Sông Đông êm đềm

Chương 102 phần 2



Bà Ilinhitna bồng hai đứa cháu trên tay bước ra, nhưng Natalia đã chạy vượt lên trước. Nom nàng phây phây, đẹp ra một cách lạ lùng. Làn tóc đen nhánh chải mượt ra sau đầy thành một cái búi to đến là to càng làm nổi bật khuôn mặt đỏ ửng tràn trề hạnh phúc. Nàng nép mình vào người Grigori và vài lần cố đặt thật nhanh môi mình lên má lên ria chàng, tuy lúc nầy đâu phải là lúc hôn nhau. Rồi nàng giằng lấy thằng con trai trong tay bà Ilinhitna, chìa nó cho Grigori.
– Con trai của anh nó như thế nầy đây, anh nhìn mà xem? – Nàng nói lanh lảnh, giọng hân hoan đầy tự hào!
– Nhưng để tao ngắm con trai tao đã nào! – Bà Ilinhitna xúc động đẩy con dâu ra.
Bà mẹ vít đầu Grigori xuống, hôn trán chàng và rồi đưa bàn tay thô sần xoa rất nhanh trên mặt chàng và nhỏ những giọt nước mắt bồi hồi sung sướng.
– Còn con gái anh nữa đây, anh Gri-i-isa! Anh bế lấy con đã nào…
Natalia đặt đứa con trai trùm kín trong một chiếc khăn bịt đầu vào bên tay kia của Grigori. Còn chàng thì luống cuống chẳng còn biết nhìn ai bây giờ: nhìn Natalia, nhìn mẹ hay nhìn hai con. Thằng bé mặt mày cau có, hai con mắt âm thầm nom vừa đen vừa dài, hơi có vẻ nghiêm nghị, hai đường lông mày vươn rộng, hai cái lòng trắng phồng phồng xanh xanh và nước da bánh mật. Nó đút nắm tay nhỏ xíu nhem nhuốc vào miệng rồi vẹo đầu nhìn chằm chằm vào mắt bố với cặp mắt rất khó gần: Còn đứa con gái thì Grigori chỉ nhìn thấy hai con mắt bé tí tẹo nhìn chăm chú và cũng đen láy, vì mặt nó đã bị chiếc khăn bịt gần kín.
Với hai đứa con trên tay, chàng định bước lên thềm, nhưng bên chân bị thương bỗng đau nhói.
– Bế lấy hai đứa đi, Natasa! – Grigori nhếch mép mỉm cười như nhận lỗi. – Nếu không anh không bước qua nổi ngưỡng cửa đâu.
Daria đứng ở giữa bếp sửa lại mớ tóc. Chị chàng mỉm cười, thõng thẹo bước tới trước mặt Grigori, rồi dim hai con mắt tươi cười, áp chặt cặp môi vừa ướt vừa ấm của mình lên môi chàng.
– Cứ sặc mùi thuốc lá? – Daria nói rồi rung rung một cách tinh nghịch hai hàng lông mày cong lên thành hai đường vòng cung đen như tô mực tầu.
– Thì lại đây để mẹ ngắm con lần nữa nào! Chà, thằng con yêu con quý của mẹ?
Grigori mỉm cười áp sát mình vào vai mẹ, niềm xúc động làm tim chàng cứ nhoi nhói.
Ngoài sân ông Panteley Prokofievich đang tháo ngựa. Ông khập khiễng lượn đi lượn lại quanh cái xe trượt tuyết, cả cái thắt lưng vải lẫn cái đỉnh của chiếc mũ ba tai đều đỏ loé, Petro đã dắt con ngựa của Grigori vào tầu. Hắn mang bộ yên vào phòng ngoài, vừa đi vừa ngoái đầu lại nói không biết những gì với Đunhiasca lúc nầy đang xách một thùng dầu hoả nhỏ trên xe xuống.
Grigori cởi chiếc áo lông mặc ngoài và áo ca-pôt, mắc lên thành giường, rồi lấy lược chải đầu. Chàng ngồi xuống một chiếc ghế dài, gọi con trai:
– Mitsatca, lại đây với bố nào! Con làm sao thế, không nhận ra bố à?
Thằng bé vẫn không rút nắm tay ra khỏi miệng, nó nghiêng nghiêng người đi tới rồi đứng lại bên cạnh bàn. Người mẹ đang đứng bên bếp lò âu yếm và kiêu hãnh nhìn con trai. Nàng rỉ tai con gái không biết những gì rồi đặt nó xuống đất và khẽ đẩy nó.
