Sông Đông êm đềm

Chương 219



Ngày nối ngày, ảm đạm, không một niềm vui. Sau khi để Acxinhia ở lại, Grigori lập tức mất hết hứng thú đối với mọi vật chung quanh. Sáng sáng chàng leo lên ngồi trên chiếc xe trượt tuyết, dong ruổi qua những khoảng đồng cỏ tuyết phủ mịt mùng, trải ra vô cùng vô tận, và chiều chiều, sau khi kiếm được một nơi trú chân nào đó để nghỉ đêm, lại nằm xuống ngủ. Và cứ như thế hết ngày nầy qua ngày nọ. Mặt trận đang chuyển về phía nam, nhưng chàng không còn quan tâm đến những việc xảy ra trên đó nữa. Chàng hiểu rằng giai đoạn chống cự thật sự, chống cự quyết liệt đã chấm dứt và phần lớn dân Cô-dắc đã cạn hết nhiệt tình bảo vệ nơi thôn trấn chôn nhau cắt rốn. Chàng cũng hiểu rằng dựa vào các mặt mà phán đoán thì xém ra quân Trắng đang kết thúc cuộc tiến quân cuối cùng của chúng, và nếu đã không cố thủ nổi ở vùng sông Đông thì chúng cũng không thể nào bám lấy vùng sông Kuban.

Chiến tranh sắp đi đến chỗ chấm dứt. Kết cục đang lao tới vùn vụt không sao ngăn giữ được. Lính Kuban bỏ mặt trận hàng ngàn, ai về nhà người nấy. Quân đội sông Đông đã bị đánh quị. Tiêu hao gần hết sức chiến đấu qua các trận đánh và vì bệnh thương hàn, Tập đoàn quân tình nguyện bị mất ba phần tư quân số không còn đủ khả năng đơn phương độc mã đương đầu với sức tấn công của Hồng quân đang như mọc cánh vì thắng lợi.

Trong số dân chạy loạn lại có những tin đồn nói rằng lòng căm phẫn của dân chúng vùng Kuban đang lên cao vì tên tướng Denikin đã đàn áp một cách tàn bạo các uỷ viên của Rada Kuban(321)Người ta nói rằng miền Kuban đang chuẩn bị một cuộc bạo động chống lại Tập đoàn quân tình nguyện và hình như họ đã có những cuộc đàm phán với những đại diện của Hồng quân và sẽ để cho quân đội Xô viết tiến tới Kavkaz mà không gây trở ngại gì cả. Người ta đồn rất nhiều rằng dân các trấn vùng sông Kuban và sông Cherek có thái độ rất thù địch với với các đơn vị sông Đông cũng như đối với Tập đoàn quân tình nguyện và hình như ở một nơi nào đó gần Korenovskaia đã nổ ra một trận chiến đấu lớn đầu tiên giữa một sư đoàn sông Đông và bộ binh Kuban.

(321)  Ngày 14-3-1918 Hồng quân chiếm được Ekaterinoda. Rada Kuban ký liên minh với Denikin để cùng chống lại chính quyền Xô viết. Mùa xuân 1920, một phần bọn uỷ viên Rada cùng với sáu vạn quân Kuban đầu hàng Hồng quân, số còn lại chạy ra nước ngoài. (N.D)

Ở những chặng dừng chân, Grigori thường chú ý lắng nghe những lời bàn ra tán vào và càng ngày chàng càng tin chắc rằng cuối cùng quân Trắng sẽ không thể nào thoát khỏi thất bại. Nhưng dù sao thỉnh thoáng chàng cũng vẫn còn có một tia hy vọng là tình hình nguy cấp sẽ bắt các lực lượng của quân Trắng đang tan vụn, đang mất tinh thần và có thái độ thù địch với nhau phải hợp nhất lại, tổ chức chống cự và đánh lui các đơn vị Hồng quân đang tấn công thắng lợi. Nhưng từ khi Rostov đầu hàng chàng đã mất hẳn niềm hy vọng ấy, và khi có tin đồn rằng ở gần Bataisk Hồng quân đã bắt đầu rút lui sau những trận chiến đấu ác liệt thì chàng có ý nghi ngờ.

Chán ngán phiền muộn vì cuộc sống vô công rồi nghề, Grigori có ý định đến nhập vào một đơn vị chiến đấu nào đó. Nhưng khi chàng cho Prokho biết ý nghĩ ấy thì hắn kiên quyết chống lại.

