Sông Đông êm đềm
Chương 227 phần 1
Vì là một sĩ quan Hồng quân nên khi đến nhà ga Minlerovo, Grigori đã được dành cho một chiếc xe tải của dân công. Trên đường về nhà, mỗi khi đến một làng của dân ngụ cư Ukraina, chàng lại thay ngựa một lần và chỉ sau một ngày một đêm đã tới địa giới khu Đông Thượng. Chủ tịch Uỷ ban cách mạng của thôn Cô-dắc đầu tiên là một chiến sĩ Hồng quân còn trẻ mới phục viên chưa bao lâu. Anh ta nói:
– Thưa đồng chí chỉ huy, đồng chí sẽ phải đi xe bò thôi. Cả thôn chúng tôi chỉ còn độc một con ngựa, mà nó cũng chỉ chạy được ba cẳng. Có bao nhiêu ngựa đều đã để lại ở vùng Kuban trong khi rút lui rồi.
– Nhưng đại khái có thề dùng nó đưa tôi về đến nơi được không? – Grigori hỏi rồi gõ gõ ngón tay xuống bàn, nhìn một cách thăm dò cặp mắt vui vẻ của người chủ tịch hoạt bát.
– Đồng chí không về được tới nơi đâu. Dùng nó thì sẽ phải đi hàng tuần mà vẫn chưa tới? Nhưng đồng chí đừng lo, những con bò mộng ở chỗ chúng tôi rất tốt, chân rất khoẻ, vả lại đằng nào chúng tôi cũng phải cho một chiếc xe chở dây điện thoại đi Vosenskaia. Sau lần chiến tranh vừa qua, dây điện thoại chất ộn cả ở đây. Như vậy đồng chí sẽ không cần phải thay xe, nó sẽ đưa thẳng đồng chí về đến nhà. – Người chủ tịch nheo con mắt bên trái rồi nháy mắt một cách ranh mãnh và nói thêm – Chúng tôi sẽ đành cho đồng chí một đôi bò mộng tốt nhất và một cô ả goá trẻ măng sẽ đánh xe… – Ở đây chúng tôi có một con yêu quái hại người như thế đấy, nằm mơ cũng không thấy được một tay dễ nhìn hơn đâu? Cùng đi với ả thì về đến nhà lúc nào đồng chí cũng không biết đâu. Chính tôi cũng đã đi bộ đội vì thế tôi cũng biết tất cả các nhu cầu về mặt quân sự…
Grigori nín lặng cân nhắc: chờ một chuyến xe ngựa về cùng đường là chuyện ngớ ngẩn, mà đi bộ thì đường còn xa. Thôi đành đồng ý ngồi xe bò vậy.
Một giờ sau, xe đã được đánh tới. Những cái bánh của chiếc xe bò cũ kỹ kêu ken két. Vài mẩu gỗ lởm chởm nhô lên thay cho ván hậu, rơm chất cẩu thả rủ xuống lõng thõng từng đám. “Tàn binh bại tướng” – Grigori nghĩ thầm trong khi nhìn chiếc xe quá tàng một cách gớm ghiếc. Ả đánh xe vung vẩy cái roi đi bên cạnh cặp bò mộng. Quả thật ả cũng rất đẹp, người rất cân đối. Kể ra cặp vú to lù lù không cân xứng với người cũng có phần ảnh hưởng tới hình dáng toàn thân và một vết sẹo tréo trên cái cằm tròn trặn có làm cho khuôn mặt hồng hào ngăm ngăm đen còn rất trẻ mang một vẻ tầm thường khó coi và tựa như già đi. Chỗ linh mũi đầy những điểm tàn hương lấn tăn vàng óng như hạt kê.
Ả sửa lại khăn bịt đầu, nheo nheo mắt chăm chú nhìn Grigori và hỏi:
– Tôi sẽ đưa bác đi có phải không?
Đang ngồi trên bục thềm, Grigori đứng dậy, khép tà áo ca-pốt.
– Đúng tôi đây. Thế chị đã chất dây điện thoại lên xe chưa?
