Sông Đông êm đềm
Chương 220 phần 2
Chiếc xe đã đứng lại, Grigori bước tới hỏi:
– Bánh mì của cậu tính theo cân à? Hay là đếm cái?
– Quỉ quái nào đem ra mà đếm? Các anh có việc gì thế, cần lấy bánh à?
– Cần.
– Thế thì lấy đi!
– Có thể lấy bao nhiêu?
– Lấy được bao nhiêu thì lấy chúng tôi vẫn còn đủ?
Riaptrikov ngạc nhiên nhìn Grigori lấy hết cái bánh nọ đến cái bánh kia. Cuối cùng hắn không nhịn được nữa bèn hỏi:
– Ôn dịch nào làm anh lấy nhiều thế?
– Cần phải lấy. – Grigori trả lời gọn lỏn.
Chàng xin gã chở bánh mì hai cái túi, xếp những cái bánh vào, cảm ơn lòng tốt của gã, chào từ biệt gã rồi ra lệnh cho Riaptrikov:
– Cậu vác lên đi, chúng ta sẽ mang về.
– Anh chuẩn bị qua mùa đông ở đây đấy à? – Riaptrikov vác một cái túi bánh lên vai rồi hỏi bằng một giọng châm biếm.
– Chỗ nầy không phải để dùng cho mình đâu.
– Thế thì cho ai?
– Cho con ngựa.
Riaptrikov quăng luôn cái túi xuống đất. Hắn kinh ngạc hỏi:
– Anh nói đùa đấy à?
– Không, nói thiệt đấy.
Như thế nghĩa là anh… anh đang nghĩ ra cái trò gì thế, anh Pantelevich? Anh định ở lại, tôi hiểu như thế có đúng không?
– Cậu hiểu đúng đấy. Thôi, vác cái túi lên, ta đi đi thôi. Phải cho con ngựa ăn mới được, nếu không nó sẽ gặm hết cái máng. Con ngựa nó vẫn còn giúp được mình đấy, không thể đi lính làm bộ binh được.
Riaptrikov ngậm tăm cho đến khi về tới nhà. Hắn è è trong họng khiêng cái túi, chốc chốc lại đổi vai. Lúc sắp đi tới cái cửa xép hắn mới hỏi:
– Anh có định bảo cho các cậu ấy biết không? – Rồi không chờ trả lời, hắn nói luôn bằng một giọng có vẻ hơi bực mình – Anh nghĩ ra cái trò ấy kể cũng hay đấy… Nhưng còn bọn chúng tôi thì sao?
– Tuỳ các cậu thôi. – Grigori làm ra ve thờ ơ trả lời – Chúng nó sẽ không nhận cho chúng ta đi đâu, không thể có chỗ cho tất cả mọi người, nhưng cũng chẳng cần? Chúng mình cần đến chúng nó làm gì việc gì cứ phải bám lấy chúng nó mà xin xỏ! Chúng mình cứ ở lại. Thử với may rủi xem sao? Nhưng cậu vào đi chứ, làm gì mà như sa lầy ở cái cửa xép như thế?
– Nghe một câu chuyện như thế nầy thì còn thế nào nhấc chân lên được nữa? Cả đến cái cửa tôi cũng không nhìn thấy nữa rồi. Lại có cái trò như thế nầy! Anh Griska ạ, thật cứ như anh lấy cái đầu rìu đập vào thóp tôi một cái ấy. Đúng là anh làm tôi choáng váng mê mẩn cả đi. Thế mà tôi cứ nghĩ: “Không hiểu anh chàng xin những cái bánh mì nầy làm cái quái gì”. Bây giờ mà anh em biết thì chúng nó sẽ nháo lên cho mà xem…
– Thế nào, còn cậu thì sao? Cậu không ở lại à? Grigori dò hỏi.
– Anh làm sao thế? – Riaptrikov sợ hãi kêu lên.
– Cậu cứ nghĩ kỹ đi.
