Sông Đông êm đềm
Chương 172 phần 1
Vì tráng đinh Cô-dắc đi vắng cả nên thôn Tatarsky trống trải và buồn tẻ hẳn đi. Đại đội bộ binh của thôn có một thời kỳ bị ghép vào một trung đoàn của sư đoàn 5 và bị diều sang tả ngạn sông Đông.
Cũng hồi ấy, các đơn vị Hồng quân được bổ sung thêm bằng những lực lượng tăng viện đều từ Blasov và Povorino tới đã mở đợt tấn công rất mạnh từ phía đông bắc, chiếm được một loạt thôn của trấn Elanskaia. Trong một trận chiến đấu ác liệt ở các đường vào thị trấn, quân phiến loạn đã thắng thế. Chúng chiếm được ưu thế như vậy là vì hai trung đoàn Elansky và Bukanovsky đang chịu áp lực của trung đoàn Hồng quân Moskva và hai đại đội kỵ binh đã nhận được những lực lượng tăng viện rất mạnh. Theo bờ bên trái sông Đông, trung đoàn Bốn của sư đoàn phiến loạn số I (trong dó có cả đại đội của thôn Tatarsky), một đại đội pháo gồm ba khẩu đội và hai đại đội kỵ binh dự bị tiến từ Vosenskaia về phía Elanskaia. Ngoài ra bên hữu ngạn còn điều những lực lượng tăng viện đáng kể tới hai thôn Plesakov và Madveevsky ở bên kia sông Đông, cách thị trấn Epanskaia từ ba tới năm vec-xta. Trên ngọn gò Kripsky đã bố trí một trung đội pháo. Trong số những tên phụ trách máy nhắm có một gã Cô-dắc người thôn Kripsky lừng danh là một tay bách phát bách trúng. Ngay từ phát đầu, gã đã diệt được một ổ súng máy của Hồng quân rồi sau đó, vài loạt đạn ghém bắn trùm lên đội hình chiến đấư của Hồng quân bố trí trong đám xích dương đã bắt các chiến sĩ
Hồng quân phải chồm dậy rút lui. Trận chiến đấu đã kết thúc với thắng lợi về phía quân phiến loạn. Bọn phiến loạn đã truy kích sát gót các đơn vị Hồng quân rút lui, bức các đơn vị đó phải kéo sang bên kia sông Elanska. Trong cuộc truy kích, chúng đã dùng tới mười một đại đội kỵ binh và trên ngọn gò ở gần thôn zatolovsky, chúng đã đuổi kịp và chém chết toàn bộ một đại đội kỵ binh Hồng quân.
Từ hồi ấy, những tên “bò binh” của thôn Tatarsky lăng xăng xuôi ngược trên những ngọn đồi cát bên tả ngạn. Bọn Cô-dắc trong đại đội hầu như không có tên nào về phép. Mãi đến lễ Phục sinh, gần nửa đại đội bất thần có mặt cùng một lúc trong thôn, cứ như theo ước định sẵn. Chúng ở lại nhà một ngày, chén một bữa chấm dứt tuần chay rồi thay đồ lót, vơ vét ít mỡ chài muối, bánh mì khô và những thức ăn khác trong nhà, kéo đàn kéo lũ vượt sang bên kia sông Đông tiến về hướng Elanskaia như những con chiến đi thăm đất thánh chỉ có điều là với cây súng trường thay chiếc gậy hành hương. Từ trên ngọn gò của thôn Tatarsky, từ trên những trái núi ven sông Đông, vợ họ, mẹ họ, em gái họ nhìn theo tiễn đưa họ. Những người đàn bà gào khóc, lấy góc khăn bịt đầu hay khăn san lau những cặp mắt khóc sưng húp, hỉ mũi vào vạt váy lót… Trong khi đó những tên Cô-dắc Khristonhia, Anikey, Panteley