Sông Đông êm đềm

Chương 71 phần 1



Trong những ngày cuối tháng chín bắt đầu rục rịch chuẩn bị tấn công theo hai hướng Vladimiro-Volynsky và Koven, trong khu vực hoạt động của rập đoàn quân Đặc biệt (theo thứ tự thì tập đoàn quân nầy vốn mang số mười ba, nhưng vì “13” là một con số xúi quẩy, mà cả các ông tướng to đầu cũng không thoát khỏi bệnh mê tín, nên tập đoàn quân nầy đã được gọi là “Đặc biệt”).
Tại một nơi gần làng Svinyukha, bộ tư lệnh đã chọn một cơ địa xuất phát rất tiện cho việc triển khai tấn công. Pháo binh bắt đầu bắn chuẩn bị.
Một lực lượng pháo binh với số lượng chưa từng thấy được điều tới địa điểm đã định. Chín ngày liền, hàng chục vạn phát đạn pháo các cỡ đã cày rối cả khoảng đất do hai đợt chiến hào của quân Đức chiếm giữ. Ngay hôm đầu, vừa bắt đầu chịu hoả lực mật tập, quân Đức đã vứt bỏ đợt chiến hào thứ nhất, chỉ để lại những đài quan sát.
Vài ngày sau, họ bỏ thêm tuyến hai và chuyển về tuyến ba. Đến ngày thứ mười, các đơn vị của Quân đoàn Turkestan toàn khinh binh, bắt đầu tấn công. Họ tấn công theo phương thức của người Pháp là từng đợt liên tiếp. Các chiến hào của quân Nga lùa ra mười sáu đợt. Như những làn nước đập vào bờ, những đợt sóng người xám xịt ùa ra, lượn uyển chuyển, tản rộng rồi sủi bọt bên những hàng rào dây thép gai rối như bòng bong. Nhưng về phía quân Đức từ sau những gốc cây đổ cháy thui của khu rừng liễu đỏ xanh xám, từ sau những khoảng dốc cát nhấp nhô, hoả lực địch gầm lên, khạc lửa vang rền không ngừng, làm rung chuyển hết thảy, với những tiếng nổ nứt của những đám cháy.
Chiu…chiu… B…um!
Thỉnh thoảng lại có đại đội pháo bắn riêng lẻ một loạt đạn, rồi lại là những tiếng nổ rền, bò lan, ập tới, trùm lên cả một vùng bao nhiêu vec-xta.
– Chiu… Chiu…chiu…
– Tằng… tằng… tằng… – Các khẩu súng máy của quân Đức cũng hấp tấp bắn như điên.
Trên một khoảng đường kính rộng đến một vec-xta, đạn pháo nổ xoáy bốc lên những cái cột đen ngòm từ mặt cát bị băm vằm không còn hình thù gì nữa, làm những làn sóng tấn công nát vụn, sôi sục, tung toé ra khỏi những hố đạn hình phễu rồi vẫn bò, vẫn bò…
Những phát đạn pháo vẫn nổ đen ngòm mỗi lúc một nhào trộn đất ghê gớm, dội nhiều hơn lên đầu những kẻ tiến công những viên đạn ghém xuyên chéo với những tiếng rít xé màng tai, hoả lực súng máy mỗi lúc một quét mặt đất hung dữ, tàn khốc hơn. Họ quyết bắn không cho kẻ địch tiến tới hàng rào dây thép gai. Và kẻ địch đã không tiến tới được. Trong mười sáu làn sóng tấn công, chỉ có ba lần cuối cùng tràn được tới những dãy hàng rào dây thép nát bét vươn lên trời những cột cháy đen, với những dây thép bị vặn xoắn. Nhưng vừa lên tới nơi, ba làn sóng ấy lại như va đầu phải đá, tan ngay thành từng con suối nhỏ, từng giọt nhỏ, chảy lui trở về…
Hôm ấy, hơn chín ngàn nhân mạng đã bị rắc lên khoảng đất cát sâu thảm cách làng Svinyukha không bao xa.
