Sông Đông êm đềm
Chương 177
Ngày hôm sau trước khi ra đi, Grigori đã phải có vài lời biện bạch với Natalia. Nàng gọi chàng ra một chỗ rồi khẽ hỏi:
– Đêm qua anh đi đâu thế? Anh ở đâu mà về muộn thế?
– Làm gì mà muộn?
– Không muộn thì còn gì nữa? Em tỉnh dậy lúc gà gáy đợt đầu vẫn chẳng thấy anh đâu…
– Kudinốp đã đến đây. Anh phải đến chỗ hắn dự cuộc họp về công việc quân sự của anh. Đó không phải là chuyện đầu óc đàn bà các em lo được.
– Nhưng tại sao hắn không lại nhà ta nghỉ đêm?
– Hắn vội đi ngay Vosenskaia ngay.
– Thế hắn vào ở nhà ai?
– Nhà Abosenkov. Hình như nhà nầy có họ xa với hắn thì phải.
Natalia không hỏi thêm gì nữa. Có thể thấy là nàng có phần xiêu xiêu, nhưng ánh mắt vẫn kín dáo, vì thế Grigori vẫn không thể biết được rằng nàng có tin mình hay không.
Chàng ăn vội vã bữa sáng. Ông Panteley Prokofievich ra thắng ngựa, còn bà Ilinhitna thì làm dấu phép, hôn Grigori và khẽ nói rất nhanh:
– Con, con ơi… mầy đừng quên mất Chúa đấy! Người ta đồn rằng mày đã chém những người lính thuỷ… Lạy Chúa tôi! Nhưng Griska ạ mầy phải tỉnh ngộ lại mới được! Mầy hãy xem kìa, mầy còn có hai đứa con phải nuôi cho khôn lớn, và có lẽ những người bị mầy chém chết cũng để lại những đứa con thơ… Chao ôi, sao lại có thể làm như thế được? Hồi còn bé mầy dịu dàng, mầy đáng yêu như thế, mà bây giờ mầy cứ sống với cặp lông mày nhíu lại như thế nầy. Mầy hãy cẩn thận, khéo không tim mầy biến thành tim lang tim sói mất đấy. Mầy phải nghe lời mẹ, Griska ạ? Mầy cũng chẳng phải là có bùa phép gì, lưỡi gươm của kẻ ác rồi cũng có thể tìm thấy cái cổ của mầy thôi…
Grigori mỉm một nụ cười chẳng có gì vui vẻ, chàng hôn bàn tay khô héo của mẹ rồi bước tới trước mặt Natalia. Nàng ôm hôn chàng một cách lãnh đạm rồi quay đi ngay. Trong cặp mắt ráo hoảnh của nàng, Grigori không nhìn thấy một giọt lệ nào mà chỉ nhận thấy một vẻ chua chát và nỗi căm uất thầm kín… Chàng chia tay với hai con rồi lên đường…
Chàng đưa chân giữ bàn đạp, nắm lấy đám lông bờm ngựa cứng như rễ tre và không hiểu sao tự nhiên có ý nghĩ: “Chà, thế là cuộc đời mình lại chuyển theo hướng mới rồi, nhưng trái tim mình vẫn cứ lạnh lẽo và trống rỗng như cũ… Xem ra thì cả Acxinhia cũng không lấp nổi chỗ trống ấy đâu…”
Bố mẹ, vợ con đứng túm tụm bên cạnh cổng nhà, chàng cũng chẳng ngoái nhìn lại, cứ cho ngựa đi bước một theo dọc phố. Khi đi qua nhà Astakhov, chàng liếc nhìn vào trong cửa sổ thấy Acxinhia đứng trong cái khung cửa sổ trên bức tường phía sau ở phòng trong.
Nàng mỉm cười giơ một chiếc khăn thêu vẫy chàng, nhưng lại lập tức vo chiếc khăn áp lên miệng, lên cặp mắt thâm quầng sau một đêm mất ngủ…
Grigori cho con ngựa chạy một nước kiệu rất nhanh dùng trên đồng không. Đến lúc con ngựa lên dốc, chàng nhìn thấy trên con đường mùa hè có hai người cưỡi ngựa và một chiếc xe bò đang từ từ tiến từ phía trước lại. Chàng nhận ra hai người cưỡi ngựa là gã Anchip, con lão “Vua nói phét” và Stremiannhikov, một gã Cô-dắc còn trẻ, đen thủi, nhỏ bé nhưng táo tợn, ở đầu thôn. “Chúng nó lại mang xác những thằng bị giết về rồi”, Grigori nhìn chiếc xe bò, đoán như vậy. Chưa tới chỗ hai gã Cô-dắc, chàng đã hỏi:
– Các cậu chở ai thế?