Prokofievich, Stepan Astakhov và nhiều tên khác đang lê bước bên kia sông Đông, sau dải rừng ngập nước lũ, trên những ngọn đồi cát. Những cái túi gai nhỏ đựng thức ăn lủng lẳng trên mũi súng mắc lưỡi lê, những bài dân ca vùng đồng cỏ buồn như mùi bách lý hương chập chờn theo gió, những câu chuyện trao đổi thẫn thờ giữa bọn Cô-dắc… Chúng ra đi chẳng có gì vui vẻ, nhưng bụng được no và quần áo đã được giặt sạch sẽ. Trước hôm lễ, vợ chúng hay mẹ chúng đã đun nước cọ rửa cho chúng những chỗ cáu bẩn bám chặt trên mình, chải hết cho chúng những con chấy thèm khát máu lính tráng. Tội gì mà chẳng ở nhà vui thú điền viên. Thế mà bây giờ lại phải ra đi tìm cái chết…
Và thế là chúng ra đi. Những tên còn trẻ tháo những đôi ủng dài hay ủng ngắn, đi chân không trên lớp cát ấm ấm. Chúng là những thằng thiếu niên mười sáu mười bảy vừa mới bị gọi vào hàng ngũ của quân phiến loạn. Không hiểu sao chúng tự nhiên cảm thấy sung sướng, trong bọn chúng thường nổ ra những cuộc trò chuyện vui như pháo ran, chúng hát bằng một giọng mới vỡ, chưa rắn rỏi. Đối với chúng, chiến tranh là một điều mới lạ, gần như trò chơi của con nít. Những ngày đầu, chúng nhô đầu lên khỏi ụ đất ẩm che phía trước chiến hào, lắng nghe tiếng đạn rú. Bọn Cô-dắc cựu chiến binh gọi chúng một cách khinh bỉ là “cỏ tơ” và ngay trong thực tế, dạy chúng đào chiến hào, bắn súng, đeo các đồ trang bị trong khi hành quân, chọn chỗ ẩn nấp tốt nhất, lại dạy chúng cả cách dùng lửa đốt rận, cách dùng vải bọc chân thay bít tất thế nào cho chân đi đỡ mỏi và bàn chân có thể “đi dạo” trong giầy. Và những thằng “lính sữa” đó cứ giương những cặp mắt đầy ngạc nhiên như mắt chim nhìn cái thế giới chiến tranh chung quanh, cứ ngẩng đầu ngó ra ngoài chiến hào, lòng dạ cồn cào vì tò mò, chỉ muốn được trông thấy “bọn Đỏ” cho đến khi bị một viên đạn của Hồng quân bắn trúng. Nếu vết thương chí mạng thì người “chiến sĩ” mười sáu tuổi ấy sẽ chỉ lớn lên đến thế thì thôi và mười sáu tuổi đời ngắn ngủi sẽ chẳng đem lại được gì cho anh ta.
Thằng bé lớn tướng ấy sẽ nằm xuống mãi mãi với hai bàn tay to bè bè của một thằng con trai, hai cái tai vểnh sang hai bên và chỗ lộ hầu mới nhú trên cái cổ mảnh khảnh chưa phải là cổ của một kẻ đã thành niên. Người ta sẽ mang nó về thôn xóm chôn rau cắt rốn, vùi xác nó xuống bên cạnh những nấm mồ trong đó ông cha cụ kỵ nó đã thối rữa. Mẹ nó sẽ vỗ hai bàn tay đen đét ra đón nó, sẽ gào khóc không biết bao nhiêu lâu cho kẻ đã khuất, sẽ rứt từng nắm tóc trên cái đầu bạc phơ. Rồi sau đó, khi nó đã được mồ yên mả đẹp, khi đất trên mồ đã khô lại, người mẹ càng già xọm thêm, lưng càng còng xuống sát đất hơn, vì những nỗi bi thương không bao giờ nguôi trong lòng, người mẹ sẽ đến nhà thờ làm lễ cầu hồn cho thằng Vanhiuska hay thằng Xemuska của bà vừa bị “hy sinh”.