Hai giờ sau, trận tấn công được tiến hành lại. Các đơn vị của sư đoàn 2 và sư đoàn 3 Quân đoàn khinh binh Turkestan đã bị đem dùng. Bên trái họ, các đơn vị cửa sư đoàn bộ binh 53 và lữ đoàn khinh binh Sibiri 307 tiến theo những cái khe tới tuyến chiến hào thứ nhất. Sư đoàn kỵ binh nhẹ số 3 tiến ở sườn bên phải Quân đoàn Turkestan.
Trung tướng Gavrilov, quân đoàn trưởng Quân đoàn 80 thuộc Tập đoàn quân Đặc biệt nhận được mệnh lệnh của bộ tư lệnh tập đoàn quân điều hai sư đoàn tới khu vực Svinyukha. Đêm hôm ấy, trung đoàn 320 Trembarky trung đoàn 319 Bugunminsky và trung đoàn 318 Trecnoiasky thuộc sư đoàn 80 được lệnh rời vị trí cũ.
Khinh binh Ladvia và dân quân vừa được đưa ra mặt trận đến thay thế họ. Các trung đoàn đã được điều đi ban đêm nhưng ngay buổi chiều, một trong ba trung đoàn đã di động theo hướng ngược lại để nghi binh và mãi sau khi đã chuyển quân mười hai vec-xta dọc theo mặt trận, họ mới nhận được lệnh quay trở lại. Các trung đoàn tiến cùng một hướng, nhưng trên nhiều đường khác nhau. Trung đoàn 283 Pavlogradsky và trung đoàn 284 Vengrovsky thuộc sư đoàn 71 tiến bên trái tuyến hành quân của sư đoàn 80. Trung đoàn Cô-dắc Ural và trung đoàn trinh sát Cô-dắc 44 theo sát gót hai trung đoàn ây Trước khi chuyển tới địa điểm mới, trung đoàn 318 Trecnoiasky đóng trên bờ sông Stokhot, trong khu vực thị trấn nhỏ Sokan, cách trang trại Ruska- Morinskoie không xa. Sáng hôm sau, sau chặng chuyển quân đầu tiên, trung đoàn đến đóng ở một khu rừng, trong những cái hầm bị vứt bỏ để học tập chiến thuật tấn công theo kiểu Pháp trong bốn ngày. Họ triển khai thành đội hình chiến đấu không phải từng tiểu đoàn mà từng đại đội. Những người lính ném lựu đạn được huấn luyện cách cắt hàng rào dây thép gai cho thật nhanh và tập lại khoa mục ném lựu đạn. Sau đó trung đoàn lại lên đường. Ba ngày liền họ đi trên những con đường rừng hoang vu, nhằng nhịt vết bánh xe pháo binh, hết rừng rậm lại đến rừng thưa. Gió dồn những đám sương mù mong manh, trắng lờm xờm như bông. chập chờn bám vào những ngọn thông, trôi trên những khoảng rừng trống, hoặc lượn tròn giữa những ngọn liễu đỏ, trên những bãi lầy xanh xám bốc hơi ngùn ngụt, như những con diều hâu trên thây con thú chết. Mưa nhỏ giọt từ màn sương mù trên trời. Ai nấy ướt như chuột lột, vừa đi vừa căm gan tím ruột. Ba ngày sau, họ dừng lại gần khu vực tấn công, trong hai làng Đại Porekh và Tiểu Porekh. Họ nghỉ ngơi một ngày một đêm: để sửa soạn lên đường về cõi chết.
Trong khi đó, một đại đội Cô-dắc đặc biệt cũng di động tới địa điểm sắp có chiến đấu cùng với sư đoàn bộ sư đoàn 80. Biên chế trong đại đội nầy có cả bọn lính Cô-dắc đăng kỳ ba của thôn Tatarsky. Trung đội hai gồm toàn các gã trong thôn: Marchin và Prokho, hai thằng em của gã cụt tay Aleksey Samin, anh thợ máy Kotliarov của nhà máy xay chạy bằng hơi nước Mokhov, chàng mặt rỗ Afonka Ozerov, Manứtcôp trước kia là ataman thôn, Eplanchi Calinhi, gã láng giềng chân chữ bát có cái bờm tóc dài trước trán của nhà Samin, chàng Cô-dắc khổng lồ Borsev, người vụng về dài ngoẵng, gã Dakha Korolev, cổ ngắn chùn chũn, dáng đi như con gấu. Nhưng “cái đinh” đem lại chút vui nhộn cho toàn đại đội là Gavrila Likhovidov, một gã Cô-dắc vẻ người nom hết sức man rợ, nhưng nổi tiếng vì thường xuyên cắn răng để bà mẹ bảy mươi tuổi và mụ vợ xấu như quỉ dạ xoa, tính đĩ rơi đĩ rụng, đánh đập tàn nhẫn.