– Aleksey Samin, Tomilin Ivan và Yakov “Móng lừa”.
– Chết trận à?
– Ngỏm rồi!
– Bao giờ thế?
– Hôm qua trước lúc mặt trời lặn.
– Đại đội pháo còn nguyên vẹn chứ?
– Còn nguyên. Bọn Đỏ đã bao vây các pháo thủ của chúng ta trong nhà chúng nó ở tại Kalinovyi Ugol. Còn Samin thì bị chúng nó chém chết một cách hết sức… ngớ ngẩn!
Grigori bỏ mũ, tụt trên ngựa xuống. Người đàn bà Cô-dắc đã nạ dòng, dân vùng sông Tria, đang đánh chiếc xe bèn cho hai con bò đứng lại. Grigori còn chưa kịp bước tới chỗ chiếc xe thì một làn gió hiu hiu đã đưa tới mũi chàng một mùi nhạt nhạt lợm lợm. Aleksey Samin nằm giữa, cái áo trermen cũ rích màu lam của hắn mở phanh, bên tay áo rỗng xếp dưới cái đầu bị bổ đôi. Bọc trong một miếng giẻ bẩn thỉu, mẩu còn lại của cái tay cụt từ lâu lắm rồi, trước kia vẫn hay động đậy như thế, bây giờ nằm áp chặt trên lồng ngực nở nang không còn chút hơi thở nào nữa. Một vẻ phẫn nộ rất là man rợ mãi mãi ngưng đọng trên cái miệng của Aleksey với hai hàm răng trắng nhởn nhe ra trong lúc chết, nhưng hai con mắt he hé vẫn nhìn bầu trời xanh ngắt, nhìn những đám mây bập bềnh trôi trên đồng cỏ một cách bình thản, và tựa như âu sầu, mơ mộng…
Mặt Tomilin thì không còn nhận ra được nữa. Thật ra đó không còn là một bộ mặt mà chỉ là một cái gì đỏ lòm chẳng ra hình thù gì cả với vết một nhát gươm róc chéo. Yakov “Móng lừa” nằm nghiêng, mặt vàng như nghệ, cổ vẹo hẳn đi vì đầu gã đã bị chém gần lìa khỏi cổ. Chiếc áo quân phục cổ chui mầu cứt ngựa mở phanh cho thấy cái xương quai xanh bị chém đứt, và trên trán, phía trên con mắt một chút có một vết đạn bê bết những máu nom như hình một ngôi sao đầy những tia đen xịt. Có lẽ một người nào đó trong đám chiến sĩ Hồng quân thương gã Cô-dắc chết quá đau đớn, đã bồi thêm cho gã một phát đạn gần sát miệng súng, vì thế trên mặt gã Yakov “Móng lừa ” đã chết vẫn còn in một vết bỏng và những điểm thuốc đạn đen đen.
– Thôi anh em ạ, chúng ta hãy hút điếu thuốc để tưởng nhớ ba anh em cùng thôn, cầu cho hương hồn các cậu ấy được yên nghỉ. – Grigori nói rồi bước sang bên cạnh, tháo cái dây đai bụng lồng dưới yên ngựa, mở dây buộc mõm và cuốn dây cương vào chân trước bên trái của con ngựa, mặc cho nó đi ăn những lá cỏ xanh rờn, bóng nhoáng như lụa, lên thẳng vút như những mũi tên.
Anchip và Stremiannhikov vui vẻ xuống ngựa, buộc hai chân sau hai con ngựa và thả cho ăn cỏ. Cả ba nằm xuống. Họ hút thuốc.
Grigori ngắm con bò mộng đầy những tụm lông bết lại từng đám còn chưa rụng, đang vươn cổ tới những khoảng cỏ xa tiền ngắn củn.
Chàng hỏi:
– Thế Samin đã chết như thế nào?
– Anh Panteleevich ạ, anh có thể tin rằng hắn đã chết do một sự ngớ ngẩn của chính hắn hay không?
– Sao thế?
