Sông Đông êm đềm

Chương 27



Đến cuối tháng mười, vào một ngày chủ nhật, Fedot Bodovskov đánh xe lên trấn.

Hắn mang ra chợ bốn đôi vịt béo căng nhốt trong một cái lồng, bán được hết rồi vào hiệu mua cho vợ ít vải hoa rất diêm dúa. Hắn đã tì chân vào vành bánh xe, siết chặt đoạn dây buộc dưới cổ ngựa, sắp sửa ra về, thì vừa lúc ấy có một người dân vùng khác, không phải là trong trấn, bước tới:
– Chào bác! – Người ấy đưa những ngón tay ngăm ngăm lên vành chiếc mũ dạ đen chào Fedot.
– Chào bác! – Fedot nheo cặp mắt xếch như mắt người Kalmys, nói lí nhí qua kẽ răng, chờ xem có chuyện gì.
– Bác ở đâu đến thế?
– Tôi ở dưới thôn lên, không phải người ở đây đâu.
– Thế bác ở thôn nào vậy?
– Thôn Tatarsky.
Người lạ kia lấy trong túi bên ra một cái hộp thuốc lá bằng bạc, nắp hộp có chạm hình một chiếc thuyền nhỏ. Anh ta mời Fedot hút điếu thuốc và hỏi tiếp:
– Thôn ta có to không bác?
– Cám ơn bác, tôi vừa hút xong. Thôn chúng tôi ấy à! Một thôn khá đấy. Có lẽ chừng ba trăm bộ.
– Có nhà thờ không?
– Còn sao nữa, phải có chứ.
– Có thợ rèn không?
– Lò rèn ấy à? Lò rèn cũng có đấy.
– Thế nhà máy xay đã có xưởng nguội chưa?
Con ngựa không chịu đứng yên, Fedot phải giữ chặt dây cương. Hắn nhìn một cách không thân thiện cái mũ dạ đen cùng những vết nhăn trên khuôn mặt trắng bệch của người lạ, các vết nhăn nầy đều hướng cả vào chòm râu đen ngăn ngắn.
– Bác cần gì mà hỏi thế?
– Tôi chuyển đến ở thôn bác đây. Tôi vừa ở chỗ ông ataman trấn ra. Bác về xe không à?
– Vâng, xe không.
– Bác cho tôi về cùng nhé. Nhưng tôi không phải chỉ đi một mình đâu, còn cả nhà tôi và hai chiếc hòm chừng tám pút.
– Về cùng cũng được thôi.
Tiền xe ngã giá là hai rúp. Fedot đánh xe đến nhà mụ làm bánh mì vòng Frotka, nơi người đi nhờ xe của hắn thuê phòng, đón một người đàn bà tóc vàng, gầy yếu lên xe, rồi khiêng hai chiếc hòm đánh đai sắt đặt lên phía sau xe.
Ra khỏi trấn. Fedot chặc lưỡi, vung đoạn dây cương bện bằng lông đánh con ngựa nhỏ nhưng chạy rất khỏe. Chốc chốc hắn lại quay cái đầu méo mó trên cái gáy phẳng đứng để nhìn lại: hắn không cưỡng nổi tính tò mò. Hai người khách đi xe của hắn ngồi khiêm tốn phía sau, chẳng nói chẳng rằng. Đầu tiên Fedot xin đốt điếu thuốc rồi hỏi.
– Hai bác từ đâu về ở thôn chúng tôi thế?
– Từ Rostov.
– Cố cựu ở đấy à?
– Bác bảo sao?
– Tôi hỏi bác ở sinh quán ở đấy à?
– À, phải phải, tôi vốn người ở đấy, ở Rostov.
Fedot ngẩng hai gò má màu đồng thau, nhìn kỹ những đám cỏ dại mọc xa tít trên đồng cỏ: con đường của các Ghết-man kéo dài tới chỗ ngoặc, và trên sống đồi, trong đám cỏ khô nâu nâu, cách con đường chừng nửa vec-xta, cặp mắt giàu kinh nghiệm, tinh như mắt người Kalmys đã nhận ra những cái đầu nhỏ xíu của vài con vịt trời đang di động rất khó thấy.
– Tiếc là không mang súng, nếu không chúng ta dã tạt vào đấy kiếm vài chú vịt trời. Bác trông nó đang đi kia kìa… – Fedot thở dài giơ tay chỉ.
– Tôi chẳng thấy gì cả. – Người khách đi xe thú nhận, hai con mắt anh ta hấp háy như mắt người thong manh.
