Sông Đông êm đềm

Chương 218 phần 2



Grigori bước tới sát trước mặt gã vừa nói rồi rít qua kẽ răng:

– Mày chưa được gặp những thằng như tao đâu. Hay tao còn phải làm cho mày từ một thằng ngu xuẩn biến thành hai thằng? Tao sẽ làm như thế cho mà xem? Nhưng mày đừng có lùi! Đây không phải là khẩu Nagan của tao đâu, tao đã lấy của một thằng trong bọn chúng mày đấy. Nầy, trả lại cho nó, và trong lúc tao còn chưa bắt đầu động chân động tay thì liệu mau chóng cút khỏi chỗ nầy, nếu không chỉ loáng cái là tao sẽ vặt hết lông chúng mày? – Grigori nhẹ nhàng xoay người gã Cô-dắc, đẩy gã ra cửa.

– Hay chúng ta nện cho nó một trận? Một gã Cô-dắc rất to lớn hỏi có vẻ lưỡng lự. Với chiếc khăn bằng lông lạc đà cuốn kín mặt, gã đứng sau lưng Grigori, nhìn chàng chăm chú và cứ dẫm dẫm chân, đôi ủng dạ to tổ bố có đóng thêm đế da kêu ọt ẹt.

Grigori quay mặt về phía gã và không tự chủ được nữa, chàng bắt đầu nắm tay lại, nhưng gã kia đã giơ một tay nói giọng thân thiện:

– Thôi nầy, quan lớn, quan lớn hay cái gì thì không biết, nhưng hãy hượm đã, đừng giở trò gì vội! Chúng tôi sẽ đi và không để xảy ra chuyện ầm ĩ gì đâu. Nhưng còn anh, thời buổi như thế nầy anh đừng có lấn át anh em Cô-dắc nhiều quá đấy. Bây giờ đang là lúc tình hình gay go cũng như năm Mười bẩy ấy. Nếu anh chạm trán phải những thằng bạt mạng nào đó, chúng nó sẽ làm cho anh biến thành năm chứ không thành hai thôi đâu! Chúng tôi thấy anh là một tay sĩ quan ngang tàng và nghe giọng nói thì hình như cũng một phường vởi anh em chúng tôi cả. Vì thế bây giờ anh hãy đối xử cho đúng đắn một chút, nếu không lại tai vạ đấy…

Cái tên bị Grigori tước khẩu Nagan nói giọng tức tối:

– Thôi cậu đừng giảng đạo cho nó nữa? Ta sang nhà bên thôi. – Nói xong gã là tên đầu tiên bước ra ngưỡng cửa. Nhưng khi đi qua trước mặt Grigori gã còn liếc nhìn chàng và nói như tiếng rẻ – Nầy ngài sĩ quan, chúng tôi không muốn có chuyện với ngài, nếu không đã làm lễ rửa tội cho ngài rồi đấy!

Grigori bĩu môi một cách khinh bỉ:

– Chính anh định làm lễ rửa tội ấy à? Thôi đi đi, đi đi cho được việc nếu không tôi lại lột quần anh ra bây giờ! Kiếm được một thằng rửa tội như thế nầy! Chỉ tiếc đã trả lại khẩu Nagan. Những thằng vô dụng như anh thì không đáng đeo súng ngắn mà chỉ đáng đeo cái lược chải lông cừu thôi?

– Ta đi đi thôi, anh em, mặc cho quỉ dữ bắt nó đi! Đừng bới ra thì đỡ phải ngửi thối! – Một gã từ nãy không dính vào những lời qua tiếng lại nói với một nụ cười hồn hậu.

Mấy tên Cô-dắc lũ lượt kéo nhau ra phòng ngoài. Chúng vừa đi vừa văng tục, những chiếc ủng bị đông cứng kêu ràn rạt. Grigori nghiêm khắc ra lệnh cho người chủ nhà:

– Bác không được mở cửa nữa đấy? Chúng nó gõ chán rồi lại cút thôi, bằng không sẽ gọi tôi dậy.

Những người thôn Thượng Triasky nghe tiếng huyên náo tỉnh dậy. Họ khẽ nói với nhau:

– Kỷ luật tan rã đến thế rồi đấy? – Một lão già thở dài não ruột. – Quân chó đẻ, chúng nó nói năng với sĩ quan như thế đấy… Nếu là thời trước nhỉ? Cho chúng nó tù mọt gông!

