Sông Đông êm đềm

Chương 223 phần 1



Đến mùa hè, có chừng ba chục gã Cô-dắc trong số rút lui đã trở về thôn Tatarsky. Phần lớn trong số đó là những người già nua và những tên lính thuộc các khoá lớn tuổi, còn những gã Cô-dắc thanh niên và trung niên thì hầu như hoàn toàn chưa về gã nào, trừ những tên ốm yếu và bị thương. Một phần trong bọn nầy đã đi theo Hồng quân những tên khác thì nằm trong quân số các trung đoàn của Vrăngghen đang ẩn náu ở Krym chuẩn bị một đợt tiến quân khác về vùng sông Đông.

Quá nửa số những tên rút lui đã vĩnh viễn nằm lại trên đồng đất nước người: có tên chết vì mắc bệnh thương hàn, có tên bỏ mạng trong những trận giáp lá cà cuối cùng ở vùng Kuban, một số bị bỏ rơi sau đoàn xe vận tải và chết cóng trên đồng cỏ bên kia sông Manyt, hai tên bị du kích theo Hồng quân bắt làm tù binh đến nay vẫn biệt tích… Thôn Tatarsky vắng mặt rất nhiều tên Cô-dắc. Đàn bà trong thôn sống những ngày căng thẳng và lo lắng đợi chờ. Mỗi lần ra bãi chăn nuôi chung của thôn nhận bò về, họ thường đứng lại rất lâu, đưa tay lên che mắt nhìn ra xa xem có người khách bộ hành muộn màng nào đang đi trên con đường chìm trong làn sương chiều tím ngắt không?

Người nào về đến nhà cũng quần áo lam lũ, chấy rận như sung, gầy gò hốc hác, nhưng đã bao lâu nay được trông mòn con mắt. Hễ chủ về là trong nhà bấn tinh bấn mù, loạn lên vì sung sướng. Người ta đun nước cho thầy quyền tắm rửa cái thân hình cáu ghét đen sì. Bọn trẻ con tranh nhau săn sóc giúp đỡ bố, rình đoán từng cử chỉ của bố. Chân tay luống cuống vì sung sướng, bà chủ nhà hết ra sắp xếp bàn ăn lại chạy vào lục tung cái rương, cố kiếm cho chồng một bộ quần áo lót sạch. Nhưng thật là tai vạ, các đồ lót vẫn còn chưa vá, mà những ngón tay thì cứ run bần bật chẳng làm thế nào mà xâu được sợi chỉ vào lỗ kim… Trong giờ phút sung sướng ấy, ngay đến con chó giữ nhà cũng được phép vào trong nhà. Từ xa nó đã nhận ra chủ và vừa chạy theo về đến ngưỡng cửa vừa liếm tay chủ. Trẻ con đánh vỡ bát đũa hay đánh đổ sữa không phải đòn và nghịch ngợm như thế nào cũng không bị phạt. Chủ nhà tắm xong chưa kịp mặc quần áo thì cánh đàn bà trong thôn đã kéo đến đầy nhà. Họ đến hỏi han về số phận của những người thân thuộc, họ lo lắng và thèm khát đón nghe từng lời nói của thầy quyền. Rồi chỉ lát sau là có một người đàn bà nào đó bỏ chạy ra sân với hai bàn tay úp lên khuôn mặt đầm đìa nước mắt và đi trong ngõ mà không còn thấy đường lối gì nữa như người mù. Thế rồi từ trong một căn nhà nhỏ sẽ vẳng ra tiếng người đàn bà mới goá bụa kể lể than khóc người chết và tiếng những đứa con nít the thé khóc hoà theo. Tình hình thôn Tatarsky trong những ngày ấy là như thế: niềm vui vào với nhà nầy lại gây ra một nỗi thống khổ khôn nguôi cho nhà khác.

Sáng hôm sau, trời vừa hửng, người chủ nhà trở dậy, râu ria nhẵn nhụi, nom trẻ hẳn ra. Anh ta đi xem khắp một lượt tình trạng nhà cửa, nhẩm tính những việc gì cần phải làm ngay. Bữa sáng vừa ăn xong, anh ta đã bắt tay vào việc. Những tiếng bào soàn soạt hay tiếng rìu đẽo vui vẻ vang ra từ một chỗ nào đó dưới hiên nhà kho, trong bóng mát, tựa như để loan tin rằng có hai bàn tay đàn ông thèm khát công việc và khéo léo đã về với nhà nầy. Còn người ở nơi hôm qua vừa được tin người chồng và người cha đã qua đời thì nhà trên sân dưới đều lặng lẽ âm thầm. Người mẹ bị đè nặng dưới nỗi đau buồn cứ nằm bẹp không nói một lời, còn mấy đứa con côi cút thì rúc vào nhau thành một đống bên cạnh, chỉ qua một đêm mà chúng đã phải trở thành người lớn.

