Sông Đông êm đềm
Chương 179
Một buổi giữa trưa tháng tư, có chiếc máy bay xuất hiện trên trời Xinghin, một thôn của trấn Vosenskaia. Bị cuốn hút bởi tiếng động cơ nổ ầm ì, đám đàn bà, trẻ con, và người già trong thôn đều chạy ùa trong nhà ra: họ ngẩng đầu, đưa tay lên che mắt, nhìn mãi chiếc máy bay nghiêng cánh lượn vòng, như con chim ưng dưới bầu trời u ám. Tiếng động cơ nổ mỗi lúc một vang hơn, dữ dội hơn. Chiếc máy bay xuống thấp dần, nó kiếm một chỗ phẳng để hạ cánh trên bãi chăn nuôi bên cạnh thôn.
– Nó sắp ném bom bây giờ đấy? Liệu mà trốn đi! – Một lão già có vẻ hiểu biết hốt hoảng kêu lên.
Thế là đám người tụ tập trong ngõ chạy vung ra tứ phía. Bọn đàn bà lôi xềnh xệch những đứa trẻ hoác mồm ra gào, mấy lão già vội vã nhảy qua hàng rào chạy vào khu rừng bên cạnh thôn, nhanh nhẹn không kém gì những con dê rừng. Trong ngõ chỉ còn lại một mụ già.
Vốn là mụ cũng muốn chạy đi, nhưng không biết vì sợ quá bủn rủn cả chân tay, hay vì vấp phải một mô đất mà mụ ngã lăn kềnh ra, rồi không còn biết ngượng là gì nữa, cứ nằm ở chỗ cũ, giơ thẳng hai cái chân khẳng khiu lên trời, kêu thất thanh:
– Trời ôi, cứu tôi với, bà con ôi? Trời ơi, tôi chết mất thôi!
Nhưng chẳng có ai quay lại cứu mụ. Trong khi đó chiếc máy bay kia cứ gầm, cứ rú, cứ rít như gió bão, bay vụt qua gần sát nóc nhà thóc, cái bóng của nó vươn cánh che hẳn hai con mắt mở thao láo của mụ, khộng cho mụ trông thấy ánh sáng mặt trời nữa. Chiếc máy bay lướt qua, nhẹ nhàng chạm bánh xuống chất đất ẩm của bãi chăn nuôi bên cạnh thôn và chạy thêm một đoạn ra đồng cỏ. Đến lúc ấy, mụ già đã bĩnh ra quần như con nít. Mụ cứ nằm ỳ ra, sống dở chết dở, chẳng còn biết dưới lưng và chung quanh mình có gì nữa. Cũng dễ hiểu là mụ không nhìn thấy ở đằng xa, có hai người mặc áo da đen bước ra từ trong con chim khổng lồ vừa hạ cánh, ngập ngừng giậm chân tại chỗ một lát, nghênh ngó nhìn quanh rồi đi về phía một ngôi nhà.
Song ông lão nhà mụ là là một lão già to gan lớn mật. Lão đang trốn trong cánh rừng cạnh thôn, dưới bụi đùm đũm còn lại từ năm ngoái, và tuy tim lão vẫn còn đập thình thịch như con chim sẻ bị mắc bẫy, nhưng lão vẫn còn có đủ can đảm để giương mắt ra nhìn. Lão còn nhận ra một trong hai người đang đi tới nhà lão là tên sĩ quan Pitot Bogatyrev, con trai một tên đồng đội của lão. Tên Pitot nầy trước đây đã cùng bọn Trắng rút lui sang bên kia sông Dones và là anh em con chú con bác với tên Grigori Bogatyrev lữ đoàn trưởng lữ đoàn độc lập số sáu của quân phiến loạn. Đích thị là hắn rồi, không còn nghi ngờ gì nữa.
