Sông Đông êm đềm

Chương 211 phần 1



Những đám mây đen phủ kín bầu trời. Mưa rơi lăn tăn như rắc nước qua cái rây. Lớp cỏ non mới mọc sau vụ cắt cỏ, những bụi râm, những đám mận dại mọc rải rác trên đồng cỏ đều mang những ánh nhấp nhoáng.

Vì phải ra đi quá sớm nên Prokho hết sức buồn bực. Hắn cứ ngậm tăm trên lưng ngựa, suốt chặng đường chẳng nói với Grigori câu nào. Khi đi quá thôn Xevaxchianovsky, hai người gặp ba gã Cô-dắc cưỡi ngựa. Chúng dùng gót ủng thúc ba con ngựa chạy song song và chuyện trò sôi nổi. Trong bọn có một gã có tuổi, râu ngô, mặc áo choàng kiểu nông dân may bằng loại da màu xám nhà dệt lấy. Từ xa gã đã nhận ra Grigori bèn nói to với hai bạn đồng hành: “Nhưng anh em ạ, Melekhov đấy mà?” Và khi tới ngang với chàng, gã ghìm con ngựa to lớn màu hạt dẻ.

– Chào anh, anh Grigori Panteleevich! – Gã chào Grigori.

– Chào anh? – Grigori vừa chào lại vừa cố moi óc nhớ lại xem mình đã gặp gã Cô-dắc râu ngô, mặt mũi âm thầm nầy ở đâu rồi nhưng không nhớ ra được.

Xem ra tên nầy mới được thăng cấp chuẩn uý chưa bao lâu, vì thế để khỏi bị coi là một thằng Cô-dắc binh bét, gã đã đính ngay hai cái lon mới toanh lên áo choàng.

– Anh không nhận ra à?

Gã vừa hỏi vừa cho ngựa đi sát tới nơi và chìa một bàn tay rộng bè bè, mọc đầy lông đỏ như lửa, hơi gã thở ra nồng nặc mùi rượu nặng. Một vẻ tự mãn ngu xuẩn làm nở nang mặt mày tên chuẩn uý mới ra lò, cặp mắt ti hí màu xanh da trời long lanh, môi gã dành ra trong một nụ cười dưới hàng ria hung hung.

Vẻ dơ dáng dại hình của tên sĩ quan mặc áo choàng nông dân nầy bỗng làm Grigori thấy vui vui. Chàng không giấu vẻ châm biếm, trả lời:

– Không nhận ra thật. Đúng là mình đã gặp cậu từ hồi cậu còn là lính trơn… Cậu được thăng cấp chuẩn uý mới gần đây phải không?

– Anh đoán một cái là đúng ngay! Tôi mới được đề bạt một tuần nay thôi. Tôi đã được gặp anh tại Bộ tư lệnh của Kudinov ấy mà, hình như trước ngày Lễ Báo(313) thì phải. Hôm ấy anh đã cứu tôi thoát một tai nạn, anh cố nhớ lại xem nào? Nầy, Tơrifon? Các cậu cứ cho ngựa đi từ từ, mình sẽ đuổi theo? – Tên râu xồm kêu to với hai gã Cô-dắc đang đứng chờ gần đấy.

(313)  Lễ kỷ niệm ngày thiên sứ báo cho Đức mẹ đồng trinh biết rằng bà đang có mang Giêsu, vào ngày 25 tháng 3 lịch Nga cũ. (N.D)

Cuối cùng Grigori đã nhớ ra một cách rất vất vả trường hợp trong đó chàng đã gặp gã chuẩn uý râu ngô nầy, rồi chàng nhớ ra cả cái biệt hiệu của gã là “Hai xu” lẫn những lời Kudinov nhận xét về gã: “Cái thằng đáng nguyền rủa, nó bắn chẳng bao giờ trượt phát nào đâu? Nó dùng súng trường hạ được cả những con thỏ đang chạy, chiến đấu thì liều lĩnh táo bạo, trinh sát cũng cừ, nhưng trí khôn chỉ bằng đứa con nít”. Hồi bạo động, “Hai xu” chỉ huy một đại đội, gã đã làm không biết một việc gì sai trái, vì thế Kudinov định trị tội gã, nhưng nhờ có Grigori bênh vực nên “Hai xu” được tha tội và vẫn được giữ chức đại đội trưởng.

