Sông Đông êm đềm
Chương 128 phần 1
Từng đoàn tàu sơn đỏ xuất phát từ vùng sông Đông chạy xuyên qua Ukraina, chở về Đức bột mì, trứng, bơ, bò. Những tên lính Đức đứng ở đầu các toa xe với những chiếc mũ nồi, những chiếc áo quân phục ngắn màu xanh xám, lưỡi lê cắm sẵn trên đầu súng. Những đôi ủng da màu vàng rất tốt của quân Đức, với những cái đế đóng cá sắt, đầm phẳng những con đường của vùng sông Đông.
Bọn kỵ binh Bavaria dắt ngựa ra sông Đông uống nước… Trong khi đó ở vùng giáp ranh với Ukraina, những gã thanh niên Cô-dắc vừa được huấn luyện ở Pécxianovca, gần Novocherkask, bị gọi ra lính để đánh nhau với bè lũ Petliura(226) Gần một nửa Trung đoàn Cô-dắc sông Đông số 12 vừa được tổ chức lại đã nằm lại ở gần Starobensk để dành giật cho Quân khu một mẫu đất thừa trên lãnh thổ Ukraina.
(226) (1879 – 1926) Tên đầu sỏ phản cách mạng ở Ukraina hồi nội chiến. Sau khi thất bại, hắn bỏ chạy sang Ba Lan rồi sang Paris. (N.D)
Trên miền Bắc, trấn Ust-Medvedskaia luôn luôn bị truyền từ tay nọ sang tay kia, chi đội Hồng quân Cô-dắc tràn tới từ các thôn của các trấn Gladunovskaia, Novo-Alexandrovskaia, Kumyngienskaia Xcurisenskaia cùng những trấn khác vừa đánh chiếm được nó thì một tiếng đồng hồ sau họ đã bị chi đội du kích Bạch vệ của tên sĩ quan Alekseev đánh bật ra, và trên các phố đã thấp thoáng những chiếc áo ca-pốt của bọn học sinh trung học, học sinh trường thực nghiệp và trường thầy dòng là thành phần cốt cán của chi đội Bạch vệ nầy.
Quân Cô-dắc Đông Thượng tiến dần từng chặng về phía Bắc, từ trấn nọ qua trấn kia, Hồng quân rút lui về phía địa giới tỉnh Saratov, bỏ lại gần toàn bộ khu Khopesky. Đến cuối mùa hạ, quân đội vùng sông Đông, gồm những tên Cô-dắc đủ các lứa tuổi, chỉ cần cầm nổi cây súng, đã tiến tới các địa giới. Được tổ chức lại trên đường tiến quân, được bổ sung thêm bằng những tên sĩ quan được điều từ Novocherkask, nom nó đại khái đã có vẻ một quân đội thật sự: các đội dân quân ít người do các trấn điều đi được biên chế hỗn hợp với nhau; các trung đoàn chính qui cũ được khôi phục lại với những tên quan binh cũ còn sống sót sau chiến tranh chống Đức; các trung đoàn được ghép lại thành sư đoàn; trong các ban chỉ huy, những tên đại tá già kinh nghiệm đã thay thế bọn thiếu uý, các cấp thủ trưởng cũng dần dần được thay đổi.
Đến cuối mùa hạ, các đơn vị chiến đấu thành lập với các đại đội Cô-dắc của mấy trăm Migulinskaia, Meskovskaia, Kazanskaia và Sumilinskaia, đã theo lệnh tên thiếu tướng Alferov vượt địa giới vùng sông Đông, rồi sau khi chiếm Doneskskoie, làng đầu tiên thuộc địa phận tỉnh Voronezskaia, chúng bao vây huyện lỵ Bogutra.
Đã bốn ngày liền, đại đội Cô-dắc thôn Tatarsky dưới quyền chỉ huy của Petro Melekhov vượt qua thôn và trấn để tiến về phía Bắc của khu Ust-Medvedisky. Ở một nơi nào đó bên phải họ, Hồng quân vội vã rút lui ra đường sắt, không chịu nghênh chiến một lần nào. Suốt thời gian đó, bọn Cô-dắc thôn Tatarsky không hề thấy bóng vía địch đâu cả. Các chặng hành quân cũng không dài. Tuy không ước hẹn gì với nhau, nhưng Petro cùng các gã Cô-dắc khác đều quyết định rằng không tội vạ gì mà vội vã đâm đầu đi tìm cái chết vì thế mỗi ngày họ chỉ để lại sau lưng ba chục vec-xta là cùng.
