Sông Đông êm đềm
Chương 231 phần 1
Cuối mùa thu năm 1920, vì công tác thu thóc theo chế độ trưng thu lương thực làm thiếu kết quả cho nên đã thành lập những đội trưng thu lương thực và trong dân chúng Cô-dắc vùng sông Đông đã bắt đầu âm thầm nảy ra tư tưởng bất mãn. Trên các trấn vùng trên của Quân khu sông Đông, Sumilinskaia, Kazanskaia, Migulinskaia, Meskovskaia, Vosenskaia, Elanskaia, Slasevskaia và những trấn khác đã thấy xuất hiện những toán thổ phỉ vũ trang nhỏ. Đó là câu trả lời của giai cấp kulak và tầng lớp sung túc trong dân Cô-dắc trước việc tổ chức các đội trưng thu lương thực và việc Chính quyền Xô viết tăng cường các biện pháp thực hiện chính sách trưng thu lương thực.
Mỗi toán thổ phỉ có từ năm đến hai mươi tay súng. Phần lớn bọn chúng gồm những tên Cô-dắc vốn đã sống ở địa phương và trước kia đã từng tích cực tham gia Bạch vệ. Trong số bọn nầy có những tên đã hoạt động thanh tiễu trong hai năm. Một nghìn chín trăm mười tám, một nghìn chín trăm mười chín, những tên hạ sĩ quan, quản ách, chuẩn uý của Quân đội sông Đông cũ trốn tránh đợt động viên tháng Chín, những tên phiến loạn lừng danh về những thành tích chiến đấu và những vụ bắn giết tù binh Hồng quân trong cuộc bạo động năm ngoái ở khu Đông Thượng, tóm lại là những kẻ không thể nào đi cùng đường với Chính quyền Xô viết.
Trong các thôn, chúng tập kích vào các đội trưng thu lương thực, cướp lại các xe chở thóc lúa tới các trạm tập trung lương thực, giết các Đảng viên cộng sản và những người Cô-dắc ngoài Đảng trung thành với Chính quyền Xô viết.
Nhiệm vụ diệt trừ các toán thổ phỉ được trao cho tiểu đoàn vệ binh khu Đông Thượng đóng phân tán ở thị trấn Vosenskaia và thôn Batki. Song tất cả các biện pháp nhằm tiêu diệt các toán thổ phỉ trên vùng đất rộng lớn của khu đều chưa thu được kết quả. Trước hết vì dân chúng địa phương có thái độ đồng tình với các toán thổ phỉ nầy. Họ cung cấp cho chúng lương thực và tin tức về sự di động của các đơn vị Hồng quân, ngoài ra còn che giấu chúng khi chúng bị đuổi bắt. Và hai nữa là vì viên tiểu đoàn trưởng Kaparin, một thượng uý cũ trong quân đội Nga hoàng, Đảng viên Đảng xã hội cách mạng, không muốn tiêu diệt các lực lượng phản cách mạng mới nẩy nở trong thời gian gần đây ở vùng thượng lưu sông Đông và tìm mọi cách cản trở công việc. Chỉ năm thì mười hoạ, những khi bị bí thư ban chấp hành Đảng bộ khu thúc bách lắm, hắn mới tổ chức một cuộc xuất kích ngắn ngày rồi lại quay về thị trấn Vosenskaia, lấy cớ hắn không thể phân tán lực lượng và không thể mạo hiểm một cách vô nghĩa lý, để các cơ quan khu và các kho tàng ở Vosenskaia không được bảo vệ chu đáo. Tuy có chừng bốn trăm tay súng và mười bốn khẩu súng máy, song tiểu đoàn nầy chỉ làm công tác doanh trại: các chiến sĩ Hồng quân canh gác những kẻ bị bắt, chở nước, chặt cây trong rừng, và coi như làm nghĩa vụ lao động, họ lấy những hạt phỉ tử và lá sồi làm mực viết. Tiểu đoàn cung cấp có kết quả củi đun và mực viết cho vô số những cơ quan và bàn giấy của khu, nhưng trong khi đó con số các toán thổ phỉ nhỏ trong khu lại tăng một cách đáng sợ. Và mãi đến tháng Chạp, khi đã bắt đầu nổ ra cuộc nổi loạn lớn trong địa hạt huyện Bogutra thuộc tỉnh Voronezskaia, ngay sát cạnh khu Đông Thượng, tiểu đoàn mới miễn cưỡng ngừng các công việc lấy gỗ và các thứ làm mực. Theo lệnh của tư lệnh bộ đội Quân khu sông Đông, tiểu đoàn nầy với biên chế gồm ba đại đội bộ binh và một trung đoàn súng máy, đã cùng với đại đội kỵ binh cảnh vệ, tiểu đoàn một của trung đoàn trưng thu lương thực số 12 và hai đội đánh chặn nhỏ được phái đi trấn áp cuộc phiến loạn.