– Cậu từ mặt trận trở về đấy à? – Grigori hỏi.

– Đúng thế đấy, tôi đã nhận phép ra đi từ một chỗ gần Novokhovpecsk. Tôi đã đi vòng một quãng nhỏ, chừng một trăm rưởi vec-xta để tạt qua Slasevskaia, vì ở đấy tôi có vài người họ hàng. Anh Grigori Pantelevich ạ, ai làm ơn cho tôi thì tôi nhớ! Anh làm ơn đừng từ chối nhé, tôi muốn thết anh một chầu, có được không? Tôi có mang trong túi dết hai chai rượu nguyên chất, chúng ta đem ra uống cho hết ngay bây giờ nhé!

Grigori dứt khoát từ chối không uống, nhưng khi gã kia đưa biếu chàng một chai thì chàng nhận.

– Tình hình ở ngoài ấy quả là hay! Anh em Cô-dắc cũng như các sĩ quan tha hồ nhét đầy túi! – “Hai xu” kể, giọng khoe khoang. – Tôi cũng có mặt ở Balasov. Sau khi đánh chiếm được, việc đầu tiên của chúng tôi là xông thẳng ra đường sắt, ở đấy có cơ man nào đoàn xe, tất cả các tuyến đường đều tắc hết. Toa thì đường, toa thì quần áo quân đội, toa thì đủ mọi thứ đồ dùng. Anh em Cô-dắc có cậu cuỗm tới bốn mươi bộ quần áo! Sau đó mới đi hành bọn Do Thái, được một mẻ cười? Trong nửa đại đội do tôi chỉ huy có một thằng nhanh tay nhanh chân lấy được của bọn Do Thái mười tám chiếc đồng hồ bỏ túi trong số đó có mười chiếc bằng vàng. Cái thằng chó đẻ, nó đeo loằng ngoằng trước ngực, nom cứ như một thằng lái buôn giàu bậc nhất ấy! Còn nhẫn vàng nhẫn ngọc của nó thì không đếm sao cho xuể! Mỗi ngón tay đến hai ba cái…

Grigori chỉ mấy cái túi yên căng phềnh của “Hai xu” và hỏi:

– Thế cậu có những cái gì đây?

– Đấy ấy à đủ mọi thứ lủng củng lỉnh kỉnh – Cậu cũng cướp à?

– Chà, sao anh lại bảo là cướp… Không phải là cướp mà là lấy một cách hợp pháp đấy. Lão trung đoàn trưởng trung đoàn chúng tôi đã bảo: “Các anh hãy chiếm lấy thành phố nầy, rồi trong hai ngày hai đêm, các anh sẽ tuỳ ý muốn làm gì thì làm”. Thế thì chẳng nhẽ tôi lại kém những thằng khác hay sao? Tôi đã lấy những của công, những thứ gì thuận tay lấy được… Chúng nó còn làm những chuyện tồi tệ hơn ấy chứ.

– Lính tráng thế nầy thì cừ thật? – Grigori nhìn gã chuẩn uý hám cướp bóc một cách kinh tởm và nói – Những thằng như cậu thì đừng chiến đấu làm gì, cứ lang thang trên các nẻo đường, ngồi rình dưới các gầm cầu còn hơn! Chúng nó đã biến chiến tranh thành một trò ăn cướp rồi! Song như thế cậu tưởng rằng sẽ không có ngày người ta lột da các cậu và thằng đại tá của các cậu đấy phỏng?

– Nhưng tại sao lại thế?

– Chính là vì thế đấy!

– Vậy thì ai có thể lột da được?

