Sư đoàn nhận được nhiệm vụ vượt sông Styra rồi tiến vào hậu phương của địch ở gần Lovichtri.
Trong vài ngày, Evgeni đã kịp làm quen dần với đám sĩ quan trong trung đoàn. Hoàn cảnh chiến đấu đã mau chóng lôi cuốn hắn, xua khỏi tâm hồn hắn thói quen sống an nhàn và mơ mộng hoà bình.
Sư đoàn đã hoàn thành rất xuất sắc cuộc chiến đấu vượt sông. Họ đã đánh vào sườn bên trái một binh đoàn khá lớn của địch rồi tiến vào hậu phương của chúng. Ở gần Lovichtri, quân Áo có kỵ binh Hungary hiệp đồng tác chiến, định chuyển sang phản công, nhưng chúng đã bị các đại đội pháo Cô-dắc quét sạch bằng đạn ghém. Các đại đội kỵ binh Hungary đã triển khai xong lại phải rút lui hỗn loạn, và bị tiêu diệt dưới hoả lực súng máy bắn lướt sườn, sau lưng họ lại còn có quân Cô-dắc truy kích.
Evgeni cùng trung đoàn của hắn tham gia trận phản xung phong. Sư đoàn của hắn bám sát gót quân địch rút lui. Trung đội ba do Evgeni chỉ huy có một tên Cô-dắc bị giết và bốn tên bị thương.
Viên trung uý cố giữ vẻ bình tĩnh trên nét mặt để cho ngựa chạy qua chỗ Losenov và chỉ mong sao không nghe thấy cái giọng nhỏ nhẻ khàn khàn của người lính. Losenov là một gã Cô-dắc còn trẻ, mũi gồ người trấn Kratnokaskaia. Con ngựa bị bắn chết nằm đè lên người gã. Gã bị thương ở cánh tay, cứ phải nằm yên đấy mà nhe răng ra van những toán Cô-dắc phi ngựa qua:
– Các anh em thân mến ơi, đừng bỏ mình? Kéo giúp mình ra, các anh em thân mến…
Giọng kêu van khe khẽ ngắc ra vì đau nghe đến là thê thảm. Nhưng lòng dạ bọn Cô-dắc phi ngựa qua còn đang rối bời như thế thì làm sao có được niềm trắc ẩn, mà dù có chăng nữa, lý trí cũng chẳng để cho sự thương hại ấy lộ ra, cũng phải luôn luôn nén nó xuống. Trung đội cho ngựa đi bước một chừng năm phút để những con ngựa chạy đã thở như kéo bễ được một lát lấy lại hơi. Những đại đội kỵ binh Hungary đang tháo chạy toán loạn cách họ chừng nửa vec-xta. Giữa những chiếc áo vét viền lông rất đẹp của họ thấp thoáng những chiếc áo quân phục màu xám xanh của bộ binh. Đoàn xe vận tải của quân Áo bò trên đường cống đồi. Những phát đạn ghém tuôn ra những đám khói trắng đục như sữa bên trên những chiếc xe như để từ biệt. Ở một chỗ nào đó bên trái có một đại đội pháo nhả đạn với tốc độ nhanh vào đoàn xe vận tải. Những tiếng rền vang dội chạy rần rần khắp cánh đồng, gây ra rất nhiều tiếng vọng từ khu rừng gần đấy.
Trung tá Safronov dẫn đầu sư đoàn ra lệnh cho ngựa chạy nước kiệu. Ba đại đội tản ra, kéo dài đội hình, tiến nước kiệu nặng. Dưới các chàng kỵ sĩ những con ngựa lảo đảo, mồ hôi sủi bọt, rơi xuống từng đám như những đoá hoa hồng vàng vàng. Đêm ấy, họ đóng quân trong một ngôi làng nhỏ.
