Sông Đông êm đềm

Chương 207 phần 2



Sau bữa trưa, bà Ilinhitna còn muốn nói thêm với Natalia, giảng giải cho nàng thấy là không cần phải cho ra thai làm gì. Bà vừa rửa bát vừa moi óc tìm những lý lẽ mà bà cho là có sức thuyết phục nhất, thậm chí còn định cho ông già biết về quyết định của Natalia để ông giúp bà khuyên giải người con dâu đang đau khổ đến hoá điên hoá dại đừng có một hành động mất trí như thế. Nhưng trong khi bà đang bận thu xếp công việc trong nhà, Natalia đã lén sửa soạn và đi mất rồi.

– Con Natalia đi đâu thế? – Bà Ilinhitna hỏi Dunhiaska.

– Chị ấy bọc những cái gì ấy trong một cái gói nhỏ đi ra ngoài rồi.

– Nó đi đâu? Nó có bảo gì không? Cái khăn gói gì?

– Con làm thế nào mà biết được hả mẹ? Chị ấy gói cái váy sạch và không biết những gì nữa vào trong khăn bịt đầu rồi đi ngay mà chẳng nói gì cả.

– Tội nghiệp cho con bé! – Trước cặp mắt ngạc nhiên của Dunhiaska, bà Ilinhitna ngồi phịch xuống chiếc ghế đai, khóc nức nở một cách bất lực.

– Mẹ làm sao thế hả mẹ? Cần Chúa che chở cho mẹ? Sao mẹ lại khóc thế.

– Mặc tao, đồ hư. Không can gì đến mày! Nhưng nó đi có nói gì không? Mà sao lúc nó sửa soạn đi mày chẳng nói gì với tao cả?

Dunhiaska bực mình trả lời:

– Nói chuyện với mẹ thì chỉ khổ vào thân? Con làm thế nào mà biết được là phải nói cho mẹ biết về chuyện ấy? Nhưng chị ấy có bỏ đi hẳn đâu? Có lẽ chỉ về thăm bà cụ thôi. Mà tại sao mẹ lại khóc? Con chẳng hiểu ra sao nữa!

Bà Ilinhitna chờ Natalia về, trong lòng hết sức bồn chồn. Vì sợ phải nghe những lời la mắng trách móc, bà quyết định không nói cho ông già biết.

Đến khi mặt trời lặn, đàn gia súc ở ngoài đồng cỏ về thôn. Hoàng hôn xuống, một trong những buổi hoàng hôn ngắn ngủi của mùa hè.

Trong thôn đã thấp thoáng vài ngọn đèn, nhưng Natalia vẫn chưa về.

Nhà Melekhov, ngồi vào bàn để ăn buổi tối. Mặt tái nhợt vì lo lắng, bà Ilinhitna đặt lên bàn một món mì sợi có hành phi dầu thực vật. Ông già vun những cùi bánh mỳ rất rắn vào chiếc muỗng và dốc vào cái miệng râu ria xồm xoàm. Rồi ông ngơ ngác nhìn những người ngồi quanh bàn và hỏi:

– Con Natalia đâu rồi? Sao không gọi nó ra cùng ăn?

– Nó không có nhà. – Bà Ilinhitna khẽ trả lời – Thế nó đi đâu?

– Có lẽ nó sang bên bà cụ và ở lại chơi bên ấy.

– Nó ở chơi bên ấy lâu quá rồi đấy. Cũng đã đến lúc nó cần phải biết quy củ… – Ông Panteley Prokofievich lẩm bẩm, giọng tức tối.

Nhưng bao giờ cũng vậy, ông ra sức ăn, ăn lấy ăn để. Thỉnh thoảng ông lại úp cái muỗng lên bàn, liếc nhìn thằng Misatka ngồi bên cạnh. Ánh mắt đầy vẻ thán phục rồi nói bằng một giọng thô bạo: “Quay lại đây, cháu yêu của ông, một tí thôi, để ông chùi môi cho mày. Con mẹ của chúng mày lang thang đầu đường xó chợ, không để mắt chúng mày nữa rồi”… Rồi ông đưa lòng bàn tay chai sần và đen thủi chùi cặp môi mọng hồng của thằng cháu.

Cả nhà lãng lẽ ăn xong bữa tối rồi rời khỏi bàn ăn. Ông Panteley Prokofievich ra lệnh:

– Vặn nhỏ đèn đi. Dầu đã hiếm thì chớ có dùng phí hoài.

