Sông Đông êm đềm
Chương 209
Trong hai ngày đường từ mặt trận trở về nơi thôn xóm chôn nhau cắt rốn, Grigori đã sống với bao nhiêu ý nghĩ và hồi ức… Đề khỏi phải đi một thân một mình trên đồng cỏ với những ý nghĩ không lúc nào nguôi về Natalia, chàng đã đem Prokho Zukov đi theo. Vừa ra khỏi chỗ đóng quân của đại đội, Grigori đã bắt đầu nói chuyện về chiến tranh, chàng kể lại hồi mình đi lính trong trung đoàn Mười hai trên mặt trận Áo, hồi mình lang thang trên đất Rumani, hồi đánh nhau với quân Đức. Chàng nói không ngơi miệng, nhắc lại tất cả những chuyện tếu đã xảy ra với những tên đồng đội của mình, phá lên cười…
Vốn là một anh chàng ngây ngô chất phác, đầu tiên Prokho còn liếc nhìn Grigori, trong lòng thắc mắc và rất ngạc nhiên vì thấy chàng tự nhiên đâm ra thích nói chuyện như thế. Nhưng sau đó, hắn cũng hiểu được rằng chàng chỉ muốn dùng những hồi ức từ ngày xửa ngày xưa để đánh lạc những ý nghĩ nặng nề, vì thế hắn cũng bắt đầu tiếp chuyện chàng và thậm chí hình như có phần quá mức. Prokho kể lại một cách hết sức tỉ mỉ những điều hắn đã được thấy hồi hắn nằm nhà thương Chernhikov. Nhưng đến khi ngẫu nhiên đưa mắt nhìn Grigori, hắn lại thấy nước mắt chàng chảy đầm đìa trên hai bên má rám nâu… Prokho bèn giữ ý, ghìm ngựa đi lui lại phía sau vài xa-gien, và cứ cho ngựa đi như thế chừng nửa tiếng đồng hồ. Rồi hắn lại cho ngựa lên ngang với chàng, thử nói về một chuyện lặt vặt, chẳng có ý nghĩa gì lắm, nhưng Grigori không muốn nói chuyện nữa. Vì thế hai người cứ lặng thinh cho ngựa chạy nước kiệu đến trưa bên cạnh nhau, bàn đạp sát bàn dạp.
Grigori thúc ngựa bạt mạng. Tuy trời rất nóng, chàng văn cho ngựa phóng không nước đại thì cũng nước kiệu nhanh, năm thì mười hoạ mới chuyển sang bước một. Đến giữa trưa, khi những tia nắng dội thẳng từ trên đỉnh đầu bắt đầu thiêu đốt không sao chịu được nữa, chàng mới đừng lại ở một cái khe, tháo yên cho ngựa đi lại ăn cỏ, còn mình thì vào một chỗ râm mát, nằm úp xuống đất, và cứ nằm như thế cho đến lúc trời bớt oi bức. Hai người cũng có cho ngựa ăn lúa yến mạch một lần, nhưng Grigori không cho ngựa ăn theo đúng giờ giấc quy định. Tuy đã quen chạy đường trường, nhưng chỉ sau một ngày một đêm, cặp ngựa của hai người đã gầy rộc, không còn giữ được nước khi vùn vụt không biết mệt lúc đầu nữa. Prokho bực tức nghĩ thầm: “Như thế nầy thì giết chết ngựa dễ như bỡn. Có ai lại cưỡi ngựa theo kiểu như thế nầy bao giờ? Thằng quỷ dữ, nó thì chẳng sao cả, cứ thúc con ngựa của nó chạy kiệt sức rồi bất cứ lúc nào cũng có ngay một con khác để đóng yên, còn mình thì mò đâu ra? Mẹ khỉ, cứ phóng mãi như thế nầy thì cũng đến phải cuốc bộ một chặng xa mới về tới thôn Tatarsky hoặc phải ngồi xe bò thôi!”.