Mười hai sĩ quan của trung đoàn chen chúc trong một căn nhà nhỏ. Mệt mỏi tưởng đứt hơi, chưa được miếng nào vào bụng, họ đã lăn ra ngủ. Gần nửa đêm xe nhà bếp dã chiến mới đến. Viên thiếu tá Trubov xách về một cà mèn súp bắp cải. Mùi súp béo ngậy làm các sĩ quan tỉnh dậy cả, và mười lăm phút sau, mắt còn sưng vù, bọn sĩ quan đã chẳng nói chẳng rằng, ăn ngốn ngấu như thần trùng để bù lấy phần sức lực đã hao tổn trong hai ngày chiến đấu. Sau bữa ăn khuya khoắt như thế, chẳng còn ai nghĩ đến ngủ nghê. Các sĩ quan ăn nặng bụng, ngả người xuống những tấm áo khoác bằng dạ hay những đống rơm hút thuốc.
Thượng uý Kalmykov là một viên sĩ quan thấp thấp, người tròn xoay. Không riêng cái tên, mà cả khuôn mặt hắn cũng mang những đặc điểm của dòng máu Mông cổ. Hắn vừa nói vừa hoa tay múa chân rất dữ:
– Cuộc chiến tranh nầy đâu phải nổ ra cho mình tham gia. Mình đã ra đời muộn mất chừng bốn thế kỷ. Cậu có biết không, Petre. – Kalmykov nói với viên trung uý Cherinchev, nhưng trong từ “Petro, hắn phát chệch âm “o” thành “e” nặng. – Mình sẽ không sống được tới khi cuộc chiến tranh nầy chấm dứt đâu.
Thôi bỏ những chuyện tướng số ấy đi, giọng Cherinchev ồm ồm dưới tấm áo khoác bằng dạ.
– Chẳng có tướng số gì đâu. Kết cục ấy là do tiền định. Mình vốn có một chứng di truyền cách đại(1). Vì thế mình ở đây chỉ là một người thừa. Hôm nay, trong khi tiến công dưới hoả lực địch, mình đã điên tiết run bắn cả người. Hễ trông thấy địch là mình không chịu nổi. Cái cảm giác thổ tả ấy cũng ngang với sự sợ hãi. Chúng nó ở cách mình hàng mấy vec-xta, nã pháo vào mình, còn mình thì ngồi trên lưng con ngựa, cứ như con vịt trời trên đồng cỏ trước mũi súng của thằng thợ săn nhằm vào mình.
– Ở Kupalka tôi có được xem một khẩu lựu đạn pháo của quân Áo. Trong các ngài đã có ai được thấy chưa, thưa các ngài? – Viên trung uý Atamantrukov vừa hỏi vừa thè lưỡi liếm những miếng thịt hộp vụn vướng trên hàng ria hung tung, tỉa theo kiểu Anh.
– Thật là tuyệt vời! Riêng bộ phận nhằm đã là cả một cơ cấu, vượt mức hoàn thiện. – Viên thiếu uý Trubov trầm trồ nhận xét. Hắn đã kịp đánh sạch cà-mèn xúp thứ hai.
– Tôi cũng được trông thấy, nhưng tôi sẽ không nói cảm tưởng của tôi đâu. Về pháo binh thì tôi là một thằng ngoại đạo. Theo tôi thì loại pháo nào cũng chỉ là pháo, chuyên ngáp ruồi.
– Tôi ghen tị với những con người xưa kia chiến đấu với những phương tiện nguyên thuỷ, – Kalmykov nói tiếp, nhưng lần nầy hắn nói với Evgeni. – Trong một cuộc chiến đấu đàng hoàng thẳng thắn, chém giết địch, dùng một thanh gươm xả con người ra làm đôi, chuyện ấy thì tôi hiểu được. Ngoài ra chẳng còn biết quỷ quái gì nữa – Trong những cuộc chiến tranh tương lai, vai trò của kỵ binh sẽ chỉ là con số không.
– Nói đúng hơn thì không còn có kỵ binh nữa.
– Chà, đó mới chỉ là giả thuyết?
– Chuyện ấy không còn gì đáng nghi ngờ nữa.