– Có cài then cửa không? – Bà Ilinhitna hỏi.

– Cài lại – Nhưng còn con Natalia?

– Nó về thì sẽ gõ cửa. Chưa biết chừng nó sẽ còn lang thang đến sáng cho mà xem. Cũng đã tập tọng cái thói ấy rồi… Mụ phù thuỷ nầy, mụ cũng chẳng chịu bảo ban gì nó cả! Lại nghĩ ra cái trò chơi ở đêm… Để sáng mai tôi sẽ bảo cho nó. Nó đã coi cái gương của con Daria rồi đấy…

Bà Ilinhitna vào giường nằm nhưng không cởi áo xống. Bà nằm chừng nửa giờ, nín lặng trở mình hết bên nọ đến bên kia, chốc chốc lại thở dài. Bà vừa định trở dậy để đi đến nhà mụ Kapitonovna thì bên ngoài cửa sổ có tiếng chân bước lạo xạo, chập chững, không biết là tiếng chân ai. Bà già nhảy từ trên giường xuống với một vẻ nhanh nhẹn chẳng hợp với tuổi tác chút nào, rồi vội vã chạy ra phòng ngoài mở cửa.

Natalia nhợt nhạt như người chết đang bám vào lan can nặng nề bước lên thềm nhà. Vừng trăng tròn vành vạnh chiếu sáng khuôn mặt tiều tụy, cặp mắt hõm sâu và hai hàng lông mày cong lên đau khổi. Nàng đi lảo đảo như một con thú bị thương nặng, chân bước đến đâu để lại đến đó một vết máu sẫm.

Bà Ilinhitna lặng lẽ ôm lấy nàng, đỡ vào phòng ngoài. Natalia tựa lưng vào cửa, khẽ nói khàn khàn:

– Nhà ta đi ngủ cả rồi à? Mẹ ạ, mẹ chùi hộ những vết máu phía sau con… Mẹ xem, con để lại những vết…

– Sao mày làm khổ thân mày như thế hả con? – Bà Ilinhitna khẽ kêu lên, tiếng nức nở làm bà nghẹt thở.

Natalia cố mỉm cười, nhưng thay cho nụ cười chỉ thấy mặt nàng méo đi, nhăn nhúm, nom thật là thảm hại.

– Đừng nói to mẹ ạ… Nếu không sẽ đánh thức cả nhà dậy mất…

– Dù sao con cũng được giải thoát rồi. Bây giờ trong lòng con đã thanh thản… Nhưng chảy nhiều máu quá… ộc ra như bị chọc tiết ấy… Mẹ đưa tay cho con vịn… Đầu óc con cứ đảo đồng.

Bà Ilinhitna cài then cửa, rồi cứ như vào một nhà lạ, tay bà run rẩy sờ soạng mãi mà chẳng làm thế nào tìm thấy quả nắm cửa phòng trong bóng tối. Bà rón rén đưa Natalia vào trong đánh thức Dunhiaska, bảo cô gái ra ngoài, rồi gọi Daria và châm đèn.

Cái cửa vào bếp vẫn để mở, từ trong đó đưa ra tiếng ngáy đều đặn rất to của ông Panteley Prokofievich. Con bé Poliuska vừa ngủ vừa bập môi một cách khoái trá và iắp bắp nói không biết những gì. Thật chẳng có gì kinh động được giấc ngủ say của một đứa con nít. Trong khi bà Ilinhitna đập gối, sửa soạn giường nằm. Natalia ngồi tạm trên chiếc ghế dài, đầu ngả xuống mép bàn không còn khí lực gì nữa.

Dunhiaska định vào trong nhưng bà Ilinhitna nói một cách nghiêm khắc:

– Cút ra ngoài kia, đồ mặt dày, đừng có vác mặt vào đây! Mày không có việc gì trong nầy cả.

Daria có mang một miếng giẻ ướt ra phòng ngoài. Natalia ngửng đầu dậy một cách khó khăn và nói:

– Mẹ bỏ cái khăn trải giường sạch ra… Mẹ trải cho con một tấm vải thô cũng được,… Đằng nào con cũng làm bẩn hết thôi…

– Thôi im đi! – Bà Ilinhitna ra lệnh. – Cởi áo ra rồi vào nằm đây. – Con đau lắm à? Hay mẹ lấy nước cho con uống nhé!