– Con cũng lại với bố đi!
Grigori kéo cả hai đứa lại với mình, cho ngồi lên đầu gối rồi hỏi:
– Chúng mầy không đoán được ra bố à, hai quả óc chó rừng nầy? Cả con nữa, Poliuska, con cũng không nhận ra bố à?
– Ông không phải là bố – Thằng bé khẽ nói (có em gái ở bên cạnh, nó cảm thấy mạnh dạn hơn).
– Thế thì là ai?
– Là một bác Cô-dắc ở đâu ấy.
– Trả lời cừ lắm. – Grigori phá lên cười – Thế thì bố đâu?
– Bố đi lính rồi. – đứa con gái nghiêng nghiêng đầu, nói một cách tin tưởng (con bé có phần bạo dạn hơn anh).
– Đúng bố các cháu đấy, hai cháu yêu của bà ạ! Bảo nó nhớ lấy nhà lấy cửa, kẻo nó cứ quanh năm suốt tháng đi biền biệt chẳng còn làm thế nào nhận được ra nó nữa! – Bà Ilinhitna vờ làm giọng nghiêm khắc nhưng khi thấy Grigori mỉm cười thì bà cũng mỉm cười – Cả vợ mầy không bao lâu nữa cũng sẽ không nhận mầy nữa đâu. Chúng tao đã định kiếm cho nó một thằng chồng đấy.
– Sao em lại thế, Natalia? Sao thế hả? – Grigori nói đùa với vợ.
Nàng đỏ ửng mặt lên rồi tuy ngượng ngùng trước mặt mọi người trong nhà, nàng vẫn cố gắng bước tới gần Grigori, ngồi xuống bên cạnh chàng, nhìn mãi khắp người chàng bằng cặp mắt vô cùng sung sướng và đưa bàn tay to ráp, nóng hổi lên vuốt ve bàn tay khô khan, nâu nâu của chồng.
– Daria, sắp sửa bàn ăn đi!
– Có vợ chú ấy để làm gì? – Daria phá lên cười rồi đi vào bếp, dáng đi vẫn ưỡn ẹo, nhẹ nhàng như xưa.
Chẳng khác gì trước kia, Daria vẫn thon thả, ăn mặc vẫn diêm dúa. Một đôi bít tất lụa dài màu tím bó chặt lấy cặp chân rất gọn, rất đẹp; đôi ủng ngắn đi khít như đóng khuôn. Cái váy xếp nếp màu hoa cà không có một nếp nhăn, chiếc tạp dề thêu hoa trắng muốt bóng nhoáng. Grigori chuyển con mắt sang nhìn vợ thấy vẻ người của nàng cũng có phần khác trước. Từ lúc chồng về, nàng đã thay quần áo: chiếc áo ngắn mặc ngoài bằng xa tanh màu xanh da trời, cổ tay hẹp viền đăng ten, ôm lẳn lấy một thân hình tuyệt đẹp, phồng lên trên bộ ngực nở nang, cái váy màu lam, bên trên chật khít, nhưng cái gấu thêu hoa chếp nếp thì xoè rộng ra. Grigori ngồi bên cạnh, ngắm cặp chân đầy đặn đẹp như tượng tạc, cái bụng thẳng căng nhìn mà rạo rực cả người và cặp mông to như mông một con ngựa được cho ăn cẩn thận. Chàng nghĩ thầm: “Người đàn bà Cô-dắc thì không thể nào lẫn với tất cả những người đàn bà khác được. Áo sống bao giờ cũng quen ăn vận sạch mắt. Không nhìn thì thôi chứ đã nhìn thì không chán. Còn như bọn đàn bà mu-gích thì đằng trước cũng chẳng khác gì đằng sau: người cứ như chui vào một cái túi”…
Bà Ilinhitna bắt gặp cặp mắt của con bèn cố ý khoe:
– Các bà vợ sĩ quan ở vùng chúng ta ăn vận như thế đấy! Ngay bọn đàn bà con gái thành phố cũng ghen đến chết.
– Sao lại nói thế hả mẹ! – Daria ngắt lời mẹ chồng. – Chúng con thì bì thế nào được với bọn thành thị? Cái hoa tai của con gãy rồi đây nầy, có đáng bao nhiêu mà cũng chẳng mua được! – Chị chàng nói thêm giọng chua chát.
