Các đơn vị thuộc quân đoàn kỵ binh số ba và sư đoàn Tuzemnaia điều về Petrograd chuyển quân với những khoảng cách rất lớn trên tám tuyến đường sắt: Rêven, Vêdenbéc, Nácva, Yamburg, Vưricha, Dno, Pskov, Luga. Tất cả các ga xép và ga tránh xe đều đầy những đoàn tàu nhà binh chạy chậm rề rề vì nghẽn đường. Các sĩ quan chỉ huy cấp trên không còn có thể tác động chút gì tới tinh thần các trung đoàn, các đại đội bị phân tán mất hết liên lạc với nhau.
Tình hình đã rắc rối lại càng rắc rối thêm, vì ngay trên đường hành quân, quân đoàn cùng sư đoàn Tuzemnaia phối thuộc với nó phải được biên chế lại thành một tập đoàn quân. Muốn vậy cần phải tiến hành một đợt điều thuyên chuyển khá lớn, phải tập hợp những đơn vị đang phân tán, phải sắp xếp lại các đoàn tàu. Tất cả những việc đó gây ra tình trạng rối như bòng bong, trống đánh xuôi kèn thổi ngược, các mệnh lệnh nhiều khi không ăn khớp với nhau, không khí đã căng thẳng như đầu óc người lên cơn thần kinh lại càng bị hun nóng.
Tuyến đường nào cũng bị các công nhân và viên chức của ngành đường sắt hoạt động chống lại, các đoàn tầu của quân đội Kornilov cố vượt các khó khăn, từ từ bò về Petrograd có những lúc dồn ứ lại ở các ga đầu mối nhưng rồi lại tản ra.
Trong những ngày sơn đỏ của các toa xe, bên cạnh những con ngựa đói dở đã tháo yên cương, có những con người cũng ăn không đủ no bị lèn như cá hộp: những binh sĩ Cô-dắc các quân khu sông Đông, Usuri, Orelburg, Nectrisk và Amur, những người Ingus, Cherket, Kabarda, Oset, Dagestan. Các đoàn tầu nhà binh chờ đến lượt chuyển bánh, phải nằm lại hàng giờ ở các ga, bọn kỵ binh đổ ào ào từ các toa xe xuống, đứng lúc nhúc như châu chấu trong các phòng đợi, kéo đàn kéo lũ đi trên các đường tàu. Chúng ăn sạch tất cả những cái gì ăn được mà các đoàn tàu đi trước còn để lại, lấy cắp của nhân dân, phá kho lương thực.
Những nẹp quần Cô-dắc vàng vàng đỏ đỏ, những cái áo vét lộng lẫy của long kỵ binh, áo tréc-két-ca của các dân tộc miền núi… Phong cảnh thiên nhiên miền Bắc vốn dè sẻn mầu sắc, chưa từng thấy muôn mầu phối hợp phong phú như thế nầy.
Ngày hai mươi chín tháng tám, lữ đoàn ba của sư đoàn Tuzemnaia do công tước Gagarin chỉ huy đã tiếp cận với địch ở gần Paplovsk. Hai trung đoàn Ingusky và Cherket tiến trên đầu sư đoàn phát hiện thấy đường sắt bị phá hoại, bèn xuống tầu và hành quân đi bộ về hướng Traskoie Xelo. Những toán trinh sát của trung đoàn Ingusky len lỏi tới nhà ga Somrino. Hai trung đoạn từ từ triển khai tấn công, đánh đồn Xích vệ, chờ các đơn vị khác của sư đoàn đến đủ. Song các đơn vị đã tới ga Dno còn chờ tàu chuyển bánh. Một số đơn vị còn chưa tới được ga nầy.
Công tước Bagraction, sư đoàn trưởng sư đoàn Tuzemnaia đang trong trang trại riêng cách nhà ga không xa lắm để chờ đợi các đơn vị còn lại tới tập trung đầy đủ, vì dại gì mà liều lĩnh cho binh sĩ cưỡi ngựa hành quân tới Vuricha.