– Con thấy trong người yếu lắm… Mẹ lấy cho con cái áo sơ-mi sạch và ít nước.

Natalia ráng hết sức để đứng dậy, bước tới cái giường, hai chân chập chững. Đến lúc nầy bà Ilinhitna mới thấy rằng cái váy của Natalia đẫm máu, nặng nề thõng xuống, dính chặt lấy hai chân. Bà hốt hoảng nhìn Natalia cúi xuống vắt vạt váy như người vừa bị mưa và bắt đầu cởi áo xống.

– Mày bị băng hết huyết rồi còn gì. – Bà Ilinhitna nức nở.

Cởi áo xống xong, Natalia nhắm mắt, hơi thở hổn hển và đứt quãng, bà Ilinhitna nhìn nàng một lát rồi cương quyết bước vào bếp.

Bà phải vất vả lắm mới gọi được ông Panteley Prokofievich dậy rồi bảo ông:

– Con Natalia ốm mất rồi. Nó ốm nặng lắm, chỉ lo nó chết mất… ông thắng ngựa ngay lập tức và lên trấn tìm y sĩ đi.

– Mụ chỉ nghĩ ra những chuyện quỷ quái gì ấy? Nó làm sao hả? Nó ốm à? Nếu như đêm tối bớt mò mẫm…

Bằng vài câu vắn tắt, bà già nói cho ông rõ tình hình. Ông Panteley Prokofievich lập tức phát khùng lên, ông nhảy trên giường bước xuống vào nhà trong, vừa đi vừa cài khuy quần.

– Chà, con nhà mất dạy! Chà cái con chó đẻ? Nó lại nghĩ ra cái chuyện như thế à, hả?! Có ai bức bách nó làm như thế không? Để tao lập tức nện cho nó một trận?

– Lão điên rồi hay sao, lão khốn kiếp nầy? Mò đi đâu thế nầy? Đừng vào trong ấy, nó không cần gì đến lão đâu mà vào? Lại làm hai đứa trẻ thức dậy bây giờ! Cút ra sân và thắng ngựa nhanh lên…

Bà Ilinhitna muốn giữ ông già lại, nhưng ông nào có nghe, cứ bước thẳng tới trước cửa phòng trong, đạp toang cánh cửa ra.

– Lại giở đến cái trò nầy nữa, quỷ dữ đẻ ra mày! – Ông đứng ở ngưỡng cửa, quát lên.

Đừng vào trong nầy! Cha đừng có vào! Cha hãy vì Chúa, đừng vào trong nầy? – Natalia áp chiếc áo lót vừa cởi ra lên ngực, kêu lên bằng một giọng the thé.

Ông Panteley Prokofievich văng tục một thôi một hồi bắt đầu tìm áo choàng, mũ cát két, dây thắng ngựa. Ông dềnh dàng lâu quá, đến nỗi Dunhiaska không chịu được nữa, phải nhảy xổ vào trong bếp, vừa mếu máo vừa nổ ra với bố một trận.

– Có đánh xe đi nhanh lên không! Cha làm gì mà rúc loạn lên như con bọ hung trong đống phân như thế hử? Chị Natalia sắp chết đến nơi rồi mà người ta còn sửa soạn mất hàng giờ như thế nầy! Nếu không muốn đi thì cứ bảo cho tôi biết? Tôi sẽ tự thắng lấy ngựa rồi tôi đi!

– Xì mày hoá ngộ rồi đấy à? Làm gì mà máy điên cuồng rồ dại như thế hử? Chỉ còn chưa nghe thấy tiếng mày nữa thôi, cái đồ ghẻ lở thối tha nầy? To tiếng cả với bố mày à, cái con đốn mạt!

Ông Panteley Prokofievich vung chiếc áo choàng về phía con gái, làu bàu khẽ chửi một cầu rồi bước ra sân.

Sau khi ông lên đường, mọi người trong nhà mới cảm thấy nhẹ nhàng một chút, Daria lau rửa sàn nhà kéo bàn xô ghế một cách hung dữ. Ông Panteley Prokofievich đi rồi, Dunhiaska được bà Ilinhitna cho phép vào nhà trong, bèn ngồi bên cạnh đầu giường Natalia, sửa gối, lấy nước cho nàng uống. Bà Ilinhitna chốc chốc lại ra xem hai đứa trẻ ngủ trong căn phòng bên rồi lại vào nhà trong, chống tay lên má, đứng nhìn Natalia rất lâu, đầu lắc lắc một cách đau khổ.