– Nhưng tôi là con khốn kiếp phải chất hầu cho họ đấy phải không? – Người đàn bà Cô-dắc kêu lên, giọng lanh lảnh. – Chẳng ngày nào không phải đánh xe, không phải làm quần quật! Đối với họ tôi là như thế hay sao? Mặc cho họ tự tay chất đống dây nầy lên, nếu không gái nầy sẽ đi xe không.
Ả vừa những cuộn dây điện thoại lên xe vừa cãi nhau với anh chàng chủ tịch rất to tiếng nhưng không có vẻ gì tức tối, và chốc chốc lại hiếng hiếng con mắt nhìn Grigori như thăm dò. Còn anh chàng chủ tịch thì từ đầu đến cuối chỉ cười khì khì và cứ nhìn ả goá trẻ đẹp bằng cặp mắt trầm trồ thán phục không giấu giếm. Có lúc anh ta còn nháy mắt với Grigori như muốn nói: “Đàn bà thôn chúng tôi như thế đấy? Thế mà lúc nãy đồng chí còn chưa tin?”
Ra khỏi thôn, cánh đồng cỏ mùa thu nâu nâu bệch bệch trải ra xa lắc Từ những khoảng đất cày, một dải khói xanh xám bốc lên, chập chờn qua con đường. Vài người đi cày đang đốt những bụi hoàng thử lang khô quắt và nhữag đám cỏ trường si nở hết hoa, đầy xơ để lấy than dùng thay muối. Mùi khói gợi lên trong đầu óc Grigori những hồi ức ảo não: xưa kia mỗi khi thu sang cả chàng Grigori nầy, cũng thường đi cày trên những cánh đồng cỏ hẻo lánh, ban đêm nhìn lên bầu trời đen kịt lấp lánh ánh sao, lắng nghe tiếng những đàn ngỗng trời bay trên cao tít hối hả gọi nhau… Chàng khắc khoải trằn trọc trên đống rơm, liếc sang bên nhìn ả đánh xe.
– Cô bao nhiêu tuổi thế, cô nàng?
– Gần sáu mươi – Ả kia đỏng đảnh trả lời và chỉ cười bằng hai con mắt.
– Không, tôi không hỏi đùa đâu.
– Hai mươi mốt.
– Mà đã ở goá à?
– Ở goá.
– Thế bây giờ chồng cô ở đâu?
– Bị giết rồi.
– Đã lâu chưa?
– Hơn một năm rồi.
– Trong khi bạo động, có phải không?
– Sau cuộc bạo động, hồi sắp sang thu.
– Chà, thế bây giờ cô sống như thế nào?
– Vẫn sống qua quít.
– Có buồn không?
Ả nhìn Grigori chăm chú rồi kéo chiếc khăn che miệng giấu nụ cười. Giọng ả bỗng trầm hẳn xuống, và trong đó thoáng có một nét gì mới mới khi ả trả lời:
– Làm việc nầy việc nọ thì chẳng còn lúc nào mà buồn.
– Không có chồng thì có buồn không?
– Tôi ở với mẹ chồng, công việc trong nhà nhiều lắm.
– Nhưng không có chồng thì làm thế nào mà chịu được.
Ả quay nhìn Grigori. Hai gò má ngăm ngăm ửng đỏ, vài tia màu hung hung bừng lên trong cặp mắt rồi lại tắt ngấm.
– Bác hỏi như thế là hỏi chuyện gì?
– Hỏi cái chuyện ấy đấy.
Ả kéo cái khăn khỏi miệng, kéo dài giọng trả lời:
– Chà, chuyện ấy thì không thiếu đâu! Trên đời nầy thiếu gì người tốt – Rồi ả nín lặng một lát và lại nói tiếp – Hồi chồng tôi còn sống, tôi cũng chưa kịp nếm đủ mùi vị cuộc đời của một chị chàng có chồng. Chúng tôi ăn ở vẻn vẹn với nhau được một tháng, thế là hắn bị bắt ra lính. Không có hắn tôi vẫn có cách sống qua quít. Bây giờ đã dễ chịu hơn một chút, bọn Cô-dắc trẻ trai đã kéo về thôn, nếu không cũng gay go đấy. Vắt, con hói nầy! Vắt! Tình hình là như thế đấy thầy quyền ạ? Cuộc đời của lôi là như thế đấy?