Grigori đặt tay lên lưng vợ, cái lưng to rộng của một người đàn bà lao động, và lần đầu tiên chàng thoáng có ý nghĩ: “Natalia đẹp lắm, nhìn cứ mòn con mắt. Trong lúc mình vắng nhà không biết cô nàng đã sống như thế nào. Có lẽ bọn Cô-dắc trông thấy cũng thèm, còn Natalia thì chưa biết chừng cũng có mê thằng nào rồi. Cứ chịu sống cái cảnh vợ lính vắng chồng mãi được sao?”. Những ý nghĩ ấy đột nhiên nảy ra làm tim chàng như ngừng đập, trong lòng khó chịu lạ. Cặp mắt chàng cứ như dò hỏi trên khuôn mặt hồng hồng bóng lên dưới lớp pho-mát dưa chuột thơm phức. Thấy chồng nhìn mình chằm chằm như thế, Natalia đỏ mặt, ngượng quá, nhưng vẫn khẽ hỏi:
– Sao anh lại nhìn em thế? Vừa qua anh có nhớ em không?
– Nhớ hẳn đi chứ?
Grigori cố xua đuổi những cảm giác khó chịu, nhưng trong giây phút nầy không hiểu sao những ý nghĩ bực bội với vợ tự nhiên cứ làm chàng rạo rực.
Ông Panteley Prokofievich bước vào cửa, miệng rên è è. Ông đến trước bức tượng thánh đọc vài câu kinh rồi nói to.
– Nào, chào cả nhà lần nữa!
– Lạy chúa tôi, ông già… có cóng không? Mẹ con bà cháu chúng tôi lại đang chờ ông đây. Súp bắp cải đang nóng bỏng, vừa hạ trên lò xuống đất – Bà Ilinhitna chạy đi chạy lại lăng xăng, những chiếc cùi dìa kêu lạch cạch.
Ông Panteley Prokofievich vừa lê lệt sệt đôi ủng dạ đế da vừa tháo cái khăn đỏ trên cổ xuống. Ông cởi cái áo lông khoác ngoài, gỡ những thỏi băng nhỏ bám trên râu trên ria rồi đến ngồi trước mặt Grigori và nói:
– Cóng quá, vừa rồi chạy ở ngoài thôn ấm hơn… Vừa nãy cha con tôi đã chẹt phải con lợn sữa nhà mụ Anhiutca.
– Của ai hả cha? – Daria đang cắt nhỏ một ổ bánh mì trắng rất dày vội dừng lại để hỏi, giọng lo lắng.
– Của nhà Ozerov. Con mụ khốn kiếp ấy, nó nhẩy lồng trong sân nhà nó ra, tam bành lục tặc lên một trận đến ghê. Nó chửi hết điều nầy đến điều khác, nào là gian giảo lừa bịp, nào là ăn cắp cái bừa của một nhà nào đó. Làm gì có cái bừa nào? Có quỉ dữ hiểu được nó.
Rồi ông bắt đầu kể lại rất tỉ mỉ tất cả các biệt hiệu mà mụ Anhiutca đã tặng cho ông. Nhưng chỉ có một điều ông không kể lại là đã bị mụ bới cái tội hồi còn trẻ của ông, chuyện liên quan đến những mụ vợ lính vắng chồng. Grigori cười mát ngồi vào bàn ăn. Để tự bào chữa trước mặt con trai, ông Panteley Prokofievich còn nói thêm rằng:
– Nó đã tuôn ra những lời trái đạo Chúa đến nỗi tôi chẳng còn làm thế nào mà nghe được nữa! Tôi đã định quay lại quật cho nó một roi vào ngang lưng, nhưng thằng Grigori lại đang có mặt ở đấy, có nó mà làm như thế thì cũng không tiện.
Petro mở cửa, Dunhiaska cầm cái dây da kéo một con bê lông đỏ, trán đốm trắng, vào trong nhà.
– Đến lễ tống tiễn mùa đông anh em mình sẽ được ăn bánh tráng với kem đây! – Petro vừa đưa chân đá con bê vừa nói một cách khoái trá.
Sau bữa trưa, Grigori cởi ba-lô chia quà cho cả nhà. – Cái nầy biếu mẹ đây! – Chàng đưa cho bà Ilinhitna một chiếc khăn san rất ấm.
Bà Ilinhitna nheo mắt nhận quà, mặt ửng lên như một cô gái. Bà quàng chiếc khăn lên vai rồi ra trước cái gương, ưỡn ẹo ngọ nguậy mãi hai cái vai làm ông Panteley Prokofiêvil cũng phải bực mình:
– Con mụ phù thuỷ già sóc như thế mà cũng soi gương làm dáng! Phì!
