Sông Đông êm đềm
Chương 186 phần 2
Cuộc đời đã đến chỗ mạt vận rồi! Bây giờ thì tội gì mà chẳng uống? – Người có rượu, một lão già khỏe mạnh, thân hình chắc nịch, gào lên – Tôi chi mang theo đây hai trăm pút lúa mì, còn một ngàn pút nữa phải quẳng lại ở nhà. Đánh theo năm đôi bò mà phải vứt tất cả ở đây vì làm thế nào mà lôi theo với mình qua sông Đông cho được? Mình dành dụm kiếm được bao nhiêu thế là bây giờ mất hết! Tôi đang muốn có ca hát đây! Hãy chơi cho thoả đi, các bạn đồng hương ạ! – Mặt lão đỏ bừng lên, mắt lão ướt ướt vì những giọt nước mắt.
– Thôi đừng kêu la làm gì, bác Trofim Ivanovich ơi. Moskva, họ không tin nhiều lắm ở những giọt nước mắt đâu. Còn người thì còn của. – Lão già ồm ồm giọng mũi khuyên bạn.
– Nhưng tôi không kêu làm sao cho được? – Lão già kia nói càng to hơn, nước mắt làm mặt hắn méo hẳn đi. – Thóc thì mất! Bò sẽ chết hết! Nhà cửa sẽ bị bọn Đỏ đốt trụi! Có một thằng con trai lại bị chúng nó giết dạo mùa thu rồi! Thử hỏi tôi không kêu làm sao cho được? Kiếm tiền cho ai bây giờ? Thường là mỗi mùa hạ mục mất trên vai mười chiếc áo sơ-mi, thế mà bây giờ người không áo, chân không giầy… Thôi uống đi!
Prokho vừa lắng nghe những lời trao đổi vừa ăn con cá chép to bằng cái nắp đậy lò và uống hết bảy ca rượu. Hắn kễnh cả bụng, phải cố gắng hết sức mới đứng dậy được.
– Nầy thầy quyền! Cứu tinh của chúng ta! Có muốn lấy thóc cho ngựa không? Muốn bao nhiêu?
Một túi! – Prokho lúng búng. Bây giờ thì xung quanh xảy ra chuyện gì hắn cũng chẳng cần biết.
Lão già đổ lúa yến mạch thượng hảo hạng vào đầy một cái bao cỏ rồi giúp hắn khiêng lên vai.
– Nhớ mang trả cái túi nhé! Đừng quên nhá, hãy vì Chúa! – lão vừa dặn Prokho vừa ôm lấy hắn và khóc với những giọt nước mắt của một kẻ say rượu.
– Không, tôi không mang trả đâu. Tôi đã bảo không mang trả là không mang trả… – Không hiểu sao Prokho cứ khăng khăng không nghe.
Rồi hắn lặc lè rời khỏi cái xe bò. Túi thóc đè oặt lưng hắn xuống, xô hắn sang một bên, Prokho có cảm giác như mình đang đi trên một khoảng đất láng băng trơn, hai chân vừa tượt vừa run như một con ngựa chưa đóng móng rụt rè bước lên băng. Hắn chập chững bước thêm vài bước rồi đứng lại. Hắn chẳng làm thế nào nhớ được rằng cái mũ trên đầu có còn hay không? Một con ngựa thiến lông hạt dẻ, trán trắng buộc bên một chiếc xe bốn bánh ngửi thấy mùi yến mạch bèn vươn cổ về phía cái túi, cắn vào một góc. Thóc lạo xạo chảy từ trong lỗ thủng ra. Prokho cảm thấy nhẹ hơn, lại cất bước.
Chưa biết chừng hắn cũng có thể mang chỗ yến mạch còn lại về đến chỗ con ngựa của hắn, nhưng khi hắn đi qua một con bò mộng rất to, con bò bất thình lình đá ngang cho hắn một cái. Cái thói của loài bò vốn thường là như thế. Nó đang bị muỗi mòng cắn khổ sở, lại điên tiết vì nóng nực và cảnh chen chúc chật chội nên không để ai lại gần. Hôm ấy Prokho đầu phải là vật hy sinh đầu tịên trước cơn thịnh nộ của con bò. Hắn lạng sang một bên, đập đầu vào một cái chốt bánh xe và lập tức đánh luôn một giấc.
Đến nửa đêm hắn tỉnh dậy. Trên đầu hắn, những đám mây xám xịt như chì quay lộn, bay vùn vụt về phía tây trên bầu trời xanh cao ngất. Cái lưỡi liền của vành trăng non chỉ ngó qua kẽ mây trong nháy mắt rồi bầu trời lại bị mây phủ kín mít như trong một cái gối, và gió lạnh thổi mạnh trong bóng tối cũng tựa như càng mạnh thêm.