– Anh Grigori Pantelevich ạ, có lẽ anh đã mất hết lý trí rồi! – Hắn nói giọng tức tối. – Chúng ta chui đầu vào đó, vào cái địa ngục ấy làm quái gì? Sự nghiệp đã sắp đi đời nhà ma, chính anh cũng đã nhìn thấy, thế mà chúng ta lại tự mình lao vào chỗ chết một cách vô ích hay sao? Hay anh cho rằng hai chúng mình có thể cứu được chúng nó? Trong lúc chúng nó còn chưa động đến mình, còn chưa lôi cuốn chúng mình vào một đơn vị cho kỳ được thì phải mau mau chuồn khỏi nơi tai vạ cho thật xa, thế mà anh lại nói cái chuyện quỉ quái ấy? Không được đâu, xin mời anh cứ rút lui cho thật hiền lành, theo kiểu các cụ già ấy. Anh và tôi, hai chúng mình đánh đấm mấy năm nay đã quá đủ rồi, bây giờ hãy để những thằng khác nếm mùi cho chúng nó biết! Chính vì thế mà tôi đã phải đi lùng kiếm các bệnh lậu ấy chẳng nhẽ bây giờ lại ra mặt trận để chịu què cụt hay sao? Tôi cũng xin giã ơn anh! Đủ lắm rồi! Cuộc chiến tranh nầy đã làm cho tôi chán ngấy, bây giờ chỉ nghĩ tới cũng đủ buồn nôn! Nếu anh muốn đi thì cứ đi một mình, còn tôi thì tôi không muốn dâu. Anh đi tôi sẽ vào nằm quân y và thế là xong!

Grigori nín lặng giờ lâu rồi nói:

– Cũng tuỳ ý cậu thôi. Song chúng ta cứ đi Kuban đã. Đến đó hẵng hay.

Prokho đã có kế hoạch hành động riêng của hắn: mỗi khi đến một điểm dân cư nào lớn, hắn đều đi tìm viên y sĩ, và đem về những thuốc bột hay thuốc nước, nhưng xem ra hắn chữa chạy cũng không chuyên tâm lắm. Khi Grigori hỏi tại sao hắn chỉ uống các thứ thuốc bột, còn các thứ khác hắn đều dẫm rất cẩn thận xuống tuyết để huỷ đi thì Prokho cho biết rằng hắn không có ý định chữa khỏi hẳn mà chỉ muốn làm cho bệnh dịu đi một chút, để với tình trạng như thế, nếu không may phải kiểm tra lại sức khỏe, hắn sẽ có thể dễ dàng tránh không bị tống ra đơn vị. Khi đến trấn Velikonigieskaia, một gã Cô-dắc có kinh nghiệm khuyên hắn nên dùng thuốc sắc bằng chân vịt để chữa. Từ hôm ấy, hễ tới một thôn hay thị trấn nào, Prokho vừa gặp người đầu tiên đã hỏi ngay: “Ông làm ơn cho biết vùng ta có nuôi vịt không?” Khi người dân địa phương ngạc nhiên trước câu hỏi trả lời rằng không có nuôi vì chung quanh đấy không có nước và nuôi vịt chẳng được lợi lộc gì, thì Prokho rít răng nói hết sức khinh bỉ: “Các người ở đây sống thật không còn ra con người nữa! Có lẽ từ nhỏ các người chưa từng được nghe tiếng vịt quạc quạc bao giờ! Cái dân ngu đần trên đồng cỏ!” Rồi hắn quay lại nói với Grigori một vẻ thất vọng đau khổ: “Nhất định đã có một tay cố đạo qua đường trước mặt chúng ta rồi(322)! Đến đâu cũng không gặp may! Chà nếu mà ở đây họ có nuôi vịt thì tôi sẽ mua ngay một con, bao nhiêu tiền cũng không tiếc, hoặc tháu lấy cũng được. Như vậy thì may ra các vấn đề của tôi mới có thể khá hơn, nếu không cái bệnh của tôi nó phát ra mỗi ngày một ghê gớm! Đầu tiên chỉ là một trò đùa, quá lắm là nó không để cho mình chợp mắt trong khi đi đường, nhưng bây giờ cái của đáng nguyền rủa ấy, đúng là nó đã trở thành một hình phạt! Không còn ngồi vững trên xe được nữa!”

(322)  Theo sự mê tín của dân Cô-dắc đang đi mà thẩy cố đạo ngang đường thì cũng như người Việt Nam ta ra ngõ gặp gái. (N.D)

Vì không tìm kiếm được sự đồng tình về phía Grigori nên Prokho thường ngậm tăm rất lâu và có khi lầm lì cau có ngồi trên xe hàng tiếng đồng hồ, chẳng nói chẳng rằng.