Lão già thõng hai tay ngồi xổm như con thỏ, nhìn thêm một phút có ý thăm dò. Cuối cùng lão đã tin chắc rằng đúng là tên Pitot Bogatyrev đang từ từ ngật ngưỡng bước tới, vẫn với hai con mắt màu lam như lão đã nhìn thấy năm ngoái, chỉ thêm bộ râu rễ tre rậm ri đã lâu không cạo. Lão bèn đứng dậy, nhún nhún thử xem hai chân còn đỡ được lão đứng vững hay không. Chân lão chỉ hơi run ở chỗ đầu gối, còn khỏe chán, vì thế lão lại lon ton chạy trong rừng ra. Lão không chạy tới chỗ mụ già vừa lăn chiêng lăn kềnh ra đất vì khiếp hãi, mà ra thẳng chỗ tên Pitot cùng thằng bạn đường của hắn.
Từ xa lão đã bỏ cái mũ cát-két bạc màu trên cái đầu hói của lão xuống. Cả Pitot cũng nhận ra lão. Hắn mỉm cười, vẫy tay chào. Hai bên đã đến sát trước mặt nhau.
– Ngài cho phép hỏi ngài có đúng là ngài Pitot không?
– Chính tôi đấy, bố già ạ!
– Già nua tuổi tác như thế nầy mới được Chúa gia ân cho xem một chiếc máy bay! Nó đã làm bà con chúng tôi sợ hết hồn hết vía rồi đấy!
– Chung quanh đây có bọn Đỏ không, bố già?
Không, không đâu, ông bạn thân mến ạ! Chúng tôi đã tống cổ chúng nó sang không biết chỗ nào bên kia sông Tria, về với bọn khô-khonrồi.
– Bà con Cô-dắc chúng ta cũng đã nổi lên rồi à?
– Nổi lên thì cũng có nổi lên, song nhiều tay đã lại nằm xuống.
– Sao lại có chuyện như thế?
– Bị giết rồi chứ còn sao nữa?
– À-à à… Thế gia đình tôi, ông cụ nhà tôi, mọi người đều còn sống cả chứ?
– Còn sống cả. Nhưng hai ngài từ bên kia sông Dones về đấy à? Có gặp thằng Tikhol nhà tôi có bên ấy không?
– Vâng, từ bên kia sông Dones. Tikhol có gửi về lời hỏi thăm đấy Nhưng nầy bố già ạ, nhờ bố coi hộ cái máy bay nhé, đừng cho bọn trẻ con mó máy vào đấy, để tôi tạt về nhà một lát… Ta đi đi thôi!
Pitot Bogatyrev và gã bạn đường của hắn bỏ đi. Trong khi đó những con người vừa nãy sợ mất mật trốn trong cánh rừng, trong các nhà kho, các hầm nhà và các khe các ngách đã mò ra ngoài. Họ đứng vòng trong vòng ngoài quanh chiếc máy bay còn toả hơi của động cơ chạy quá nóng, nồng nặc mùi xăng, dầu cháy. Hai cái cánh căng vải đã bị đạn súng trường, súng máy và mảnh đạn pháo bắn thủng nhiều chỗ. Cỗ máy chưa ai từng trông thấy bao giờ đứng lặng yên, hừng hực như con ngựa vừa chạy đến kiệt sức.
Lão già, người đầu tiên vừa nãy gặp Bogatyrev, bỏ chạy vào trong ngõ, chỗ mụ vợ lão sợ quá đã ngã lăn ra không dậy được, định báo cho mụ cái tin mừng về thằng con trai Tikhol rút lui hồi tháng chạp năm ngoái cùng với chính quyền khu. Song mụ già không còn trong ngõ nữa. Mụ đã kịp chạy về nhà, chui vào phòng để đồ cũ, vội vã thay áo xống và đã mặc xong áo váy khác. Lão già phải mất bao nhiêu hơi sức mới tìm thấy mụ, lão kêu lên:
– Thằng Pitot Bogatyrev đi máy bay đến đấy! Thằng Tikhol trân trọng gửi lời hỏi thăm đấy!
Nhưng khi nhìn thấy mụ già thay áo xống, lão tức sôi lên.