Một đội kỵ binh tiến qua rất gần ngay cạnh cá xe, chỗ Prokho nằm. Mặt đất than vãn rên siết dưới vô số những vó ngựa đóng móng sắt Đánh hơi thấy cơn mưa đã đén rất gần, những con ngựa thở phì phì. Lách cách tiếng gươm đập vào bàn đạp. Những đốm lửa ở đầu những điếu thuốc hiện lên đo đỏ. Từ chỗ đại đội tiến qua đưa tới mùi hôi ngựa và cái mùi chua loét của các đồ trang bị bằng da.
Cũng như tất cả những tên Cô-dắc đã từng đi lính, qua những năm chiến tranh Prokho đã rất thân thuộc với cái mùi hỗn hợp nầy chỉ có thể có ở kỵ binh. Quân Cô-dắc đã mang cái mùi ấy qua tất cả các nẻo đường từ Phổ và Bucuvin về tới các đồng cỏ của vùng sông Đông và cái mùi ấy, cái mùi không gì đánh tan được của một đơn vị kỵ binh đã trở nên thân thiết và quen thuộc chẳng khác gì cái mùi của ngôi nhà thân yêu. Hai lỗ mũi hin hin của Prokho phập phồng hít lấy hít để, rồi hắn ngẩng cái đầu nặng như chì.
– Đơn vị nào đấy, các anh em?
– Kỵ binh… – Trong bóng tối có một giọng trầm trả lời tinh nghịch.
– Nhưng tôi hỏi là đơn vị của ai cơ mà?
– Của Petlikura(287)… Vẫn cái giọng trầm vừa nãy trả lời.
– Chà cái thằng chết tiệt? – Prokho chờ một lát rồi nhắc lại câu hỏi – Trung đoàn nào đấy, các đồng chí?
– Bokovsky.
(287) Petlikura (1877 – 1926). Tên đầu sỏ phản cách mạng của vùng Ukraina trong thời kỳ nội chiến. Vốn là một phần tử xã hội dân chủ, chống Chính quyền Xô viết, được đồng minh và đế quốc Đức giúp đỡ. Năm 1920, trực tiếp giúp đế quốc Ba Lan đánh Ukraina. Sau trốn sang Paris rồi bị một phần tử dân tộc chủ nghĩa Do-thái ám sát. (N.D)
Prokho muốn đứng dậy, song những mạch máu trong đầu hắn cứ giật thình thịch, trong họng lờm lợm buồn nôn. Hắn bèn nằm yên một lát rồi lại thiếp đi. Lúc trời sắp rạng, gió từ sông Đông đưa vào vừa ẩm vừa lạnh.
– Đã chết chưa? – Trong lúc mơ màng, hắn nghe thấy phía trên có tiếng người nói.
– Vẫn còn ấm… nhưng say bí tỉ! – Một người nào đó trả lời ngay bên tai Prokho.
– Lôi mẹ nó ra chỗ khác! Nằm thẳng cẳng như một cái xác chết ấy! Nhưng thôi, cậu hãy cho nó một cái vào ngực?
Một tên cưỡi ngựa lấy cán giáo thúc vào sườn Prokho một cái rất đau trong lúc hắn còn chưa tỉnh. Có những bàn tay không biết của ai cào vào chân hắn, kéo hắn xềnh xệch sang bên cạnh.
– Lôi hết xe cộ đi! Chúng nó ngủ như chết cả! Kiếm được một lúc như thế nầy mà ngủ với ngáy? Bọn Đỏ đánh đến đít rồi mà còn ngủ, làm như ở nhà không bằng! Đẩy hết xe cộ sang bên cạnh, đại đội pháo sắp qua đây rồi! Quàng quàng lên! Chúng nó chặn hết cả lối đi! Chà cái quâ-â-ân nầy! – Một giọng hách dịch gầm lên.
Những người dân chạy nạn đang ngủ trên các xe và dưới gầm xe bắt đầu cựa quậy. Prokho đứng chồm lên. Trên người hắn chẳng còn gươm súng gì nữa, cả chiếc ủng bên chân phải cũng đã biến đâu mất, tất cả đều do hắn tự tìm cách quẳng bớt sau bữa rượu bí tỉ hôm qua.
Hắn ngơ ngác nhìn quanh, định tìm dưới gầm xe, song những gã giữ ngựa và pháo thủ của đại đội pháo vừa kéo tới đã nhảy trên ngựa xuống, thẳng tay lật đổ chiếc xe cùng với tất cả các hòm xiểng chất trên đó, và chỉ nháy mắt đã dọn xong đường cho khẩu pháo tiến qua.