Đến ngày thứ năm thì họ tiến vào địa hạt trấn Kumyngienskaia. Họ vượt sông Khop ở thôn Didunkov. Muỗi nhắt rùng rùng bay lơ lửng trên đồng cỏ như một tấm màn the, tiếng vo vo rất thanh rung lên trong tai mỗi lúc một to. Hàng triệu triệu con muỗi lúc nhúc lượn tròn một cách mù quáng, chui cả vào tai vào mắt người và ngựa. Những con ngựa tức tối, chốc chốc lại hắt hơi, còn bọn Cô-dắc thì vung tay loạn xạ để xua muỗi, thuốc lá nhà trồng tha hồ đem ra mà hun khói.
– Đùa kiểu gì mà lạ, con muỗi khốn kiếp nầy! – Khristonhia đưa tay áo lên chùi nước mắt kêu lên.
– Sao thế, bị nó lọt vào mắt à? – Grigori mỉm cười hỏi.
– Đốt cả vào mắt. Chưa biết chừng muỗi độc đấy, con quỉ dữ!
Khristonhia giương cái mí mắt đỏ rực, đưa một ngón tay sần sùi lên sờ vào trong con mắt, rồi hắn chẩu môi, dụi mãi mu bàn tay lên mắt.
Grigori cho ngựa đi bên cạnh Khristonhia. Từ hôm lên đường hai người vẫn cùng đi với nhau. Nhập bọn với họ có thêm Anikey. Thời gian gần đây anh chàng nầy đẫy ra, vì thế nom càng giống đàn bà.
Quân số không được đủ một đại đội. Tên quản Latysev đến lấy vợ ở thôn Tatarsky làm đội phó cho Petro. Grigori chỉ huy một trung đội. Những gã trong trung đội của chàng gần như toàn là dân nửa dưới thôn: Khristonhia, Anikey, Fedot Bodovskov, Marchin Samin, Ivan Tomilin, gã Borsev lêu đêu như cây sào và gã Dakha Korolev nặng nề phục phịch như con gấu, Prokho Zykov, gã Merkulov nòi Digan, Epifan Marsaev, Egor Sinilin và chừng mười lăm gã thanh niên cùng tuổi tác.
Trung đội trưởng trung đội hai là Nicolai Kosevoi, trung đội ba do Yakov Koloveydin chỉ huy, còn trung đội bốn thì trung đội trưởng là Mitka Korsunov. Sau vụ hành quyết Pochenkov, Mitka đã được tên tướng Alferov đề bạt ngay lên cấp thượng sĩ.
Đại đội cho ngựa chạy một nước kiệu đặc biệt dừng trên đồng cỏ. Con đường lượn vòng những cái đầm lầy nước, trườn xuống một cái khe nhỏ mọc đầy lau sậy non và liễu rồi bò ngoằn ngoèo trên đồng cỏ.
Trong mấy hàng cuối, Yakov “Móng lừa” cười khề khề bằng một giọng trầm. Andrinsca Kasulin hoà theo bằng giọng nam cao. Thằng cha nầy cũng đã kiếm được cái lon hạ sĩ nhờ có máu của những người bạn chiến đấu của Pochenkov.
Petro Melekhov cho ngựa chạy bên cạnh hàng quân cùng với Latysev. Hai gã khẽ nói với nhau không biết những gì. Latysev nghịch nghịch cái dây ngù mới của thanh gươm. Petro đưa tay trái ra vuốt lông và gãi gãi khoảng giữa hai tai con ngựa. Một nụ cười nở trên khuôn mặt phúng phính của Latysev, dưới hàng ria thưa thớt nhe ra mấy cái răng ám khói thuốc lá, nửa vàng nửa đen, chân răng sứt nham nhở.
Con ngựa cái khoang thọt cẳng nhỏ loắt choắt của gã Anchipnhip Apdeevich, con trai lão “Vua nói khoác” lon ton chạy sau cùng. Gã đã được anh em Cô-dắc tặng cho cái biệt hiệu là Anchip Brekhovich, nghĩa là “Anchip con trai lão nói khoác”.