Sáng hôm sau, khi tới gần một thôn của trấn Fedorseevskaia, hắn không chịu được nữa bèn nói với Grigori:
– Có thể nói là từ lúc cha sinh mẹ đẻ anh chưa làm chủ một con ngựa bao giờ. Anh thử xem, ai lại bắt nó chạy suối ngày suốt đêm, chẳng cho nghỉ ngơi ăn uống gì cả như thế nầy? Anh hãy xem hai con ngựa sút đi đã ghê chưa? Ít nhất đến bữa chiều cũng phải cho ăn cẩn thận mới được.
– Cứ đi đi, đừng có đứng lại. – Grigori thẫn thờ trả lời.
– Tôi không đuổi theo anh được nữa đâu, con ngựa của tôi đã lử rồi. Hay ta nghỉ một lát đã?
Grigori cứ nín thinh. Hai người tiếp tục cho ngựa chạy nước kiệu nửa giờ, không ai nói với ai câu nào. Mãi sau Prokho mới nói dứt khoát:
– Cũng phải cho hai con ngựa lấy lại hơi một chút chứ? Tôi không đi tiếp như thế náy nữa đâu! Anh có nghe thấy không?
– Cứ đi đi cứ đi đi!
– Đi đến bao giờ mới thôi! Phải chờ đến long móng nữa hay sao?
– Không nói nữa!
– Anh hãy thương tôi một chút, anh Grigori Pantelevich? Tôi không muốn lột da con ngựa của tôi đâu, mà tình hình rồi cũng đến nông nỗi ấy thôi…
– Thôi được thế thì dừng lại, quỉ dữ bắt cậu đi! Nhưng xem chỗ nào có cỏ thật tốt ấy.
Bức điện đã mò mẫm rất lâu để đi tìm Grigori qua các trấn của khu Khopesky, đến nơi thì đã quá muộn. Chôn cất Natalia được ba ngày Grigori mới về đến nhà. Chàng xuống ngựa trước cổng xép, vừa bước vào thì thấy Dunhiaska khóc nức nở ở trong nhà chạy ra.
Chàng vừa đi vừa ôm hôn em gái và cau mày nói:
– Mày dắt con ngựa cho nó đi lâu lâu một chút nhé… Nhưng đừng gào lên nữa? – Rồi chàng quay lại bảo Prokho – Cậu về nhà đi! Có cần gì mình sẽ bảo sau.
Bà Ilinhitna ra thềm đón con, tay dắt thằng Misatka và con Poliuska.
Grigori ôm chầm lấy hai đứa trẻ và nói giọng run run:
– Nhưng đừng kêu gào gì nhé! Đừng khóc lóc gì nhé! Hai con yêu của bố! Thế là côi cút cả rồi! Thôi thôi… thôi thôi… Mẹ các con đã cho bố con ta một đòn rồi…
Và chàng phải hết sức cố gắng mới nén được tiếng nức nở, vào trong nhà chào bố.
– Đã không cứu được nó nữa. – Ông Panteley Prokofievich chỉ nói thế rồi lập tức khập khiễng bỏ ra phòng ngoài.
Bà Ilinhitna đưa Grigori vào nhà trong, kể lể rất lâu về Natalia. Bà già không muốn nói hết mọi điều, nhưng Grigori hỏi:
– Tại sao nhà con lại tính đến chuyện không đẻ, mẹ có biết không?
– Có tao có biết.
– Thế thì tại sao?
– Trước hôm ấy nó có đến nhà cái con của mày, cái con ấy… con Acxinhia kể cho nó nghe tất cả…
– À ra thế ư? – Grigori đưa mắt nhìn xuống, mặt đỏ như gấc.
Chàng ở phòng trong bước ra, mặt mày nhợt nhạt, già hẳn đi. Cặp môi xám ngoét run lẩy bẩy lắp bắp nhưng không ra tiếng, chàng ngồi vào bàn, cho hai đứa con ngồi lên đầu gối, vuốt ve chúng rất lâu. Rồi chàng moi trong túi dết ra một miếng đường xám xịt vì bụi bặm, đặt vào lòng bàn tay, lấy dao bổ làm đôi, mỉm cười như nhận lỗi:
– Quà của hai con tất cả chỉ có thế nầy thôi… Bố của các con như thế đấy… Thôi hai đứa chạy ra sân mời ông vào đây.
– Mày ra thăm mộ chứ? – Bà Ilinhitna hỏi.