– Chẳng cần phải nghĩ ngợi gì hết? Nếu còn chỗ tôi sẽ đi ngay không một hai cái gì hết. Tôi sẽ nhập vào với đại đội pháo của trấn Karginskaia và sẽ đi.
– Làm như thế không đúng đâu.
– Đúng hẳn đi chớ lỵ? Cái đầu của tôi tôi còn quí hơn. Tôi không muốn bọn Đỏ dùng nó để thử gươm của chúng nó đâu.
– Ô, cậu thử nghĩ kỹ mà xem, Platon! Tình hình đã đến bước như thế nầy…
– Thôi anh đừng nói nữa, tôi đi ngay đây.
– Thôi được cậu muốn làm thế nào thì làm. Mình cũng chẳng can, – Grigori nói vẻ bực mình rồi bước trước lên những bậc thềm đá.
Cả Ermakov, Prokho lẫn Bogatyrev đều không có nhà. Chủ nhà, một người đàn bà Armenia lưng gù, đã có tuổi, nói rằng mấy gã Cô-dắc đi đâu không biết và hứa sẽ về ngay. Không kịp cởi áo, Grigori đã cắt bánh mì thành những khoanh to rồi xuống nhà kho với mấy con ngựa. Chàng đem bánh mì chia làm hai phần đều nhau, ném cho hai con ngựa của mình và của Prokho. Đến lúc chàng xách cái thùng, định ra lấy nước thì thấy Riaptrikov đứng lù lù ở cửa, với những miếng bánh mì bẻ rất to bọc cẩn thận trong vạt áo ca-pôt.
Đánh hơi thấy mùi chủ, con ngựa của Riaptrikov hí lên một tiếng ngắn. Grigori chỉ hơi nhếch mép cười. Riaptrikov lầm lì bước qua chỗ Grigori đứng. Hắn ném những miếng bánh xuống cái máng và nói nhưng không nhìn Grigori:
– Thôi, anh làm ơn đừng nhe răng nhe lợi ra nữa, tình hình đã bắt buộc phải làm như thế thì tôi cũng phải cho con ngựa của tôi ăn thôi… Anh tưởng tôi ra đó thì cũng thích thú lắm phải không?
Chính tôi đã tự xách cổ mình, bắt mình phải mò tới cái tàu trăm lần đáng nguyền rủa ấy, đúng là như thế đấy? Vì lo cho cái mạng của mình nên mới phải làm như thế… trên vai chỉ có một cái đầu thôi chứ mấy? Nếu Chúa để cho nó bị chặt béng đi thì đến ngày lễ Đức Mẹ nó cũng sẽ chẳng mọc lại đâu…
Mãi khi trời sắp hoàng hôn, Prokho và mấy gã Cô-dắc mới mò về. Ermakov đem về một cái chai cồn rất to, còn Prokho thì xách về một cái túi đầy những cái lọ đậy nút rất kín đựng một thứ nước màu vàng đục.
– Kiếm ngoại được món nầy đây! Đủ dùng suốt đêm rồi. – Ermakov chỉ cái chai có ý khoe khoang và nói rõ thêm – Bọn mình gặp một lão bác sĩ quân y, lão nhờ giúp lão chuyển thuốc men từ nhà kho ra bến tàu. Bọn phu khuân vác không chịu làm việc, chỉ có lũ học sinh sĩ quan lôi thuốc từ trong kho ra thôi. Chúng mình bèn vào làm thêm với chúng nó. Lão bác sĩ lấy cồn để trả công giúp đỡ của chúng mình, còn những cái lọ nầy là Prokho ăn cắp đấy. Mình không nói dối đâu, nếu sai thì có Chúa phạt!
– Nhưng trong ấy cái gì thế? – Riaptrikov tò mò hỏi.