Trong trận chiến đấu ở lối vào thôn Xukhoi Dones, đại đội kỵ binh trấn Vosenskaia dưới quyền chỉ huy của Yakov Fomin đã xung phong vào sườn các đội hình chiến đấu của quân phiến loạn, đánh tan chúng, bắt chúng phải tháo chạy và trong khi truy kích đã chém chết gần một trăm bảy mươi tên, còn đại đội thì chỉ mất ba chiến sĩ.
Trừ một số rất ít, hầu hết các chiến sĩ trong đại đội kỵ binh là dân Cô-dắc các trấn vùng thượng lưu sông Đông. Ngay ở đây họ cũng chưa bỏ được các truyền thống Cô-dắc cổ xưa: sau trận chiến đấu, tuy hai Đảng viên cộng sản trong đại đội phản đối, song hầu như một nửa số chiến sĩ đã cởi bỏ những chiếc áo ca-pốt và áo bông cũ để mặc những chiếc áo da thuộc ngắn còn tốt lột trên xác những tên phiến loạn bị chém chết.
Vài ngày sau trấn áp cuộc bạo động, đại đội kỵ binh bị gọi về thị trấn Kazanskaia. Trong những ngày nghỉ ngơi sau cuộc chiến đấu gian khổ, Fomin đã chơi bời thoả thích ở Kazanskaia. Là một tên chơi gái đã thành tật, một thằng phóng đãng vui tính và thích giao du, hắn thường bỏ đi mất hút suốt đêm và mãi đến khi trời sắp rạng mới mò về chỗ hắn ở. Vốn được Fomin đối xử suồng sã, các chiến sĩ tối tối thấy người chỉ huy của họ lượn phố với đôi ủng bóng lộn, thường nháy mắt với nhau ra vẻ thông cảm và nói:
– Chà, con ngựa giống của chúng ta lại đang đi kiếm bọn vợ lính vắng chồng đấy? Bây giờ thì đến sáng mới thấy mặt cho mà xem.
Hễ được tin có rượu và có dịp nhậu nhẹt là Fomin lại giấu chính uỷ và chỉ đạo viên chính trị của đại đội kỵ binh để láng cháng tới nhà những tên Cô-dắc quen biết trong đại đội. Những chuyện như thế xảy ra không phải là ít. Nhưng chẳng bao lâu anh chàng chỉ huy ngang tàng ấy đã trở nên buồn rầu, mặt mũi âm thầm và hầu như hoàn toàn quên hết các thú vui chơi gần đây. Chiều chiều hắn không còn đánh bóng đôi ủng cao ống rất diện một cách kỹ càng như xưa nữa. Hắn thôi không cạo râu hàng ngày, ngoài ra cũng ít lui tới chỗ của những gã cùng thôn trong đại đội, thảng hoặc có tạt tới ngồi uống vài cốc rượu hắn cũng rất ít nói trong khi trò chuyện.
Sự thay đổi trong lính tình của Fomin ăn khớp với cái tin mà người chỉ huy chi đội Vosenskaia vừa nhận được: phòng chính trị của Uỷ ban Treka sông Đông đã báo một tin vắn tắt là tại Mikhailovka thuộc khu Ust-Medvedisky ngay cạnh đấy, tiểu đoàn cảnh vệ do tên tiểu đoàn trưởng Vaculin cầm đầu đã nổi loạn.