– Anh thử xem, câu chuyện như thế nầy nầy, – Stremiannhikov bắt đầu kể. – Hôm qua, lúc trời xế chiều, chúng tôi ra đi trinh sát. Chính Platov Riaptrikov đã phái chúng tôi đi dưới quyền chỉ huy của một tay quản… Anchip nhỉ, cái tay quản đi cùng với chúng mình hôm qua tên là gì nhỉ?
– Ôn dịch nào biết được?
– Cũng chẳng sao, mặc mẹ hắn! Hắn ở một đại đội khác, chúng tôi không quen. Pha-a-ải… Thế là chúng tôi ra đi, tất cả có mười bốn thằng Cô-dắc, Samin cũng có trong số đó. Hôm trước đó hắn phởn suốt ngày, vì thế xem ra trong lòng hắn cũng chẳng cảm thấy trước điều gì cả! Trên đường đi hắn cứ ngọ nguậy mẩu tay cụt, ném dây cương lên mũi yên và bảo: “Chà, không biết bao giờ cái anh chàng Grigori Panteleevich của chúng mình mới về nhỉ? Chỉ mong được cùng với anh chàng ấy tuý luý và ca hát một chầu thôi?” Thế là hắn cứ cất cái giọng cao như giọng con nít của hắn mà hát cho đến khi tới gò Latysevsky:
Như loàng trùng
Ta sà xuống núi đồi
Súng Berdanca nào ta bắn!
Toàn thể anh em Cô-dắc sông Đông!
Thế là chúng tôi cứ cho ngựa đi như vậy tới khoảng đất trũng gần khe Tovkaia. Đến đấy tay quản bảo. “Các cậu ạ, chẳng thấy bóng vía bọn Đỏ đâu cả. Có lẽ chúng nó còn chưa mò ra khỏi làng Axtakhovaya đâu. Bọn mu-gích chúng nó lười chảy thây, đâu có chịu dậy sớm, có lẽ đến bây giờ mới đang rán gà của bọn khô-khon để ăn bữa trưa. Bọn mình hãy nghỉ một lát đã, kẻo con ngựa nào cũng đẫm mồ hôi rồi”. Chúng tôi bảo: “Được thôi, cũng chẳng sao”. Thế là chúng tôi xuống ngựa, nằm xuống cỏ và cắt một cậu lên ngọn gò cảnh giới. Chúng tôi nằm đấy một lát. Tôi nhìn ra thì thấy anh chàng Aleksey đã yên nghỉ đây, luẩn quẩn giờ lâu bên cạnh con ngựa của hắn và tháo cái đai bụng. Tôi bèn bảo hắn: “Aleksey nầy, cậu đừng tháo đai bụng ra thì hơn, nếu không, cầu Chúa tránh cho cái tội đó, nhỡ chúng mình phải tức tốc đi ngay thì sao? Mà cậu thì làm thế nào buộc lại đai bụng với cái tay tàn tật của cậu được?” Nhưng hắn vẫn nhăn nhăn nhở nhở: “Mình làm những việc ấy còn nhanh hơn cậu nhiều? Một thằng nhãi ranh như cậu mà dám lên mặt dạy mình à?, Thế là hắn tháo đai bụng, tháo cả dây buộc mõm ngựa. Chúng tôi nằm đấy, cậu thì hút thuốc, cậu thì kể chuyện cổ tích, có cậu lại thiu thiu ngủ. Trong khi đó cái cậu cảnh giới của chúng tôi cũng ngủ. Hắn nằm ở đấy, dưới chân một cái kurgan nhỏ rồi ngủ khuấy đi mất. Nhưng tôi chợt nghe thấy như đằng xa có tiếng ngựa thở phì phì. Tôi ngại chẳng muốn dậy chút nào, nhưng cuối cùng vẫn cứ đứng dậy rồi mò từ dưới chỗ lòng chảo lên ngọn gò. Lên đến trên ấy nhìn xuống thì thấy chỉ cách chúng tôi chừng một trăm bước có một bọn Đỏ đang cưỡi ngựa đi dưới khe. Đi đầu là thằng chỉ huy của chúng nó cưỡi con ngựa màu hạt dẻ. Con ngựa của nó đúng là một con sư tử. Chúng nó mang theo cả một khẩu súng máy loại băng tròn. Tôi bèn chạy lao ngay xuống lòng chảo, kêu rầm lên: “Có bọn Đỏ! Lên ngựa!” Và có lẽ chúng nó cũng trông thấy tôi. Lập tức chúng tôi nghe thấy bên chúng nó có tiếng ra lệnh, bèn nhảy ngay lên ngựa. Tay quản rút gươm, muốn xông lên xung phong. Nhưng xung phong xung phiếc cái gì, vì bên ta chỉ có mười bốn, còn chúng nó thì đến nửa đại đội, lại có cả một khẩu súng máy! Chúng tôi bèn cưỡi ngựa bỏ chạy. Chúng nó nã súng máy bắn quét theo. Song cái khe đã cứu chúng tôi, vì tuy chúng nó có trông thấy chúng tôi, song khẩu súng máy không bắn tới được. Khi đó chúng nó bèn đuồi theo chúng tôi. Nhưng ngựa của chúng ta tốt hơn, chúng tôi chạy thoát.
