Sông Đông êm đềm

Chương 201 phần 1



Trời vừa rạng thì Kopylov đánh thức chàng dậy.

– Dậy đi thôi, đã đến lúc sửa soạn lên ngựa thì vừa? Mệnh lệnh là sáu giờ phải có mặt đấy.

Tên tham mưu trưởng vừa cạo râu xong, hắn đã đánh ủng và mặc một chiếc áo quân phục cổ bẻ nhầu nát nhưng sạch sẽ. Xem ra hắn cũng có lo đến muộn: cặp má phinh phính của hắn bị sướt hai vết dao cạo. Trên toàn bộ dáng dấp con người của hắn thấy hiện lên một vẻ tự nhiên nghiêm chỉnh bảnh bao trước kia đâu có thể nhận thấy ở hắn.

Grigori nhìn Kopylov từ chân lên đầu như có ý chỉ trích. Chàng nghĩ thầm: “Hôm nay anh chàng lại làm dáng làm đỏm đến thế nầy. Xem ra hắn cũng không muốn ra mắt ông tướng một cách lùi xùi.”

Tựa như theo dõi được các ý nghĩ trong đầu óc Grigori, Kopylov nói:

– Đến đấy mà ăn vận bừa bãi dơ dáy thì cũng không tiện. Cả anh, tôi cũng khuyên nên sửa sang con người cho chỉnh tề một chút.

– Như thế nầy cũng được rồi! Grigori vươn vai, lẩm bẩm. – Thế cậu bảo rằng có lệnh sáu giờ phải có mặt à? Chúng nó bắt đầu ra lệnh cho mình với cậu rồi phải không?

Kopylov nhún vai khẽ cười;

– Thời thế mới thì bài hát cũng phải mới. Tính theo cấp bậc thì chúng mình là những kẻ phải phục tùng. Fitkhelaurov là một cấp tướng, ông ta đâu ở vào cái thế phải đến gặp chúng ta.

– Đúng như thế đấy. Muốn có cái gì thì đã có được cái ấy rồi đấy.

Grigori nói rồi đi ra giếng lau rửa.

Mụ chủ nhà chạy vào trong nhà, lấy ra một chiếc khăn bông sạch, cúi chào đưa cho Grigori. Grigori dùng một đầu khăn cọt sát một cách tức tối bộ mặt đỏ như gạch bị nước lạnh làm cho nóng bỏng.

Chàng thấy Kopylov bước tới, bèn bảo hắn:

– Đúng là thế đấy, nhưng có một điều là các ngài tướng lĩnh còn phải nghĩ tới chuyện khác nữa: từ cách mạng tới nay, nhân dân đã đổi khác rồi! Nhưng các ông ấy vẫn cứ dùng cái thước cũ mà đo. Cái thước ấy sẽ gẫy lúc nào không biết cho mà xem… Các ông ấy chuyển hướng còn ì ạch lắm. Phải lấy dầu bánh xe bôi vào óc các ông ấy cho khỏi rít mới được!

– Như thế là anh định nói về chuyện gì vậy? – Kopylov hỏi một cách lơ đãng và thổi một cọng rác trên tay áo.

– Về chuyện tất cả bọn họ đều đang đi lạc theo con đường cũ. Như mình đây đã kiếm được cái quân hàm sĩ quan từ cuộc chiến tranh chống Đức. Đã đổ máu ra để đổi lấy nó đấy! Nhưng mình lọt vào giới sĩ quan thì cũng chẳng khác gì bước trong nhà ra ngoài trời giữa lúc băng giá mà chỉ mặc độc một chiếc quần lót. Cái lạnh buốt toát ra từ người chúng nó thấm vào mình, làm mình rùng cả lưng? – Grigori căm phẫn long lanh hai con mắt và giật giọng to tiếng lúc nào không biết.

Kopylov đưa mắt nhìn quanh có vẻ bực mình, hắn khẽ nói:

– Anh nói khẽ một chút, bọn liên lạc nghe thấy đấy.

