mà những chiếc rèm đan chéo nhau, một cây lê nào đó, đôi khi, còn bám vào, và, ở cửa ra vào từng dưới nhà, có một cái rào nhỏ quây để ngăn gà con đến tận thềm mổ những vụn bánh mì hẩm tẩm rượu táo. Nhưng rồi các sân hẹp dần, nhà ở xích lại gần nhau, hàng rào biến mất; một bó lá đuôi chồn đu đưa ở đầu cán chổi dưới một cửa sổ, lò rèn của thợ đóng móng ngựa, tiếp đến cửa hàng của thợ đóng xe bò với hai ba chiếc mới để ngoài cửa, lấn ra đường cái. Rồi, qua một rào song, hiện ra một ngôi nhà trắng phía sau một bãi cỏ xanh tròn trang trí bằng một tượng thần ái tình, ngón tay đặt lên miệng; hai chiếc bình gang đặt ở hai đầu bậc tam cấp; những tấm biển lóng lánh ở cổng. Đó là nhà viên quản lý văn khế, một ngôi nhà đẹp nhất vùng.

Nhà thờ ở phía bên kia phố, cách đó hai mươi bước, ngay lối vào bãi. Cái nghĩa địa nhỏ vây quanh nhà thờ, có tường kín cao vừa tầm người chứa quá nhiều mộ đến nỗi nhừng tảng đá cũ sát mặt đất đã trở thành một nền lát liên tục ở đó cỏ mọc ra tự vẽ thành những hình vuông xanh đều đặn. Nhà thờ được xây lại mới tinh vào khoảng những năm cuối triều đại Charles X. Nay vòm cửa bằng gỗ đã bắt đầu mục ở phía trên, và từ chỗ này qua chỗ khác, đã có những vết lõm đen giữa màu xanh lơ. Khoảng trên cửa ra vào đáng lẽ là nơi để đàn oóc thì lại dựng một giảng đài cho nam giới với một cầu thang xoáy vang động dưới những đôi giày guốc.

Ánh sáng ban ngày, lọt qua các tấm kính màu rất bằng phẳng, chiếu chếch xuống những chiếc ghế dài xếp ngang bức tường dày chỗ có nệm rơm đóng đinh dưới ghế bằng chữ to: “Ghế của ông Mỗ”. Xa hơn nữa, chỗ gian nhà thờ thu hẹp lại, là phòng xưng tội tiếp liền với một bức tượng nhỏ Đức Mẹ vận áo xa tanh dài, trùm trên đầu chiếc khăn tuyn điểm sao bạc, có đôi gò má đỏ ửng như một tượng thần ở đảo Sandwich; sau đến một bản sao bức tranh Thánh tộc, do ông Bộ trưởng Bộ nội vụ tặng đặt cao trên bàn thờ giữa bốn cây đèn nến, kết thúc phần cuối viễn cảnh. Những chiếc ghế gỗ tùng của đội đồng ca đặt ở nơi hát kinh vẫn để mộc.

Chợ, tức là một mái ngói được chống bằng hai chục chiếc cột, chiếm riêng khoảng nửa quảng trường Yonville. Tòa thị chính, xây dựng theo mẫu vẽ của một kiến trúc sư ở Pari, là một kiểu đền Hy Lạp đứng thẳng góc với ngôi nhà của tay dược sĩ ở bên cạnh. Tầng dưới có ba cột kiểu xứ lonie xa xưa, tầng trên có nhà cầu hình bán nguyệt, giữa nóc có một con gà trống Gaule, một chân đặt trên bản hiên pháp, một chân giữ cán cân công lý.