– Người anh em ạ, cái nầy còn nguyên chất hơn cả cồn nữa đấy? – Prokho lắc lắc cái lọ, soi ra chỗ sáng, ngắm nghía một thứ nước sanh sánh sủi bọt sau lớp thuỷ tinh màu sẫm và nói thêm bằng một giọng dương dương tự đắc – Đây là thứ rượu vang quí nhất của nước ngoài đấy. Chỉ người ốm được uống thôi. Một thằng học sinh võ bị ranh con hiểu được tiếng Anh đã bảo tôi như thế. Bao giờ ngồi trên tàu chúng mình sẽ uống cho đỡ buồn, và sẽ hát bài: “Quê hương vô vàn yêu dấu của tôi”, và sẽ uống mãi cho đến Krym, còn cái lọ thì ném xuống biền.
– Cậu ra ngoài ấy nhanh lên, lên tàu đi, nếu không chúng nó sẽ vì cậu mà giữ tàu lại, không cho nổ neo đâu. Chúng nó sẽ bảo: “Prokho Zykov, vị anh hùng trong số những người anh hùng đâu rồi, không có hắn chúng ta ra đi làm sao được?” – Riaptrikov nói bằng một giọng châm biếm. Rồi hắn nín lặng một lát và giơ ngón tay vàng khè vì khói thuốc chỉ Grigori – Grigori đã bỏ cái ý nghĩ ra đi rồi. Và cả mình cũng thế.
– Thật à? Prokho kêu lên. Hắn ngạc nhiên quá, thiếu chút nữa thì đánh rơi cái lọ khỏi tay.
– Cái gì thế hử? Ở đây hai ông đã nghĩ ra cái trò gì thế hử – Ermakov cau mày nhìn Grigori chằm chằm và hỏi.
– Chúng mình quyết định không đi nữa rồi.
– Vì sao thế?
– Hôm nay không có thì ngày mai sẽ có. – Bogatyrev nói một cách tin tưởng.
– Thế cậu đã ra các bến tàu chưa?
– Có thấy rồi.
– Thấy rồi? Đã thấy thì còn gì mà nói nữa? Chúng nó chỉ nhận cho mình và Riaptrikov đi thôi, mà đó là một thằng thuộc Tập đoàn quân tình nguyện nói rằng chúng mình phải đứng lẫn vào đại đội pháo của trấn Karginskaia, ngoài ra không còn cách nào khác.
– Chúng nó còn chưa lên tàu chứ, cái đại đội pháo ấy? – Bogatyrev vội hỏi ngay.
Sau khi được biết rằng bọn lính pháo binh còn đang xếp hàng chờ lượt lên tàu, hắn lập tức bắt tay vào sửa soạn: hắn bỏ vào một chiếc ba-lô vài thứ đồ lót, một cái quần dự bị, một chiếc áo quân phục cổ chui, nhét vào đó ít bánh mì rồi từ biệt các bạn.
– Ở lại thôi, Petro! – Ermakov khuyên hắn. – Bọn mình không nên tan tác mỗi đứa một nơi.
Bogatyrev không trả lời, chỉ chìa cho hắn một bàn tay đẫm mồ hôi, rồi khi ra đến ngưỡng cửa hắn còn cúi chào một lần nữa và nói:
– Chúc tất cả mạnh khoẻ! Nếu Chúa run rủi, chúng mình sẽ còn gặp nhau! – Nói xong hắn bỏ chạy ra ngoài.
Sau khi hắn đi rồi, trong phòng lặng đi giờ lâu rất là khó chịu.
Ermakov vào bếp tìm người chủ nhà, mang ra bốn cái cốc, lặng lẽ rót rượu, rồi lại đặt lên bàn một cái ấm pha trà to bằng đồng đầy nước lạnh. Sau đó hắn cắt mỡ chài và vẫn ngậm tăm như thế, ngồi vào bàn. Hắn chống khuỷu tay nhìn đờ đẫn vài phút xuống chân mình, cuối cùng hắn ghé miệng vào ngay vòi ấm tu một hơi và nói khàn khàn:
– Ở Kuban, chỗ nào nước cũng nặc mùi dầu hoả, không biết tại sao thế nhỉ?