Grigori cảm thấy những ngày phí hoài để dong ruổi trên đường dài một cách hết sức nặng nề, và những đêm đông vô tận thì càng dài hơn. Chàng có thừa thãi thì giờ để suy nghĩ về hiện tại và hồi tưởng lại quá khứ. Chàng điểm đi điểm lại trong óc những năm qua của đời mình, một cuộc đời đã diễn ra thật là kỳ dị và chẳng có gì tốt đẹp. Dù là ngồi trên chiếc xe trượt tuyết, cặp mắt mung lung nhìn sâu vào những khoảng mênh mông của đồng cỏ nằm im lìm dưới bầu không khí chết lặng, dù là ban đêm nằm với cặp mắt nhắm nghiền và hai hàm răng nghiến chặt ở một nơi nào đó trong một căn phòng nhỏ bé ngột ngạt, người chen chúc như nêm, chàng đều chỉ nghĩ tới một điều: Acxinhia đang ốm, mê man bất tỉnh, bị để lại trong một cái xóm không tên tuổi, những người thân yêu còn ở lại thôn Tatarsky… Ở đấy, trên vùng sông Đông đang là chính quyền xô viết và Grigori cứ luôn luôn đau khổ lo lắng tự hỏi: “Không biết chúng nó có vì mình mà hành hạ mẹ hay Dunhiaska không? Nhưng chàng lại lập tức tự an ủi và cố nhớ lại những câu chuyện về Hồng quân mà chàng đã được nghe kể nhiều lần trên đường đi: họ tiến quân một cách hoà bình và đối xử tốt với nhân dân các trấn bị chiếm đóng. Những điều khắc khoải lo âu dần dần tan đi và bây giờ chàng lại cảm thấy rằng ý nghĩ lo mẹ già phải chịu trách nhiệm về mình là vô lý kỳ quặc và không có cơ sở gì cả. Nhớ tới hai đưa con, trái tim của Grigori lại âu sầu se lại trong giây lát. Chàng lo ở nhà không giữ nổi cho hai đứa khỏi bị thương hàn và đồng thời chàng cũng cảm thấy rằng dù chàng có yêu con đến mấy, nhưng sau cái chết của Natalia, không một sự đau khổ nào có thể làm cho chàng tơi bời ruột gan như lần ấy được nữa…

Khi tới một vùng dùng làm nơi cho gia súc qua mùa đông ở tỉnh Xansk, Grigori và Prokho quyết định ở lại đấy bốn ngày cho hai con ngựa được nghỉ ngơi. Trong thời gian ấy, giữa hai người đã có những lúc bàn bạc về vấn đề sau nầy sẽ làm gì. Ngay hôm đầu, vừa tới khu nầy, Prokho đã hỏi:

– Quân ta sẽ giữ mặt trận ở vùng Kuban hay còn rút lui đến Kavkaz? Anh thấy thế nào?

– Mình không biết. Nhưng đối với cậu có phải đằng nào cũng thế hay không?

– Anh nghĩ ra cái chuyện gì mà lạ thế? Tại sao đối với tôi lại có thể là đằng nào cũng thế cả? Nếu cứ như thế nầy chúng ta sẽ bị đuổi đến những vùng theo đạo Hồi, tới nơi nào đó ở gần Thổ nhĩ kỳ, rồi đến đó sẽ hát cho củ cải nghe có phải không?

– Mình không phải là Denikin của cậu và cậu chớ hỏi mình là chúng nó sẽ đuổi bọn mình đến đâu nữa, Grigori trả lời có vẻ khó chịu.

– Tôi hỏi thế vì có tin đồn rằng đến sông Kuban sẽ lại bắt đầu phòng thủ và sang xuân ai sẽ lại về nhà người nấy.

– Thế ai sẽ phòng thủ? – Grigori cười mỉa.

– Có anh em Cô-dắc và bọn “Kadet” đấy, ngoài ra còn ai nữa?

– Cậu nói ra toàn những điều ngớ ngẩn! Cậu điên rồi à? Không nhìn thấy chung quanh đang diễn ra những trò gì à? Thằng nào cũng đều tìm cách đánh bài chuồn cho thật nhanh, thế thì lấy ai phòng thủ bây giờ?