– Ai có cấp bậc cao hơn.

“Hai xu” mỉm một nụ cười châm biếm, nói:

– Nhưng họ thì cũng cá mè một lứa? Có điều chúng tôi chỉ mang trong túi dết và trên từng chiếc xe bò, còn họ thì chở đi từng đoàn.

– Thế cậu đã chính mắt trông thấy à?

– Chính mắt trông thấy! Tôi đã đích thân phải áp tải một đoàn xe như thế đến Yarugienskaian đấy. Đầy một chiếc xe tải toàn bát đĩa bằng bạc, đồng hồ, cùi dìa… Có những tay sĩ quan nào đó ập đến hỏi: “Chúng mày chở gì thế? Nào, mở ra xem!” Tôi bèn nói đây là tài sản riêng của tướng quân gì đó, họ mới chịu bỏ đi tay không.

– Nhưng là tướng nào thế? – Grigori nheo mắt hỏi và gióng đi gióng lại dây cương một cách nóng nảy.

“Hai xu” mỉm cười với vẻ mặt rất láu cá, trả lời:

– Tôi đã quên béng cái họ của ông ta rồi… không biết là gì nhỉ, cầu Chúa giúp cho tôi có trí nhớ. Không, quên khuấy đi mất rồi, chẳng làm thế nào nhớ được nữa? Nhưng anh cười mắng cũng hoài công vô ích thôi, anh Grigori Pantelevich ạ. Tôi nói thật đấy, tất cả mọi người đều làm như thế? Trong đám chúng nó, tôi cũng chỉ như con cừu non giữa một đàn sói mà thôi? Tôi chỉ lấy một cách nhẹ nhàng, còn những thằng khác thì lột trần con nhà người ta ngay giữa phố, hiếp tróc bừa bãi bọn đàn bà Do Thái? Tôi thì không làm những trò như thế đâu, tôi đã có con vợ chính thức của tôi rồi, mà đàn bà dễ có mấy tay: đúng là một con ngựa giống chứ không phải là một mụ đàn bà nữa. Không, không, anh bực mình với tôi là không đúng đâu. Nhưng hượm đã nào, anh đi đâu thế?

Grigori gật đầu chào, chia tay một cách lãnh đạm với “Hai xư và bảo Prokho:

– Theo mình? – Nói xong chàng thúc ngựa chạy nước kiệu.

Trên đường, hai người gặp mỗi lúc một nhiều những gã Cô-dắc về nghỉ phép, khi thì từng tên lẻ tẻ, khi thì từng đám. Nhiều khi còn gặp những chiếc xe ngựa. Các thứ chở trên xe được che bằng vải bạt hoặc vải đay, chằng buộc rất cẩn thận. Phía sau những chiếc xe có những gã Cô-dắc kiễng chân trên bàn đạp, cho ngựa chạy nước kiệu.

Chúng mặc áo quân phục cổ chui mùa hè mới toanh, quần màu cứt ngựa của Hồng quân. Mặt của bọn Cô-dắc đều đỏ ửng và đầy bụi, nom rất hoạt bát vui vẻ, nhưng vừa trông thấy Grigori, chúng đều cố tránh mặt cho nhanh. Như theo một hiệu lệnh, chúng đưa tay lên lưỡi trai, lặng lẽ đi qua và chỉ tiếp tục chuyện trò khi đã đi quá một khoảng xa.

– Các ngài lái buôn đang đi đấy! – Nhìn thấy từ xa những tên cưỡi ngựa đang áp tải những xe chở đồ cướp bóc, Prokho nói giọng châm biếm.

Tuy nhiên không phải tất cả những tên về nghỉ phép đều thồ chiến lợi phẩm. Khi tới một thôn, Grigori cho ngựa dừng lại uống nước bên cạnh một cái giếng và nghe thấy những tiếng hát vẳng tới từ sân nhà cạnh đấy. Nghe những giọng hát rất hay, trong như giọng những thằng con trai thì có thể biết rằng mấy tên Cô-dắc đang hát đều còn trẻ.