Nhưng cái đập vào mắt người ta hơn cả là hiệu bào chế cua ông Homais ở phía trước mặt quán cơm Sư Tử Vàng! Nhất là buổi tối, khi đèn trong hiệu được thắp lên và những bình thủy tinh xanh đỏ trang trí trước cửa rọi xa trên mặt đất hai luồng ánh sáng màu, qua đó như qua làn pháo hoa, bóng người dược sĩ chống khuỷu tay lên bàn giấy liền thấp thoáng. Nhà y, từ trên xuống dưới, la liệt các bản yết thị bằng chữ ngả, chữ rông, chữ in: “nước suối Vichy, Seltz và Barèges, nước trái cây lọc huyết, thuốc Raspail, bột ăn Ả Rập, kẹo thơm Darcet, thuốc mở Regnaul băng cuốn, thuốc xông, sôcôla bổ lực…”. Và tấm biển hàng, chiếm hết chiều ngang cửa hiệu mang tên: Homais, dược sĩ bằng chữ vàng. Rồi, phía trong cùng cửa hàng, đằng sau những chiếc cân lớn gắn chặt trên quầy, hàng chữ Phòng thí nghiệm phô bày bên trên một cửa kính ra vào và, ở nửa chừng chiều cao cửa đó, còn lắp lại một lần nửa cái tên Homais bằng chữ vàng trên nền đen.

Chẳng còn gì mà xem tiếp ở Yonville. Phố xá (chỉ có một thôi), dài vừa tầm đạn súng trường và có vài cửa hàng ở hai bên, đứng sững lại ở chỗ ngoặt. Nếu rời nó về phía tay phải theo chân dốc Saint-Jean, người ta chẳng mấy chốc đi tới nghĩa địa.

Hồi có dịch tả, để mở rộng nghĩa địa, người ta đã hạ một bức tường và mua non ba mẫu đất ở bên cạnh, nhưng cả khu đất này hầu như vẫn bỏ hoang vì các ngôi mộ, như xưa, cứ tiếp tục chen chúc ở ngay phía cửa ra vào. Người canh nghĩa địa, vừa là phu đào huyệt vừa là bõ nhà thờ (anh ta do đó đã rút mối lợi đôi bề từ các thây ma của giáo khu), đã lợi dụng khoảng đất trống để trồng khoai tây. Nhưng hết năm này đến năm khác, mảnh ruộng của anh ta cứ thu hẹp lại, và khi xảy ra một bệnh dịch, anh ta chẳng biết nên mừng vì cảnh tử vong hay nên phiền vì những phần mộ. Cuối cùng, ông linh mục, một hôm, hỏi anh ta:

– Anh nuôi mình bằng người chết đấy, Lestiboudois!

Lời nói bi thảm ấy làm cho anh ta nghĩ ngợi; nó làm cho anh ta ngừng hoạt động một thời gian; nhưng, hiện giờ, anh ta vẫn tiếp tục trồng khoai và lại còn nói thẳng thừng là những củ khoai đó tự nhiên nó mọc lên.

Từ khi xảy ra những biến cố kể dưới đây, thực ra chẳng có gì thay đổi ở Yonville. Lá cờ tam tài bằng sắt tây vẫn quay trên đỉnh gác chuông nhà thờ; hai dải vải hoa của cửa hàng bán đồ trang phục phụ nữ vẫn phấp phới trước gió; những cái bào thai cửa hiệu bào che giống như mấy bó bùi nhùi trắng, càng ngày càng rữa ra trong rượu ngâm vẩn đục, và, phía trên cửa lớn quán ăn con sư tử vàng cũ kỹ, đã phai màu vì những trận mưa, cứ phô ra mãi trước khách qua đường bộ lông xù của nó.

Cái buổi tối, hôm vợ chồng Bovary phải tới Yonville, mụ góa Lefrancois, chủ quán ăn, bận túi bụi, đến nỗi mồ hôi trên người mụ nhỏ giọt khi mụ nấu ăn. Hôm sau là ngày phiên chợ của thị trấn. Phải chặt thịt, mổ gà, nấu xúp, pha cà phê trước. Hơn nữa, mụ còn phải làm cơm cho khách trọ, cho vợ chồng người thầy thuốc và cô hầu gái; nơi đánh bi-a vang tiếng cười ba tay chủ máy xay bột, trong phòng nhỏ, gọi lấy rượu mạnh; củi rực cháy, than hồng nổ, và, trên chiếc bàn dài nhà bếp, trong những đống thịt cừu sống, những chồng đĩa rung lên theo sự chuyển động của cái thớt khi người ta băm rau ba-lăng. Ngoài sân, người ta nghe thấy tiếng gà vịt kêu vì đang bị cô đầy tớ gái đuổi bắt để cắt tiết.