– Một câu hỏi tự nhiên phải được đặt ra: tại sao lại như thế? – Grigori hạ thấp giọng nói tiếp. – Chính là vì đối với họ mình là một con quạ trắng. Họ thì có hai bàn tay, còn mình chỉ có hai cái vó ngựa do những vết chai sần cộm lại từ trước! Chân họ đi đứng cứ nhẹ như không, còn mình thì hễ quay đi quay lại là vướng vào đủ mọi thứ. Người họ nặc mùi xà phòng thơm và đủ mọi thứ pom-mát của đàn bà, còn mình thì chỉ có mùi nước đái ngựa và mồ hôi ngựa. Tất cả bọn họ đều được học hành tử tế, còn mình thì trầy trật mãi mới tốt nghiệp được trường nhà chung. Mình khác họ từ đầu đến gót. Duyên cớ tất cả là như thế đấy! Vì thế hễ ở chỗ họ ra, là mình cảm thấy hoàn toàn thua kém, cứ như có một cái mạng nhện vướng trên mặt, ngứa ngáy khó chịu một cách khủng khiếp, chỉ muốn tắm rửa ngay cho nó hết mùi.

Grigori ném chiếc khăn mặt lên cái khung gỗ quanh giếng rồi chải đầu bằng một mảnh lược xương. Vừng trán không bị rám nắng nổi bật trên khuôn mặt xạm đen của chàng.

– Họ không muốn hiểu rằng tất cả những cái gì của cái thời xứa kia đều đổ bà nó cả rồi! – Grigori càng nói khẽ hơn. – Họ tưởng rằng chúng ta được nặn ra bằng một thứ bột khác, và những con người không có nhiều chữ nghĩa, những kẻ xuất thân từ đám dân thường đều chỉ như loài trâu loài ngựa. Họ tưởng rằng trong công việc nhà binh mình hoặc một anh chàng nào khác như mình không thể hiểu biết được bằng họ. Nhưng ở bên bọn Đỏ thì những con người như thế nào làm chỉ huy? Budionnyi đã từng làm sĩ quan chưa? Một bàn tay quản của quân đội cũ, chẳng phải hắn đã nện cho bươu đầu sứt trán các ông tướng trong bộ tổng tư lệnh hay sao? Chẳng phải vì hắn mà các trung đoàn sĩ quan cứ giậm chân tại chỗ hay sao? Guxensikov là ông tướng thiện chiến nhất, nổi tiếng nhất trong đám tướng lĩnh Cô-dắc thế mà mùa đông vừa qua chẳng phải ông ta đã phải cưỡi ngựa chạy bán sống bán chết khỏi Ust-Medvediskaia với độc một bộ đồ lót đấy hay sao? Thế cậu có biết người nào đã đuổi cho ông tướng ấy chạy tóe khói như thế hay không? Một anh chàng thợ nguội nào đó ở Moskva, trung đoàn trưởng một trung đoàn Hồng quân. Sau đó bọn tù binh có cho mình biết về anh ta. Những điều đó cần phải hiểu mới được! Còn những thằng sĩ quan ít chữ nghĩa như chúng ta, chẳng nhẽ trong cuộc bạo động chúng ta đã chỉ huy bọn Cô-dắc tồi lắm hay sao? Thử hỏi các ông tướng ấy có giúp đỡ chúng ta được nhiều lắm không?

– Họ đã giúp đỡ không ít đâu. – Kopylov trả lời giọng ra vẻ thâm thuý.

– Ừ có thể là họ đã có giúp Kudinov, nhưng mình đã tiến quân, đã nện bọn Đỏ mà chẳng được ai giúp đỡ, chẳng nghe theo lời khuyên của người nào khác.

– Như vậy là thế nào: anh phủ nhận tác dụng của khoa học trong các vấn đề quân sự à?

– Không, mình không phủ nhận khoa học. Song người anh em ạ, đó không phải là điều chủ chốt trong chiến tranh đâu.

– Thế là cái gì, anh Pantelevich?

– Là lý tưởng làm mục đích cho chiến tranh.