– Có lẽ chúng nó đang tiễn một thằng ra lính. – Prokho vừa kéo một thùng nước giếng vừa nói.

Hôm qua hắn mới uống hết một chai, bây giờ mà được thêm tí tửu cho giã rượu thì cũng chẳng có gì đáng phản đối, vì thế sau khi vội vã cho hai con ngựa uống nước, hắn mỉm cười tán Grigori:

– Thế nào, anh Pantelevich, chúng ta tạt vào đấy một lát nhá? May ra trong bữa tiệc tiễn biệt, họ cũng dành cho chúng ta vài chén đấy! Nhà nầy tuy lợp lau nhưng xem ra cũng có của ăn của để.

Grigori đồng ý tạt sang xem người ta đưa tiễn cái thằng “cỏ tơ” đó ra sao. Chàng cùng với Prokho buộc ngựa lên hàng rào rồi bước vào trong sân. Bốn con ngựa sẵn yên cương đứng bên những cái máng ăn hình tròn dưới hiên nhà kho. Từ trong nhà thóc bước ra một thằng thiếu niên với một chiếc thùng đong thóc bằng sắt tây đựng yến mạch đầy đến ngọn. Nó đưa nhanh mắt nhìn Grigori rồi đi tới chỗ mấy con ngựa đang hí. Tiếng hát đưa ra từ trong một góc nhà. Một giọng nam cao run run cất lên cao vút.

Trên con đường hẹp

Chưa từng ai qua…

Một giọng trầm khê đặc vì khói thuốc nhắc lại mấy tiếng cuối cùng, nhập vào bè nam cao, sau đó còn hoà thêm vài bè mới rất ăn giọng, rồi bài hát cứ thế tuôn ra cuồn cuộn, trang nghiêm, thoải mái và âu sầu Grigori không muốn sự có mặt của mình làm ngừng tiếng hát, bèn kéo tay áo Prokho, khẽ nói:

– Hãy hượm đã, cậu đừng ló mặt ra vội, để chúng nó hát hết bài đã.

– Đây không phải là một cuộc tiễn đưa đâu. Những thằng ở trấn Elanskaia thường hát như thế nầy đấy. Chúng nó hay hát những bài tế nầy. Cái bọn quỷ sứ, chúng nó hát cừ thật – Prokho trả lời, giọng trầm trồ, rồi bực tức nhổ toẹt một bãi nước bọt, xem ra mong đợi về một chầu nhậu nhẹt đã ran ra mây khói.

Giọng nam cao âu yếm kể nốt về số phận của gã Cô-dắc gặp chuyện rủi ro trong chiến đấu:

Chân người vó ngựa không in vết bao giờ

Một ngày kia có con ngựa đẹp,

Yên Trec-ket lệch bên sườn,

Tai bên phải lủng lẳng dây da,

Chân vướng cương tơ,

Cố đuổi theo trung đoàn Cô-dắc

Chàng trai trẻ Cô-dắc sông Đông

Chạy phía sau gọi con ngựa chiến:

“Hãy chờ ta, ơ nầy nghĩa mã,

Đừng bỏ ta đơn độc một thân.

Vì thiếu ngươi,

Ta thoát sao bọn Trecnhia hung ác…

Mê hồn vì giọng hát, Grigori cứ đứng tựa lưng vào chỗ nền nhà quét vôi trắng, không nghe thấy cả tiếng ngựa hí lẫn tiếng chiếc xe tải chạy lạch xạch trong ngõ…

Sau khi hát xong bài, từ trong góc thềm nhà, một gã húng hắng ho và nói:

– Không phải là hát mà là rút trong họng ra đấy! Thôi nhé, chúng tôi có thể hát được như thế nào thì đã hát rồi. Nhưng các bà mẹ ạ, các mẹ cũng cho anh em con nhà lính chút gì để ăn đường chứ. Có Chúa cứu vớt, chúng tôi đã được ăn uống no nên nhưng để đi đường thì chưa có chút thức ăn gì mang theo…

Grigori bừng tỉnh sau những phút trầm tư, chàng bước ra tới chỗ đang đứng. Bốn gã thanh niên Cô-dắc ngồi trên bậc thềm thấp nhất.