Một người đàn ông, mặt lấm tấm rỗ, đi đôi dép da xanh mềm và đội một chiếc mũ trùm bằng nhung đính quả tua vàng, đang sưởi lưng trước lò sưởi. Mặt y chẳng biểu thị gì khác ngoài niềm vui của mình cũng có vẻ bình thản trong cuộc sống như con chim vàng anh trong lồng mây treo trên đầu y: đó là tay dược sĩ.

– Artémise! – Mụ chủ quán thét to – Mày hãy chở lấy ít củi vụn, đổ nước vào các bình, mang rượu mạnh ra, nhanh tay lên! ít ra, giá tôi biết được nên dọn món ăn tráng miệng gì cho nhóm khách mà ông đang đợi! Trời! Mấy tướng dọn nhà lại bắt đầu làm ầm ĩ trong phòng bi– a! Xe bò của họ sao lại cứ để dưới cổng? Chiếc xe Con én mà đến là nó đâm vỡ mất thôi! Mày gọi thằng Polyte bảo nó đẩy xe bò vào nhà xe!.. Từ sáng đến giờ, ông Homais ạ, dễ họ đánh đến mười lăm ván và uống đến tám bình rượu táo!… Họ sắp làm rách cái thảm của tôi ra mất thôi – mụ vừa đứng xa nhìn họ vừa nói tiếp, tay mụ vẫn cầm cái môi hớt váng.

Ông Homais đáp:

– Chẳng hại gì lắm đâu, bà sẽ mua cái khác.

Người đàn bà góa la lên:

– Mua bàn bi-a khác à!

– Vì bàn này không hợp nữa bà Lefrancois ạ, tôi xin nhắc lại để bà biết là bà tự làm thiệt mình! Bà tự làm thiệt mình to đấy! Mà những tay chơi bi-a, hiện nay, lại muốn bàn lỗ hẹp và gậy đánh bi-a nặng cơ. Người ta không bắn bi nữa; mọi sự đã thay đổi rồi! Phải theo thời đại mình chứ! Bà cứ nhìn lão Tellier, thà…

Mụ chủ quán đỏ mặt lên vì tức giận. Tay dược sĩ nói tiếp:

– Dù bà nói thế nào đi chăng nữa, bàn bi-a của lão vẫn xinh hơn bàn bi-a của bà; và lão lại có ý, chẳng hạn, trưng lên một con gà yêu nước để ủng hộ nước Ba Lan hay ủng hộ những người bị nạn lụt ở Lyon…

Mụ chủ quán nhún đôi vai to béo đẫy đà ngắt lời tay dược sĩ:

– Chẳng phải những kẻ bịp bợm như lão làm chúng tôi sợ! Thôi, thôi! Ông Homais, quán Sư Tử Vàng còn sống thì khách còn đến. Chúng tôi khác họ, chúng tôi có trường vốn! Còn họ, vào một buổi sáng nào đó, ông sẽ thấy, quán Cà phê Pháp của họ đóng cửa, với một tờ áp phích đẹp đẽ dưới mái hiên!…

Bà nói tiếp nhưng tự nói với mình:

– Thay cái bàn bi-a của tôi, cái bàn tiện cho tôi biết mấy trong việc xếp quần áo giặt, và khi đến mùa săn bắn tôi còn có thể dọn nó thành chỗ cho sáu khách qua đường nằm!… Mà cái thằng Hivert lề mề ấy chẳng thấy đến!