Sau khi chạy đã khá xa, chúng tôi lăn từ trên ngựa xuống, bắt đầu bắn lại. Mãi lúc ấy mới thấy rằng Aleksey Samin không còn có mặt trong số chúng tôi nữa. Như thế tức là trong lúc mọi người đang nháo cả lên, hắn cũng ra lấy ngựa. Nhưng có lẽ khi hắn đưa bên tay lành ra nắm lấy mũi yên, chỉ có một chân lồng vào bàn đạp, còn cái yên thì tuột xuống dưới bụng ngựa. Samin chưa nhảy được lên lưng ngựa thì đã chạm trán với bọn Đỏ. Nhưng con ngựa vẫn chạy theo chúng tôi, hai lỗ mũi như phụt lửa, cái yên vẫn lủng lẳng dưới bụng. Nó sợ hết hồn hết vía, không để cho ai lại gần và cứ thở phì phì như một con quỷ dữ! Aleksey đã toi mạng như thế đấy! Nếu hắn không tháo cái đai luồn qua đệm yên thì có phải vẫn còn sống không? Đằng nầy… – Stremiannhikov mỉm một nụ cười sau hàng ria đen đen, kết thúc câu chuyện. – Hôm kia anh chàng cứ luôn miệng hát:
Nầy hỡi ông gấu,
Bò tôi ông xơi,
Đầu lâu tôi ông moi sạch…
Bây giờ thì đúng là đầu lâu hắn đã bị chúng nó moi sạch… Mặt hắn không còn nhận ra được nữa! Ở chỗ ấy, máu trong người hắn chảy ra nhiều như một con bò bị chọc tiết ấy… Sau đó, khi đã đánh lui bọn Đỏ, chúng tôi quay về chỗ lòng chảo thì thấy hắn vẫn còn nằm đấy. Bên dưới người hắn có một vũng máu lênh láng, xác hắn cứ như nổi lên trên ấy.
– Thế nào, sắp đi chửa? – Người đàn bà đánh xe sốt ruột, kéo chiếc khăn bịt đầu che nắng ra khỏi miệng rồi hỏi.
– Cái nhà thím nầy, đi đâu mà vội mà vàng. Sắp về đến nơi rồi đấy!
– Không vội thế nào được? Những cái xác nầy xông lên cái mùi nặng đến lảo đảo cả người đây nầy.
– Làm thế nào mà có một mùi nhẹ nhàng được? Mấy thằng vừa chết đây trước kia vừa nhai thịt lại vừa mò đàn bà. Mà thằng nào đã làm những trò ấy thì chưa chết cũng đã bắt đầu có mùi rồi. Thiên hạ đồn rằng chỉ những ông thánh thì chết đi mới có mùi thơm, nhưng theo tôi thì cái chuyện ấy là láo toét. Thành gì thì thánh, chứ đã chết rồi thì theo qui luật tự nhiên, anh chàng nào cũng đều thối hoăng như một chuồng xí công cộng. Thánh gì thì thánh cũng vẫn phải tọng thức ăn vào bụng và lòng ruột cũng vẫn dài đủ số ba mươi ác-sin mà Chúa đã ban cho con người… – Anchip nói có vẻ tư lự.
Nhưng không hiểu sao Stremiannhikov tự nhiên phát khùng lên, gã quát to:
– Nhưng cậu cần đến các ông thánh làm cái quái gì? Dính dáng với thánh với thần làm cái gì? Thôi ta đi đi!