– Chà đây lại là một chuyện khác… – Kopylov mỉm cười có ý đề phòng và nói – Đương nhiên như thế rồi… Trong vấn đề nầy, tất nhiên lý tưởng là điều chủ chốt. Chỉ kẻ nào biết chắc chắn rằng mình chiến đấu vì mục đích gì và tin tưởng vào sự nghiệp của mình thì mới có thể chiến thắng. Cái chân lý ấy nó cổ kính chẳng kém gì trái đất nầy; và nếu anh tưởng rằng anh đã phát hiện ra nó thì hoàn toàn không đúng đâu. Tôi bảo vệ cái cũ, cái thời tươi đẹp xưa kia. Nếu không tôi đã chẳng buồn động ngón tay để đi đến không biết nơi nào và đánh đấm chẳng biết để làm gì nữa. Tất cả những ai đi cùng đường với chúng ta đều là những con người dùng sức mạnh của vũ khí để bảo vệ các đặc quyền đặc lợi trước kia của mình, để trấn áp đám dân chúng nổi loạn. Và trong số những kẻ đi trấn áp ấy có cả tôi và anh. Nhưng anh Grigori Pantelevich ạ, từ lâu tôi đã để ý nhìn các việc làm của anh, nhưng chẳng làm thế nào hiểu anh được…

– Rồi sau nầy cậu sẽ hiểu. Ta đi đi thôi. – Grigori nói rồi bước về phía nhà kho.

Người chủ nhà muốn lấy lòng Grigori, cứ theo dõi từng cửa chỉ của chàng. Mụ hỏi:

– Có lẽ ngài dùng ít sữa chăng?

– Cám ơn bà mẹ, chẳng làm gì có thì giờ ăn sữa đâu. Để lần khác vậy!

Prokho Zukov đứng bên cạnh nhà kho đang cầm một bát sữa chua ăn lấy ăn để. Thấy Grigori tháo ngựa, hắn cũng chẳng buồn chớp mắt, chỉ đưa tay áo lên chùi mép và hỏi:

– Anh đi có xa không? Có cần tôi đi với không?

Grigori tức sôi lên. Chàng nói với một vẻ giận dữ lạnh như tiền:

– Đồ ôn dịch nầy, trong đầu óc có được những gì, không hiểu công tác phải làm gì à? Tại sao lại buộc mõm ngựa lên thế nầy? Đứa nào có nhiệm vụ mang ngựa cho tao hử? Chỉ được cái ăn như thần trùng. Hốc mãi mà chưa phễnh bụng à? Thôi quẳng cái muỗng đi! Không còn biết kỷ luật nữa à? Đồ quỷ, đồ khốn kiếp!

– Nhưng tại sao anh lại tự nhiên hoá điên hoá ngộ lên như thế? – Sau khi đã ngồi vững vàng trên yên, Prokho làu bàu, giọng bực bội. Chẳng có chuyện gì mà cũng gào lên. Làm như ông lớn ấy không bằng! Thế trước khi lên đường tôi ăn qua một miếng cũng không được hay sao? Sao thế, có gì mà anh ầm ĩ lên như thế hử?

– Vì cậu có thể làm mình mất đầu được đấy, đồ ruột lợn? Cậu nói năng với mình như thế đấy hử? Bây giờ chúng mình đi gặp một ông tướng đây, vì thế cậu hãy liệu cái thần hồn! Nếu không cứ quen cái thói suồng sã bừa bãi? Mình là thế nào đối với cậu hử? Đi lui về phía sau năm bước! Grigori vừa ra lệnh vừa cho ngựa ra khỏi cổng.

Prokho và ba gã liên lạc kia ghìm ngựa một chút. Grigori cưỡi ngựa bên cạnh Kopylov, tiếp tục câu chuyện đang nói dở. Chàng hỏi bằng một giọng châm biếm:

– Thế nào, như vậy thì có điều gì mà cậu còn chưa hiểu? Có lẽ mình phải nói rõ cho cậu biết mới được.

Kopylov không chú ý tới tính chất châm biếm trong giọng nói và hình thức của câu hỏi. Hắn trả lời:

– Tôi không nắm được lập trường của anh trong công việc mà chúng ta đang làm, vấn đề là như thế đấy! Một mặt thì anh chiến đấu để bảo vệ cái cũ, như mặt khác anh lại có phần, tôi xin lỗi vì nói năng gay gắt, lại có phần hao hao như một tên Bolsevich ấy.