– Sau hãy đi cũng được… Người chết không biết giận đâu… Hai cháu Misatka và Poliuska như thế nào hả mẹ? Không sao cả chứ?
– Hôm đầu chúng nó kêu khóc quá lắm, nhất là con Poliuska… Nhưng bây giờ chúng nó tựa như đã hẹn với nhau, khi có mặt chúng tao, chúng nó không nhắc tới mẹ nữa. Tuy vậy đêm qua tao vẫn nghe thấy thằng Misatka khẽ khóc thút thít… Nó rúc đầu vào gối để khỏi có người nghe thấy… Tao bước tới hỏi nó: “Cháu làm sao thế, cháu yêu của bà? Hay sang ngủ với bà nhé!” Nhưng nó lại bảo: “Chẳng có gì đâu bà ạ, có lẽ cháu ngủ mê đấy…” Mày phải năng chuyện trò với chúng nó, thương lấy chúng nó… Sáng hôm qua tao nghe thấy hai đứa nói chuyện với nhau ở phòng ngoài. Con Poliuska nó bảo: “Rồi mẹ sẽ lại về với chúng mình thôi. Mẹ còn trẻ mà những người trẻ thì không chết thật đâu”. Chúng nó còn chưa hiểu gì, nhưng trong lòng chúng nó cũng đau đớn chẳng khác gì người lớn… Nhưng có lẽ mày cũng đói rồi phải không? Ngồi chờ một lát, để mẹ lấy cái gì cho mà ăn. Nhưng sao cứ nín thinh như thế?
Grigori bước vào phòng trong. Cứ như mới đến đây lần đầu, chàng nhìn chăm chú những bức tường, dừng mắt trên cái giường gọn ghẽ với những chiếc gối đập phồng. Natalia đã chết trên cái giường nầy, nàng đã trối trăn những lời cuối cùng trên cái giường nầy… Grigori tưởng tượng cảnh Natalia từ biệt hai đứa trẻ, hôn chúng nó và chắn hẳn có làm dấu phép chúc phước cho chúng nó, rồi cũng như lúc mới đọc bức điện báo tin vợ chết, chàng lại cảm thấy trái tim mình đau nhói, day dứt, và cứ như có những tiếng chuông rung trầm trầm trong tai.
Mỗi vật nhỏ nhặt trong nhà đều nhắc tới Natalia. Những hồi ức về nàng không sao xưa đuổi được và làm chàng rất đau khổ. Không hiểu sao Grigori đi khắp các phòng một lượt rồi vội vã, gần như chạy bỏ ra ngoài thềm. Cái đau trong tim mỗi lúc một thêm nhức nhối.
Mồ hôi đổ ra đầm đìa trên trán chàng. Chàng bước từ trên thềm xuống, hoảng sợ áp tay lên bên trái ngực, bụng bảo dạ: “Đúng là đèo cao dốc đứng đã làm kiệt sức con ngựa xám nầy rồi…”.
Dunhiaska vẫn còn dắt con ngựa đi ngoài sân. Khi đến gần nhà thóc, con ngựa cưỡng lại dây cương, đứng lại, vươn cổ cong môi trên, nhe những cái răng vàng khè vừa to vừa bẹt, hít hít mặt đất, thở phì phì rồi lóng ngóng khuỵu hai chân trước xuống. Dunhiaska kéo dây cương, nhưng con ngựa không nghe, bắt đầu nằm xuống.
– Đừng cho nó nằm! – Ông Panteley Prokofievich đứng trong chuồng ngựa quát vọng ra. – Mày không thấy nó vẫn còn đóng yên à! Tại sao không tháo yên ra, cái con quỷ ngu xuẩn nầy?
Vẫn còn để ý xem trong ngực mình như thế nào, Grigori từ từ đi tới gần con ngựa, tháo yên cho nó, rồi chàng cố tự chủ, hỏi Dunhiaska:
– Cha vẫn hay quát tháo à?
– Cũng vẫn như xưa. – Dunhiaska mỉm cười lại với anh.
– Dắt cho nó đi thêm một lát nữa em ạ.
– Nó ráo mồ hôi rồi, nhưng được, em sẽ dắt thêm.