Grigori chia tay với hai gã Cô-dắc rồi bước tới gần chiếc xe bò từ biệt ba gã đồng hương vừa qua đời. Mãi lúc nầy chàng mới nhận thấy rằng cả ba đều chân không và dưới chân chúng có lót những cái ống của ba đôi ủng.
– Sao lại tháo ủng của người chết như thế nầy?
– Anh Grigori Panteleevich ạ, đó là anh em Cô-dắc chúng tôi làm bậy đấy. Ủng của mấy cậu vừa chết đều còn tốt. Anh em trong đại đội bèn bàn nhau tháo những đôi ủng tốt ra, cho mấy cậu đang phải đi ủng xấu, còn ủng xấu thì đem về thôn. Vì người chết cũng còn có gia đình. Để cho con cái mấy cậu nầy đi thừa ủng xấu cũng được. Cậu Anikey đã bảo thế nầy: “Người chết thì không phải đi bộ, cũng không phải cưỡi ngựa nữa. Các cậu hãy cho mình đôi ủng của Aleksey, đế còn tốt lắm. Nếu không mình chờ đến khi lột được đôi bốt-tin của một thằng Đỏ thì đã chết cóng rồi”.
Grigori bỏ đi. Chàng đi rồi còn nghe thấy hai gã Cô-dắc cãi nhau rất hăng. Stremiannhikov quát lên bằng một giọng nam cao lanh lảnh:
– Cậu chỉ nói láo, Brekhovich(284) ạ! Chính vì thế mà ngay ông già cậu cũng đã được gọi là “Vua nói phét” rồi đấy! Dân Cô-dắc làm quái gì có ông thánh nào? Tất cả các ông thánh đều xuất thân mu-gích cả.
– Không, có đấy chứ?
– Nói láo như con chó dái ấy!
– Không, có đấy!
– Thế ai nào?
– Thánh Egori Vô địch(285) thì sao?
– Xi-i-ì? Thôi im đi, đồ ôn dịch? Ông thánh ấy mà là dân Cô-dắc? – Chính cống dân sông Đông đấy, sinh ở một trấn miền dưới, hình như là Xemicara Korskaia thì phải.
– Chà, lại còn cố nói liều! Đầu tiên phải suy nghĩ cho kỹ rồi hãy nói. Ông ấy không phải là dân Cô-dắc đâu!
– Không phải là dân Cô-dắc ấy à? Thế tại sao người ta lại vẽ ông ấy với một ngọn giáo?
(284) Dịch nghĩa là “Con trai thằng nói phét” (N.D)
(285) Một người chết vì đạo hối thế kỷ thứ tư vốn xuất thân là lính chuyên nghiệp, bị giết vi tin Chúa, có lẽ dưới triều hoàng đế Roma Diokrechien. (N.D)
Sau đó Grigori không còn nghe thấy gì nữa. Chàng thúc ngựa chạy nước kiệu, xuống một cái khe nhỏ, và khi vượt qua con đường của các vị Ghet-man, chàng lại nhìn thấy chiếc xe bò và hai gã cưỡi ngựa từ từ xuống dốc về thôn.
Cho tới khi về gần tới Karginskaia, Grigori vẫn cho con ngựa chạy nước kiệu. Ngọn gió hiu hiu giỡn trong bờm con ngựa không đổ mồ hôi một lúc nào. Vài con chuột đồng lông nâu nâu, mình dài ngoẵng chạy qua đường, chúng sợ hãi kêu chi chí. Tiếng chuột rít nghe chọc vào tai như báo trước điều gì và phù hợp một cách lạ lùng với bầu không khí trầm mặc hùng vĩ đang ngự trị trên đồng cỏ. Vài con gà nước đực bay vụt lên trên những ngọn gò, những đường gờ hai bên đường. Một con gà nước nhỏ hối hả đập cánh rất nhanh, bay lên cao, bộ lông trắng muốt như tuyết phát ra những tia lấp lánh dưới nắng. Khi lên đến đỉnh trời, nom nó như nổi dập dờn trên khoảng mênh mông xanh ngắt, cổ nó vươn thẳng ra trong đà bay vun vút với cái vòng màu nhung đen đánh đai chung quanh như một cái vòng cưới. Con gà nước bay mỗi lúc một xa, nhưng sau khi bay được chừng một trăm xa-gien, nó bắt đầu xuống thấp, cánh vỗ càng gấp hơn, và có vẻ như đứng yên một chỗ. Đến khi nó xuống tới sát mặt đất hai đám lông cánh sáng rực lóe lên lần cuối như ánh chớp trắng loá trên cái nền xanh rờn của đủ mọi thứ cỏ, và con gà nước bị làn cỏ nuốt mất, không để lại tăm tích gì nữa.