Còn nhiều gã khác trong thôn cũng ở trung đội hai hoặc các trung đội khác trong đại đội. Trước kia một số lính Cô-dắc làm liên lạc ở sư đoàn bộ, nhưng từ ngày mồng hai tháng mười, bọn lính kỵ binh nhẹ đã làm việc ấy thay họ, và theo lệnh sư đoàn trưởng là tướng Kichenko, đại đội nầy đã bị điều lên tuyến lửa.
Sáng sớm ngày mồng ba tháng mười, đại đội tiến vào thôn Tiểu Porekh. Giữa lúc ấy tiểu đoàn một trung đoàn 318 Trecnoiasky cũng rời thôn nầy. Bọn lính bộ binh chạy ra khỏi những căn nhà bỏ hoang đã gần đổ nát, đứng xếp hàng ngay trên đường phố. Một viên chuẩn uý mặt vắt ra sữa, da ngăm ngăm, luẩn quẩn bên cạnh trung đội đầu tiên Hắn mở xác-cốt, lấy ra một miếng chocolatte (chocolatte còn bê bết quanh cặp môi mầu hồng nhợt của hắn). Hắn đi dọc hàng quân, cái đuôi áo ca-pôt dài lượt thượt, đầy bùn khô đập đập giữa hai chân như một đuôi cừu. Bọn lính Cô-dắc di bên trái đường phố. Anh thợ máy Kotliarov đi bên phải một hàng của trung đội hai.
Anh rất chú ý nhìn xuống chân, cố bước qua các ổ gà đầy nước. Chợt có tiếng gọi anh từ phía bọn lính bộ binh. Kotliarov quay lại, đưa mắt nhìn lướt qua các hàng lính bộ binh.
– Kotliarov! Anh bạn thân mến!
Một anh lính bộ binh bé loắt choắt rời khỏi trung đội, chạy lạch bạch tới gần Kotliarov. Anh ta vừa chạy vừa hất khẩu súng trường ra sau lưng, nhưng dây súng cứ trượt xuống làm báng súng đập trầm trầm vào bình toong.
– Không nhận ra à? Quên mình rồi hay sao?
Kotliarov nhìn người lính nhỏ bé đang chạy tới có bộ râu cứng như lông nhím xam xám mầu khói mọc lên tới hai gò má, và mãi mới nhận ra “Bồi”.
– Cậu ở đâu mò tới đây thế, cái cốc đong rượu?
– Cậu xem đấy… Mình đang đi lính mà.
– Thế trung đoàn nào?
– Trung đoàn ba trăm mười tám Trecnoiasky. Thật không ngờ… không ngờ còn được gặp anh em mình ở đây.
Bàn tay cứng như thép của Kotliarov không buông bàn tay nhỏ bé bẩn thỉu của “Bồi” ra nữa. Anh mỉm cười sung sướng cảm động.
“Bồi” cố theo kịp những bước chân khổng lồ của Kotliarov, cứ phải chạy tế lên. Hắn đưa mắt từ dưới lên, nhìn vào mắt Kotliarov, và chưa bao giờ thấy hai con mắt đầy căm hờn, rất gần tinh mũi của “Bồi” ướt và dịu dàng như thế nầy.
– Chúng mình sắp sửa tấn công đấy… Cậu xem…
– Bọn mình cũng thế.
– Dạo nầy cậu thế nào, Kotliarov?
– Ối dào, còn có gì đáng nói nữa.