Cũng có thể là viên đạn không bắn chết thằng Vanhiuska hay thằng Xemuska ấy, mà chỉ đem lại cho nó dịp làm quen với tính chất tàn khốc, ác nghiệt của chiến tranh. Cặp môi mới lún phún lông tơ của nó sẽ run run, méo xệch đi. Người “chiến sĩ” sẽ gào lên như con thở bằng một giọng con nít: “Bu ơi bu” và những giọt nước mắt sẽ tuôn ra ròng ròng từ hai con mắt. Chiếc xe cứu thương sẽ lắc nó trên những con đường đầy ổ gà, mỗi lần lắc lại chạm đau vết thương của nó. Viên y sĩ giàu kinh ngiệm của đại đội sẽ rửa cho nó vết thương do một viên đạn hay một mảnh đạn gây ra và vừa cười vừa dỗ nó như dỗ trẻ con: “Con mèo nó đau, con sáo nó đau, nhưng vết thương của thằng Vanhiuska sẽ khỏi rất mau”. Và chàng chiến sĩ Vanhiuska sẽ khóc sẽ đòi về nhà, sẽ gọi mẹ. Nhưng đến khi vết thương lành lại nó lại trở về đại đội thì từ đấy nó sẽ được học tập để hiểu cặn kẽ thế nào là chiến tranh. Nó chỉ có mặt trong hàng ngũ thêm chừng hai tuần, là tim nó sẽ rắn lại qua vài trận chiến đấu, vài lần giáp lá cà. Rồi sau đó người ta sẽ thấy nó bắt chước một lão quản hung ác thú tính nào đó, đứng xoạc cẳng trước một tù binh Hồng quân, nhổ toẹt bãi nước bọt sang bên cạnh và rít răng hỏi bằng cái giọng trầm trầm đang vỡ tiếng của nó.
– Thế nào, thằng mu-gích nầy, mẹ mày chứ, lọt vào tay chúng ông rồi à? Ha-a-à! Mầy muốn có ruộng đất à? Muốn đòi bình đẳng à? Có lẽ mày là đảng viên cộng sản phải không? Thú nhận đi, đồ chó đẻ! – Rồi muốn tỏ rõ cái dũng cảm, cái “can trường Cô-dắc”, nó giương khẩu súng trường nhả đạn vào người đã sống và đã tiếp nhận cái chết trên mảnh đất sông Đông trong khi chiến đấu cho chính quyền Xô viết, cho chủ nghĩa cộng sản, cho trái đất nầy không bao giờ còn có chiến tranh nữa.
Thế là ở một nơi nào đó trong tỉnh Moskovskaia hay tỉnh Viatskaia, trong một thôn hẻo lánh nào đó của nước Nga Xô viết vĩ đại, người mẹ của chiến sĩ Hồng quân nhận được giấy báo cho biết con trai mình đã “hy sinh trong cuộc chiến đấu chống bè lũ Bạch vệ để giải phóng nhân dân lao động khỏi gông xiềng của bọn tư bản địa chủ…” sẽ khóc hết nước mắt, sẽ than vãn kể lể… Trái tim người mẹ quặn lại vì buồn nhớ và đau khổ, cặp mắt nhoà mờ tràn đầy nước mắt sẽ từng ngày từng giờ mãi mãi nhớ thương, đến chết không nguôi, đứa con mà mình đã mang nặng trong lòng, đã cho ra đời trong máu mê và những cơn đau đứt ruột đứt gan của người phụ nữ, đứa con đã chết trong tay quân thù ở một nơi nào đó trong vùng sông Đông xa lạ…