Không ai trả lời hắn, Riaptrikov dùng một mảnh giẻ sạch lau lưỡi gươm ám hơi nước, Grigori lục lọi trong cái hòm của chàng, Prokho thì thẫn thờ đưa mắt qua cửa sổ nhìn những sườn núi trọc trên đó thấy rải rác vài đàn ngựa.
– Chúng ta ngồi vào bàn, uống đi chứ? – Ermakov nói rồi không chờ đợi mọi người, dốc luôn vào miệng nửa cốc rượu, hắn uống thêm một ít nước rồi vừa nhai một miếng mỡ chài hồng hồng vừa đưa cặp mắt đã lại vui vẻ nhìn Grigori và hỏi:
– Các ông đồng chí Đỏ có cách cái mạng của chúng ta đi không nhỉ?
– Chúng nó giết thế nào được tất cả mọi người. Ở lại đây còn có bao nhiêu ngàn người. – Grigori trả lời.
– Tôi có lo buồn cho tất cả mọi người đâu. – Ermakov phá lên cười. – Tôi chỉ lo cho cái thần xác của tôi thôi…
Sau khi uống một chập khá nhiều, câu chuyện đã trở nên vui vẻ.
Nhưng chỉ một lát sau đã thấy Bogatyrev bất thình lình trở về, âm thầm cau có, mặt tái xanh tái tím vì lạnh. Hắn ném xuống bên ngưỡng cửa cả một bó nhưng chiếc áo ca-pốt kiểu Anh còn mới và lầm lì cởi áo ngoài.
– Chúc mừng ngài đã trở về! – Prokho cúi chào, nói giọng châm chọc.
Bogatyrev đưa cặp mắt tức tối liếc nhìn hắn rồi thở dài và nói:
– Bây giờ thì dù tất cả những thằng Denikin và những thằng con b… khác đến van xin mình, mình cũng không đi nữa? Mình đã xếp hàng, lạnh cóng như con chó đứng ngoài trời lúc đại hàn mà chẳng được tích sự gì cả. Đến lúc đã sát đến lượt mình thì chúng nó cắt không nhận nữa. Có hai thằng đứng trước mặt mình thì một thằng được cho lên tàu, một thằng không. Nửa đại đội pháo ở lại, như vậy thì còn ra thể thống gì nữa hử?
– Chúng nó đem các cậu ra làm trò cười như thế đấy! – Ermakov cười khà khà rồi rót cho Bogatyrev một cốc rượu đầy, làm rượu trào cả ra ngoài. – Nào cậu hãy cạn chén vì nỗi đau khổ đắng cay của cậu đi! Hay cậu còn chờ chúng nó đến van nài rước cậu đi! Cậu hãy nhìn ra cửa sổ mà xem: có phải tướng Vrăngghen đến tìm cậu đấy không?
Bogatyrev nín thinh từ từ nhấp nháp. Hắn hoàn toàn chẳng còn lòng dạ nào mà đùa cợt. Còn Ermakov và Riaptrikov thì đã say bí tỉ.
Hai gã đã đổ cho mụ chủ nhà già xóc uống đến say mềm và đang bàn chuyện đi kiếm một tay chơi accordeon.
– Các cậu hãy ra ga thì hơn. – Bogatyrev khuyên. – Ở ngoài ấy chúng nó đang cướp các toa xe đấy. Cả một đoàn xe toàn quần áo nhà binh.