Ngày hai mươi tám, Bagration nhận được của bộ tư lệnh Mặt trận miền Bắc bản sao bức điện sau đây:
“Đề nghị truyền đạt với quân đoàn trưởng Quân đoàn ba và các thủ trưởng sư đoàn sông Đông số một, sư đoàn Usuri và sư đoàn Tuzemnaia ở Kavkaz mệnh lệnh của Tổng tư lệnh tối cao là nếu vì những hoàn cảnh bất ngờ nào đó mà gặp khó khăn trong việc hành quân bằng đường sắt. Tổng tư lệnh tối cao ra lệnh cho các sư đoàn tiếp tục vận dộng bằng cách hành quân trên đường cái. Ngày 27 tháng tám năm 1917. Số 6411. Romanovsky”.
Khoảng chín giờ sáng, Bagration đánh điện báo cho Kornilov biết rằng hồi 6 giờ 40 phút sáng, hắn đã được đại tá Vagratuni, tham mưu trưởng Quân khu Petrograd chuyển cho mệnh lệnh của Kerensky bắt phải cho tất cả các đoàn tầu nhà binh quay trở về và hiện nay các đoàn tầu của sư đoàn đang bị giữ lại trên quãng đường từ ga tránh xe Gatka đến Oredot, vì theo lệnh của Chính phủ lâm thời, ngành đường sắt không được phát giấy lộ trình.
Tuy Bagration có nhận được quyết định của Kornilov nói rõ ràng: “Gửi công tước Baglation. Tiếp tục chuyển quân bằng đường sắt. Nếu không thể dùng đường sắt được nữa thì hành quân trên đường cái tới Luga, tại đấy sẽ hoàn toàn chịu quyền chỉ huy của tướng quân Krumov”, hắn vẫn không quyết định cho các đơn vị dưới quyền hành quân trên đường cái và cứ ra lệnh cho quân đoàn bộ lên các toa xe.
Trung đoàn trong đó Evgeni Litnhiki đã từng phục vụ cùng các trung đoàn khác trong biên chế của sư đoàn Cô-dắc sông Đông số một được chuyển về phía Petrograd theo tuyến đường sắt Rêven – Vêdenbéc – Nácva. Năm giờ chiều ngày hai mươi tám, đoàn tàu chở hai đại đội của trung đoàn nầy tới Nácva. Viên chỉ huy đoàn tàu nhà binh được biết rằng đến đêm tàu không thể lại lên đường vì đoạn đường sắt giữa Nácva và Yamburg đã bị phá hoại, và một bộ phận của tiểu đoàn sắt đã được phái đến đấy bằng một đoàn tàu hoả tốc. Sáng mai, nếu kịp chữa xong đoạn đường, đoàn tầu sẽ chuyển bánh.
Dù muốn hay không, viên chỉ huy đoàn tàu nhà binh cũng bắt buộc phải đồng ý. Hắn vặc rầm lên một trận, leo lên toa xe của hắn, cho bọn sĩ quan biết tin rồi ngồi vào bàn uống trà.
Đêm hôm ấy trời u ám. Một làn gió đầy hơi ẩm, lạnh thấu xương thổi từ ngoài vịnh. Trên đường sát, anh em Cô-dắc âm thầm nói chuyện với nhau trong các toa xe. Những con ngựa lo lắng vì những tiếng đầu máy rúc còi, chốc chốc lại đập móng xuống sàn gỗ. Ở đuôi đoàn tầu có một gã Cô-dắc trẻ tuổi ngồi hát trong bóng tối, không biết hắn muốn kể khổ với ai.
Thôi vĩnh biệt tỉnh thành, thị trấn
Vĩnh biệt người, thôn xóm thân yêu
Thôi vĩnh biệt cô em tươi trẻ,
Vĩnh biệt em, đoá hoa biếc nhỏ nhoi!(1)
Nhớ khi trước, sớm chiều gần gụi,
Bàn tay anh nắm chặt tay em,
Nhưng em hỡi, nay sớm chiều dòi đõi,
Dựa bên anh, còn khẩu súng nầy thôi…
Từ sau ngôi nhà xám xịt, to lù lù của kho hành lý, có một người bước ra. Người ấy đứng lại một lát, vừa lắng nghe tiếng hát và nhìn theo đoạn đường ray in lốm đốm những ánh đèn vàng ệch rồi mạnh dạn bước về phía đoàn tàu nhà binh. Chân anh ta bước nhẹ nhàng, khi dậm trên các tà vẹt còn có tiếng trầm trầm, nhưng khi bước xuống lớp đất sét nện cứng thì không còn nghe thấy gì nữa. Người ấy đi tránh toa xe cuối cùng, nhưng gã Cô-dắc đứng ở cửa xe ngừng tiếng hát và gọi anh ta:
– Ai?