– Mình cũng thế thôi, từ năm một nghìn chín trăm mười bốn, mình không mò ra khỏi chiến hào. Nhà cửa chăng có, vợ con thì không: làm vương làm tướng gì cho ai bây giờ… Một thân một mình thì thiết gì.
– Cậu còn nhớ Stokman không. Stokman của chúng ta thật là một hòn ngọc. Bây giờ mà có Stokman thì chúng ta đã được nghe phân tích tất cả rõ ràng rồi. Một con người ra con người… có phải không? Sao lại có người cừ đến thế nhỉ… có phải không?
– Stokman thì có thể nhìn thấy rõ tất cả rồi! – “Bồi” vung nắm tay hào hứng kêu lên, khuôn mặt nhỏ choắt lồm xồm những đám râu cứng như lông nhím của anh chàng cười nhăn nhúm – Mình còn nhớ Stokman lắm! Mình còn hiểu Stokman hơn cả hiểu bố mình đấy. Đối với mình thì bố mình chẳng có gì đáng kể… Nhưng cậu có được tin gì về Stokman không? Không có tin tức gì à?
– Stokman đang ở Sibiri, – Kotliarov thở dài – Đang ngồi nốt hạn tù
– Sao hả? – “Bồi” hỏi lại và vẫn cứ nhảy cỡn lên như con chim bạc má bên cạnh người cùng đi với anh la, hai vành tai nhọn vểnh lên.
– Đang ngồi tù. Mà chưa biết chừng bây giờ đã chết mất rồi.
“Bồi” đi lầm lì một lát, chẳng nói chẳng rằng, lúc thì ngoái nhìn phía sau, chỗ đại đội tập họp, lúc thì ngửa cổ lên nhìn cái cằm phẳng bẹt với vết hõm tròn tròn sâu sâu nằm ngay dưới chỗ giữa môi dưới của Kotliarov.
– Thôi tạm biệt? – “Bồi” rút tay khỏi bàn tay xương xẩu lạnh giá của Kotliarov. – Có lẽ chúng mình không còn được trông thấy nhau nữa đâu.
Kotliarov đưa tay trái lên bỏ chiếc mũ cát-két xuống rồi cúi xuống ôm lấy hai cái vai gầy gò của “Bồi”. Hai người ôm chặt lấy nhau, hôn nhau nữa, tựa như để không bao giờ gặp nhau nữa, rồi “Bồi” đứng lại. Đột nhiên “Bồi” luống cuống rụt đầu, chỉ còn hai vành tai nhọn hồng hồng nâu nâu nhô lên khỏi cái áo ca-pốt mầu tro của lính, rồi gù lưng bước đi, đường thì phẳng mà chân vẫn vấp. Kotliarov bước ra khỏi hàng, gọi giọng run run:
– Nầy, người anh em. “Bồi” thân mến của mình! Cậu trước kia là một thằng tợn tạo như thế nào… còn nhớ không? Trước kia vốn là một thằng rắn rỏi cơ mà, có phải không?
“Bồi” quay lại nước mắt làm mặt anh chàng già hẳn đi. Hắn vừa kêu lên vừa đấm thùm thụp vào bộ ngực đen thui, gầy giơ cả xương sườn hiện ra dưới cái áo ca-pôt mở phanh và cổ áo sơ mi rách như sơ mướp.
– Đúng! Xưa kia thì rắn rỏi, nhưng nay đã bị chúng nó làm cho tiều tụy đến thế nầy rồi đây! Con ngựa xám nầy đã bị chúng nó bắt chạy kiệt sức mất rồi!
“Bồi” còn gào lên những gì nữa, nhưng đại đội Cô-dắc đã rẽ sang phố khác, nên Kotliarov không còn trông thấy hắn nữa.
– Có phải “Bồi” đấy không? – Prokho Samin đi sau lưng Kotliarov hỏi.
– Đúng cậu ấy đấy, – Kotliarov trả lời âm thầm, môi run run, vuốt vuốt khẩu súng trường trên vai. Bây giờ chỉ còn khẩu súng nầy làm vợ!