– Đâu chỉ có chuyện nói năng! Tôi thấy chúng nó còn định đánh nhau nữa chứ! “Hay ta nện cho nó một trận?”, có một thằng, cái thằng cao lêu đêu như cây tiêu huyền, đầu trùm cái khăn bằng lông ấy, nó đã nói như thế đấy.

– Quân khốn kiếp, chúng nó liều lĩnh bừa bãi đến thế rồi! Thế mà anh lại tha thứ cho chúng nó à, anh Grigori Pantelevich? – Một gã Cô-dắc hỏi.

Với chiếc áo ca-pốt trùm kín đầu, Grigori lắng nghe những lời trao đổi với một nụ cười không có chút gì bực bội, rồi trả lời:

– Nhưng còn làm thế nào với chúng nó được nữa? Hiện nay chúng nó đã thoát ra khỏi mọi sự gò bó và chẳng còn ai phục tùng ai nữa rồi. Chúng nó kéo nhau đi thành bầy thành lũ, chẳng có chỉ huy gì cả, vậy thì lấy ai xét xử chúng nó, lấy ai làm thủ trưởng của chúng nó? Đứa nào khỏe nhất trong bọn thì đứa ấy làm thủ trưởng. Có lẽ trong đơn vị chúng nó không còn có một sĩ quan nào nữa đâu. Tôi đã từng thấy những đại đội không cha không mẹ như thế đấy! Nhưng thôi, chúng ta ngủ đi.

Acxinhia khẽ nói:

– Anh dính vào với chúng nó làm gì, anh Griska? Anh hãy vì chúa mà đừng có chuyện với những thằng như thế! Cái hạng điên khùng rồ dại ấy, chúng nó có thể giết người được đấy.

– Thôi em ngủ đi, ngủ đi, kẻo sáng mai lại phải dậy sớm. Thế nào, em thấy trong người như thế nào? Đã đỡ chút nào chưa?

– Vẫn thế thôi.

– Nhức đầu à?

– Nhức lắm. Có lẽ em không dậy được nữa đâu…

Grigori đặt tay lên trán Acxinhia rồi thở dài:

– Người em nóng rừng rực như cái hoả lò ấy. Nhưng không sao đâu, em đừng lo? Cái tạng em vốn là khỏe mạnh, sẽ khỏi thôi.

Acxinhia không nói gì cả. Nàng khổ vì khát, phải vào bếp nhiều lần để uống một thứ nước rất khó nuốt rồi cố nén cái cảm giác vừa buồn nôn vừa chóng mặt, lại nằm xuống cái đệm.

Đêm ấy còn đến thêm chừng bốn toán người tìm chỗ nghỉ. Chúng dùng báng súng đập cửa, mở cửa chớp, gõ vào cửa sổ và chỉ bỏ đi sau khi người chủ nhà được Grigori mách kế chửi rầm lên và quát ra từ phòng ngoài: “Thôi xéo đi, Lữ đoàn bộ đến đóng ở đây rồi?”

Đến khi rời rạng, Prokho và Grigori thắng ngựa. Acxinhia mặc áo xống rất khó khăn rồi bước ra. Mặt trời mới mọc. Những làn khói xanh xám bốc thẳng từ các ống khói lên bầu trời xanh ngắt. Được những tia nắng dọi sáng từ dưới lên, một đám mây đỏ tía ngự cao ngất trên trời. Sương muối bám rất dày trên các dãy hàng rào và các mái nhà kho. Hai con ngựa bốc hơi ngùn ngụt.

Grigori giúp Acxinhia ngồi lên chiếc xe trượt tuyệt và hỏi:

– Có lẽ em nằm xuống thì hơn? Em nằm thì sẽ dễ chịu hơn.

Acxinhia gật đầu. Thấy Grigori ân cần đắp kín chân cho mình, nàng lặng lẽ nhìn chàng ra ý cám ơn rồi nhắm mắt.

Đến giữa trưa, khi chiếc xe phải dừng lại ở xóm Novyi Mikhailovsky cách đường cái hai Vec-xta để cho ngựa ăn, Acxinhia không còn tự bước ra ngoài xe được nữa. Grigori xốc nách đỡ nàng vào trong một căn nhà, giúp nàng nằm lên chiếc giường mà người vợ mến khách của chủ nhà cho nàng dùng tạm.

– Em khó chịu lắm à, em yêu của anh? – Chàng cúi xuống khuôn mặt nhợt nhạt của Acxinhia và hỏi.