Grigori không nói gì nữa. Có lẽ chàng không phải là một anh chàng đáng nên chuyện gẫu với cái giọng chớt nhả như thế nầy. Và chàng bỗng cảm thấy tiếc vì đã nói những lời như vừa nãy.
Cặp bò béo tốt, rất to, vẫn đi với cái bước dẫn rượu đều đặn như cũ. Một con bị gãy mất cái sừng bên phải, cái khác mọc lên thay lại vẹo tréo xuống trán. Grigori chống khuỷu tay, dim mắt nằm soài trên xe. Chàng bắt đầu nhớ lại những con bò mộng mà mình đã từng dắt đi theo trong công việc từ thời thơ ấu và cả sau nầy, khi chàng đã trưởng thành. Tất cả những con bò ấy đều khác nhau về màu lông, dáng vóc, tính nết, và cả đến bộ sừng của mỗi con đều có những đường nét riêng biệt. Trước kia có một hồi trong sân nhà Melekhov cũng nuôi một con bò mộng mang cặp sừng méo mó, xiên xẹo như thế nầy. Con bò ấy vừa ác lại vừa láu cá. Bao giờ nó cũng long hai mắt chi chít những tia máu nhìn nghiêng nghiêng, cố tìm cách đá hậu khi có người từ phía sau đi tới. Những ngày bận việc đồng áng đến đêm hễ được thả ăn cỏ rong thế nào nó cũng thừa cơ chuồn về nhà, hoặc tệ hại hơn nữa, nó còn trốn vào rừng hoặc vào những cái khe thật xa. Grigori thường phải cưỡi ngựa hàng ngày ròng để lùng sục ngang dọc trên đồng cỏ và đến khi đã chắc mẩm không còn bao giờ tìm thấy con bò lạc được nữa, người ta lại bất thình lình với được nó ở một chỗ nào đó ngay dưới lòng một cái khe nhỏ, trong bụi mận gai rậm rạp không sao chui qua được hay dưới bóng cây táo dai cổ thụ cành đâm ngang dọc. Con quỉ dữ một sừng ấy làm rất thành thạo cái trò tháo chão. Ban đêm nó thường dùng sừng hất bật cái chốt cửa của sân gia súc, chuồn ra ngoài tự do, bơi qua sông Đông và lang thang trên dải cỏ ven sông. Hồi ấy nó đã gây cho Grigori bao nhiêu chuyện phiền não và bực bội…
– Con bò gãy sừng kia, nó có lành không? – Grigori hỏi.
– Lành. Nhưng làm sao chứ?
– Tôi chỉ hỏi thế thôi.
– Nếu chẳng còn gì mà nói thêm thì chỉ hai tiếng “thế thôi” cũng đủ tốt rồi. – Ả đánh xe cười nhạo nói.
Grigori lại nín lặng. Chàng cảm thấy thú vị vì được nghĩ tới quá khứ tới cuộc sống hoà bình, tới công ăn việc làm, tới tất cả những gì không dính dáng chút nào tới chiến tranh, vì chàng đã chán ghét đến cùng cực cuộc chiến tranh kéo dài bảy năm nay. Và chỉ hơi nghĩ tới nó, tới một sự việc nhỏ nào có dính dáng tới thời gian đi lính của mình là chàng lại cảm thấy trong lòng bực bội nhức nhối và ngứa ngáy buồn nôn.
Chàng đã thôi không đánh nhau nữa rồi. Đối với chàng, như thế là quá đủ. Bây giờ chàng về nhà để được vĩnh viễn bắt tay vào làm ăn, để được sống với hai con, với Acxinhia. Ngay từ hồi còn ở ngoài ấy, ở ngoài mặt trận, chàng đã dứt khoát định bụng sẽ đưa Acxinhia về nhà mình để nàng dạy dỗ hai đứa con của mình và luôn luôn sống bên cạnh mình. Việc nầy cũng cần phải giải quyết cho xong, và càng nhanh càng tốt.