Vaculin vốn là đồng đội và bạn thân của Fomin. Xưa kia Fomin đã từng cùng với hắn phục vụ trong quân đoàn Mironov, cùng với hắn tiến từ Xaransk tới vùng sông Đông, và cả hai đã cùng hạ khí giới đầu hàng kỵ binh của Budionnyi bao vây quân đoàn phiến loạn của Mironov. Quan hệ bạn bè giữa Fomin và Vaculin vẫn còn kéo dài cho tới thời gian gần đây. Mới đây thôi, trong những ngày đầu tháng Chín, Vaculin đã tới Vosenskaia và ngay hồi đó hắn đã nghiến răng than phiền với người bạn cũ của hắn rằng “cái lối hoành hành ngang ngược của các chính uỷ đã đưa người dân cày tới chỗ phá sản với chính sách trưng thu lương thực và sẽ đưa nước nhà tới chỗ diệl vong”. Trong thâm tâm Fomin cũng tán thành những lời Vaculin nói ra, song hắn vẫn giữ thái độ dè dặt do cái tính khôn vặt thường bù đỡ cho cái đầu óc vốn dĩ đã thiếu thông minh từ khi bố mẹ đẻ ra. Nói chung hắn là một người thận trọng, không bao giờ vội vã, cũng không bao giờ đồng ý hay từ chối điều gì ngay. Nhưng chẳng bao lâu, sau khi được biết về cuộc nổi loạn của tiểu đoàn Vaculin, cái tính thận trọng cố cựu của hắn đã thay đổi. Một buổi tối trước khi đại đội kỵ binh lên đường đi Vosenskaia, một số tên trong đại đội đã đến tụ tập tại nhà của tên trung đội trưởng Anferov. Rượu nặng được đưa ra đầy ắp trong một cái thùng thường đựng nước cho con ngựa. Những tên ngồi quanh chiếc bàn chuyện trò sôi nổi. Có mặt trong cuộc nhậu nhẹt, Fomin cứ lặng thinh lắng nghe những tên khác nói và cũng lặng thinh múc rượu trong thùng. Nhưng khi một tên trong đám chiến sĩ nhắc lại cuộc xung phong ở gần Xukhoi – Dones thì Fomin trầm ngâm xoắn xoắn đầu ria của hắn, ngắt lời tên kể chuyện:
– Anh em ạ, chúng mình xả cái bọn khô-khon kể ra cũng cừ đấy, nhưng rồi chẳng bao lâu nữa chính chúng mình cũng sẽ phải chịu khổ thôi… Chúng mình về đến Vosenskaia thấy gia đình của chúng mình ở đấy bị các đội trưng thu lương thực vơ vét hết thóc lúa thì sẽ như thế nào hử? Dân Kazan đang căm các đội trưng thu lương thực ấy lắm đấy. Chúng nó vét sạch sành sanh các vựa thóc, lại còn dùng chổi quét cho hết.
Căn phòng lặng đi. Fomin nhìn một lượt những tên trong đại đội của hắn rồi nói thêm với nụ cười gượng gạo:
– Chuyện ấy mình nói đùa đấy thôi… Nhưng cẩn thận đấy, chớ có bép xép, không khéo một câu đùa lại bị xé to ra không biết đến thế nào.
Trên đường về Vosenskaia, Fomin có một nửa trung đội Hồng quân đi kèm, tạt về nhà hắn ở thôn Rubezenyi. Về tới thôn, hắn không cưỡi ngựa vào sân nhà hắn, mà xuống ngựa bên cạnh cổng, ném dây cương cho một chiến sĩ Hồng quân rồi bước vào nhà.
Hắn gật đầu chào vợ một cách lạnh nhạt rồi cúi đầu rất thấp chào cụ già mẹ hắn, kính cẩn hôn tay mẹ và ôm hôn thằng con nhỏ.
– Nhưng cha đâu rồi? – Hắn ngồi xuống chiếc ghế đẩu rồi vừa hỏi vừa đặt thanh gươm vào giữa hai đầu gối.
– Ông ấy ra nhà máy xay rồi. – Mụ già nhìn thằng con, trả lời và ra lệnh nghiêm khắc – Bỏ ngay mũ ra, cái thằng phản Chúa nầy? Ai lại đội mũ mà ngồi ngay dưới các hình thánh như thế hử? Chao ôi, Yakov ạ, rồi mày cũng không giữ được cái đầu đâu…
Fomin mỉm cười một cách miễn cưỡng, bỏ chiếc mũ lông Kuban xuống, nhưng không cởi áo ngoài.
– Sao mày không cởi áo ngoài ra hử?
– Con chỉ tạt vào thăm cả nhà một phút thôi, vì công việc nhà binh nên chẳng còn có được lức nào nữa.
– Chúng tao biết chán cái công việc nhà binh của mày rồi… – Mụ già nói bằng một giọng nghiêm khắc để ám chỉ cuộc sống phóng đãng của thằng con cùng những sự tằng tịu của hắn với những ả ở Vosenskaia.