Natalia nằm yêu không nói năng gì, đầu nàng lăn đi lăn lại trên cái gối cùng với những món tóc rũ rượi đẫm mồ hôi. Cứ nửa giờ một lần bà Ilinhitna lại nhẹ nhàng nâng nàng lên, rút cái đệm ướt đẫm ra để thay bằng một cái mới.

Natalia mỗi lúc một yếu đi. Đến nửa đêm nàng mở mắt hỏi:

– Trời đã sắp sáng chưa nhỉ?

– Sắp sáng rồi đấy. – Bà già nói để an ủi nhưng trong bụng bà lại nghĩ: “Như thế là nó không sống được nữa rồi! Nó sợ mê đi không được trông thấy hai đứa con của nó nữa…”

Tự như để chứng thực điều bà dự đoán, Natalia khẽ xin bà:

– Mẹ ơi, mẹ đánh thức cháu Misatka và cháu Poliuska…

– Mày làm sao thế, con yêu của mẹ? Đêm hôm khuya khoắt đánh thức chúng nó dậy làm gì? Nhìn thấy mày chúng nó sẽ sợ, sẽ khóc rầm lên… Đánh thức chúng nó làm gì?

– Con muốn được thấy hai cháu… Con yếu lắm rồi.

– Chúa vẫn che chở cho con, con nói gì thế? Cha sắp đưa ông y sĩ về chữa cho con bây giờ, Con yêu của mẹ, mày cố ngủ đi một lát thì hơn, thế nào?

– Con bây giờ thì ngủ cái gì! – Natalia trả lời, giọng hơi có vẻ bực mình. Nhưng sau đó nàng nằm lặng đi giờ lâu, hơi thở đều đặn hơn trước.

Bà Ilinhitna rón rén ra ngoài thềm, mặc cho nước mắt chảy ròng ròng. Đến lúc bà quay vào phòng trong với khuôn mặt đỏ dừ sưng húp, thì bầu trời đằng đông đã hơi bềnh bệch. Nghe thấy tiếng cánh cửa cọt kẹt, Natalia mở mắt hỏi lần nữa:

– Trời sắp rạng chưa thế?

– Trời đã rạng rồi.

– Mẹ lấy cái áo choàng đắp chân cho con…

Dunhiaska trùm lên chân nàng một cái áo choàng bằng lông cừu và sửa lại cái chăn ấm ở hai bên sườn. Natalia đưa mắt ra ý cám ơn rồi gọi bà Ilinhitna tới gần và bảo:

– Mẹ lại ngồi bên cạnh con một lát, mẹ ạ, còn em, em Dunhiaska và chị, chị Daria hãy ra ngoài kia một lát, tôi có chuyện muốn nói riêng với mẹ… Cả hai ra chưa hả mẹ? – Natalia không mở mắt, hỏi.

– Ra rồi.

– Cha con chưa về à?

– Sắp về rồi. Mày thấy khó chịu hơn hay sao thế?

– Không, con vẫn thế thôi… Chuyện con muốn nói là như thế nầy… Mẹ ạ, con sắp chết đến nơi rồi… Trong lòng con đã cảm thấy như thế. Con đã mất bao nhiều là máu, thật khủng khiếp. Mẹ bảo hộ chị Daria, đề chị ấy nhóm lò, đun thật nhiều nước vào… Mẹ sẽ tự tay tắm rửa cho con, con không muốn để những người khác…

– Natalia? Thôi đi, con yêu của mẹ? Sao mày cứ nói đến chuyện gở như thế? Chúa vốn nhân từ, rồi mày sẽ qua khỏi thôi.

Natalia khẽ động đậy một cách yếu ớt xin mẹ chồng đừng nói nữa, rồi nàng nói tiếp:

– Mẹ đừng ngắt lời con… Con nói đã thấy nhọc lắm rồi, nhưng con lại muốn nói… Đầu óc con đang quay lộn… Con đã nói với mẹ về chuyện nước nôi rồi chứ? Mà kể ra con cũng khỏe lắm… Mụ Kapitonnovna đã làm cho con từ lâu lắm, ngay sau bữa trưa, con vừa đến là làm ngay… Cũng tội nghiệp cho mụ, cả mụ ấy cũng sợ hết hồn… Chao ôi, con đã bị chảy máu nhiều quá… Chỉ cần sống được tới lúc trời sáng… Mẹ bảo đun nhiều nước vào nhé… Con muốn được chết cho sạch sẽ… Mẹ ạ, mẹ mặc cho con cái váy màu xanh lá cây cái có gấu thêu ấy… Anh Griska vẫn thích con mặc cái váy ấy và cái áo pô-pơ-lin… nó nằm trong cái rương, bên trên, dưới chiếc khăn san ấy… Còn hai cháu thì sau khi con chết rồi, mẹ cứ cho đưa hai cháu về bên nhà con… Mẹ cho đi gọi mẹ con, bảo đến ngay… Đã đến lúc con phải chia tay rồi… Mẹ lấy cái đệm lót ra cho con, ướt hết cả rồi…

Bà Ilinhitna luồn tay xuống dưới lưng Natalia rút cái đệm ra, rồi nhét qua loa một cái khác. Natalia chỉ kịp lẩm bẩm:

– Mẹ xoay cho con… nằm nghiêng? – Rồi nàng lập tức mê man.

Ánh bình minh xanh biếc đã nhòm vào các khung cửa cổ.

Dunhiaska rửa một cái thùng, ra sân gia súc vắt sữa bò. Bà Ilinhitna mở toang cửa sổ và làn hơi lạnh tươi mát, nhẹ nhàng, rất khỏe người của buổi sáng mùa hè ập vào căn phòng nhà trong nồng nặc mùi máu tươi nặng nề và mùi dầu tay đốt. Gió lay những đám lá anh đào, làm nhỏ xuống bậu cửa sổ những giọt lệ của sương mai. Vẳng có tiếng chim hót sớm, tiếng bò rống, tiếng roi của trẻ chăn bò quấn đen đét, ngút quãng và rất vang.

Natalia tỉnh lại, nàng mở mắt, đưa đầu lưỡi liếm cặp môi khô khan, mất máu đã vàng ệch, xin uống nước. Cả về hai đứa con lẫn về mẹ, nàng đều không hỏi nữa. Tất cả đều rời bỏ nàng và xem ra lần nầy là vĩnh viễn…

Bà Ilinhitna khép cửa sổ, bước tới bên giường. Chỉ qua một đêm mà Natalia đã thay đổi đáng sợ biết bao! Mới hôm trước nom nàng còn như một cây táo non đang độ rộ hoa, đẹp, khỏe, tràn trề sức sống, thế mà bây giờ cặp má của nàng trắng bệch hơn cả lớp đá phấn trên quả núi ven sông Đông, mũi nàng nhọn hẳn ra, môi nàng mất hết cái vẻ tươi thắm gần đây, mỏng hẳn đi và hình như khó che nổi hai hàm răng nhô ra ngoài. Riêng hai con mắt còn giữ được cái ánh long lanh trước kia, nhưng vẻ nhìn cũng đã khang khác. Có một cái gì mới mẻ, xa lạ và làm người ta sợ thoáng hiện trong cặp mắt Natalia khi lâu lâu nàng lại bị thôi thúc bởi một nhu cầu không sao giải thích được, phải ngước hai cái mi mắt xanh xanh, nhìn lướt quanh căn phòng rồi dừng lại một giây để nhìn bà Ilinhitna.

Đến lúc mặt trời mọc ông Panteley Prokofievich về đến nhà.

Mệt nhoài vì nhiều đêm không được chợp mắt và vì phải luôn luôn chăm sóc những người mắc bệnh thương hàn và bị thương, người y sĩ đang ngái ngủ vươn vai bước trên Xemenovsky xuống, rồi cầm lấy một cái gói nhỏ để trên ghế ngồi, bước vào trong nhà. Lên đến trên thềm, anh ta cởi áo mưa vải bạt, khom người qua lan can, rửa rất lâu hai bàn tay lông lá. Anh ta ngước nhìn Dunhiaska cầm bình nước đổ vào lòng bàn tay cho mình, thậm chí nháy mắt với cô gái hai ba lần.

Rồi anh ta vào nhà trong, ở lại bên cạnh Natalia chừng mười phút sau khi bảo tất cả mọi người ra ngoài.

Ông Panteley Prokofievich và bà Ilinhitna ngồi trong bếp.

– Thế nào bây giờ nó thế nào rồi? – Hai người vừa bước ra khỏi phòng trong, ông già hỏi thầm thì.

– Nguy lắm…

– Cái việc ấy nó đã tự ý làm như thế à?