Tay dược sĩ hỏi:

– Bà đợi nó để dọn cơm cho các ông khách của bà à?

– Đợi nó ư? Thế còn ông Binet thì sao? Cứ sáu giờ đúng là ông đã thấy ông ta vào quán hàng, trên đời này không có ai đúng giờ như ông ta. Bao giờ cũng phải có chỗ riêng cho ông ta trong cái phòng nhỏ! Thà là giết ông ta hơn là bắt ông ta dùng cơm ở nơi khác! Và con người mới khó tính! Ông ta kén rượu táo khiếp lắm! Chẳng như ông Léon; ông này thì đôi khi bảy giờ bảy giờ rưỡi mới đến; ăn gì cũng chẳng quan tâm. Thực là một chàng trai tốt bụng! Chưa bao giờ to tiếng hơn ông kia.

– Bà thấy không, giữa một người có giáo dục với một tay cựu chiến binh bây giờ làm nhân viên thu thuế, có sự khác nhau xa.

Sáu giờ vừa điểm. Binet bước vào. Ông ta mặc một chiếc áo rơ-đanh-gôt màu xanh lơ rủ thẳng đứng quanh cái thân gầy còm của ông ta và chiếc mũ cát két của ông bằng da, mà hai tay buộc lại với nhau bằng dây trên đỉnh đầu, để lộ dưới vành lưỡi trai vểnh một cái trán hói bị lõm vì thường đội mũ cát. Ông ta vận gilê dạ đen, quần xám, và tứ thời, đôi bốt đánh bóng có hai đường phình song song vì ngón chân nhô lên. Không một sợi râu nào vượt ra khỏi đường vạch bộ râu quai nón màu hung lượn quanh cằm như một luống đất mép vườn hoa đóng khung cái khuôn mặt dài sạm có đôi mắt ti hí và một cái mũi cong cong. Thành thạo mọi môn bài lá, lành nghề săn bắn và viết chữ đẹp, ông ta có một máy tiện mà ông tinh nghịch tiện chơi những vòng quấn khăn ăn rồi ông vứt bừa bãi ra đó với tính ham mê của một nghệ sĩ và thói vị kỷ của một gã tư sản.

Ông ta đi về phía phòng nhỏ; nhưng trước hết phải bảo tống ba tay chủ máy xay bột ra đã, và, trong suốt thời gian người ta sắp đặt bàn ăn cho ông ta, ông Binet đứng im lặng tại chỗ, bên cạnh lò sưởi, rồi ông đóng cửa lại và bỏ mũ cát két ra như thường lệ.

Khi chỉ còn lại một mình với mụ chủ quán, tay dược sĩ liền nói:

– Chẳng phải những lời nói xã giao làm mòn lưỡi ông ta đâu!

Mụ chủ quán đáp:

– Không bao giờ ông ta trò chuyện gì hơn nữa; tuần trước, có hai tay chào hàng nỉ đến đây, hai chàng trai sắc sảo này, tối đến, kể một lô chuyện khôi hài làm tôi cười đến hết cả nước mắt, thế mà ông ta cứ ngồi im, câm như hến.

Tay dược sĩ phát biểu:

– Đúng, không trí tưởng tượng, không điều lý thú, chàng có mẽ gì của con người lịch thiệp!

Mụ chủ quán biện bạch:

– Nhưng người ta bảo ông ta có nhiều tài năng.

Tay dược sĩ đáp lại:

– Nhiều tài năng! Ông ấy mà có nhiều tài năng à?

Bằng một giọng bình tĩnh hơn, tay dược sĩ nói thêm:

– Trong nghề nghiệp của ông ấy, thì có thể.