Một gã nào đó trong đám Cô-dắc kể chuyện. Có những gã phá rối hàng ngũ, cho ngựa leo lên đi hàng năm, những gã khác chăm chú ngắm vùng đất xa lạ, với cánh đồng cỏ lỗ chỗ ao đầm như một bộ mặt rỗ, dãy tiêu huyền và dương liễu mọc xanh rờn như một bức rào.
Cứ nhìn cách trang bị cũng có thể thấy rằng đội Cô-dắc đang tiến hành một cuộc trường chinh: các túi yên đựng quá nhiều đều phồng to các túi thồ đầy ắp, và người nào cũng lo buộc áo ca-pôt vào đai yên. Ngay đến các đồ thắng cũng có thể giúp cho việc nhận xét: mỗi cái dây da nhỏ đều còn mang vết chỉ, mọi thứ đều được khâu lại, buộc lại, sửa chữa lại. Một tháng trước đây mọi người còn tin tưởng rằng sẽ không có chiến tranh, nhưng hiện nay ai nấy đề buồn rầu chịu đựng ý nghĩ là không sao tránh khỏi đổ máu nữa. “Hôm nay còn giữ được cái thân xác, nhưng có lẽ ngày mai bị quạ đen rỉa thây ở nơi đồng không mông quạnh nầy”, – anh chàng nào cũng nghĩ như thế.
Mọi người đã qua thôn Krepchy. Những căn nhà lợp lau thưa thớt thấp thoáng ở bên phải, Anikey lấy trong túi quần ra một miếng bánh khô, cắn một nửa, những cái răng cửa nhỏ như răng chuột nhe ra đầy vẻ háu ăn, cắn xong lại đưa quai hàm nhai rất nhanh như con thỏ.
Khristonhia liếc nhìn hắn.
– Cậu đói lắm à?
– Không đói thì ăn làm gì? Vợ mình làm cho đấy.
– Nhưng cậu nhai khỏe thật? Có lẽ cái bụng của cậu cũng chẳng kém gì bụng con lợn đực thiến. – Rồi hắn quay sang nhìn Grigori và nói giọng bực bội than vãn – Cái thằng quỉ sứ nầy nó ăn như thần trùng, đến là khó coi? Không biết nó chứa chỗ nào cho hết mà tọng vào lắm thế? Mấy hôm nay, mình chỉ nhìn nó ăn mà sờ sợ thế nào ấy. Kể ra người ngợm nó cũng chẳng to lớn gì, thế mà ngốn ngấu quá cái thùng không đáy.
– Mình ăn của mình chứ có ăn của ai đâu, vì thế phải ra sức mà ăn. Buổi tối vừa ăn thịt cừu, thế mà sáng hôm sau đã lại thèm rồi. Chúng mình thì thanh bông hoa quả, thứ gì cũng có thể chén được. Hễ đưa được lên miệng, ăn vào là đều có ích cả.
Thấy Khristonhia nhổ bãi nước bọt có vẻ bực bội, Anikey nháy mắt với Grigori và hất hàm về phía Khristonhia, cười khà khà:
– Anh Petro Panteleev nầy, anh định cho nghỉ đêm ở đâu thế? Anh xem, những con ngựa nom đã mệt lử cả rồi! – Tomilin kêu lên.
Merkulov cũng hùa theo Tomilin:
– Đến lúc dừng lại nghỉ đêm rồi đấy. Mặt trời sắp lặn rồi.
Petro vung cái roi ngựa.
– Chúng ta sẽ nghỉ đêm ở Kliutri. Còn có thể kéo đến Kumynga cũng chưa biết chừng.
Merkulov tủm tỉm cười sau bộ râu đen loăn xoăn, khẽ bảo Tomilin:
– Thằng chó, nó muốn tâng công với lão Alferov đấy? Vội vội vã vã.
Có gã đã tinh nghịch trong khi tỉa râu hộ Merkulov, đem cắt ngắn hẳn đi, làm cho cả bộ râu xồm chỉ còn nhỏ xíu, rồi lại xén nhọn thành hình một cái nệm xiên xẹo. Nom anh chàng lạ hẳn đi, đến là buồn cười, nhờ đó anh em đã có một chuyện để lúc nào cũng có thể đem ra pha trò. Tomilin không nhịn được nữa bèn nói:
– Còn cậu thì không muốn thăng quan tiến chức đấy phỏng?
– Mình làm gì để thăng quan tiến chức?