Nàng phải cố gắng lắm mới mở được mắt, nhìn đờ đẫn như qua một làn sương rồi lại chìm trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê. Hai tay run run, Grigori tháo cho nàng chiếc khăn bịt đầu. Hai má Acxinhia lạnh như băng, nhưng trán nàng lại nóng rừng rực, những hạt băng nhỏ bám lăn tăng hai bên thái dương, chỗ vừa nãy đổ mồ hôi. Đến khi trời sắp hoàng hôn, Acxinhia mê man bất tỉnh. Trước lúc đó nàng có xin uống nước và khẽ nói:

– Nhưng lấy nước lạnh, nước tuyết ấy. – Rồi nàng nín lặng một lát và lại nói rất rõ ràng – Gọi hộ anh Griska.

– Anh đây mà. Em muốn gì thế, Acxinhia? Grigori nắm lấy tay nàng, vuốt ve nàng một cách rụt rè và vụng về.

– Anh đừng bỏ em nhé, anh Grisca yêu quí!

– Anh không bỏ đâu. Em nói lung tung gì thế?

– Anh đừng bỏ em ở lại nơi đồng đất nước ngoài… ở đây em chết mất.

Prokho mang nước lại, Acxinhia thèm khát bập cặp môi nóng khô vào miệng chiếc ca bằng đồng, uống vài ngụm rồi lại rên rỉ vật đầu xuống cái gối. Năm phút sau nàng bắt đầu nói sảng, không đầu không đũa, giọng líu nhíu. Grigori ngồi trên đầu giường chỉ nghe rõ được vài tiếng: “Phải giặt quần áo… kiếm lấy ít lơ hồ… còn sớm…” rồi những lời nói khó hiểu của nàng chuyển sang thầm thì. Prokho lắc đầu nói có vẻ tránh móc:

– Tôi đã bảo anh là đừng đưa cô ấy đi mà? Xem đấy, chúng ta làm thế nào bây giờ? Quả là một sự trừng phạt, đúng như thế đấy! Chúng ta sẽ nghỉ đêm ở đây chứ? Anh điếc rồi à? Tôi hỏi đêm nay chúng ta sẽ nghỉ ở đây hay còn đi nữa?

Grigori cứ nín thinh. Chàng gù gù cái lưng ngồi yên, mắt không rời khuôn mặt nhợt nhạt của Acxinhia. Vợ chủ nhà là một người niềm nở và tốt bụng. Người ấy đưa mắt chỉ Acxinhia, khẽ hỏi Prokho:

– Vợ ông ấy đấy à? Có con cái gì không?

– Con cũng có, cái gì cũng có, chúng tôi chỉ thiếu cái may mắn thôi. – Prokho làu bàu.

Grigori bỏ ra sân, leo lên ngồi trên chiếc xe trượt tuyết và hút thuốc rất lâu. Phải để Acxinhia ở lại trong cái xóm nầy thôi, cho đi theo nữa thì có thể đưa nàng đến chỗ chết. Grigori thấy rõ như thế.

Chàng vào trong nhà và lại ngồi xuống mép giường.

– Chúng ta nghỉ lại đây chứ? – Prokho hỏi.

– Phải. Chưa biết chừng ngày mai vẫn còn phải ở lại.

Chẳng mấy chốc chủ nhà trở về: một người mu-gích hom hem, thấp bé, có hai con mắt giảo quyệt luôn luôn nhìn ngang nhìn ngửa.

Hắn ngậm một bên chân gỗ (một chân của hắn bị cụt đến đầu gối), nhanh nhẹn bước tới cái bàn, cởi áo ngoài, liếc nhìn Prokho bằng cặp mắt không có thiện ý và hỏi:

– Chúa đưa khách đến cho nhà ta đấy à? Từ đâu đến thế? – Rồi không chờ trả lời, hắn ra lệnh cho vợ – Quàng lên kiếm cái gì cho tôi ăn đi, đang thèm ăn như con chó đói rồi đây!

Hắn ăn rất lâu, ăn như thần trùng. Cặp mắt láu tôm láu cá của hắn hết nhìn Prokho lại nhìn Acxinhia nằm thiêm thiếp trên giường.

Grigori ở nhà trong bước ra, chào hỏi chủ nhà. Người ấy lặng lẽ gật đầu rồi hỏi:

– Các ngài rút lui à?

– Vâng, rút lui.

– Quan lớn đã chán chuyện đánh đấm rồi à?

– Đại khái là như thế.

– Đây là ai thế, bà nhà ta đấy à? – Người chủ nhà hất đầu về phía Acxinhia.

– Vâng, vợ tôi.