Nửa đại đội bộ binh của thôn Tatarsky đào ngũ từ mặt trận về đang trên đường trở lại đơn vị. Chúng đi qua những đồng cát mênh mông, những đám liễu đỏ tím nhạt sáng nhấp nhoáng. Bọn trẻ thì vui vẻ vô tư lự, còn bọn già mà người ta gọi giễu là “Hay-đa-mác” thì cứ thở ngắn than dài, cố nuốt nước mắt. Đã đến lúc phải cày bừa, gieo hạt rồi. Mảnh đất đang kêu gọi họ trở về, gọi ngày gọi đêm không lúc nào ngơi, nhưng bây giờ lại phải đánh nhau, phải đi tìm cái chết ở nơi đất khách quê người, trong cảnh ăn không ngồi rồi, trong kinh hoàng, thiếu thốn và buồn chán. Chính vì thc mà những tên có râu cứ trào nước mắt, chính vì thế mà chúng cất bước với những bộ mặt đưa đám. Tên nào cũng nhớ tới những công việc làm ăn phải vứt bỏ lại, tới gia súc, nông cụ. Cái gì cũng đòi hỏi phải có bàn tay người đàn ông, tất cả đều buồn khóc vì thiếu con mắt của người làm chủ. Với đàn bà thì có thể đòi hỏi được gì họ? Ruộng đất sẽ khô cằn, công việc gieo hạt không thể đảm bảo, sang năm sẽ có cơ đói kém. Tục ngữ đã nói chẳng ngoa: “Trong công việc làm ăn thì ông già bằng ba con gái”.
Bọn già ngậm tăm đi trên khoảng đất cát. Mãi khi có một tên trong bọn ít tuổi bắn một con thỏ chúng mới hoạt bát lên. Vì bắn phí toi một viên đạn (tên tư lệnh các lực lượng phiến loạn đã ra lệnh nghiêm cấm việc nầy), bọn già quyết định trừng trị kẻ phạm tội.
Chúng hung hãn nhảy xổ tới đánh tới tấp thằng bé.
– Cho nó bốn mươi roi! – Panteley Prokofievich góp ý.
– Nhiều quá!
– Nếu thế nó sẽ không lê được tới nơi đâu?
– Mười -sáu-roi! – Khristonhia gầm lên.
Cả bọn đồng ý với con số chẵn mười sáu. Chúng bắt thằng bé phạm tội nằm xuống cát, lột quần nó ra. Khristonhia vừa lẩm bẩm hát một bài gì đó vừa dùng dao nhíp cắt mấy ngọn roi đầy những cái lộc lồm xồm vàng vàng. Anikey đánh. Những tên khác ngồi cạnh đấy hút thuốc. Đánh xong cả bọn lại lốc nhốc kéo đi. Thằng nhỏ vừa bị phạt quệt nước mắt, thắt lại quần thật chặt khập khiễng đi sau cùng.
Vừa ra khỏi bãi cát đi sang một vùng xam xám vừa cát vừa đất thịt, cả bọn lại bắt đầu nói với nhau những câu chuyện về cuộc sống hoà bình. Một lão già chỉ mảnh đất cày bị để khô, thở dài nói:
– Xem đấy, mảnh đất yêu quí nầy, nó đang chờ chủ nó, nhưng chủ nó làm gì có lúc nào mà về, còn phải đánh đấm lung tung, lang bạt trên núi trên gò.
Khi đi qua các luống cày, tên nào cũng cúi xuống vốc lấy một nắm đất khô thơm phức mùi nắng xuân, vò nát trong tay và cố nén tiếng thở dài.
– Đất đang đúng vụ gieo hạt đây!
– Bây giờ mà được cầm cái cán cày nhỉ.
– Chỉ quá ba ngày là không gieo được nữa rồi.
– Nhưng vùng chúng tôi, ở bên kia, thì còn hơi sớm.
– Phải đấy, vẫn còn sớm! Xem kìa, những cái khe ven sông Đông vẫn còn tuyết kia kìa.