Lời ong tiếng ve về các chuyện ấy đã bay về thôn Rubezenyi từ lâu. Mụ vợ của Fomin sợ hãi đưa mắt nhìn mẹ chồng rồi bỏ ra chỗ bếp lò. Già trước tuổi, mặt mày nhợt nhạt, nom mụ cứ như gà phải cáo. Mụ muốn có cái gì để làm chồng vừa ý, lấy lòng chồng và được hưởng dù chỉ một cái nhìn âu yếm, bèn moi một miếng giẻ trong cái ổ bên dưới cửa bếp lò, rồi quì xuống khom lưng cọ những mảng bùn đặc sệt bám trên đội ủng của Fomin.
– Anh có đôi ủng tốt quá, anh Yakov ạ. Anh đi bẩn bẩn là… Em sẽ đánh ngay, đánh thật sạch cho anh? – Mụ lẩm bẩm gần như không thành tiếng, và cứ cắm đầu lê gối dưới chân chồng.
Từ lâu hắn không còn ăn nằm với mụ nữa và từ lâu với người đàn bà mà hắn đã từng yêu hồi trai trẻ, hắn không còn có một tình cảm nào khác ngoài một sự thương thương khinh khinh. Nhưng mụ thì bao giờ cũng vẫn yêu hắn, vẫn thầm hy vọng rằng một ngày nào đó hắn sẽ quay về với mình, nên đã tha thứ cho hắn hết thảy. Đã bao năm ròng mụ chăm lo công việc làm ăn trong nhà, nuôi dạy con cái, cố tìm mọi cách làm vừa lòng mụ mẹ chồng tính tình cổ quái. Bao nhiêu gánh nặn của công việc làm đồng áng đều đổ cả lên đôi vai gầy của mụ. Những công việc lao động không sao đảm đương nổi cùng bệnh tật mà mụ mang vào thân sau khi sinh đứa con thứ hai, đã mỗi năm làm cho sức khoẻ của mụ hao mòn thêm. Người mụ gầy rộc, mặt cắt không còn hột máu. Cái già sồng sộc đến trước tuổi đã phủ lên cặp má mụ những vết nhăn nhằng nhịt như mạng nhện.
Trong hai con mắt mụ thấy hiện rõ một vẻ vâng chịu và khiếp hãi thường thấy ở những con vật thông minh trong khi ốm yếu. Nhưng bản thân mụ không nhận thấy rằng mình già đi nhanh như thế nào và sức khoẻ của mình đã mỗi ngày một suy sụp như thế nào, vì thế mụ vẫn còn đặt hy vọng vào một điều may mắn nào đó, và trong những buổi gặp mặt hiếm hoi, mụ cứ ngắm thằng chồng đẹp trai bằng cặp mắt âu yếm sợ sệt đầy thán phục.
Fomin nhìn từ bên trên xuống cái lưng gập lại một cách thảm hại của vợ, hắn nhìn hai cái xương bả vai gầy gò hằn lên rất rõ dưới làn áo, nhìn hai bàn tay to bè bè, run run ra sức cọ bùn trên đôi ủng của mình, và nghĩ thầm: “Nom mĩ miều nhỉ, thật chẳng có gì đáng nói nữa? Thế mà trước kia có lúc mình đã ngủ với của dịch tả dịch hạch nầy… Nhưng sao nó già đi nhiều như thế… Già đến thế nầy rồi cơ ài”
– Thôi đừng chùi nữa! Dù sao đi cũng sẽ bẩn thôi! – Hắn vừa nói giọng bực bội, vừa rút chân ra khỏi hai bàn tay vợ.
Mụ phải cố gắng lắm mới rướn được lưng dậy. Một ánh hồng hồng hơi ửng lên trên cặp má vàng ệch. Hai con mắt ươn ướt mà mụ ngước nhìn chồng tràn ngập cả một niềm yêu thương, cả một lòng trung thành như của một con chó, làm hắn phải quay mặt đi. Hắn hỏi mẹ:
– Thế nhà ta sống ở đây như thế nào hả mẹ?
– Vẫn thế thôi. – Mụ già cau có trả lời.
Đội trưng thu lương thực đã đến thôn ta chưa?
– Mãi hôm qua chúng nó mới bỏ đi Hạ Kripskoi.
– Chúng nó có lấy đi thóc của nhà ta không?
– Có lấy chúng nó xúc đi bao nhiêu hả, Davyduska?
Davyduska là thằng bé mười bốn tuổi giống bố như lột với hai con mắt màu xanh lơ rất xa tinh mũi. Nó trả lời:
– Ông có đứng đấy trong khi họ lấy, ông biết đấy. Hình như mười túi thì phải.