– Cần quái gì đến các quần áo nhà binh của cậu! – Ermakov quát lên. – Những cái áo ca-pôt cậu lôi về đã đủ chán cho bọn mình rồi! Có thừa thì cũng đến bị chúng nó lột mất thôi! Đồ chó đẻ? Ở đây bọn mình đã quyết định đi theo bọn Đỏ đấy, cậu có hiểu không? Chúng mình là những thằng Cô-dắc chứ có phải là những thằng hạng bét nào đâu? Nếu bọn Đỏ để cho chúng mình sống thì chúng mình sẽ đi lính cho chúng nó! Chúng mình là những thằng Cô-dắc sông Đông! Chính cống Cô-dắc, không một giọt máu nào lai! Cái nghề của chúng mình là đâm chém. Cậu có biết chém như thế nào không? Chém như người ta băm lõi bắp cải ấy! Cậu hãy đứng ra chỗ kia, mình sẽ chém thử cậu xem sao! Chà chà, cậu sợ à? Đối với chúng mình thì chém kẻ nào mà chẳng thế, miễn là có đứa mà chém. Tôi nói có đúng không, anh Melekhov?
– Thôi đi! – Grigori khoát tay mệt mỏi.
Ermakov lác xệch cặp mắt ngầu máu, định với lấy thanh gươm của hắn để trên nắp rương. Bogatyrev gạt tay hắn ra nhưng không có vẻ gì là giận dữ và khuyên hắn:
– Nầy ông chiến sĩ Anhica(328), đừng có quá hung hăng, kẻo tôi lại bắt ông phải biết điều ngay bây giờ. Uống cho đứng đắn một chút, vì cậu cũng mang hàm sĩ quan cơ mà.
– Cái quân hàm ấy mình cũng chẳng cần gì đến nó? Bây giờ thì đối với mình nó cũng chỉ như cái gông trên cổ một con lợn. Thôi cậu đừng nhắc tới nó nữa? Đối với cậu thì cũng thế thôi. Hay để mình cắt béng hai cái lon của câu đi nhé! Petro, cậu bạn yêu quí của mình, chờ đấy, chờ đấy một lát, mình sẽ cắt ngay cho cậu…
– Chưa đến lúc đâu, còn kịp chán. – Bogatyrev vừa cười vừa gạt tay thằng bạn đùa dai.
(328) Một nhân vật anh hùng rơm trong truyện cổ của người Nga.
Cả bọn nhậu nhẹt cho đến khi trời rạng. Ngay từ tối hôm qua đã có mấy tên Cô-dắc mò tới không biết từ nơi nào, một gã có một chiếc accordeon hai dãy phím. Ermakov nhảy điệu Cô-dắc cho đến lúc hắn ngã lăn ra. Bọn kia lôi hắn đến gần cái rương, thế là hắn lập tức ngủ thiếp đi ngay trên sàn nhà, hai chân dạng rộng, đầu ngoặt sang bên cạnh một cách rất không tự nhiên. Cuộc chè chén chẳng có gì vui cứ thế kéo dài đến sáng. Trong số những thằng ngẫu nhiên trở thành quen biết vừa đến dự cuộc rượu, có một tên Cô-dắc đứng tuổi mếu máo nói giọng say nhè: “Tôi vốn là dân trấn Kamchatskaia đây! Nhà ở ngay thị trấn đấy? Nhà tôi có những con bò mộng với những cặp sừng đẹp không đâu có? Ngựa thì như những con sư tử! Nhưng bây giờ cơ nghiệp còn lại được gì? Độc một con chó ghẻ! Nhưng không có gì ăn, cả đến nó cũng sắp ngoẻo rồi…”. Một gã người Kuban mặc chiếc trec-ket rách như sơ mướp bảo gã kéo accordeon chơi điệu “na-uốc-skaia”(329) rồi dang rộng hai tay như trong tranh vẽ, nhảy lươn lướt khắp căn phòng, nom nhẹ nhàng đến nỗi Grigori có cảm tưởng như hai gót ủng kiểu miền núi của gã hoàn toàn không chạm chút nào xuống mặt sàn đất sần sùi bần thỉu.