Rồi đến chặng nghỉ, cả bọn ăn bữa trưa. Ông Panteley Prokofievich cho thằng bé vừa bị ăn đòn ăn cháo sữa (ông đựng cháo trong cái túi vải treo lủng lẳng trên nòng súng và suốt dọc đường nước cứ rỉ từ trong túi chảy xuống). Gã Anikey vừa cười vừa bảo ông: “Ông Prokofit ạ, ông đi đến đâu để lại đến đấy sau lưng ông một cái dải ẩm ẩm, hệt như con bò mộng ấy. Lần theo cái dải ấy thì có thể tìm thấy ông đấy”. Ông cho thằng bé ăn và nói giọng từ tốn nghiêm trang:
– Nhưng thằng ngốc nầy, mày chớ có giận các cụ đấy. Mà ăn một trận đòn thì có tai vạ gì đâu? Một thằng đã bị đòn thì giá trị bằng hai thằng chưa bị đòn.
– Cụ Panteley ạ, nếu họ cho cụ một trận như thế thì có lẽ cụ đã hát bằng giọng khác rồi!
– Thằng nhỏ nầy, xưa kia tao còn bị đòn đau hơn nhiều cơ.
– Đau hơn cơ à.
– Tất nhiên rồi, đánh đau lắm. Thằng nhóc nầy, một lần ông cụ sinh ra tao đã cầm cái càng xe nện vào lưng tao, thế mà sau vẫn khỏi như thường.
– Bằng càng xe cơ à?
– Đã bảo bằng càng xe là bằng càng xe. Chà, cái thằng ngu. Nhưng ăn sữa đi chứ, sao cứ nhìn vào miệng người ta như thế: Cái muỗng của thằng nầy lại không có cán, gãy rồi sao? Đồ khốn kiếp! Hôm nay nện cho mày cũng còn ít đấy, đồ chó đẻ!
Sau bữa trưa, mọi người quyết định làm một giấc dưới bầu không khí đầu xuân nhẹ lâng và ngây ngất như rượu vang. Chúng nằm phơi lưng dưới nắng, ngáy khò khò một giấc ngắn rồi vẫn tránh đường cái đi thẳng qua cánh đồng nâu nâu, qua những đám rạ còn lại từ năm ngoái. Chúng lốc nhốc kéo nhau đi trong những cái áo vét-tông, áo ca-pôt, áo choàng bằng dạ thô của nông dân, áo khoác ngắn may bằng da thuộc, chúng đi đủ thứ ủng dài, ủng ngắn, những chiếc quần đi ngựa của chúng có lồng hay không lồng trong những đôi bít tất trắng. Những cái túi vải đựng thức ăn lủng lẳng trên lưỡi lê.
Nom những tên đào ngũ trở về đại đội thật chẳng có vẻ gì hùng dũng, đến nỗi mấy con sơn ca vẫn lao đầu trên bầu trời xanh trong vắt cất mấy tiếng hót lanh lảnh rồi lại sà xuống cỏ, đậu ngay bên cạnh chỗ nửa đại đội đi qua.
Grigori Melekhov về đến thôn thì không gặp một gã Cô-dắc nào nữa. Sáng hôm sau, chàng đặt thằng Mikatsa mới bằng tí xíu lên yên, bảo cho con ngựa ra sông uống nước, còn mình thì cùng với Natalia sang thăm cụ Grisaka và mẹ vợ.