– Chao ôi, người anh em ạ, chính tôi cũng thấy công việc của chúng ta hỏng bét rồi, nhưng không hiểu sao vẫn không muốn tin… – Prokho thở dài. – Thế trong trường hợp phải bơi hay bò ra nước ngoài thì anh nghĩ thế nào? Anh có đi hay không?

– Nhưng cậu thì sao đã?

– Việc của tôi là như thế nầy: anh đi đâu thì tôi đi đấy. Nếu mọi người kéo nhau đi cả, tôi cũng không thể ở lại một mình được.

– Cả đến mình cũng nghĩ như thế đấy. Nếu đã rơi vào cái tính thế của những con cừu thì thế nào cũng phải đi theo con cừu đực… Song con cừu đực ấy có khi lại ngớ ngẩn mò tới không biết những nơi ma quái nào… Nhưng thôi, anh hãy bỏ những chuyện ví von ấy đi! Anh hãy nói thẳng vào việc đi nào?

– Thôi cậu làm ơn đừng ám mình nữa? Đến lúc đó thì sẽ biết. Mình với cậu thì làm thế nào mà đoán mò trước được!

Thôi được, Amen(323)! Tôi sẽ không hỏi thêm gì anh nữa. – Prokho đồng ý.

(323)  Tiếng dùng để chấm dứt một bài cầu nguyện của người theo đạo Thiên Chúa. (N.D)

Nhưng hôm sau, khi hai người đi dọn dẹp cho ngựa, Prokho lại quay về chuyện cũ:

– Anh có nghe nói về bọn “Xanh”(324) không nhỉ? – Hắn hỏi một cách dè dặt và làm vẻ như đang nhìn kỹ cái cán của chiếc đinh ba.

– Có nghe nói. Nhưng sao cơ chứ?

– Tại sao lại còn có cả cái bọn “Xanh” anh nhỉ? Chúng nó ủng hộ ai thế?

– Ủng hộ bọn Đỏ.

– Thế tại sao người ta lại gọi chúng nó là “Xanh”?

– Ôn dịch nào biết được chúng nó? Có lẽ vì chúng nó lẩn trốn trong rừng nên mới có cái biệt hiệu như thế.

– Hay là anh và tôi nhuộm mình thành màu xanh đi! – Prokho nín lặng giờ lâu rồi rụt rè đề nghị.

– Mình không muốn lắm đâu.

– Thế ngoài bọn “Xanh”, không còn những đám nào có thể giúp chúng ta mau chóng về nhà à? Đối với tôi thì xanh lá cây hay xanh lam, hoặc vàng như lòng đỏ trứng gà, thế quái nào cũng như nhau tuốt tôi sẵn sàng nhuộm mình thành bất cứ màu gì, miễn là những con người ấy chống chiến tranh và thả cho lính tráng về nhà…

– Cậu hãy chịu khó chờ ít lâu, chưa biết chừng sẽ có những thằng như thế đấy. – Grigori khuyên.

(324)  Tên mà bọn Trắng thường dùng để gọi các đội du kích theo Hồng quân ở miền Nam nước Nga. (N.D)

Đến cuối tháng Giêng, trong một buổi trưa tuyết tan, trời đầy sương mù, Grigori và Prokho đến làng Belaya Glina. Chừng vạn rưởi dân chạy nạn chen chúc trong làng nầy, trong số đó già nửa mắc bệnh thương hàn phát ban. Những tên Cô-dắc mặc những chiếc áo ca-pốt kiểu Anh ngắn cũn cỡn, áo da ngắn hay áo bông đi sục trong các phố kiếm nhà ở và rơm cỏ cho ngựa. Chỗ nào cũng thấy những tên cưỡi ngựa và những chiếc xe vận tải. Hàng chục con ngựa gầy yếu kiệt sức thẫn thờ nhai rơm quanh những cái máng ăn trong các sân nhà. Trên các đường phố thấy lỏng chỏng những chiếc xe trượt tuyết những chiếc xe vận tải bốn bánh, những hòm đạn bị vứt bỏ.

Trong khi đi qua một căn phố, Prokho bỗng nhìn kỹ một con ngựa cao lớn màu hạt dẻ buộc ở một đoạn hàng rào và nói:

– Con ngựa của bác bạn đỡ đầu Andriuska đây mà? Có lẽ bà con thôn ta ở đây rồi. – Nói xong hắn nhảy rất lẹ trên chiếc xe trượt tuyết xuống rồi chạy vào trong nhà để hỏi thăm tin tức.

Vài phút sau gã Andrey Toponskov, bạn đỡ đầu và láng giềng của Prokho bước trong nhà ra với chiếc áo ca-pốt khoác vội trên vai.