– Nầy, Cherinchev ạ, không thể nào lấy máy móc thay cho con người được đâu. Tuyệt đối là như thế.
– Mình không nói về con người, mà về con ngựa. Mô-tô hoặc ô- tô sẽ thay con ngựa.
– Mình đang thử hình dùng một ét-ca-đơ-rông(2) ô-tô.
– Thật là nguy xuẩn! – Kalmykov phát cáu. – Ngựa sẽ còn phục vụ cho các đạo quân. Một sự hoang đường phi lý! Hai ba trăm năm nữa sẽ ra sao, chúng ta còn chưa biết, còn như ngày nay thì trong bất kỳ trường hợp nào, kỵ binh…
– Nầy ông Dmitri Donskoi(3) ơi, nếu người ta đào chiến hào làm vành đai vây quanh mặt trận thì ông sẽ làm thế nào? Hả? Thế nào, trả lời đi!
– Mở đột phá khẩu, đột kích, biệt kích thọc sâu vào hậu phương quân địch, đó là công việc của kỵ binh.
– Chỉ nói lung tung.
– Thôi các ngài ạ, đến lúc ấy chúng ta sẽ thấy.
– Chúng mình đi ngủ thôi.
– Nầy các ngài ạ, đã đến lúc cắt đứt câu chuyện rồi đấy, nhiều người muốn ngủ đấy.
Cuộc tranh cãi sôi nổi một lát rồi lắng đi. Có người ngáy và thở như huýt sáo dưới áo choàng dạ. Evgeni không tham gia câu chuyện. Hắn nằm ngửa, hít cái mùi hăng hắc của lớp rơm lúa mạch đen lót dưới lưng. Kalmykov làm dấu phép rồi nằm xuống bên cạnh.
– Trung uý ạ, ngài thử nói chuyện với thằng lính tình nguyện Buntruc mà xem. Nó ở ngay trung đội của ngài đấy. Một thằng hay lắm!
– Hay như thế nào? – Evgeni vừa hỏi vừa xoay lưng về phía Kalmykov.
– Một thằng Cô-dắc mà biến thành người Nga. Nó đã sống ở Moskva. Một thằng thợ quèn mà chẳng có vấn đề gì nó không biết. Một thằng cực kỳ liều lĩnh nhưng bắn súng máy thì tuyệt vời.
– Chúng mình ngủ đi thôi, – Evgeni nói.
– Nào, thì ngủ, – Kalmykov đang nghĩ về một chuyện gì riêng. Hắn trả lời và vừa ngọ nguậy mười đầu ngón chân, vừa cau mày nói ra vẻ biết mình có lỗi – Trung uý ạ, ngài thứ lỗi cho tôi nhé, hai chân tôi nó cứ xông lên cái mùi như thế nầy… Ngài có biết không, ba tuần liền không được tháo ủng, bít tất mủn ra vì mồ hôi… Thật là kinh tởm, ngài cũng biết đấy! Phải kiếm lấy vải bọc chân ở chỗ bọn Cô-dắc mới được.
– Không sao đâu, – Evgeni lầu bầu rồi thiếp dần.
Evgeni đã quên câu chuyện nói với Kalmykov, nhưng ngay hôm sau đã có một dịp làm cho hắn gặp người lính tình nguyện Buntruc. Trời vừa tảng sáng viên đại đội trưởng đã ra lệnh cho hắn đi trinh sát và nếu có thể thì bắt liên lạc với trung đoàn bộ binh hiện đang tiếp tục tấn công ở sườn bên trái. Trong lúc còn tranh tối tranh sáng, Evgeni đi dò dẫm khắp cái sân, giữa những tên Cô-dắc nằm ngủ ngổn ngang, để tìm gã hạ sĩ của trung đội.
– Cắt cho tao năm thằng Cô-dắc đi trinh sát. Bảo chúng nó thắng cho tao con ngựa. Nhanh lên.