Mụ Lukinhitna đón chàng rể với khuôn mặt đầm đìa nước mắt:
– Griska con yêu của mẹ! Ông Miron Grigorievich nhà ta mất đi, cầu Chúa cho ông ấy được hưởng phúc nơi thiên đàng, nhà ta khốn mất rồi? Chao ôi, ở nhà lấy ai ra đồng làm việc bây giờ? Thóc trong các nhà kho đầy ăm ắp, nhưng chẳng còn ai gieo hạt nữa. Cái số phận của mẹ đây thật là đau khổ! Chỉ còn lại mấy mẹ con côi cút goá bụa, chẳng còn ai cần đến nữa, đối với ai cũng trở thành người dưng nước lã, cũng thành người thừa cả rồi! Anh xem đấy, nhà ta đã khuynh gia bại sản như thế nào! Chỉ có hai bàn tay thì còn chăm lo được gì…
Mà thật vậy, cơ nghiệp nhà nầy đã sa sút rất nhanh; ngoài sân nuôi gia súc, mấy con bò mộng đã húc nát dãy hàng rào, những cái cọc ở vài chỗ đã đổ xuống; một bức tường nhà kho đắp bằng đất trộn rơm bị nước mưa xuân thấm vào đã lở nát; sân đập lúa không còn có hàng rào nữa; sân trước nhà không có ai dọn dẹp; một cái hái lớn nằm hoen rỉ dưới mái hiên nhà kho, cũng chỗ ấy thấy nằm còng queo một cái máy gặt kiểu giản đơn đã gãy nát… Chỗ nào cũng mang dấu vết của sự tan hoang, đổ nát.
– Không có chủ, gia nghiệp nầy chẳng bao lâu sẽ tan nát thôi”, – Grigori đi một lượt quanh ngôi nhà của họ Korsunov và nghĩ thầm một cách dửng dưng. Rồi chàng quay vào trong nhà.
Natalia đang thì thầm nhỏ to không biết những gì với mẹ. Vừa trông thấy Grigori bước vào, nàng không nói nữa mà chỉ mỉm cười có vẻ van lơn.
– Anh Griska ạ, vừa nãy mẹ muốn nhờ… Vì hình như anh sắp sửa ra làm đồng… Có lẽ anh cũng có thể giúp mẹ gieo được một hai đê-xi-a-chin chứ?
– Nhưng mẹ gieo làm gì hả mẹ? – Grigori hỏi. – Lúa mạch trong kho nhà ta còn đầy ắp như thế.
Mụ Lukinhitna vỗ tay đánh đét.
– Griska! Nhưng còn ruộng đất thì sao? Hồi còn sống ông ấy đã cày được ba cơ-rúc rồi đấy.
– Ruộng đất cứ để nó đấy có sao đâu? Để nằm nghỉ một năm cũng được chứ gì? Sang năm, chúng ta còn sống thì sẽ gieo.
– Sao lại có thể như thế được? Để cho ruộng đất nằm không à?
– Hãy chờ cho mặt trận rời xa vùng nầy đã, đến lúc ấy sẽ gieo cũng được – Grigori cố khuyên mẹ vợ.
Nhưng mụ kia cứ khăng khăng không nghe, thậm chí có vẻ giận dữ với chàng và cuối cùng mụ chẩu cặp môi run run.
– Thôi được nếu như anh không có thì giờ, hoặc không muốn giúp mẹ con tôi…
– Thôi được rồi! Ngày mai tôi sẽ gieo hạt cho bên nhà tôi và cũng sẽ gieo cho bên nầy chừng hai đê-xi-a-chin. Bên nầy thì như thế cũng đủ rồi… Thế ông Grisaka có còn sống không?
– Nếu thế thì cám ơn con quá, con thật là ân nhân của nhà nầy!
– Mụ Lukinhitna sung sướng nở nang cả mặt mày. – Hạt giống thì hôm nay mẹ bảo con Grisavka mang sang… Còn ông ấy à? Ông thì Chúa vẫn còn chưa gọi về. Vẫn còn sống, nhưng đầu óc đã hơi lẫn cẫn rồi. Suốt ngày suốt đêm chỉ ngồi yên một chỗ. Đọc các sách Thánh. Có lúc ông cứ nói chuyện huyên thiên mà chẳng ai hiểu được gì cả, vì toàn là chữ nghĩa của Nhà thờ… Con hãy vào thăm ông đi. Ông đang ngồi ở nhà trong đấy.