– À-à à ra vậy? – Fomin đứng dậy, đưa nhanh mắt nhìn thằng con rồi sửa lại đoạn dây đeo súng. Mặt hắn hơi tái đi khi hắn hỏi – Ở nhà có bảo cho chúng biết rằng chúng nó lấy thóc của ai không?
Mụ già khoát tay mỉm cười, nụ cười không khỏi có một vẻ khoái trá đầy ác ý:
– Về mày chúng nó cũng chẳng biết gì lắm đâu? Thằng chỉ huy của chúng nó bảo: “Bất luận là ai có thóc lúa thừa cũng đều phải nộp hết. Dù là Fomin hay là chính chủ tịch khu đi nữa, chúng tôi cũng thu số thóc thừa!”. Thế là chúng nó bắt đầu sục vào các hòm thóc ngay.
– Mẹ ạ, con sẽ tính sổ với chúng nó. Con sẽ tính sổ với chúng nó? – Fomin nói âm thầm rồi vội vã từ biệt gia đình để lên đường.
Sau chuyến về thăm nhà hắn bắt đầu thăm dò rất thận trọng tình hình tư tưởng các chiến sĩ trong đại đội kỵ binh của hắn, và không cần vất vả lắm hắn cũng có thể xác định được rằng phần lớn họ đang bất mãn với chính sách trưng thu lương thực. Vợ con, họ hàng thân thuộc xa gần, đến thăm họ từ các thôn các trấn, đem đến những câu chuyện về tình hình các đội viên trưng thu lương thực khám xét, lấy đi hết thóc lúa, chỉ để lại cho đủ gieo hạt và ăn dùng. Tất cả các chuyện ấy đã dẫn tới tình trạng là cuối tháng Giêng, trong một cuộc họp toàn doanh trại ở thôn Batki, binh lính trong đại đội kỵ binh đã công khai tỏ rõ thái độ giữa lúc ấy uỷ viên quân sự khu Sakhaev nói chuyện. Chúng kêu nhao nhao từ trong các hàng:
– Giải tán các đội trưng thu lương thực đi!
– Đã đến lúc phải chấm dứt cái lối vơ vét thóc lúa rồi!
– Đả đảo chính uỷ các đội trưng thu lương thực?
Để trả lời bọn chúng, các chiến sĩ Hồng quân thuộc đại đội cảnh vệ quát lên:
– Lũ phản cách mạng!
– Giải tán những thằng chó đẻ nầy đi!
Cuộc họp kéo dài và diễn ra rất sôi nổi. Một người trong số vài Đảng viên cộng sản lèo tèo trong doanh trại nói với Fomin giọng xúc động:
– Đồng chí phải phát biểu đi mới được, đồng chí Fomin! Đồng chí xem, các chiến sĩ trong đại đội đồng chí đang diễn ra những tiết mục gì thế?
Một nụ cười chỉ hơi thoáng hiện sau hàng ria Fomin.
– Nhưng tôi lại là một anh chàng ngoài Đảng, chúng nó nghe gì tôi đâu?
Rồi hắn lại tiếp tục ngậm tăm và trước khi cuộc họp kết thúc rất lâu, hắn đã cùng tên tiểu đoàn trưởng Kaparin bỏ ra ngoài. Trên đường đi Vosenskaia, hai tên đã bàn bạc với nhau về tình hình trước mắt và chẳng mấy chốc đã ăn giọng. Một tuần sau, tên Kaparin tới chỗ Fomin ở, nhìn thẳng vào mắt hắn và nói:
– Một là chúng ta phải lập tức bạo động ngay, hai là sẽ không bao giờ còn có thể bạo động được nữa. Anh Yakov Efilmovich, anh phải thấy rõ như thế mới được? Phải nắm vững thời cơ trong lúc nầy. Hoàn cảnh hiện nay đang rất thuận lợi. Bọn Cô-dắc đang ủng hộ chúng ta. Anh có uy tín rất lớn trong khu. Tinh thần dân chúng lại tốt không thể tưởng tượng được. Tại sao anh cứ nín thinh như thế? Anh quyết định ngay đi!
– Việc nầy thì có gì mà quyết định với không quyết định? – Fomin thủng thẳng nói tách bạch từng tiếng, hai con mắt cứ nhìn gườm gườm. – Vấn đề ở đây được giải quyết xong xuôi rồi. – Chúng ta chỉ còn phải vạch ra một kế hoạch, thế nào cho mọi mặt đều không vấp váp gì cả, sao cho khỏi bị con muỗi nó đốt vào mũi là được. Chúng mình hãy bàn nhau về vấn đề nầy đi.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.