– Ti-i-ến!
Những tên giữ ngựa đã lại lên yên. Những đoạn dây thắng khâu rất rộng bị kéo thẳng căng rung lên. Những bánh xe rất cao của khẩu pháo có lồng áo ngoài vấp lạch xạch ở những chỗ ổ gà. Cái trục của một hòm đạn pháo vướng vào một cái gọng xe, làm gãy cả cái gọng xe.
– Bỏ mặt trận phải không? Lính với tráng, mẹ chúng mày chứ! – Lão già ồm ồm giọng mũi uống rượu tối qua với Prokho quát to từ trên xe.
Bọn lính pháo binh đang vội tiến ra chỗ vượt sông cứ lặng thinh đi qua. Prokho mò mẫm trong cảnh tranh tối tranh sáng lúc trời sắp rạng, cố tìm khẩu súng trường và con ngựa. Nhưng hắn chẳng thấy đâu cả. Ra tới gần một chiếc thuyền nhỏ, hắn tháo nốt chiếc ủng còn lại, quẳng xuống sông rồi nhúng rất lâu cái đầu đau ê ẩm như bị đánh đai sắt xuống nước.
Mặt trời vừa ló thì kỵ binh bắt đầu vượt sông. Bọn Cô-dắc xuống ngựa, dồn một trăm năm mươi con ngựa đã tháo yên cương của đại đội Một xuống sông Đông, hơi phía trên chỗ khuỷu sông, nơi con sông rẽ ngoặt về phía đông thành một góc vuông. Tên đại đội trưởng có bộ râu chổi sể đỏ như râu ngô mọc rậm rì lên tới mắt và cái mũi quặp Tướng mạo hắn hung dữ, nom giống con lợn lòi một cách lạ lùng. Tay trái hắn được đeo lên cổ bằng những sợi băng bẩn thỉu đầy máu, tay phải luôn luôn quất quất chiếc roi ngựa.
– Không được cho ngựa uống nước! Đuổi đi! Đuổi chúng nó xuống nước đi! Mà tại sao mầy… mẹ… mẹ… mẹ mầy chứ, mày sợ nước à? Lội ngay xuống! Con ngựa của mầy không phải là bằng đường nó không thấm nước đâu! – Hắn quát bọn Cô-dắc đang xua những con ngựa xuống nước, những cái răng nhọn hoắt của hắn nhe cả ra dưới hàng ria đỏ lòm.
Những con ngựa cứ rúc vào nhau thành một đám, không muốn lội xuống nước lạnh. Bọn Cô-dắc vừa quát tháo vừa cầm roi quất tới tấp. Con ngựa đầu tiên bơi ra khỏi bờ là một con ngựa huyền mũi trắng, trên trán có ngôi sao màu hồng rất lớn. Xem ra nó bơi lần nầy không phải là lần đầu. Hai cái mông xuôi của nó chìm xuống nước, cái đuôi to sợi ngoặt sang một bên, nhưng cổ và lưng đều nhô lên khỏi mặt nước. Những con khác đều rẽ dòng nước ùa theo nó, rồi vừa kêu hồng hộc thở phì phì, vừa bơi trong làn nước sủi ngầu. Bọn Cô-dắc sang theo trên sáu chiếc thuyền. Một trong những tên đi theo đàn ngựa đứng trên mũi một cái thuyền, lăm lăm trong tay một cái dây thòng lọng, để phòng có chuyện gì xảy ra.
– Đừng sang thẳng? Cho bơi chếch ngược dòng nước! Đừng để bị dòng nước cuốn đi.
Cái roi trong tay tên đại đội trưởng lại hoạt động. Nó vẽ một vòng tròn, quật đánh đét xuống một bên ống ủng bê bết những vôi.
Dòng nước chảy xối cuốn đàn ngựa đi. Con ngựa huyền bơi dễ dàng phía trước những con khác, bứt xa tới hai thân ngựa. Nó là con đầu tiên leo lên bãi cát ở bờ bên trái. Trong khi đó mặt trời đã ló ra sau những cành hắc dương lồm xồm, ánh sáng hồng hồng dội xuống con ngựa huyền làm bộ lông đẫm nước bóng nhoáng sáng bừng lên trong giây lát như một đám lửa đen cháy rực:
– Chú ý con ngựa cái của Mrykhin? Giúp nó với! Đeo dây mõm vào cho nó. Nhưng chèo đi chứ! Chèo mạnh lên! – Tên đại đội trưởng tướng lợn lòi quát lên giọng khàn khàn.