Có Prokho cùng ra, hắn từ tốn bước tới bên chiếc xe và chìa cho Grigori một bàn tay đen sì nặc mùi mồ hôi ngựa.

– Anh cùng đi với đoàn xe của thôn đấy à? Grigori hỏi.

– Chúng tôi cùng chịu chung khó khăn thiếu thốn với nhau.

– Thế nào, bà con ta đi đường ra sao?

– Đi thế nào thì anh cũng biết rồi… Sau mỗi chặng nghỉ đêm đều có những người và những con ngựa bị để lại…

– Thế ông già nhà tôi có còn sống, còn khỏe không?

Toponskov tránh không nhìn Grigori, thở dài:

– Hỏng mất rồi, anh Grigori Pantelevich ạ, thật không may… Anh hãy đọc kinh cầu cho vong hồn ông cụ đi, chiều hôm qua linh hồn cụ đã về chầu Chúa, cụ đã qua đời rồi…

– Thế đã chôn cất chưa? – Grigori tái mặt hỏi.

– Tôi không thề nói được vì hôm nay không qua bên ấy. Chúng ta cùng đi, tôi sẽ chỉ nhà cho… Bác bạn đỡ đầu ạ, bác cứ đi bên phải nhé, tính từ góc phố, bên tay phải là nhà thứ tư.

Tới một ngôi nhà rộng thênh thang, mái lợp tôn, Prokho cho con ngựa dừng lại bên cạnh hàng rào, nhưng Toponskov khuyên hắn cứ cưỡi ngựa vào trong sân.

– Ở đây cũng hơi chật chội một chút, đã có chừng hai chục người, nhưng đại khái vẫn có chỗ cho hai anh được. – Hắn nói rồi nhảy trên xe xuống để mở cổng.

Grigori là người đầu tiên bước vào trong một căn phòng đốt lửa rất nóng. Một số bà con quen biết trong thôn chen chúc nhau, kẻ nằm người ngồi ngay trên sàn nhà. Có người chữa giầy ủng và đồ thắng ngựa. Ba người ngồi ở bàn ăn súp khoai tây. Trong số đó có lão già Beskhlevnov, người thắng ngựa cùng xe và cùng ra đi với ông Panteley Pantelevich. Thấy Grigori bước vào, đám Cô-dắc đều đứng cả dậy và đồng thanh trả lời câu chào ngắn gọn.

– Thế cha tôi đâu? – Grigori bỏ mũ lông, nhìn quanh căn phòng và hỏi.

– Chúng ta đã gặp chuyện chẳng may… ông Panteley Pantelevich đã qua đời rồi. – Lão Beskhlevnov khẽ trả lời rồi đưa tay áo trermen lên lau miệng, đặt muỗng xuống và làm dấu phép.

– Ông cụ đã tắt thở hôm qua, lúc mọi người còn chưa đi ngủ, cầu cho cụ được hưởng phúc nơi thiên đường.

– Tôi biết rồi. Thế đã chôn cất xong chưa?

– Còn chưa đâu. Hôm nay chúng tôi đã sửa soạn hạ huyệt, nhưng bây giờ cụ vẫn còn ở trong kia, chúng tôi đã đưa cụ vào phòng trong không đốt lửa. Bác vào đây, – lão Beskhlevnov mở cái cánh cửa thông sang phòng bên và nói như xin lỗi, – Bà con Cô-dắc không muốn nằm cùng buồng với người chết vì nặng mùi, mà cụ ở bên ấy lại hơn… Trong ấy nhà chủ không đốt lửa.

Căn phòng trong rất rộng nồng nặc mùi hạt đay giống và mùi chuột. Góc nào cũng đỏ những hạt kê, hạt đay. Trên một chiếc ghế dài có đặt những cái thùng gỗ đựng bột, đựng bơ. Ông Panteley Pantelevich nằm giữa phòng trên một cái đệm. Grigori gạt lão Beskhlevnov sang bên, bước vào trong phòng và đứng bên cạnh bố.