– Mình Bolsevich ở chỗ nào? – Grigori cau mày, dướn mạnh một cái để ngồi lại trên yên.

– Tôi không nói là Bolsevich, mà nói có phần hao hao như một tên Bolsevich.

– Cũng thế cả thôi. Nhưng ở chỗ aao? Mình hỏi cậu ở chỗ nào?

– Cứ xem ngay những lời anh nói về giới sĩ quan và thái độ của họ đối với anh cũng đã rõ. Vậy anh muốn gì về phía những con người ấy? Đích xác anh muốn như thế nào? – Kopylov mỉm một nụ cười đôn hậu, vừa nghịch nghịch cái roi ngựa vừa hỏi vặn. Hắn ngoái nhìn mấy gã liên lạc thấy bọn kia đang tranh cãi sôi nổi không biết về chuyện gì bèn nói to hơn – Anh cảm thấy bị xúc phạm vì họ không tiếp nhận anh vào trong bọn họ như một kẻ bình đẳng, vì họ có thái độ kẻ cả đối với anh. Nhưng đứng trên quan điểm của họ thì họ đúng, đó là điều cần phải hiểu. Thật ra tuy anh cũng là sĩ quan, nhưng một sĩ quan rơi vào giới sĩ quan một cách hoàn toàn ngẫu nhiên. Dù có đeo những cái lon sĩ quan, nhưng xin anh thứ lỗi cho, anh vẫn cứ là một gã Cô-dắc thô lỗ. Anh không biết cách đi đứng nói năng lịch sự, lời nói thì vừa sai vừa thô bạo. Anh thiếu tất cả các đức tính mà một con người có học vấn cần phải có. Chẳng hạn như đáng lẽ dùng khăn tay như tất cả những người có văn hoá thường làm, anh lại sỉ mũi bằng hai ngón tay. Trong khi ăn anh không chùi tay vào ống ủng thì cũng chùi lên tóc. Sau khi tắm xong anh không ngại lau mặt bằng một tấm áo ngựa, móng tay thì lấy răng cắn hoặc cắt bằng mũi gươm. Lại còn một chuyện nầy hay hơn nữa: anh còn nhớ không, mùa đông năm ngoái, một lần ở Karghinskaia, hôm ấy có mặt tôi, anh đã nói chuyện với một người phụ nữ trí thức, có chồng bị bọn Cô-dắc bắt, và anh đã cài khuy quần ngay trước mặt người ta…

– Như thế tức là mình cứ để quần như vậy không cài thì đúng hơn hay sao? – Grigori hỏi với một nụ cười âm thầm.

Hai người cho ngựa đi sát bên nhau. Grigori liếc nhìn Kopylov, chàng nhìn khuôn mặt hồn hậu của hắn và trong khi nghe hắn nói, trong lòng không khỏi cảm thấy chua chát.

– Vấn đề không phải là ở chỗ đó! – Kopylov cau mày kêu lên, giọng bực bội. – Nhưng sao anh lại có thể tiếp một người phụ nữ với hai chân không giầy không ủng, trên mình chỉ có độc một cái quần? Ngay đến cái áo quân phục cổ đứng, anh cũng chẳng buồn khoác thêm lên vai nữa. Chuyện ấy tôi còn nhớ rành rành? Tất cả những điều đó tất nhiên chỉ là chuyện lặt vặt, song cũng đủ chứng minh rằng anh là một con người… Nhưng nói với anh thế nào bây giờ…

– Cậu cứ nói đi, nói toạc móng heo càng tốt!

– Được là một con người hết sức bất nhã. Còn cách nói năng của anh thì như thế nào? Thật là khủng khiếp! Đáng nói “trú xá”, anh lại nói “trúc xá”; đáng nói “triệt binh”, anh lại nói “trật binh”; đáng nói “tựa hồ”, anh nói “tựa hào”; đáng nói “pháo binh”, anh lại nói “phá binh”. Và cũng như mọi con người thiếu chữ nghĩa khác, anh thích dùng từ ngữ nước ngoài thật kêu với một sự ham mê không thể nào giải thích được, anh dùng các từ ngữ ấy cả lúc đáng dùng lẫn lúc không đáng dùng, mà nói thì sai chệch một cách khó tưởng tượng. Trong các cuộc hội nghị tham mưu, khi trước mặt anh có những anh chàng nói lên những thuật ngữ chuyên môn quân sự, chẳng hạn như “phối trí binh lực”, “cường tập độ hà”, “bộ thự tác chiến”, “mật binh” vân vân, thì anh nhìn những người nói như thế với con mắt thán phục, tôi còn có thể nói là ghen tị nữa là khác.