Đại đội ra khỏi thôn thì bắt đầu gặp những người lính bị thương. Đầu tiên từng người lẻ tẻ, nhưng sau có những nhóm vài người một và cuối cùng thì hàng đoàn lốc nhốc. Vài chiếc xe tải bị nhét đầy những người bị thương nặng, gần như không lăn nổi bánh. Những con ngựa già kéo xe gầy đến rợn người. Sống lưng ngựa nhọn hoắt, roi quấl liên hồi làm rách cả da, lộ những đầu xương hổng hồng lấm tấm đỏ, dôi chỗ còn dính những sợi lông những con ngựa thở hồng hộc, gân cổ kéo những chiếc xe bốn bánh, bọt sùi ra đầy những cái mõm chúc xuống gần sát bùn. Đôi khi có một con ngựa đang kéo thì đứng lại. Nó thở phồng hai bên sườn giơ xương hom hem, cố kéo một cách bất lực, cái đầu to tướng vì thân quá gầy gục xuống. Ngọn roi quất xuống đã bức nó phải lê bước. Đầu tiên nó chúi về một bên, rồi chúi thêm một cái về bên kia, cuối cùng làm chiếc xe chuyển bánh và đi tiếp. Những người lính bị thương lốc nhốc vây quanh, bám lấy thành xe, cố lê theo.
– Đơn vị nào thế? – Viên đại đội trưởng Cô-dắc chọn một khuôn mặt hiền lành nhất để hỏi.
– Quân đoàn Turkestan. Sư đoàn ba.
– Mới bị thương hôm nay à?
Người lính bộ binh quay đi, không trả lời. Đại đội Cô-dắc rẽ khỏi đường cái, tiến về phía khu rừng, nom chỉ còn cách chừng nửa vec-xta. Sau lưng họ, các đại đội thuộc trung đoàn 318 Trecnoiasky vừa rời khỏi thôn cũng nặng nhọc dẫm lõm bõm theo tốc độ hành quân của bộ binh. Xa xa, một chiếc khinh khí cầu có dây buộc xuống đất của quân Đức in một vết vàng vàng xám xám lơ lửng không động đậy trên nền trời bạc màu vì mưa bụi.
– Xem kìa, anh em đồng hương, có cái của quái quỷ gì đang lơ lửng trên kia kìa!
– Một khúc xúc xích khổng lồ đấy.
– Cái của chết tiệt, quân đội di động như thế nào, nó ở trên ấy nhìn thấy tất tần tật.
– Thế cậu tưởng chúng nó vô công rồi nghề đem nó thả lên cao như thế đấy phỏng?
– Chà cao ơi là cao?
– Chẳng cao thì thấp à? Đạn pháo có lẽ bắn cũng không tới.
Tới khu rừng thì đại đội đầu tiên của trung đoàn Trecnoiasky đuổi kịp đại đội Cô-dắc. Cho tới hoàng hôn, mọi người đứng sát nhau dưới gốc những cây thông sũng nước. Nước luồn vào trong cổ áo, lạnh rùng cả lưng. Đã có lệnh cấm nhóm lửa, mà của đáng tội, mưa thế nầy thì nhóm lửa cũng không phải chuyện dễ. Mãi khi trời sắp tối, đại đội mới được đưa vào một cái hào ẩn nấp. Đáy hào không sâu lắm, thành hào chỉ qua đầu người một chút, nước lõng bõng đến một phần tám xa-gien. Mùi bùn và lá thông mủn xông lên nồng nặc, lại thêm mùi nước mưa nhạt thếch, dịu dịu. Bọn lính Cô-dắc vén tà áo ca-pôt, ngồi xổm xuống hút thuốc và trao đổi nhau những câu chuyện nhạt nhẽo chốc chốc lại đứt quãng. Chia xong suất thuốc lá hạng tồi phát trước khi ra đi, trung đội hai đứng túm tụm ở một chỗ rẽ, vây quanh tên hạ sĩ của trung đội. Tên hạ sĩ ngồi trên một cuộn dây thép bị vút bỏ, kể chuyện tướng Kopulovsky bị chết trận hôm thứ hai trước. Ngay từ thời hoà bình, gã đã đi lính trong lữ đoàn của viên tướng nầy. Gã chưa kể hết câu chuyện thì viên trung đội trưởng đã hô: “Chuẩn bị tập hợp!” Bọn lính Cô-dắc đứng chổm dậy, cố hút nốt những điếu thuốc, bỏng cả tay. Đại đội lại chui ra khỏi dãy hào, đi vào một khoảng rừng thông mỗi lúc một tối thêm. Họ vừa đi vừa pha trò để làm cho nhau đỡ sợ. Một anh chàng nào đó còn cất tiếng huýt sáo.