Fedot đưa mắt theo dõi mấy con vịt trời sà xuống một cái khe, rồi quay lại nhìn người thuê xe. Khách là một người tầm thước, xương xương, có hai con mắt linh lợi long lanh rất gần chỗ tinh mũi lồi lên. Trong khi nói chuyện, anh ta rất hay cười. Người vợ quấn một chiếc khăn choàng đan tay, ngủ gà ngủ gật. Fedot không trông thấy mặt người đàn bà.
– Vì sao mà hai bác phải đến ở thôn chúng tôi?
– Tôi làm thợ nguội, muốn đến mở một cửa hiệu thợ nguội. Tôi còn làm cả đồ mộc.
Fedot nhìn hai bàn tay to bè bè của người khách đi xe, có ý nghi ngại. Người kia bắt gặp ánh mắt của Fedot bèn nói thêm:
– Tôi cũng làm thêm đại lý cho hãng “Singer” cung cấp máy khâu – Thế tên bác là gì? – Fedot hỏi.
– Họ của tôi là Stokman.
– Có lẽ bác không phải là người Nga?
– Không, tôi là người Nga đấy. Nhưng ông nội tôi gốc ở Latvia.
Chỉ một lát sau, Fedot đã được biết rằng anh thợ nguội Stokman Yosif Davidovich trước kia làm việc ở nhà máy “Acxai”, sau đó đến một nơi nào đó ở Kuban, rồi vào làm tại xưởng sửa chữa đường sắt Đông Nam. Ngoài ra Fedot vốn tính tò mò còn hỏi được thêm rất nhiều chi tiết về cuộc đời của anh ta.
Xe chạy tới rừng cấm thì câu chuyện cạn dần. Con ngựa chạy đã toát mồ hôi, Fedot cho nó uống nước ở một cái giếng bên cạnh đường Xe lắc trên chặng đường bắt đầu làm Fedot thần ra, hắn ngủ gà ngủ gật. Từ đây về đến thôn còn chừng năm vec-xta.
Fedot cuộn dây cương, thõng chân, ngả người ra cho thoải mái. Nhưng hắn đã không được chợp mắt.
– Vùng ta sinh sống như thế nào hả bác? – Stokman bị lắc rất ghê, cứ nhảy chồm chồm trên ghế, nhưng anh ta vẫn hỏi.
– Chúng tôi vẫn sống, vẫn có bánh mì ăn.
– Bà con Cô-dắc nói chung có vừa ý với cuộc sống không?
– Có người vừa ý, có người thì không. Làm thế nào mà tất cả mọi người đều vừa ý được?
– Đúng đấy, đúng đấy… – Người thợ nguội tỏ vẻ đồng ý. Anh ta nín lặng một lát rồi lại đưa ra những câu hỏi như có hàm một ý ngầm gì đó – Bác bảo mọi người đều no đủ à?
– Cuộc sống cũng khá sung túc.
– Nhưng có lẽ công việc nhà binh cũng là một gánh nặng đấy nhỉ? Có phải không?
– Công việc nhà binh ấy à? Chúng tôi đã quen rồi. Còn sống thì còn nằm trong quân số.
– Tai hại nhất là người Cô-dắc phải tự trang bị lấy tất cả.
– Còn sao nữa, mẹ chúng nó chứ! – Fedot bắt đầu hăng lên. Hắn liếc nhìn có ý nghi ngại người đàn bà lúc nầy đã quay đầu sang bên. Với cái bọn quan lớn như thế thì thật là tai hoạ… Hồi tôi đi lính, phải bán mấy con bò đi sắm một con ngựa. Nhưng họ mang đi khám xong lại bảo là không đủ tiêu chuẩn.
– Bảo là không đủ tiêu chuẩn à? – Người thợ nguội vờ ngạc nhiên.
– Hoàn toàn đúng thế đấy. Họ bảo chân có khuyết tật. Tôi cố nài: “Xin các ngài cứ nhận cho. Bốn chân nó có gì khác một con ngựa thi giật giải. Chỉ có điều là nước kiệu chạy nom giống con gà trống… Nó có cái nước kiệu kiểu gà trống mà lại”. Nhưng họ vẫn không nhận. Thế là hết nghiệp!