Hễ nghe tin có người nào trong thôn trở về là bà Ilinhitna lại hỏi:

– Không biết bao giờ cái thằng nhà ta mới được về nhỉ? Những thằng nhà khác đã lũ lượt kéo nhau về rồi mà thằng nhà mình vẫn chẳng có tăm hơi gì cả.

– Những tay Cô-dắc còn trẻ thì người ta không cho về đâu, sao mẹ còn chưa hiểu hả mẹ? – Dunhiaska bực mình trả lời bà.

– Người ta không cho về là nghĩa lý thế nào? Thế thằng Tikhol Gerasimov thì sao? Nó còn kém thằng Griska một tuổi đấy.

– Nhưng hắn lại bị thương mẹ ạ!

– Nó thì thương với tật cái gì! – Bà Ilinhitna nói lại – Hôm qua tao gập nó ở gần lò rèn, hai chân nó thẳng như hai sợi dây đàn ấy. Có ai thấy những thằng bị thương như thế bao giờ đâu?

– Hắn có bị thương đấy, nhưng bây giờ còn đang dưỡng bệnh.

– Thế thằng Griska trước kia nó bị thương còn ít phải không? Khắp người nó những sứt cùng sẹo, chẳng nhẽ theo ý mày nó không cần được dưỡng bệnh hay sao?

Dunhiaska cố tìm cách chứng minh cho mẹ thấy rằng bây giờ không thể nào hy vọng Grigori về nhà được, nhưng muốn thuyết phục bà Ilinhitna điều gì thì đâu phải chuyện dễ dàng.

– Thôi câm đi đồ ngu! – Bà ra lệnh cho Dunhiaska. – Tao hiểu biết không kém gì mày đâu, mà mày còn trẻ ranh như thế đã lên mặt dạy mẹ. Tao bảo noó phải về là nhất định sẽ về. Thôi xéo đi, xéo đi, tao không thừa lời mà nói với mày nữa!

Bà già hết sức nóng lòng mong chờ con trai và bất cứ lúc nào bà cũng nhắc tới Grigori. Thằng Misatka không vâng lời bà điều gì là bà lập tức doạ nó ngay: “Mầy cứ chờ đấy, thằng nhãi con đầu bù nầy, bố mầy về tao sẽ mách nó, rồi nó sẽ cho mầy một trận!” Khi thấy một cái xe chạy qua cửa sổ với cái thành xe vừa được thay mới, thế nào bà cũng thở dài và nói: “Cứ nhìn cái mã của chiếc xe cũng biết ngay là chủ nó có nhà. Nhưng thằng nhà mình thì lấy ai chỉ cho nó thấy đường về bây giờ?” Suốt đời bà Ilinhitna không bao giờ thích mùi khói thuốc lá và bao giờ bà cũng tống cổ những anh chàng hút thuốc ra khỏi bếp, nhưng thời gian gần đây về mặt nầy bà đã thay đổi hẳn. Nhiều lần bà đã bảo Dunhiaska: “Mày chạy đi gọi thằng Prokho một cái, để nó sang bên nầy hút điếu thuốc, nếu không ở đây cứ nồng nặc cái mùi người chết. Bao giờ thằng Griska đi lính về nhà ta mới là nơi ở của người sống, mới có mùi Cô-dắc…” Ngày nào trong khi làm thức ăn bà cũng nấu thêm chút ít và sau khi ăn xong bữa trưa bà lại đặt cái nồi gang xúp bắp cải lên lò. Thấy Dunhiaska hỏi bà nấu thêm như thế để làm gì, bà Ilinhitna ngạc nhiên trả lời: “Nhưng không làm thế thì làm thế nào? Chưa biết chừng hôm nay thầy quyền nhà ta sẽ về. Như thế nầy sẽ có những món nóng cho nó ăn ngay, nếu không đến lúc ấy còn phải hâm lại, loay hoay được cái nọ cái kia thì nó đã đói meo mất rồi…” Có lần Dunhiaska ở ngoài vườn dưa về, vào bếp thấy trên cái đinh có treo cái áo khoác cũ lưng chếp nếp và chiếc mũ cát-két vành đã bạc màu của Grigori.