Chỗ nào cũng nghe thấy cái tiếng “tơ-rrgi” của những con gà nước đực kêu gọi đắm đuối, sôi nổi. Khi lên đến đúng đỉnh một ngọn gò ven sông Tria, Grigori ngồi trên yên nhìn thấy cách đường cái vài bước có một chỗ gà nước đạp mái; một khoảng đất tròn bằng phẳng, đường kính rộng tới một ác-sin rưỡi, đã bị dẫm rất chắc dưới chân những con đực đánh nhau để tranh cướp con mái. Bên trong chỗ đạp mái nầy không thấy còn sót sợi cỏ nào: khắp mặt là một lớp bụi màu xám rất phẳng lấm tấm những vết chân chim nom như những chữ thập nhỏ. Nhưng chung quanh cái khoảng đó, trên những cành cỏ dại và ngải cứu khô còn bám đầy những cái lông phấp phới trước gió, với những nét lằn vằn rất nhạt trên một cái nền hồng hồng.
Đó là lông lưng và lông đuôi của những con gà nước đánh nhau. Gần đấy có con mái xấu xí, lông xám xịt nhảy ra khỏi tổ. Nó gù gù cái lưng như một bà cụ, lon ton đạp rất nhanh hai cái chân nhỏ xíu, chạy xuống dưới một bụi cỏ đôn-nhích héo quắt còn lại từ năm ngoái rồi trù trừ không muốn vỗ cánh bay lên, lủi ngay vào trong bụi.
Do hơi xuân, một sức sống hừng hực, mãnh liệt, tràn trề, dồn dập như tiếng tim đập sôi nổi, nhưng mắt người không nhìn thấy, đang tràn ngập đồng cỏ. Cỏ tốt bời bời. Chim muông cũng như những con thú lớn nhỏ đã thành đôi thành lứa đều lẩn tránh con mắt hau háu tàn bạo của con người để trốn đi yêu nhau trong những cái tổ kín đáo trên đồng cỏ. Hằng hà sa số những mầm lúa mọc lên nhọn hoắt trên những khoảng đất cày. Chỉ có loại cỏ dại “bay theo gió” mọc năm ngoái đã sống hết đời cỏ là ủ rũ gục đầu trên sườn những nấmKurgan xưa kia dùng làm vị trí cảnh giới rải rác khắp đồng cỏ và áp mình xuống đất như xin được che chở. Song những làn gió nhẹ mát rượi và đầy sức sống vẫn tàn nhẫn bẻ gãy tận gốc những đám cỏ khô giòn và thổi lăn đi ngang dọc trên khắp vùng đồng cỏ vừa sống lại dưới ánh nắng chói chang.
***
Grigori về tới Karginskaia trước khi trời hoàng hôn. Chàng cho ngựa chạy qua sông Tria, và trong tàu ngựa gần một trang trại Cô-dắc, chàng đã tìm thấy Riaptrikov.
Sáng hôm sau chàng nhận lại từ tay Riaptrikov quyền chỉ huy các đơn vị của sư đoàn Một hiện đang đóng rải rác ở các thôn. Chàng đọc qua mấy bản tin tóm tắt mà bộ tư lệnh vừa gửi tới, trao đổi ý kiến với tham mưu trưởng sư đoàn Mikhail Kopylov rồi quyết định tấn công về phía nam tới làng Axtakhovo.
Các đơn vị thiếu đạn tới mức nguy ngập. Muốn kiếm được đạn thì phải chiến đấu để cướp lấy. Đó cũng là mục đích chủ yếu của trận tấn công mà Grigori quyết định tiến hành.
Trước khi trời hoàng hôn, ba trung đoàn kỵ binh và một trung đoàn bộ binh được điều về Karginskaia. Trong số hai mươi hai khẩu vừa trung liên vừa trọng liên hiện có trong sư đoàn, chỉ quyết định mang theo sáu khẩu, vì các khẩu kia không có băng đạn.