– Thế cậu đợi ai đấy? – Người kia miễn cưỡng trả lời nhưng không dừng bước.
– Đêm hôm khuya khoắt thế nầy còn láng cháng ở đây làm gì hử? Cái bọn đầu trộm đuôi cướp chúng mày, bọn ông thì nện cho nhừ tử! Định nhòm ngó xem có cái gì sơ hở để xoáy có phải không?
Người kia không trả lời, cứ đi tiếp đến giữa đoàn tàu, rồi ngó đầu vào khe cửa một toa xe và hỏi:
– Đại đội nào thế?
– Đại đội nhà pha – Trong bóng tối có tiếng cười khà khà.
– Mình hỏi có việc đấy, đại đội nào thế?
– Đại đội hai.
– Thế trung đội bốn đâu?
– Đếm từ đầu là toa thứ sáu.
Ba anh chàng Cô-dắc đang hút thuốc bên cạnh toa xe thứ sáu tính từ đầu máy. Một người ngồi xổm, hai người đứng cạnh đấy. Cả ba lặng thinh nhìn người đang đi tới gần họ.
– Chào anh em đồng hương.
– Ơn Chúa! – Một người nhìn chằm chằm vào mặt người lạ trả lời.
– Nikita Dulgin còn sống không? Cậu ấy có ở đây không?
– Mình đây – Người ngồi xổm trả lời bằng một giọng nam cao véo von như hát rồi đứng dậy, lấy gót ủng di di điếu thuốc. – Mình không nhận được ra cậu. Cậu là ai thế? ở đâu đến thế? – Anh ta vươn bộ mặt râụ ria xồm xoàm cố nhận ra người lạ. Người nầy mặc áo ca-pôt, đầu đội chiếc mũ cát-két binh sĩ nhầu nát. Bỗng anh lính Cô-dắc ngạc nhiên kêu lên – Ilia! Buntruc phải không? Người anh em thân mến của mình, ma quỷ nào xách cổ cậu về đây thế nầy?
Anh ta đưa bàn tay sần sùi ra nắm lấy bàn tay đầy lông lá của Buntruc một lát rồi cúi xuống khẽ nói:
– Đây toàn là anh em mình, cậu đừng sợ. Cậu từ đâu mò về đây thế nầy? Nói đi chứ, ma quỷ bắt cậu đi!
Buntruc chào hai anh chàng Cô-dắc kia rồi trả lời bằng một giọng yếu ớt, trầm trầm như tiếng gang:
– Mình ở Petrograd về, mất bao nhiêu công sức mới tìm thấy các cậu. Có việc phải làm đấy. Cần phải bàn với các cậu.
– Người anh em ạ, mình thấy cậu còn sống, còn khoẻ mạnh là mình mừng lắm.
Buntruc mỉm cười. Trên khuôn mặt rất to có vầng trán mênh mông, răng của anh hiện ra trắng loá, cặp mắt long lanh, ấm áp, vui vẻ, nhưng trầm tĩnh.
– Có việc bàn với nhau à? – Anh chàng râu xồm lại nói véo von với cái giọng nam cao. – Cậu là sĩ quan mà cũng đi lại chơi bời với bọn mình. Cám ơn cậu, và ơn Chúa, nếu không chúng mình đây đừng hòng được nghe một lời thân mật âu yếm… – Trong giọng nói của Dulgin thoáng có ý trêu chọc, nhưng hồ hởi, không có gì ác ý.
Buntruc cũng thân mật pha trò:
– Được thôi, rồi sẽ có đủ chuyện cho cậu phá quấy! Cậu vẫn chẳng bỏ cái tính nghịch ngợm một chút nào! Nhưng cứ pha trò nữa đi râu cậu dài quá rốn rồi đấy.
– Râu ria thì bọn mình có thể cạo bất cứ lúc nào cũng được. Nhưng cậu hãy cho biết tình hình ở Petrograd như thế nào đã? Bắt đầu có bạo động rồi à?
– Ta vào trong toa đã, – Buntruc đề nghị, giọng đầy hứa hẹn.
Bốn người leo lên toa xe, Dulgin đưa chân lay một anh chàng nào đó, khẽ gọi:
– Dậy đi các cậu! Có một nhân vật đến thăm bọn mình giữa lúc đang cần đây. Nào, mau lên các thầy quyền, quàng quàng lên!