– Tự nó đã quyết định làm như thế đấy… – Bà Ilinhitna tránh không trả lời thẳng vào câu hỏi.

– Cho ít nước nóng mau lên? – Ngài y sĩ nhô cái đầu bù xù của anh ta ra khỏi cửa, ra lệnh.

Trong khi chờ nước sôi, anh ta bước vào bếp. Thấy ông già ngước mắt nhìn có ý hỏi, anh ta khoát tay một cách tuyệt vọng:

– Chỉ sống được đến bữa trưa là cùng. Băng huyết một cách khủng khiếp. Không còn làm gì được nữa rồi? Nhưng nhà ta đã báo cho ngài Grigori Panteleevich biết tin chưa?

Ông Panteley Prokofievich không trả lời, vội vã khập khiễng bước ra phòng ngoài. Daria thấy ông già đi tới phía sau cái máy giặt để dưới hiên nhà kho, gục đầu vào đống phân bò khô để dành từ năm ngoái, khóc nức nở…

Người y sĩ nán lại thêm chừng nửa giờ. Anh ta ngồi trên thềm nhà, ngủ gà ngủ gật dưới ánh bình minh, rồi khi nước đã sôi, anh ta lại vào phòng trong tiêm cho Natalia một phát bạc hà rồi xin ăn sữa.

Anh ta phải vất vả lắm mới giữ được cho mình khỏi ngáp, uống hết hai cốc sữa và nói:

– Nhà ta chở xe cho tôi về ngay bây giờ. Trên thị trấn ở chỗ tôi còn có những người ốm và bị thương, mà tôi ở lại đây cũng chẳng được tích sự gì. Tôi cũng muốn hết lòng giúp đỡ ngài Grigori Pantelevich đấy, nhưng tôi xin nói thành thực rằng tôi không thể giúp gì được nữa rồi. Chúng tôi chỉ có thể làm được những việc tầm thường, chỉ chữa được bệnh cho người ốm, còn cái việc làm cho người chết sống lại thì còn chưa học. Nhưng bác nhà ta lại đã bị họ làm cho chẳng còn gì để mà sống nữa rồi… Tử cung bị rách nát, thật quả chẳng còn chỗ nào nguyên lành. Xem ra mụ già ấy đã dùng một cái móc sắt. Đối với sự tối tăm dốt nát của chúng ta thì chẳng còn có thể làm gì được đâu?

Ông Panteley Prokofievich bỏ một ít rơm lên chiếc xe ngựa bốn bánh rồi bảo Daria.

– Mày sẽ đưa bác ấy về. Nhưng xuống tới sông Đông thì đừng quên cho con ngựa uống nước đấy.

Ông nói với người y sĩ để anh ta nhận ít tiền, nhưng người ấy dứt khoát không nhận, làm ông già ngượng chín cả người.

– Cụ Panteley Prokofievich ạ, cụ đem chuyện ấy ra nói mà không thấy thẹn hay sao. Người nhà với nhau cả mà cụ còn tiền với nong. Không, không, cụ đừng cầm tiền lại gần tôi. Làm thế nào mà cảm ơn ấy à? Chuyện ấy thì không cần nói làm gì? Nếu tôi chữa được cho bác ấy, cho con dâu cụ sống lại được thì lại là chuyện khác.

Đến khi trời đã sáng, lúc khoảng 6 giờ. Natalia cảm thấy có phần dễ chịu hơn. Nàng xin được lau rửa, chải đầu trước cái gương Dunhiaska cầm hộ, đưa mắt nhìn một lượt mọi người trong nhà, ánh mắt bừng bừng một cách khác thường rồi gắng gượng mỉm cười.

– Thôi bây giờ con bắt đầu đỡ rồi! Thế mà con cứ lo quá… Cứ ngỡ đối với con, tất cả thế là hết… Nhưng hai đứa nhỏ làm gì mà ngủ trưa thế nhỉ? Cô Dunhiaska, cô chạy vào xem hộ hai cháu đã dậy chưa?

Mụ Lukinnhitna và con Grisápca đã đến. Mụ già nhìn con gái, khóc oà lên, nhưng Natalia nói liến thoắng, giọng xúc động:

– Sao mẹ lại khóc hả mẹ! Con cũng không đến nỗi đâu… Mẹ và em có phải đến để đưa đám con đâu? Chà, thật ra có gì mà phải khóc như thế?