– Chẳng phải cậu đã tỉa râu theo kiểu những ông tướng rồi đấy sao? Có lẽ cậu nghĩ rằng cứ tỉa râu theo kiểu một ông tướng là người ta sẽ đem ngay một sư đoàn trao cho cậu phải không? Thế mà là không muốn gì à?
– Đồ ngu, đồ quỉ sứ! Người ta nói chuyện đứng đắn với nó mà nó chỉ tếu.
Mọi người tiến vào thôn Kliutri giữa tiếng cười, tiếng nói.
Andriusca Kasulin được phái đi trước để kiếm chỗ ở đã chờ đón đại đội ở căn nhà đầu thôn.
– Trung đội tôi theo tôi? Trung đội một ở ba cái nhà kia, trung đội hai ở bên trái, trung đội bốn ở cái nhà có cái giếng và tiếp liền bốn cái nữa. Petro tới bên hắn:
– Cậu có nghe thấy phong phanh gì không? Có đi hỏi han thăm dò không?
– Vùng nầy không có hơi hướng gì của chúng nó đâu. Nhưng người anh em ạ, ở đây mật ong nhiều ghê lắm. Có một mụ già nuôi tới ba trăm tổ. Đến đêm thế nào cũng phải phá một tổ mới được!
Thôi thôi, đừng có giở trò? Nếu không tôi cho một trận đấy! – Petro cau mày giơ roi đánh ngựa.
Mọi người về chỗ nghỉ. Những con ngựa được sắp xếp chăm nom. Trời đã tối. Các chủ nhà dọn bữa tối cho bọn Cô-dắc ăn. Trong sân các ngôi nhà, bọn Cô-dắc đinh lính và những gã trong thôn ngồi trên những đống củi liễu đỏ đẵn từ năm ngoái, tán hươu tán vượn chuyện nầy chuyện nọ rồi chia tay nhau đi ngủ.
Sáng hôm sau đại đội lại tiến ra khỏi thôn. Đến khi hành quân gần tới Kumyngienskaia thì có một tên liên lạc đuổi kịp đại đội.
Petro mở cái phong bì đựng công văn, đọc rất lâu, người ngật ngưỡng trên yên, bàn tay giơ ra cầm tờ giấy rất vất vả, cứ như đỡ một vật gì rất nặng. Grigori cho ngựa tới gần.
– Mệnh lệnh à?
– Phải!
– Họ viết gì thế?
– Có việc đây! Họ ra lệnh bàn giao đại đội. Tất cả những thằng ra lính cùng một năm với tao bị gọi đi Kazanskaia, họ đang thành lập Trung đoàn Hai mươi tám. Cả những thằng pháo binh và súng máy cũng thế.
– Thế số còn lại thì đi đâu?
– Đã có viết trong nầy đây: “Đến Argenovskaia chịu quyền chỉ huy của trung đoàn trưởng Trung đoàn Hai mươi hai. Hoả tốc chuyển quân”. Mày xem đấy! “Hoả tốc”!
Latysev cho ngựa chạy tới, tiếp lấy bản mệnh lệnh trong tay Petro. Hắn cong xếch hai hàng lông mày, vừa đọc vừa động đậy cặp môi dầy cứng đờ.
– Tiến! – Petro hô to.
Đại đội lại đi tiếp ngựa đi bước một. Bọn Cô-dắc thỉnh thoảng ngoái đầu lại, chăm chú nhìn Petro, chờ xem hắn có nói gì không.
Đến Kumyngienskaia thì Petro công bố bản mệnh lệnh. Những tên Cô-dắc nhiều tuổi quân hối hả sửa soạn quay trở về. Mọi người quyết định sẽ nghỉ lại trong trấn một ngày rồi sáng sớm hôm sau nữa sẽ chia tay nhau mỗi toán đi một ngả. Petro tới chỗ Grigori ở. Suốt ngày hôm ấy, hắn đã cố tìm kiếm một dịp nói chuyện với thằng em.
– Ta ra chỗ thao trường một lát đi.
Grigori lặng lẽ bước ra cổng. Mitka Kosevoi đã chạy theo hai anh em, nhưng Petro lạnh lùng bảo nó:
– Thôi cậu đi chỗ khác đi, Mitka. Anh em mình có câu chuyện muốn nói với nhau.
– Cũng được thôi, – Mitka mỉm cười ra vẻ thông cảm và đứng lại.