– Nhưng sao lại cho bà ấy nằm trên giường? Còn mình thì sẽ ngủ ở đâu? – Hắn hỏi vợ có vẻ bực bội.

– Anh Vanhia ạ, bác ấy đang ốm đấy, dù sao cũng đáng thương.

– Thương ấy à Làm thế nào mà thương được tất cả mọi người, xem còn cơ man nào người đấy! Quan lớn ạ, quan lớn thật là làm cho chúng tôi bị chật chội…

Trong giọng nói của Grigori bất giác có cái vẻ van lơn, gần như cầu khẩn, không thấy ở chàng bao giờ khi chàng áp tay lên ngực nói với chủ nhà:

– Hai bác là người nhân đức? Hai bác hãy vì Chúa mà giúp đỡ tôi trong cơn hoạn nạn. Nhà tôi thì không thể đưa đi theo được nữa, đưa đi sẽ chết mất, nhờ hai bác cho chúng tôi để lại ở nhà hai bác. Hai bác chăm nom giúp cho, hết bao nhiêu tiền chúng tôi xin gửi. Suốt đời tôi sẽ ghi nhớ lòng tốt của hai bác… Xin hai bác làm ơn làm phúc đừng từ chối tôi!

Đầu tiên người chủ nhà dứt khoát từ chối, lấy cớ không còn có chỗ nào để trông nom người ốm, và người ốm sẽ làm nhà hắn chật chội, nhưng sau khi ăn xong, hắn lại nói:

– Tất nhiên ai lại trông nom hộ người ốm mà chẳng có công xá gì? Thế ngài định cho bao nhiêu tiền về việc trông nom? Bao nhiêu thì ngài không tiếc để trả công khó nhọc cho chúng tôi.

Grigori móc ra tất cả số tiền chàng có trong túi, đưa hết cho người chủ nhà. Người đó ngập ngừng tiếp lấy nắm giấy bạc sông Đông, nhấp nước bọt vào ngón tay, đếm và hỏi:

– Thế ngài không có tiền Nicolai hay sao?

– Không.

– Nhưng có lẽ cũng có tiền Kerensky chứ? Thứ tiền nầy thì rất bấp bênh.

– Cả tiền Kerensky tôi cũng không có. Thế bác có muốn tôi để lại con ngựa của tôi không?

Người chủ nhà nghĩ đi nghĩ lại rất lâu rồi mới trả lời với vẻ mặt đăm chiêu:

– Không, tất nhiên tôi cũng muốn nhận con ngựa đấy. Đối với con nhà nông chúng tôi, con ngựa là đầu cơ nghiệp, nhưng trong thời buổi như thế nầy thì nó không hợp nữa rồi. Không bên Trắng thì bên Đỏ cũng đến lấy đi mất và sẽ chẳng được dùng đến nó đâu. Ngài xem tôi chỉ nuôi một con ngựa cái nhỏ, chân cẳng chẳng ra sao cả, thế mà vẫn còn lo chưa biết chừng cả nó cũng bị người ta đến lấy và dắt đi mất. – Hắn trầm ngâm nín lặng một lát rồi nói thêm như để phân trần – Quan lớn đừng nghĩ rằng tôi là một kẻ tham lam quá ư gớm ghiếc, cầu Chúa tha tội cho? Nhưng ngài thử ngẫm mà xem, bà nhà ta sẽ nằm lại một tháng, hoặc lâu hơn nữa, lúc cần cái nầy, lúc cần cái khác, việc ăn uống lại phải có bánh mì, sữa, quả trứng, ít thịt, mà cái gì cũng là tiền cả, tôi nói như thế có đúng không? Ngoài ra lại còn phải giặt giũ, tắm rửa cho bà ấy và làm tất cả các việc khác nữa… Mà vợ tôi thì vừa phải lo công việc trong nhà, vừa phải chăm nom cho bà nhà ta. Những việc ấy không dễ dàng đâu? Thôi, ngài đừng tiếc gì nữa, hãy cho thêm cái gì nữa đi. Tôi là một người tàn tật ngài cũng thấy là chỉ còn được một cái chân, tôi còn có thể làm việc và kiếm tiền làm sao được? Vì thế Chúa cho được cái gì thì chúng tôi sống bằng cái nấy, no bữa hôm lo bữa mai.

Grigori nói với cả một niềm phẫn nộ âm thầm sôi sục:

– Tôi không tiếc tiền đâu, bác là người tốt bụng thì cũng hiểu. Còn có được bao nhiêu tiền tôi đã đưa cả cho bác rồi, tôi sẽ phải sống không một đồng xu dính túi. Vậy thì bác còn muốn gì ở tôi bây giờ?