Rồi hắn phát biểu tiếp:

– Ờ! Nếu là một nhà buôn lớn giao dịch rộng, nếu là một luật gia, một y bác sĩ, một dược sĩ quá mải mê công việc đến nỗi trở thành kỳ quặc, thậm chí cau có nữa, tôi còn hiểu được. Người ta thường kể những chuyện đặc sắc này trong lịch sử! Nhưng, ít ra, đó là vì họ suy tưởng đến một điều gì. Như tôi chẳng hạn, biết bao lần tôi tìm bút trên bàn giấy để viết một nhãn hiệu, thế mà cuối cùng, tôi lại thấy mình đã cài nó trên tai!

Trong lúc ấy, mụ Lefrancois ra ngưỡng cửa xem chiếc xe Con én đã tới chưa, mụ giật mình. Một người đàn ông vận đồ đen đột ngột đi vào nhà bếp. Trong ánh chiều tà, người ta nhận ra mặt mũi y đỏ gay và thân hình y vạm vỡ.

– Thưa ông linh mục, ông cần gì ạ? Ông muốn dùng thứ gì? Một ly rượu hắc phúc bồn hay một cốc rượu vang?

Mụ chủ quán vừa hỏi thế vừa với tay lên lò sưởi lấy một trong những cây đèn đồng cắm nến xếp thành dãy trên đó.

Người thầy tu khước từ một cách rất có lễ độ. Ông ta tìm cái ô mà hôm nọ ông ta bỏ quên ở tu viện Ernemont, và, sau khi nhờ mụ Lefrancois, đến tối, cho người đem lại nhà xứ hộ, ông ta liền bước ra và đi đến nhà thờ vì ở đó giờ đọc kinh chiều đang điểm.

Khi tay dược sĩ không còn nghe thấy tiếng giày của người thầy tu trên quảng trường nữa, hắn nhận thấy thái độ của ông ta vừa rồi là rất khiếm nhã. Việc khước từ giải khát như thế được y xem như một sự giả dối bỉ ổi nhất, tất cả các linh mục đều chè chén vô độ mà người ta không trông thấy, và họ đang tìm cách kéo trở lại cái thời dân phải nộp thuế thập phân cho Giáo hội.

Mụ chủ quán bênh vực người thầy tu:

– Ông ta có thể đánh quỵ bốn người như ông trên đầu gối của ông ta đấy. Năm ngoái, ông ta giúp bà con đem rơm ở đồng về; ông ta khỏe biết mấy, một mình mang đến sáu bó rơm một lúc.

Tay dược sĩ nói:

– Khá lắm! Vậy các bà cứ cho con gái đến xưng tội với những chàng trai khỏe mạnh có thể lực như thế! Còn tôi, nếu tôi là Chính phủ, tôi sẽ cho người ta chích máu các tu sĩ mỗi tháng một lần. Thật đấy, bà Lefrancois ạ, tháng nào cũng vậy, mở rộng tĩnh mạch để lấy máu vì trật tự an ninh và thuần phong mỹ tục!

– Ông Homais, xin ông im đi! Ông là người vô đạo, ông không có tôn giáo!

Tay dược sĩ đáp:

– Tôi có một tôn giáo chứ, tôn giáo của tôi, và tôi lại có tôn giáo hơn tất cả bọn họ kể cả trò đĩ bợm và cách lừa phỉnh của họ! Trái lại, tôi tôn kính Chúa! Tôi tin ở Thượng đế; ở Đấng Sáng tạo, dù vị ấy thế nào tôi cũng chẳng quan tâm, khi vị ấy đã đặt chúng ta trên thế gian này để chúng ta làm tròn bổn phận người công dân và bổn phận người chủ gia đình! Nhưng tôi chẳng cần đến nhà thờ để hôn những đĩa bạc và để bỏ tiền túi ra nuôi béo một lũ trò hề ăn sung mặc sướng hơn chúng ta! Vì người ta vẫn có thể tôn thờ Chúa ngay trong một khu rừng, trên một cánh đồng, hay cả khi chiêm ngưỡng bầu trời như người xưa, Chúa của tôi, Chúa của riêng tôi, là Chúa của Socrate, của Franklin, của Voltaire và của Béranger! Tôi tán thành bản Tuyên ngôn tín ngưỡng của tu sĩ xứ Savoie và những nguyên tắc bất hủ của năm 89! Cho nên tôi không thừa nhận một con người của Chúa Trời phúc đức cầm gậy rong chơi trong khu vườn của mình, cho bạn hữu vào trong bụng cá voi ở, thét lên một tiếng để chết, rồi sau ba ngày lại hồi sinh; những chuyện này, tự nó đã phi lý và hoàn toàn trái với mọi quy luật vật lý; điều đó, chỉ cần nói sơ qua, cũng đã chứng minh cho chúng ta rõ là các cha cố xưa nay vẫn đắm mình trong một cái ngu dốt và họ cố dìm dân chúng vào đấy với họ.