Dunhiaska nhìn mẹ có ý hỏi thì bà cụ mỉm một nụ cười buồn thảm như nhận lỗi và nói: “Dunhiaska ạ, tao lấy hai thứ nầy trong rương ra đấy. Ở ngoài sân vào nhìn thấy cũng có phần nhẹ nhõm trong lòng… Cứ tựa như nó đã về với mẹ con mình rồi”…

Dần dần Dunhiaska cũng khó chịu vì những buổi bà Ilinhitna nói mãi không thôi về Grigori. Một hôm cô gái không nhịn được nữa đã trách mẹ:

– Mẹ ạ, làm thế nào mẹ cứ nói mãi một chuyện mà không biết chán nhỉ? Mẹ đã làm tất cả mọi người bực mình với những câu chuyện của mẹ đấy. Lúc nào nghe mẹ nói cũng hết anh Griska lại anh Griska…

– Nói về thằng con tao đã mang nặng đẻ đau thì làm thế nào mà tao có thể chán được? Mày hãy đẻ lấy vài đứa rồi lúc ấy sẽ biết… – Bà Ilinhitna trả lời rất khẽ.

Sau lần ấy, bà mang cái áo khoác và chiếc mũ cát-két của Grigori từ trong bếp vào nhà trong chỗ mình ở và vài ngày liền không nhắc tới con trai nữa. Nhưng đến hôm sắp phải cắt cỏ ngoài bãi, bà bảo Dunhiaska:

– Mày cứ bực mình vì tao nhắc tới thằng Griska, nhưng nhà ta không có nó thì sống thế nào được? Mày đã nghĩ tới điều đó chưa, con bé ngu ngốc nầy? Sắp đến lúc phải cắt cỏ đến nơi rồi mà cái cào nhà ta cũng chẳng có ai để chữa… Mày xem nhà ta chỗ nào cũng hư hỏng lung tung, mà tao với mày thì chẳng có thể dọn dẹp được gì hết. Không có chủ thì đồ đạc cũng phải khóc…

Dunhiaska không nói gì cả. Cô hiểu rất rõ rằng công việc làm ăn hoàn toàn không làm mẹ mình phải lo lắng đến mức như thế, tất cả các chuyện ấy chỉ được dùng làm cái cớ để bà có thể nhắc tới Grigori cho nhẹ nhõm trong lòng. Rồi bà Ilinhitna lại có một đợt nhớ con trai day dứt hơn mà bà không sao có thề giấu được nữa.

Hôm ấy bà không ăn bữa tối và khi Dunhiaska hỏi bà có khó chịu gì trong người không thì bà miễn cưỡng trả lời:

– Tao già mất rồi… mà trái tim tao thì đang đau khổ vì thằng Griska… Đau khổ đến không còn yêu thích cái gì nứa, mắt chỉ nhìn ra chỗ sáng đã thấy đau…

Nhưng Grigori đã không phải là người về để thu xếp công việc làm ăn trong gia đình Melekhov… Trước hôm cắt cỏ, Miska Kosevoi từ mặt trận trở về thôn. Anh nghỉ đêm ở nhà một người họ xa rồi sáng hôm sau đến nhà Melekhov. Lúc ấy bà Ilinhitna đang làm bép. Người khách gõ cửa một cách lễ phép, nhưng không thấy trả lời, bèn bước vào trong bếp. Anh ngả chiếc mũ cát-két đã tàng của chiến sĩ, mỉm cười chào bà Ilinhitna:

– Cháu chào thím, thím Ilinhitna! Thím không ngờ cháu về à?

– Chào anh. Nhưng anh là thế nào với tôi mà tôi ngờ với không ngờ anh về! Nhà anh có họ hàng thúc bá gì với nhà tôi đâu? – Bà Ilinhitna nhìn một cách phẫn nộ vào mặt Miska, khuôn mặt đầy căm ghét rồi trả lời thô bạo.

Sự đón tiếp như thế không hề làm Miska bối rối. Anh nói:

– Tuy không họ hàng thúc bá… Nhưng dù sao cũng là chỗ quen biết cũ.

– Chỉ có thế thôi.

– Mà cháu cũng chẳng cần gì hơn, cháu chỉ qua thăm thím một lát thôi. Cháu không đến ở lại nhà thím đâu.

– Như thế cũng đủ tai vạ rồi. – Bà Ilinhitna nói rồi không nhìn ngó tới người khách nữa, lại lúi húi nấu nướng.

Miska không để ý tới những lời bà nói, cứ chăm chú nhìn quanh căn bếp rồi nói:

– Cháu sang thăm để xem nhà ta dạo nầy sinh sống như thế nào… Đã hơn năm nay không được gặp rồi.