Đám Cô-dắc è è trong họng, lổm ngổm đứng dậy. Có hai bàn tay không biết của ai, hai bàn tay rất to, nặc mùi thuốc lá và mùi mồ hôi ngựa, nhẹ nhàng sờ soạng trong bóng tối trên mặt Buntruc lúc nầy đang ngồi trên một cái yên ngựa. Một giọng trầm đặc sệt như dầu ma-dút hỏi:
– Buntruc đấy à?
– Mình đây. Còn cậu, Trikamasev đấy phải không?
– Mình đây, mình đây. Chào cậu, anh bạn thân mến!
– Chào cậu – Mình chạy ngay đi gọi anh em trung đội ba nhá?
– Phải, phải! Quàng lên đi!
Trung đội ba đến gần đủ, chỉ để lại hai anh chàng coi ngựa. Anh em Cô-dắc lại gần Buntruc, họ nhìn những bàn tay sần sùi to như lát bánh mì gối bắt tay anh, họ khom người dưới ánh đèn bão, nhìn vào khuôn mặt rộng bè bè và hơi âm thầm của anh, họ gọi anh, khi là Buntruk, khi là Ilia Mitơrit, khi là Ilinsa, nhưng trong tất cả các giọng nói đều chỉ có thể cảm thấy một vẻ vồn vã thân mật, ấm áp.
Trong toa xe bắt đầu thấy ngột ngạt. Ánh đèn nhảy múa trên những thành xe làm bằng ván ghép, những cái bóng không ra hình thù gì cả đung đưa và to ra, ngọn đèn bốc khói mù mịt, ánh đèn vàng khè nhớp nhúa.
Mọi người niềm nở kéo Buntruc tới gần ngồi ở chỗ sáng. Những người phía trước thì ngồi xổm, còn lại bao nhiêu đều đứng vây quanh, chen chúc như nêm. Dulgin húng hắng ho, rồi cất cái giọng nam cao nói:
– Ilia Mitơrit ạ, hôm nọ chúng mình có nhận được thư của cậu, nhưng vẫn muốn được nghe cậu nói, để được cậu bảo cho biết sau nầy bọn mình sẽ phải làm như thế nào. Chúng nó đang lôi bọn mình đi Petrograd, thế thì làm thế nào bây giờ?
– Mitơrit ạ, cậu thử xem trời đất bây giờ như thế nào? – Gã Cô-dắc đứng ở ngay cửa toa xe nói, một chiếc vòng lủng lẳng dưới cái dái tai nhăn nhúm. Chính gã đã từng bị Evgeni Litnhiki làm nhục không cho nấu nước trà bên lá chắn súng máy trong chiến hào – Đã có những thằng tuyên truyền đủ loại đến đây khuyên can bọn mình, nào là các cậu đừng đi Petrograd, nào chúng ta không đánh lẫn nhau làm gì. Chúng nó còn nói nhiều ý khác, nhưng đại loại đều như thế cả. Bọn mình nghe thì cứ nghe, nhưng chẳng tin gì chúng nó. Chúng nó không phải là anh em mình. Chưa biết chừng chúng nó muốn đưa bọn mình đến chỗ chết cũng nên, ai biết đâu mà ăn cỗ? Nếu từ chối không đi thì Kornilov sẽ kéo bọn Cherket đến đây và lại đổ máu. Còn cậu là anh em nhà, là dân Cô-dắc, bọn mình rất tin cậu và thậm chí rất cám ơn cậu đã viết thư từ Petrograd về cho bọn mình, lại gửi cả báo nữa… Bọn mình thú thực là ở đây đang thiếu giấy cuộn thuốc ghê gớm, vừa may nhận được báo…
– Cậu nói tầm bậy tầm bạ những gì thế hả, đầu óc gì mà ngu khổ ngu sở? – Một gã khác bực mình ngắt lời gã đeo vòng tai. – Cậu là một thằng mù chữ nên cứ tưởng mọi người đều tối tăm như cậu phải không? Cậu nói như bọn mình đem báo ra cuộn thuốc hút ấy?
– Cậu Ilia Mitơrit ạ, những tờ báo ấy bọn mình thường là cứ đọc từ đầu đến cuối đấy.
– Nó nói láo đấy, đồ quỷ, đồ sâu thuốc!