– Cứ mặc cho nó lăn ra đất, đừng ngăn nó.
– Thế nào anh… Buồn lắm à?
– Thế em nghĩ là như thế nào? – Grigori thở dài trả lời.
Dunhiaska bỗng thấy thương hại, bèn hôn lên vai anh một cái rồi không hiểu sao luống cuống đến chảy cả nước mắt, cô vội vã quay đi dắt con ngựa vào sân gia súc.
Grigori bước tới với bố. Ông già đang cào rất cẩn thận những đống phân trong chuồng ngựa ra.
– Tao sửa soạn chỗ cho con ngựa chiến của mày đây.
– Sao cha không bảo con làm? Con dọn lấy cũng được mà.
– Sao mày lại nghĩ như thế? Chẳng nhẽ tao đã kiệt hết sức lực rồi hay sao? Người anh em ạ, tao thì cũng như khẩu súng kíp ấy. Sẽ không bao giờ mòn hỏng được! Vẫn còn có thể nhảy nhót đi lại chút ít. Tao đang định ngày mai sẽ đi gặt lúa đại mạch đây. Thế mày được về nhà có lâu không?
– Được một tháng.
– Thế thì tốt quá! Bố con ta sẽ cùng ra đồng chứ? Làm việc thì mày sẽ thấy nhẹ nhõm hơn…
– Chính con cũng đã định như thế.
Ông già ném cái chàng nạng xuống, đưa tay áo lên mặt chùi mồ hôi và nói giọng tâm tình:
– Thôi ta lên nhà, mày ăn bữa trưa đi. Với nó, với cái buồn phiền nầy thì chẳng còn có chỗ nào mà lẩn trốn đâu… Chẳng chạy đâu cho thoát mà cũng chẳng trốn vào đâu được. Tất nhiên là như thế rồỉ…
Bà Ilinhitna bày bàn ăn và đưa cho Grigori một chiếc khăn tay sạch. Grigori nghĩ thầm: “Trước kia là Natalia cho mình ăn…” Để khỏi lộ vẻ xúc động, chàng bắt đầu ăn rất nhanh. Khi thấy bố mang từ dưới hầm nhà lên một bình rượu nặng nút rơm, chàng nhìn ông già với cả một tâm trạng biết ơn.
Chúng ta hãy tưởng nhớ tới người đã khuất, cầu cho nó được hưởng phúc nơi thiên đường. Ông Panteley Prokofievich nói giọng rắn rỏi.
Hai cha con uống cạn mỗi người một cốc. Ông già thở dài, từ từ rót thêm:
– Mới có một năm mà gia đình nhà ta đã mất đi hai người… Thần chết đã quyến luyến nhà ta mất rồi.
– Thôi không nói đến chuyện ấy nữa, cha ạ! – Grigori van bố.
Chàng uống một hơi hết cốc thứ hai rồi nhai rất lâu một miếng cá khô chờ hơi men bốc lên đầu, át những ý nghĩ ám ảnh.
– Lúa đại mạch năm nay tốt ra tốt? Mà so với lúa các nhà khác, lúa nhà ta gieo lại càng tốt đặc biệt! – Ông Panteley Prokofievich nói khoe, và trong cái vẻ khoe khoang ấy, trong giọng nói của ông, Grigori nhận thấy có một cái gì như cố ý, giả tạo.
– Thế còn lúa mì?
– Lúa mì ấy à? Có hỏng một chút, nhưng cũng chẳng sao, mỗi đê-xi a-chin cũng được ba mươi nhăm, bốn mươi pút. Giống Garnovka, chà, nhà người ta gieo thì tốt tốt là, còn nhà ta thì tai hại quá, lại không gieo được. Nhưng tao cũng không tiếc lắm đâu? Loạn lạc như thế nầy thì thóc lúa đem làm gì bây giờ? Không chở đi Paramonov mà bán được, cũng chẳng giữ được trong nhà thóc. Hễ mặt trận lan tới là các ông đồng chí sẽ vơ vét hết, sẽ liếm sạch cho mà xem.