– Nhưng tôi cũng không nhớ anh lắm đâu. – Bà Ilinhitna làu bàu rồi giận dữ xê dịch những cái nồi gang đặt trên đống tro nóng trong lò

Dunhiaska đang dọn dẹp ở nhà trong. Nghe tiếng Miska nói, cô tái mặt, vỗ hai tay vào nhau đánh đét một cái nhưng không nói gì cả. Cô ngồi xuống ghế dài, không động đậy, lắng nghe những lời trao đổi trong bếp. Hai bên má Dunhiaska lúc thì đỏ bừng lên, lúc thì nhợt ra đến nỗi thấy được cả những gạch trăng trắng dọc theo sống mũi thanh thanh. Cô nghe thấy Miska đi những bước rắn rỏi trong bếp, ngồi xuống chiếc ghế dựa kêu cọt kẹt dưới sức nặng của anh rồi quẹt diêm. Khói thuốc lá xông cả vào nhà trong.

– Nghe nói ông già mất rồi có phải không thím?

– Mất rồi.

– Thế còn Grigori?

Bà Ilinhitna nín lặng giờ lâu rồi trả lời một cách rõ ràng miễn cưỡng:

– Nó đi lính cho Hồng quân. Cũng đính cái ngôi sao đỏ trên mũ như anh ấy.

– Grigori đáng là phải đeo nó từ lâu rồi…

– Đó là việc của nó.

Giọng noi của Miska lộ rõ vẻ lo lắng khi anh hỏi:

– Thế còn cô Evdokia Pantelevna?

– Nó còn đang dọn dẹp. Khách đến như anh thì quá sớm đấy. Những người đứng đắn mới sáng bảnh mắt không đến nhà người ta đâu!

– Thế thì là người không đứng đắn vậy. Cháu nhớ quá nên mới phải đến. Việc gì còn phải chọn giờ nào nữa?

– Ồ thôi, anh Miska, anh đừng bực mình với tôi…

– Nhưng có gì mà cháu bực mình với thím?

– Về chuyện ấy đấy.

– Nhưng chuyện gì cơ chứ?

– Về những lời vừa mới nói ấy.

Dunhiaska nghe thấy Miska thở dài nặng nề. Cô không nhịn được nữa, bèn đứng phắt dậy, sửa lại váy, bước vào trong bếp. Miska đang ngồi bên cửa sổ hút nốt điếu thuốc, mặt vàng ệch, hốc hác đến không nhận ra được nữa. Vừa nhìn thấy Dunhiaska, cặp mắt mờ đục của anh linh hoạt hẳn lên và mặt anh hơi ửng đỏ. Anh vội vã đứng dậy, nói giọng khàn hẳn đi:

– Ô, chào cô!

– Chào anh… – Dunhiaska trả lời rất khẽ, chỉ hơi có thể nghe thấy.

– Mày ra gánh nước đi. – Bà Ilinhitna liếc nhanh mắt nhìn con gái và lập tức ra lệnh.

Miska kiên nhẫn chờ Dunhiaska trở về. Bà Ilinhitna chẳng nói chẳng rằng. Cả Miska cũng nín thinh. Cuối cùng anh lấy ngón tay bóp tắt mẩu thuốc và hỏi:

– Có gì mà thím căm ghét cháu như thế hả thím? Cháu đi ngáng qua đường thím hay sao?

Bà Ilinhitna quay phắt ra khỏi cái bếp lò như bị ong châm.

– Làm thế nào mà lương tâm còn cho phép anh vác mặt tới nhà tôi nữa, anh thật là trâng tráo không biết nhục! – Bà nói. – Và anh lại còn hỏi tôi nữa à? Anh là một thằng sát nhân…

– Cháu sát nhân cái gì?

– Đích xác là một thằng sát nhân? Thế đứa nào đã giết thằng Petro? Không là anh thì là đứa nào?

– Đúng cháu đấy.

– Đấy nhé! Vậy thì sau việc đó anh là một thằng như thế nào hả? Thế mà anh còn vác mặt đến nhà tôi… ngồi chễm chệ, làm cứ như… – Bà Ilinhitna tức thở, phải lặng đi một lát, nhưng bà trấn tĩnh lại được và nói tiếp; – Tôi có phải là mẹ nó không hử? Sao mà anh còn dám giương mắt lên nhìn tôi nữa?

Mặt Miska tái hẳn đi. Vốn là anh đã chờ nghe những lời thế nầy.

Giọng hơi lắp bắp vì cảm động, anh nói:

– Hai con mắt cháu không có gì phải nheo lại! Nhưng nếu thằng Petro bắt được cháu thì nó sẽ làm gì? Thím tưởng nó sẽ ôm lấy đầu cháu mà hôn phải không? Nó cũng phải giết cháu thôi. Chúng cháu đến chạm trán với nhau trên những ngọn gò ấy đâu phải là để nựng nịu vuốt ve nhau! Chính vì thế chiến tranh mới là chiến tranh đấy.

– Thế còn cụ thông gia Korsunov của nhà nầy? Giết một ông già hiền lành an phận, như thế cũng là chiến tranh à?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.