Đàn ngựa đã bơi qua sông được an toàn. Bọn Cô-dắc đã chờ sẵn ở bờ bên kia. Chúng tìm nhận ngựa, mắc dây hàm thiếc. Những chiếc yên bắt đầu được chở từ bờ bên nầy sang.
– Hôm qua cháy ở đâu thế? – Prokho hỏi một gã Cô-dắc đang khiêng một cái yên ngựa lên thuyền.
– Dọc theo sông Tria.
– Cháy vì đạn pháo à?
– Đạn với điếc gì? – Gã Cô-dắc trả lời, giọng đau khổ. Bọn Đỏ đốt đấy.
– Đốt tất cả à? – Prokho kinh ngạc hỏi.
– Khô-ô-ông đâu… Chúng nó chỉ đốt nhà của những kẻ có của, những nhà mái tôn hay những cơ ngơi bề thế thôi.
– Đã có những thôn nào bị cháy rồi?
– Từ Vitlôguzov đến Grachev.
– Thế sư đoàn bộ sư đoàn Một, cậu có biết hiện giờ ở đâu không?
– Ở Trukarinsky.
Prokho quay về chỗ đoàn xe của dân chạy loạn. Khu vực nghỉ tạm ngoài trời kéo dài liên miên, chỗ nào cũng thấy gió thổi tạt những làn khói đắng hắc bốc mù mịt trên những đống củi đốt bằng cành khô, bằng hàng rào bị phá, bằng phân bò, ngựa khô: cánh đàn bà đang sửa soạn bữa sáng.
Ban đêm còn đến thêm vài ngàn dân chạy loạn từ dải đồng cỏ bên hữu ngạn. Tiếng người nói nghe rào rào như ong vỡ tổ quanh những đống lửa và trên những chiếc xe lớn nhỏ:
– Không biết bao giờ mới đến lượt mình được qua sông nhỉ?
– Chao ôi, chờ đợi mãi sốt cả ruột!
Lạy Chúa cứ trừng phạt tôi, tôi sẽ đổ thóc xuống sông Đông cho khỏi lọt vào tay bọn Đỏ!
– Ở bến phà những người là người, cứ như một đám mây đen!
– Em yêu của anh, chúng mình làm thế nào mà ném hòm xiểng ở lại trên bờ được?
– Cứ dành dụm mãi đi, cứ dành dụm mãi đi… Lạy Chúa tôi, cứu tinh của chúng tôi!
– Đáng là phải qua sông ngay ở thôn nhà…
– Chao ôi, mất bao nhiêu hơi sức mới đến được cái trấn Vosenskaia nầy!
– Nghe nói Kalinov Ugol đã bị đốt quang.
– Vốn chỉ mong mò được tới bến phà…
– Thôi đi, nếu không chúng nó sẽ tha chết cho phải không?
– Bên chúng nó đã có lệnh: chém chết hết dân Cô-dắc từ đứa trẻ sáu tuổi đến những người già nhất.
– Nếu chúng nó tóm được bà con ta ở bờ bên nầy… Nếu thế thì sao nhỉ?
– Thịt đây tha hồ mà băm!
Một lão già lông mày bạc phơ, thân hình cân đối, đang phô tài hùng biện bên chiếc xe bốn bánh sơn lòe loẹt kiểu Tavria. Cứ nhìn vẻ người và dáng điệu oai vệ của lão thì có thể nhận ra một tênataman thôn đã từng giữ nhiều năm cái gậy ataman bịt đồng.
– Tôi hỏi: “Chẳng nhẽ để mọi người đều phải bỏ mạng trên bờ hay sao? Vậy thì bao giờ chúng tôi mới có thể đem nồi niêu quần áo sang bên kia sông được? Phải biết rằng bọn Đỏ sẽ chém chết hết chúng tôi đấy!” Nhưng vị quan lớn ấy đã bảo tôi: “Bố già ạ, bố đừng lo! Nhân dân còn chưa sang sông hết thì chúng tôi còn giữ vững trận địa để bảo vệ nhân dân. Chúng tôi thà bỏ xác ở đây chứ không chịu để vợ con, bố mẹ già bị giết hại đâu!”
Những lão già và những người đàn bà đứng vây quanh lão atamanlông mày bạc. Họ hết sức lắng nghe lão nói rồi cùng nhao nhao kêu lên:
– Thế thì tại sao đại đội pháo lại chuồn đi!
– Chúng nó phóng như bay ra chỗ qua sông, thiếu chút nữa thì chẹt chết người ta!
– Cả kỵ binh cũng đã kéo đến rồi…
– Nghe nói Grigori Melekhov đã bỏ mặt trận.