Grigori khoái trá mơ đến lúc mình về nhà được cời chiếc áo ca-pốtvà ủng quân đội, đi đôi ủng ngắn rộng thoải mái vào chân, và theo phong tục Cô-dắc lồng hai ống quần rộng thùng thình vào đôi bít tất len trắng rồi khoác chiếc áo choàng bằng dạ thô nhà dệt lấy ra ngoài chiếc áo bông ngắn ấm áp, ra đồng làm việc. Thú vị biết bao khi được đặt hai tay lên cán cày, đi theo cái cày trên luống đất ẩm ướt, phồng mũi hít lấy hít để mùi chất đất vừa bị quật lên ẩm ẩm nhạt nhạt, mùi cỏ bị lưỡi cày cắt đứt hắc hắc thơm thơm. Ở đồng đất nước ngoài, đất cũng như cỏ đều mang những mùi khác. Hồi còn ở Ba Lan, ở Ukraina và Krym, đã nhiều lần chàng vò những túm ngải cứu xanh xám trong lòng bàn tay, đưa lên mũi ngửi và buồn rầu nghĩ thầm: “Không, không phải, loại khác ở nhà…”
Trong khi đó ả đánh xe cũng buồn. Ả cũng thèm nói chuyện. Ả thôi không thúc hai con bò nữa mà ngồi cho thoải mái hơn, rồi nghịch nghịch cái roi da, vừa lén nhìn Grigori rất lâu. Ả ngắm khuôn mặt trầm tư và cặp mắt lim dim của chàng, bụng bảo dạ: “Tuy tóc bạc, nhưng hắn chưa già lắm đâu. Mà cái thằng cha cũng kỳ quặc thế nào ấy. Mắt lúc nào cũng lim dim, hắn lim dim mắt làm gì thế nhỉ? Nom hắn mệt mỏi rã rời, cứ như phải kéo cả một cái xe tải…Mà người ngợm cũng khá đấy chứ. Chỉ phải nhiều tóc bạc, ria cũng gần bạc trắng. Mặt mũi kể cũng được. Nhưng hắn nghĩ gì thế nhỉ? Đầu tiên hình như cũng có vẻ muốn bông lơn, nhưng lại rồi nín thinh, chỉ hỏi một câu gì về con bò. Hay là hắn không có chuyện gì để nói? Hay chưa biết chừng hắn là một thằng nhút nhát? Không phải đâu: Hai con mắt hắn cứng cỏi lắm. Không, hắn là một tay Cô-dắc rất bảnh, phải cái kỳ quặc thế nào ấy. Nhưng được, mày cứ việc ngậm tăm, con quỉ gù nầy? Mày tưởng tao cần mày lắm đấy phỏng? Cả tao cũng có thể ngậm tăm được! Mày về với vợ cũng chẳng được yên lành đâu! Thôi được, mày cứ giả câm như thế cho khoẻ người?”
Rồi ả ngả lưng vào thành xe, khẽ cất tiếng hát.
Grigori ngẩng đầu lên nhìn mặt trời. Vẫn còn khá sớm. Bụi phi liêm năm ngoái âm thầm đứng gác bên lề đường in xuống đất một cái bóng dài chừng nửa bước. Chắc hẳn còn chưa quá hai giờ trưa.