Một đám đông vây quanh họ vòng trong vòng ngoài, toàn là đàn bà, bà già, con nít ở các nhà hàng xóm chạy sang. Đám thính giả nữ sụt sịt hỉ mũi kéo góc khăn bịt đầu lau nước mắt. Trong đám có một bà già cao lớn, mắt đen, trên khuôn mặt héo hon vẫn giữ được những nét của vẻ đẹp trang nghiêm trên những hình thánh. Khi Grigori bước tới gần thềm nhà, bà già kéo dài giọng nói:

– Các cháu yêu quý của bác! Các cháu hát hay quá, nhưng nghe sao mà thương tâm thế? Và có lẽ mỗi cháu đều có một bà mẹ đang khóc hết nước mắt mỗi khi nghĩ rằng thằng con mình sẽ phải chết ngoài mặt trận… – Thấy Grigori chào mình, bà bỗng nhiên long lanh cặp mắt có hai lòng trắng vàng ệch, nói giọng căm giận – Còn quan lớn quan lớn đem những đoá hoa như thế nầy đến chỗ chết hay sao? Bắt chúng nó phải chết trong chiến trận à?

– Bà cụ ạ, chính chúng tôi cũng đang bị họ đưa đến chỗ chết đấy. – Grigori trả lời với vẻ mặt âm thầm.

Thấy có một sĩ quan lạ mặt bước tới, mấy gã Cô-dắc luống cuống vội vã đứng dậy. Chúng đưa chân đẩy mấy cái đĩa đựng những thức ăn còn lại trên bậc thềm, sửa lại áo quân phục, đây đeo súng trường và dây lưng da. Trong khi hát, ngay đến khẩu súng trên vai chúng cũng không hạ xuống. Gã nhiều tuổi nhất nom mặt không quá hai mươi nhăm.

– Ở đâu thế? – Grigori vừa hỏi vừa nhìn những khuôn mặt non trẻ và tươi tắn của mấy tên lính.

– Chúng tôi đi từ đơn vị… – Một gã mũi hếch, có hai con mắt hay cười ngập ngừng trả lời.

– Tôi muốn hỏi các cậu quê ở đâu, là người trấn nào? Không phải là dân vùng nầy phải không?

– Bẩm quan lớn, chúng tôi ở trấn Elanskaia, chúng tôi về nghỉ phép.

Grigori nghe giọng nói nhận ra gã đi bè chính bèn mỉm cười hỏi:

– Cậu đi bè chính đấy à?

– Vâng.

– Được giọng của cậu tốt đấy! Nhưng có chuyện gì mà các cậu hát thế? Hay có điều gì vui chăng? Coi mặt các cậu thì chẳng thấy gì là vừa có tí tửu.

Trong bọn có một gã cao lớn, tóc màu hạt dẻ nhạt với một món rủ xuống trước trán bụi bám trắng phếch, nom rất ngang tàng. Hai gò má ngăm ngăm đỏ bừng lên, gã liếc nhìn mấy bà già, mỉm cười ngượng ngiụ rồi miễn cưỡng trả lởi:

– Kiếm đâu ra điều gì vui bây giờ? Chúng tôi hát vì cùng khốn đây thôi! Đúng đấy, chỉ để có thêm ít chất tươi. Ở vùng nầy người ta cho ăn cũng không khá lắm, chỉ cho được mẩu bánh mì là hết. Vì thế chúng tôi đã nghĩ ra cái trò đi hát. Hễ chúng tôi hát là các bà phụ nữ kéo đến nghe. Chúng tôi chọn hát một bài buồn thảm nào đó, thế là các bà ấy mủi lòng đem đến cho, người thì miếng mỡ chài, người thì một bình sữa hay thứ gì khác có thể ăn được… Thưa ngài trung uý, chúng tôi thì đại loại cũng như các ông cố đạo ấy thôi, hát xong ai quyên thứ gì thì nhận thứ ấy! – Gã đi bè chính nháy mắt với các bạn gã, hai con mắt hay cười nheo lại trong nụ cười.