Năm phút sau có một gã Cô-dắc thấp thấp đi tới ngưỡng cửa căn nhà nhỏ.
– Bẩm quan lớn. – Anh ta nói với viên trung uý đang bỏ thuốc lá vào hộp, – hạ sĩ không cắt tôi đi trinh sát vì chưa đến phiên tôi. Quan lớn cho phép tôi đi có được không?
– Mày muốn lập công à? Mới phạm tội gì phải không? – Viên trung uý vừa hỏi vừa cố nhìn rõ mặt gã Cô-dắc trong bóng tối xám xám.
– Tôi không phạm tội gì cả.
– Không sao, cho mày đi. – Evgeni quyết định rồi đứng dậy.
– Nầy, thằng kia! – Gã Cô-dắc đã quay ra, nhưng Evgeni gọi với theo. – Quay lại đây?
Gã kia bước tới.
– Mày ra bảo thằng hạ sĩ…
– Họ của tôi là Buntruc, – Gã Cô-dắc ngắt lời hắn.
– Lính tình nguyện à?
– Vâng.
– Anh ra bảo hạ sĩ, – Evgeni luống cuống một phút, rồi trấn tĩnh được và nói lại, – bảo hắn… Nhưng thôi được, anh đi đi, để tự tôi bảo cũng được.
Bóng tối đã tan dần. Đội trinh sát ra khỏi cái làng nhỏ, vượt qua những vọng tiêu và tuyến cảnh giới, tiến theo hướng cái làng đã được ghi trên bản đồ.
Sau khi đi được nửa vec-xta, viên trung uý cho ngựa chuyển sang bước một.
– Lính tình nguyện Buntruc!
– Có tôi.
– Mời anh lại đây.
Buntruc cho con ngựa hạng bét của anh ta tiến lên ngang con ngựa thuần giống của viên trung uý.
– Anh người trấn nào thế? – Evgeni vừa hỏi vừa nhìn kỹ hình trông nghiêng của khuôn mặt anh lính tình nguyện.
– Novocherkaskaia.
– Tôi có thể biết lý do thúc đẩy anh tình nguyện vào lính được không?
– Vâng không sao, – Buntruc kéo dài giọng trả lời với một vẻ hơi có chút giễu cợt rồi nhìn viên trung uý bằng cặp mắt rất đanh, phớt phớl màu xanh lá cây. Mắt anh ta nhìn không chớp với một vẻ rất kiên định. – Tôi muốn tìm hiểu nghệ thuật quân sự. Tôi muốn nắm được nghệ thuật quân sự.
– Muốn vậy đã có những trường quân sự.
– Vâng, vẫn có.
– Thế thì vì sao anh lại làm thế nầy?
– Đầu tiên tôi muốn thử với thực tế xem sao đã. Lý luận sẽ đến sau.
– Trước chiến tranh anh làm nghề gì?
– Tôi làm thợ.
– Anh đã làm việc ở đâu?
– Ở Peterburg, Rostov trên sông Đông, ở nhà máy chế tạo vũ khí Tula… Tôi muốn xin được chuyển sang đội súng máy.
– Anh đã quen với súng máy rồi à?
– Tôi có biết các kiểu Sốt, Bécchiê, Málxen, Maxim, Hotkít, Bécman, Uýchoơ, Liuít, Sáclốt.
– Chà chà… Tôi sẽ thưa với quan trung đoàn trưởng.
– Xin quan lớn thưa giúp cho.
Viên trung uý quay sang nhìn một lần nữa cái thân hình không cao lớn nhưng chắc nịch của Buntruc, cái thân hình hao hao gợi lên hình ảnh của cây ca-ra-ít vùng sông Đông. Chẳng có gì đập vào mắt, chẳng có gì đặc biệt cả đều bình thường, chỉ có cái cằm nhô mạnh ra và cặp mắt nhìn dễ bắt người ta phải quay đi làm cho khuôn mặt Buntruc có điểm phân biệt được với muôn vàn khuôn mặt khác.