– Cụ đã ốm mất hai tuần, – Lão Beskhlevnov nói thầm thì. – Ngay từ gần Medtretka cụ đã phải nằm vì thương hàn. Không ngờ ông cụ nhà bác lại tìm được nơi yên nghỉ tại đây… Cuộc đời của chúng ta là như thế đấy…

Grigori cúi xuống nhìn bố. Bệnh tật đã thay đổi, đã làm cho những nét trên khuôn mặt thân yêu khác hẳn đi và trở lên xa lạ một cách lạ lùng. Một lớp lông màu xám cứng như rễ tre mọc đầy hai má hõm nhợt nhạt, bộ ria thõng xuống rất thấp trên cái miệng chảy xệ; trong cặp mắt mở he hé, hai khoảng lòng trắng xanh xanh như men sứ đã mất cái ánh lấp loáng, sống động xưa kia. Hàm dưới của ông già trễ xuống và được đeo lên bằng một chiếc khăn quấn cổ màu đỏ và trên cái nền vải đỏ, những sợi râu bạc loăn xoăn nom càng trắng như cước.

Grigori quì xuống để được nhìn kỹ hơn lần cuối cùng và ghi nhớ khuôn mặt thân yêu, nhưng chàng bất giác run bắn lên vì sợ hãi và kinh tởm: trên khuôn mặt xám ngoét, trong như sáp ong của ông Panteley Pantelevich, từng đàn rận bò đầy hai cái hố con mắt và những nếp nhăn trên má. Những con rận phủ khắp mặt ông thành một tấm màn sống, di động, lúc nhúc trong chòm râu, bò loạn trong hai hàng lông mày, bám vào cái cổ đứng của chiếc áo trermen màu lam thành một lớp xám xịt…

***

Grigori cùng hai người Cô-dắc dùng thuốn sắt đào một cái huyệt trong chất đất lá băng rắn như gang. Prokho đóng qua quít một chiếc quan tài bằng vài đoạn ván. Đến lúc mặt trời lặn người ta đem chôn ông Panteley Pantelevich tại nơi đồng đất nước người, dưới mảnh đất của miền Starovol. Và một giờ sau, khi trong làng đã lên đèn, Grigori rời khỏi Belaya Glina đi về hướng Novopokhovskaia.

Khi đến thị trấn Korenovskaia, chàng cảm thấy trong người khó chịu. Prokho mất đến nửa ngày đi tìm bác sĩ và cuối cùng kiếm được một anh chàng quân y sĩ nào đó giữa lúc anh ta đang gần như say bí tỉ: Hắn cố van nài mãi mới đưa được anh ta về chỗ hai người ở nhờ.

Không cởi áo ca-pốt, người quân y sĩ khám bệnh cho Grigori, bắt mạch rồi nói như đinh đóng cột:

– Thương hàn hồi quy. Ngài trung uý ạ, tôi khuyên ngài nên chấm dứt cuộc du lịch nầy đi, nếu không ngài sẽ chết trên đường.

– Để chờ bọn Đỏ tới à? Grigori nhếch mép cười nhạt.

– Chà, tôi cho rằng bọn Đỏ vẫn còn xa.

– Nhưng rồi sẽ gần…

– Tôi không nghi ngờ gì về điều đó. Nhưng ngài nên ở lại thì hơn. Giữa hai điều bất hạnh, có lẽ tôi muốn chọn mặt nầy vì như vậy còn đỡ được một chút.

– Không, dù sao tôi cũng phải đi. – Grigori nói một cách cương quyết và bắt đầu chui đầu vào chiếc áo quân phục. – Ngài sẽ cho tôi thuốc chứ?

– Thế thì ngài cứ đi, đó là việc của ngài. Tôi chỉ có nhiệm vụ góp ý kiến với ngài, ngoài ra là tuỳ ngài. Còn như thuốc men thì thứ thuốc tốt nhất là nghỉ ngơi và chăm nom. Tôi cũng có thể kê đơn, nhưng hiệu thuốc lại tản cư mất rồi, còn tôi thì chẳng có gì ngoài thuốc mê, i-ốt và cồn.

– Ngài cho tôi ít cồn vậy!

– Tôi rất sẵn lòng. Dù sao ngài cũng sẽ chết trên đường, vì thế cồn cũng chẳng có thể thay đổi gì cả. Bảo gã cần vụ của ngài theo tôi, tôi sẽ xuất cho ngài một ngàn gam. Tôi vốn tốt bụng mà… – Người y sĩ đưa tay lên vành mũ chào rồi chập chững bước ra ngoài.

Prokho đem cồn về, và hắn còn kiếm được không biết ở đâu một chiếc xe tải đã tàng tàng, loại hai ngựa. Hắn thắng ngựa rồi vừa bước vào phòng vừa báo cáo bằng một giọng châm biếm rầu rĩ:

– Bẩm quan lớn, xe song mã đã sẵn sàng!

Rồi những ngày nặng nề, sầu thảm lại kéo dài.