Ra tới khoảng rừng trống nhỏ, họ gặp một dãy dài những xác chết. Những cái xác nằm song song, sát vai nhau, đủ mọi kiểu, lắm tư thế nom rất bẩn mắt, rất khủng khiếp. Ngay chỗ có người lính bộ binh mang súng trường đi đi lại lại, mặt nạ phòng hơi độc đeo ở dây lưng, bên cạnh sườn. Quanh đám xác chết, mặt dất ẩm ướt bị dẫm bê bết còn hằn rõ những vết chân người, và vết bánh xe tải ăn sâu xuống cỏ. Đại đội chỉ đi cách dãy xác chết có vài bước. Mùi người chết nặng nề, lờm lợm xông lên nồng nặc. Viên đại đội trưởng cho bọn Cô-dắc đứng lại rồi cùng những tên trung đội trưởng đi tới chỗ người lính gác. Họ nói với nhau những gì không bict. Trong khi đó, bọn lính Cô-dắc phá ròi hàng ngũ, bước tới gần những cái xác. Họ bỏ mũ, nhìn những người bị giết với tâm trạng hồi hộp sợ hãi cố che giấu và cái tò mò của thú vật mà con người sống đều cảm thấy khi đứng trước sự huyền bí của cái chết. Tất cả những người bị giết đều là sĩ quan. Bọn lính Cô-dắc đếm được cả thảy bốn mươi bảy cái xác.
Phần lớn còn trẻ, xem ra chỉ hai mươi tới hai mươi nhăm là cùng, riêng người nằm cuối cùng bên phải, đeo lon thượng uý, đã có tuổi. Hai hàng ria đem rậm rì chảy xuống hai bên miệng mở hoác ra như còn muốn gào nốt tiếng kêu cuối cùng. Hai hàng lông mày rậm nhíu lại, xếch ngược lên rất ngang tàng đã trắng bệch ra sau khi chết. Chỉ vài người bị giết mặc những chiếc áo vét da, bùn lấm bê bết, những người khác đều mặc áo ca-pôt. Hai ba người không có mũ cát-két.
Bọn lính Cô-dắc đặc biệt đứng nhìn rất lâu một viên trung uý, chết rồi mà người vẫn còn rất đẹp. Anh ta nằm ngửa, bàn tay trái đưa lên áp chặt vào ngực, tay phải duỗi sang bên nắm khư khư cán khẩu súng ngắn. Rõ ràng đã có người định lấy khẩu súng, vì trên bàn tay to vàng vàng còn hằn vài vết sây sứt trắng trãng, nhưng bàn tay nắm chắc như thép đã nhất định không chịu mở ra. Cái đầu có bộ tóc xoăn màu bạch kim đã rơi mất mũ, áp một bên má xuống đất như làm nũng. Cặp môi màu da cam hơi mang ánh xanh xanh, méo xệch đi, nửa như đau khổ, nửa như ngạc nhiên. Người bên cạnh anh ta lại nằm xấp mặt xuống đất, cái áo ca-pôt bị bật đai phồng lên như cái bướu trên lưng, lật ra để lộ hai chân rất khoẻ, với những bắp thịt hằn rõ dưới quần kaki. Đế của đôi ủng dạ bốc-can đều trẹo sang bên.