– Như thế nầy thì còn ra quy củ gì nữa? Bỏ mặc nhân dân ở lại, còn bản thân chúng nó?
– Quân đội lại rút đi trước!
– Lấy ai bảo vệ chúng ta bây giờ?
– Cứ xem đấy, kỵ binh đã bơi qua sông rồi?
– Anh nào cũng chỉ biết lo cho cái thân xác của mình…
– Đúng là như thế đấy!
– Mọi người chung quanh đều đã phản bội chúng ta?
– Mất mạng đến nơi rồi, còn gì nữa!
– Phải cử vài cụ bô lão đem bánh mì và muối(288) đến chỗ bọn Đỏ. May ra chúng nó sẽ tha chết, không đem ra hành hình.
(288) Đem bánh mì và muối đến để bày tỏ ý muốn hoà bình hoặc quy thuận. (N.D)
Một gã kỵ binh bỗng xuất hiện ở lối vào ngõ, ngay cạnh ngôi nhà gạch đồ sộ của bệnh viện. Khẩu súng trường của gã đeo trên mũi yên, cái cán giáo sơn xanh lá cây lắc lư bên cạnh sườn gã.
– Nhưng thằng Mikiska nhà tôi đây mà? – Một người đàn bà đầu trần, đã có tuổi, sung sướng kêu rên.
– Có báo cáo lên tổng tư lệnh đây! Bà con tránh cho tôi đi!
– Mikiska! Con yêu của mẹ! Người đàn bà có tuổi kêu lên, giọng xúc động. Làn tóc đen lẫn những món hoa râm loã xoã trước khuôn mặt hân hoan. Bà áp sát người vào bàn đạp, vào con ngựa đầm đìa mồ hôi, hỏi với nụ cười run run tên môi. Bà già nhảy qua những gọng xe, chạy len qua những chiếc xe và những con ngựa, đến trước mặt gã cưỡi ngựa. Người ta nắm lấy bàn đạp giữ gã lại. Gã giơ một chiếc phong bì màu xám có đóng dấu xi lên khỏi đầu, kêu lên:
– Mầy có về thôn nhà chứ?
– Có về.
– Bây giờ bọn Đỏ đang ở đấy rồi…
– Nhà ta thì sao?
– Nhà ta vẫn còn nguyên. Nhưng nhà Fedortov bị đốt rồi. Gian nhà kho của nhà ta bắt lửa, nhưng chính chúng nó đã đến dập tắt.
Con Fechixka ở trong ấy chạy ra kể lại rằng thằng quan của bọn Đỏ có bảo: “Không được để cháy một căn nhà nào của người nghèo, nhưng nhà của bọn tư sản thì đốt hết đi”.
– Chao ôi, thật nhờ ơn Chúa! Cầu Chúa cứu thế gia ơn cho họ? – Người đàn bà làm dấu phép.
Một lão già có vẻ mặt nghiêm khắc nói giọng phẫn nộ:
– Sao bà lại thế nhỉ, bà mẹ thân mến? Chúng nó đốt nhà láng giềng mà bà lại còn “thật nhờ ơn Chúa” à?
– Quỷ dữ bắt họ di. – Người đàn nói rất nhanh, giọng sôi nổi. – Họ còn có thể xây được nhà khác. Còn như nhà tôi mà bị chúng nó đốt thì còn lấy quái gì mà dựng lại được nữa? Lão Fedot, nhà lão có chôn một hũ vàng, còn tôi… tôi thì quanh năm suốt đời đi làm mướn cho người ta, ăn bữa hôm lo bữa mai.
– Thôi buông ra, mẹ! Con có công văn, còn phải vội. – Gã cưỡi ngựa khom người trên yên, van mẹ gã.
Bà mẹ đi bên cạnh con ngựa, vừa đi vừa hôn bàn tay rám nắng đến đen sạm của thằng con trai, rồi chạy về chiếc xe của bà, còn gã cưỡi ngựa kia thì lại gào lên bằng một giọng nam cao rất trẻ:
– Tránh ra nào! Có công văn đến tổng tư lệnh đây! Bà con tránh ra nào!
Con ngựa của gã hăng máu, ngoáy mông loạn xạ, vừa đi vừa nhảy. Dân chúng miễn cưỡng tránh sang hai bên. Gã cưỡi ngựa có vẻ như chỉ tiến được rất chậm, nhưng chẳng mấy chốc gã đã bị lấp sau những chiếc xe, sau những cái lưng bò lưng ngựa, chỉ còn trông thấy ngọn giáo lắc lư bên trên rừng người, mỗi lúc một ra gần bờ sông.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.