***

Mùa xuân miền Nam đến quá vội vàng đã lan tới từ các nhánh núi vùng Kuban. Tuyết tan đều trên đồng cỏ bằng phẳng, để lộ ra những đám đất đen màu mỡ bóng nhoáng. Những con suối mùa xuân róc rách như tiếng chuông bạc. Mặt đường thủng lỗ chỗ như một bộ mặt rỗ, những chân trời xanh lơ đằng xa đã rạng lên ra vẻ mùa xuân lắm rồi và bầu trời vùng Kuban nom càng thăm thẳm hơn, xanh hơn, ấm áp hơn.

Hai ngày sau, lúa mì mùa đông đã ngoi lên đón ánh sáng mặt trời, một làn sương mù trắng trắng chập chờn trên những luống đất cày.

Hai con ngựa dẫm lõm bõm trên mặt đường lộ trần dưới lớp tuyết, móng thụt xuống bùn tới quá lớp lông mục như bàn chải bên trên móng. Bị sa lầy trong các khe nước, hai con ngựa phải ráng hết sức cong lưng kéo chiếc xe, mồ hôi bốc hơi ngùn ngụt. Prokho tỏ ra là một người chủ ngựa thành thạo, hắn buộc cao đuôi ngựa và thỉnh thoảng lại nhảy trên xe xuống đi bên cạnh. Hắn rút chân dưới bùn lên một cách khó khăn làu bàu:

– Đây không phải là bùn mà là nhựa chưng, dính như keo ấy, thật đấy! con ngựa không được ráo mồ hôi một lúc nào.

Grigori chẳng nói chẳng rằng. Nằm trên xe, chàng thấy lạnh, cứ phải lấy cái áo lông quấn chặt quanh mình. Nhưng đi mãi mà không có ai nói chuyện với mình cũng buồn, Prokho lay chân hoặc kéo tay áo Grigori và nói:

– Chỗ nầy bùn quánh khiếp! Anh xuống xe thử đi một lát mà xem! Mà sao tự nhiên anh lại giở cái trò lăn đùng ra ốm thế nầy?

– Cút mẹ cậu đi! – Grigori thều thào, giọng chỉ hơi có thể nghe thấy.

Hễ gặp một người nào đó, Prokho lại hỏi:

– Đi thêm nữa thì bùn còn quánh hơn hay vẫn thế nầy?

Người kia cười và trả lời bằng một câu pha trò. Như thế cũng đủ làm Prokho thoả mãn vì đã được trao đổi một câu với một con người còn sống. Thế là hắn lại nín thinh đi thêm một lát, chốc chốc lại cho hai con ngựa đứng lại để chùi những giọt mồ hôi rất to trên cái trán rám nâu. Rồi một số người cưỡi ngựa đuổi kịp chiếc xe của hắn.

Prokho không nhịn được nữa, bèn giữ họ lại, chào hỏi, tìm hiểu xem họ đi đâu và quê quán nơi nào, cuối cùng hắn nói:

– Các bác đi thêm cũng vô ích thôi. Đằng ấy không thể nào qua được đâu Vì sao ấy à? Vì rằng ở đấy đường lầy lội ghê gớm, những người tôi gặp nói rằng ngựa phải lội bì bõm, bùn lên tới bụng, bánh xe tải không quay được nữa, còn những người đi bộ, nếu thấp lùn thì đều ngã xuống đường và chết đuối dưới bùn. Chỉ con chó cộc mới nói bậy thôi, tôi thì không nói bậy bao giờ đâu! Tại sao chúng tôi vẫn đi ấy à? Chúng tôi thì chẳng còn có cách nào khác, tôi phải đưa một ông tổng giám mục đi, người đang ốm và không thể nào sống chung với bọn Đỏ được…

Phần lớn những người cưỡi ngựa đều chỉ chửi Prokho vài câu không có gì là ác ý rồi lại cho ngựa đi tiếp. Nhưng cũng có vài người trước khi thúc ngựa đi tiếp còn chăm chú nhìn hắn và nói:

– Cả đến những thằng ngu xuẩn của vùng sông Đông cũng rút lui à? Dân trấn các anh, tất cả đều là những thằng như anh có phải không?