Đầu anh ta không còn mũ, cả nửa trên sọ cũng không còn vì đã bị mảnh đạn pháo phạt ngọt đi rồi. Một chất nước hồng hồng: nước mưa, nhấp nhoáng trong cái sọ rỗng, giữa một vành tóc đâm cứng lại như những que băng. Sau anh ta là một người vạm vỡ, lùn lùn, một cái vét da mở phanh và chiếc áo quân phục rách mướp. Người nầy không có mặt. Hàm dưới nằm vẹo trên bộ ngực trần, còn dưới bộ tóc có thể thấy một dải hẹp của cái trán với đám da cháy xém, cuộn lại thành những cái ống nhỏ. Giữa quai hàm và nửa trên trán chỉ còn những mẩu xương vụn và một thứ cháo vữa lầy nhầy chỗ đen chỗ đỏ. Sau nữa là một đống lẫn lộn những mẩu chân tay, những mảnh áo ca-pôt được nhặt nhạnh vào một chỗ, một mẩu chân nát bét được đặt thay vào chỗ các đầu. Người nằm xa chút nữa hoàn toàn còn là một thiếu niên với cặp môi mọng mọng và khuôn mặt trái xoan. Một tràng đạn súng máy đã cắt ngang ngực nó, bốn chỗ thủng hiện rõ trên chiếc áo ca-pôt, những túm lông cháy xém lồi ra ở các lỗ thủng.
– Cái cái thằng nhỏ nầy lúc sắp chết đã gọi ai nhỉ? Gọi mẹ chăng? – Kotarov hỏi lắp bắp, hai hàm răng anh đập lập cập. Anh nói xong quay phắt đi, chậm chững bước ra chỗ khác như người mù.
Bọn lính Cô-dắc làm dấu phép hấp tấp bỏ đi, không ngoái lại nữa.
Từ lúc ấy mọi người ngậm tăm rất lâu, cứ lầm lì len lỏi trong khoảng rừng trống hẹp, chỉ mong xua khỏi được đầu óc mình những điều vừa trông thấy. Đại đội dừng lại gần một dãy những hầm mỏ bỏ không, đào rất gần nhau. Các sĩ quan bước vào một cái hầm cùng với người liên lạc vừa đi ngựa lừ trung đoàn bộ trung đoàn Trecnoiasky tới. Mãi lúc đó gã mặt rỗ Afonka Ozerov mới nắm lấy tay Kotliarov, khẽ bảo:
– Nầy, cái thằng nhỏ… thằng cuối cùng ấy… cậu xem đấy, có lẽ suốt đời nó chưa từng hôn con bé nào bao giờ… Giết nó đi như thế thì còn trời đất nào nữa?
– Sao chúng nó lại bị khiêng đến đây như thế nhỉ? – Dakha Korolev nói xen vào.
– Bọn nầy đã lên tấn công đấy.- Thằng bộ binh đứng gác cái xác chết bảo như thế.
Bọn lính Cô-dắc đứng lại trong tư thế “nghỉ”. Bóng đêm đã trùm lên khắp cánh rừng. Gió đuổi theo những đám mây, thổi tan ra, để lộ những ngôi sao xa lắc nom như những hòn than màu tím nhạt.
Trong khi đó, trong căn hầm có bọn sĩ quan của đại đội tập họp, viên đại đội trưởng cho tên lính liên lạc trở về rồi mở phong bì, soi nến xem qua nội dung và đọc to:
“Rạng sáng ngày mồng ba tháng mười, quân Đức đã dùng hơi ngạt làm ba tiểu đoàn của trung đoàn 256 trúng độc rồi chiếm tuyến thứ nhất trong các chiến hào của ta. Tôi ra lệnh cho ngài tiến tới tuyến chiến hào thứ hai, bắt liên lạc với tiểu đoàn một trung đoàn 318 Trecnoiasky, chiếm lĩnh một khu vực trên tuyến chiến hào thứ hai để ngay đêm nay đánh bật quân địch ra khỏi tuyến chiến hào thứ nhất. Ở sườn bên phải của các ngài sẽ có hai đại đội tiểu đoàn hai của trung đoàn Fanagorisky sư đoàn trịch đạn binh số ba”
Sau khi nhận định tình hình và hút xong mỗi người một điếu thuốc, các sĩ quan ra khỏi hầm. Đại đội Cô-dắc lại tiếp tục tiến lên.
Trong khi đại đội Cô-dắc nghỉ ngơi bên cạnh căn hầm, tiểu đoàn một của trung đoàn 

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.