– Còn cái nầy biếu cha đây? – Grigori khẽ nói rất nhanh rồi vung lên cho tất cả mọi người xem chiếc mũ cát-két Cô-dắc mới tinh, đỉnh cao và hớt ngược, vành mũ đỏ chói như lửa.
– Chà, lạy Chúa tôi! Tao đang khổ vì thiếu một cái mũ cát-két đây! Năm nay các cửa hiệu không có bán nữa… Không mua được thì sang hè lấy gì mà đội… Ra nhà thờ với cái mũ cũ thì cũng nhục. Cái mũ của tao, cái cũ ấy, đã đến lúc phải quăng lên đầu thằng bù nhìn giữ dưa rồi mà vẫn còn phải đội…
Ông vừa nói bằng một giọng bực bội, vừa lấm lét nhìn quanh như sợ có ai đến cướp mất quà biếu của con. Ông đã len tới trước gương định đội thử xem, nhưng hai con mắt của bà Ilinhitna đã lôi chân ông lại. Ông già nhại lại cái nhìn của vợ, quay ngoắt đi, rồi khập khiễng bước tới trước cái ấm samova. Ông đội lệch chiếc mũ cát-két trên đầu, soi vào đó thay gương.
– Nầy cái của cổ lỗ kia làm gì thế hử? – Bà Ilinhitna tấn công chồng.
Nhưng mặt đức ông chồng vẫn trân trân:
– Lạy Chúa tôi! Chà, sao bà nó ngu thảm ngu hại như thế! Đây là cái samova chứ có phải cái gương đâu! Thế mà cũng!
Grigori cho vợ một đoạn hàng len để may váy, cho hai con một phun-tơ bánh mật ong. Daria được một đôi hoa tai bằng bạc có nạm đá quí Dunhiaska được một chiếc áo ngắn mặc ngoài, còn Petro thì được một bao thuốc quấn và một phun-tơ thuốc rời. Trong lúc đám phụ nữ riu ríu ngắm nhìn các quà biếu, ông Panteley Prokofievich cứ nghênh ngáo đi trong bếp như một cây ống pích, thậm chí còn ưỡn ngực nói oang oang:
– Đây chính đây là chàng Cô-dắc trung đoàn ngự lâm Cô-dắc! Đã từng giật được giải đua ngựa chứ đâu phải tay vừa! Trong lần hoàng đế duyệt binh đã đoạt được giải nhất đây! Một bộ yên và toàn bộ đồ trang bị! Ái chà chà, đã thấy chưa!
Petro nhai nhai chòm ria màu lúa mạch đứng ngắm bố, Grigori chỉ cười. Ba bố con hút thuốc. Ông Panteley Prokofievich đưa mắt nhìn ra cửa sổ có ý đề phòng rồi nói:
– Trong lúc họ hàng làng xóm mọi kiểu còn chưa đến chơi, mầy hãy kể cho thằng Petro nghe tình hình ngoài ấy như thế nào đi!
Grigori khoát tay.
– Người ta đang đánh nhau.
– Bọn Bolsevich bây giờ ở đâu? – Petro vừa hỏi vừa ngồi lại cho thoải mái hơn.
– Đang tiến từ ba phía Chikhoreskaia, Taranroc và Voronez.
– Thế cái Uỷ ban quân sự cách mạng của chúng mày nghĩ ngợi như thế nào? Sao lại để cho chúng nó tiến vào đất đai của chúng ta như thế? Thằng Khristonhia và thằng Kotliarov có về nói lếu láo lung tung nhưng tao không tin chúng nó. Tình hình ngoài ấy hình như không phải như thế…
– Uỷ ban quân sự cách mạng bất lực. Còn bọn Cô-dắc đang bỏ chạy về nhà.
– Như vậy có nghĩa là chính vì thế nên chúng nó mới bám lấy Xô viết chứ gì?
– Dĩ nhiên chính vì như thế đấy.
Petro nín lặng một lát. Hắn hút thêm một điếu thuốc rồi nhìn thẳng vào mặt em:
– Thế mày đứng về phía nào?
– Tôi ủng hộ Chính quyền Xô viết.
– Đồ ngu! – Ông Panteley Prokofievich nổ ra như thuốc súng. – Petro, mầy hãy vạch mắt cho nó rõ đi!
Petro mỉm cười vỗ vai Grigori.
– Nhà ta có nó là nóng như lửa, cứ như một con ngựa bất kham ấy. Làm thế nào vạch mắt cho nó được hả cha?