Hoặc còn những câu gì khác đại loại như thế, nhưng cũng không kém phần sâu cay. Chỉ có một gã người Kuban bị tách khỏi đoàn xe của bọn đồng hương là thật sự điên tiết khi bị Prokho làm mất thì giờ với những câu chuyện ngớ ngẩn. Gã đã định cầm roi ngựa quật cho Prokho một cái ngang trán, nhưng Prokho nhảy lên xe một cách nhanh nhẹn lạ lùng rồi rút khẩu súng trường dưới đệm, đặt ngang đầu gối. Người dân Kuban vừa thúc ngựa bỏ đi vừa chửi tất tục, còn Prokho thì cười phá lên, gào theo:

– Ở đây thì mày không thể lẩn vào trong cánh đồng ngô như ở gần Sarysin được đâu! Cũng là hùng hùng hổ hổ xắn tay áo lên! Nầy, thử quay lại xem nào, linh thần mày cũng nát bét như cháo ngô thôi. Muốn gây sự với tao à? Xốc cái áo lùng thùng của mày lên đi, kẻo lại quét hết lên bùn bây giờ? cái thằng nhẽo nhợt vô tích sự(325)! Chỉ tiếc tao chẳng còn viên đạn thổ tả nào, nếu không đã cho mày ăn một viên! Thôi quẳng cái roi đi, nghe rõ chưa?

Đần độn ra vì buồn và vì sống vô công rồi nghề, Prokho cố tìm mọi cách tiêu khiển.

(325)  Nguyên văn: “Đùi đàn bà!” (N.D)

Còn Grigori thì từ ngày bắt đầu ốm, chàng cứ sống như trong mộng. Thỉnh thoảng chàng mê đi, nhưng sau lại tỉnh. Một lần chàng thiếp đi rất lâu, tỉnh lại thì thấy Prokho đang cúi xuống nhìn mình.

– Anh vẫn còn sống à? – Prokho vừa hỏi vừa nhìn vào hai con mắt mờ đục của Grigori.

Mặt trời chiếu chói chang trên đầu hai người. Từng đàn vịt trời cánh đen kêu quàng quạc bay qua trên bầu trời xanh thẫm, khi thì tụ lại thành một đám, khi thì vươn dài thành một hình chữ nhân đen như nhung. Đất bị hun nóng và cỏ non mới nhú toả ra một mùi ngây ngất. Grigori thở hổn hển, hít lấy hít để vào trong lồng ngực làn không khí đầy sức sống của mùa xuân. Tiếng Prokho nói lọt vào tai chàng một cách hết sức khó khăn, muôn vật chung quanh đều tựa như trở nên huyền ảo, bị thu nhỏ lại một cách lạ lùng và rất xa vời.

Sau lưng chàng, những loạt hoả lực pháo binh vẫn nổ trầm trầm nhưng chỉ nghe thấy rất nhỏ vì khoảng cách quá lớn, Gần bên tai chàng là tiếng những bánh xe đánh đai sắt lạch xạch đều đặn và rất ăn nhịp, tiếng những con ngựa hí và thở phì phì, tiếng người lao xao.

Mùi bánh mì lấy trong lò ra, mùi rơm cỏ, mùi mồ hôi ngựa xông lên nồng nặc. Tất cả các thứ đó đều được đưa tới cái ý thức đã hôn ám của Grigori như từ một thế giới khác. Chàng căng thẳng tình thần, lắng nghe tiếng nói của Prokho và phải cố gắng lắm mới hiểu được rằng Prokho đang hỏi mình:

– Anh có uống sữa không?

Grigori chỉ hơi động dậy cái lưỡi, liếm cặp môi khô cứng và cảm thấy có một thứ nước lạnh, sền sệt, chảy vào trong miệng mình cùng với cái vị nhạt nhạt quen thuộc. Sau khi nuốt được vài ngụm chàng nghiến răng lại, Prokho đút nút cái chai rồi lại cúi xuống với Grigori và Grigori nhìn cặp môi bị gió thồi khô nẻ của Prokho động đậy mà đoán ra hơn là nghe thấy cầu hắn hỏi chàng:

– Hay là để anh ở lại trong thị trấn nhé! Anh thấy trong người khó chịu lắm à?

Nét mặt của Grigori lộ rõ vẻ đau khổ và lo lắng. Chàng tập trung toàn bộ nghị lực một lần nữa, khẽ nói:

– Mình chưa chết… thì cứ đưa đi…

Chàng nhìn mặt Prokho, đoán rằng hắn đã nghe hiểu lời mình nói bèn yên tâm nhắm mắt lại. Chàng tiếp nhận cái trạng thái mê man bất tỉnh như một niềm khuây khoả, chìm sâu trong cái tối đen đặc quánh của lãng quên, thoát được ra ngoài toàn bộ cái thế giới đang kêu la ầm ĩ chung quanh…


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.