Buntruc không hay cười, mỗi khi cưởi hai bên mép nhăn lại, nhưng hai con mắt vẫn không vì cười mà dịu đi chút nào, vẫn giữ nguyên cái ánh sáng đùng đục nó làm người ta rất khó gần. Khắp người Buntruc đều nghèo màu sắc, đều lạnh lùng, kín đáo, đúng là một cây ca-ra-ít, thứ cây mọc thẳng đứng, rắn như thép, mọc trên đất chất đầy sỏi cát của vùng sông Đông ảm đạm thê lương.
Hai người cùng cưỡi ngựa đi bên nhau một lát, chẳng ai nói gì cả.
Hai bàn tay to bè bè của Buntruc đặt trên chỗ mũi yên màu xanh lá cây đã tróc sơn. Evgeni lấy ra một điếu thuốc và trong khi châm húl bằng que diêm do Buntruc đánh, hắn cảm thấy bàn tay Buntruc có cái mùi mồ hôi ngựa ngọt ngọt như mùi nhựa chưng Những đám lông trên hai mu bàn tay ấy mọc dầy như lông ngựa. Evgeni bất giác muốn vuốt vuốt những đám lông ấy. Hắn nuốt một hơi khói đắng và nói:
– Anh hãy cùng với một gã Cô-dắc nữa theo con đường mòn bên trái kia ra khỏi rừng. Có trông thấy không?
– Vâng.
– Nếu trong khoảng nửa vec-xta mà không gặp bộ binh của ta thì quay trở lại.
– Xin tuân lệnh.
Hai người cho ngựa chạy nước kiệu. Những cây bạch dương giống “bạn gái” mọc thành một đám sin sít, tách rời hẳn khu rừng.
Phía sau đám bạch dương, những cây thông lùn choằn choằn làm khổ con mắt với cái màu lá vàng vàng không vui vẻ chút nào, những khoảng cây nhỏ thưa thớt, loăn xoăn, những bụi rậm bị nghiền nát dưới những bánh xe vận tải của quân Áo. Ở bên phải, đằng xa kia, tiếng ầm ầm của hoả lực pháo binh đang đè nén mặt đất, nhưng ở đây trong đám bạch dương nầy, không khí sao mà êm ả… Đất thoả chí uống sương mai. Tất cả các thứ cỏ đua nhau nở hoa xum xuê, hồng hồng, tươi thắm, nở xô bồ lúc sắp sang thu để báo trước cái chết sắp tới của hoa, Evgeni cho ngựa đứng lại bên một cây bạch dương nhỏ, dùng ống nhòm quan sát ngọn núi gồ lên như một cái bướu sau cánh rừng. Một con ong xòe cánh đến kiếm mật trên đầu cán gươm của hắn.
– Ngu xuẩn thật – Buntruc nhận xét cái sai lầm của con ong, khẽ nói, giọng thương hại.
– Cái gì hử? Evgeni buông ống nhòm xuống.
Buntruc đưa mắt chỉ cho hắn xem con ong. Evgeni mỉm cười.
– Mật nó gây sẽ đắng đấy. Anh thấy thế nào?
Đã không phải là Buntruc trả lời hắn. Không biết từ chỗ nào, sau đám thông đằng xa có một khẩu súng máy khạc đạn với những tiếng chối tai như một con chim ác là, xé tan bầu không khí yên lặng.
Những viên đạn rú lên, xuyên rào rào vào đám bạch dương. Một cành cây nhỏ bị đạn cứa đứt quay lộn, ngả nghiêng trên không rồi rơi xuống bờm con ngựa của viên trung uý.
Cả nhóm miệng quát tay quật thúc ngựa phi về cái làng nhỏ. Sau lưng họ, khẩu súng máy của quân Áo bắn một loạt hết sạch băng đạn, không một lần nào dừng lại lấy hơi.