Câu chuyện nói mỗi lúc một thêm rôm rả. Mải mê với câu chuyện, Fedot vui vẻ nhảy từ trên xe xuống, sẵn sàng kể về bà con trong thôn, hết chửi lão ataman thôn về chuyện chia bãi cỏ không công bằng, lại khen hết lời lối làm ăn ngăn nắp ở Ba Lan, nơi trung đoàn của Fedot đóng trong thời gian hắn ở đơn vị. Fedot đi bên cạnh xe. Hai con mắt sắc như dao nheo lại rất nhỏ của người thợ nguội nhìn khắp người hắn. Anh ta hút một thứ thuốc lá nhẹ bằng một cái bót xương trên có những câi vòng nhỏ, một nụ cười luôn nở trên môi. Nhưng chéo ngang vầng trán hơi dốc, da rất trắng, có một vết nhăn hằn sâu, vết nhăn nầy di động chậm chạp, nặng nề, cứ như bị đẩy lên đẩy xuống từ bên trong bởi những ý nghĩ gì thầm kín.
Xe về tới thôn trước khi trời hoàng hôn.
Theo lời khuyên của Fedot, Stokman xuống xe trước nhà mụ goá Lukeska Popopa và thuê của mụ hai gian phòng.
– Bác đưa ai từ trên trấn về đấy? – Mấy mụ láng giềng đã chờ Fedot ở cổng để hỏi.
– Một người đại lý.
– Đại lý gì cơ chứ?
– Chà ngốc gì mà ngốc khổ ngốc sở! Tôi xin nói cho các bà các chị biết rằng người đại lý nầy bán máy khâu. Ai đẹp được biếu không, còn xấu như thím, thím Maria ạ, thì phải trả tiền.
– Đồ quỷ dữ tay chuối mắn như bác mà cứ tưởng mình đẹp đẽ lắm đấy phỏng. Cái mặt Kalmys của bác thì cứ nhìn mà tởm… Đến ngựa cũng chẳng dám gần: trông thấy đã đủ khiếp.
– Nầy thím chớ tưởng đùa, trên thảo nguyên thì chỉ có người Kalmys và người Tarta là nhất đấy thôi! – Fedot cố chống chế rồi bỏ đi.
Anh thợ nguội Stokman đã dọn xong chỗ ở tại nhà mụ Lukeska, một người đàn bà vừa lác vừa lắm mồm. Anh ta chưa kịp ngủ yên một đêm, khắp thôn đã thấy bọn đàn bà bàn ra tán vào.
– Nầy bà bạn đỡ đầu, bác đã nghe thấy chuyện chưa?
– Chuyện gì thế?
– Gã Kalmys Fedot đưa ở đâu về một thằng Đức đấy.
– Thật ư?
– Tôi dám thề trước Đức Mẹ là đúng như thế đấy! Đội mũ dạ, tên là Stôpôn hay Stôcan gì đó…
– Hay là mật thám?
– Nhân viên phòng thuế đấy, bà bạn thân mến ạ.
– I-i i các bà các chị ạ, thiên hạ nói láo tuốt. Nghe nói hắn ta làm kế toán cũng như cậu cả con cha Pankrati thì phải.
– Paska, con yêu của mẹ, mày thử chạy đến tìm bác Lukeska, hỏi bác ấy khẽ khẽ thôi nhé: “Bác ơi, xe đưa ai về nhà bác thế?” Chạy ù lên nhé, thằng bé đến là ngoan!
Hôm sau, người mới đến ngụ cư tới gặp lão ataman thôn Fedor Manykov giữ cái gậyataman (1) đến nay đã được ba năm.
Lão lật đi lật lại mãi trong tay tờ giấy thông hành bọc vải dầu đen. Rồi đến lượt viên thư ký Egor Zakov cũng lật lật xem qua. Hai tên đưa mắt cho nhau, rồi theo thói quen của một viên quản kỵ binh, lão ataman trịnh trọng khoát tay:
– Ông được ở lại đây.
Người mới đến cúi chào rồi ra ngoài. Suốt một tuần liền anh ta chẳng ló mặt đi đâu, cứ sống ru rú như một con chuột đồng trong hang. Bắt đầu có tiếng rìu đẽo chan chát, rồi xưởng thợ nguội được đặt trong gian bếp mùa hè, bỏ không từ lâu. Bọn đàn bà trước kia tò mò dò hỏi không biết chán, đến nay không còn để ý gì nữa, chỉ còn bầy trẻ là ngày nào cũng leo lên hàng rào nhìn người khách lạ của thôn.
Chú thích:
(1) Mỗi ataman các cấp đều có một cái gậy tượng trưng chức quyền của mình (ND)

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.