Đồng cỏ nằm chết lặng như bị ma làm. Mặt trời toả hơi nóng một cách dè sẻn. Một làn gió hiu hiu thổi rung rinh lớp cỏ cháy đỏ nhưng không thành tiếng. Bốn bề không nghe thấy một tiếng chim hót hay một tiếng chuột trũi rít. Trên bầu trời xanh nhạt lạnh lẽo cũng không thấy bóng một con diều hâu hay đại bàng nào lượn vòng. Chỉ một lần có một cái bóng xám xám lướt qua mặt đường. Grigori chưa kịp ngẩng đầu lên đã nghe thấy tiếng một cặp cánh lớn vẫy nặng nề: một con gà nước to màu xám tro bay qua với đám lông bên trong cánh trắng loá dưới nắng rồi hạ cánh bên cạnh nấmkurgan đằng xa, nơi một vùng đất trũng không được mặt trời rọi tới đang chìm lẫn với khoảng mù xa màu tím sẫm. Xưa kia thường mãi cuối thu Grigori mới thấy có cái cảnh trầm lặng âm thầm và rầu rĩ như thế nầy trên đồng cỏ. Những khi đó chàng có cảm tưởng như mình nghe thấy một đám tuỳ phong phiêu bị gió cuốn theo đang ràn rạt lăn trên lớp cỏ khô bay qua đồng cỏ rất xa, rất xa về phía trước mặt. Con đường như dài vô tận. Nó trườn ngoằn ngoèo theo một sườn đồi, xuống cái khe rồi lại leo lên tới đường sống của ngọn gò khác. Và dù tầm mắt được chuyển tới đâu cũng vẫn chỉ thấy cánh đồng cỏ trầm lặng mấp mô gò đống.
Grigori thích thú ngắm một bụi phong đen mọc trên sườn dốc của một cái khe nhỏ. Với lớp lá bị sương muối đầu mùa đốt cháy rực, cụm phong sáng lên màu đỏ tía ám khói, tựa như có lớp tro phủ trên những hòn than của đống củi sắp tàn.
– Tên bác là gì hả bác? – Ả đánh xe vừa hỏi vừa chạm ngọn roi vào vai Grigori.
Chàng rùng mình, quay mặt nhìn ả. Ả đưa mắt ra chỗ khác.
– Grigori. Thế còn cô, cô tên là gì?
– Tên tôi là “Mỗ”(334). Ngồi yên mãi chán ngấy rồi! Tôi đã ngậm tăm nửa ngày, mồm miệng khô không khốc rồi. Nhưng lại sao bác không vui như thế, bác Griska?
– Tại sao tôi lại phải vui?
– Bác đang trên đường về nhà thì phải vui mới đúng.
– Những năm tháng để cho tôi vui được đã qua hết rồi.
– Té ra vớ được một ông già. Nhưng tại sao bác còn trẻ mà đầu tóc đã bạc trắng cả thế?
– Cô thật là cái gì cũng muốn biết… Có lẽ nhờ một cuộc sống sung sướng nên mới bạc đầu đấy.
– Bác đã có vợ chưa, bác Griska?
– Có rồi. Còn cô nữa, cô “Mỗ” ạ, cô cũng phải mau mau lấy chồng đi mới được.
– Tại sao lại mau mau?
– Cô có vẻ vui chơi nhiều quá đấy…
– Chẳng nhẽ như thế không tốt hay sao?
– Cũng có khi không tốt đâu. Tôi biết có một chị chàng cũng hay vui chơi như cô, cũng ở goá, nhưng vui mãi, vui chơi mãi, rồi cuối cùng rụng mất cả mũi…
– Chao ôi, lạy Chúa tôi, sao lại khủng khiếp đến thế? – Ả vờ hoảng sợ một cách hài hước, kêu lên, rồi lại nói thêm ra vẻ rất thạo đời – Cái trò của bọn đàn bà goá chúng tôi là như thế đấy: nếu sợ chó sói thì đừng mò vào rừng.
Grigori đưa mắt nhìn ả. Ả nghiến hai hàm răng trắng nhỏ như răng chuột, cười không thành tiếng. Cái môi trên hơn hớt của ả run run, mắt ả long lanh tinh quái dưới hai hàng mi hạ thấp. Grigori bất giác mỉm cười đặt tay lên một bên đầu gối tròn tròn ấm ấm của ả.
– Cô “Mỗ” ạ, tội nghiệp cho cô, cuộc đời của cô thật khổ sở, đắng cay! – Chàng nói giọng thương hại. – Mới hai chục tuổi đầu mà đã bị cuộc đời dày vò đến thế nầy…
(334) Nguyên văn: “Tên tôi là như người ta thường gọi” “Cô cứ ngồi yên thì hơn, cái cô có tên như người ta thường gọi ạ” (N.D)
Trong nháy mắt, tâm trạng vui vẻ vừa nãy của ả không còn dấu vết gì nữa. Ả nghiêm khắc hất tay chàng ra, cau mày và đỏ mặt lên đến nôi các điểm tàn hương lấm tấm ở chỗ tinh mũi biến đâu mất cả.