Grigori liếc nhìn Petro, thấy hắn có vẻ muốn nói với mình một chuyện quan trọng. Chàng đã đoán ra ý định của anh, nhưng muốn đánh trống lảng, bèn vờ nói bằng một giọng vui vẻ:
– Thật là kỳ quặc: mới ra khỏi nhà một trăm vec-xta mà dân chúng đã khác hẳn. Lời ăn tiếng nói cũng khác vùng ta, nhà cửa cũng dựng theo một kiểu khác, y như ở chỗ bọn theo giáo phái Polipon ấy. Anh xem, bên trên cổng nhà nào cũng có một cái mái nhỏ ghép bằng ván, cứ như ở các miếu thờ ấy. Vùng ta làm gì có như thế? Và kia nữa, – chàng chỉ một ngôi nhà giàu có ở gần đấy, – ngay đến cái ụ đất đắp chung quanh nhà cũng có ốp ván: có phải để cho gỗ khỏi mục hay không?
– Thôi cái chuyện ấy đi. – Petro cau mày. – Đâu phải là mày muốn nói những chuyện ấy… Nhưng hượm đã, chúng mình vào hàng rào đi. Người ta nhìn đấy.
Vài người dân Cô-dắc, vừa đàn ông vừa đàn bà, đi từ chỗ thao trường tới, tò mò nhìn hai anh em. Một cụ già mặc chiếc áo sơ-mi màu lam không thắt dây lưng đứng lại hỏi, cái mũ cát-két Cô-dắc đội trên đầu quá cũ nên vành mũ đã bạc thành màu hồng.
– Ngày mai các bác còn nghỉ lại chứ?
– Vâng, chúng cháu muốn nghỉ lại một ngày.
– Thế đã có lúa yến mạch cho ngựa chưa?
– Cũng đã có chút ít, – Petro trả lời.
– Nếu không thì cứ tạt vào nhà tôi, tôi có thể đong cho hai ba mê-ra.
– Lạy Chúa tôi, cám ơn cụ!
– Lạy Chúa tôi… Bác cứ lại. Nhà tôi kia, có cái mái tôn màu xanh lá cây ấy.
– Anh muốn nói chuyện gì bây giờ? – Grigori sốt ruột cau mày hỏi.
– Đủ mọi chuyện. – Petro mỉm một nụ cười đau khổ như kẻ có lỗi hắn nhay nhay món ria màu lúa mạch nhét vào một bên mép. – Grisatca ạ, thời buổi như thế nầy thì anh em mình chưa biết chừng không còn được trông thấy nhau nữa đâu…
Nụ cười thảm hại của Petro và cái tên gọi “Grisatca” còn lại từ một thời xa xưa lắm, từ hồi còn thơ ấu, đã làm tan biến trong nháy mắt lòng căm ghét mà không hiểu sao từ nãy Grigori cứ cảm thấy đối với anh. Petro âu yếm nhì thằng em, vẫn nụ cười gượng gạo trên môi. Nhưng hắn đã động môi xoá hết nét cười, nghiêm nét mặt và nói:
– Mày xem, cái bọn chó đẻ ấy, chúng nó chia rẽ dân chúng có ghê không! Cứ như vừa có một lưỡi cày kéo qua, đằng sau lưỡi cày ấy là một phần đất ngả sang bên nầy, một phần đất ngả sang bên kia. Một cuộc sống ma quái, thời thế đến là khủng khiếp? Người nầy không còn đoán được ra tâm tư của người khác nữa… Như mầy đây, Petro bỗng lái ngoặt câu chuyện, – mầy là em ruột của tao, nhưng tao chẳng làm thế nào hiểu được mày, thật thế đấy? Tao cảm thấy rằng mầy cứ tựa như dần dần rời xa tao… Tao nói có đúng không? – Hắn hỏi xong lại tự trả lời – Thật thế đấy. Mầy cứ sục ngầu lên… Tao chỉ sợ mầy sẽ chạy sang bọn Đỏ mất thôi… Grisatca, đến bây giờ mầy vẫn còn chưa tìm được cho mình con đường đi.