Một gã Cô-dắc rút trong túi ngực ra một mẩu giấy nhớp nhúa, chìa cho Grigori.

– Đây là giấy nghỉ phép của chúng tôi.

– Tôi cần gì đến nó?

– Biết đâu ngài chẳng có điều nghi ngờ, mà chúng tôi thì không phải là những thằng đào ngũ…

– Bao giờ chạm trán với đội thanh tiễu thì cậu sẽ đưa cho chúng nó xem. – Grigori nói có vẻ bực bội, nhưng trước khi bỏ đi, chàng vẫn khuyên – Các cậu nên chờ đến đêm hãy đi, ban ngày thì có thể kiếm một chỗ nào mà nghỉ ngơi. Mảnh giấy của các cậu không đủ đảm bảo đâu, đừng đem giấy nầy mà chạm trán với chúng nó… Không có dấu à?

– Đại đội chúng tôi không có con dấu.

– Thôi nếu các cậu không muốn nằm dưới cái que thông nòng của bọn Kalmys thì hãy nghe lời tôi khuyên!

Khi ra khỏi cái thôn chừng ba vec-xta, chỉ còn chưa tới trăm rưỡi xa-gien là đến một cánh rừng nho mọc sát bên đường cái, Grigori lại thấy hai người cưỡi ngựa từ trước mặt tới. Hai người ấy dùng ngựa một phút, nhìn ngang nhìn ngửa rồi rẽ ngoặt vào trong rừng.

– Hai thằng nầy lại không có giấy má gì đây, – Prokho nhận định.

– Anh có trông thấy chúng nó chuồn vào rừng như thế nào không? Ban ngày ban mặt, ma quỷ nào dẫn lối đưa đường chúng nó vào đấy làm gì?

Còn có thêm một số người khác vừa thoáng thấy Grigori và Prokho đã tránh khỏi đường cái, vội vã lẩn trốn ngay. Một tên bộ binh Cô-dắc đã có tuổi lén lút chuồn về nhà, lẩn vào trong đám hướng dương, nấp sau một bờ đất như con thỏ. Trong khi cưỡi ngựa qua chỗ hắn núp, Prokho rướn người trên bàn đạp, quát to:

– Nầy, anh bạn đồng hương, trốn tồi quá đấy! Kín được cái đầu thì lại hở cái đít? – Rồi bỗng nhiên hắn vờ làm vẻ hung dữ hô to: – Nầy, bò ra ngay đây? Trình giấy tờ ngay?

Gã Cô-dắc kia nhảy chồm dậy, khom lưng chạy vào trong đám hướng dương. Prokho cười phá lẽn như nắc nẻ và còn định thúc ngựa đuổi theo, nhưng Grigori đã ngăn hắn lại:

– Đừng làm trò khỉ nữa! Mặc cho quỷ dữ bắt nó đi, như thế cũng đã đủ làm nó chạy đứt hơi rồi. Thêm chút nữa thì nó có thể sợ đến chết được đấy… – Anh nghĩ thế nào vậy? Thằng nầy thì lùa chó săn cũng không đuổi kịp được đâu. Bây giờ nó sẽ quàng chân lên cổ chạy một mạch hàng chục vec-xta cho mà xem! Tôi cũng lấy làm lạ không hiểu trong những lúc như thế nầy con người làm thế nào mà chạy nhanh được như thế.

Nói chung Prokho có ý không đồng tình với những tên đào ngũ. Hắn nói:

– Chúng nó bỏ trốn đúng là thành đàn thành lũ. Cứ như bị dốc tuột từ trong túi ra ấy? Anh Pantelevich ạ, cẩn thận kẻo không bao lâu nữa sẽ chỉ còn có anh và tôi giữ mặt trận thôi.