– Thế là có bao nhiêu tiền ngài đã đưa hết rồi à? – Người chủ nhà cười nhạt có vẻ nghi ngờ. – Tiền lương của ngài thì phải đựng đầy túi lớn túi bé.

– Bác cho biết ngay đi, – Grigori tái mặt nói, – bác có nhận cho để người ốm ở lại hay không?

– Thôi ngài đã tính toán như thế thì chúng tôi không còn có lý do gì để bà nhà ở lại nhà chúng tôi được nữa. – Giọng người chủ nhà rõ ràng có vẻ bực bội. – Vả lại đây cũng không phải là một chuyện đơn giản… Vợ của một sĩ quan, rồi sẽ có lời ra tiếng vào, hàng xóm láng giềng sẽ biết chuyện, rồi các ông đồng chí sẽ đến điều tra về chúng tôi sẽ tìm hiểu và gây những điều phiền phức… Không, đã thế thì ngài cứ đưa bà ấy đi, may ra chung quanh đây có ai đồng ý thì người ta sẽ nhận. – Hắn trả tiền lại cho Grigori, nom vẻ tiếc rẻ ra mặt, rồi lấy túi thuốc và bắt đầu cuốn một điếu.

Grigori mặt áo ca-pốt và bảo Prokho:

– Cậu ở lại trông Acxinhia, để mình đi kiếm một chỗ ở.

Nhưng đến lúc chàng đã nắm lấy quả đấm cửa, người chủ nhà ngăn chàng lại:

– Nhưng quan lớn hãy hượm đã nào, làm gì mà vội vàng như thế? Ngài nghĩ rằng chúng tôi không động lòng trước một phụ nữ đáng thương như thế nầy hay sao? Tôi còn rất thương nữa là khác, vả lại chính tôi cũng đã đi lính nên rất kính trọng chức vụ và quân hàm của ngài. Thế số tiền nầy, ngài không thể thêm cho ít nhiều nữa à?

Đến lúc nầy Prokho không thể nào nhịn được nữa. Hắn quát lên, mặt đỏ bừng bừng vì phẫn nộ:

– Còn thêm những gì cho mày nữa hử, cái thằng thọt cẳng lòng lang dạ sói nầy! Bẻ nốt cái chân kia của mày đi, thêm cho mày là phải thêm như thế đấy! Anh Grigori Pantelevich! Anh hãy cho phép tôi nện cho cái thằng chó đẻ nầy một trận, rồi chúng ta sẽ đưa Acxinhia lên xe. Cái thằng đáng bị rút phép thông công nầy, nó thật ba lần đáng nguyền rủa!

Trong khi Prokho hổn hển nói như thế, người chủ nhà chỉ nghe mà không ngắt lời hắn một lần nào. Cuối cùng anh ta nói:

– Nầy hai ngài quyền, hai ngài xúc phạm đến tôi như thế là không đúng đâu. Đây là một việc phải giải quyết một cách thân thiện. Chúng ta không cần phải chửi bới, hục hặc với nhau làm gì. Nầy cái anh Cô-dắc nầy, làm gì mà anh quát tháo với tôi hử? Mà tôi có nói đến chuyện tiền nong đâu? Về cái món cho thêm, tôi hoàn toàn không muốn nói là cho thêm tiền! Tôi muốn nói rằng chưa biết chừng các ngài cũng có thể có thừa một thứ vũ khí gì đó, một khẩu súng trường hay một khẩu súng ngắn chẳng hạn… Đối với các ngài những cái ấy có hay không cũng chẳng sao nhưng đối với chúng tôi thì thời buổi nầy đó là một tài sản quí giá. Muốn giữ nhà thì nhất định phải có một khẩu súng? Tôi muốn nói là nói về chuyện ấy đấy? Ngài hãy cho số tiền mà lúc nãy ngài đã đưa, rồi cho thêm một khẩu súng trường và chúng ta sẽ đập tay vào nhau để thoả thuận. Ngài cứ để người ốm của ngài ở lại, chúng tôi sẽ trông nom như một người thân thích, tôi lấy thánh giá ra thề với ngài đấy.

Grigori nhìn Prokho và khẽ nói:

– Cậu đưa cho bác ta khẩu súng trường của mình, một số đạn rồi ra thắng ngựa đi. Cứ để Acxinhia ở lại… Chúa sẽ phán xét tôi nhưng tôi không thể nào đưa Acxinhia đến chỗ chết được.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.