Tay dược sĩ nín lặng, đưa mắt tìm một công chúng quanh mình, vì một lúc trong cơn sôi nổi, y tưởng mình đứng giữa hội đồng thị xã. Nhưng mụ chủ quán không nghe y nói nữa: mụ lắng tai nghe tiếng xe lăn ở xa. Mụ nhận rõ tiếng xe chạy lẫn tiếng móng ngựa đóng không chặt giáng xuống đất, rồi chiếc xe Con én đỗ trước cửa.

Đó là một chiếc hòm màu vàng đặt hai bánh xe lớn, cao tới tấm vải bạt đậy trên trốc xe, khiến khách trên xe không nhìn được ra đường và làm bẩn vai họ. Những ô kính nhỏ của những cánh cửa sổ hẹp rung rinh trong khung khi xe đóng kín và lốm đốm những vết bùn giữa lớp bụi lâu ngày, mà ngay cả những trận mưa giông cũng chẳng rửa sạch được. Xe đóng ba ngựa; con thứ nhất đứng nhô lên thành hình cánh nỏ, xe xóc lên khi xuống dốc vì đáy chạm đất.

Vài người dân Yonville đến tận chỗ xe đỗ; họ cùng lên tiếng một lúc hỏi tin tức, đòi trình bày lý do và đòi những sọt đựng tôm cá và chim muông. Hivert chẳng biết trả lời ai. Chính anh ta làm mãi biện của địa phương ở ngoài tỉnh. Anh ta giao thiệp với các cửa hàng, mang về những cuộn da thuộc cho thợ giày, sắt cũ cho thợ đóng móng ngựa, thùng cá mòi cho mụ chủ quán, mua mũ trùm tại những nhà chuyên bán đồ trang phục phụ nữ, lấy những mớ tóc ở những hiệu cắt tóc; rồi, trên dọc đường về, đứng trên ghế xe, gọi to từng nhà; anh ta phân phối các gói hàng bằng cách ném qua rào ngăn sân, trong khi mấy con ngựa của anh ta cứ tự động đi.

Một chuyện ngẫu nhiên đã làm xe về chậm: con chó săn cái của bà Bovary trốn qua đồng. Người ta đã huýt sáo gọi nó suốt mười lăm phút. Ngay cả Hivert cũng quay trở lại nửa dặm đường, mỗi lúc tưởng chừng thấy nó, nhưng sau cùng đành phải tiếp tục đường về. Emma khóc lóc và nổi cáu. Nàng đổ tội cho Charles về tai biến này. Ông Lheureux, người buôn vải cùng ngồi trong xe với nàng, cố an ủi nàng bằng bao nhiêu chuyện chó lạc sau nhiều năm trời vẫn nhận ra chủ. Người ta kể một con chó – ông ta nói thế – đã từ Constantinople trở về Paris. Một con khác đã đi thẳng năm mươi dặm đường và bơi qua bốn con sông. Và chính bản thân bố ông ta đã có một con chó xù, sau mười hai năm mất tích, bỗng nhảy lên lưng ông cụ vào một buổi tối ngay giữa phố khi ông cụ đang trên đường đi ăn cơm khách.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.