Nhưng mày cứ yên trí, dù năm nay không thu hoạch gì cả, nhà ta vẫn còn đủ thóc để ăn trong hai năm. Nhà ta, lạy Chúa tôi, các vựa lúa đều ngập đến lỗ mũi ấy, mà lại còn những chỗ khác nữa chứ… – Ông già nháy mắt tinh quái và nói – Mày cứ hỏi con Daria mà xem chúng ta đã đem chôn bao nhiêu để phòng những ngày đen tối? Một cái hố cao bằng đầu mày, mỗi chiều một sải rưỡi, đổ đầy đến miệng ấy! Cái cuộc sống chết tiệt nầy cũng có làm nhà ta nghèo đi một chút, nếu không chúng ta cũng là một nhà có của ăn của để đàng hoàng… – Ông già phá lên cười say sưa với câu pha trò của mình, nhưng chỉ một lát sau ông đã sửa lại bộ râu một cách oai vệ rồi nói bằng một giọng đã trở lại thiết thực và nghiêm trang:
– Có lẽ mày cũng có lo cho mẹ vợ mày, nhưng tao cũng nói cho mày biết: tao không quên bà ấy đâu và có đến giúp đỡ trong lúc bên ấy gặp khó khăn đấy. Bà ấy chưa kịp hé răng nói một lời nào thì ngay hôm sau tao đã nhổ đầy thóc vào một cái xe bò, chẳng cần đong gì cả, và chở ngay đến. Con Natalia vừa mồ yên mả đẹp thấy thế sung sướng quá chảy cả nước mắt… Nhưng con ạ, ta uống thêm cốc thứ ba nữa chứ? Bây giờ tao chỉ còn được một niềm vui là mày đấy thôi!
– Vâng, nào thì thêm một cốc. – Grigori nhận lời và đẩy cái cốc tới Trong khi đó thằng Misatka nghiêng nghiêng người, rụt rè bước tới gần bàn ăn. Nó leo lên đầu gối bố nó rồi lóng ngóng đưa tay trái ra ôm cổ, hôn mạnh lên môi bố nó một cái.
– Mày có chuyện gì thế, con trai của bố? – Grigori xúc động vừa hỏi vừa nhìn vào hai con mắt mờ đi sau những giọt nước mắt của đứa con nít và cố nín thở để khỏi phả hơi rượu nồng nặc vào mặt nó.
Thằng Misatka khẽ trả lời:
– Lúc mẹ con nằm ở nhà trong, lúc mẹ còn sống ấy, mẹ có gọi con vào và bảo con nói với bố thế nầy nầy: “Bao giờ bố về, con lại hôn bố và dặn bố thương lấy các con”. Mẹ còn nói gì gì nữa ấy, nhưng con quên mất rồi…
Grigori đặt cái cốc xuống, quay mặt ra cửa sổ. Không khí trong phòng nặng nề chết lặng giờ lâu.
– Ta uống hết đi chứ? Ông Panteley Prokofievich khẽ bảo.
– Con không muốn uống nữa. – Grigori đặt thằng con nhỏ trên đầu gối xuống, đứng dậy và vội vã bước ra phòng ngoài.
– Hượm đã con, còn món thịt nữa mà? Chúng ta còn món gà ninh, còn bánh tráng nữa! – Bà Ilinhitna chạy bổ ra chỗ bếp lò, nhưng Grigori đã đóng cửa đánh sầm.
Chàng đi lăng quăng một lát ngoài sân, chẳng hiểu để làm gì, rồi ra xem sân nuôi gia súc, xuống chuồng ngựa. Nhìn thấy con ngựa, chàng nghĩ thầm: “Phải tắm cho nó mới được” nghĩ rồi bước xuống dưới mái hiên nhà kho. Bên cái máy gặt sửa soạn để ra đồng, chàng thấy những mảnh gỗ thông, những vỏ bào, vài mẩu ván cưa chéo.
“Cha đóng quan tài cho Natalia”, – Chàng nghĩ thế và bước vội ra thềm.
Thấy con trai cố nài kỳ được, ông Panteley Prokofievich cũng phải nghe theo. Ông sửa soạn qua quít, thắng hai con ngựa vào cái gặt và đến đêm thì hai bố con ra đồng.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.