– Cái mụ phù thuỷ già sóc nầy, sao lại nghĩ ra cái trò làm dáng làm đỏm thế nầy? Chà, mẹ cái nhà mụ chứ! Liệu còn thằng nào với đến mụ nữa hử, cái con quỷ dữ bợt lông nầy? Nhưng nom mụ trẻ hẳn ra kìa?
Chẳng mấy chốc bọn bô lão đã kéo đến nhà bố tên Pitot Bogatyrev. Lão nào bước vào cũng bỏ mũ ngay từ ngưỡng cửa, làm dấu phép trước các hình thánh rồi mới đàng hoàng ngồi xuống chiếc ghế dài, tay tì trên gậy. Pitot Bogatyrev uống một cốc sữa nguội chưa hớt bơ rồi kể rằng hắn đã cười máy bay tới đây theo lệnh Chính phủ sông Đông, và trong nhiệm vụ của hắn có việc bắt liên lạc với quân phiến loạn vùng Đông Thượng và giúp đỡ bọn nầy trong việc chiến đấu chống Hồng quân bằng cách dùng máy bay chở tới đạn được và những tên sĩ quan. Hắn cho biết rằng không bao lâu nữa quân đội sông Đông sẽ chuyển sang thế công trên khắp mặt trận và sẽ hợp nhất với quân đội của bọn phiến loạn. Nhân tiện tên Bogatyrev cũng có trách bọn bô lão là đã thiếu khuyên bảo bọn Cô-dắc trẻ tuổi nên bọn nầy đã bỏ mặt trận và để cho quân Đỏ tiến vào vùng đất quê hương. Hắn đã kết thúc những lời hắn nói như thế nầy:
– Nhưng bây giờ bà con ta đã tỉnh ngộ và đã đuổi cổ Chính quyền Xô viết ra khỏi các trấn, vì thế Chính phủ sông Đông sẽ tha thứ cho bà con.
– Nhưng bác Petro Grigori ạ, bác phải biết rằng ở vùng chúng ta hiện nay đang là chính quyền Xô viết, chỉ có điều không có đảng viên cộng sản thôi. Ở đây ngay đến lá cờ cũng không phải là cờ tam tài mà là cờ trắng và đỏ. – Một tên bô lão ngập ngừng cho biết.
– Ngay trong khi xưng hô với nhau, cái bọn thanh niên ở đây, cái bọn chó đẻ, những thằng không biết ăn lời ấy, chúng nó vẫn cứ chào nhau là “đồng chí” đấy! – Một lão khác nói thêm.
Pitot Bogatyrev mỉm cười sau hàng ria hung hung đỏ xén tỉa ngay ngắn, nheo cặp mắt màu lam tròn xoe một cách nhạo báng và nói:
– Cái chính quyền Xô viết của các cụ cũng chỉ như lớp băng lúc trời sang xuân mà thôi. Mặt trời chiếu ấm một chút là tan hết ra nước. Còn những thằng đầu têu, những thằng đã bỏ mặt trận ở gần Calatri, thì hễ ở bên kia sông Dones về, chúng tôi sẽ cho chúng nó ăn roi ngay!
– Những thằng khốn kiếp ấy, phải quật cho chúng nó bật máu ra!
– Đúng là phải thế mới được!
– Phải cho ăn roi! Phải cho chúng nó ăn roi!
– Phải lôi ra trước dân làng mà nện cho bĩnh ra quần mới thôi! – Bọn bô lão sung sướng nói nhao nhao.
Trước lúc hoàng hôn xuống, tên Kudinov tư lệnh quân phiến loạn và tên tham mưu trưởng Ilia Xafonov được bọn liên lạc cưỡi ngựa báo tin, đã đi một chiếc xe bốn bánh thắng ba con ngựa chạy đến sủi mồ hôi, phi như bay đến Xinghin.
Trong lòng như mở cờ vì thấy tên Bogatyrev cưỡi máy bay đến, hai tên chưa kịp phủi bùn trên ủng và trên chiếc áo mưa bằng vải bạt, đã gần như chạy tế ngay vào trong nhà Bogatyrev.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.