Grigori càng ra tới gần mặt trận thì cái quang cảnh tan rã ghê gớm của Quân đội sông Đông càng mở rộng trước mắt chàng. Quá trình tan rã nầy đã bắt đầu ngay từ lúc quân đội nầy vừa được bổ sung bằng quân phiến loạn đang dành được những thắng lợi lớn nhất trên Mặt trận miền Bắc. Ngay từ hồi ấy, các đơn vị của nó đã không những không có khả năng chuyển sang mở một đợt tấn công có tính chất quyết định, mà bản thân chúng còn không thể đương đầu với một trận tấn công lớn.

Trong các thôn và các trấn có những đội dự bị gần mặt trận nhất đóng giữ, bọn sĩ quan rượu chè bí tỉ suốt đêm ngày; các đoàn xe vận tải nối đủ các loại đều đầy ních những của cướp bóc chưa kịp chuyển về hậu phương; các đơn vị không còn giữ được tới hơn sáu mươi phần trăm quân số; binh lính Cô-dắc tự động bỏ về nhà và các đội thanh tiễu gồm toàn lính Kalmys sục sạo trên đồng cỏ không đủ sức ngăn chặn một làn sóng đào ngũ có tính chất quần chúng như thế. Trong các thôn mà chúng chiếm được ở tỉnh Saratovskaia, quân Cô-dắc hành động như những kẻ chinh phục trên lãnh thổ nước ngoài: chúng cướp bóc dân chúng, hiếp dâm đàn bà, đốt phá các kho dự trữ thóc lúa giết gia súc. Lực lượng bổ sung cho quân đội gồm những thằng miệng còn hơi sữa và những lão già ở lứa tuổi năm mươi. Trong các đội đang tiến quân có những lời nói toạc móng heo là không muốn chiến đấu. Còn trong các đơn vị đang bị điều về hướng Voronez thì lính Cô-dắc công nhiên không phục tùng mệnh lệnh của bọn sĩ quan. Có những tin đồn rằng tại các vị trí trên tuyến đầu, ngày càng có nhiều trường hợp giết sĩ quan.

Mãi đến lúc trời hoàng hôn, Grigori mới dừng lại để nghỉ đêm tại một làng nhỏ không còn xa Balasov lắm. Đại đội dự bị độc lập số Bốn gồm toàn những tên Cô-dắc thuộc khoá già nua và đại đội công binh của trung đoàn Taranroc đã chiếm tất cả các nhà dân trong làng. Grigori phải sục rất lâu để kiếm chỗ nghỉ đêm. Kể ra thì cũng có thể qua một đêm ở ngoài đồng như hai người vẫn thường làm, nhưng đến đêm trời sẽ mưa mà Prokho lại đang run như cầu sấy trong một cơn sốt rét định kỳ; vì thế cần phải tìm được một nơi nào có mái che hẳn hoi mà chờ sáng. Trên con đường vào thôn, gần một ngôi nhà lớn xung quanh trồng toàn tiêu huyền có một chiếc ô tô thiết giáp bọ đạn pháo bắn hỏng. Lúc cưỡi ngựa qua, Grigori đọc được một khẩu hiệu chưa bị sơn lấp đi trên cái thành xe sơn xanh lá cây: “Giết hết bọn Trắng khốn khiếp!” và bên dưới ghi: “Hung thần”. Vài con ngựa thở phì phì trong sân quanh những cọc buộc ngựa, vẳng ra tiếng người nói lao xao. Một đống lửa cháy bập bùng trong mảnh vườn sau nhà, khói bị gió tãi ra trên những ngọn cây xanh: ánh lửa chiếu sáng hình những tên Cô-dắc đi lại lăng xăng quanh đống lửa. Gió lùa từ đống củi ra mùi rơm nóng và mùi lông lợn cháy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.