(329) Một điệu nhảy của miền Grudia. (N.D)
Đến nửa đêm, trong đám Cô-dắc có một gã lôi không biết từ đâu về có hai cái bình cổ ngẳng bằng sành rất cao, trên bụng cái nào cũng có dán một tờ nhãn hiệu đen đen đã gần mục nát, nút bình gắn dấu si, trên những cái dấu si đỏ như quả anh đào lại còn treo những hòn chì rất lớn. Prokho dùng cả hai tay nâng lên rất lâu một chiếc bình to bằng đến một thùng, môi run run một cách đau khổ: hắn cố đọc những chữ nước ngoài trên tờ nhãn hiệu. Ermakov vừa tỉnh lại chưa được mấy chốc giật phắt cái bình trong tay Prokho, đặt xuống đất rút thanh gươm đánh soạt. Prokho chưa kịp ái chà một tiếng, Ermakov đã vung chếch thanh gươm, chém đứt phăng cổ cái bình ở một phần tư chiều cao rồi quát to: “Mang cái gì ra mà đựng!”
Chỗ rượu vang đặc sánh, thơm và nồng một cách lạ lùng bị uống hết ngay trong vài phút. Uống hết rồi, Riaptrikov còn trầm trồ tặc lưỡi mãi, miệng lắp bắp: “Đây không phải là rượu vang mà đúng là nước thánh? Thứ nầy chỉ khi nào sắp chết mới được uống thôi, mà không phải thằng nào cũng được uống đâu. Nó chỉ dành cho những đứa nào suốt đời không đánh bài, không hút thuốc và không động đến đàn bà… Tóm lại, đây đúng là rượu của các tổng giám mục!
Đến lúc ấy lúc Prokho chợt nhớ rằng trong túi dết của hắn còn mấy lọ rượu thuốc.
– Hãy hượm đã, Platon, anh đừng khen quá lời! Tôi còn một thứ rượu vang ngon hơn thứ nầy nhiều! Đây chỉ là phân thôi, thứ tôi lấy được trong nhà kho mới đúng là rượu vang? Mới đúng là trầm hương và mật ong, mà còn hơn thế nữa cũng chưa biết chừng! Người anh em ạ, anh sẽ thấy đây không phải là rượu của các tổng giám mục mà đích thị là rượu cống nhà vua đấy? Xưa kia dành cho vua chúa uống, bây giờ đến phần chúng ta hưởng… – Hắn vừa khoe vừa mở một cái lọ.
Đang còn thèm rượu, Riaptrikov bèn uống ừng ực hết luôn nửa cốc cái thứ nước đặc quánh màu vàng đục. Mặt hắn lập tức nhợt ra, hai con mắt trợn tròn:
– Không phải rượu vang mà là phenol? – Hắn kêu lên, giọng khàn hẳn đi, rồi điên tiết hất nốt chỗ còn lại trong cốc vào áo sơ-mi của Prokho và lảo đảo chạy ra hành lang.
– Nó nói láo đấy, thằng khốn kiếp! Rượu vang của nước Anh đấy! Rượu thượng hảo hạng? Đừng tin lời nó, anh em ạ? – Prokho gào lên, cố át các giọng say nhè khác. Hắn uống một hơi hết cốc nước rồi mặt hắn xám ngoét đi, hơn cả mặt Riaptrikov.
– Nầy thế nào hử? – Ermakov vừa hỏi vừa nhìn Prokho bằng hai con mắt say sưa, cánh mũi hắn phập phồng. – Rượu cống của nhà vua uống vào như thế nào hử? Nặng ra nặng phải không? Ngọt lừ phải không? Nói đi chứ, đồ quỉ sứ nói đi không tao đập tan cái lọ nầy vào đầu mày bây giờ!
Prokho cắn răng chịu khổ, chỉ lắc đầu. Rồi hắn nấc một cái, nhảy chồm lên rất nhanh và chạy theo Riaptrikov ra ngoài. Ermakov cười đến không thở được nữa, hắn nháy mắt với Grigori như âm mưu điều gì rồi bước ra sân. Một phút sau hắn quay vào phòng, tiếng cười sằng sặc át cả tiếng tất cả mọi người.