Con Grisapca khẽ đụng vào người mẹ nó. Mụ kia chợt hiểu ra bèn lau ngay nước mắt, an ủi con:

– Sao mày lại nói thế, con yêu của mẹ, mẹ chảy nước mắt cũng chỉ vì ngớ ngẩn đấy thôi. Nhìn thấy mày, lòng mẹ đau thắt lại… Nhưng mày thay đổi quá nhiều…

Khi nghe tin thằng Misatka nói và tiếng con Poliuska cười, hai gò má Natalia hơi ửng lên:

– Gọi chúng nó vào đây? Gọi chúng nó mau lên? – Nàng bảo. – Chúng nó cứ vào rồi hãy mặc quần áo cũng được…

Con Poliuska bước vào trước. Đến ngưỡng cửa nó đứng lại, đưa nắm tay lên dụi cặp mắt ngái ngủ.

– Mẹ của con ốm mất rồi… – Natalia mỉm cười nói. – Lại đây với mẹ đi, con gái yêu của mẹ!

Con Poliuska ngạc nhiên nhìn những người lớn ngồi nghiêm trang trên những chiếc ghế dài, rồi vừa bước tới gần mẹ nó vừa nói giọng buồn rầu:

– Sao mẹ không đánh thức con dậy? Và tại sao mọi người đều đến tất cả như thế nầy.

– Đến thăm mẹ đấy… Nhưng con thì mẹ đánh thức con dậy làm gì? Con sẽ lấy nước cho mẹ uống, sẽ ngồi với mẹ…

– Thôi, con ra ngoài lau rửa đi, chải đầu, cầu kinh xong rồi lại vào đây ngồi với mẹ.

– Thế mẹ có dậy ăn sáng không?

– Mẹ không biết. Có lẽ không đâu.

– Thế thì con sẽ mang vào đây cho mẹ nhé, có được không hả mẹ?

– Thật hệt như bố nó, nhưng trái tim nó không giống bố nó, dịu dàng hơn nhiều… – Natalia mỉm một nụ cười yếu ớt, ngả đầu ra sau, rồỉ bất chợt thất lạnh, vội lấy chân kéo căng cái chăn.

Một giờ sau, Natalia yếu đi. Nàng vẫy ngón tay gọi hai con lại với mình, ôm lấy chúng nó, làm dấu phép, hôn chúng nó rồi xin mẹ đưa chúng nó về bên mụ. Mụ Lukinhitna bảo con Grisapca dẫn hai đứa bé ra ngoài còn mình thì ở lại bên con gái.

Natalia nhắm mắt nói như trong cơn mê:

– Thế là mình không còn được nhìn thấy anh ấy nữa rồi… – Sau đó tựa như chợt nhớ ra điều gì, nàng nhỏm dậy rất nhanh. – Cho cháu Misatka quay lại đây!

Con Grisapca mếu máo đẩy thằng bé vào phòng trong, còn nó thì đứng lại trong bếp, rên rỉ kể lể rất khẽ.

Thằng Misatka rụt rè bước tới gần cái giường với khuôn mặt âm thầm và hai con mắt chẳng có vẻ gì âu yếm của nhà Melekhov.

Những nét biến đổi đột ngột trên mặt mẹ nó làm mẹ nó nom khác hẳn, gần như không thể nhận ra được nữa. Natalia kéo thằng con trai của nàng vào với mình và cảm thấy trái tim nhỏ nhoi của thằng Misatka đập thình thịch rất nhanh, y như trái tim của một con chim sẻ bị bắt.

– Cúi xuống với mẹ đi, con trai của mẹ? – Natalia bảo nó.

Nàng rỉ tai thằng Misatka không biết những gì, nói xong đẩy nó ra, mím chặt cặp môi run run, nhìn vào mắt nó một cách thăm dò, rồi gượng nở một nụ cười đau khổ, rất đáng thương và hỏi nó:

– Con không quên chứ? Con sẽ nói chứ?

– Con không quên đâu… Thằng Misatka nắm lấy ngón tay trỏ của mẹ nó, giữ chặt trong nắm tay nhỏ xíu, nóng hổi của nó chừng một phút rồi buông ra. Nó rời khỏi cái giường, không hiểu sao chân đi rón rén, hai tay lủng lẳng…

Natalia đưa mắt nhìn theo nó ra đến cửa rồi lặng lẽ quay mặt vào tường.

Đến giữa trưa thì nàng qua đời.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.