Sáng hôm sau sư đoàn xuất phát tấn công. Trên đường đi, Grigori để sư đoàn bộ ở lại một nơi nào đó, nắm quyền chỉ huy trung đoàn kỵ binh số ba, phái những đội trinh sát kỵ bị thăm dò phía trước, rồi tiến quân về phía nam, theo hướng làn Ponomanov theo đội hình hành quân. Theo tin của trinh sát, hai trung đoàn bộ binh Hồng quân 101 và 103 đang tập trung ở làng nầy. Chính hai sư đoàn nầy cũng đang sửa soạn tấn công Karginskaia.
Chàng rời khỏi trấn ba vec-xta thì có một tên liên lạc đuổi kịp, trao cho chàng bức thư của Kudinov:
“Trung đoàn Xerdovsky đã đầu hàng chúng ta! Tất cả những thằng lính hạng bét ấy đều bị tước vũ khí. Trong số chúng nó, chừng hai mươi thằng chống cự lại đã bị Bogatyrev cho về với ông bà ông vải: hắn đã ra lệnh chém chết hết. Chúng nó đã nộp cho bên ta bốn khẩu pháo (nhưng các khoá hậu đã bị bọn pháo thủ cộng sản khốn kiếp tháo vứt kíp), 200 quả đạn pháo và 9 khẩu súng máy. Quân ta mừng hết chỗ nói! Chúng ta sẽ phân tán bọn lính Hồng quân về các đại đội bộ binh, bắt chúng nó phải đánh lại bè lũ chúng nó. Tình hình ở chỗ cậu như thế nào? Mà còn việc nầy nữa, thiếu chút nữa thì quên mất: có bắt được hai thằng cộng sản đồng hương với cậu: Kotliarov, Kosevoi cùng nhiều thằng khác ở trận Elanskaia. Tất cả những thằng ấy sẽ bị khử trên con đường đi Vosenskaia. Nếu cậu quá cần đạn thì cứ bảo thằng cầm giấy nầy, bọn mình sẽ gửi cho khoảng 500 viên.
Kudinov”.
– Liên lạc? – Grigori quát to.
Prokho Zykov lập tức cho ngựa chạy tới. Nhưng nhìn thấy mặt Grigori mất hết thần sắc, hắn sợ quá, thậm chí đưa tay lên vành mũ:
– Anh ra lệnh gì ạ?
– Gọi Riaptrikov? Riaptrikov đâu?
– Ở cuối đội hình.
– Phóng ngay đi! Gọi ngay lên đây!
Platon Riaptrikov cho ngựa chạy nước kiệu, vượt lên trước đội hình hành quân hàng dọc, tới ngang Grigori. Gió thổi làm mặt hắn bong cả da, bộ ria và hai hàng lông mày bị nắng xuân thui cháy đỏ lấp loáng như lông cáo. Hắn mỉm cười, vừa cho ngựa chạy vừa phì phèo điếu thuốc. Hắn cưỡi một con ngựa được cho ăn đầy đủ, lông màu hạt dẻ sẫm, không bị sút đi chút nào sau những tháng mùa xuân. Con ngựa chạy một nước kiệu nhẹ rất vui, những bắp thịt trên ngực nhấp nhoáng.
– Có thư từ Vosenskaia đấy à? – Từ xa Riaptrikov nhìn thấy gã liên lạc bên cạnh Grigori bèn kêu lớn.
– Có thư, – Grigori trả lời, giọng dè dặt. – Cậu hãy nhận lấy trung đoàn và sư đoàn. Mình phải đi đây.
– Được thôi, chẳng sao cả, anh cứ đi đi. Nhưng có gì mà vội vã thế? Thư viết gì đấy? Của ai thế? Của Kudinov à?
– Trung đoàn Xerdovsky đã đầu hàng ở Ust-Khop…
– Sa-a-ao? Chúng ta vẫn còn sống được à? Anh đi ngay bây giờ à?
– Đi ngay bây giờ.
– Thôi, cầu Chúa che chở cho anh. Anh trở lại sư đoàn thì chúng tôi đã có mặt ở Axtakhovo rồi!
“Làm thế nào cướp lại Miska và Kotliarov… Sẽ được biết đứa nào giết Petro… và cứu Kotliarov, Miska khỏi bị giết? Phải cứu mới được. Giữa hai bên đã có đổ máu, nhưng có phải là người dưng nước lã đâu?” – Grigori vừa nghĩ thầm vừa quất tới tấp, cho con ngựa phi như bay từ trên gò xuống.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.