– Chà chuyện nầy thì đúng là cậu nói láo rồi! – Grigori kêu lên, vẻ mặt chàng bỗng trở nên linh lợi vui vẻ. Chàng vuốt ve đám lông giữa hai cái taỉ con ngựa, gãi gãi làn da ấm và mịn như lụa dưới cái bờm của nó và bảo – Được, cậu cứ tiếp tục chỉ trích sư đoàn trưởng của cậu đi!

– Anh hãy nghe tôi, có gì mà chỉ với trích? Và anh cũng cần phải thấy rõ ràng về mặt ấy anh là một kẻ không may. Thế mà anh còn bực mình cho rằng giới sĩ quan không đối xử với anh như với một kẻ bình đẳng? Trong các vấn đề lịch sử và văn hoá thì quả thật anh chỉ là một cái nút bấc!

Kopylov buột miệng nói ra một lời xúc phạm như thế, bất giác hoảng lên. Hắn biết rằng Grigori thường không tự chủ được như thế nào những khi chàng phát khùng, vì thế hắn sợ chàng sắp nổi nóng, nhưng sau khi liếc nhanh mắt nhìn Grigori, hắn lập tức yên tâm: Grigori ngửa hẳn người trên yên, cười không ra tiếng, hai hàm răng trắng xoá loá nhe ra dưới hàng ria. Kết quả của những lời Kopylov vừa nói quá bất ngờ đối với chính hắn, và cái cười của Grigori quá dễ lây, vì thế hắn cũng phá lên cười và nói:

– Anh xem đấy, một con người có lý trí, một kẻ bình thường nào khác nghe thấy một lời nhận xét như thế thì khóc lên được, thế mà anh anh lại hí lên như con ngựa… Chà, anh chẳng phải là một con người kỳ quặc thì là gì?

– Thế cậu bảo mình là một cái nút bấc à? Quỷ tha ma bắt cậu đi – Grigori cười hết cơn rồi nói. – Mình cũng chẳng muốn học các cách cư xử với cái lịch sự của các cậu làm gì. Mình trở về với mấy con bò thì những của đó sẽ chẳng dùng được vào việc gì. Nếu Chúa che chở, nếu mình còn sống thì trong khi giao thiệp với mấy con bò, mình sẽ không rạp đầu chào rồi mới nói với chúng nó: “Chao ôi, xin ngài thứ lỗi cho, ngài bò hói? Xin ngài thứ lỗi cho, ngài bò lang! Các ngài cho phép tôi sửa lại cái ách cày trên vai các ngài nhé! Kính thưa ngài, ngài bò giống, tôi cung kính xin ngài làm ơn đừng ra khỏi luống cày! “Đối với chúng nó thì phải hết sức ngắn gọn: vắt-nrư. Toàn bộ cách phái trí đối với loài bò thì chỉ có thế thôi.

– Không phải là “phái trí” mà là “phối trí” – Kopylov sửa lại.

– Cũng được thôi, ừ thì phối trí. Nhưng có một điều mình không đồng ý với cậu.

– Điều gì thế?

– Điều cậu bảo rằng mình là cái nút bấc. Ở với các cậu thì mình là một cái nút bấc, nhưng cứ chờ đấy, sau một thời gian, mình sang với bọn Đỏ thì ở bên chúng nó mình sẽ biến thành một hòn chì nặng cho mà xem. Đến lúc đó thì những thằng ăn bám có lễ độ, có học thức như các cậu chớ có chạm trán với mình? Mình sẽ móc linh hồn cùng với tim gan mề phổi của các cậu ra cho mà xem! – Grigori nói bằng một giọng nửa đùa nửa thật rồi thúc con ngựa, lập tức cho nó chuyển sang nước kiệu nhanh.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.