Một giọt nước mắt chảy lăn tăn trên cái má phinh phính của Natalia. Nàng mỉm cười qua hàng nước mắt nói:
– Con vừa vào thăm ông, ông bảo: “Con bé ranh ma nầy! Sao mầy chẳng đến thăm ông nữa thế? Ông sắp chết đến nơi rồi, cháu yêu của ông ạ. Ông nghĩ rằng ông sẽ cầu Chúa cho mày, cho cháu yêu của ông vài câu. Ông muốn xuống đất rồi, Nataska ạ… Đất nó đang gọi ông đấy… Đã đến lúc rồi!”
Grigori bước vào nhà trong. Mùi trầm hương, mùi mốc meo, mùi thối rữa và mùi một con người già cả bẩn thỉu xông lên nồng nặc, đập vào mũi chàng. Cụ Grisaka đang ngồi trên chiếc giường đắp liền với bếp lò, trên mình vẫn mặc chiếc áo quân phục màu xám cổ đính những phù hiệu đỏ lóe. Chiếc quần đi ngựa rộng thùng thình của cụ được vá rất khéo, đôi bít tất len mạng cẩn thận. Con bé Grisavka còn nhỏ tuổi đã nhận lấy trách nhiệm săn sóc ông nó và nó cũng chăm nom ông cụ một cách ân cần âu yếm như Natalia xưa kia, hồi nàng còn con gái.
Cụ Grisaka đặt một cuốn Kinh Thánh trên đầu gối. Cụ nhìn Grigori qua cái kính gọng đồng đã rỉ xanh rồi nheo hai hàm răng trắng loá ra cười:
– Thầy quyền đấy à? Còn nguyên vẹn à? Chúa còn che chở cho mày khỏi bị viên đạn hung ác bắn phải à? Chà, ơn Chúa. Ngồi xuống đây.
– Ông có khỏe không ông?
– Gì cơ?
– Cháu hỏi ông có khỏe không?
– Cái thằng kỳ quặc! Đúng đấy, mày thật là một thằng kỳ quặc! Ở cái tuổi của ông thì còn làm thế nào mà khỏe được hử? Ông đã sắp một trăm tuổi rồi còn đâu. Phải, một trăm đến nơi rồi… Cái già nó ập tới lúc nào không biết. Cứ tưởng như mới hôm qua mình còn trẻ trai khỏe mạnh với cái bờm tóc hung hung. Thế mà hôm nay bừng mắt dậy đã thấy nó rồi, đã chỉ thấy có cái già lụ khụ… Cuộc đời của con người chỉ loáng cái là hết, cứ như một ánh chớp mùa hè, khoảnh khắc là không còn gì nữa… Tao đã hoàn toàn sức cùng lực kiệt rồi. Cái quan tài để dưới nhà kho đã từ năm nảo năm nào, nhưng có lẽ Chúa đã quên mất tao rồi. Cái thằng tội lỗi là tao đã nhiều lần cầu Chúa: “Lạy Chúa tôi, xin Chúa ra ơn đoái nhìn tới thằng Grigori(273) nô lệ của Chúa? Con đã muốn nằm xuống đất và đất nó cũng muốn con xuống với nó rồi”…
(273) Tên cúng cơm của cụ Grisaca. (N.D)
– Ông còn sống nhiều nữa ông ạ. Miệng ông còn đầy răng kia kìa.
– Cái gì hả?
– Răng ông còn nhiều lắm?
– Răng ấy à? Sao lại có đứa ngu xuẩn như mày! – Cụ Grisaka nổi giận – Khi mà hồn đã sắp sửa lìa khỏi xác thì lấy răng mà cắn cũng chẳng giữ lại được… Thế là mày vẫn đánh nhau à, cái thằng điên cuồng rồ dại nầy?
– Vâng, cháu vẫn đánh nhau.
– Cái thằng Mitka nhà nầy cũng đã rút lui rồi. Rồi mà xem, tính nó cũng liều lĩnh như một con ngựa cuồng ấy.
– Vâng, liều lắm.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.