– Thế anh tìm ra rồi à? – Grigori vừa hỏi vừa nhìn vừng mặt trời đang lặn sau dòng sông Khop mà chàng không trông thấy, sau dãy núi đá phấn, nhìn ráng chiều cháy bừng bừng và những đám mây trôi từ phía đó lại nom như những đám bông cháy đen, tìm ra rồi. Tao đã đi theo đúng luống cày của tao. Mầy sẽ không đẩy được tao ra khỏi luống cày ấy đâu! Grisatca ạ, tao sẽ không ngả nghiêng nghiêng ngả như mày đâu.
– Thật thế ư? – Grigori cố nặn ra được một nụ cười bực bội.
– Tao sẽ không nghiêng ngả đâu! – Petro tức tối xoắn ngược hàng ria, hai con mắt hấp háy giờ lâu như chói nắng. – Tao thì có bị lồng cái vòng thòng lọng vào cỗ cũng không ai lôi được sang với bọn Đỏ đâu. Người Cô-dắc chống lại chúng nó, tao cũng chống lại chúng nó. Tao không muốn làm trái lại, và sẽ không làm trái lại đâu! Tao không có gì phải sang với chúng nó, tao với chúng nó không đi cùng đường!
– Thôi không nói chuyện ấy nữa. – Grigori đề nghị, giọng mệt mỏi.
Chàng bỏ đi trước về chỗ ở của chàng, chân cố bước thật vững vàng, hai cái vai gù gù hơi động đậy.
Về đến cổng, Petro chậm bước lại hỏi:
– Mầy thử bảo cho tao biết… Nói đi, Grisatca, mầy có chạy sang với chúng nó không?
– Chưa chắc… Còn chưa biết được.
Grigori trả lời thẫn thờ và miễn cưỡng. Petro thở dài, nhưng thôi không hỏi nữa. Hắn bỏ đi, vẻ mặt xao xuyến, nom tiều tụy hẳn đi.
Cả hắn lẫn Grigori đều đã nhìn thấy hết sức rõ rằng: những con đường trước kia nối liền hai người nay đã mọc đầy những bụi rậm không thể nào len qua được, các bụi rậm ấy là những điều thể nghiệm trong đời, và người nầy không còn có thể đi vào trái tim của người kia nữa. Thật cứ như bên trên một cái khe có một con đường trườn ngoằn ngoèo theo sườn dốc, con đường rất phẳng phiu vì đã có những móng chân dê dẫm trụi hết cỏ, nhưng bỗng nhiên đến một chỗ ngoặt nào đó, con đường ấy đâm thẳng xuống đáy khe, như bị cắt đứt và từ đấy không còn thấy có lối đi nào nữa, những bụi ngưu bàng dựng lên như một bức tường, nom bạc bẽo với khách như cái ngõ cụt.
Hôm sau Petro đem một nửa đại đội quay về Vosenskaia. Số Cô-dắc còn trẻ thì tiến về hướng Argenovskaia dưới quyền chỉ huy của Grigori.
Từ sáng mặt trời đã thiêu đốt không thương tiếc. Đồng cỏ sôi lên dưới một làn sương mù màu nâu. Phía sau, những nhánh núi tím ngắt của dãy núi ven sông Khop đã chuyển thành màu xanh da trời, bãi cát trải dài như làn nước màu vàng nghệ. Dưới những chàng kỵ sĩ ngồi trên yên, những con ngựa đẫm mồ hôi lảo đảo đi bước một.
Nắng làm cho da mặt bọn Cô-dắc xạm lại, mất hết vẻ hồng hào. Các giá yên, bàn đạp, các bộ phận bằng kim khí trên dây hàm thiếc đều nóng bỏng, tay không dám động vào nữa. Vào đến trong rừng cũng chẳng cảm thấy mát mẻ chút nào, vì hơi nước ngột ngạt không tản đi đâu được mùi nước mưa xông lên nồng nặc.
Một nỗi buồn u uất xâm chiếm tâm hồn Grigori. Suốt ngày chàng ngồi lắc lư trên yên với những ý nghĩ không đầu không đũa về tương lai. Những lời Petro nói vẳng lại trong óc chàng như một chuỗi hạt thuỷ tinh, làm chàng cảm thấy day dứt đau khổ. Mùi ngải cứu hắc hắc và ngây ngất như đốt cặp môi Grigori. Con đường bị hun đến bốc khói. Đồng cỏ vàng vàng nâu nâu nằm sóng soài dưới nắng. Những làn gió hanh mò mẫm khắp đồng cỏ, uốn rạp những lớp cỏ rối bết, thốc lầm cát bụi.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.