– Anh về nhà mà thương vợ anh, chứ tôi thì không cần có anh cũng đã đủ người thương rồi?
– Nhưng cô đừng bực mình, hượm đã nào?
– Thôi cút mẹ anh đi!
– Tôi nói như thế vì ái ngại cho cô đấy thôi.
– Anh mang cái ái ngại của anh mà cút đi đâu thì cút… – Ả văng tục một cách quen thuộc và thành thạo như đàn ông, hai con mắt sầm lại long lên.
Grigori giương cao hai hàng lông mày, luống cuống è è trong họng:
– Cô nói tục thật ghê gớm, không chê vào đâu được! Đúng là một con ngựa bất kham?
– Còn anh là một thằng thế nào? Một ông thánh mặc cái áo ca-pốt rận bám như sung, cái thớ của anh chỉ như thế thôi? Tôi biết chán cái hạng anh rồi? Đi lấy chồng đi rồi lại còn thế nầy thế nọ, nhưng anh trở nên ngoan đạo thế nầy đã lâu chưa?
– Không, cũng chưa được bao lâu, – Grigori bật cười và nói.
– Thế tại sao anh lại đem các điều lệnh qui tắc thuyết cho tôi nghe? Tôi đã có mẹ chồng làm việc ấy rồi.
– Thôi, cô ghê gớm đến thế cũng đủ rồi, làm gì mà cáu rầm lên như thế, đàn bà gì mà ngớ ngẩn? Chỉ thuận miệng nói thôi mà? – Grigori làm lành. – Cô xem kìa, chúng ta mải nói chuyện, để bò đi cả ra ngoài lề đường rồi.
Grigori nằm lại trên xe cho thoải mái, chàng đưa nhanh mắt nhìn ả goá vui nhộn, thấy trong khoé mắt ả long lanh vài giọt nước mắt: “Thật chẳng hiểu ra sao nữa? Mà cái bọn đàn bà nầy, bao giờ họ cũng như thế cả…” – Chàng nghĩ thầm và bỗng cảm thấy trong lòng có phần ngượng ngùng bực bội.
Chẳng mấy chốc chàng đã nằm ngửa ra, kéo vạt áo ca-pốt lên che mặt, ngủ thiếp đi và mãi khi trời hoàng hôn mới thức giấc. Trên trời đã lấp loáng vài ngôi sao chiều nhợt nhạt. Mùi cỏ khô xông lên tươi mát và khoan khoái.
– Phải cho bò ăn mới được. – Ả goá nói.
– Được thôi, cho xe dừng lại đi.
Grigori tự tay tháo đôi bò mộng, lấy trong túi dết ra một hộp thịt, một miếng bánh mì rồi đi bẻ và tìm về một bó cỏ dại khô. Chàng nhóm một đống lửa ở gần cái xe:
– Thôi ngồi xuống ăn tối đi, cô “Mỗ”, cô bực mình như thế đủ rồi đấy.
Ả ngồi xuống bên đống lửa, lặng lẽ dốc trong một cái túi dết ra một miếng bánh mì và một miếng mỡ chài để lâu quá đã vàng như rỉ. Trong khi ăn tối, hai người nói với nhau rất ít nhưng rất ôn tồn.
Sau đó ả leo lên xe nằm còn Grigori thì bỏ thêm vài tảng phân bò khô lên dống lửa cho khỏi tắt rồi nằm xuống ở gần lửa như trong khi hành quân. Chàng gối đầu lên cái túi dết, đăm đăm nhìn lên bầu trời lấp lánh ánh sao, đầu óc rối bời với những ý nghĩ không đầu không đũa về con, về Acxinhia rồi thiu thiu dần. Bỗng một giọng đàn bà ngọt ngào làm chàng tỉnh lại:
– Ngủ rồi đấy à, thầy quyền? Đã ngủ chưa thế?
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.