– Chẳng làm gì mà phải vạch mắt cho tôi? – Grigori nổi nóng lên. Tôi có mù đâu? Thế anh em ngoài mặt trận về nói những gì?
– Những thằng ấy thì được tích sự gì? Chẳng nhẽ mầy còn chưa biết cái ngu ngốc của thằng Khristonhia hay sao? Nó thì hiểu nổi cái gì? Nhân dân nhầm đường lạc lối tất cả rồi, không còn biết đường nào mà theo nữa rồi… Thật là đau khổ! – Petro nhai nhai chòm ria. – Mày cứ chờ đến mùa xuân rồi xem tình hình sẽ ra sao, sẽ chẳng thu được kết quả gì đâu… Ngoài mặt trận chúng ta đã từng chơi cái trò Bolsevich, bây giờ đã đến lúc phải thông minh hơn mới được. “Chúng tôi không nhòm ngó cái gì của người khác, nhưng các anh cũng chớ lấy cái gì của chúng tôi”, – đấy, với những kẻ hoành hành ngang ngược xăm xăm muốn tiến vào vùng chúng ta, người Cô-dắc phải nói như thế đấy. Còn việc chúng mày đang làm ở Kamenskaia thì chỉ là một việc bẩn thỉu. Cứ đi mà kết bạn kết bè với bọn Bolsevich chúng nó sẽ áp đặt chế độ của chúng nó cho mà xem.
– Griska ạ, mày biết suy nghĩ một chút mới được. Nào mày có phải là một thằng ngu xuẩn gì cho cam. Mày, phải thấy rõ là một thằng Cô-dắc, đã là Cô-dắc thì phải mãi mãi là Cô-dắc. Cái nước Nga thối hoăng ấy đừng hòng đến vùng chúng ta mà thống trị. Thế mày có biết bọn ngụ cư hiện nay đang nói những gì không? Bao nhiêu ruộng đất đều chia bình quân theo đầu người. Như vậy thì còn ra thể thống gì nữa?
– Những người ngụ cư cố cụ đã đến ở Quân khu sông Đông từ lâu, chúng ta sẽ cấp ruộng đất cho họ.
– Cho chúng nó cái con b…! Đây cho chúng nó ăn cái nầy nầy!
Ông Panteley Prokofievich làm cử chỉ tượng trưng cho sự giao cấu: ông luồn ngón tay cái có cái móng dài nghêu vào giữa ngón tay trỏ và ngón tay giữa rồi ngoáy rất lâu quanh cái mũi gãy sống của Grigori.
Ngoài thềm bỗng có tiếng chân bước ầm ầm. Cái ngưỡng cửa đóng băng kêu răng rắc. Anikey, Khristonhia, và Tomilin Ivan bước vào. Tomilin đội một chiếc mũ lông thỏ cao quá sức tưởng tượng.
– Chào thầy quyền! Ông Panteley Prokofievich đem ra thết chúng tôi một chầu đây! – Giọng Khristonhia oang oang như lệnh vỡ
Nghe thấy cái giọng như sấm của anh chàng, con bê con đang mơ màng bên cái bếp lò ấm áp hoảng sợ be be rầm lên một hồi. Nó nhảy lên trên bốn cái chân còn chập chững, trượt chân liền mấy cái mới đứng thẳng được, rồi giương hai con mắt như mã não nhìn mấy người khách. Có lẽ nó sợ quá nên một tia nước giải nhỏ cứ tè tè tuôn xuống sàn. Dunhiaska vỗ vỗ vào lưng nó cho nó thôi đái rồi lau chỗ nước giải và đặt nó vào một cái nồi gang hỏng.
– Mồm với miệng gì mà oang oang, làm con bê hết cả hồn vía! – Bà Ilinhitna bực mình nói.
Grigori bắt tay, mời ba anh em Cô-dắc cùng ngồi. Chẳng mấy chốc vài anh chàng ở đầu nầy thôn cũng kéo đến thêm. Mọi người vừa nói chuyện vừa hút thuốc, khói um lên làm ngọn đèn chập chờn muốn tắt, còn con bê thì ho sặc sụa.
– Ma quỉ bắt các anh đi! – Mãi đến nửa đêm bà Ilinhitna mới chửi rầm lên tống tiễn mấy ông khách. – Có xéo ngay ra sân không, ra ngoài ấy mà hun khói, thật quá bọn quỉ đói thuốc. Thôi đi đi, đi đi! Thằng lính nhà nầy từ lúc về đã được nghỉ ngơi gì đâu. Xéo đằng nào thì xéo đi!

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.