– “Đem cuộn thuốc hút”, thế mà cũng mở mồm ra nói!
– Nói với thằng ngu thì chẳng khác gì vạch đầu gối ra mà nói!
– Các cậu ạ, có phải là mình muốn nói như thế đâu, – Gã Cô-dắc đeo vòng tai chống chế. – Tất nhiên là đầu tiên đem báo ra đọc đã…
– Chính ngài đọc ấy à?
– Mình thì chữ nghĩa chẳng có… mình chỉ muốn nói rằng đầu tiên mọi người đọc đã, rồi sau mới đem ra hút thuốc…
Buntruc tủm tỉm cười, ngồi xuống một yên ngựa rồi đưa mắt nhìn anh em Cô-dắc một lượt. Anh cảm thấy ngồi mà nói thì không tiện, bèn đứng dậy xoay lưng về ánh đèn rồi bắt đầu nói, giọng chậm rãi, gần như miễn cưỡng:
– Các cậu chẳng phải đến Petrograd làm gì. Trên ấy chẳng có bạo động bạo điếc gì đâu. Các cậu có biết chúng nó định xách cổ các cậu lên trên ấy làm gì không? Để lật đổ Chính phủ lâm thời đấy… Đúng thế đấy! Đứa nào bắt các cậu đi? – Thằng Kornilov, tướng của vua Nga. Thế nó cần phải hất cẳng Kerensky để làm gì? Để chính nó ngồi vào chỗ của Kerensky. Các cậu cẩn thận đấy, anh em đồng hương ạ? Chúng nó định tháo khỏi cổ các cậu một cái ách bằng gỗ, và nếu chúng nó lồng được một cái ách khác vào thì lần nầy sẽ là bằng thép đấy! Nếu bắt buộc phải chịu một trong hai tai hoạ thì hãy chọn tai hoạ nào đỡ khổ hơn. Có phải thế không nào? Đấy các cậu tự ngẫm mà xem: dưới chế độ vua Nga, chúng nó quạng gãy răng các cậu. Rồi dưới chế độ Kerensky, chúng nó cũng không để cho mình được yên, nhưng không đánh gãy răng mình. Sau Kerensky, khi nào chính quyền chuyền sang tay người Bolsevich, tình hình sẽ hoàn toàn khác hẳn. Người Bolsevich không muốn chiến tranh. Nếu họ nắm được chính quyền thì lập tức sẽ hoà bình ngay. Mình không ủng hộ Kerensky, quỷ dữ là anh em của nó, tất cả chúng nó đều một duộc cả thôi – Buntruc mỉm cười đưa tay áo lên lau mồ hôi trán rồi nói tiếp – Nhưng mình kêu gọi các cậu không nên làm đồ máu anh em công nhân. Nếu là chính quyền của Kornilov thì nước Nga sẽ ngập đến đầu gối trong máu của thợ thuyền, dưới chính quyền của nó sẽ càng khó dành được chính quyền để đặt nó vào tay nhân dân lao động.
– Hượm một chút đã, Ilia Mitơrit! – Một gã Cô-dắc đứng ở một hàng sau bước lên. Người gã nhỏ bé, béo lùn cũng như Buntruc. Gã húng hắng ho, xoa hai tay dài ngoẵng, sần sùi như hai đoạn rễ sồi già cỗi chìm dưới nước, và nhìn Buntruc bằng cặp mắt tươi cười màu xanh lá cây nhạt, lấp lánh như hai cái lá non – Cậu vừa nói đến chuyện cái ách… Thế người Bolsevich đoạt được chính quyền rồi thì họ sẽ lọng vào cổ chúng ta cái ách bằng gì?
– Cậu làm sao thế? Tự mình lại đem ách quàng vào cổ mình hay sao?
– Tự mình là nghĩa thế nào?
– Dễ hiểu lắm. Dưới chế độ Bolsevich ai sẽ nắm chính quyền? Cậu sẽ nắm, nếu người ta bầu cậu lên, hoặc là Dulgin, hoặc là nhà bác kia cũng được. Chính quyền do nhân dân bầu ra. Hội đồng Xô viết. Cậu hiểu chưa?
– Thế mãi tít trên kia là ai?
– Cũng là người nào được bầu ra. Người ta mà bầu cậu thì cậu sẽ lên ngồi “mãi từ trên kia”.
– Thật thế ư? Cậu không nói bậy đấy chứ, Mitơrit?