Sau hôm ấy, Evgeni còn có nhiều dịp gặp anh lính tình nguyện Buntruc, và lần nào hắn cũng phải kinh ngạc trước ý chí quật cường nó làm sáng hai con mắt đanh thép của Buntruc. Hắn chỉ có thể ngạc nhiên mà không thể nào đoán ra điều gì đang ẩn sau cái vẻ kín đáo khó hiểu nó phủ lên khuôn mặt một con người bề ngoài nom bình thường như vậy, chẳng khác gì một bóng mây. Mà Buntruc cũng tựa như chẳng bao giờ nói hết ý mình, bao giờ cũng có một nét cười in chặt lên hai bên mép kiên định, bao giờ cũng như đi theo một con đường ngoằn ngoèo quanh một chân lý mà chỉ một mình anh biết.
Buntruc đã được chuyển sang đội súng máy. Chừng mươi ngày sau (hôm ấy trung đoàn được nghỉ một ngày một đêm). Evgeni đang đi tới chỗ viên đại đội trưởng thì đuổi kịp Buntruc. Buntruc đi qua một cái nhà kho cháy trụi, vừa đi vừa nghịch nghịch, vung vẩy bàn tay trái.
– A-a, anh lính tình nguyện?
Buntruc quay đầu lại, đưa tay lên vành mũ chào rồi đứng tránh sang bên đường.
– Anh đi đâu đây? – Evgeni hỏi.
– Tôi lên gặp ngài đội trưởng.
– Có lẽ chúng ta cùng đi một đường.
– Vâng, có lẽ thế.
Hai người đi trên dãy phố của cái làng bị phá tan hoang, và cùng nín lặng một lát. Có những người lăng xăng bận rộn trong những sân nhà gần những cái nhà kho, hiếm hoi còn nguyên vẹn, Một số kỵ binh qua qua lại lại. Chiếc xe nhà bếp dã chiến bốc khói nghi ngút ngay giữa phố với một hàng dài những gã Cô-dắc chờ đến lượt lĩnh khẩu phần. Mưa rơi lâm râm xuống đầu mọi người.
– Thế nào, anh vẫn nghiên cứu chiến tranh chứ? – Evgeni liếc nhìn Buntruc đi hơi lui về phía sau rồi hỏi.
– Vâng… tôi vẫn nghiên cứu.
– Anh định sau chiến tranh sẽ làm gì? – Không hiểu sao Evgeni hỏi như thế, và cứ nhìn hai bàn tay lông lá của người lính tình nguyện.
– Ai trồng dưa thì được dưa, trồng đậu thì được đậu, còn tôi… tôi còn đang chờ xem – Buntruc nheo mắt trả lời.
– Nên hiểu ý anh nói như thế nào?
– Thưa trung uý, ngài có biết câu phương ngôn: (hai con mắt Buntruc càng ti hí và càng sắc) “Kẻ nào gieo gió thì gặt bão” không? Vấn đề là như thế đấy.
– Anh đừng có ví với von, hãy nói rõ hơn đi.
– Như thế cũng đã rõ rồi. Xin tạm biệt trung uý, tôi phải rẽ sang trái.
Buntruc đưa những ngón táy lông lá lên lưỡi trai chiếc mũ cát-két Cô-dắc rồi rẽ sang trái.
Viên trung uý nhún vai, đưa mắt nhìn theo Buntruc rất lâu.
“Không hiểu nó là một thằng như thế nào, nó cố ý lập dị hay chỉ là một thằng cha có những ý nghĩ kỳ quặc!” – Evgeni vừa bực bội nghĩ thầm vừa bước vào căn hầm sạch sẽ ngăn nắp của viên đại đội trưởng.
Chú thích:
(1) Chứng di truyền xuất hiện cách một đời hoặc nhiều đời. (ND)
(2) Đại đội kỵ binh. (ND)
(3) (1380 – 1389) Một vị anh hùng dân tộc Nga, năm 1350 đánh bại đại quân Tarta ở vùng sông Đông đặt cơ sở cho việc giải phóng người Nga khỏi ách thống trị của người Tarta. (ND)