– Cậu làm sao thế? – Grigori hỏi mệt mỏi. – Làm gì mà hí lên như ngựa thế, đồ ngu xuẩn? Có cái gì thú lắm à (330)?
– Chao ôi, người anh em, anh ra mà xem, hai thằng đang nôn thốc nôn tháo! Anh có biết chúng nó vừa nốc cái gì không?
– Thế cái gì?
– Thuốc chống chấy rận của Anh.
– Chỉ nói láo!
– Lạy Chúa tôi, thật đấy mà! Lúc ở nhà kho, đầu tiên chính tôi cũng tưởng là rượu vang, nhưng sau tôi hỏi lão bác sĩ: “Thưa bác sĩ, đây là cái gì đây?” thì lão bảo: “Thuốc đấy”. Tôi lại hỏi: “Hay nhỡ ra đây là thuốc chữa tất cả các bệnh? Có pha rượu không?” Lão nói: “Cầu Chúa cứu vớt, đây là thứ dầu các nước đồng minh gửi cho chúng ta để chống chấy rận đấy. Thuốc bôi bên ngoài, dứt khoát không uống vào trong bụng được đâu?”.
– Đồ ác ôn, tại sao cậu không bảo cho chúng nó biết? – Grigori bực mình trách hắn.
– Cứ cho hai con quỉ dữ ấy được tẩy ruột trước khi đầu hàng, chắc hẳn chúng nó sẽ không chết đâu! – Ermakov chùi những giọt nước mắt trào ra trong trận cười rồi nói thêm một cách khoái trá không thiếu ác ý – Mà anh em mình cũng được uống dễ dàng hơn, nếu không chúng nó chẳng để cho mình kịp với lấy một ly rượu trên bàn nữa. Với những thằng phàm ăn phàm uống thì phải cho một bài học như thế! Nhưng nào, hai chúng mình cùng uống thêm hay chờ một lát đã? Chúng ta uống mừng ngày tận số của chúng ta chứ?
(330) Nguyên văn: “Vớ được mẩu sắt đấy à?” Phương ngôn Nga có câu: “Hỷ hửng như thằng ngốc vớ được mẩu sắt” (N.D)
Trời sắp hửng thì Grigori bước ra ngoài thềm, chàng cuộn điếu thuốc trong những ngón tay run run, châm hút rồi dựạ lưng vào bức tường đẫm sương đêm, đứng giờ lâu.
Trong nhà vẫn không ngớt tiếng gào la của những thằng say rượu, tiếng nấc hổn hển của chiếc accordeon, tiếng huýt sáo ngang tàng, tiếng gót ủng của những tên nhảy múa không lúc nào ngớt trên sàn đất vang lên dòn tan… Trong khi đó từ ngoài vịnh, gió vẫn đưa tới những tiếng còi tàu trầm trầm, khê đặc. Trên các bến tàu, tiếng người nói nhao nhao hoà quánh với nhau, thỉnh thoảng lại có những tiếng ra lệnh oang oang, tiếng ngựa hí hay tiếng đầu tàu xe lửa rúc còi nổi bật lên. Cuộc chiến đấu đang diễn ra ở một chỗ nào đó về hướng ga Tonnhennaia. Tiếng hoả lực pháo binh dội lên trầm trầm.
Giữa các loạt pháo lại hơi có thể nghe thấy tiếng tằng tằng sôi nổi của những khẩu súng máy. Phía sau đèo Markhotsky bỗng bùng lên những tia sáng của một phát đạn tín hiệu. Bắt đầu nhìn thấy trong vài giây những ngọn núi nom như những cái lưng gù dưới làn ánh sáng hư ảo màu xanh lá cây, rồi bóng tối lầy nhầy của một đêm tháng Ba lại chụp lên những trái núi, và những đợt hoả lực pháo binh lại gầm lên rành rọt hơn, mau hơn, gần như hoà lẫn vào nhau thành một tiếng rền.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.